Bản Symphony số 9 của Beethoven và thế giới đại đồng

31 Tháng Mười Hai 20199:12 SA(Xem: 5185)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN NGHỆ - THỨ TƯ 01 JAN 2020


Bản Symphony số 9 của Beethoven và thế giới đại đồng


31/12/2019


image042

Một cuộc biểu diễn trước lễ mừng sinh nhật 250 tuổi của Beethoven. Ảnh tại Bonn, Đức, ngày 13/12/2019. REUTERS/Leon Kuegeler


Thanh Hà


2020 là năm thế giới vinh danh Beethoven nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh người dành 30 năm cuộc đời để có được bản Symphony số 9. Qua tác phẩm này, Ludwig van Beethoven (1770-1827) đã tiến hành nhiều cuộc cách mạng cùng một lúc : Ông phá cách, đưa một dàn hợp xướng vào thể loại nhạc giao hưởng, đồng thời biến tác phẩm này thành một bản tuyên ngôn vì một thế giới đại đồng, xóa bỏ giai cấp.


Nhạc sĩ dương cầm François Frédéric Guy thổ lộ ông thật "hết ý" với Khúc Hoan Ca –Ode à la Joie (Ode an die Freude) trong bản Giao Hưởng Số 9 của Beethoven. Trong tác phẩm này, nhạc sĩ người Đức đã dùng một ngôn ngữ âm nhạc rất đơn giản – vừa dễ nghe, vừa dễ đàn, để đến gần với đại chúng, để thổi vào hồn người nghe tinh thần đấu tranh, tình yêu đồng loại, lý trí của những con người muốn được cùng nhau sống trong niềm hân hoan, tương ái. Chỉ cần nghe một vài nốt nhạc ấy cũng đủ để ta nở được nụ cười và cùng hướng đến một tập thể.


Beethoven là người mở đường cho cả một thế hệ các nhạc sĩ của trường phái lãng mạn, từ Schumann đến Chopin hay Liszt, Mendelssohn. Những bản giao hưởng của ông được xem là những tượng đài của âm nhạc thế giới. Trong số những đại tác phẩm ấy, bản Symphony số 9 được nhắc đến nhiều hơn cả bởi đấy chẳng những là di chúc ông để lại cho hậu thế, là tác phẩm khép lại sự nghiệp đồ sộ của Beethoven, mà nhạc phẩm ấy còn là "điểm đến cuối cùng" của thể loại Symphony như Richard Wagner, một cây đại thụ khác của nghệ thuật âm nhạc thế giới, từng nhận xét.


Không phải ngẫu nhiên mà bản thảo của Symphony số 9 được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cũng không phải tình cờ tác phẩm này là nguồn cảm hứng vô tận cho các thể loại nghệ thuật từ sân khấu đến văn chương, từ hội họa đến điện ảnh. Vì sao bản Giao Hưởng số 9 được cất lên khi bức tường Berlin sụp đổ và đã được chọn là nhạc hiệu của Liên Hiệp Châu Âu ?


Được cho mắt công chúng lần đầu tại thành Vienne, vương quốc Áo, năm 1824, bản Symphony số 9 đã khẳng định chỗ đứng riêng biệt trong khu vườn âm nhạc của nhân loại.


Về hình thức, tác phẩm này gồm bốn phần và có độ dài hơi quá khổ. Khác với những người đi trước, trong phần mở đầu, tác giả cố tình bắt chúng ta đợi chờ, để rồi mãi đến khuông nhạc thứ 16 ông mới từng bước hé lộ tâm tư. Đằng sau vẻ ban đầu tĩnh lặng là những băn khoăn sôi sục, là khát vọng dâng trào, là những xung đột nội tâm, là con đường dài của sự tranh đấu.


Nếu như thông thường, sau chương một sôi động thì ở phần thứ nhì luôn có nhịp điệu dịu dàng hơn, trầm lắng hơn. Nhưng ở đây Beethoven lại chọn vũ điệu Scherzo vừa dồn dập vừa vũ bão. Các nhạc cụ ở đây lao vào một màn rượt đuổi, mãnh liệt và đam mê.


