Đào Như - Thiên Lý Vô Tận

08 Tháng Sáu 201512:38 SA(Xem: 7347)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 08 JUNE 2015

THIÊN LÝ VÔ TẬN

Đào Như
                             I- DÒNG THỜI GIAN
- 1999
Chiều cuối năm, buổi chiều êm như giấc mộng. Ngoài hiên nhà hàng thông cỗi đứng lặng yên tuyết phủ. Trọng nhớ lại nơi đây, làng Oak park, ngoại ô phía tây thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, nơi lần đầu tiên anh và gia đình đặt chân trên nước Mỹ và cũng là nơi anh và gia đình dừng chân lại trong suốt hơn hai mươi năm qua, nay đã trở thành vùng đất dung thân cho gia đình.

     Làng Oak park có hơn 100 năm lịch sử, có đủ mọi sắc dân trên thế giới. Phần nhiều họ là những nhà giáo, nhân viên bưu điện, cảnh sát, nhân viên sở cứu hỏa, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, chuyên viên báo chí, kinh tế, ngân hàng, thương mại…Họ có đời sống vừa đủ, khiêm tốn. Họ thuộc về giai cấp trung lưu của Mỹ. Làng Oak park có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Làng là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn lớn của thế kỷ thứ hai mươi Ernest Hemingway, cũng là nơi kiến trúc sư Frank Lloyd Wright, niềm tự hào của người Mỹ về đưòng nét kiến trúc thẳng đứng vương cao đến vô tận, chan chứa niềm hy vọng hoài bảo của đất nước Hoa Kỳ trẻ trung mới ngòai hai trăm năm lịch sử.  Các con của anh đã lớn lên tại làng này và họ rất tự hào về nền văn hóa của làng.

     Ngoài kia Giáng sinh đang trở về với mọi nơi trên thế giới. Các con và rể của anh cũng về tụ họp gia đình đông đủ. Chỉ có Tỏa, cậu trai út về trễ, đang trên máy bay, từ San Francisco sẽ về đến O’Hare, Chicago, lúc chín giờ tối nay. Vợ anh, chị Xuân Tường đang loay hoay ở trong bếp, cùng với hai cô con gái, mãi lo chưng diện cho cái bánh Giáng sinh có hình dáng như thân gỗ mục, mọc lên những cụm nắm mốc meo sần sù. Bên cạnh những cụm nắm xấu xí ấy, là những bông hoa màu hồng, màu đỏ tươi thắm tương phản tuyệt đẹp. Có cả dòng chữ  Mừng Giáng Sinh-1999  màu xanh lá mạ.

     Không khí đoàn tụ gia đình gây cho mọi người niềm vui ấm cúng. Nhìn bánh Giáng Sinh anh nhớ lại những mùa giáng sinh ở Sàigòn gần 40 năm về trước với khí hậu mát lạnh của nó, cái mát lạnh vừa đủ gây đôi má đỏ hây hây của các cô buôn thúng bán bưng tại chợ Bến Thành, các cô đứng bán hàng trong các cửa hiệu, các nữ sinh Gia Long, Trưng Vương…và các cô nữ sinh viên Viện Đại Học Saigòn. Anh nhớ đến các phố Lê Lợi, phố Tự Do, phố Nguyễn Huệ và nhiều phố khác tràn ngập các các thanh niên và thiếu nữ. Các cô mặc váy ngắn, váy dài, váy dạ hội, họặc áo dài. Có cô ở phố Thăng Long, mới di cư vào Saìgòn năm nào, bây giờ chiếc áo dài của họ vẫn còn nguyên duyên dáng Hà nội. Trọng nhớ lại hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame, và dòng người cuồn cuộn xuôi về đó lúc nửa đêm. Các cô cậu thanh niên trẻ trung, các học sinh, sinh viên chia từng nhóm nhỏ, đứng dưới những mái hiên của khu phố, họ ca các bài ca quốc tế Mừng Giáng Sinh. Họ hưởng trọn vẹn một ngày lễ hội quốc tế, đầy tin tưởng vào hạnh phúc ở ngày mai. Càng về khuya, người càng đông, họ đưa nhau vào các quán Givral, Imperial, Continental hay Pagoda…họ chia nhau những mẩu bánh Giáng sinh ăn mừng lễ Nửa đêm-Réveillon. Phần nhiều họ là những người trẻ ngọai đạo, nhưng họ chia sẻ ngày vui quốc tế một cách trọn vẹn và kính cẩn. Đêm Giáng sinh tại Sàigon, người là người, trong đó có anh và bạn bè anh, tràn ngập Thủ đô với niềm hân hoan bất tận. Anh nhớ lại các bạn bè của thuở Sinh viên, các cư xá sinh iên, Câu Lạc Bộ Phục Hưng, Foyer Renaissance, nơi đó anh đã ở 10 năm, suốt cuộc đời sinh viên của anh. Anh nhớ đến các cư xá bạn: Cư xá Đắc Lộ, Foyer d’Alexandre de Rhôde, cư xá Minh Mạng và các cư xá của các chị nữ sinh viên như Cư Xá Trần Quí Cáp, Thanh Quan Lưu Xá…Trong dịp Giáng sinh, các Cư xá Sinh viên thường hay tổ chức những cuộc hội họp tiếp tân văn học nghệ thuật, và nhất là âm nhạc và ca hát.  Mùa Giáng sinh là cơ hội cho các anh chị em sinh viên cũng như các thanh niên nam nữ, gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi yêu thương và học hành...Đó là hình ảnh Giáng Sinh Saìgòn của những năm lý tưởng, những năm sau hòa ước Genève 1954 đến năm 1963, trước khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng người em trai của ông bị hạ sát.
      
Khi những chữ Usaid được thấy bất cứ nơi nào, khi những bảng hiệu Snack-Bar của Mỹ tìm thấy trên những đường phố của bất cứ quốc gia nào, thì nơi đó, những quốc gia đó, sẽ có những xáo trộn về kinh tế, chính trị và quân đội. Từ năm 1964, sau coup Saigon 1-11-63, đến năm 1973, dưới sức ép của hơn nữa triệu quân viễn chinh Mỹ những mùa Giáng sinh Saigòn thuở ấy không thể nào tránh khỏi ảnh hưởng của cái triết lý đó. Cũng không gian đó, cũng Nhà Thờ Đức Bà, cũng phố Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ, cũng những con người của anh và bạn bè, tràn ngập thủ đô Sàigòn, nhưng với một nội tâm khoắc khoải, buồn vui lẫn lộn. Hình ảnh những lính chiến Mỹ đi bên cạnh cô gái Việt, tóc uốn lăn quăn quê mùa hiện ra trên các đường phố như những thực tế chua xót. Những chiếc mini-jupes được cắt ngắn hơn, kéo cao hơn, bám sát vào thân thể và số phận của những người con gái nghèo khó, vất vã lầm than lăn lộn với lính chiến Mỹ thâu đêm suốt sáng trong các snackbar, những họp đêm, để độ nhật nuôi thân. Những năm tháng giữa thập niên sáu mươi, bảy mươi, những năm tháng tiếp theo sau cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, là giai đoạn thanh niên sinh viên Miền Nam chia sẻ với nhau những trăn trở thầm kín, những trở mình sôi động, những nhận định, những bùng vỡ to tát của ý thức. Một số trí thức, thanh niên, sinh viên bị lôi cuốn vào những phong trào, những cơn lốc, những xu hướng chính trị, họ vướng phải những âm mưu, những cạm bẫy. Một số tuổi trẻ đã phải tự trưởng thành trước tuổi, tư mình vươn lên để có đầy đủ ý thức về tình trạng quê hương, những bất hạnh của tổ quốc. Trên khắp nẻo đường trên mọi thành phố, nhất là Sàigòn, những chiếc xe nhà binh GMC mười bánh chở đầy Quân cảnh, Hiến binh, Cảnh sát Dã chiến gạn hỏi chận bắt những thanh niên, những sinh viên trốn quân dịch hay vừa trốn thoát từ các Quân trường, từ ‘Trung Tâm 3 Nhập Ngũ’. Những tiếng nổ lốp cốp của quẹt lửa Zippo đốt cháy những điếu thuốc Salem, Marlboro, Winston…trên môi của các thanh niên, sinh viên bên cạnh những ly cà phê đắng trong các Họp Đêm-Night Box-trong những quán cà phê Imperial, Pagoda, Givral…hay những quán có tiếng kèn đồng nhạc Jazz như  Ritz, Lido, Moulin Rouge, Maxim, Côte d’Ivoir, Đồng Khánh, Đêm Màu Hồng, Queen Bee…Những năm tháng đó Saigòn hưởng những ngày giáng sinh đặc biệt: Giáng Sinh Ngưng Bắn, Giáng Sinh Hòa Lẫn Với Tiếng Bom B52, đánh phá địa đạo Củ chi hay ven đô. Những năm tháng ấy, những mùa Giáng sinh Sài gòn đầy bạo động, lựu đạn và thuốc súng.
 
      Đến năm 1975 đất nước thống nhất. Người Cộng sản miền Bắc cai trị thao túng cả ba miền tổ quốc thô bạo hơn bất cứ đế quốc nào đã từng xâm lăn Việt nam: Tàu, Tây, Nhật, Mỹ...Cộng sản áp dụng chuyên chính vô sản triệt để: tạo phản, xách nhiễu, cướp đoạt tài sản những người dân lương thiện một cách thô bạo mà họ gọi là tước đoạt trên tay kẻ bốc lột. Sau 75, Cộng sản bắt giử, tù đày lao cải hàng triệu người miền Nam yêu nước. Cộng sản miền Bắc gọi tất cả người miền Nam là Ngụy, Ngụy quân và Ngụy quyền. Tất cả đàn bà và trẻ con bên này vĩ tuyến mười bảy họ gọi là Vợ Ngụy, Con Ngụy. Và họ thẳng tay chà đạp, đàn áp. Cộng sản phản bội những người quốc gia yêu nước đã từng sát cánh với họ trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Sau khi thống nhất đất nước, họ thủ tiêu, triệt hạ toàn bộ Mặt Trân Giải Phóng Miền Nam, ngay cả lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng biến mất. Những người Cộng sản chuyên chính trấn ác, áp bức và thủ tiêu ngay cả những người Cộng sản gốc Nam bộ không tuân thủ theo họ. Những người Cộng sản miền Nam vô cùng phẫn uất khi thấy thân nhân họ, tuy gọi là Gia-đình-Cách mạng, Gia-đình-liệt-sĩ, vẫn bị vùi dâp và đày ải trong các trại tù cải tạo. Người Cộng sản để lộ nguyên hình những đứa con phản trắc của tổ quốc. Cộng sản đã phản bội lại những Bà Mẹ Yêu Nước Miền Nam trước kia có một thời trải thân đùm bộc, nuôi dưỡng, ngay cả sanh con với họ.

     Câu hỏi lớn dầy vò anh trong gần hai mươi năm mà anh chưa tìm được một giải đáp dứt khoác: Hai cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta, cuộc chiến đấu thần thánh, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, được sự đồng tình, nhiệt thành ủng hộ của toàn thể dân cả ba miền tổ quốc, của tất cả quần chúng từ giàu đến nghèo, từ Cộng sản đến Quốc gia. Sau khi giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, thì cuộc chiến đấu thần thánh ấy trở thành một cuộc chiến phi nghĩa, phân ly đất nước, chia cắt anh em, xé toang tổ quốc thành muôn mảnh, người cộng sản miền Bắc truy diệt tận cùng người miền Nam có tư tưởng Quốc gia. Sau Ba Mươi Tháng Tư Bảy Mươi Lăm hàng triệu người miền nam yêu nước bị Cộng sản trục xuất ra khỏi nước, sống lưu vong trên khắp chín mươi lãnh thổ quốc gia trên thế giới. Có phải chăng đó là hậu quả của cuộc chiến quá dài gây ra đỗ nát, nghèo đói, lạc hậu, ngộ nhận, hận thù phi lý? Hay đó chỉ là thân phận của chúng ta, của dân tộc ta, những quốc gia nhược tiểu luôn luôn bị chi phối bởi những gọng kềm quốc tế, thế lực của các siêu cưòng? Hay phải chăng đó chi là kết quả khốc liệt của quá trình thực thi Chuyên Chính Vô Sản của người Cộng sản?  
 
    Trọng nghĩ đến hai chi em Ngọc Tới và Diễm Khánh, hai người em bạn dì của vợ anh, anh gặp lại hồi năm ngóai, lúc anh về thăm nhà…
    Chợt vợ anh hỏi:
    - Suy nghĩ gì mà ngồi lặng thinh vậy? Tỏa, tối nay chín giờ con sẽ về có gì mà anh lo?
Xuân Hảo, cô con gái đầu lòng của anh cũng nói xen vào:
     - Nick đi đón Toả rồi đó Ba, có lẽ họ cũng sắp về tới.       
Bất ngờ, anh hỏi vợ:
     - Không hiểu mẹ con của Diễm Khánh, giờ này họ ra sao? Mẹ con chị ấy giờ này có ấm cúng không?
 Nghe chồng hỏi về người em bạn dì ruột của mình bất ngờ, chị Xuân Từơng xem chừng cũng mủi lòng chị gượng gạo đáp:
     - Anh khéo có lo, mẹ con Diễm Khánh còn vui vẻ hơn mình nữa là khác. Anh nên nhớ cô ấy là cán bộ tâp kết về. Hiện giờ Diễm Khánh công tác tại Sở Ngoại vụ, còn Bích Hằng, cô con gái của Diễm Khánh, là chuyên viên chuyển ngữ Anh, Pháp, nghĩa là thông dịch viên của chính phủ trong việc tiếp xúc với phái đòan ngoại quốc...                    
Xuân Hợp cô con gái thứ hai của anh chị, đang lau mấy cái cốc rượu vang, hỏi mẹ:
     - Năm ngoái Ba Mẹ về thăm quê, Ba Mẹ ở nhà Dì Diễm Khánh hơn mươi ngày thì phải? Thưa Mẹ, con gái dì Diễm Khánh tên là gỉ hả Mẹ?
    Như chợt nhớ tới điều gì, chị Xuân Tường nói lớn:
     - Con bé đó tên là Bích Hằng. Bích Hằng lớn hơn Xuân Hảo 15 ngày và lớn hơn con hai tuổi.
     -  Thưa mẹ, như vậy Bích Hằng sanh ở ngoài Bắc, sau đó nó theo cha mẹ nó về Nam?
     -  Đúng rồi đó các con. Các con không còn nhớ chớ hồi năm 1979 trước khi mình vượt biên, mẹ con Bích Hằng có xuống Cần Thơ thăm gia đình mình. Họ ở lại nhà mình mấy ngày. Họ chí tình lắm con. Mà mẹ cũng thương dì Diễm Khánh như chị em ruột vậy. Nói đến đó mắt chị long lanh, giọng chị nghe như sủng ướt:
     - Lúc ấy các con và Bích Hằng ngủ chung một giường. Bích Hằng hồi đó còn nói giọng Hà nội. Lúc đầu các con còn lạ nhau, nhưng sau vài hôm, dì Khánh trờ về Saìgòn, thật là khó rứt các con và Bích Hằng xa nhau. Lúc đó các con còn nhỏ quá làm sao nhớ hết được. Chẳng thể nào trách các con được…
    Thật sự tháng chạp năm ngoái, vợ chồng Trọng có về thăm nhà sau gần 20 năm ở Mỹ. Anh giải bày với vợ: Lâu quá chưa về; nhớ quá rồi, và ai cũng về, mình cũng về thăm xem sao? Nhưng nếu có ai đặt vấn đề khúc chiếc hơn, thì câu trả lời của mình thật đơn giản, quê mình thì mình về. Bên cạnh những lý do thông thường ấy, anh chị còn có những lý do khác nữa: Chị của anh chết đã sáu năm, Cha của anh chết đúng 4 năm, và Mẹ anh chết gần giáp năm. Vợ chồng anh chưa thấy được nấm mồ của Mẹ, của Cha và của Chị, và cũng chưa có cơ hội để đốt nén hương tưởng niệm người quá cố, đức sanh thành.
   Tỏa, cậu con trai của anh chị đang học năm cuối cùng bộ môn xã hội học tại đại học Illinois, cậu ấy được trường gửi đi du học tại Viện Đại Học Quốc Gia Hà nội, trong chưởng trình trao đổi sinh viên giữa hai viện Đại học Illinois University In Urbana và Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Cuối tháng 12 này, Tỏa mãn học kỳ, về Mỹ. Anh chị về lần này là có ý đón Tỏa về Phanrang, thăm giòng họ bên nội, thăm mồ mả ông bà, cha mẹ, tổ tiên, và thăm nhà Từ Đường họ Đào tại Hà Thanh, Xóm Động, Phanrang, để Tỏa có cơ hội tìm hiểu huyết thống của giòng họ.
     Thoạt tiên, chị Xuân Tường có ý định lấy vé máy bay đáp ở Hà nội. Ở đó vài hôm để anh chị đi thăm Thủ đô Hà nội, Viện Đại Học Quốc Gia Hà nội nơi Tỏa đang học, và đi thăm các thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, Sầm sơn, Đồ sơn, Sapa v.v…Rồi sau đó Anh chị cùng Tỏa sẽ về Phanrang như dự tính, và vào Saigòn thăm bên ngoại. Đúng ngày 23 tháng 12 tại Saigòn anh chị và Tỏa sẽ về Mỹ. Nhưng không hiểu Chị và Tỏa, hai mẹ con bàn bạc thế nào mà chi Xuân Tường lại đổi kế hoạch lấy vé máy bay đáp tại Tân sơn nhất, Sàigòn lúc 11:30 trưa ngày 8 tháng 12. Anh thấy hơi sớm, nhưng anh cũng chiều ý vợ. Sau này anh mới vỡ lẽ ra là Tỏa có mặt tai Sàigòn vào ngày 12/12, cho nên bà phải về Sàigòn sớm để sửa soạn đón con trai bà từ Hà nội vào.
     Sau khi quyết định lấy vé máy bay về Saigon, Tân sơn nhất, chị Xuân Tường liền gọi điện thoại nói chuyện với người em bạn dì, Diễm Khánh. Sau hơn mươi năm xa cách, anh nghe hai chị em, Xuân Tường và Diễm Khánh nói chuyện với nhau mừng mừng tủi tủi.  Anh nghe Diễm Khánh nói:
     - Không phải mướn hotel, motel gì hết. Nhà em có hai phòng ngủ trống, có máy lạnh, anh chị cứ về ăn đây ở đây với em. Về càng sớm càng tốt. Lâu quá rồi. Nhớ quá rồi… Bây giờ mới chịu về thăm nước! À, Chị Xuân Tường mấy tháng trước Tỏa có gọi điện thoại cho em. Lúc đầu em ngớ ngẫn không biết là ai, nhất là ‘anh’ ấy nói tiếng Việt ‘ngọng’, mà lại nói giọng Bắc kỳ nữa. Thú thật, lúc đầu em cũng ừ-ừ-hử-hử một hồi lâu mới nhận ra nó là ‘thằng nhóc Tỏa’, con trai của anh chị. Em nhớ hồi năm 79 em gặp nó ở Cần thơ, trước khi anh chị vượt biên, nó có tí xíu, vừa ngòai hai tuổi. Thật là cảm động, bây giờ lớn, cháu vẫn nhớ nước về học Đại Học Quốc Gia Hà nội…
     Anh nghe chị Xuân Tường nói chuyện với Diễm Khánh về sự liên hệ huyết thống gia đình giòng họ và tình cảm ruột thịt, lúc nào cũng gắng bó và yêu thương nhau, không có gì ngăn trở tình nghĩa chị em. Còn về Tỏa, anh nghe chị nói:
    - Lúc vượt biên nó mới có 26 tháng chưa đầy 3 tuổi, Xuân Hợp mới có mới có 62 tháng, còn Xuân Hảo vừa hơn sáu tuổi! Sở dĩ Tỏa về học ở Hà nội là theo yêu cầu của nhà trường vì nó học môn xã hội học. Con của mấy người Mỹ ở đây cũng vậy, nếu họ gốc Đức thì con của họ sẽ được trao đổi về học ở Bonn, Frankfurt, Berlin; gốc Pháp thì về Paris, Bordeaux, Lyon; gốc Anh thì về Oxford, Cambridge ở London…Thật sự Tỏa còn trẻ con, ham chơi ham đùa, được cái ham học, bạn của nó, trẻ con Mỹ đứa nào cũng vậy.  
   Sau đó anh nghe Xuân Tường và Diễm Khánh hai chị em bàn bạc kế hoạch cho ngày về thăm nước của anh. Trọng khá vững dạ, khi nghe Diễm Khánh nói chị Xuân tường, ngày anh chị về đến Saigòn, có Bích Hằng, cháu gái cưng của anh chị thuở nào sẽ ra phi trường đón anh chị…
    Trọng rất ngạc nhiên ý định về thăm nhà anh đã ấp ủ từ lâu nhưng anh chưa có cơ hội thuận tiện để bàn bạc với vợ. Trọng thầm cám ơn vợ đã khéo dàn xếp với Diễm Khánh chuyến về thăm nhà của anh rất chu đáo. Anh sung sướng khi nghĩ đến gặp lại Saigòn và niềm vui vô hạn khi gặp lại Diễm Khánh sau gần 20 năm xa cách. Một cảm giác ngậm ngùi khi anh nghĩ đến anh phải xa làng Oak park và nước Mỹ một thời gian khi anh về thăm nhà. Anh không ngờ mình đã yêu vùng đất dung thân này thấm thiết đến như vậy.  






