Mùng Hai Tết, thăm thư viện Henry Miller

21 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 4097)

Friday, March 02, 2007

Thiện Giao (ghi)

pham_phu_thien_giao_photo_lkt_resize

BIG SUR, California - Nước Mỹ có hai ông vua, với hai “cung điện” nằm cách nhau 60 dặm, trên cùng một con đường, dọc Thái Bình Dương.

Từ Los Angles, đi theo hướng Bắc trên con đường Pacific Coast Highway (PCH, còn gọi là đường số 1) hướng về San Francisco, ông “vua” báo chí một thời của Mỹ, William Randolph Hearst, có cung điện đặt tại San Simeon. Cung điện đặt trên đỉnh núi cao, ngạo nghễ nhìn xuống bờ Thái Bình Dương. Bình minh, mặt trời rọi sáng lâu đài này trước khi vạn vật thức giấc. Hoàng hôn, khi ngày lui dần vào đêm, lâu đài này cũng là nơi cuối cùng tắt ánh nắng. Người ta gọi đây là Hearst Castle, “Lâu Đài của Hearst.”

Tại đây, du khách được thưởng lãm nhiều di tích mang về từ khắp nơi trên thế giới. Hearst Castle là một nơi thu gọn của lịch sử thế giới, thông qua cổ vật. Cách hành xử của chủ nhà cũng vậy, mang đầy phong cách cung đình, đôi khi hơi “thực dân.” Tương truyền, khách đến thăm Hearst, phải tuân thủ luật lệ của Hearst. Khách, bất kể tổng thống, thủ tướng, hay bộ trưởng, phải tham dự một buổi tiệc rượu bắt buộc, do chủ nhà khoản đãi trong thời gian khách lưu lại lâu đài. Tại buổi tiệc này, khi khách đã tề tựu trong phòng khánh tiết, chủ nhà mới xuất hiện, bằng thang máy. Đi bằng thang máy, tức là đi “trên đầu” người khác, “đi xuống!” Hearst là vua, và hành xử chẳng khác gì một ông vua!

Đi tiếp 60 dặm về hướng Bắc, đến quãng Big Sur, người ta gặp một ông vua khác; lớn hơn cả Hearst. “Lâu đài” của ông vua lớn này là một căn nhà gỗ, rất nhỏ, nằm ngay trên lề đường PCH. Đi vài bước từ khoản vườn nhỏ vào đến hiên nhà, du khách sẽ nhìn thấy một cái bàn, để cà phê pha sẵn cùng dòng chữ: “Xin tự nhiên uống cà phê.” Trên vách, gần tấm giấy mời uống cà phê, còn một giấy mời khác: “Cần đi tiểu? Cứ tự nhiên, restroom ở phía sau nhà.”

cong_vao_thu_vien_henry_miller

Cổng vào Henry Miller Memorial Library. Thư viện, bảo tàng viện này nằm ngay trên lề đường Pacific Coast Highway (Highway 1) ở quãng Big Sur. Sau lưng thư viện là núi, rừng, trước mặt là biển.

Vua, sao lại ở nhà gỗ, lại có sẵn cà phê và restroom cho “thần dân?” Tương truyền, chính cái lối sống “có sẵn cà phê” và cá tính dễ dãi đến kỳ lạ đã làm cho nhân vật này trở thành vua của thế giới. Người Mỹ, sau một thời gian dài từ chối ông, nay xem ông là biểu tượng của họ, “Pop Culture Icon.”

Ông vua này, không ngai vàng, không cung điện, đã ngự trị trong lòng thế giới từ quá lâu. Ông cho thế giới này “Tropic of Cancer,” “Tropic of Capricorn,” “The Rosy Crucifixion,” và người Việt Nam biết đến ông nhiều, qua “The Smile at the Foot of the Ladder.”

Henry Miller là vua của cả thế giới; lâu đài của ông cách Hearst chỉ 60 dặm. Ngay cái lâu đài này cũng không phải của ông. Henry Miller Memorial Library do bạn ông, Emil White, hiến tặng, dùng làm nơi trưng bày sách của ông và của một số tác giả Mỹ khác. Miller được tưởng niệm tại đây, với một điều kiện do chính ông đưa ra: đừng bao giờ tưởng niệm tôi! Ông nói: “Tưởng niệm sẽ giết chết ý nghĩa cuộc sống. Điều duy nhất khiến một người tồn tại trong ký ức người khác là hãy sống trọn vẹn cuộc sống riêng của mình.” Tấm giấy để ngay cổng ra vào thư viện có dòng giải thích: “...Nơi đây tưởng niệm Henry Miller theo cung cách không phải một đài tưởng niệm.”

