Phát hiện mới liên quan chủ quyền Hoàng Sa

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 2565)



 

Cập nhật: 11:05 GMT - thứ hai, 14 tháng 9, 2009

Phát hiện mới liên quan chủ quyền Hoàng Sa

mshs-02

Châu bản có bút tích của vua Bảo Đại


Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế vừa phát hiện trong tủ sách gia đình một châu bản từ thời vua Bảo Đại liên quan tới chủ quyền tại Hoàng Sa.

Vợ ông Phan Thuận An là người dòng dõi hoàng tộc. Hiện gia đình sống tại 31 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế.

Châu bản đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ mười ba, tức là ngày 03/02/1939 Dương lịch, do Tổng lý Đại thần Phạm Quỳnh ký tên, "tâu lên Hoàng đế" đề nghị ban chuẩn huân chương cho một người Pháp.

Ông An cho đài BBC biết người Pháp được đề nghị ban thưởng là ông Louis Fontan, cai quản lính Khố xanh trên đảo Hoàng Sa, vừa chết vì bệnh sốt ác tính hai ngày trước ngày ra châu bản.

Ông cũng nói châu bản này được vua Bảo Đại phê chuẩn lập tức, và bút tích của Ngài bằng mực đỏ với chữ "Chuẩn y - BD (Bảo Đại)" vẫn còn rõ ràng trên giấy.

Trước khi Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh thảo châu bản, ông đã nhận được thư của Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil viết bằng tiếng Pháp, đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huân chương cho ông Fontan.

Thư của khâm sứ Graffeuil ghi rõ ông Fontan là Chánh cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh, chết tại nhà thương Huế vì bệnh typhus (thương hàn) mà ông mắc phải trong thời gian công tác tại đảo Hoàng Sa.

Theo ông Phan Thuận An, châu bản này chứng tỏ rằng trong thời gian trước Đại chiến thế giới lần hai, Việt Nam đã giữ chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.

Trước đây vài tháng, ông An cũng công bố một châu bản khác xin ban thưởng cho lính khố xanh người Việt từng đóng tại Hoàng Sa thời Bảo Đại.

Các nỗ lực tìm kiếm bằng chứng công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang được tăng cường trong thời gian gần đây.

Hồi tháng Tư, Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, hành động khiến Trung Quốc phản đối.

Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này từ sau trận hải chiến ngày 19/01/1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Báo Tuổi Trẻ, hiện đang chạy loạt bài về trận hải chiến Hoàng Sa, đã phải tạm dừng mấy ngày không rõ vì lý do gì.

Dư luận trong nước ngày càng tỏ ra quan tâm tới vấn đề chủ quyền biển đảo sau các động thái mạnh bạo của Trung Quốc tại Biển Đông.



Cập nhật: 15:07 GMT - Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Tìm thấy sắc chỉ cổ về Hoàng Sa

mshs-01

Gia tộc họ Đặng đã gìn giữ sắc chỉ hơn 100 năm nay


Tại tỉnh Quảng Ngãi, người ta vừa phát hiện một sắc chỉ bốn trang của Triều đình nhà Nguyễn liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, được gia tộc họ Đặng, ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gìn giữ nhiều đời nay.

Được biết đây là sắc chỉ vua Minh Mạng phái một đội thuyền với 24 lính thủy ra đảo Hoàng Sa năm Ất Mùi (1835) để làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Giới chuyên gia cho hay, sắc chỉ của vua viết: "Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao ông Đặng Văn Siểm - người có kinh nghiệm đi biển làm người dẫn đường, giao Võ Văn Công đi cùng đội thuyền phụ trách hậu cần..."

Ông Đặng Lên, 69 tuổi, người thuộc gia tộc họ Đặng đang giữ văn bản cổ này, cho biết sáu đời trước, cụ kỵ ông là một vị đà công xuất sắc, từng lấy thuyền ra ngoài đảo xa thuộc Hoàng Sa để bảo vệ biên cương của tổ quốc.

"Tên tuổi những người đi cùng đều có ghi lại rõ."