                                                                   II- HAI  CHỊ  EM

Chiếc máy bay của hảng hàng không China Air line quần mãi trên bầu trời Tân sơn nhất, hơn mười phút
mà chưa nhìn rõ được phi đạo để đáp. Trời Sàigòn đang mưa lớn. Từ trong máy bay nhìn ra tòan mây mù.
Các chiêu đãi viên hàng không liên tiếp thay phiên nhau, báo cáo thời tiết đang mưa lớn tại Saigòn, và bão
lụt ở các tỉnh miền Trung: Phanrang, Nhatrang, Hội an v.v…Chị Xuân Tường ngồi nép ngừơi vào chồng, chị lo lắng…Rồi mưa cũng tạnh dần. Chiếc máy bay len lỏi qua các tầng mây mù rồi xuống thắp. Thành phố Sàigòn hiện ra trong màng mưa.  Sau hơn hai mươi năm thấy lại Sàigòn, cảm động, Trọng thấy lòng mình như muốn khóc. Chị Xuân Tưòng mắt cũng đỏ hoe. Quê anh ở ngòai Trung, Phanrang. anh đi học ở Sàigòn những năm năm mươi, sáu mươi. Những kỳ nghỉ Hè hay dịp Tết anh thường lấy vé của hảng Hàng Không Việt Nam về thăm nhà, lúc bây giờ gọi là Air Việt Nam. Hình ảnh Sàigòn, Tân Sơn Nhất, nhìn từ trên không phận, quá quen thuộc đối với anh. Mặc dầu sau gần hai mươi năm, anh vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết một. Sàigòn, Tân sơn nhất, bây giờ là mừơi hai giờ trưa ngày 8 tháng 12 năm 1998, không khác gì mấy Sàigòn, Tân sơn nhất trước năm 75, có vẻ còn tệ hơn nữa là khác, nếu đếm về số lượng máy bay các hảng Hàng Không Quốc Tế đang đậu và nhất là nhịp độ máy bay đang lên xuống. Lề lối đón khách quả thật là nghèo nàn, lạc hậu! Không có hành lang di động để đón khách tận phi cơ. Hành khách được đón bằng chiếc xe ‘Car’: gồm có một cái đầu máy kéo theo sau cái “remorque” dài độ mươi mười lăm thước, có mái fibro ciment che mưa nắng, có vài hàng cột to bằng cổ tay chống đỡ mái fibro ciment, và cũng là nơi để hành khách bám vào, giử lấy thăng bằng trong lúc chiếc “remorque”di chuyển thật chậm chạp đưa hành khách đến cửa của khu quan thuế quốc tế…
    
Bước vào khu quan thuế, Trọng có ý đảo mắt tìm cô cháu Bích Hằng, nhưng không biết hình dáng cô ấy như thế nào mà nhận diện. Anh thấy đàng xa một cô con gái tóc ngắn, mặc T-shirt và quần jean, bên ngực trái mang thẻ màu trắng, vì xa anh không thể đọc hàng chữ trên thẻ. Cô bé ấy trông giống hai cô con  gái của anh lắm..Anh bấm tay vợ, và bảo chị Xuân Tường liệu gọi thử có phải cô ấy là Bích Hằng không? Quả vậy, khi nghe gọi, cô ấy vội vàng chạy lại, và hỏi:
     - Sao Dì biết “con” là “con”? Con tìm Dì mãi mà không thấy…
    Trọng mau miệng đáp:
     - Cô trông giống hai cô con gái của chúng tôi lắm. Bà con bên ngoại sao lại giống nhau thế…
     - Thưa Dì với mẹ con cũng vậy. Khi đi rước Dì, mẹ con có dặn, bà nào mà con thấy trẻ đẹp giống hệt mẹ đó là dì Xuân Tường. À, thưa Dì, đưa cho con biên lai, để con đi lãnh luggage cho Dì.
    Sắp hàng đi ngang qua cửa quan thuế với bốn cái vali to kết sù thật là vất vã. Cũng như các Việt kiều đứng trước cũng như đứng sau anh chị, vợ chồng anh cũng lo le tờ giấy bạc mười đô-la Mỹ kẹp sẳn trong passport hay trong Visa d’Entrée vì anh thấy nhờ vậy mà ai cũng qua cái ải nầy nhanh chóng. Anh rất an dạ. Đến lược vợ chồng anh, chợt cô cháu gái Bích Hằng, đưa tay ra cản.
     - Không được Dì, Dì làm như vậy là không đúng theo đường lối chính sách của chính phủ…
    Chị Xuân Tường thì bối rối, vì quá ngạc nhiên. Còn anh thì sợ. Anh chỉ mong qua cái ải này càng nhanh càng tốt. Anh chị hiểu cháu Bích Hằng. Vợ chồng anh chị cám ơn cháu. Nhưng cháu còn quá trẻ, quá nhiệt tình với lý tưởng. Thật sự anh chị cũng muốn để các ông công an quan thuế hành sử với vợ chồng anh chị như những Việt kiều khác. Làm như vậy các Việt kiều lúc đó nhìn anh chị cũng dưới cặp mắt khác… Cũng may, mấy ông công an không hạch sách gì nhiều, chỉ hỏi qua loa, rồi cho qua nhanh.
    
Vừa qua khỏi cửa quan thuế, có hai cậu thanh niên chừng 18,19, mặc quần đen, áo chemise trắng ngắn tay, thắc cà vạt xanh đậm, đến đón bốn cái vali của vợ chồng anh lên chiếc xe Taxi Minivan mà Bích Hằng mướn sẳn để rước anh chị. Họ làm công tác rất nhanh và gọn. Làm xong họ chưa chịu đi và còn đứng lớ ngớ. Chị Xuân Tường hiểu ngay là họ muốn “cám ơn”. Chị liền dí vào túi họ mỗi người một tờ giấy bạc 5 đô la Mỹ. Lần này Bích Hằng ngăn cản mạnh dạn hơn nữa:
    - Không! Không! Dì không phải cho tiền cho họ nhiều dữ vậy đâu. Đưa Vali Dì lên xe là chức năng của họ. Họ là nhân viên của các hảng Hàng Không, họ được mướn đứng ờ đây, để làm những công tác ấy.
    Chị Xuân Tường vội vàng mắng yêu Bích Hằng:
     - Đừng khó lắm con, để Dì cho họ ít tiền, gọi là để mừng dì cháu mình lâu ngày mới gặp nhau. Chị liền cám ơn các cậu ấy, và các cậu ấy cũng biến rất nhanh…Chị nói tiếp:
     - Thôi lên xe đi con, Dì nóng ruột muốn gặp lại mẹ con lâu quá rồi. Con dạo này ốm, xinh đẹp lạ. Ngày
xưa, con xuống Cần thơ thăm Dì Dượng năm 1979, lúc ấy con mập đen, tròn lẳn như con gái Xuân Hợp
của Dì…  
   Chợt anh tài xế đến lễ độ mở cửa mời anh chị và Bích Hằng lên xe. Bích Hằng nhìn anh và đoán anh đang ngạc nhiên, cô ấy nói một cách bâng quơ:    
    - Mấy năm trước đi theo các phái đoàn thăm quan các quốc gia Âu châu, và con nghĩ ở Mỹ cũng vậy thôi, con thấy tài xế taxi của họ không khôn khéo bằng tài xế Taxi của ta…
    Chiếc xe lách ra khỏi hàng rào người, chạy xa dần Tân sơn nhất. Dọc đường, anh thấy đời sống quá nhộn nhịp, gần như hổn loạn, ai ai cũng đổ ra mặt đường sinh sống, từ buôn thúng bán mẹt, cây kim sợi chỉ đến cả những gian hàng rộng lớn bán tòan hàng ngọai quốc. Xe chạy được một chập, Bích Hằng hỏi chị Xuân Tường:
     - Dì thấy Sàigòn thay đổi nhiều không? Dì có thấy thành phố nào trên thế giới xe cô và người di chuyển hổn loạn như vậy không? Mai mốt Dì có đi đâu thì gọi taxi mà đi, hoặc mẹ con lấy xe nhà đưa Dì đi. Đó là an tòan nhất. Và Dượng Trọng cũng vậy, đừng bao giờ đi xe Honda ôm, nguy hiểm lắm. Ở đâu cũng vậy, Hà nội, Huế, Sàigòn đâu đâu Honda ôm cũng nguy hiểm không lường được…
    
