Huệ Trân: Cất Tiếng Hát Thơ, Nhạc Thơ Chắp Cánh

15 Tháng Mười Một 201511:42 CH(Xem: 6356)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 16 NOV 2015

Cất Tiếng Hát Thơ, Nhạc Thơ Chắp Cánh

Huệ Trân 13/11/2015

 

image101

Bìa CD Thiền ca Hoa Bay Khắp Trời.


Tôi nhận tập nhạc, cùng CD thiền Ca “Hoa bay khắp trời” từ chính tác giả thơ, Phan Tấn Hải.

Dòng đời như dòng sông, chảy xuôi muôn nhánh, thế nào chẳng có những nhánh tình cờ khi con nước chậm lại bên bờ vì bông hoa chợt rụng, hay mải miết nhanh hơn vì cơn gió đẩy đưa. Những tình cờ trong đời-thường, đôi khi là cánh cửa mở ra cho bao lữ khách cùng đồng hành trên con đường Trung Đạo.

Khi chưa xuất gia, ngày cuối tuần, tôi thường đến một tu viện trong tỉnh, để được cùng đại chúng tụng kinh, niệm Phật. Nơi đó, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên, dẫn bé trai khoảng 6, 7 tuổi đến sinh hoạt trong gia đình thiếu nhi Phật tử. Trước khi cậu bé vào lớp, người cha thường  ân cần dúi vào tay cậu một đồng bạc, và cậu nhanh nhẹn đi thẳng đến thùng phước sương đặt trong chánh điện, cúi xuống, xá một xá rồi kính cẩn bỏ vào.

Hẳn là người cha muốn tập cho con mình biết cúng dường Tam Bảo, mỗi khi đến chùa.

Một lần tại sân chùa, tôi được giới thiệu vị đó là nhà báo Phan Tấn Hải, chủ bút nhật báo Việt Báo mà thỉnh thoảng tôi cũng có gửi bài chia sẻ. Tình thân bắt đầu từ đó qua những trao đổi để học hỏi thêm về giáo pháp, đặc biệt là lãnh vực tu thiền mà nhà báo từng có kinh nghiệm.

Qua nhiều năm quen biết, tôi chỉ thấy nhà báo …. làm báo, nghĩa là lên Net, đọc tin khắp thế giới, chọn lựa những tin đặc sắc, dịch, rồi viết gọn lại theo hình thức tin tức trên một tờ nhật báo. Với tài đọc nhanh, dịch nhanh và chọn tin bén  nhạy của vị chủ bút này, Việt Báo đã là tờ nhật báo được đồng hương đón nhận nồng nhiệt từ nhiều thập niên qua.

Phan Tấn Hải tâm sự là trong 24 giờ mỗi ngày, ngoài thời gian làm báo như một nghiệp dư, những giờ phụ lo gia đình, còn lại, hầu như đều dành cho những đam mê nghiên cứu kinh điển, từ Tiểu Thừa, Đại Thừa, Thiền, Tịnh, Mật …. Lãnh vực nào, môn phái nào truyền bá giáo pháp Như Lai cũng khiến tâm dừng lại, tra cứu, tìm tòi, rồi thế nào cũng hái được những bông hoa đẹp trong những khu rừng mênh mông đó.

Tôi ít thấy Phan Tấn Hải làm thơ, nên khi nhận điện thoại: “Sư cô có đang ở thất không? Cho hai đứa dăm phút ghé thăm”, tôi đã ngạc nhiên vì không biết ai cùng đi mà cách nói lại thân mật như thế. Thì ra đó là nhạc sỹ Trần Chí Phúc, người bạn từ hơn hai thập niên với Phan Tấn Hải.

Hai vị ghé thăm để chia sẻ niềm vui là dự tính thực hiện một CD Thiền Ca sẽ khởi bước. Trần Chí Phúc sẽ phổ 10 bài thơ Phan Tấn Hải, để thơ nhạc cùng chắp cánh bay cao trên những không gian Quốc Độ Phật.

