Cantinero de Cuba: Rượu ru điệu sầu hoang vắng, cà phê say đêm thức trắng

24 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 9025)

RFI Thứ sáu 18 Tháng Mười 2013

Cantinero de Cuba, ruợu sầu hoang vắng hương cà phê đắng

image052

Tuấn Thảo

Trong số những bản nhạc Tây Ban Nha rất nổi tiếng, mà nhiều người La Tinh cứ nghĩ rằng nguyên tác là một bài ca Trung Mỹ, có bài Cantinero de Cuba, với giai điệu nồng thắm mặn mà, tiết tấu mềm mại lụa là. Tựa đề nguyên gốc khiến cho người ta tưởng lầm đây là một bản tình ca ra đời tại La Havana. Nhưng bài này được viết tại Sevilla, thủ phủ vùng Andalucia.

Kết thúc loạt bài của RFI, nhạc phẩm Cantinero de Cuba (tạm dịch là Điệu sầu quán vắng) đã ra đời vào năm 1964, tức cách đây gần đúng nửa thế kỷ, dưới ngòi bút của nhà soạn nhạc Manuel Pareja Obregón (1933- 1995). Ông sinh trưởng tại vùng Andalucia, trong một gia đình quý tộc, thuộc dòng dõi bá tước Tây Ban Nha.

Gia đình ông Manuel Pareja Obregón còn có dòng máu nghệ sĩ, thừa hưởng năng khiếu từ song thân và nhờ được sống trong môi trường nghệ thuật thuận lợi. Ngoài âm nhạc, ông còn học hội họa và điêu khắc, bắt đầu sáng tác từ năm lên mười. Đến khi qua đời ở độ tuổi ngoài 60, ông để lại một di sản đồ sộ, với gần ba ngàn tác phẩm đủ loại.

Sở trường của ông Manuel Pareja Obregón là nhạc dân tộc, ông chuyên sáng tác theo thể điệu sevillana tiêu biểu của vùng Andalucia và nhất là điệu fandango, biến thể từ điệu flamenco. Những công trình nghiên cứu của ông sẽ giúp quảng bá các ca khúc flamenco theo cả hai hướng : Điệu flamenco hát chậm, còn được gọi là cante jondo mang nhiều tính chất tự sự, kể lể nỗi niềm, nội dung uyên bác thâm thúy thường nói về cái chết và số phận. Còn điệu flamenco hát nhanh gọi là cante chico thì bình dân và ít triết lý hơn, thích hợp với các điệu vũ cho nên dễ phổ biến trong dân gian.

Từ cuối những năm 1950 trở đi, ông bắt đầu sáng tác nhạc nhẹ, hợp tác với các tác giả như Rafael de León và Manuel Quiroga để viết ca khúc cho rất nhiều ca sĩ (Enrique Montoya, Sergio y Estíbaliz, Paloma San Basilio, Rocío Jurado, Marisol, Los Amigos de Gines …). Trong số các bản nhạc ăn khách của ông, nổi tiếng nhất vẫn là bài Cantinero de Cuba, mà hầu như nghệ sĩ nào ở châu Mỹ La Tinh cũng biết tới, và bài này thường được phối theo điệu bolero.

Tuy nổi tiếng là một bản bolero, nhưng trong nguyên tác, bài Cantinero de Cuba ban đầu được viết cho thể điệu changuí. Đây là một điệu nhạc truyền thống của Cuba, còn được gọi là dân ca miền đông (Oriente) và là tiền thân của thể điệu ‘‘son cubano’’ gồm bốn nhịp chắc, và thường đánh với nhạc cụ dân tộc vùng cao nguyên.

Một dàn nhạc changuí chỉ gồm có ba nhạc khí : Đầu tiên là đàn hộp marimbula, kế đến là đàn dây ba cặp gọi là tres, giống như ghi ta nhưng kích cỡ nhỏ hơn và sáu dây đàn được chia thành ba bộ riêng biệt, cuối cùng là bộ trống đôi bongo, một cặp gồm hai chiếc gắn liền với nhau.