Trọng thấy Bích Hằng ăn nói thân tình trong gia đình không có gì là ngăn cách. Được nuôi dưỡng trong một hệ gia đình có truyền thống, mặc dầu lớn lên dưới những chế độ chính trị khác nhau, các con cháu của anh chị có những điểm giống nhau trong lề lối xữ thế và tiếp cận với đời.  Chị Xuân Tường vẫn ngồi im lặng nép mình bên cạnh cô cháu gái. Anh biết chi đang xao xuyến. Chị không thể nào nhận ra những con đường hay gốc phố của Sàigòn thương yêu của chị hai mươi năm về trước. Biết bao vật đổi sao dời. Tất
cả trật tự xây cất và tên đường đều thay đổi. Mỗi lần chị nhận ra con đường hay gốc phố mà nó đã bị đổi tên, mặt chị như đanh lại.  Chị cảm thấy như vừa bị ai tước đoạt tài sản hay những giá trị tinh thần riêng tư của chị. Vừa nhìn ra được đường HAI BÀ TRƯNG, chị Xuân Tường la lớn:
     - Đường “HAI BÀ TRƯNG” đây hả? Chợ Tân định đây hả? Nhà Thờ Tân định đây hả? Anh ơi! Nếu không còn cái bảng tên đường cũ em không thể nào nhìn ra ngay cả từng con đường cũ của mình! Rồi chị quay lại Bích Hằng:
     - Từ con đường “HAI BÀ TRƯNG” này chạy mãi…theo ngón tay chị chỉ chỉ…đụng Ngã Sáu, sau Trường Luật cũ của Dì, trước Viện Đại Học Sàigòn, gần Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn cũ, tức là Công Trường Duy Tân, rồi tiếp tục chạy tới đụng đường Thống Nhất tức là đường Norodom cũ, sau lưng nhà thờ Đức Bà, trước Dinh Độc Lập của mình, quẹo tay trái, chạy mãi đến gần Sỡ Thú, quẹo tay phải… Nếu lái xe Solex như Dì thuở đó, trong ba phút con sẽ vào sân trường Trưng Vương. Trường Trưng Vưong là trương Nữ Trung Học của nguời Bắc di cư vào Nam năm 1954. Dì là học sinh hiếm có người Nam được học trường đó từ lớp Đệ Thất đến Đệ Nhất. Hồi ấy các cô giáo của Dì, bà Vương Văn Bắc, vợ của ông Bộ Trưởng Ngọai giao Việt Nam Cộng Hòa, Bà dạy Pháp văn. Bà ấy sang lắm!
    Tội nghiệp cho Bích Hằng. Anh biết cô ấy chẳng hiểu gì về địa danh hay tên người mà chị Xuân Tường vừa nói đến,“ Dinh Độc Lập của mình” là của ai, cũng như cô không hiểu lái xe “Solex”là xe như thế nào, nhưng cô cũng ngước mắt nhìn theo ngón tay trỏ của Chị chỉ chỉ…Trọng thầm cám ơn Bích Hằng vì cô ấy biết kính trọng sự xao xuyến trong tâm hồn của vợ anh, cũng như cô ấy phải san sẻ và chịu đựng những nụ cười chua chát, những cái nhăn mặt của chị Xuân Tường.
    Ngưòi tài xế cho xe chạy chậm, ngừng lại, rồi lại lui xe. Chị Xuân Tường hỏi Bích Hằng:
     - Đến nhà rồi hả con?
     - Dạ! Đến nhà rồi. Chắc Mẹ con đang ở nhà chờ Dì.
    Hẻm thì sâu hun hút, hai bên lại có hai căn phố đập ra để lên lầu làm motel, hotel gì đó, cho nên lùi xe lại không phải là chuyện dễ. Ấy thế mà anh tài xế lách vào, lùi xe lại vô tận sân nhà không mấy khó khăn. Anh tài xế nhảy xuống đến mở cửa mời anh chị và Bích Hằng xuống xe, rồi mang tất cả bốn cái vali bỏ trong sân nhà. Trọng thấy Bích Hằng cố ý vội vã lấy ví trả tiền xe đúng theo bản giá chỉ tiền của xe là 48.000 đồng. Vợ anh liền cho thêm anh tài xế mười đô la Mỹ và khen anh ấy lái giỏi. Bích Hằng thấy thế đành làm thinh vì biết có nói cũng chẳng được việc gì. Anh tài xế cám ơn chị Xuân Tường và lái xe ra khỏi hẻm rất nhanh.
       Bổng cửa sắt sau lưng rít lên và mở toang ra, Diễm Khánh từ trong nhà chạy ầm ra ôm chầm lấy chị Xuân Tường. Hai chị em nghẹn ngào không nói nên lời, đầm đìa nườc mắt.
      Để mặc cho hai chị em chới với với cảm xúc của họ, một mình Trọng lần lược bê cả bốn cái vali vào trong nhà.
    Diễm Khánh bước lại gần anh, nắm lấy vai anh, ngã đầu trên vai anh, cô ấy bảo:
     - Anh lúc nào trông cũng vậy thôi. Có điều tóc bạc nhiều hơn. Được một cái là da dẻ hồng hào. Diễm Khánh lấy tay xoa đầu tóc bạc của Trọng. Trông chừng Diễm Khánh đang cố dấu nỗi xúc động. Hai mắt đỏ hoe…
    Trọng cám ơn Diễm Khánh và ôm vai Diễm Khánh gần hơn, nói nhỏ vào tai Diễm Khánh, nửa đùa nửa thật:
   - Nhờ gần hai mươi năm ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc Mỹ da dẻ mới được hồng hào như vậy. À, Diễm Khánh dạo này anh điếc nặng lắm. Em thấy anh đang mang máy trợ thính không? Cô thận trọng đấy. Tôi hay nói chuyện ‘trật đường rầy’, người đời vẫn thường bảo điếc không sợ súng…
   - Anh lúc nào cũng rắc rối, thời buổi này không ai cần nói chuyện với ai bằng súng đạn cả anh đừng có lo.
    Chị Xuân tường vội vàng chống chế cho chồng:
     - Diễm Khánh, anh Trọng dạo này già, nhiều lúc lẩm cẩm, Diễm Khánh hiểu cho…
     - Chị Xuân Tường! Sao chị lại nói như vậy! Nói xong Diễm Khánh cười lớn.
    Bước vào nhà trong, Trọng giật mình, khi thấy bàn thờ họa sĩ Nguyễn Minh, ba của Diễm Khánh. Chí tình, anh chẳng hay biết gì về cái chết của họa sĩ Nguyễn Minh truớc đây. Bất ngờ quá. Anh thật sự xúc động. Anh lăn xăn định hỏi về cái chết của ông ta. Chị Xuân Tường nhìn anh có ý không muốn anh hỏi nhiều về chuyện buồn. Bên cạnh bàn thờ, anh thấy một bàn còn đầy nhang đèn. Diễm Khánh chỉ vào bàn ấy nói:
     - Đó là đồ phúng điếu của các ông bạn của ba em gồm có các ông Hội Nhà Văn, các ông Họa sĩ, các ông nặn tượng, các ông nhạc sĩ, Bộ Ngọai giao, Sở Ngoại Vụ, và các ông lãnh đạo trong Thành phố…
     - Các ông ấy phần nhiều là đảng viên cả, họ cũng đến khấn vái và thắp nhang cho Dượng nữa sao?
     - Ai cũng vậy thôi anh. Ai cũng thờ Ông Bà, cũng cúng vái Ơn Trên Trước…
    Diễm Khánh vừa nói vừa cuối xuống mặt bàn đầy nhang đèn tìm tờ báo Văn nghệ và lật lật tờ báo tìm bài đưa Trọng xem và cô ấy nói:
     - Khi ba em qua đời, ông Tô Hoài, bạn của Ba em, có viết một bài để tưởng niệm ba em…
    Lúc đó chị Xuân Tường cũng vừa đến, mặt chị ràng rụa nuóc mắt, chị bảo:
     - Để đó đi anh…Sau rồi hãy đọc…
    Biết ý chị, Diễm Khánh đến lấy một nắm nhang đốt, rồi chia cho Trọng và chị Xuân Tường mỗi ngừơi một nửa. Chị Xuân Tường cầm nhang đưa cao lên khỏi đầu và khấn vái…Vai chị run. Hình như chị đang khóc. Diễm Khánh đứng sau ôm lấy vai chị, ngã đầu vào lưng chị, cùng khóc. Trọng đưa nhang lên khỏi đầu và khấn: “Dượng Minh muôn vàn kính mến, vợ chồng con về thăm quê lần này có ý muốn gặp lại Dượng vì các con cần những lời chỉ giáo của Dượng. Không ngờ Dượng vĩnh biệt gia đình con cháu quá sớm, vợ chồng con vô cùng tiếc thương Dượng…”.  Chợt một bàn tay đặt trên vai anh, khi đó Trọng mới ý thức là Bích Hằng đang đứng sau lưng anh.
    Lễ bái xong, chị Xuân Tường đứng xem nhà Diễm Khánh, chị khen:
     - Nhà Diễm Khánh đẹp thật. Diễm Khánh có cả bộ bàn ăn cỗ kính, với tám cái ghế cẩm lai. Đẹp tuyệt! Ở Mỹ giàu như Bill Gates chưa chắc có được bộ bàn ăn cỗ kính quí như vậy…
   Nghe nói, Diễm Khánh phá lên cười:
      - Chắc rồi đấy chị! Làm sao một tên tỷ phú Mỹ như Bill Gates, lại có thể có được một bộ bàn ăn làm bằng gỗ quí cẩm lai của ta được…
      Nói xong Diễm Khánh ngước lên nhìn Trọng và cười như thách đố. Lúc ấy vô tình Diễm Khánh để lộ cái cổ ra. Cổ Diễm Khánh trắng cao, không gợn một nếp nhăn, thanh tú như đóa hoa huệ. Trọng thầm khen Diễm Khánh vẫn xinh đẹp như thuở nào…
   Gần bộ salon cỗ kính bộc bằng da nâu sậm, Diễm Khánh đặt một hệ thống computer với cái máy Compact, máy in màu, một số điện thoại có dây, cầm tay, máy ghi chú v.v…và vài thứ lĩnh kỉnh khác tạo thành một khu vực khá độc đáo. Diễm Khánh cầm tay chi Xuân Tường và chỉ vào khu vực ấy nói:
     - Đây là “Headquarter” của em đó. Và cô ấy cười ngất. Nói thật với chị “tụi này” cần thiết cho em lắm. Có nhiều lúc mang đồ ở sở về làm, một mình rị mọ cả đêm.
    Nghe Diễm Khánh nói với giọng ngậm ngùi. Xúc động, Trọng hỏi:
     - À!...Còn Quí dạo này ra sao? Đâu…rồi?
     - Đâu rồi? Nghĩa là sao? Diễm Khánh hỏi vặn lại. Anh đã biết em và anh ấy ly dị từ hồi còn ở Hà nội sau khi anh ấy ở Kiev về.  Em nuôi con, như anh biết đấy, Bích Hằng vẫn ở với em. Diễm Khánh quay lại vừa nhìn chị Xuân Tường vừa nói:
     - Năm 1980, tụi em cũng có ý trở lại với nhau, nhưng anh Quí có nhiều va chạm, đấu tranh với má em, nên tụi em đành thôi, vĩnh viễn chia tay. Rất tiếc, lúc ấy anh chị vượt biên rồi, phải chi lúc ấy anh chị còn
ở lại, hy vọng anh Trọng có thể hàn gắng lại cho tụi này. Em nghe anh Quí nói anh ấy thích Trọng lắm, vì hai người có những tư tưởng rất gần nhau…
     - Vâng, Trọng nói, tôi có gặp Quí một lần, đầu năm 1976, tám tháng sau Ngày Tiếp Quản, tại bịnh viện Đa khoa Hậu Giang. Chúng tôi nói chuyện với nhau chỉ có mừơi lăm phút trong phòng giải lao của bác sĩ trực. Lúc ấy Quí có cho tôi biết Quí là chồng của Diễm Khánh, và ăn ở với nhau có được một cháu gái. Anh ấy không hề nhắc đến chuyện ly dị. Lúc đến thăm tôi, Quí xách theo một box lave, mời tôi uống. Tôi rất thích anh chàng ấy.Trông anh như một tay hảo hớn, cao lớn, nứơc da đen sậm, mắt sáng, quai hàm rộng, quắc thước. Quí cho tôi hay, năm 1954, anh vừa đậu xong Brevet Elementaire tại Saigòn lúc đó anh vừa ngoài 16 tuổi, anh thoát ly theo chú tập kết ra Bắc. Quí là con nuôi của Bác Tôn, vì quê anh cũng là Bến tre. Anh được gửi sang Liên sô học bổ túc lái Mig, hồi giữa năm 71, lúc ấy Diẽm Khánh đang có thai. Anh tốt nghiệp giữa năm 72. Lúc ấy cả nước từ Bắc chí Nam, là một chiến trường nóng bỏng. Mỹ oanh tạc đánh phá miền Bắc ác liệt. Vì nhu cầu chiến trường, sau khi tốt nghiệp anh có lệnh đòi về, nhưng anh nhất định không về. Không phải anh ấy sợ độ tàn khốc của chiến tranh, mà sợ Nhà Nước ta lúc ấy đang đánh “Các Ông Xét Lại” dữ dằn quá. Tư tưởng xét lại có gốc Liên sô, từ thời Krutchev. Với sự đồng tình của Nhà nước Sô Viết, anh được lưu lại Liên sô, nhưng anh phải đi ở ẩn các Đại học xa Thủ Đô Mạc Tư Khoa, xa tòa Đại sứ Việt nam. Thành phố cuối cùng anh ở là Kiev, phía bắc Liên sô, thuộc tiểu bang Urkraine. Quí có khen thành phố và Đại học Kiev thật xinh đẹp, người Urkraine lịch sự hiếu khách và hòa
Nhã.  Đầu năm 73, hòa ước Paris vừa ký kết, và phong trào Đánh Xét Lại  cũng ‘xẹp’ xuống nhiều, anh từ giả Kiev, bay về Hà nội. Cuối tháng sáu, năm 75, vì nhớ Miền Nam, anh lái chiếc xe Molotova, chạy từ Hànội thẳng vô Nam, Sàigòn. Chúng tôi nói chuyện trao đổi với nhau rất là hợp, mặc dầu chúng tôi chỉ gặp nhau trong mười lăm phút. Khi chia tay, chúng tôi nắm chặc bàn tay nhau. Quí nhìn vào mắt tôi và nói: “Au Revoir”, anh ta ôm tôi siết thật mạnh…
    - Đúng vậy, Diễm Khánh nói, mặc dầu chúng tôi lúc ấy đã ly dị, nhưng tại có con nhỏ này, cô vừa nói vừa chỉ Bích Hằng, cho nên anh ấy vẫn năng lui tới. Anh Quí là một người đàn ông mà ai gặp một lần cũng mến mộ. Sau khi vô Nam anh ấy chuyển ngành, làm giám đốc của một công ty chế biến, và xuất khẩu hàng may mặc. Sau em, anh ấy có thêm hai đời vợ, bà vợ sau cùng, người Hà nội, chị cũng là kỹ sư, họ quen nhau từ hồi bên Liên sô. Chồng chị ấy đi B, chết ở Trường sơn năm 1971. Bây giờ anh Quí già. Cách đây một năm anh bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, anh vẫn ngồi trên xe lăn và sống bằng lương hưu.
    Nói đến đây trông cô ấy có vẻ ngậm ngùi, cô nói tiếp:
     - Xa anh ấy, em không còn quen với người nào khác.
   Và xoay về phía chị Xuân Tường, Diễm Khánh nói:
     - Thú thật với chị, trong suốt hơn mười năm qua em không biết đến một người đàn ông là gì. Em với anh Quí xa nhau, không phải lỗi tại ai cả. Tụi em, chỉ là nạn nhân của chiến tranh.
     Hình như đến lúc này chị Xuân Tường thấy cần phải chuyển đề tài, nói chuyện vui vẻ hơn. Chị nói với Diễm Khánh:
     - Diễm Khánh có một hệ thống Computer khá đầy đủ và rất tốt.
     - Bên nhà Bích Hằng cũng có một hệ thống tương tợ như vậy, em định mang hết “tụi đó” qua bên này, để trống chỗ cho anh chị và Tỏa nghỉ ngơi.
    Chị Xuân Tường liền bảo:
     - Đừng dọn qua, dọn lại làm gì cho mất công. Chị cũng cần hệ thống bên ấy để Email cho Xuân Hảo, Xuân Hợp hay cho Dì Hai, tức là mẹ chị. Chị nói:
     - Đi đây chớ Dì Hai bên ấy lo lắm.
    Nghe nói tên hai đứa cháu gái của cô, Diễm Khánh liền bảo:
     - Nghe nói Xuân Hảo không còn làm về Investment Banking ở Lehman Brothers-New York, cháu tự xin chuyển về San Francisco phải không chị ?
    Chị Xuân tường chưa kịp trả lời, Diễm Khánh nói tiếp:
     - Nghe nói Xuân Hợp tháo vác lắm phải không? Cô ấy vừa về làm ở Rochester, New york, gần bịnh viện mà Fiancé của cô ấy đi thực tâp. Chắc cô ấy thích lắm chị nhỉ!
     Chị Xuân Tường vội đỡ lời:
     - Vì con nhà nghèo, ở xứ người, nói chung các cháu đều tháo vác cả. Mà sao Diễm Khánh biết hết mọi
chuyện cả vậy?
     - Dì Hai, Má chị, tháng trước về thăm nước ở với tụi này, bà nói cho tụi này biết hết. Dì hai thương đám con của chị quá chừng chừng. Lúc Dì hai ở đây với tụi này, thỉnh thoảng Tỏa có gọi điện thoại từ Hà nội, nói chuyện với bà ngoại. “Anh” ấy nói tiếng Việt ngọng mà nói giọng Bắc kỳ nữa. Nói xong Diễm Khánh cười ngất.
     Hai chị em nắm lấy tay nhau tung tăng đi xem nhà. Diễm Khánh nói:  
     - Cái nhà này như chị thấy có hình chữ L. Cánh lớn chữ L là em ở. Cánh nhỏ chữ L là của Bích Hằng. Con gái lớn rồi, cho cô ấy ra tiêng để cho cô ấy có tự do thù tiếp bạn bè. Nhưng anh chị và Tỏa về đây, thì
cô ấy về ở ẩn với mẹ. Nói xong hai chị em cùng cười một cách hồn nhiên.  
    Diễm khánh ghé nói nhỏ vào tai chị Xuân Tường nhưng cũng vừa đủ cho ông anh rể mình cùng nghe:
     - Cái nhà này, em mua hồi năm 1987, một trăm hai chục cây đó chị. Má em chi tất cả.
    Chị Xuân Tường khen nhà đẹp, trang trí đẹp. Và chị cũng khen Diễm Khánh có óc thẩm mỹ khi chọn mua nhà này. Nhà ở thuộc khu sang trọng. Láng giềng có vẻ toàn là trí thức.
    Diễm Khánh cười sung sướng và cám ơn chị Xuân Tường. Chợt Diễm Khánh nói:  
       - Mới đây mà đã năm giờ chiều rồi. Tụi mình hè nhau mang tất cả 4 cái Vali này qua bên anh chị. Bên
anh chị có hai phòng ngủ, bên tụi này cũng có hai phòng ngủ. Nhưng bên anh chị có máy lạnh, có bồn tắm, có douche nuớc nóng và nước lạnh. Bên anh chị được tân trang nhiều. Còn bên em chưa được tân trang, mặc dầu nó rộng hơn, hệ thống nhà tiêu nhà tắm vẫn giử nguyên như cũ, vẫn cái  Siège  de Turque, cỗ lỗ sĩ, không phù hợp với anh chị đâu. Ông bà qua bên đó nghĩ ngơi cho khoẻ. Đúng 7 giờ mời ông bà qua bên này dùng bửa cơm dưa muối với nhà nghèo...Câu mời mọc khiêm tốn và khôi hài của Diễm Khánh làm cho vợ chồng Trọng và cả Diễm Khánh cùng cười...

                                            III- SAIGÒN SAU HAI MƯƠI NĂM

Nhìn đồng hồ chỉ đúng 19 giờ ngày 14-12-1998, thấy vợ còn đang hong tóc, Trọng bảo:
     - Nhanh lên em, đừng để ‘họ’ đợi!
     - Anh còn dám gọi Cách mạng là ‘họ’ đấy à?
    Chị Xuân Tường vừa nói vừa cười, nửa đùa nửa thật:
     - Anh còn nhớ, có lần anh nói với em, năm 75, anh bị phê bình vì anh sơ ý, trong buổi giao ban anh gọi  
Cách mạng là ‘họ’. Lúc ấy anh không bị kiểm điểm, kiểm thảo gì cả, là nhờ lúc ấy có bác sĩ Út Ngôn, anh ấy cũng người Nam, anh ấy cũng quí anh nữa. Nhưng bây giờ anh vẫn thấy đó: chế độ vẫn chế độ công an, tai vách mạch rừng.
     - Câu chuyện ấy lâu rồi gần một phần tư thế kỷ. Mà anh chỉ gọi mẹ con Diễm Khánh là “họ”, anh có gọi ai khác đâu?
     - Nói cho anh nghe vậy, anh đừng có buồn. Một phần tư thế kỷ rồi anh thấy đó, họ có xê dịch gì không? Không hiểu trong bửa cơm chiều nay, ngoài vợ chồng mình còn có vị ‘quan khách bất ngờ’ nào không? Anh rán giử ý, giử tứ, thận trọng cho anh, cho vợ, cho hai mẹ con Diễm Khánh …nghe anh.
     Qua nhà Diễm Khánh, anh chị chưa kịp gỏ cửa, cửa đã mở. Ngọc Tới đứng nép người sang một bên chào vợ chồng anh chị. Chợt nhìn thấy Ngọc Tới, vợ chồng anh ngẫn ngơ. Khí sắc của Ngọc Tới sụp đổ đến độ dị thường: tóc rụng xác xơ, răn cái có cái không, ngưởi cô ấy mập và phì ra như phù thủng, da nhợt nhạt, trông như một bịnh nhân trong thời kỳ chịu ảnh hưởng ung-thư-trị-liệu! Chị Xuân Tường tiến đến nắm hai tay của Ngọc Tới, người em bạn dì của chị, chị ruột của Diễm Khánh.  Hai chị em cùng ôm nhau khóc. Mặc dầu mẹ vợ anh, về thăm nước cách đây một tháng, khi trở về Mỹ, bà có nói trưóc cho vợ chồng anh chị hay về sự thay đổi khí sắc của Ngọc Tới. Nhưng anh nghĩ đâu thể nào có sự thay đổi đến mức độ tiều tụy như vậy. Anh tin chắc rằng, không có một nguyên nhân ngoại lai nào có thể làm cho Ngọc Tới xuống dốc đến độ như vậy, ngoại trừ sự xâu xé chính nội tâm của Ngọc Tới.
     Trọng biết Ngọc Tới và chồng của Ngọc Tới là ‘Dươc Cao’ Năm Hoàng hai tuần sau ngày tiếp quản Cần thơ 1975, tại bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa. Lúc ấy Ngọc Tới là người phụ nữ trí thức, đẹp sang trọng trong hàng ngũ Cách mạng, tại khu 9, Hậu giang. Sau này, Trọng thường nói với Họa sĩ Nguyễn Minh, thân phụ của Ngọc Tới và Diễm Khánh lúc ông còn sinh thời: “Diễm Khánh là Liz Taylor của Mỹ, Ngọc Tới là Trà Giang của Việt nam! ”. Nhưng Ngọc Tới có suy tư sâu sắc; có cái nhìn thấu suốt lịch sử mười năm, hay hai mươi năm sau. Sau khi tiếp xúc vời vợ chồng Ngọc Tới trong vài tuần lể, anh thấy ở Ngọc Tới có một nội tâm dữ dội, chuyển hóa không ngừng. Những gì anh thấy ở đất nước hôm nay, chứng tỏ rằng những điều Ngọc Tới suy nghĩ cách đây gần hai mươi năm là đúng.
     Bước vào nhà trong, Ngọc Tới đến ôm vai anh và nói sát vào tai anh:
     - Em về hưu non lâu rồi anh…
     - Dì Hai về Mỹ, có nói cho tôi biết điều đó…
     - Em cũng tự ý xin ra khỏi Đảng rồi anh…
     - Ngọc Tới nói sao? Khỏi phải đi hop sinh hoạt nữa?
     - Đi họp làm gì? Em tự ý rút. Cách đây sáu tháng, người ta có yêu cầu em trở lại Đảng, và bằng giấy trắng mực đen người ta có cho em biết rõ, nếu những ai về hưu mà còn giữ Đảng tịch thì được miễn đi họp sinh hoạt Đảng. Nhưng em không! Dứt khoát, không trở lại Đảng.  
   Câu chuyện giữa Ngọc Tới và Trọng làm không khí có vẻ căng, Trọng bèn chỉ vào bàn ăn và nói lớn:
     - Mấy con cua lột sao mà to thế… Không hiểu quí vị nấu nướng chúng với kỹ thuật tân kỳ như thế nào mà trông chúng đẹp lạ thường, như chúng đang mặc áo giác vàng. Anh châm bẩm nhìn vào đĩa tôm luột đặt ở giữa bàn bốc hơi. Những con tôm to mập no tròn căng cứng màu hồng trông thật là mọng. Bên cạnh là những đĩa muối tiêu, những đĩa tương ớt màu nâu, vàng, đỏ, những miếng chanh xanh cắt sẳn chờ đợi và những tép tỏi Phanrang thơm nồng. Tất cả hương sắc và bụng đói tạo cho anh háo hức thèm ăn lạ  thường…
    Hiểu được anh, chị Xuân Tường bảo:
     - Nhìn kìa, tên Việt kiều ở Mỹ về đói ăn trông mà thảm hại!
    Cả nhà ai cũng cười. Ngọc Tới bảo:
     - Ở nước ngòai về ai cũng đói ăn cả, nhưng họ chỉ đói ăn những món đặc sản của quê hương. Anh Trọng, anh nhìn vào đầu bàn bên kia mà anh sẽ ngồi vào, bên gốc tay phải của anh có tô “cá rô kho tộ”. Món Cua lột, tôm luột là của mẹ con Diễm Khánh làm; còn món “cá rô kho tộ” là chính tay em làm.
     - Thật đấy anh Trọng, Diễm Khánh bảo, món “cá rô kho tộ” là món do chị Ngọc Tới làm từ trưa đến giờ đặc biệt dành cho anh đó.
    Trọng đến sờ vào siêu “cá rô kho tộ” còn ấm nóng, anh đưa siêu “cá rô kho tộ” lên tận mũi để thưởng thức hương vị quê hương miền Nam. Anh nhớ ơn Ngọc Tới vô hạn. Chợt anh thấy trên đĩa dưới đáy siêu một mảnh giấy nhỏ. Anh cầm lên đọc. Đó là bài thơ đưọc chép tay lại, nét chữ của Ngọc Tới. Đọc bài thơ, hốt nhiên anh nhận ra đó là bài thơ của anh, viết cách đây gần hai mươi năm.  

