Đào Như viết về "Chân Trời Tan Hợp" của Phạm Xuân Tích

18 Tháng Năm 20151:44 SA(Xem: 10240)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 18 MAY 2015
blank
CHÂN DUNG TÌNH YÊU TRONG “CHÂN TRỜI TAN HỢP” CỦA PHẠM XUÂN TÍCH

Đào Như

Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp của nhà văn Phạm Xuân Tich, không mang chung sắc thái lãng mạn tình tự, đóng khung trong định mệnh lớn như Thúy Kiều với Kim Trọng của Nguyễn Du, như Trương Quân Thụy với Thôi Oanh Oanh-Tây Sương Ký-của Vương Thục Phủ, như Romeo and Juliet của Shakespeare …Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp cũng không chia sẻ giây phút“Ôi! Buồn Nãn xác thịt! La chair est triste, hélas!”- hay cảm giác “tình yêu là sa mạc”-của nàng Thérèse Desqueyroux của Francois Mauriac…

Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp của Phạm Xuân Tích là trách nhiệm đùm bộc lấy nhau, là nơi ẩn náo của những tâm hồn tư cố hương, tìm về nguồn cội, một thoáng ấm cúng nồng nàng tình yêu quê hương. Tình yêu trong Chân Trời Tan Hợp, là bến đợi, là sự trở về những tâm hồn mà quê hương đã một lần bị tước đoạt. Nguyên, Tâm , Hằng, Thức và Xuân, những nhân vật trong Chân Trời Tan Hợp, khi nghĩ đến quê hương, họ đau đớn. Niềm đau đớn của họ không có đơn vị nào có thể đo lường được. Niềm đau đớn của những giọt mưa rào tan vỡ trên trên sân gạch, trên mái ngói rêu phong của ngôi nhà ký ức, Hà Nội năm xưa, Saigòn hôm qua…Như những giọt mưa, tâm tư hoài cố hương của họ bình yên, không gợn hận thù, không có đấu tranh. Những bối cảnh trong Chân Trời Tan Hợp với nhà thờ Notre Dame gợi nhớ Nhà Thờ cửa Bắc-Hà Nội, Nhà Thờ Đức Bà-Saigòn. Vẫn dáng đứng trầm ngâm như thuở nào, Đức Mẹ mong đợi đàn con xa xứ trở về. Những tách cà phê tại những quán cà phê tại Paris, Les Deux Magots, gợi nhớ hình ảnh những quán cà phê Saigòn: Givral, Imperial, Lido, Continental… Vô tình, màu đen đậm đặc của tách cà phê của Paris còn lắng đọng biết bao kỷ niệm của Hà Nội với năm Cửa Ô, của Saigon với những con đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Công lý …Xuân, một nhân vật của Chân Trời Tan Hợp đã giới thiệu tách cà phê Les Deux Magots cho Thức, người bạn đồng hương mới đến từ Californie, Hoa Kỳ: “Cà phê nơi đây không đặc quánh như cà phê xứ Ý và không quá loãng như cà phê Hoa kỳ. Nhưng đã tạo nên không khí êm đềm, quyến rũ của quán, chính là hương thơm của thời gian nghe lắng đọng, kéo dài từ quá khứ xa xôi và nối kết với hiện tại…”. Cuộc gặp gỡ giữa Xuân và Thức, của đôi bạn tâm tư lắng động về quê hương đã mất, trong khung cảnh của mùa Thu có nắng vàng trải dài trên sông Seine-“Paris tuy cô đơn nhưng không sầu buồn, chìm đấm trong mộng mơ nhưng không lãng quên thực tế”. Thực tế ở đây phải chăng là tấc lòng tư cố hương, và vùng đất dung thân trước sau gì cũng chỉ là Bà Mẹ Nuôi.

Thức và Hằng từ giả quán ăn Maitre Albert vào môt buổi chiều chớm Thu. Họ tình tự đi dọc theo con dốc nhỏ. Thức yên lặng, cảm thấy tâm hồn mình hình như trẻ lại so với thời gian qua mau. Trong một thoáng, Thức chợt nhớ Hằng vừa gọi mình bằng anh và xưng bằng tên. Thức cảm thấy lòng mình như lộng gió. Chiều Paris chưa bao giờ đẹp như chiều hôm nay!...

Một kết luận lạc quan, tươi sáng sau kế hoạch điều trị tâm thần cho Nguyên, có phải là sự thăng hoa của tình yêu -Love sublimation. Nhận định về bịnh tâm thần Hội Chứng Hậu Chiến-Post Traumatic Stress Disorders Syndromes-trong hàng ngũ người tỵ nạn, tác giả Phạm Xuân Tích có tầm nhìn thống thoáng hơn Trần Vũ, tác giả của “Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu”. Tất cả người tỵ nạn, nhân vật của Phạm Xuân Tích, không nhất thiết ai cũng phải một lần kinh qua “Hành Lang Tâm Thần”. Niềm tư cố hương của các nhân vật Chân Trời Tan Hợp hoàn toàn là những hoài bảo đậm đặc nét nhân văn, không hận thù, không đấu tranh. Khác với Phạm Xuân Tích, Linda Le, đầy dẫy trong các tác phẩm của nhà văn nữ này, hình ảnh Tổ quốc Việt Nam luôn luôn gắn liền với hình ảnh của vùng đất nước từng bị cấm kỵ xa xưa, hình ảnh của một cha bị bỏ rơi, hình ảnh một bà mẹ như một người tình hờ hững. Niềm tư cố hương của Linda Le chan hòa cay đắng, có lần Linda Le đã phải thốt lên: “J’ai l’impression de porter en moi un corps mort. C’est surement le VietNam que je porte, un enfant mort”. Niềm tư cố hương của Linda Le thật nghiệt ngã. Phải chăng tình cảm của con người là hệ quả của quá khứ cưộc đời. Hằng và Thức đã nhìn nhau qua lăng kính tư cố hương. Họ có chung một hoài bảo tìm về về quê hương, đã tạo nên tình yêu sâu sắc giữa Hằng và Thức. Không cầm được lòng mình, Hằng choàng tay qua cổ Thức. Và họ ôm hôn nhau tha thiết. Thức gọi tên Hằng như trong mộng du: Hằng ơi! Anh yêu Hằng. Anh sẽ trở lại Paris để sống cùng em… giữa khung trời mênh mông ngợp gió của phi trường Charles De Gaulle buổi trưa hôm ấy…”

 Chân Trời Tan Hợp của Phạm Xuân Tích, xuất hiện đến nền Văn Học lưu vong Việt Nam đúng bốn mươi năm sau cuộc chiến, như một chứng tích lịch sử. Vượt lên trên thói lề, thời thượng của một số tác phẩm cùng thời, tình yêu Quê hương, Tổ quốc, trong Chân Trời Tan Hợp của Phạm Xuân Tích trước sau trung hậu, nguyên vẹn, tròn trịa, ngọt ngào không gợn hận thù, không có đấu tranh. Phải chăng, sự bền vững trong tình yêu của Tâm và Nguyên- Sự trong sáng, nguyên trinh và đôn hậu trong tình yêu của Hằng và Thức, là biểu tượng tình yêu của một số thanh niên phụ nữ trí thức Việt Nam đang sống ở xứ người, họ vẫn chọn về lối sống và tình yêu truyền thống dân tộc để lấp đầy những khoảng trống trong tim…/.  

Đào Như
thetrongdao2000@yahoo.com
Oak park, Illinois, USA May-17-2015
09 Tháng Ba 2022(Xem: 4289)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5181)