Âm thanh mượt trầm của cặp trống bongo rất tiêu biểu cho changuí. Các nghệ sĩ sau này chuyển thể điệu changuí thành điệu ''son cubano'' khi sử dụng thêm kèn đồng và trống thiết. Khi đánh theo điệu rumba hay bolero, các nhạc sĩ sử dụng trống đơn quinto nhiều hơn là trống đôi bongo.

Theo nhà dân tộc học Fernando Ortiz (1881-1969), tác giả của quyển Africania de la musica folklorica de Cuba, chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của các nhạc cụ châu Phi do người nô lệ da đen đem vào Cuba, về mặt ngữ vựng, changuí xuất phát từ chữ "quissangüi" có nghĩa là ca múa, nhưng trong thổ ngữ của người du mục, changuí đồng nghĩa với bội ước, bội tình. Một bài ca theo điệu changuí là khúc sầu tuyệt vọng, chứ không thể nào mà trẻ trung yêu đời như điệu calypso hay tươi thắm lạc quan như điệu salsa.

Bả nhạc Cantinero de Cuba được viết theo ý tứ này, tác giả dựng lên bối cảnh của một quán vắng, nơi mà người đàn ông uống rượu giải sầu, nhưng càng uống bao nhiêu thì càng khổ bấy nhiêu. Cách đặt ca từ trong bài này rất khéo vì bài hát không một lần dùng nghịch dụ mà vẫn nói lên được nghịch lý tình yêu.

Nhân vật trong bài hát cố tình uống cho say, nhưng người hầu rượu (cantinero) càng rót, thì người uống càng chua xót. Uống để làm tê đi cơn đau nhức nhối, uống để quên hết những mất mát trong đời. Nhưng tất cả đều phản tác dụng : Say cũng không xong, uống cũng bằng thừa.

Có người cho là khi sáng tác bài Cantinero de Cuba, nhà soạn nhạc Manuel Pareja Obregón đã vay mượn thủ pháp của bài Moliendo Café, do tác giả Hugo Blanco người Venezuala sáng tác vào năm 1958. Bài này sau đó chiếm hạng đầu thị trường Nam Mỹ và Nhật Bản vào năm 1961.

Ở đây, hình tượng cà phê xay nhuyễn thay thế cho rượu mạnh (aguardiente). Người đàn ông thất tình chán nản, dù không uống cà phê nhưng vẫn không sao tìm được giấc ngủ, cả đêm thức trắng nên phải ngồi dậy làm việc (xay cà phê) quần quật, dùng công việc chân tay để cho tâm trí không còn tưởng nhớ đến bóng hình người yêu.

Nhưng làm sao để quên những gì ta không quên được. Trí óc đi một đằng, con tim đi một nẻo. Bài Moliendo Café trở nên tiêu biểu cho nghịch lý tình yêu. Hai tác giả dù ở hai phương trời khác nhau nhưng vẫn có cùng ngẫu hứng đồng cảm trong cách đi tìm hình tượng. Rượu ru điệu sầu hoang vắng, cà phê say đêm thức trắng. Đằng sau nụ hôn tình nồng thường nấp bóng đam mê vết cắn. Thuốc độc dưới cái vỏ bọc ngọt ngào còn đáng sợ hơn cả mật đắng./

++++++++++++++++++

Cây đàn violon của nhạc trưởng tàu Titanic được bán với giá 1,45 triệu đô la

image053

Cây vĩ cầm của nhạc trưởng con tàu Titanic đã được bán với giá 1,45 triệu đô la tại Wiltshire Anh Quốc ngày 19/10/2013.