    Hôm ấy, ngày 2 tháng Tư, năm 79, vợ chồng Trọng có mời vợ chồng Ngọc Tới đi ăn ở cái quán ăn “xập xệ” ở bến Ninh kiều, chợ Cần thơ. Tuy nhìn là “xập xệ” như vậy, vì Cách mạng vào ai cũng muốn tỏ ra mình là biết giác ngộ bằng cách “xập xệ”; thật sự quán này là quán ăn nổi danh, có nhiều món đặc biệt của Hậu giang. Trước bảy mươi lăm, anh và bạn bè của anh, các bác sĩ ở Cần thơ, gọi quán này là “Danh Trấn Giang Hồ Miền Tây”. Khi vào quán, anh chị có nói với vợ chồng Ngọc Tới ở đây có nhiều món ngon và lạ, quí vị cứ gọi cho bằng thích. Vợ chồng Ngọc Tới, và chi Xuân Tường gọi đủ thứ có cả cháo rắn hổ, cà ri rùa-cua-đinh…Riêng anh, chí thú có một món: “cá rô kho tộ”.
    Hôm ấy, Ngọc Tới có phê bình anh:
     - Anh này, ngay cả ăn uống cũng cục bộ. Anh chí thú có một món cơm trắng và “cá rô kho tộ”. Khi nào xa chắc có nhớ về Cần thơ, anh chỉ nhớ món này thôi. Rồi cô ngâm nga câu ca dao: “Cần thơ gạo trắng nước trong…”…
    Chiều hôm ấy, ngồi trong hiên quán, ngoài trời mưa rã rich, phố xá tiêu điều, bây giờ mới có sáu giờ chiều đời sống như ngưng đọng lại. Một vài con ruồi đậu phía ngòai cửa kính nhọc mệt kéo lê đôi cánh ướt át, để lại những vết nhớp nhúa trên mặt kính. Chỉ còn hai mươi mấy ngày nữa là Cách mạng về với Cần thơ đúng bốn năm tròn. Trong suốt bốn năm dai dẳng ấy biết bao nhiêu đổi thay tang thưong đi qua thi trấn miền Tây này. Cần thơ ngày càng co lại, ngày càng khốn khó hơn. Những hân hoan chào mừng Cách mạng ngày 30/4/75 phụt tắt rất nhanh. Người ta thấy những vết hằn ngày càng sâu hơn, càng quằn quại hơn cày nát trên những gương mặt buồn thảm của những người vợ trẻ, những bà mẹ già có chồng có con đi tù học tập cải tạo không ngày về. Ngay các cán bộ tập kết về họ cũng ngậm ngùi cho thân nhân họ bị vùi dập đày ải trong các trại cải tạo. Ngòai trời, hoàng hôn một màu xám xịt đang phủ xuống mặt đường. Trọng nhớ lại chỉ còn mấy ngày nữa anh đưa gia đình ra khỏi nơi này, và đi về một nơi vô định. Cần thơ, nơi anh phục vụ gần cả đời người, mười năm anh hành nghề bác sĩ phẩu thuật tại đây, và cũng là nơi vợ anh đã hạ sinh ba đứa con của anh. Nghe tiếng mưa rơi trên hiên quán, tiếng điểm thời khắc qua nhanh, tiếng gọi của vùng trời xa xâm nào, ở đó có sự rũi may đang chờ đợi anh. Vớ được mảnh giấy xi măng trên bàn bên cạnh, anh liền viết mộ bài thơ ngắn trong lúc anh thật sự xúc động. Sau bữa ăn, lúc tiển vợ chồng Ngọc Tới về, anh nhét vội bài thơ trong túi áo mưa của Hoàng, chồng của Ngọc Tới. Hôm nay gặp lại bài thơ, những sóng gió đổi thay cuộc sống của anh ở đây gần hai mươi năm về trước hiện về đậm đặc từng nét…Trọng đọc lớn bài thơ ấy cho cả nhà nghe…Chị Xuân Tường muốn biết bài thơ ấy của ai? Trọng kể lại sự tích bài thơ. Chị Xuân Tường la lớn:
     - Ồ! Lạc điệu và cũ quá rồi, phải không bà con?
    Cả nhà cùng cười. Ngọc Tới nhắc lại bài thơ nguyên bổn và mảnh giấy xi măn anh Hòang vẫn còn giử, đây chỉ là bản chép tay của em.
    Sau bài thơ, các bà ngồi chùm nhum lại, chuyện thầm thì, hết chuyện này sang chuyện khác, chuyện của các bà dài hơn hai mươi năm. Riêng anh, đói meo cả ruột. Thấy tám giờ tối rồi mà chẳng thấy ai đếm xĩa gì đến ăn uống cả, Trọng giơ tay định bốc đại một con tôm. Chị Xuân Tường la lớn:
    - Ơ! Hay thật! Anh có biết đợi chờ là gì không?
    Diễm Khánh thấy ông anh rể mình bị quê, cô liền nói đùa:
     - Chắc trước kia lúc chưa cưới, chị cho anh ấy đợi dài dài…
     - Cưới hay chưa cưới gì cũng vậy, lúc cần thì cho ông ấy ngóng dài cả cổ ra. Nói xong câu ấy chị Xuân
Tường thích thú, cười rũ rượi...
       Chợt có tiếng động ở cửa trước. Một bà cụ bước vào, mái tóc bạc như bạch kim, bà chống gậy, đi vững và chậm. Bên cạnh bà là một thanh niên chừng 18, 19 tuổi. Thọat nhìn, Trọng biết ngay đó là Dì Quới, mẹ của Ngọc Tới và Diễm Khánh. Tất cả mọi người đều chạy đến và đưa tay nắm lấy tay bà, để dìu bà đi cho vững hơn. Tất cả đều bị bà từ chối và gạt ra. Bà nói lớn:
     - Để tôi được độc lập. Không có gì quí hơn độc lập…Phải không bác sĩ Trọng?
     - Thưa Dì đúng vậy, Trọng liền đáp.
    Bà đi chậm nhưng rất vững. Trọng thấy Ngọc Tới, Diễm Khánh, Xuân Từơng và cả Bích Hằng đi sát bên cạnh bà, nhưng không ai đưa tay cầm lấy tay bà. Trọng tiến đến, đưa tay cầm lấy tay bà và đưa bà vào ngồi chỗ đầu bàn. Anh xin lỗi bà là vợ chồng anh chưa kịp đến hầu thăm bà, và anh cũng xin chuyển đến bà lời chào hỏi của nhạc mẫu của anh, chị ruột của bà, và lời cầu chúc sức khoẻ của Bà.
    Bà dì Quới đáp:
     - Tôi cám ơn Bác sĩ. Chị tôi có phúc lớn có rể quí là Bác sĩ, tận tình phục vụ và chăm sóc cho chị tôi khi bà lưu vong ở đất nước người.  Còn Bác sĩ lúc nào cũng ngon lành cả. Dưới thời Việt nam Cộng Hòa anh là Bác sĩ; Việt cộng vào anh cũng là Bác sĩ; qua Mỹ qua miết tít mù, anh cũng là Bác sĩ…Cách đây mươi hôm, một bà Trung tá của mình Sàigòn xưa đến thăm tôi, cho tôi biết là chồng bà bị bịnh tâm thần gọi là ‘Hội Chứng Hậu Chiến’gì đó, nghĩa là khi đi tù cải tạo bị mấy ông Cách mạng Cộng sản hành hạ vùi dập dữ quá. Gọi là rữa não mà! Nghe bà ta nói chồng bà và một số sĩ quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa cũng ở trong trình trạng như vậy hiện đang được Bác sĩ Trọng điều trị và tư vấn tâm thần tại Chicago. Bà đâu có ngờ ngờ bác sĩ Trọng là con rể nhà này… Nhưng ngon lành nhất, là lúc nào bác sĩ cũng có cô vợ đẹp ở bên cạnh…
     - Thưa Dì, về đời, con thật là may mắn…Với Xuân Tường con thật là tốt số. Nhưng thưa Dì ngày xưa Dì đâu có đồng ý cho Xuân Tường lấy con.
      - Ah! C’est vrai! Đúng vậy. Thôi bỏ chuyện cơm cũ. Chacun a son sort. Bây giờ đến lược tôi phải xin lỗi quí vị là tôi đến trễ, ai cũng đói cả rồi. Thôi mời tất cả ăn đi thôi.  À, Bác sĩ Trọng, cậu con trai ngồi bên tay phải của anh đó là Tự, con của Ngọc Tới. Anh biết và ai cũng biết, Tự là tên của Ba của Xuân Tường, tên của anh Hai, anh rể của tôi. Vì kính mến anh Hai, cho nên vợ chồng Ngọc Tới lấy tên anh Hai đặt cho con. Họ là Cách mạng mà. Mình thì kị húy, kị tên, không dám gọi tên ông bà ông vải; còn họ thì càng thương càng yêu, càng gọi to, càng réo lớn. Nhiều lúc tung hô: muôn năm, muôn năm! Nghe phát sợ!
    Bích Hằng, Tự và Trọng, ngồi đầu bàn bên này. Bà dì Quới, chị Xuân Tường, Ngọc Tới và Diễm Khánh ngồi đầu bàn đối diện! Nhìn bà Dì Quới chăm sóc chi Xuân Tường trong bửa ăn, Trọng thật sự cảm động. Bà biết từng sở thích nhỏ của chị Xuân Tường, từng cọng hành tép tỏi. Bà nói lớn cho Bích Hằng, Ngọc Tới và Diễm Khánh nghe:
     - Xuân Tường không ăn được cua có vỏ. Cô ấy chỉ ăn cua lột thôi. Con gái rượu của ông Chánh án mà. Đáng kiếp cô thôi. Bỏ chạy sang Mỹ miết tít mù, làm lụng khổ sở làm sao mà có thể mua được cua lột cho cô ăn. Đáng đời cô, để cô biết đá vàng!
     Xuân Tường là đứa cháu gái con của anh Hai, chị Hai, mà bà Dì Quớí thương yêu nuông chiều nhất. Hơn hai mươi lăm năm về trước, lúc ấy Ngọc Tới và Diễm Khánh theo cha tập kết còn ở ngòai Bắc, có lần Bà Dì Quới xin anh Hai, chị Hai cho Xuân Tường qua “ở hẳn bên bà”. Mặc dầu không được toại nguyện, bà vẫn được Xuân Tường lui tới hôm sớm với Bà. Lúc ấy Xuân Tường hoàn toàn thay thế hình ảnh của Ngọc Tới và Diễm Khánh trong tâm hồn bà Dì Quới. Năm 1970, Trọng đi hỏi chị Xuân Tường lảm vợ, Bà là người duy nhất trong gia đình không đồng ý gả chị Xuân Tường cho anh. Lập luận cơ hữu nhất của Bà: “con nhỏ mới có 17, 18 đem gả cho tên Trung kỳ già ngắt”!
    Ở đầu bàn bên này, Trọng vừa ăn vừa chuyện vãn với Tự và Bích Hằng. Trọng hỏi hai cháu về dự tính tương lai của họ như thế nào? Bích Hằng bảo tương lai của cô ấy tùy thuộc vào Sở Ngoại Vụ. Hy vọng năm 2000 hay 2001 sẽ được học bổng của chính phủ Mỹ sang du học tại Yale hay Hardvard về luật thương mại. Ước mơ của cô ấy là làm giáo viên đại học hay chuyên viên kinh tế và tài chánh. Còn Tự năm nay 19 tuổi, nhỏ hơn Bích Hàng 7 tuổi, cho biết là cháu đang tập trung để luyện thi vào Đại học Chuyên môn. Cháu mơ ước được đậu vào Đại Học Công An.
    Bà Dì Quới nghe Tự nói thế, bà không hài lòng. Bà nói một mình:
     - Rau nào, sâu đó!
Nghe mẹ nói, Ngọc Tới rất buồn, nhưng không dám một lời phật ý mẹ.
    Dì Quới nâng cốc rượu vang lên cao và nói:
     - Bữa ăn hôm nay là mừng gặp lại Xuân Tường sau hai mươi năm xa cách.
     - Thưa cám ơn Dì. Chị Xuân Tường đáp lời Bà. Thưa Dì cách đây cũng gần hai mươi năm, năm 1975 gia đình mình cũng tổ chức một buổi tiệc để gặp lại Ngọc Tới và Diễm Khánh trở về, sau hai mươi năm tập kết ra Bắc.
     - Đúng vậy, đời tôi hết xa con rồi đến xa cháu, đứa này trở về đứa khác phải ra đi! Đó là vận của nước hay số kiếp của tôi?
    Trọng thấy bà nước mắt lưng tròng…
    Bà Dì Quới nói tiếp:
     - Thôi ăn đi các con…
    Bà nâng ly rượu vang, bà hớp một hớp nhẹ. Anh làm giống như bà. Đúng là rượu vang-Admiral-của Pháp cái hậu của nó thật êm dịu, nồng ấm kích thích vị giác. Càng uống càng đê mê, ăn càng ngon. Nhìn cung cách bà Dì Quới uống rượu vang, từ cách nâng ly, dáng cầm thìa, cầm fourchette, bà chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp một cách sâu sắc. Bà có phong cách nói chuyện thật hấp dẫn, chế ngự người nghe, nhưng luôn luôn vẫn giử vẻ kín đáo, sang trọng trí thức của một mệnh phụ. Sau vài tuần rượu, da mặt bà hồng hào. Bà ngước mặt lên cao, dưới ánh sáng của mười ngọn đèn 100 nến, mái tóc bạc của bà lung linh óng ả lạ thường…Bà nói:
     - Bác sĩ Trọng có biết mấy chai rượu vang ấy là rượu của dượng Minh để lại không? Dượng Minh chết để lại một hầm rượu trong xưởng vẽ của ông ta tại Saigon, mà chính tôi đã dự trữ cho ông ta trong hơn 20 năm xa cách. Mang một tâm hồn lãng mạn đi làm Cách mạng thật là nghiệt ngã. Trước khi ông ấy chết, ông ấy còn thiết tha với Cách mạng lắm đấy Bác sĩ Trọng. Những năm sau cùng của đời ông, ông bị bịnh Tâm Thần Phân Liệt. Suốt ngày ngồi nói chuyện một mình hay nói chuyện với ai đâu đâu ở trên Trời. Ông sống trong một thế giới xa rời thực tế, thế giới của Don Quichotte mang đao to búa lớn tiến lên chém cối xây; thế giới của những Othello súc xiễm, vung gươm chém bạn mà ngỡ là kẻ thù; thế giới của những kẻ mang tâm hồn thác loạn, tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người…Có nhiều lúc ông gọi các con cháu: “Ngọc Tới, Diễm Khánh, Bích Ngọc và Tự có nghe Bác Hồ gọi tên ông ngoại đến Quảng trường Ba đình để nhận Huy Chương Thống Nhất do chính Bác Hồ trao tặng”! Rồi ông ấy hối mấy đứa, cũng như ông ấy, thay đồ lẹ lẹ để đi cho kịp. Thật là tội nghiệp! Phải không bác sĩ Trọng? Biết làm sao bây giờ. Chacun a son sort…Ai cũng có số cả. Rồi bà tiếp tục với giọng hờn dỗi:  
    - Mặc áo đi theo Cách mạng, mang cả con cái, gia đình đi theo người ta ra tận ngoài Bắc, anh nhất định không chịu vào Đảng để cho con cái nhờ. Là cá mà không chịu có mang làm sao sống lâu dưới nước được. Anh Minh yêu dấu…cũng may cho anh! Anh chết già! Anh tốt số hơn Tô Ngọc Vân, người bạn vẽ của anh của thuở xa xưa, ông ta bị giết chết sau trận Điện Biên một các khó hiểu. Bây giờ người ta cũng quên đi không còn ai nhắc tới tên của ông ấy cũng như bức tranh thời danh “Hà nội Đứng Vùng Lên” của ông ta nữa. Anh đã sai lầm. Anh và bạn của anh sai lầm. Các anh cứ nghĩ đi làm cách mạng với tinh thần yêu nước, yêu Bác Hồ là đủ. Các anh chưa biết khiếp sợ Chuyên Chính Vô Sản!  “Họ” đâu có chấp nhận các anh mãi mãi được. Họ với các anh chỉ là những kẻ “đồng sàng dị mộng”! Không là đảng viên mà đứng trong hàng ngũ Cộng sản thì các anh được “họ”sử dụng như những hình nộm. Thật vô cùng đau xót cho anh, khi thấy anh, trong những đêm khuya khoắc, cúi mái đầu ngoài bảy mươi trên những trang sách đầy sấm hối, “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội”, của ông Bảy Trấn, người bạn già của anh. Khi biết ông ta ở tuổi ngòai bảy mươi còn viết đơn xin ra khỏi Đảng, anh đứng dậy, anh la hét trước tấm voile trắng căn trên giá vẽ: “Thiên lý tại nhân tâm! Vô tận ở trong ta! Trong ta là cõi vô tận”! Và anh mang tất cả sơn màu pha chế anh vụt trên voile trằng! Anh nằm lăn trên sàn nhà xưởng vẽ. Anh la hét. Anh đứng thẳng người, đưa thẳng hai tay lên khỏi đầu như thần chiến thắng, anh ca tụng tác phẩm của anh: “Con người là mâu thuẩn! Chế độ là mâu thuẩn! Xã hội là mâu thuẩn! Tất cả đều sản sinh từ mâu thuẩn, từ đối kháng, âm dương! Đời khi có, khi không! Sắc sắc! Không không! Arthur Koestler! Le Zero Et L’Infini! Thiên Lý Vô tận ”…Người  ta bảo anh bị bịnh tâm-thần-phân liệt. Riêng em, em rất đau xót vì em biết anh đau khổ chịu đựng triệu chứng hoang tưởng từ thuở đó. Sau năm mươi năm cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước anh vẫn chưa biết mình là ai? Anh vẫn chưa biết mình đã làm gì và cho ai? Anh vẫn quờ quạng trong cõi nội tâm của chính mình! Các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Văn Trấn…họ cay đắng nhận ra thân phận trí thức sống trong Chuyên Chính Vô Sản như ‘đồng tiền vàng nằm trong cục phân heo’!..
    Nói đến đây giọng bà Dì Quới nghe chừng như uất nghẹn!
    Lúc này, Ngọc Tới mới dám lên tiếng, trong giọng nói rất ôn tồn, nhưng không kém phần chua xót! Hướng về chi Xuân Tường, Ngọc Tới nói:
     - Cám ơn chị Xuân Tường và anh Trọng. Hôm nay có anh chị về thăm nước sau gần hai nươi năm xa cách, má em gặp lại anh chị, má cảm động, má mới nói lên sự thật, tình yêu của má với Ba em vẫn còn sống động! Quay lại bà Dì Quới, Ngọc Tới tiếp tục:
     - Thưa Má, lâu lắm rồi, từ ngày thống nhất đất nước, lầu đầu tiên, hôm nay, tụi con nghe má gọi Ba “Anh Minh yêu dấu” Diễm Khánh và con lâu lắm rồi, các con mong muốn Má gọi lên câu đó trước khi ba con chết!
    Nói đến đây Phượng khóc, Diễm Khánh, Chị Xuân Tường cũng khóc! Hai Cháu Tự và Bích Hằng ngồi ngẫn ngơ! Phượng nói tiếp:
     - Anh Trọng và chị Xuân Tường, như hai anh chị đã biết, sau ngày thống nhất đất nước, Ba em có nhiều lần tìm về má em. Má vẫn dửng dưng. Đôi lúc mà còn giận dữ nữa là khác…
    Dì Quới đặt cốc rượu xưống bàn, bà ngước mặt cao lên nhìn các con cháu. Bà nói, dằng từng tiếng:
     - Tôi giận anh Minh, cha của các chị à? Tôi giận thôi sao? Phải nói tôi thù anh ấy nữa là khác. Năm 1954 anh “bắt cóc”các con của tôi đi tập kết ra ngòai Bắc. Anh buộc các con đi làm chính trị trong lúc tụi nó còn quá trẻ. Ngọc Tới mới có 11, Diễm Khánh lúc đó mới có 9 tuổi, mà anh không hỏi ý kiến của tôi gì cả. Sao anh ác với mẹ con tôi quá vậy. Anh đâu có quyền làm như thế. Vẫn biết tôi với anh lúc đó đã ly dị. Anh được quyền nuôi con. Nhưng anh cũng phải biết các con là con của tôi. Tôi mang nặng. Tôi đẻ đau. Là mẹ, tôi thưong con tôi hơn ai hết. Tôi có bổn phận bảo vệ tụi nó. Anh cổng con ra ngòai Bắc, “người ta” gả vợ cho anh. Anh đâu có được gần gũi, giúp đỡ con cái. Các con phải đi ở tập thể. Họ nuôi các Trẻ Miền Nam còn thua nuôi heo. ‘Trường Miền Nam’, một loại ‘trại tù cải tạo’ cho Thiếu Nhi Miền Nam theo cha mẹ tập kết ra Bắc vào thời đó. Rốt cuộc rồi Ngọc Tới cũng phải vào Đảng, đi B. Năm 1972, Cách mạng cho người móc nối đưa tôi vào gặp Ngọc Tới ở trong bưng. Đầu con đôi nón tai bèo, chân mang dép râu, bị sốt rét rừng bần huyết đến độ thê thảm, da mặt tái xanh cắt không được một hột máu. Tôi bưng mặt khóc khi gặp lại con. Anh có hay không anh? Thiên đường Cộng sản sụp đổ ngay dưới chân của con chúng ta. Anh ơi! Anh nghĩ thế nào mà anh dẫn các con sống cơ cực đến như vậy? Dẫu tôi còn yêu anh cách mấy đi nữa, anh bảo tôi đừng trách anh sao được..Năm 1975, họ trả cha con anh về, hoàn toàn vô sản, không có một cơ sở để được ăn no. Tôi ôm con vào lòng, xây dựng lại đời tụi nó từ chiếc đũa con...Thôi, các con, Xuân Tường và bác sĩ Trọng tiếp tục ăn đi các con. Tôi xin lỗi, tôi đâu muốn nói những điều như vậy, cũng chỉ vì thương yêu anh ấy quá đó thôi. Biết làm sao bây giờ. Chuyện đã rồi! Ai cũng có phần số cả, ‘chacun a son sort’… Xin cứ nghĩ như vậy đi để tự an ủi mình. Phải không? Phải không bác sĩ Trọng?
    Cả một quá khứ xa xôi gần như mất hút vào quên lãng đang cuồn cuộn quay về trong trí tưởng của Trọng. Anh hoàn toàn bị chìm ngập trong hồi ức dài đăng đẳng trong suốt hơn 20 năm, đầy dẫy những hồi tình tự và bi tráng. Vào khoảng tháng Giêng 76, sau hơn nửa năm thống nhất đất nước, họa sĩ Nguyễn Minh mới đến thăm nhạc phụ của anh, nguyên Chánh án Trương Tự, mặc dù hai người trước năm 1954 đã là bạn chí thân. Họ thân nhau cho đến nỗi hai người trở thành anh em bạn cột chèo. Ấy thế mà, đợi mãi sau khi thống nhất hơn nửa năm, hai anh em mới chịu nhìn nhau, mới chịu bắt tay nhau. Như vậy, phải biết họ thủ thế với nhau đến mực nào. Trong buổi tái ngộ này, lúc đầu hai người còn e dè, chỉ nói về quá khư xa xâm, thời trước 45, thời ‘tiền cách mạng’,  thời còn  học ở Collège Louis Le Grand ở Paris, Ecoles des Droits, Ecoles Des Beaux Arts ở đâu đó bên Pháp, Saigòn hay Hà nội. Sau vài tuần rượu Cognac, tình nghĩa có vẻ đậm đà hơn, tình tự hơn.
       - Như anh biết đấy, họa sĩ Nguyễn Minh mở đầu tình tự, tôi và bà Quới ly dị hồi năm 52, anh là anh rể của bà, anh biết, vì tánh lang chạ của Bà ấy! Có điều đau khổ cho tôi là bà ngoại tình với những thằng bạn giàu có của tôi, luật sư, bác sĩ, những thằng Quan, thằng Tế. Tôi không để con tôi lớn lên dưới ảnh hưởng của bà me xấu xa và vô luân như vậy, tôi nhất quyết cổng con tập kết ra Bắc năm 1954. Ra đến ngòai Bắc rồi… Nói đến đây, ông ngó trước ngó sau, kề miệng sát vào tai cụ Trương Tự, ông nói thật nhỏ: “mình mới vỡ mộng”!
        - Vì ‘ngoài đó’ nghèo quá phải không?
        - Nghèo thì đã đành! Mình không thể trách họ. Đồng bào miền Bắc lạnh nhạt với người miền Nam tập kết ra Bắc. Nói thẳng ra là họ không ưa. Mà họ không ưa là phải, vì họ tưởng lầm bọn này là bọn bần cố, bọn vô sản bọn vô học, họ phải oằn lưng ra mà nuôi bọn này. Họ cũng sợ mình ăn hết phần ăn của họ. Mặc dầu phần ăn của họ chỉ toàn cơm độn ngô và khoai. Anh biết, tôi phải phấn đấu biết chừng nào. Hai cháu còn nhỏ, nhưng cha con tôi đâu được mấy ngày ở chung. Các con phải đi ở tập thể. Buồn chỉ biết đi ăn thịt chó uống rượu đế. Công tác của tôi lúc đó là dạy hội họa tại trường Mỹ thuật Hà nội. Vài năm sau, tôi được giới thiệu với một cô phó tiến sĩ, du học ở Liên sô về. Ban đầu chúng tôi hiểu lầm nhau, nghĩ chỉ lấy nhau tạm bợ. Nhưng sau, đầu ấp tay gối với nhau, mới hiểu được nhau, bà cũng là con nhà quyền quí cũ xưa của đất Thăng Long, bà mới tìm đến tôi. Từ đó bà thật sư là bạn đời của tôi, chia sẻ tất cả sự nhọc nhằn trong cuộc đời của nhau. Bà chuyên dạy Nga văn. Sau 3 năm ăn ở chúng tôi có một cháu trai. Cái khổ là tôi không phải là đảng viên. Theo cách mạng mà không là đảng viên, nhất định họ không tin mình. Họ xem mình như kẻ ‘đồng sàng dị mộng’! Các con tôi theo học Trường Miền Nam... À! Anh Hai biết không? Thằng Phạm Thu, luật sư, Thành Phần thứ Ba. Gia đình giòng họ của nó là dân Tây. Nó là dân Tây tử trong máu. Năm 1970, Phạm Thu là Đại diện cho Thành Phần Thứ ba, nó cùng một nhóm từ Pháp được mời đến thăm Hà Nội. Nó được chính phủ Hà nội tiếp đón long trọng. Nghĩ tình bạn cũ xưa, đồng hương người Sàigòn, và theo chính sách của chính phủ, tôi mời nó về nhà. Mua hoa hồng tiếp đón nó long trọng. Nghe nó nói về tình trạng khó khăn của miền Nam, mà cảm động. Thành Phần Thứ Ba là thành phần yêu nước chân chính nhất của miền Nam có truyền thống chống Mỹ Diệm. Say mê, cả bọn tôi nghe nó! Hà nội lúc ấy có bao nhiêu hoa hồng chúng tôi cũng mua cho nó. Nhà có bao nhiêu rượu quí Trung Quốc bạn bè đều đem ra hầu nó. Năm ngoái tôi về, tôi mới hay là nó lấy bà Quới và ăn ở với bà ấy từ năm 1961. Thằng chó đẻ! Mình đi tập kết, nó ở lại, nó ‘lấy’ vợ mình mà lãnh đạo yêu cầu mình phải thiết đãi nó nồng hậu. Đụ mẹ. Bọn làm chánh trị, một phường lưu manh…
    Cụ chánh án Trương Tự, ngã ngửa ra cười:
    - Sự thật thì không phải hoàn toàn giống như ‘toi’ nói. Thằng Thu với dì Quới chỉ là những kẻ kết hợp làm ăn với nhau. Họ chỉ là những ‘partners’, Quới là con “poule de luxe” của Sàigòn trong mấy chục năm nay. Dì Quới qua trung gian của Luật sư Phạm Thu, chỉ giao du với bọn tài phiệt, bọn Tối Cao Pháp Viện,
bọn bộ trưởng, bọn nghị sĩ và các tướng tá. Sự thật, dì Quới cần vàng ,vàng và vàng…Luật sư Phạm Thu, nó có vợ va ba đứa con, nó ở với dì Quới như một partner!
     - Như vậy, có nghĩa la nó là thằng ‘ma cô’!
     - Oh! Chắc rồi…
     - Mà nó lại là đứng đầu tổ chức Thành Phần Thứ Ba của Miền Nam!
     - Thành Phần Thứ Ba, thứ Tư gì đó, là của tụi ‘toi’ và cộng sản nhào nặn nên, trong này có ai nhìn nhận bọn đó đâu! Ai cũng biết luật sư Phạm Thu hợp tác với Hà Nội làm chuyện nhảm nhí đó, nhưng không ai thèm để ý đến nó, vì chính quyền ai cũng biết nó là thằng ma cô trí thức. Còn chuyện thằng Phạm Thu đi Tây, đi Mỹ, đi Tàu, đi Hà nội …là chuyện thường. Nó là thằng Tây. Nó có quốc tịch Pháp từ trong bụng mẹ. Ai chi cho nó thì nó cứ đi và hưởng. ‘Toi’ thấy không, 30 tháng 4 nó nhảy đi Mỹ dễ dàng. Mặc dầu thằng anh nó, thằng Thảo, bị Mỹ giết. Tụi nó ‘có nhiều mặt’ lắm,“double, triple agents”! Có nhiều kẻ đã phải muối mặt, đắng cay nhìn nhận tụi nó là phe của họ. Thật sự thì anh em thằng Thu, thằng Thảo, chẳng phải là phe phái của ai cả, tụi nó chỉ ham sex, địa vị, danh vọng vàng và vàng…‘Toi’ thấy anh em nó có đứa nào chịu từ bỏ quốc tich Pháp đâu?
      Đang mãi mê với ký ức của mình, bác sĩ Trọng chợt nghe Ngọc Tới, lớn tiếng hỏi bà dì Quới:
      - Thưa má, trong 20 năm Ba và hai con tập kết ra Bắc, má làm gì ở trong miền Nam này? Ngày gặp lại má, ba con đến định ôm hôn má cho thỏa lòng mong nhớ. Má xô ba con ra. Má chỉ thẳng vào mặt ba, má nói một câu cay đắng! Má còn nhớ má nói những gì không má?
      Bác sĩ Trọng thấy mặt bà dì Quới biến sắc, bà nhìn thẳng vào mặt Ngọc Tới và Diễm Khánh một cách nghiêm nghị, bà nói:
       - Tôi không bao giờ quên những gì tôi đã nói, mặc dầu những điều tôi đã nói có thể rất là thô bỉ nhưng rất thật, nhất là những gì tôi đã nói với cha của các chị. Ông ta quên, ông ta và tôi đã dứt khoác ly dị hối 1952. Ông đâu có quyền sởm sờ với tôi như vậy. Tôi có nói với cha của các chị lúc ấy: “Mặc dầu, trong suốt 20 năm qua tôi là con đĩ Sàigòn, con poule de luxe của Sàigòn đây! Nhưng anh phải biết không bao giờ tôi đưa đít cho những thằng cộng sản, những thằng chạy theo cộng sản như anh cả. Anh và đồng bọn của anh đừng có hòng! Người dân miền Nam này đã mở mắt ra rồi ”!. Ngừng một chập, bà nhìn Ngọc Tới, Diễm Khánh và chị Xuân Tường, bà dịu giọng, mặc dầu trông bà còn giận dữ, bà nói tiếp:
      - Cha của các chị không thể nào chiến thắng được tôi đâu. Mặc dầu ông ta đã nhiều lần quì dưới chân tôi sấm hối...Các chị nhìn Bác sĩ Trọng. Biết bao là thao thức và trăn trở sau 4 năm ở lại làm việc với Cộng sản, rồi cũng bị bọn chuyên chính phản bội. Cuối cùng cũng phải cổng vợ cổng con ra đi. Các chị biết người anh rể của mình và chị Xuân Tường quá mà!.. Tôi xin lỗi các con các cháu, bác sĩ Trọng, tôi đã nói sự thật, mặc dầu đó là sự thật cay đắng, não nùng cho số kiếp của tôi. Dù sao đi nữa, Ngọc Tới, Diễm Khánh là con của tôi và anh Minh, tôi nguyên với anh Minh tôi luôn luôn gìn giử bảo vệ các con các cháu trong vòng tay của tôi. Mẹ lúc nào cũng yêu thương các con. Tôi xin lỗi bác sĩ Trọng, tôi đã nói chuyện gia đình riêng tư của chúng tôi trước sư hiện diện của bác sĩ và Xuân Tường.
       Trọng nghe bà Dì Quới gọi tên anh. Anh không dám trả lời. Anh chỉ biết nhìn bà Quới với cái nhìn thầm lặng chia sẻ. Anh dấu mặt sau ly rượu, vô tình anh nhìn mọi người qua ly rượu vang màu đỏ sậm. Anh nói:
     - Tất cả lịch sử đau thương vừa qua, chính chúng ta đã tạo ra. Chúng ta kiêu hãnh chấp nhận đau thương đó, nhất là đau thương gây nên từ một cưộc chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta là kẻ làm nên lịch sử và cũng là nạn nhân của lịch sử.
    Trọng thấy bóng dáng chị Xuân Tường lung linh đứng dậy, đến cạnh anh, tay chị ôm lấy vai anh và nói:
     - Thừa Dì, hôm nay vui, anh Trọng uống hơi nhiều. Xin phép Dì, Ngọc Tới và Diễm Khánh cho phép con đưa anh anh về phòng nghỉ, con sẽ qua lại ngay thôi, để hầu chuyện với Dì.
 Hình như đưa anh về khuya hôm đó, có cả Tự và Bich Hằng anh nghe bà Dì Quới gọi theo:
    - Trời mưa lạnh nhớ đắp chăn kỹ cho nó. Xong rồi nhớ qua liền nghe con…
    Trọng nghe chi Xuân Tường nói:
     - Dạ, xong con qua liền…
    Bác sĩ Trọng nhớ khuya hôm ấy, Xuân Tường và có cả Bích Hằng đỡ anh nằm xuống giường, và chị Xuân Tường kéo chăn cao lên phủ kín ngực anh. Trọng nghe chị Xuân Tường và Bích Hằng bước xuống
cầu thang. Tiếng khép cửa nhẹ. Mưa vẫn thả đều trên mái, âm vang khi trôi xa khi lại gần. Có tiếng guốc của ai kéo lê cuối phố trong mưa sủng ướt. Anh thấy hàng hàng lớp lớp cờ bay, và biểu ngữ, từ các khu Tham tướng, Cầu Xéo, Phan đình Phùng, An cư, Cái khế, Quang Trung, Tự đức, Lộ 19, Lộ 20… kéo về trung tâm thành phố Cần Thơ, trên đại lộ Hòa Bình, trước Quân Đoàn Bốn, Quân Khu Bốn, Quân Đội Việt nam Cộng Hòa. Cờ Mặt Trận Giải Phóng tung bay! Biểu ngữ tung bay! Tiếng Hoan hô Cách mạng vào tiếp quảng Cần thơ vào đêm 30/4/75, nghe long trời lỡ đất! Anh thấy thấp thoáng trong đám đông chạy ra, người đồng nghiệp của anh, bác si Nguyễn Khoa Lai. Sao trông anh ấy khốn khổ thế! Anh liền chạy theo và cố gắng gọi thật to, báo cho anh ấy hay là người anh của anh ấy: Tướng Nguyễn Khoa Nam vừa tự vận! Tướng Nguyễn Khoa Nam vừa tự vận!...   
     Chợt một cánh tay ôm chặc anh và lây mạnh:   
     - Anh ơi! Anh mơ ngủ thế nào vậy? Cái niền hàm của anh đâu, sao anh không mang vào? Anh nghiến răng nghe ghê quá! Anh gọi lớn tên Tướng Nguyễn Khoa Nam…Tướng Nguyễn Khoa Nam!...Nghe kinh thật ! May mà em bên nhà Diễm Khánh vô tình về kịp không thì nguy thật!
    Trọng nhìn đồng hồ thấy đúng 4 giờ sáng. Ngòai trời nhiệt độ đang xuống, lạnh. Chị Xuân Tường đến tắt máy lạnh. Trọng đến bên cạnh cửa sổ nhìn ra. Trời Saigòn tồi đen như mực, gió mưa vần vũ, không một vì sao dám ló dạng…
    Trọng nghe vợ bảo:
     - Thôi rán ngủ lại đi anh. Vợ chồng mình về thăm quê hương, gặp ngày mưa bả. Buồn phải không anh? Thôi ngủ đi anh, em cũng buồn ngủ lắm rồi…
       Sau những ngày mệt mỏi trên máy bay, chị Xuân Tường đang say giấc. Đồng hồ đã gần 5 giờ sáng, Trọng vẫn sao ngủ được. Anh hối tiếc đã không đưa vợ về thăm nhà sớm hơn. Trọng ôm vợ sát vào lòng, kéo chăn cao lên cho ấm. Nghe tiếng vợ thở thật đều, Trọng thương vợ vô hạn. Chưa bao giờ Trọng cảm thấy cần có Xuân Tường trong cuộc đời của mình như bây giố…

