Thánh địa Mỹ Sơn

08 Tháng Tư 201612:03 SA(Xem: 10735)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 08 APRIL 2016

Thánh địa Mỹ Sơn

Thùy Lê        

Có được một đêm ngắm trăng ở Mỹ Sơn trong lễ hội di sản, càng cảm nhận được cái hơi lạnh của lũng sâu, khói núi, ngàn cây. Ngay đến bản thân mỗi người cũng trở nên huyền ảo khi chiêm bái tượng thần Siva, tượng nữ thần Bhavagati cùng tượng các thần linh. Những ngọn tháp lộng lẫy, uy nghi nhưng đầy kì bí cứ nhấp nhô, lung linh. Đó cũng là dịp để thưởng thức tiếng kèn saranai do các nghệ nhân dân gian biểu diễn, hòa cùng tiếng kèn là tiếng trống baranưng âm vang lay động từng vách đá, khe suối. Ngọn núi Hòn Đền âm u gần  đó càng trầm mặc hơn dưới bóng thời gian.

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng kín đáo, giữa những khu rừng

thuộc xã Duy Phú - huyện Duy Xuyên, cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía Tây Nam, theo con đường từ quốc lộ 1A khu vực trung tâm huyện lỵ Duy Xuyên đến Mỹ Sơn chừng 25km.

image073

Từ xưa, Mỹ Sơn là Thánh địa của vương quốc Chiêm Thành, đây cũng là nơi đạo Bà La môn được du nhập và truyền bá rộng rãi, là địa điểm hành hương thiêng liêng của hàng chục triều đại và hàng triệu con người. Chiêm Thành là vương quốc cổ, ngày nay còn sót lại nhiều di tích nằm rải rác dọc miền Trung. Văn hóa Chiêm Thành chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Java (một hải đảo thuộc đảo quốc Indonesia ngày nay) đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao nghệ thuật là phong cách Đồng Dương và phong cách Mỹ Sơn mà nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc đá, đặc biệt là các hiện vật có hình linga, Yoni. Bà La môn là tôn giáo của hòang gia, và tầng lớp quý tộc là những người có trọng trách xây dựng và bảo vệ đền tháp thờ cúng thần linh.

Tín ngưỡng chính của vương triều Chiêm Thành là thờ tự thần – vua và các thần linh bảo hộ vương quốc cũng như vương quyền. Các tu sĩ Bà La Môn từng đi khắp đó đây giảng đạo, cầu nguyện, tham thiền. Họ đã để lại những dấu vết đã tàn phai ở các đền tháp và những tác phẩm điêu khắc được tìm thấy từ các nơi thờ phụng vua chúa, đền đài, thành quách và nhất là khắp kinh đô. Những địa điểm quan trọng nhất liên quan đến tín ngưỡng Chiêm Thành ấy là Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Thánh đô Pô-Nagar (Khánh Hòa). Hai nơi này một là nơi thờ phụng Bhadravarman, quốc vương khai sáng dòng dõi vua chúa đầu tiên của vùng Quảng Nam vào cuối thế kỷ IV kết hợp với đền thờ thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ tự thần - vua và tổ tiên hoàng tộc và nơi khác thờ Thần – Mẹ đất nước chính là nữ thần Bhavagati (Thiên Y-A-Na Thánh Mẫu) người tạo dựng vương quốc Chapà Pô-Nagar Nha Trang.