Gia đình ông quyết định báo cho nhà nước vì cho sắc chỉ mà họ đang giữ trong tay là "vật quý của ông cha, mà con cháu lâu nay không biết dùng", giờ được phổ biến rộng rãi có thể giúp các thế hệ sau biết nhiều hơn về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Ông Lên nói: "Tôi cũng có nghe nay Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Người đi đảo đánh cá cũng không ra được nữa".

"Đất nước của mình bị chiếm cứ vậy tôi rất buồn."

"Tôi là người quê mùa, nhưng cũng biết thời đó mình đã có người ra giữ Hoàng Sa, thì theo địa dư, Hoàng Sa là của người Việt Nam."



 

Cập nhật :06:47 GMT - Thứ Tư, 18 Tháng 3, 2009

Hội thảo đầu tiên về chủ quyền biển Đông

mshs-04

Lần đầu tiên có hội thảo chính thức về tranh chấp chủ quyền biề̉n Đông

Lần đầu tiên hôm 17/3, giới học giả Việt Nam có hội thảo chính thức về tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, chủ đề vẫn bị coi là 'nhạy cảm'.

Điều đáng chú ý là hội thảo "Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế" được tổ chức trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới tại khu vực biển mà sáu quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, gần như chỉ có sự quy tụ của giới học thuật, chuyên gia và một số nhà báo, không có quan chức nhà nước.

Trong một ngày, 14 diễn giả đã đọc tham luận chia làm ba nhóm chủ đề: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng tại biển Đông; Luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền tại biển Đông; Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vai trò của Trung Quốc như một cường quốc đang lên trong tương quan biển Đông được đặc biệt chú ý trong quá trình thảo luận.

Một diễn giả đã nhấn mạnh về chính sách của Bắc Kinh trong thời đại mới, rằng Trung Quốc "rất chú trọng đến việc chuẩn bị dư luận trong vấn đề biển Đông", "không từ bỏ một thủ đoạn nào, diễn đàn nào để khẳng định chủ quyền của mình".

Trong khi đó, dư luận Việt Nam chưa được tiếp cận thông tin về các sự thực lịch sử, các cơ sở pháp lý của Việt Nam trong tranh chấp biển Đông.

Có diễn giả cảm thán: "Từ 1909 đến nay, đúng một thế kỷ tranh chấp chủ quyền về biển Đông. Nhưng Việt Nam chưa biết sử dụng kết quả nghiên cứu, chưa biết tập hợp lực lượng".

"Người nghiên cứu cứ thấy mình đang làm một việc mà như giấu diếm, như bất hợp pháp vậy. Trong khi đó, Trung Quốc đào tạo và công bố tài liệu và rao giảng khắp thế giới."

Kêu gọi đồng thuận

Ba khía cạnh của chủ quyền tại biển Đông được bàn tới là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, và tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó dựa theo đường phân định chữ U mà nước này đưa ra, Trung Quốc chiếm gần như trọn khu vực biển Đông.

Việt Nam chưa biết sử dụng kết quả nghiên cứu, chưa biết tập hợp lực lượng.

Có ý kiến nhận định, Hoàng Sa sau trận thủy chiến giữa quân Trung Quốc và quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1974, đã hoàn toàn vào tay Trung Quốc, "không thể lấy lại được". Do vậy, "vấn đề nút, nóng, là quần đảo Trường Sa".

Những người tham gia hội thảo cho rằng cần vận động sự đồng thuận của xã hội (kể cả người VN ở nước ngoài) trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ, công khai hóa thông tin, thu hút sự quan tâm của các cấp, kể cả cao cấp nhất và "mở rộng dư luận để mọi người đều biết, đều có trách nhiệm về vấn đề chủ quyền biển".

Thậm chí còn có đề xuất đem vào trường học chương trình giảng dạy và nghiên cứu về chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa.

Hồ sơ pháp lý của Việt Nam cũng phải được chuẩn bị đầy đủ trong nỗ lực tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao và đàm phán quốc tế.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được trích lời nói: "Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên và phải là chính".

Việt Nam, theo một số chuyên gia, cần tận dụng thời cơ khi các nước trong khu vực đang đẩy vấn đề này rất quyết liệt, và dựa trên quan hệ đa phương nhất là với ASEAN để đàm phán về lãnh thổ.

