Hồi ký Tướng Đính: "Mỹ cũng như tây, họ sao hiểu mình bằng mình được"

26 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 13705)

Hồi ký Trung tướng Tôn Thất Đính (1950-1966)

 Sách dầy 544 trang.

Nhà xuất bản: Tuần báo Chánh Đạo 1998.

Bìa trước: Chân dung Trung tướng Tôn Thất Đính.

Bìa sau: Tóm lược tiểu sử tác giả.

(chú thích: tiểu sử chỉ ghi ông Tôn Thất Đính được vinh thăng Thiếu Tướng năm 1961-1962), không ghi năm vinh thăng cấp bậc Trung tướng).

Sách được tặng cho một số thân hữu tại hội trường Jerome Center 726 S. Center St, Santa Ana, 

nhân dịp Tổng Hội Cư Sĩ PGVN cử hành Lễ Tưởng Niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

(Trung tướng Đính là một trong những vị khách đặc biệt được mời phát biểu đầu tiên trong buổi lễ)

 

tuong_dinh

Chân dung Trung tướng Tôn Thất Đính 1963.

NhậtbáoVănhóa.Com trích từ trang 153 – 155:

 

 … 13. TỔNG THỐNG DIỆM XÁC ĐỊNH:

1/- Ban Mê Thuột là điểm nhược!

2/- Không có đồng minh nào thiệt bụng với mình.

 

Cuộc nói chuyện giữa Tổng thống, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và tôi về chiến lược cao nguyên đã diễn ra trong một bầu không khí vừa trầm lặng, vừa thân mật.

Một hội nghị tối mật mà lại diễn ra trong một hoàn cảnh gia đình, cho nên không có các cung cách đặt ra các vấn đề về tình hình chung và nhất là các quan niệm của Tổng Thống trong việc cải tạo lại chiến lược Trường Sơn để đối phó với cộng sản.

Cả TT Ngô Đình Diệm và ông Nhu đều biết rõ thế nào cộng sản cũng thực hiện kế hoạch tiến chiếm miền Nam, và vì vậy cao nguyên sẽ là con đường mà Hà Nội phải chuẩn bị để tiến vào, cắt đứt miền Trung tiến xuống đồng bằng, và mặt Bắc sẽ tiến công qua vĩ tuyến, hai mặt giáp công, và toàn thể miền Trung sẽ mất như không, nếu không chuẩn bị trước thì khó mà trở tay cho kịp.

 

Nhìn vào bản đồ, TT Diệm nói như tiên tri:

- Nếu tôi mà mở cuộc tấn công, thì tui sẽ đánh trực diện và Ban Mê Thuột, Kontom, Pleiku tuy là cái đầu của con rồng, nhưng cắt cái bụng thì rồng cũng chết, mà lại dễ nữa! Rồi từ đó ép cả hai đầu, đuôi tức Kontom, Quảng Đức, và cao nguyên sẽ lọt vào tay tui!

- Chú Nhu và Đính coi tui nói vậy có hợïp lý không? Thấy địa lý Trường Sơn, thì tôi nghĩ Ban Mê Thuột là chỗ nhược, nên tôi quyết định đưa các cơ quan Vùng về đây, là sẽ tạo ra một vị thế kiên cố, có thể thoát quan được cái nhược đó, mà bảo vệ miền Nam của mình! Nếu sau này cộng sản có đánh mình, thì chúng nó sẽ “thử” ở Kontum trước,và sau đó sẽ dồn toàn lực lượng đánh vào Ban Mê Thuột, vì chúng nó nghĩ là mình thiếu phòng vệ ở đây. Vì thế tuy mình rời Quân khu về Pleiku để Mỹ hỗ trợ cho xây dựng được cái đầu rồng, thì mình càng phải dốc lực lượng bảo vệ cái bụng, khúc xương sống ở đây để khỏi bị đánh gẫy.

