Trần Mộng Tú: Ngụm Cà Phê Tháng Tư

07 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 4588)
tran_mong_tu_small
ảnh: Văn Hóa Việt. US

NGỤM CÀ PHÊ THÁNG TƯ (Bút ký của Trần Mộng Tú)

NGỤM CÀ PHÊ THÁNG TƯ
Bút ký của Trần Mộng Tú

Thứ ba, ngày 03 tháng tư năm 2012
http://phamvietdao2.blogspot.com/2012/04/ngum-ca-phe-thang-tu.html

Phamvietdao.net: Đắn đo mãi cuối cùng chủ blog quyết định đưa bài bút ký của Trần Mộng Tú gửi cho lên trang của mình, mặc dù không hề quen biết tác giả…

Lịch sử là thứ không thể thay đổi dù nó là tốt hay xấu; lịch sử Dân tộc Việt đã tồn tại hàng ngàn năm, một dân tộc không chỉ bảo tồn được biên cương, lãnh thổ và cả cốt cách của mình để thế giới biết đến như là một dân tộc hiện tại có thể chậm lụt về kinh tế, nhưng không thể thua kém về nhân cách, cốt cách…

Chủ blog tin rằng cái Chân, Thiện, Mỹ luôn trường tồn với dân tộc này; mỗi thế hệ đều có trách nhiệm gánh trên vai mình sứ mệnh lịch sử, không thể đổ thừa và không thể làm thay; do vậy cuộc chiến vừa qua chỉ là lát cắt mỏng trong chuỗi hạt trường sinh bất tử về cốt cách của dân tộc Việt…Do vậy, gặm nhắm lại lịch sử cũng là cách giúp hiện tại tỉnh táo hơn, thiện ích hơn trong hành động trước thực tại…

Đưa bút ký của Trần Mộng Tú lên trang của mình, một cử chỉ mong được sẻ chia cùng tác giả một chút gì đó; góp một chút gì đó ngõ hầu có thể giảm đi phần nào vị đắng gắt trong cõi lòng của Trần Mộng Tú; trong cõi lòng của những ai hình như vẫn còn cảm thấy chưa nhạt nhòa nỗi đắng cay mỗi khi tháng Tư về…



Ta ngồi một mình
ly cà phê cạn
lòng như tháng tư
đứt ra từng đoạn…


Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường 20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn mầu cà phê đen đặc, sóng sánh sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay sao!

Tháng tư, tháng tư, tháng tư năm đó!Đứt ra từng đoạn: đoạn cha, đoạn mẹ, đoạn vợ, đoạn chồng, đoạn con, đoạn anh, chị, em, đoạn bạn hữu. Mỗi đoạn đứt một chỗ, rơi một nơi, đoạn mất đi ngút ngàn biệt tích, không để lại dấu vết, đoạn còn sót lại ngơ ngẩn, mù lòa.

Tháng tư của ba mươi bẩy năm sau, ngụm nước mắt không bao giờ cạn được.

Tôi ngồi trong quán một mình. Ngó những khuôn mặt lạ, họ không phải bạn bè, nhưng vẫn thấy thân thuộc, vì đó là những khuôn mặt của dân bản xứ tôi gặp thường ngày. Cách ăn mặc và lối cư xử của họ na ná giống nhau. Mình nhìn mấy chục năm, mình quen với cách kéo ghế, cách chụm đầu vào nhau nói khe khẽ, cách nghiêng mình xin lỗi của họ khi phải đi qua mặt ai, nên bỗng trở thành gần gũi.

Tự ngậm ngùi tưởng tượng, nếu bây giờ mình ngồi ở trong một quán cà phê ở Việt Nam, ngắm những người ngồi chung quanh, chắc chắn mình sẽ thấy thất lạc lắm, vì cách ăn mặc và cư xử rất khác mình.Họ cũng sẽ chẳng để mắt nhìn đến mình, một kẻ thường thường trên mọi phương diện. Mình thất lạc ngay chính trên quê mình.

Ngồi một mình với ly cà phê Starbucks trong một ngày của tháng tư, quê người; tôi chỉ nhìn ra mình là người lạ với chính mình. Cúi nhìn mấy ngón tay đang cầm ly, những ngón tay gầy đã bắt đầu xanh xao gân lá, biết mình ở đây lâu lắm rồi. Đôi vai bỗng trĩu nặng như có bàn tay ai vô hình ấn xuống ghế. Thôi, đã đến đây rồi, thì ngồi xuống đây, còn đi đâu được nữa. Ngồi đây mà hồn như thác đổ, tiếng nước ầm ầm vọng tới từ một ký ức xa xôi, rồi bỗng òa ra khi chạm vào tảng đá cuối cùng, tảng đá tháng tư.