Họ cũng khuyến cáo Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa, và chính phủ Việt Nam phải có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, thay vì chỉ có chiến lược kinh tế biển như hiện nay.



16:38 - 09 2009 - 19 1387

Đăng ký thềm lục địa mở rộng trước 13/05/2009

Dương Danh Huy, Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông

Viết cho BBCVietnamese.com từ Oxford

Phân định chủ quyền giữa các nước trong tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp

Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có đặc quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển.

UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.

Quy định về thềm lục địa mở rộng

Theo UNCLOS, thềm lục địa mở rộng của nước ven biển không được ra xa hơn bất cứ "đường công thức" hay "đường giới hạn" quy định như sau:

1. Đường công thức: Nước ven biển có thể kết hợp 2 đường sau để vạch đường công thức sao cho có lợi nhất cho mình:

a. Đường Hedberg: Đường nối các điểm cách chân dốc thềm lục địa không quá 60 hải lý.

b. Đường Gardiner: Đường nối các điểm nơi đá trầm tích dày hơn 1% khoảng cách tới chân dốc thềm lục địa.

2. Đường giới hạn: Nước ven biển có thể kết hợp 2 đường sau để vạch đường giới hạn sao cho có lợi nhất cho mình:

a. Đường cách đường cơ sở 350 hải lý.

mshs-03

Bản đồ 1: Minh hoạ quy định về ranh giới thềm lục địa mở rộng

b. Đường cách đường đẳng sâu 2500 m (là đường nối liền các điểm có độ sâu 2500 m) 100 hải lý.UNCLOS quy định là nước ven biển phải đăng ký yêu sách về phạm vi của thềm lục địa mở rộng với Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) trong vòng 10 năm kể từ khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực với nước đó hay từ khi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa ban hành hướng dẫn khoa học kỹ thuật về ranh giới thềm lục địa, ngày 13/05/1999. Nếu nước ven biển không đăng ký kịp thời hạn thì vùng thềm lục địa mở rộng đó có thể được ban cho nước đăng ký kịp thời hạn, hay có thể được cho là tài sản chung của nhân loại.

Sau khi nhận được hồ sơ của nước ven biển, CLCS sẽ khuyến nghị về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này. Nếu nước này vạch ranh giới theo khuyến nghị đó thì ranh giới đó sẽ có tính chất ràng buộc vĩnh viễn.

Đường cơ sở

Trong việc khuyến nghị, nếu CLCS cần xác định là thềm lục địa của nước ven biển có thật sự ra cách đường cơ sở hơn 200 hải lý, hay nếu nước ven biển muốn dùng đường giới hạn 350 hải lý trong việc giới hạn thềm lục địa mở rộng, thì CLCS có thể yêu cầu nước ven biển xác định đường cơ sở của mình.

Trên thực tế, đường cơ sở của nước ven biển có thể không phù hợp với UNCLOS và đã bị những nước khác phản đối, thí dụ như đường cơ sở 1982 của Việt Nam và đường cơ sở 1996 của Trung Quốc. Trong trường hợp này, CLCS có thể khuyến nghị nước ven biển về phương pháp để tính đường giới hạn 350 hải lý, thí dụ như tính đường này từ một đường ad hoc phù hợp với quy định của UNCLOS về đường cơ sở, thay vì tính từ đường cơ sở của nước đó.

Tranh chấp chủ quyền

CLCS không có thẩm quyền để phân xử tranh chấp chủ quyền đối với vùng đất được dùng làm cơ sở để đăng ký thềm lục địa mở rộng, hay tranh chấp do các vùng biển của các nước khác nhau nằm chồng lấn lên nhau. Trong trường hợp tồn tại tranh chấp, các nước trong tranh chấp có thể tiến hành như sau:

• Đăng ký toàn bộ thềm lục địa mở rộng, nêu rõ những vùng bị tranh chấp.

• Chỉ đăng ký yêu sách cho phần không bị tranh chấp và sẽ đăng ký yêu sách cho phần bị tranh chấp sau, có thể sau hạn định 10 năm.

• Một số nước trong tranh chấp có thể đăng ký chung phần chỉ có những nước này tranh chấp và những nước này sẽ phân định phần này với nhau sau.