Dù vậy tất cả mọi chú ý đều tập trung vào phần cuối bản Symphony số 9. Beethoven là người đầu tiên đưa dàn hợp xướng và bốn tiếng hát đơn vào thể loại giao hưởng. Chương bốn bản Symphony số 9 cũng có thể xem như một bản giao hưởng hoàn toàn độc lập.


1792 là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Beethoven : ông từ bỏ hẳn Bonn đến định cư tại Vienne, theo lời mời của một nhạc sĩ bậc thầy đang ngự trị trên vương quốc Áo, là Joseph Haydn. Đấy cũng là thời điểm Beethoven bắt đầu tìm tòi để phổ nhạc bài thơ An die Freude hay còn được gọi là Ode An Die Freude – Khúc Hoan Ca thi sĩ Friedrich Schiller sáng tác năm 1785.


Bốn năm trước cuộc Cánh Mạng Pháp 1789, trong xã hội phong kiến của vương quốc Áo cuối thế kỷ 19, Schiller đã ngợi ca công bằng, bác ái, một xã hội mà người người bình đẳng không chỉ trước Phán Xét Cuối Cùng của Thượng Đế. Nhân loại bình đẳng dưới vòm trời của hạnh phúc và niềm hân hoan. Beethoven đồng cảm với khát vọng tự do, với lý tưởng về một thế giới đại đồng, nơi mà :


"Triệu triệu con người mở rộng vòng tay,


Là anh em một nhà"


Lời thơ của Schiller là ngọn đuốc dẫn đường, là tiếng chuông ngân vang suốt tuổi trẻ và cả cuộc đời của người nhạc sĩ. Đến nỗi trong 30 năm liền, Beethoven biến mỗi tác phẩm của ông như một cuộc thử nghiệm, như một viên đá lót đường để có được bản Giao Hưởng số 9.


Từ năm 1795 khi mới 25 tuổi Beethoven đã phác họa sơ cho một dàn đồng ca và piano. Tiết tấu đó được ông sử dụng lại trong một bản Fantaisie, sáng tác năm 1808. Mãi gần chục năm sau, vào quãng 1817, Beethoven mới thực sự phác họa sườn bản Symphony số 9. Ông chỉ giữ lại khoảng 1/3 lời thơ của Schiller để phổ nhạc, nhưng đã có chiếc đũa thần, để bài thơ của văn hào Đức Friedrich Schiller chắp ánh bay cao, để những dòng suối nhỏ cùng vươn ra biển lớn.


Bài thơ Ode à la Joie -Ode an die Freude của Friedrich Schiller và bản Giao Hưởng số 9 là một bản tuyên ngôn nhân quyền trước thời đại. Trong niềm hân hoan ấy, RFI Việt ngữ mời quý thính giả cùng bước vào một năm mới 2020./


Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven


Thanh Hương  23/05/2019


Bản giao hưởng số 9 cung rê thứ, còn được gọi là “Choral”, là bản giao hưởng trọn vẹn cuối cùng của Ludwig van Beethoven. Được hoàn thành vào năm 1824, bản giao hưởng này là một kiệt tác vô cùng nổi tiếng trong dòng âm nhạc cổ điển. Hầu hết các nhà phê bình âm nhạc đều đồng ý nhìn nhận rằng đây là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Beethoven, và nhiều người coi nó là một trong những sáng tác vĩ đại nhất của nền âm nhạc Tây phương.

image041

Beethoven. (Ảnh qua Youtube)


Trong bản giao hưởng số 9, lần đầu tiên Beethoven thử nghiệm sử dụng giọng hát con người trong một bản giao hưởng, vậy nên nó còn được gọi là một bản giao hưởng hợp xướng. Những lời ca được hát trong đoạn cuối cùng được trình diễn bởi bốn nghệ sĩ đơn ca và một dàn hợp xướng. Những lời ca này được lấy từ “Ode to Joy” (Tạm dịch: Khải hoàn ca), một bài thơ được viết bởi Friedrich Schiller vào năm 1785 và được sửa lại vào năm 1803, với đoạn bổ sung của Beethoven. Trong những năm 2010, bản giao hưởng số 9 là một trong những bản giao hưởng được trình diễn nhiều nhất trên thế giới.