Trong buổi trà đàm ngắn ngủi tại Tào Khê Tịnh Thất đó, tôi cảm nhận ngay năng lượng sung mãn, tràn đầy hoan hỷ của cả hai, người thơ và người nhạc. Tôi nghĩ, với Trần Chí Phúc, người thường thở bằng không khí nhạc thì việc phổ nhạc đã đành là trong tầm tay, nhưng nhà báo Phan Tấn Hải mà tôi từng biết, thì việc mỗi ngày phải hoàn tất một bài thơ thiền cho mau đủ số 10 bài, quả là đáng ngạc nhiên.

Khi tôi chia sẻ như thế, hai vị lại bồi thêm ngạc nhiên vào những gì đang khiến tôi ngạc nhiên. Người nhạc thì nói:

- Không phải vậy đâu, Sư Cô ơi, phổ nhạc thơ thiền thơ đạo không như viết các loại nhạc khác. Tâm viên ý mã là trật đường rầy ngay.

Còn người thơ thì úp hai bàn tay lên mặt mà lúc lắc đầu:

- Hết rồi! Sau 10 bài thơ, dường như trong đầu không còn một chữ! Hải cũng không thể hiểu nổi, sao mình có thể viết nhanh như thế! Và hình ảnh, ý tưởng ở đâu cứ tuôn ra. Có những bài, viết xuống mà không sửa, email qua cho Phúc thì bên kia cầm đàn lên gẩy …. Cứ thế, 10 bài thơ thành 10 bài nhạc”

Thưa nhị vị,

Việc tưởng dễ mà thực chẳng dễ.

Việc tưởng khó mà thực chẳng khó.

Trong nhà Phật, có phải đây là chữ Duyên? Và chữ Duyên thì nào ai biết duyên thực sự khởi từ sát na nào. Hai vị biết nhau từ hơn hai thập niên, cũng đã một người văn thơ, một người âm nhạc, sao đến tận bây giờ, nhạc thơ mới cùng chắp cánh?

Phải chăng duyên khởi từ khi cánh bướm kiếp nào từng ghé xuống một nụ hoa, để phút này Hoa Bay Khắp Trời “ Ngát hương trời, lời con hát, biến thành mây, cúng Chư Phật ….. Con đã thấy tâm gương sáng, tâm bất động. Đã nở hoa, ngát tâm Phật, ướp trong lời. Con xin hát dâng Ngài ….”(*)

Người nhạc thổ lộ rằng, người chỉ “hát thơ” chứ chẳng làm gì nhiều vì trong thơ đã sẵn nhạc. Nhưng: “Nhìn kia, chỉ hình hiện ra, không người không ta, chỉ hình được thấy, không ai đang thấy …”, nếu không là dòng nhạc Boston tha thiết mà không ủy mỵ, thanh thoát mà không xa vời thì mấy ai tới gần được: “Chữ vàng trên giấy. Lời Phật năm xưa. Khởi từ bi dạy. Chỉ qua kia bờ. Thương ơi ba cõi. Bè pháp cứu người. Qua sông còn gọi. Hoa bay khắp trời …” (**)

Cứ như thế, dòng thơ viết lúc nửa đêm về sáng hay lúc ban mai, hạt sương chưa kịp đọng trên ngọn cỏ, thì dòng nhạc liền theo, cất lên tiếng hát, ân cần, trìu mến như tinh thần Như-Thị trong kinh Hoa Nghiêm, tình yêu đích thực là Như- Thị, Như-Là, Như-Thế, nào phải qua lăng kính nào: “Rồi mẹ như sương, tan vào nắng trưa. Rồi mẹ như hương, ẩn hiện trong mơ. Rồi mẹ như mây, tóc trắng cuối trời. Rồi mẹ như nắng, bóng khuất sau đồi …” (***)

Xin cám ơn nhị vị, người thơ Phan Tấn Hải, người nhạc Trần Chí Phúc  đã cùng chắp đôi cánh để Thiền Ca thơ nhạc đang rải Hoa Bay Khắp Trời.

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất, cuối thu Ất Mùi niên)

(*) Dâng hoa cúng Phật

(**) Hoa bay khắp trời

(***) Rồi mẹ như sương

09 Tháng Ba 2022(Xem: 4285)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5179)