                                               IV - SÀIGÒN 300 NĂM LỊCH SỬ…

Buổi trưa đứng bóng trời mưa. Lúc hai giờ chiều không còn một hột mưa. Trời nắng rộ. Thời tiết bắt đầu oi bức. Trọng nghe da thịt mình thay đổi. Từng lỗ chân lông nghe như rạn nứt. Mồ hôi bắt đầu rĩ rã, thấm đượm. Anh cảm thấy vừa mát vừa nóng, vừa khoan khoái vừa khó chịu. Anh bắt gặp lại cái cảm giác mà anh gần như quên đi hai mươi năm xa Saigon. Anh nhìn chị Xuân Tường, anh cười, vì bất chợt anh thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán chị. Anh hỏi vợ:
     - Em thấy khỏe không?
     - Mặc dầu nóng, nhưng không khó chịu lắm và có ít khoan khoái và thích thú. Không hiểu tại sao?
     - Vì em gặp lại cái cảm giác mà gần 20 năm em quên đi. Trán em đượm mồ hôi kìa…
 Chi Xuân Tường lấy khăn tay, vừa thấm nhẹ mồ hôi trên trán vừa mắng yêu chồng.
     - Anh này, tinh thật!
Và chị quay sang chia sẻ với Diễm Khánh:
     - Ở Chicago, mỗi khi thời tiết nóng như thế này, thì trong người bức rứt, khó chịu lắm. Người ta có cảm giác ngột ngạt, khó thở. Vì độ ẩm ở Chicago cao, nên khó thoát mồ hôi. Nhưng hệ thống an sinh xã hội của họ an toàn lắm, ăn ở, tất cả mọi hoạt động, di chuyển, làm việc dưới những điều kiện nhiệt độ mát về mùa nóng, và ấm về mùa lạnh. Năng xuất lao động của họ không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và khí hậu.
    Chị Xuân tường và Diễm Khánh nói chuyện say mê, quên cả xe cộ huyên náo xung quanh mình. Những chiếc xe gắng máy chạy phía sau, tưởng chừng họ đâm sầm vào chiếc taxi. Anh tài xế khó nhọc lắm mới ghé được vào lề và đổ gia đình Trọng. Bây giờ là 5:00 chiều, nhìn xe cộ tấp nập, hối hả, quay cuồng xung
quanh các đường phố, trước chợ Bến Thành, Trọng có cảm tưởng Saigòn giờ này là cái lòng chảo. Tất cả xe cộ con người bị cuốn hút xoáy vào lòng chảo, cái Bùng Binh cũ của Sàigòn, với vận tốc kinh khủng, điên cuồng. Thật là khủng khiếp khi thấy các cô các cậu Sàigòn trẻ bịt mồm bịt mũi, di chuyển trên những chiếc xe gắng máy, chạy ào ào, chạy bạt mạng. Trọng tự hỏi họ chạy đi dâu? Họ chạy về phía trước? Họ đang rượt theo một tương lai còn cách xa họ? Họ đang rút ngắn thời gian? Họ không muốn mình là kẻ tụt hậu?  Hay họ chạy trốn quá khứ? Một quá khứ của chiến tranh, đổ nát, nghèo đói, đố kỵ, lạc hậu và hận thù phi lý. Quá khứ thảm hại mà họ không hề tham dự…
    Trọng đi vào giữa nắm tay Diễm Khánh và Xuân Tường, than vãn:
     - Sàigon bay giờ không còn giống như Sàigòn trước 75. Đời sống vội vàng quá. Giờ tan sở Saigon trước 75, cũng đông đảo, người qua kẻ lại, nhưng trong nhịp nhàn thư thái…
    Diễm Khánh bảo
     - Còn bây giờ anh thấy thế nào? Ồn ào lắm phải không? Xô bồ lắm phải không?
     - Cũng gần như vậy. Có thể nói mọi người đang rơi ngoài trọng lực.
     - Bây giờ là Kinh tế Thị trường, cuộc sống tăng tốc với cơ chế thị trường. Ai cũng hối hả làm ăn và cướp đoạt lại những cái gì họ đã mất trong những năm qua. Sau giờ làm việc tại công sở hay tư sở, mỗi người đều làm thêm việc riêng ở nhà của mình, hay ở một nơi nào đó, để kiếm thêm đắp đổi đời sống gia đình. Như chị lao công trong sở của em, sau mỗi chiều về, hai mẹ con chị làm chả giò, và đem bỏ mối ở tại các phòng trà, hay các trung tâm Karaokê. Ấy thế mà chị kiếm được gần bằng 2 số lương chị làm trong sở em. Có thế họ mới sống được chớ anh.
   Ngừng một chập, nắm cánh tay chị Xuân Tường, Diễm Khánh vừa nói, vừa cừơi:
       - Anh Trọng còn lý tưởng quá. Anh muốn nhìn thấy cuộc sống Sàigòn hôm nay giống cuộc sống Sàigòn trước 75.  Anh ấy muốn thấy mọi trái táo rơi, đều rơi trong thế giới của Newton…thế giới của trọng lực. Sàigòn có những dấn thân mới, nhịp sống mới, bản sắc mới. Nó phải tiến bộ chớ anh. Nó đâu có thể đơn điệu như trước 75 được. Và Diểm Khánh bỏ tay chòang lên vai Trọng, kéo anh sát vào người của cô, nói nhỏ vào tai anh, vừa nhìn chị Xuân Tường:
         - Anh! Con người đã thoát khỏi trọng lực của nó từ lâu rồi. Họ đã thoát khỏi sức hút của trái đất. Có thế, nhân loại mới đi sâu vào không gian. Có nhiều thay đổi lắm...Diễm Khánh nhìn sâu vào mắt Trọng một cách trìu mến... Nói xong Diễm Khánh chạy sang phía chị Xuân Tường hai chị em nắm tay nhau vừa đi vừa cười khúc khích…
     Chị Xuân Tường đi sát vào người Diễm Khánh, và chị ấy khen:
          - Sàigòn bây giờ có nhiều cao ốc, buildings, đẹp và sang trọng.
          - Phần nhiều là headquarters, trung tâm đầu não, của các thương nghiệp, kinh doanh ngoại quốc.
Phần nhiều cũng là những Ngân hàng, những hotels năm sao, nghĩa là Hotels sang trọng, đạt tiêu chuẩn
cao quốc tế. Và diễm Khánh quay về Bác sĩ Trọng, nói tiếp:  
          - Anh Trọng, bây giờ cán bộ đi tham quan, hay đi công tác, hội họp, không còn cái tệ trạng ăn quán ngủ đình, hay ăn ở tại nhà khách của các cơ quan, hay ở nhờ nhà bà con bạn bè, như anh năm 1978 đại diện Ytế Hậu giang, khu 9, về dự ngày Ytế Quốc tế tại Sài gòn, anh phải ở nhà Dì Hai hay nhà má em cả tuần. Tục lệ ấy hết rồi. Bây giờ các cán bộ, đi công tác đâu đâu, cũng ăn ở trong các hotels...Có nhiều vị lớn tuổi, chưa thích ứng kịp.
           - Dĩ nhiên, hai mươi tám năm rồi, hơn một phần tư thế kỷ, phải nhích lên một chút chứ. Không lể cứ ở lì trong tình trạng du kích?
           - À! Anh hay thật! Anh không khen, mà anh còn chê bai nữa… Anh cấm vận, phong tỏa kinh tế người ta mãi đến năm 1993!..
     Nói xong Diễm Khánh dùng dằng đi đến nắm tay chị Xuân Tường. Hai chị em đi trước. Trọng lẻo đẻo theo sau…Cả ba người vừa bước vào đường Catinat (Tự do), bây giờ đổi tên là Đồng Khởi. Giờ này, gần
sáu giờ chiều, hình như cyclos bị cấm lưu hành trên đường này cho nên xe gắng máy di chuyển trên đường này tương tối có kỹ luật hơn. Nhưng thỉnh thoảng cũng có cảnh kẹt xe. Đường Đồng khởi cũng có nhiều ngã tư cho xe thóat ra khi có nạn kẹt xe. Nhưng vào giờ này thì chính những ngã tư trên Đồng khởi bị kẹt xe nhiều nhất, chỉ vì người đi bộ và người lái xe gắng máy không nhường nhaư, và cả hai đều không chịu tuân thủ theo luật đi đường. Mỗi lần kẹt xe, con đường có vẻ căng cứng ra, như khúc đại tràng của thành phố bị phì đại. Trông thật là ngộp thở.
      Diễm Khánh nói:
     - Anh xem nào, chẳng ai chịu nhường ai cả. Tại nạn kẹt xe làm cho thành phố có bộ mặt trông thật là thảm hại trong những giờ cao điểm.
     - Chỉ có cái chuyện người đi bộ với người lái xe gắng máy, dân ta cũng không biết nhường nhau. Ai cũng ở trong khí thế đấu tranh cả… Chừng nào mà hóa giải được lúc ấy Sài gòn hết nạn kẹt xe…
     - Ngay cả những bộ hành, dường như cũng như vậy, anh nhỉ? Diễm Khánh hỏi!
Chị Xuân tường đột nhiên nói:
     - Hai người đang nói chuyện gì vậy? Nào chúng ta vào xem tranh…
   Cả ba người nhìn nhau cười và bước vào phòng triển lãm tranh. Nói là phòng triển lãm tranh có lẽ không đúng lắm. Phải nói là phòng chưng tranh để bán của nhiều họa sĩ khác nhau thì đúng hơn. Đó là một giải phố vào khoảng 30 mét, dài dọc theo đường Đồng khởi nằm bên phía nhà hàng Continental.  Phòng tranh vắng, rất ít khách hàng. Cách năm ba thước mới có một vài du khách ngắm một vài bức tranh một cách thờ ơ. Bước vào phòng tranh, Bác sĩ Trọng có cảm cảm tưởng đây là một dẫy phố bị dân chúng và du khách Sàigòn bỏ quên. Trọng đứng ở giữa Diễm Khánh và Xuân Tường, anh nghiêng người, vừa ôm vai vợ vừa nói:
      - Em thất vọng? Có lẽ phải có một nơi nào đó triển lãm tranh tốt hơn?  
Trọng giật mình, khì anh nhìn thấy nụ cười trên môi Diễm Khánh. Một nụ cười nhắc cho anh nhớ ra rằng Diễm Khánh là ái nữ của hoạ sĩ Nguyễn Minh, ông cũng giáo sư dạy trường Mỹ Thuật hội hoạ tại Hà nội, trước 75. Chính bản thân của Diễm Khánh là kỹ sư thủ-khoa Điện khóa 1, tại Hà nội, một nhà thơ nghiệp dư, và nàng cũng biết vẽ tranh…
     Diễm Khánh quay sang nói Chị Xuân Tường:
     - Chị vỡ mộng phải không? Các ông bà này, vừa nói Diễm Khánh vừa chỉ các bức tranh, họ chỉ là những nghệ công. Họ vẽ để kiếm tiền sống qua ngày. Tranh của họ …thiếu chất lượng!
     Vừa nói chuyện, Xuân Tường và Diễm Khánh nắm tay nhau đi ra khỏi phòng triển lãm, họ đi rất nhanh như chạy trốn, bác sĩ Trọng rảo bước theo sau….
      Cả ba cùng trở lại đọan đường cũ và đi vuợt về phía nhà hàng Caravelle. Di đi ngang qua trước quán ăn  Imperial, không ai nhắc ai, chị Xuân Tường và Bác Sĩ Trọng mời Diễm Khánh vào quán ngồi giải lao.
      Quen tánh xưa, Chị Xuân Tường mời Diễm Khánh uống cà phê, ăn một tí gâteau hay kem tùy ý. Thoáng thấy sự ngạc nhiên trên nét mặt Diễm Khánh, bác sĩ Trọng, trong một giọng nói cố lấy hết bình tỉnh, anh nhắc lại lịch quán “Imperial” với đời sống tình cảm của các sinh viên Saigon, vào những năm trước 75…Quán Imperial còn là nơi gìn giử kỷ niệm của hai vợ chồng anh, trong những năm 68-69, những năm họ bắt đầu yêu nhau. Bây giờ quán Imperial thay đổi nhiều. Hiện nay người ta có thể mua đủ thứ trong quán ăn này. Vâng nó đã là một quán ăn. Nó không còn là quán cà phê nữa. Thực khách hôm nay có thể mua đủ thứ trong quán ăn này từ Cheeseburger, Hamburger, Sandwish hot dog, Cocacola, Pepsicola, chả giò, bánh cuốn, bánh mì thịt, orange Juice, ice cream…đến cà phê đen, cà phê fil nhỏ giọt…Dĩ nhiên lợi tức thu nhập của quán khá hơn trước 75 nhiều. Trọng quay lại giải thích với Diễm Khánh:
     - Trước 75, quán Imperial là quán của sinh viên Sàigòn. Nơi họ tìm đến để thưởng thức những phút giây thỏai mái. Họ và bạn bè có thể uống một hai chai la ve, một ly cà phê hay một đĩa kem. Họ có thể mừng sinh nhật cho nhau tại đây, họ chia sẻ cho bạn bè những miếng bánh sinh nhật tại dây. Họ thưởng thức nhạc êm dịu, Music of Candle Light, nhất là những năm cuối 60, ở đây có nhiều cuộn băng ghi âm Tình khúc hay Nhạc Phản Chiến của Trịnh Công Sơn. Mặc dầu hôm nay đã thay đổi nhiều, không hiểu vô tình hay cố ý người chủ vẫn giử lại những bàn ghế của thuở xa xưa, màu gổ đánh vạt ni nâu sậm, vẫn ở vào vị trí cũ. Thật là gợi nhớ…Trưóc 75 quán Imperial rất đơn sơ, nhưng thanh lịch, cửa kính mở thẳng đường phố Catinat, nhưng ấm cúng và kín đáo. Không đông khách như Pagoda, Givral hay Continental...khách của Imperial thật chọn lọc. Quán này hầu như của các cô cậu sinh iên Saigòn. Không có các nhà báo, dân áp phe hay lính tráng vào đây. Quán này sinh họat mạnh vào những buổi trưa, và buổi xế chiều, và buổi tối. Thường các anh chị viên Sàigon, nhất là các sinh viên Văn khoa, các cậu Y, các cô Dược, từng cặp đi vào quán này. Hệ thống máy lạnh rất tốt. Những năm cuối sáu mươi, cũng có những sĩ quan quân đội Mỹ họ cũng vào quán này. Họ trao đổi thân mật với các anh chị em sinh viên Sài gòn. Cuối cùng, họ cũng tự nhận ra rằng quán Imperial không phải quán dành cho họ. Họ lui trở về Lido, Maxim, Queen Bee, Côte D’Ivoir, Moulin rouge…Họ nghĩ nơi đó thích hợp với màu áo trận của họ nhiều hơn.
     Thay vì mời Diễm Khánh ngồi cùng bên với chi Xuân Tường như thường lệ, lần này Trọng, mời vợ ngồi cùng bên với mình. Cả Chị Xuân Tường và Diẽm Khánh đều ngạc nhiên. Trọng nhìn sâu vào mắt vợ thật lâu, như muốn tìm sâu trong kí ức chị Xuân Tường một điều gì. Trọng hỏi chị Xuân Tường:
     - Cà phê hôm nay, ở đây còn đọng lại mùi vị năm xưa không em?
     - Anh muốn nói gì? Xuân Tường mở to đôi mắt nhìn Trọng
     - Liệu tối nay, em cũng sẽ mất ngủ như ba mươi năm về trước, khi chúng mình mới bắt đầu yêu nhau. Sau khi uống cà phê với anh trong quán này, về khuya em thường mất ngủ, như em thường nói, không hiểu tại thiếu anh, hay tại cafeine?..
    Nghe đến đây chị Xuân Tường cười lớn lên và chị nói đùa:
     - Hum!..Hình như cả hai!
Trọng tiếp tục:
     - Xuân Tường! Em còn nhớ trong những ngày này, gần cuối tháng chạp của mỗi năm, khi ngọn gió mang khí lạnh từ lục điạ thổi qua Thủ Đô Sàigòn… Lúc ấy trời Saigòn se lạnh… Cái lạnh tuyệt vời, vừa đủ để cho các cô Saigon khoác lên người chiếc áo len xinh đẹp với đôi má đỏ hây hây. Ngày 20 tháng 12 năm 1969, cũng trong quán này, cũng tại bàn này, trước sự chứng kiến của chị Mai Thương…
      Nói đến đây Trọng trịnh trọng nâng nhẹ bàn tay trái của vợ. Anh quì xuống anh nhìn thật sâu vào mắt chị Xuân Tường. Tay anh nâng bàn tay chị Xuân Tường. Anh hôn bàn tay thật âu yếm, Anh nói:
     - Xin Xuân Tường nhận lời cầu hôn của tôi, một bạch diện thư sinh, nhưng nguyện với mình luôn luôn
gắng bó và chia sẻ trọn đời với Xuân Tường…
      Và Trọng nắm lấy bàn tay chị Xuân Tường, anh đẩy chiếc vòng cầu hôn sâu vào trong ngón tay của chị.
       Chị Xuân Tường xúc động mạnh, chị đứng dậy, hai tay choàng lên cổ, gục đầu vào ngực chồng. Chị thổn thức:
     - Chuyện đã 29 năm rồi, sao em vẫn xúc động khi nghe anh nhắc lại!
   Chị Xuân Tường, nước mắt còn đọng trên mi, đưa tay nắm lấy bàn tay của Diễm Khánh:
     - Diễm Khánh, tôi chấp nhận mất tất cả của cải vật chất, nhưng xin ai đừng bao giờ tước đoạt những cái riêng tư của chúng tôi, của con người, của trái tim chúng ta! Nếu có một kẻ nào, hay một chế độ nào cố tâm thủ tiêu tất cả cuộc sống riêng tư của chúng ta, những kỷ niệm, những tinh cảm, yêu thương, những kẻ đó thật là vô luân. Vì cái cỏi riêng tư ấy mới thật là người…
      Rồi chị ngã đầu vào vai Trọng, chị nói:
     - Trở lại Sàigòn, mình tự nhiên gặp lại những cảm giác xưa, những kỷ niệm xưa. Thật thú vị phải không anh?  Và chị nói tiếp trong tiếng thở dài:
     - Thật không ngờ! Mất Sàigòn, chúng ta mất tất cả!...
Cả ba người đều bước ra khỏi quán Imperial. Họ quên để ý đến đám đông trong quán đang nhìn theo họ…