“Bất cứ ai có trái tim biết rung cảm với sự vĩ đại và cái đẹp chắc chắn sẽ có mặt”, đó là lời ngợi ca của báo giới nước Áo dành cho buổi hòa nhạc của Beethoven. Vào ngày 7/5/1824, bản giao hưởng số 9 của Beethoven được trình diễn lần đầu tiên. Bản giao hưởng đã gây được ấn tượng sâu sắc cho khán giả bởi nhiều lý do. Nó dài hơn và phức tạp hơn bất cứ một bản giao hưởng nào cho đến nay và cũng yêu cầu một dàn nhạc lớn hơn. Nhưng điểm độc đáo nhất của nó chính là việc Beethoven đã thêm đồng ca và đơn ca vào chương cuối cùng. Ông là nhà soạn nhạc đầu tiên làm như vậy trong một bản giao hưởng.

image043

Buổi biểu diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven tại Nhà hát nghệ thuật biểu diễn Haris Center, Folsom, California. (Ảnh qua Youtube)


Beethoven bắt đầu suy nghĩ về việc thêm bài thơ “Ode to Joy” của Friedrich Schiller vào sáng tác của mình từ đầu năm 1793, khi ông 22 tuổi. Trong những năm tiếp theo, nhà soạn nhạc đôi lúc vẫn quay lại xem xét bài thơ này và phác thảo một số chủ đề xoay quanh nó, nhưng trong một thời gian dài, chưa có bản nhạc nào được hoàn thành cả.


Phần hợp xướng cuối cùng


Vào năm 1817, Hội yêu nhạc London ủy thác cho Beethoven viết một bản giao hưởng, nhưng ông đã không thực sự tập trung vào nó mãi cho đến năm 1822. Ba chương đầu tiên của bản giao hưởng số 9 được dành riêng cho dàn nhạc, nhưng Beethoven biết ông cần phải kết thúc tác phẩm bằng một dấu ấn thật đặc biệt. Đó là lúc ông chợt nhớ tới “Ode to Joy”. Một chương dựa trên bài thơ nổi tiếng này chính xác là cái kết mà bản giao hưởng của Beethoven cần có.


image044

Ludwig van Beethoven trình diễn cùng với Razumovsky Quartet, được vẽ bởi họa sĩ August Borckmann. (Ảnh qua thenational.ae)


Mặc dù bản giao hưởng này được ủy thác bởi Hội yêu nhạc London, những người có ảnh hưởng ở Vienna đã thuyết phục Beethoven trình diễn bản giao hưởng lần đầu tiên ở thành phố này. Dàn nhạc của nhà hát Kärnnertor được bổ sung thêm một số nhạc công khác, và một dàn hợp xướng gồm 90 thành viên đã được thành lập để cân bằng với dàn giao hưởng.


Nhảy nhót như một kẻ điên

Năm 1824, Beethoven đã gần như điếc hoàn toàn, nhưng ông vẫn muốn tiếp tục được trình diễn và chỉ huy dàn nhạc trên sân khấu. Thêm nữa, Beethoven cũng muốn giúp các nghệ sĩ hiểu phong cách và động lực mà ông mong muốn họ thể hiện.


image045

(Ảnh qua classicalmusic.uol.ua)


Động tác của nhà soạn nhạc vĩ đại trong buổi hòa nhạc đó thật sự rất khác lạ, một nhạc sĩ kể lại: “Ông đứng trước vị trí của người chỉ huy và cúi người về trước rồi về sau như một kẻ điên. Có lúc ông căng hết người ra, rồi ngay sau đó lại gần như cúi mình chạm sàn nhà. Ông vung vẩy tay và chân của mình như thể muốn một mình chơi tất cả các nhạc cụ và hát tất cả các phần hợp xướng.” Đó là lý do vì sao mà người chỉ huy dàn nhạc đã âm thầm yêu cầu các nhạc sĩ không được để ý đến Beethoven.