REUTERS/Cathal McNaughton

RFI Thứ bảy 19 Tháng Mười 2013

Thanh Hà

 Hơn 100 năm sau tai nạn chìm tàu Titanic, cây vĩ cầm của dàn nhạc giao hưởng được bán đấu giá tại Luân Đôn. Giá khởi đầu ước tính từ hai đến ba trăm ngàn bảng Anh.

Buổi bán đấu giá diễn ra vào chiều nay tại thủ đô Anh Quốc. Đây là một chiếc đàn tương đối thuộc loại trung bình, được sản xuất tại Đức, có thể là từ một nhà máy gần Berlin hay Desde. Theo giới thẩm định thì chiếc violon này ra đời khoảng năm 1880 sau đó mới được gắn nhãn hiệu của nhà sản xuất nhạc cụ Giovan Paolo Maggini Brescia.

Đây là cây đàn từng thuộc về nhạc sĩ Wallace Hartley, chỉ huy dàn nhạc chơi trên tàu Titanic. Nhạc sĩ Hartley đã ôm cây vĩ cầm này và chơi cho đến khi con tàu chìm trong lòng Đại Tây Dương vào ngày 15/04/1912. Theo lời những người còn sống sót sau tai nạn kể lại để trấn an mọi người Hartley đã điềm tĩnh chơi đàn. Ông can đảm quên cả cái chết gần kề. Bảy nhạc sĩ trong ban nhạc của ông đều đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic.

Thi hài của Wallace Hartley lênh đênh trên biển trong mười ngày ròng rã trước khi được vớt lên. Khi đó, nhân viên cứu hộ đã tìm thấy cây vĩ cầm của Hartley được xếp trong một chiếc vali bằng da, cột chặt vào thân ông. Sau này, trả lời báo chí mẹ ông nói bà biết rằng con trai mình đã chết chung với cây đàn vì Wallace Hartley rất gắn bó với nhạc cụ này . Đấy là một món quà quý giá mà Hartley được vị hôn thê, Maria Robinson, tặng cho. Trên chiếc vĩ cầm này có một miếng bạc nhỏ với hàng chữ « Tặng Wallys, kỷ niệm ngày đính hôn của chúng ta. Maria ».

Sau khi tìm thấy thi hài Hartley và chiếc vĩ cầm gắn chặt trên người ông, chính quyền Canada đã hoàn lại cây đàn cho cô Maria Robinson. Khi Maria qua đời năm 1939 chiếc violon này chẳng hiểu vì sao đã được đem tặng cho một hội từ thiện. Trong một bức thư một thầy giáo dậy vĩ cầm khẳng định rằng không thể nào sử dụng được cây đàn đó. Chắc hẳn là do đàn đã bị ngâm nước quá lâu ngày.

Sau đó cây đoàn của Hartley đã ngủ quên trong nhà kho trước khi được đem đi triển lãm. Sau này nhạc cụ đó đã được trưng bày tại hai bảo tàng ở Mỹ và đã được hơn 315 000 người chiêm ngưỡng, rồi cây đàn lại được chuyển tới bảo tàng Titanic Belfast, cách không xa nơi chiếc tàu khổng lồ Titanic được thiết kế.

Giá trị của cây đàn nằm ở chỗ nó là nhân chứng cho thái độ can đảm lạ thường của nhạc sĩ Wallace Hartley vào lúc mà 2 200 hành khách và nhân viên trên con tàu Titanic đang hoảng loạn khi thấy cái chết cận kề. 1 500 người trong số đó đã thiệt mạng trong đêm 14 rạng sáng ngày 15/04/1912./

19 Tháng Bảy 2017(Xem: 7486)
Dấu thời gian chưa xóa Nét buồn vương sắc mây Đan bóng chiều rơi lối Sương chùng lạnh thấm vai
02 Tháng Bảy 2017(Xem: 7348)
12 Tháng Ba 2017(Xem: 7694)
23 Tháng Hai 2017(Xem: 7177)
24 Tháng Giêng 2017(Xem: 7240)