Tháng tư ở đây là mùa xuân, chim chóc rủ nhau bay vào thành phố, hoa đào nở hồng trên mỗi con đường, nắng mới lách mình vào những khung cửa mở, trong vườn nhà ai hoa táo, hoa lê trắng xóa. Những người Việt di tản như tôi, tháng tư không ít thì nhiều quay đầu nhìn lại quá khứ, nhớ lại những giọt nắng quê nhà năm đó hòa vào máu và nước mắt. Hoa nắng quê người chỉ làm gợi thêm nỗi xót xa.

Anh ạ tháng tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà thăm thẳm sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương…


Chung quanh tôi, một vài bàn nhỏ có người ngồi trước tách cà phê và cái laptop.
Họ im lặng làm việc, học hay sáng tác. Có người với một tờ báo mở trước mặt, hay hai người bạn thì thào nho nhỏ. Quán tĩnh mịch, nghe được cả tiếng gõ khe khẽ của những ngón tay chạm trên bàn phím, thậm chí cả tiếng thở của người ngồi ở bàn gần mình.

Tôi ngồi với ly cà phê cạn. Tôi biết trang mạng của người Việt khắp nơi trên thế giới, vào mỗi tháng tư họ cũng trao đổi cho nhau trên khung hình nhỏ: những tấm hình đang bốc lửa, những khẩu súng đang nhả đạn.Tiếng người đang khóc, đang la vang, đang chạy hoảng loạn, đang giẫm lên nhau. Tiếng súng nổ, tiếng kêu thất thanh….Tất cả hiện ra trên khung hình nhỏ.

Trong một tiệm cà phê ở Mỹ. Tôi ngồi đó, ngửa mặt uống ngụm cà phê đen cuối cùng. Bỗng dưng má tôi ươn ướt. Nước mắt ứa ra từ hai con mắt, bờ mi đã bắt đầu sụp xuống như hai chiếc lá cuốn khô. Nước mắt của một người di tản vì chiến tranh lâu quá rồi, xót xa cho phận mình, phận người, phận quê hương đất nước.

Ba mươi bẩy năm rồi, mà thỉnh thoảng vẫn đọc được ở trên mạng, lẫn vào những bài vở giải trí, kiến thức hay nghệ thuật, những lời nhắn với nội dung thật buồn:
Một hài cốt với tên họ, ngày sinh và số quân đầy đủ của một quân nhân VNCH, ai đó vừa tìm được bên đường. Mong có thân nhân đến nhận. Nào ai biết thân nhân của bộ xương đó còn sống hay đã chết? Tin đó đến từ Việt Nam và đã chuyển đi nhiều lần.
Tin những người ở Mỹ về bốc mộ, một hố chôn tập thể của binh sĩ VNCH trong một sân trường hay bên cạnh một con mương.
Tin cả trăm bộ xương tìm thấy ở ven biển miền Trung không biết của bên này hay bên kia.
Rồi còn cả những tin như sĩ quan H.O qua đời ở Mỹ không có thân nhân, được những người trong cộng đồng phụ nhau mai táng.
Lời nhắn về một vị tá Hải Quân, có con ở Cali. Xác nằm trong bệnh viện Texas hai tuần rồi. Cha qua đời, con ở đâu chưa đến nhận.
Những dòng chữ như thế, thực sự là một “Tin Buồn” với ý nghĩa đúng nhất của nó.

Tháng Tư là tháng tôi sợ đọc, sợ xem hình trên mạng. Sợ nhìn lại những hình ảnh và đọc lại những bài viết kinh hoàng của những nạn nhân vượt biển; hình ảnh nghĩa trang quân đội bị đập phá trong tủi nhục; những câu chuyện thương tâm của tù nhân và nhà tù cải tạo; Sợ phải xem lại những hình ảnh của một thành phố mình đã sống và lớn lên bị tàn phá bởi chiến tranh; sợ những bức hình và tên tuổi, binh nghiệp của các tướng lãnh tự sát vào ngày cuối cùng, tôi sợ mỗi khi đọc thêm một danh sách tự vận của các cấp tá, cấp úy, các hạ sĩ quan. Họ tự sát riêng lẻ hay có khi cùng với vợ con. Những bức hình im lìm đó là những tiếng gào thét phẫn nộ của những anh hùng VNCH. Tôi không nhớ là mình đã đọc được câu này ở đâu: “Thật đáng thương cho một đất nước nào có quá nhiều anh hùng” vì anh hùng đồng nghĩa với hy sinh và cái chết.