 

TT Diệm vừa nói vừa nhìn ông Nhu, một tư thế mà ít khi TT xử dụng ở các cuộc nói chuyện hay hội nghị chính thức. Ông Nhu vừa châm thuốc vừa gật gù:

- Bữa ni anh Thượng (trong gia đình gọi TT Diệm là anh Thượng vì ngày trước ông làm Thương Thư Bộ Lại, không bao giờ gọi Tổng thống) nói chuyện có “inspiration” (cảm hứng) như một nhà quân sự. Tui cũng nghĩ như rứa, và “Tướng Đính” của mình đây cũng có trình một kế hoạch như rứa. Vì rứa mà mình bàn chuyện bữa ni là để thống nhất các ý kiến về một “stratégie” (chiến lược), rồi tùy theo giai đoạn mà sắp xếp người có khả năng làm việc.

 

Lần đầu tiên tôi được nghe ông Nhu gọi tôi bằng “Tướng Đính” và TT nhân đó lại nói tiếp:

- Đính lên cấp tướng rồi mà còn trẻ, nên cần phải cố gắng, tui giao toàn quyền cho đó, thảo các kế hoạch với Mỹ cho kỹ, rồi tui chấp thuận cho mà thi hành. Cần chi thì nói tui cho, mọi việc luôn bàn với chú Nhu cho kỹ kẻo một khi Mỹ dính vào nhiều quá, thì mình khó gỡ cho ra! Tuy nói là đồng minh, nhưng có ai thiệt bụng với mình, mà họ luôn làm theo cái quyền lợi của họ. Đất nước của mình thì mình phải lo. Mỹ thì cũng như Tây, không hiểu được nước mình và người mình bằng mình được! Nên tôi nhắc là cần cẩn thận trong mọi kế hoạch hợp tác. Để cho họ nhiều quyền quá thì họ sẽ cai trị mình, còn chi là độc lập của mình…”

 

Ông Nhu tiếp lời:

- Như ông Đính thấy, từ khi Mỹ chi viện cho mình đến nay, họ đều sắp đặt đưa dần dần các cố vấn vào trong các cơ quan của chính phủ. Có khác chi Tây mô, dù dưới các danh xưng khác nhau! “Les mêmes dénominateurs!” (những mẫu số chung cả), mặc dù quyền lợi thì khác nhau, cách chi viện khác nhau, nhưng cũng chỉ là một lối cai trị… Đại sứ Mỹ cũng chỉ là một Thái thú, một thứ toàn quyền như Tầu, như Tây, dù với nền ngoại giao văn minh bây giờ có khác, nhưng bản chất của họ vẫn là một, nên mình làm sao để tự bảo vệ lấy mình đó là điều cơ bản, còn quyền lợi của họ thì luôn đi đối với quyền hành, họ luôn luôn áp lực để có đủ thứ quyền hành trên đất nước mình, không cẩn thận thì mình cũng chỉ còn lại một thứ tay sai…”

 

Ông Nhu vừa nói vừa trầm ngâm nhìn qua phía TT, như giữa hai anh em đã san sẻ cùng nhau sâu xa những tư tưởng, những cảm nghĩ về vấn đề lãnh đạo quốc gia trong tương quan với đồng minh Hoa Kỳ đang muốn sử dụng miền Nam Việt Nam như một tiền đồn chống cộng … không phải chỉ cộng sản Bắc Việt, mà chính là cộng sản Tầu mà Mỹ đang có chủ trương không để cho chúng tràn xuống Đông Nam Á. Vì thế Việt Nam có thể là một chiến trường tương lai, để Mỹ ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh.

 

14 – TRƯỜNG SƠN CÒN: MIỀN NAM CÒN.

 TRƯỜNG SƠN MẤT: VNCH SỤP ĐỔ! 

 

(Văn Hóa trích từ trang 153-155)

09 Tháng Ba 2022(Xem: 4252)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5161)