Không thể nghe được những tràng vỗ tay

Hoàn cảnh mất thính lực của Beethoven đã tạo nên một trong những câu chuyện cảm động nhất trong giới âm nhạc. Khi bản giao hưởng kết thúc, ông vẫn tiếp tục hướng mặt về phía dàn nhạc thực hiện động tác chỉ huy. Ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger đã phải bước đến gần và quay người Beethoven lại để ông có thể đón nhận những tràng vỗ tay và sự cổ vũ của khán giả.


image046

Nhà hát Kärnnertor ở Vienna là nơi mà Beethoven đã trình diễn bản giao hưởng số 9 lần đầu tiên. Nhà hát này hiện đã không còn tồn tại nữa. Ngày nay, ở vị trí của nhà hát là Khách sạn Sacher, ở bên phải của Nhà hát opera Vienna. (Ảnh qua inmozartsfootsteps.com)


Theo một người chứng kiến thì “công chúng đón nhận người nhạc sĩ với sự tôn trọng và lòng đồng cảm cao nhất, lắng nghe các sáng tác tuyệt với và vĩ đại của ông một cách say mê chăm chú, và rồi bùng nổ trong tiếng vỗ tay đầy hân hoan, thường thường là giữa các phần, và rồi lại lặp lại như thế vào cuối bản giao hưởng.” Khán giả hoan hô ông với những tràng vỗ tay; và rồi có nào là khăn tay, mũ và những cánh tay giơ lên không trung, để cho Beethoven, người không thể nghe được tiếng vỗ tay, ít nhất vẫn có thể nhìn thấy được sự hoan hô cổ vũ của công chúng. Rất nhiều người tham dự đã xúc động tới rơi nước mắt khi họ nhận ra Beethoven không thể nghe thấy gì.


Điều kì diệu

Không giống như Hamlet của Shakespeare, kiệt tác giao hưởng số 9 của Beethoven mang ý nghĩa khác biệt đối với từng người nghe, nhưng nó vẫn luôn là những gì tuyệt vời nhất, mạnh mẽ nhất và cao quý nhất về nhân loại. Như Wilhelm Furtwängler – một trong những chỉ huy dàn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất – đã từng nói, cố gắng khám phá một cách chính xác ý tưởng của Beethoven với bản giao hưởng số 9 cũng tương tự như việc tìm chỗ để ghim một con bướm chính xác lên bộ sưu tập của một nhà côn trùng học.


Harvey Sachs, một nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, cũng thừa nhận điều này trong sự khâm phục khi phân tích bản giao hưởng số 9: “Có một sự thật không thể nghi ngờ, đó là bản giao hưởng của riêng từng người, nếu bạn thật sự nghiêm túc lắng nghe.”


Lời ca của “Ode to Joy” có đoạn viết:


Bạn có cúi đầu trước Ngài, hàng triệu người ngoài kia?
Bạn có cảm nhận được Sáng Thế Chủ, hỡi thế giới?


Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể thống nhất rằng bản giao hưởng này nói về điều gì, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp cận nó với sự thận trọng, khiêm tốn và lòng ngưỡng mộ những điều kì diệu.


Thanh Hương


image041

15 Tháng Ba 2018(Xem: 7644)
08 Tháng Hai 2018(Xem: 10808)
30 Tháng Giêng 2018(Xem: 7710)
26 Tháng Mười Một 2017(Xem: 7522)
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 7169)
30 Tháng Bảy 2017(Xem: 10417)
19 Tháng Bảy 2017(Xem: 7511)
Dấu thời gian chưa xóa Nét buồn vương sắc mây Đan bóng chiều rơi lối Sương chùng lạnh thấm vai