Ba mười bẩy năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có Tự Do cho Việt Nam. Ngư dân Việt bị tầu Trung Cộng bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm thầm mất dần từng mảnh cho Trung Cộng….

Tháng tư, cà phê đắng, đắng thêm khi pha vào những giọt nước mắt vì nước mắt bao giờ cũng có muối ở trong. Nỗi đau tháng tư với một số đông người Việt ở thế hệ bạn hữu tôi, là một vết thương không thành sẹo được, nó lên da non, rồi ngưng lại ở đó. Nhìn xuống vẫn thấy màu hồng, vẫn thấy như còn rơm rớm máu.

Tôi cúi xuống nhìn chiếc ly không, tự lấy tay áo lau thầm những giọt nước mắt mình. Đứng dậy, trở về một nơi tôi gọi là nhà, tiếp tục sống với trái tim di tản.

Vạt nắng tháng tư chỉ bay xiên vào trong quán này một năm một lần, nhưng khi tôi đến đây, dù bất cứ tháng nào trong năm, hồn tôi, tháng tư có thể đến bất chợt ghé xuống và rơi cùng những giọt cà phê.

Anh ạ tháng tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi nẻo về...

tmt
Tháng 4/2012


-----------------------------------------

đôi dòng về Trần Mộng Tú
http://damau.org/archives/author/tranmongtu


Sang Mỹ tháng Tư năm 1975 (Thư Ký cho Hãng Thông Tấn The Associated Press ở Sàigon 1968-1975).

Hiện sống ở Seattle, Washington với gia đình.

Thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.

Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999) Đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.

Chủ Bút cho Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California (Oct.2002 -Oct.2005)

Đã xuất bản:
Thơ Trần Mộng Tú (Tập Thơ-1990) NXB-Người-Việt.
Câu Chuyện Của Lá Phong( Tập Truyện Ngắn-1994) NXB-Người-Việt
Để Em Làm Gió (Tập Thơ-1996) NXB-Thế-Kỷ
Cô Rơm và Những Truyện Ngắn Khác (Tập Truyện Ngắn-1999) NXB-Văn Nghệ
Ngọn Nến Muộn Màng ( Tập Thơ-2005)NXB-Thư-Hương
Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (Tạp Văn-2006) NXB-Văn Mới

Sẽ Xuất Bản:
Thơ Tuyển Trần Mộng Tú
23 Tháng Chín 2013(Xem: 8856)
Trả lời trên đài phát thanh RTL vào sáng nay 10/09/2013, Johnny Hallyday thông báo đang chuẩn bị nhiều buổi biểu diễn tại Hà Nội và Hồng Kông để gây quỹ giúp trẻ em bị nhiễm HIV.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 8574)
Nữ ca sĩ hải ngoại đã có cơ hội gặp gỡ người hâm mộ và yêu thích tiếng hát của cô trong đêm nhạc diễn ra vừa qua tại phòng trà Tiếng Xưa, TP.HCM.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3552)
Vùng trung Âu đang chống chọi với trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, tính đến giờ đã làm thiệt mạng ít nhất 16 người. Thành phố Dresden, thủ phủ bang Sachsen ở miền đông nước Đức, là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng bởi trận lũ này khi mực nước sông Elbe dâng cao.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3892)
Bài phát biểu “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 vào ngày 31/5 gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trên các diễn đàn mạng. Một số người khen, cho là với bài phát biểu ấy, Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ có một tầm nhìn khá có tính chiến lược.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3231)
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh trong không khí thân mật, nhằm giải quyết nhiều vấn đề như an ninh mạng, Bắc Triều Tiên và khí hậu biến đổi.
05 Tháng Sáu 2013(Xem: 11253)
Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon. Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá. (Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO).
23 Tháng Năm 2013(Xem: 8696)
Ngày 16 tháng 5 vừa qua, CSVN đã đưa hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra xử tại tòa án tỉnh Long An về tội tuyên truyền chống phá nhà nước chỉ vì đã phát truyền đơn chống bá quyền Trung Quốc. Bản án khá bất ngờ đối với dư luận Việt Nam và Quốc Tế: 6 năm tù giam cho Phương Uyên và 8 năm tù giam cho Nguyên Kha.
05 Tháng Năm 2013(Xem: 4649)
Tôi có tật ít nhớ ngày và nhớ tháng. Tôi chỉ nhớ thứ: Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, v.v.. Có lẽ lý do chính là vì tôi dạy học. Điều quan trọng nhất đối với người đi dạy là nhớ thứ mấy mình dạy từ mấy giờ đến mấy giờ. Thời khóa biểu in và dán trên bức tường ngay trước mặt cũng chỉ ghi giờ và ghi thứ.
21 Tháng Tư 2013(Xem: 14371)