     Trọng nói:
     - À! Bây giờ mới có 7 giờ! Hình như đến 8 giờ nhà hát Tây mới làm lễ khánh thành? Trọng hỏi Diễm Khánh.
     - Hình như trong thư mời họ nói thế, Diễm Khánh trả lời va cô ấy nói tiếp:
     - À, mà này anh diễn xuất sao mà nhập vai quá vậy, làm chị Xuân Tường xúc động mạnh đến khóc và chung quanh xem chừng ai cũng cảm động!
   Chị Xuân Tường vội đỡ cho chồng:
     -  Đó là sự thật! Sự thật của cuộc sống Saigon trước 75.
Bây giờ chị Xuân Tường đi vào giữa hai người. Chị nắm tay Trọng. Chị ôm vai Diễm Khánh. Chị đang sung sướng. Chị đang hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc mà chị bị cưỡng đoạt trong gần 25 năm qua. Khi đến gần nhà hàng Givral, chị Xuân Tường có ý muốn mời Diễm Khánh ghé vào, ăn một miếng bánh mì Tây và jambon. Chị Xuân Tường nói nhỏ cho Diễm Khánh nghe:
     - Bánh mì Tây và jambon của Tây, ở Chicago, rầt khó tìm. Muốn ăn, phải lái xe ra tận trung tâm thành phố Chicago, mua mới có. Mà chỉ có một cửa hàng bán thôi. Chủ cửa hàng đó lại là người Việt Nam. Cửa hàng có tên rất ngô nghĩnh, tên Tây: ‘Colonial’. Cộng đồng Việt Nam tại Chicago gọi đùa: “Quán Tây Thuộc Địa”. Quán ấy rất đông khách. Phần nhiều là người Mỹ. Muốn có chỗ phải gọi điện thoại để giử chỗ trước một hay hai ngày.
      Diễm Khánh nghe có vẻ vừa thích thú vừa ngạc nhiên. Thấy thế, Trọng nói:  
     - Vâng đúng vậy. Sự thật nó như thế là vì sự quan hệ ngoại giao, giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Pháp
trong mấy mươi năm qua rất tồi, nếu không muốn nói là sụp đổ. Nó có nguồn gốc một phần, từ sự phiền nhiễu thua thiệt, và sự xung đột của cả hai quốc gia đó trong chiến tranh Việt Nam. Sự quan hệ của họ, có nhiều lúc xấu cho đến nỗi, ở tại Mỹ, tôi không thể nào tìm mua cho Xuân Tường một lọ nước hoa làm tại Paris, France, mà bà ưa thích.
     Diễm Khánh nhìn chị Xuân Tường, nói với giọng thiết tha:
     -  Chị! Diễm phúc quá!
Chị Xuân Tường nói:
   - Cám ơn Diễm Khánh! Thật vậy, mỹ phẩm của Pháp có một thời thật khan hiếm trên thị trường của Mỹ. Nhưng bây giờ hết tệ trạng đó rồi.
     Diễm Khánh và Chị Xuân Tường hai người nhìn qua bến kia đường Đồng Khởi. Hai người đang chiêm
ngưỡng rạp hát Opera, người Pháp họ trùng tu bên ngoài khá xinh đẹp, màu sắc trông như các rạp Opera của Pháp, nhưng rất nhỏ. Trọng nghe Diễm Khánh giới thiệu với chị Xuân Tường:
      - Thoạt kỳ thủy, ngày xưa, nó được xây cất như một nhà hát dành cho các tên Tây thực dân, Bà Đầm giải trí! Sau đó trong thời Ông Ngô Đình Diệm, Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, nó được cải dạng bên trong để trở thành tòa nhà Quốc Hội cho đến năm 1975! Để mừng “Sàigòn 300 Năm Lịch Sử,” chánh phủ hôm nay tổ chức khánh thành tòa nhà ấy sau khị được chính Pháp viện trợ và sửa sang! Những người đi dự lễ khánh thành hôm nay, dĩ nhiên là những người có giấy mời! Em được ba thiệp mời, em mời anh chị đi chơi cho vui, để xem bên trong họ hoàn tất trùng tu các balcon chưa? Hy vọng họ làm rồi! Chắc anh chị cũng thấy nó không tệ lắm! Hôm nay có phần phụ diễn âm nhạc, có cô Mỹ Linh và có cả đoàn Bông Sen.  
      - Thế chắc thế nào họ cũng hát bài “Bông Sen”
      - Chắc là có
      - Tôi thích bài đó lắm!
     - Chị cũng biết bài đó nữa sao?
      - Dì quên rồi sao? Hồi 79, lúc chúng tôi sắp vượt biên, Dì và Bích Hằng có xuống Cần thơ thăm chúng tôi. Dì mang cho chúng tôi mấy băng nhạc Giải Phóng, trong đó có nhiều bài rất hay: Bài “Bông Sen,’ bài “ Nổi Lửa Lên Em ”, bài “ Những Ánh Sao Đêm ”…v.v..
       Trọng nghe Diễm Khánh thốt lên:
       - À! Lâu quá em quên mất!
       - Dì quên! Chúng tôi khó quên lắm. Anh Trọng mang theo qua bên Mỹ, mỗi khi nhớ nhà, nhớ bà con, nhớ Diễm Khánh…anh Trọng thường nghe lại mấy băng nhạc đó.
      Trọng nhìn thấy trong mắt của Diễm Khánh một thoáng buồn. Diễm Khánh nói tiếp:
       - Những bài nhạc đó cũ quá rồi, không còn hợp thời nữa. Ngay các ca sĩ trong các tapes đó cũng vậy. Lác nữa chắc có có lẽ Cô Mỹ Linh, ca sĩ trẻ từ Hà Nội, sẽ hát bài “Một mình” cho anh chị nghe.Tôi tin là anh chị sẽ thích.
    Trọng nghe thích quá. Anh nói lớn:
      - Nghe tựa bài hát “Một Mình”. Tôi cũng thích rồi. Chắc ‘một mình’ thỉ buồn lắm phải không? Buồn một cách thú vị? Như chúng ta, gần 20 năm một mình… Và anh nói thật lớn:
      - Buồn ơi…Chào ngươi…Bonjour Tristesse... Trọng cười vang lên.  
      Chị Xuân Tường bảo:
      - Diễm Khánh xem, tội nghiệp cho kẻ bị lưu đầy, hôm nay tìm lại được quê hương!
      Trọng nhìn đồng hồ anh reo lên:
     - Tới giờ rồi, chúng ta qua ngay bên ấy thôi. Hình như quan khách họ cũng lần lượt đến rồi, mình là
Mỹ kiều đi vô muộn thì kỳ lắm.
      - À! Hay đấy Chú Sam..Sau câu nói, Diễm Khánh quay mặt đi chỗ khác, không nhìn Trọng…  
 Khi cả ba người bước vào rạp hát, thì các quan khách đến cũng khá đông. Người soát vé mời Cả ba người ngồi vào hành ghế thứ hai. Trọng hơi thất vọng. Vì anh muốn ngồi hàng ghế phía sau, vì anh muốn quan sát các quan khách có những ai. Nội thất của nhà hát trông sang trọng, nhưng quá nhỏ, vào khoảng 500-600 chỗ ngồi. Hai balcons, hai bên tường, quá nhỏ. Đại diện chánh quyền Thành phố không thấy ai. Quan khách gồm có người Việt, người Đại hàn, người Hoa và người Pháp. Rất là lạ có rất nhiều trẻ con nô đùa đuổi nhau bên trong rạp. Chương trình cũng như thường lệ, gồm có: Phần trình diễn y phục phụ nữ Việt nam. Sau đó là những ông Tây, Bà đầm bước lên sân khấu, bắt tay, vò đầu, tặng quà cho trẻ em “an nam mít ” học tiếng Pháp giỏi; cũng những câu ‘mẹt xì’,‘cống hỉ’ lập lại y chang những cảnh tượng trước 54, hay xa hơn trong thời còn lệ thuộc Pháp. Đoàn Ca Vũ Bông Sen, đúng như chị Xuân Tường ước đoán. Chi hơi thất vọng, vì hôm ấy họ ca bài “Bông Sen” không được hay như chị mong muốn. Mỹ Linh được đón
chào nồng hậu nhất. Cô được giới thiệu như một ca sĩ thượng thặng của Việt Nam, và cô vừa đến từ Hà nội. Nhưng bài ca cô hát hôm ấy không phải là bài “Một Mình!”
   Khi ra về, Diễm Khánh có vẻ thất vọng, cô ấy phán một câu:
     - Tổ chức khánh thành một nhà hát lớn của thành phố mà xem có vẻ hời hợt, thiếu chặt chẻ, phần thì hệ thống âm thanh họ chưa hòan tất.
     - Nếu có hòan tất mọi kỹ thuật đi nữa, tôi nghĩ, Trọng nói, nhà hát ấy không đủ tầm vóc cho tiếng hát Thái Thanh…
     Chị Xuân Tường rất tế nhị, chị liền đỡ lời chồng:
     - Anh ơi! Sao vậy? Mỹ Linh hát hay đấy chứ…Cám ơn Diễm Khánh. Nhà hát Opera mới của ta đẹp thật..
      Ngừng một chập, Diễm Khánh nói:
     - Em cũng đồng ý với anh Trọng, cũng như nhạc sĩ Văn Cao thường ca tụng Thái Thanh.Và ông ấy bảo giọng hát Thái Thanh thật là “đời”...

 Về đến nhà đã 12 giờ đêm, Trọng nhìn Diễm Khánh, anh nói ;
     - Cám ơn Diễm Khánh. Nhờ cô mà chúng tôi sống gần như rất trọn vẹn cho một ngày trở lại Sài gòn.
     - Thật sao? Anh khéo khách sáo.
     - À, Diễm Khánh, tuần lễ này xem như tuần lễ dành cho “Sàigon 300 Năm Lịch Sử”? Nhưng tôi không thấy có một cuộc triển lãm tranh ảnh hay hoạt động văn nghệ nào mang ý nghĩa tô điểm cho ngày đó cả?
     - Có chớ anh! Em có mang về cho anh chị quyển sách của nhà văn Sơn Nam mới xuất bản, nhân ngày dịp này đây. Cô vừa nói, cô vừa đưa cho chị Xuân Tường quyển: “Người Saigòn” của Sơn Nam. Và ngày mai em sẽ biếu anh chị cuốn Video “Dòng Thời Gian’, dài 45 phút nói về lịch sử hình thành Sàigòn và Nam bộ do Sở Ngoại Vụ TPHCM thực hiện với sự trợ lực về kỹ thuật của Trung tâm văn hóa Pháp tại Sàigòn...Với lại anh chị cũng biết, Chính phủ cũng đang bận rộn đăng cai cho cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tại Hà Nội. Có lẽ cuối tuần này hội nghị ấy chấm dứt, chính phủ sẽ mời những người tham dự hội nghị ASEAN tại Hà nội, ghé thăm Sàigòn để mừng Sàigòn 300 tuổi… Lúc ấy có những họat động văn học nghệ thuật tích cực hơn, để chào mừng họ. Hy vọng anh chị vẫn còn ở đây với em đến hôm ấy.

      Trọng sực nhớ hình như hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang họp tại Hà nội, nhưng tại sao dân chúng Saigon có vẻ không hay biết gì hết. Hay là họ biết mà họ thờ ơ. Anh định hỏi Diễm khánh, nhưng vì sự tế nhị anh khựng lại. Nhưng Diễm Khánh rất tinh ý, lúc tiển vợ chồng BS Trọng qua bên nhà riêng, Diễm Khánh bảo:

     - ‘Chánh trị’ bây giờ không còn là “món hấp dẫn” của quần chúng nữa. Họ mõi mệt rồi. Món hấp dẫn nhất của thời đại là làm sao làm ra nhiều tiền, nhiều của cải vật chất. Họ cũng quí tự do dân chủ đấy. Nhưng họ cũng không muốn vì tự do dân chủ mà sống nghèo được. Và họ cũng dư hiểu, tự do dân chủ không có trong túi áo của người nghèo. Và khi có tiền, mua tiên cũng được. Bản chất lịch lãm của thế hệ trẻ hôm nay là thế đấy...Khuya rồi, chúc anh chị ngủ ngon….

     Sau một ngày dạo phố mõi mệt, Chị Xuân Tường đang say giấc! Đồng hồ đã hơn 1 giờ khuya, Trọng vẫn không sao ngủ được. Nghe tiếng vợ thở thật đều, Trọng thương vợ vô hạn. Anh có một tí ăn năn. Anh hối tiếc là không đưa vợ về thăm nhà sớm hơn. Một thoáng cảm động khi nhớ lại Xuân Tường và Diễm Khánh hai chị em, xinh đẹp và sang trọng như hai bà hoàng, nắm tay nhau đi trên đường phố Catinat khi chiều nay, ngay cả những du khách ngoại quốc cũng phải trố mắt nhìn. Họ sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu họ biết rằng Xuân Tưòng và Diễm Khánh, hai chị em, sống xa nhau trong hai thế giới khác nhau hơn 40 năm…Trọng chiêm nghiệm thấy rằng: dù cho có một Chế Dộ Chính Trị hay một Chế Độ Xã Hội nào có cay nghiệt đến đâu đi nữa, chỉ có thể biến đổi những bề ngoài, những thói quen, nhưng không bao giờ có

thể thay đổi được bản thể, gêne trong máu của mỗi con người. Ngã lưng, nằm bên cạnh vợ, bác sĩ Trọng nắm lấy bàn tay vợ đặt trên ngực mình. Trọng nhớ lại câu nói chiều hôm trước của Diễm Khánh nói với Xuân Tường ngay trước mặt anh: “…trong hơn mười năm qua em không hề biết đến người đàn ông là gì”. Lúc nói câu nói đó Diễm Khánh xoay lưng lại Trọng, những sợi tóc tơ măn đen mượt trải dài trên trên gáy nõn nà của Diễm Khánh. Trọng cũng cảm thấy thích thú và niềm kiêu hảnh thầm kín trong anh. Anh nhủ thầm, trong gần 20 năm em vẫn chờ đợi anh! Một niềm cảm xúc ô hạn dâng tràn. Trọng yêu Diễm Khánh vô hạn. Trọng ôm Diễm Khánh vào lòng. Nàng ngứơc cổ lên. Trọng say đấm hôn cổ của Diễm Khánh đẹp như đóa hoa huệ tinh khôi. Diễm Khánh không nói được một lời cúi đầu vào ngực chàng thổn thức. Trọng say đắm cúi xuống ôm hôn gáy và ót nõn nà của nàng với những sợi tóc tơ đen mượt. Trọng cảm động nắm tay Diễm Khánh siết mạnh. Chợt chị Xuân Tường kêu lớn:

     - Anh làm đau Em…
Trọng tĩnh giấc, xuýt xoa xin lỗi vợ
     - Anh mơ ngủ, thấy chúng mình nắm tay nhau đi trên phố Tư do chiều nay.
Chị Xuân Tường xoay người lại, chòang tay lên ôm cổ chồng hôn tha thiết.
     - Ngủ đi anh, mai vợ chồng mình và Diễm Khánh sẽ đi thăm lại chốn xưa…

                                                V- MỘT HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Bà Quốc Bảo hỏi Diễm Khánh:
      - Vợ chồng Xuân Tường và Bác sĩ Trọng về thăm nước bao giờ?
Chị Xuân Tường liền đỡ lời:
      - Thưa Dì, vợ chồng con về cách đây 2 hôm. Các con xin lỗi dì, các con đến hầu thăm các dì hơi trễ!
   Với nụ cười phớt nhẹ thoáng qua gương mặt trí thức của một người đàn bà gần 70, bà Quốc Bảo, nhìn chị Xuân Tường, bà nói:
       - Chị đang ngồi đúng vào chỗ mà chị Hai, má chị, ngồi cách đây hơn một tháng, khi bà đến thăm tụi này.