CLCS chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận với việc đó. Tuy việc đăng ký với CLCS và khuyến nghị của CLCS không ảnh hưởng tới việc phân định chủ quyền giữa các nước trong tranh chấp Biển Đông, tranh chấp này sẽ ảnh hưởng tới việc các nước trong tranh chấp nên đăng ký thế nào và tới việc CLCS sẽ xử lý hồ sơ đăng ký thế nào.

Phải đăng ký trước ngày 13/05/2009

Việt Nam phê chuẩn UNCLOS ngày 25/07/1994 cho nên Việt Nam phải đăng ký yêu sách về thềm lục địa mở rộng với CLCS trước ngày 13/05/2009. Nếu lỡ thời hạn này Việt Nam có thể sẽ mặc nhiên mất tất cả tài nguyên trong thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý. Vì việc đăng ký thềm lục địa mở rộng có ảnh hưởng lớn tới quyền lợi quốc gia, nhân dân và Nhà nước Việt Nam cần tạo mọi điều kiện để cơ quan có chức năng hoàn thành nhiệm vụ của mình trong công việc quan trọng này.

Tác giả xin cảm ơn Phạm Thu Xuân và Nguyễn Thái Linh đã góp ý cho bài này. Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.

 

 

21 Tháng Giêng 2014(Xem: 2698)
Nhà báo Lý Kiến Trúc, Chủ nhiêm Câu Lạc Bộ trình bày tổng quát các hoạt động của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí Quận Cam thành lập từ năm 2008 trước Hội Cửu Long. Hai ông bà ngồi hàng ghế đầu bên phải là Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào và phu nhân.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 3649)
Thuở còn là học trò, tôi được các thầy giáo dậy nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau có hình chữ S; đến tuổi thanh niên, tôi được nghe các nhà văn nhà thơ ví hình thể nước Việt Nam tựa như cô thiếu nữ xuân thì nằm xõa tóc phơi nắng biển Đông; khi tóc tới thời hoa mai đốm bạc thì thấy cô thiếu nữ Việt Nam đầu tựa vào dẫy Trường Sơn, chân duỗi dài đùa sóng biển Đông, tay trái vươn ra ôm lấy Hoàng Sa, tay phải ôm lấy Trường Sa, ngực cô nhô cao đo với sóng lớn, hễ đến kỳ Thủy Tinh dâng nước lên cỡ nào thì Sơn Tinh dâng lên chừng nấy. (*)
21 Tháng Tư 2013(Xem: 2838)
Làn gió Xuân Quý Tỵ báo hiệu Tết đến nơi, pháo đỏ rượu nồng, ai lại đi nói chuyện Dân chủ! Nhưng nhìn quanh nhìn quất, có những mùa xuân in đậm vào tâm trí. “Mùa Xuân Praha 77” làm giật mình thế giới, cũng vào năm này, tháng Tư 1977, Sàigon âm thầm nổ ra “Mùa xuân Nhân quyền Sàigon 1977” (1), CS dập tắt từ trong trứng nước; mãi cho đến 2011 “Mùa Xuân Ả Rập” thực sự làm nhân loại bừng tỉnh; năm 2012 người ta hy vọng tràn trề làn gió xuân dân chủ đang thổi vào Miến Điện, ngã tư quốc tế của Đông Nam Á.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 3174)
Thuở còn là học trò, tôi được các thầy giáo dậy nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau có hình chữ S; đến tuổi thanh niên, tôi được nghe các nhà văn nhà thơ ví hình thể nước Việt Nam tựa như cô thiếu nữ xuân thì nằm xõa tóc phơi nắng biển Đông; khi tóc tới thời hoa mai đốm bạc thì thấy cô thiếu nữ Việt Nam đầu tựa vào dẫy Trường Sơn, chân duỗi dài đùa sóng biển Đông, tay trái vươn ra ôm lấy Hoàng Sa, tay phải ôm lấy Trường Sa, ngực cô nhô cao đo với sóng lớn, hễ đến kỳ Thủy Tinh dâng nước lên cỡ nào thì Sơn Tinh dâng lên chừng nấy.