Theo các thư tịch cổ thì Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỉ thứ IV, dưới triều vua Bhadravarman. Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn, cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vương thần Siva- Bhadravarman. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ thứ VII, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng gạch Chàm còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để thờ cúng các thần linh của họ. Đức vua Pramesvaraman cuối thế XIII là người cuối cùng trùng tu và xây dựng Mỹ Sơn. Ngòai ra hai vị vua: Harivarman (1074) và Jaya Harivarman (1157) cũng có công trùng tu và xây dựng mở mang khu thánh địa Mỹ Sơn, các vị vua này đều được thờ cúng tại đây. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chiêm Thành.

image070

Các công trình đền tháp của người Chàm luôn gắn bó chặt chẽ với điêu khắc đá sa thạch. Phần lớn di vật điêu khắc Chàm rất phong phú với nhiều dạng phù điêu nổi cao gần như tượng tròn gắn với sinh hoạt tôn giáo Bàlamôn, trên những tác phẩm này ta thường bắt gặp hình ảnh chạm trổ các nét dị biệt của chủng tộc cũng như y phục, trang sức người Chàm hòa quyện với phù điêu các vị thần được nhắc đến trong kinh sách Bà la môn giáo, hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu hóa thể hiện trong hình ảnh con người, loài vật… hết sức sinh động. Đằng sau những bức phù điêu, những bức tượng bằng sa thạch ấy là cả một không gian huyền thoại, phản ánh những tư duy trừu tượng, lãng mạn của con người khi lý giải về những điều kỳ diệu của vũ trụ.

Mỗi thời kỳ lịch sử, các công trình kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung hầu hết các tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Đế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc, phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử,... các loài động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người. Thánh địa Mỹ Sơn tiêu biểu cho nền văn minh Chiêm Thành thời kì phát triển rực rỡ tồn tại trên hàng chục thế kỉ. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, các công trình kiến trúc còn sót lại thể hiện từng giai đoạn lịch sử huy hoàng của nền văn hóa dân tộc Chiêm Thành.

Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Đến những năm đầu thế kỷ 20 này, hai nhà nghiên cứu Viễn Đông người Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chàm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố. Hơn ba phần tư thế kỉ chiến tranh, việc nghiên cứu Mỹ Sơn ngưng trệ. Đầu thập niên 1980 Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997) Kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản văn hóa Ba Lan đã tình nguyện sang Việt Nam khảo sát các di tích khảo cổ tại Mỹ Sơn. Từ năm 1981 đến 1991, Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan) mà KTS. Kazimierz Kwiatkowski là người có công đầu trong việc trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại.

image075

Ngày nay việc chế tạo viên gạch Chàm có chất kết dính dùng xếp đặt không cần mạch hồ trong việc trùng tu, phục dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vốn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu đã bước đầu được khám phá. Các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật này trong quá tôn tạo các khu đền tháp. Hơn 70 ngọn tháp với những viên gạch Chàm xếp chồng lên nhau vươn thẳng lên trời không khác gì những đền tháp xa xưa.

Đầu năm 2015 tượng Ekamukhalinga (Linga có một đầu thần Siva), được phát hiện tình cờ và được khai quật tại góc Đông Bắc của tháp Mỹ Sơn E1, được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là kiệt tác độc bản của nền điêu khắc Chàm. Chiếc Mukhalinga ở Mỹ Sơn không chỉ là chiếc Ekamukhalinga thực sự bằng đá đầu tiên của người Chàm được phát hiện, mà còn là một hiện vật điêu khắc có phong cách và niên đại rất sớm: Phong cách cổ Mỹ Sơn E1 thế kỷ VII-VIII. Hơn thế nữa, với những giá trị văn hóa và nghệ thuật rất đặc biệt của mình, hiện vật Eksmukhalinga Mỹ Sơn là một trong những Ekamukhalinga đẹp và độc đáo nhất không chỉ của Chiêm Thành, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ.

image076

Hiện vật Ekamukhalinga vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Từ tháng 12 năm 1999 khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO tôn vinh di sản văn hóa thế giới. Cũng từ ngày ấy nó được trả về tên tuổi buổi hòang kim THÁNH ĐỊA MỸ SƠN đã trở thành điểm đến của du khách khắp hành tinh. Bên cạnh Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn do chính phủ Luxembourg tài trợ ra đời góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đem lại hiệu quả tích cực cho mô hình du lịch homestay Mỹ Sơn./

Thùy Lê

09 Tháng Ba 2022(Xem: 4285)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5179)