       - Thưa Dì, má con có cho con hay điều đó…và hôm nay vợ chồng con xin chuyển đến các dì lời hỏi thăm và lời cầu chúc sức khỏe của má con…
    Bà Quốc Bảo là chị em bạn dì với mẹ của Diễm Khánh và mẹ của chị Xuân Tường. Bà Quốc Bảo là cô giáo của Trọng tai Văn Khoa, 1958. Bà là giáo viên dạy cả ba phân khoa: khoa Luật, khoa Văn và trường Quốc Gia Âm nhạc Sàigòn. Bà chuyên về dương cầm…Thuở đó, bà là gạch nối giữa hai thế hệ Saigòn: ‘Sàigòn Cỗ Xưa’và ‘Sàigòn Đợt Đống Mới’ (Nouvelles Vagues). Bà ham thích đọc sách tiểu thuyết của Marcel Proust, Francois Mauriac…cũng như các sách của Francois Sagan hay các sách của các tác giả existentialists như Simone de Beauvoir, Jean Paul Sartre, Albert Camus...Có lần bà hợp tác với Michel Piclin, giáo sư Thạc sĩ Phân Khoa Văn Saigon, thảo luận chuyên đề về “Aimez Brahms?” tiểu thuyết lãng mạn của Francoise Sagan. Với bản chất trí thức và tâm hồn nghệ sĩ, bà giao du rộng rãi và có đôi chút ảnh hưởng trong hàng ngũ trí thức Sàigòn. Bà Quốc Bảo là con cả của một gia đình trí thức Saigon. Bà có hai người em gái cũng hoạt động cách mạng và thoát ly gia đình vào bưng những năm 50. Một người sau này chuyên về âm nhạc và một người chuyên về tuyên truyền sau này chuyển ngành ngọai giao. Bản thân bà Quốc Bảo bị chính quyền Sài gòn bắt bỏ tù nhiều lần. Nhất là dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Thật sự những người trí thức Sàigòn, trí thức Nam bộ vào thời ấy cũng như bà Quốc Bảo, họ theo phong trào Việt Minh là vì họ mến mộ cụ Hồ. Họ nhầm lẫn cảm tình với quan điểm. Sau này có một số đã phải dinh tề hay đã phải trả một giá đắc hơn. Gia đình bà Quốc Bảo có cả thảy là năm chị em: Bốn chị gái, và một cậu trai út. Tất cả học hành trỗi trót. Tất cả con cái chị em bà Quốc Bảo đều học trường Tây trường Đầm từ nhỏ đến lớn. Người con gái thứ tư trong gia đình, Quốc Ngọc, trước 75 là dược sĩ, lấy chồng là một bác sĩ, con

cháu của một vọng tộc Nam Bộ. Người con trai út là Quán, tốt nghiệp y khoa sau bác sĩ Trọng vào khoảng 3 năm. Hai người con sau cùng này đều thoát đi Mỹ vào ngày 30/4//75, với sự hoan hỉ của ông cụ bà cụ. Trước 75, bà Quốc Hương va bà Quốc Thiêng đang ở trong bưng và Hà nội, bà Quốc Bảo lúc ấy thường bị Chính quyền Sàigòn cô lập.

    Có tiếng chân người từ trên lầu đi xuống. Đó là một phụ nữ cũng ngoài 60, dáng dấp giống bà Quốc Bảo. Bà chào vợ chồng bác sĩ Trọng và bà nhìn Diễm Khánh với nụ cười hờ hững! Bà Quốc Bảo giới thiệu với vợ chồng Bác sĩ Trọng đó là người em thứ hai của bà, bà Quốc Hương. Người em kế của bà, Quốc Thiêng hôm nay không được khỏe không xuống tiếp vợ chồng bác sĩ Trọng được. Bà ấy nhờ bà Quốc Hương xin lỗi vợ chồng Trọng. Nghe nói bà Quốc Thiêng không được khỏe và cũng vì mến mộ bà, có thời bà là nhạc trưởng Ban Nhạc Giao Hưởng Thủ đô Hà Nội, cho nên Chị Xuân Tường xin phép lên phòng thăm bà. Hai chị em bà Quốc Bảo liền đứng dậy, với giọng nói có phần khác lạ, khuyên chị Xuân Tường đừng lên thăm, bà ấy đang mệt và sẽ không tiếp ai. Bác sĩ Trọng và chị Xuân Tường rất ngạc nhiên vì thái độ cương quyết của hai bà dì. Còn Diễm Khánh ngồi thừ ra, trong tư thế bị động hoàn toàn coi như không để ý những gì xảy ra chung quanh mình.

    Bà Quốc Bảo nhìn Diễm Khánh và thân mật hỏi:
    - Chị Ba Quới bấy lâu nay khỏe không. Lâu quá tụi này không có dịp ghé thăm má của chị.
    - Thưa cám ơn dì, má cháu vẫn khoẻ.
Bà Quốc Hương nói với chị Xuân Tường:
    - Chị Hai, má của Chị, mấy tháng trước về thăm nước có ghé đây thăm tụi này. Má chị thật phúc hậu và có đời sống hài hòa. Tụi này lận đận. Chị Hai lúc nào cũng có chồng có con bên cạnh.
    Chị Xuân Tường cám ơn bà Quốc Hương.
    - Vâng, thưa Dì, má con lúc nào cũng an phận thủ thường, chỉ biết tìm hạnh phúc với chồng với con.
    - Đó cũng là một triết lý sâu sắc. Tụi này hiểu đựơc thì đã quá muộn.
Trọng nhớ lại cha bà Quốc Bảo là Kỹ sư, bản thân của ông cụ là cán bộ cách mạng năm 1945-75. Ông chỉ hoạt động ở thành. Ông đã từng tham gia phong trào Thanh Niên Nam Bộ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo. Năm 1976, sau ngày giải phóng, ông bị đau mắt hội chứng ‘glaucoma’, đau nhức phải vào Binh viện Bình Dân trãi chiếu, giăng mùng, trên nền gạch nằm chờ cả tuần lễ mới được mỗ! Thấy chế độ đối xử với cha mình như vậy các người con gái của ông vô cùng câm phẫn. Nhưng rồi cũng cắn răng nhịn nhục.
Trọng vụt hỏi:
     - Thưa Dì, Quán có liên lạc với gia đình?
     - Có chớ! Có sao đâu! Vừa nói bà Quốc Bảo vừa nhìn Diễm Khánh có vẻ thăm dò. Quán bấy lâu nay cứ gửi tiền về nuôi Ba Má tụi này lúc ông bà còn sinh thời. Sau đó Ba Má qua đời, Quán vẫn gửi tiền về “support” tụi này. Bác sĩ Trọng, ở Mỹ có liên lạc với Quán thường xuyên phải không?
     - Vâng, thưa dì vợ chồng cháu vẫn liên lạc với bác sĩ Quán thường xuyên.
Chị Xuân Tường lại hỏi:
     - Bấy lâu nay cậu Quán có về thăm nhà không Dì?
     - Có… có một lần vào 1992 khi bà dì Sáu, mẹ của dì qua đời. Và chỉ một lần đó thôi. Dì Quốc Ngọc thì không. Dì ấy bận làm ăn và chăm sóc chồng con.
     Diễm Khánh ngồi theo dỏi câu chuyện như khách bàng quan. Diễm Khánh cố tìm một câu hỏi để đánh tan cảm giác khó chịu, Diễm Khánh vụt hỏi dì Quốc Bảo:
       - Thưa dì, nghe nói Đặng Thái Sơn sắp về trình diễn dương cầm tại Sàigòn?
       -  Tôi nghe nói như vậy.
     Nghe đến đây, chị Xuân Tường rất ngạc nhiên, chị hỏi bà Quốc Bảo:
       - Thưa dì, Đặng Thái Sơn về Sàigòn?
       - Anh ấy về nhiều lần…
       - Thưa dì như vậy có nghĩa là chỉ về thăm, chớ không phải ở luôn?
       - Không, anh ấy chỉ về thăm, và lần này nhân dịp Giáng sinh, anh ấy trình diễn dương cầm để lấy tiền gây quỉ từ thiện cúu giúp các nạn nhân chiến tranh, nhất là nạn nhân của thuốc khai hoang màu vàng cam, dioxine. Bác sĩ Trọng cũng biết anh ấy nữa sao?
    Chị Xuân Tường liền đỡ lời:
     - Thưa Dì tụi này có đi nghe Đặng Thái Sơn trình diễn dương cầm tại trung tâm trình diễn nhạc thính phòng ngoài trời, Rivera, tại Chicago, vào năm 1996 và chỉ có 1 lần đó thôi.
     - Chắc bác sĩ Trọng còn nhớ nhà nhà thơ và nhạc sĩ Đặng Đình Hưng? Đặng Thái Sơn là con trai của ông ấy.
    Câu hỏi của bà Quốc Bảo thật bất ngờ. Trọng chập choạn trả lời:
     - À, ra thế…
     - Bác sĩ Trọng quên rồi sao? Ông Đặng Đình Hưng qua đời năm 1990. Ngoài những nghiên cứu và trước tác về văn học nghệ thuật và âm nhạc, ông có để lại hai tập thơ ‘Bến Lạ’ và ‘Ô Mai’. Ông ấy viết hai
tập thơ này trong sự thổn thức nhức nhối, nội tâm cô đơn. Bác sĩ Trọng đọc chưa? Bà vừa nói bà vừa vói tay lên kệ sách, bà lấy tâp thơ ‘Bến Lạ’ đưa cho bác sĩ Trọng xem. Sau đó bà tiếp tục nói về những thăng trầm trong cuộc đời của thiên tài, Đặng Đình Hưng. Bà nói về những thống khổ những ngược đải mà Đặng Đình Hưng đã chịu đựng với giọng thiết tha, như bà đang nói về bản thân bà, chị em bà, đang bị chế độ lãng quên, ruồng rẫy.
    Bác sĩ Trọng đưa hai tay trịnh trọng nhận lấy tập thơ ‘Bến Lạ’, bác sĩ Trọng hỏi:
      - Thưa dì, như vậy, hy vọng dì Quốc Thiêng sẽ tham gia buổi trình diễn dương cầm của Đặng Thái Sơn?
      - Không, dì về hưu lâu rồi, không còn làm nhạc trưởng Ban Nhạc Giao Hưởng Hà Nội nữa. Tối hôm đó, theo lời yêu cầu của Đặng thái Sơn, dì Quốc Thiêng nhận lời mời làm M.C.

    Bà Quốc Hương với giọng nói vô cùng dịu dàng và với cái nhìn vô cùng trìu mến hướng về chị Xuân Tường, bà nói:
       - Bây giờ các dì già quá rồi. Lỗi thời rồi. Lạc hậu. Thật sự các dì được cho về hưu non lâu rồi. Các dì mõi mệt và cũng mòn mõi quá rồi…
       - Có lẽ vì những năm chiến tranh các dì sống khổ quá… con nghĩ như vậy. Chị Xuân Tường vừa nói vừa nhìn Diễm Khánh.
       - Những năm chiến tranh, ở trong bưng, các dì sống khổ thì đã đành. Nhưng sau 30/4/75 khi trở về thành lại càng khổ hơn nữa. Kinh tế, không đủ ăn, không đủ mặc; chánh sách, mạnh ai nấy sống, không có một chế độ nào rõ ràng cho những người như các dì và những người hoạt động ở thành. Theo cách mạng gần 30 năm, tù tội lao lung mà không có đảng tịch...thì cũng đúng thôi! Bà vừa nói bà vừa nhìn Diễm Khánh…
       Nhìn ra ngoài sân rộng nắng đầu tháng Chạp mát lạnh, Bác sĩ Trọng nhìn thấy chiếc xe hơi ‘Peugeot 404’đang đậu trong garage, chiếc xe tương đối còn mới. Bác sĩ Trọng vỗ vai chị Xuân Tường:

       -Nhìn kìa, chiếc ‘404’, năm nào lũ tụi mình và Quán đi vacance ở Cap Saint Jacque bây giờ vẫn còn tốt. Anh quay lại nói với bà Quốc Bảo:
       - Thưa dì, chiếc Peugeot 404 của dì còn mới, dì bảo trì tốt quá…
       - Chiếc xe ấy vẫn còn tốt, vẫn còn xài được....Bà Quốc Bảo nói tiếp:
       - ‘Nó’ mới đi Hà nội về đấy.
       -  Còn chiếc Taunus của dì đâu? Chị Xuân Tường hỏi
       - Ông Sáu (Cha bà Quốc Bảo) cho cách mạng hồi năm 77! Và bà nói tiếp:
       - Thời buổi đó mà để trong nhà có hai chiếc xe mới tinh. Không tốt. Vạ lây… Thà cho còn hơn bị tước đoạt...
    Khi ra về, Diễm Khánh nói với Trọng:

        - Ba chị em dì Quốc Bảo bất mãn với chính quyền cách mạng. Nghĩ ra các dì cũng có lý. Nhưng cũng tại các dì tự cô lập, chỉ mang lại thiệt thòi cho mình. Các dì giống ba em, cùng thế hệ với ba em, được chữ ‘kính’ nhưng mà nghèo. Sống khổ đâm bất mãn. Anh thấy đó, vừa nói Diễm Khánh vừa nhìn Trọng, các dì đâu có nghèo. Anh thấy nhà cửa xe cộ của ông bà Sáu để lại vẫn còn nguyên. Chiếc xe Taunus là các dì tự ý cho, chớ ai mà dám tước đoạt của cải của các dì. “Không cho thì bị tước đoạt ”dì nói hơi quá. Chế độ không có ưu đãi các dì, không chiếu cố đến các dì thì có, chứ không ai dám tước doạt của cải của các dì cả. Trước 75, dì Quốc Hương là trợ lý ngoại giao của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Dí Quốc Hương trong đoàn tháp tùng bà Bình, công du nhiều nước trên thế giới. Ở trong nước các dì nhiều lần đại diện chính phủ tiếp xúc với các nhà báo, nhà văn quốc tế, các nhạc sĩ phản chiến của Mỹ.v..v.. Em làm sở ngoại vụ em biết rành những chuyện đó...Thế mà, bây giờ các dì vẫn còn sống kỳ dị, bất mãn. Anh có biết tại sao các dì có vẻ cương quyết không cho chị Xuân Tường lên lầu thăm dì Quốc Thiêng không? Anh chị có biết tại sao không? Thời đại này mà các dì còn bất mãn. Cái villa lầu của ông bà Sáu để lại, cả một đại đội ở cũng còn rộng! Hồi 84 các dì đi mua “nốp” về mướn thợ ngăn trên lầu ra 3 phòng ngủ, như 3 căn hộ. Mỗi bà hùng cứ một căn. Thời buổi này mà ăn ngủ trong “nốp” trên lầu của một villa sang trọng giữa Sàigòn, y như những tổ kháng chiến trong rừng U minh ở thời 45-50 người ta ngủ trong nốp cho khỏi bị muổi đốt. Thật là hết ý kiến. Bạn bè có ai lại thăm, các dì dẫn họ lên khoe y như khoe sự bất mãn của các dì. Tháng trước dì Hai vể thăm nhà. Má em đưa dì Hai, má chị, lại thăm các dì. Các dì cũng dẫn má em và dì Hai lên xem các dì sống trông căn hộ tường ngăn bằng nốp. Vì thương các dì, má em nóng ruột hỏi: “tại sao các em phải làm ra vẻ sống khổ cực chi vậy? Bây giờ chứ đâu phải thời kháng chiến của những năm 40 đâu mà ngủ trong nốp. Hay các em bất mãn điều gì, thì nói thẳng vào mặt họ chớ. Hơn 30 năm theo họ, lao lung, tù tội, khổ sở bây giờ họ quên sao? Đâu có được”!..Các dì nín thinh, không trả lời…

       - Thôi! Tôi biết tại sao rồi. Trọng nói một cách bâng quơ.
       - Anh nói sao? Anh biết tại sao hả?  Chị Xuân Tường hỏi.
       - Đó là “Hội chứng Hậu Chiến” còn gọi là “Hội Chứng Tâm Thần Sau Chấn Thương Và Stress”mà chúng tôi bên Mỹ thường gọi là Post Traumatic Stress Disorder Syndromes.
       - Anh chỉ được nói cuội! Chị Xuân Tường bảo.
  Diễm Khánh dịu dàng nói:
       - Anh Trọng có thể nói đúng lắm đó chị. Trước hết là thuộc chuyên môn của anh và thứ nữa là em thấy nhiều nhiều cựu chiến binh, nhiều ông cách mạng cũng có những tư tưởng và hành động như các dì vậy, nhiều lắm!
       - Vậy thì tôi tin Diễm Khánh, anh Trọng có thể nói đúng. À, quá trưa rồi… Chắc ai cũng đói bụng. Vậy chúng ta ghé quán “cơm phở” này ăn xem sao?
     Trọng hỏi:
       - “Quán cơm” hay là “quán phở”, tại sao lại là quán “cơm phở”?
     Diễm Khánh bảo:
        - Nghĩa là quán có bán cơm và có bán phở. Có thế mà anh cũng thắc mắc.
        - À, tôi hiểu rồi, chớ không phải quán có bán món cơm độn phở hay món phở độn cơm.
     Chị Xuân Tường liền bảo
       - Ồ..cái ông ấy lại bị “Hội Chứng Hậu Chiến” nữa rồi, nghiêm trọng đấy!..Cả ba người cùng cười và họ cũng vừa bước vào quán ăn.

      Ngồi vào bàn ăn, trưa hôm ấy Trọng đói thật, nhưng anh ăn không thấy ngon. Trọng suy nghĩ mãi về 3 người dì của vợ, sự phản kháng tiêu cực của các bà với chế độ không phải hoàn toàn không có lý. Trọng vô tình nắm cánh tay chị Xuân Tường vừa nhìn ra ngoài đường, anh nói:
      - Em, ngoài kia nắng cuối năm trông êm dịu lạ thường…
      - Anh thấy thế à? Em xin lỗi, em đang vật lộn với đĩa cơm sườn. Tuyệt vời!

   Diễm Khánh nhìn Trọng thầm lặng, và hỏi:
       - Anh ăn thấy ngon không anh? Rất tiếc ở đây không có “cơm trắng và cá rô kho tộ” của đất Cần Thơ của anh...
       - Cám ơn Diễm Khánh. Tôi đang nhớ Cần Thơ lắm đây. Nhớ chốn xua của chúng ta.
       - Vâng, chúng tôi có nhiều kỷ niệm với Cần Thơ. Tuyệt vời! Phảỉ không anh? Vừa nói, Chị Xuân Tường vừa nhìn chồng âu yếm…
       - Không tuyệt vời sao được. Xuân Tường đã hạ sanh ba đứa con chúng ta ở đó…
   Nói xong câu ấy anh nhìn ra nắng vàng trên đường phố Lê Thánh Tôn. Trọng không hiểu tại sao khi nhìn sâu vào đôi mắt của Xuân Tường và Diễm Khánh anh lại nhớ về Cần Thơ vô hạn. Hai chị em có màu mắt giống nhau. Màu mắt người con gái Sàigòn và vùng đất phù sa Sông Hậu. Hai màu mắt đều có màu vàng thau của nắng.

    Trọng cúi xuống đĩa cơm nghe tim mình rộn ràng niềm vui vì anh biết rằng Xuân Tường và Diễm Khánh đang nhìn mình với đôi mắt cuồn cuộn tình yêu và ánh sáng…

Đào Như
Viết xong vào tháng Giêng Năm 2000
Updated nhiều lần
Lần cuối vào Jan/2015
Oak park-Illionois USA
09 Tháng Ba 2022(Xem: 4286)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5179)