Henry Miller chối bỏ mọi hình thức tưởng niệm. Tất cả những gì của ông, về ông, nay nằm trong thư viện nhỏ bé này. Thư viện được bảo quản bởi những người trẻ tuổi; ít nhiều đều biết về Miller, qua tác phẩm ông. Megan Clark, một nữ sinh viên ngành Văn Chương Anh, vừa tốt nghiệp Smith College tại Boston, từ Massachusetts, sang nơi “khỉ ho cò gáy” Big Sur làm việc tại thư viện này; với rừng sau lưng và biển trước mặt. “Khi còn là sinh viên, tôi đã viết hai tiểu luận về Henry Miller; sau đó được học bổng thực tập tại đây. Nay ra trường tôi về đây làm việc.” Megan, cũng như những đồng nghiệp trẻ tuổi khác, chỉ được nhận mức lương khiêm tốn “cao hơn lương tối thiểu” một chút. Tất cả đều hài lòng với cuộc sống ấy. Tất cả đều cho biết, họ “có nhiều bạn.” Những độc giả yêu mến Henry Miller, hoặc cư dân địa phương, vừa hãnh diện vừa tôn thờ Miller, đều là bạn của những thanh niên làm việc tại Henry Miller Memorial Library. “Lâu Đài” tưởng niệm Henry Miller là như vậy. Được xây dựng như một tổ chức bất vụ lợi, nhận đài thọ từ độc giả; và được duy trì bởi những người “có nhiều bạn và được lãnh lương tối thiểu.”

sach_anh_henry_miller_tren_tuong

Những poster về Henry Miller được treo trên các vách nhà; kể cả trong... restroom.

Và thư viện này trở thành của tất cả mọi người, của tất cả những ai yêu mến Henry Miller, một Henry Miller sống, và “biết” sống trọn vẹn trong từng giây phút hiện tại. Từng giây phút, với Miller, cũng đã là thô thiển. Nếu có đơn vị thời gian nhỏ hơn nữa, hãy “sống” hạnh phúc trong khoảnh khắc ấy. Với Miller, đừng tơ tưởng tương lai, đừng tiếc nuối quá khứ; hãy sống đẹp ngay hiện tại, ngay lúc “đang là hiện tại.” Henry Miller từng phát biểu: “Tôi đã sống một cuộc đời sung sướng. Và tôi nghĩ rằng, phần quan trọng nhất của cuộc sống, là biết chơi, biết biến đời sống thành một cuộc chơi lớn; đừng bao giờ để cuộc sống trở thành một quá trình đau đớn đi tìm mục đích.”

Miller viết nhiều về dục tính, nếu không muốn nói, ông chỉ viết về dục tính; một thứ dục tính trần trụi đến dễ làm độc giả đỏ mặt. Henry Miller viết về dục tính, nhưng không bao giờ phô bày nhục tính. Tác phẩm của ông, “Tropic of Cancer” và “Tropic of Capricorn,”mặc dầu được xuất bản tại Paris những năm 1930, đã bị cấm tại Hoa Kỳ và Anh Quốc cho đến thập niên 1960. Thời ấy, nước Mỹ, một nước Mỹ bảo thủ mang đầy tính tôn giáo, chưa chịu nổi tư tưởng của Miller, đến nỗi Miller phải lên tiếng: “Nước Mỹ không trẻ trung và sống động như người ta thường nghĩ. Tôi cho rằng nước Mỹ già trước tuổi; như một thứ trái cây bị hư trước khi chín.”

Nước Mỹ đã hiểu lầm Miller. Người Mỹ đã hiểu lầm ông. Miller, thật ra, đâu chỉ thích dục tính. Dục tính, với ông, là phương tiện kêu gọi thế giới trở về bản năng nguyên thủy. Trong những bản năng ấy, dục tính gần gũi nhất với con người. Miller viết về dục tính, và qua dục tính, ông trở thành triết gia. Người ta xem ông là nhà văn, và người ta thừa nhận ông - nhà tư tưởng.

Trong khuôn viên nhỏ rợp bóng cây của thư viện, khách có thể lang thang, tự do như trong chính nhà mình; chẳng ai quan tâm, cũng chẳng ai soi mói. Có chút thời giờ, xin cứ tự nhiên chọn một cuốn sách, ngồi dưới nắng, nhâm nhi ly cà phê, đọc Henry Miller. Trên tuyến đường Nam-Bắc California, có cả thảy 3 freeway: 1 (tức PCH), 5, và 101. Người địa phương đi, về giữa Los Angeles và San Francisco thường chọn freeway 5 để tiết kiệm giờ; một số khác, “lãng mạn” hơn, chọn 101 để có thể ngắm cảnh. Những tay điên rồ sẽ chọn con đường số 1, vừa dài, vừa chậm, vừa khúc khuỷu, để đi cho hết lộ trình của mình. Chọn con đường số 1 là chọn tốc độ di chuyển chậm hơn tốc độ của xã hội; là sống “chậm” hơn một chút so với ngày thường, sau khi đã bay vun vút trên máy bay, Internet. Chọn con đường số 1 là phù hợp với tiên tri của Henry Miller từ hơn nửa thế kỷ trước. Con người càng ngày sống càng nhanh, càng gấp. Bay từ đầu này đến đầu kia thế giới, con người cứ loay hoay hoài trên chiếc ghế máy bay nhỏ xíu. Gởi một bức e-mail, phải gởi thật nhanh để có câu trả lời cấp kỳ. Buổi tối, sau khi đã bay hết một chặng đường dài, sau khi đã gởi đi hàng chục e-mail, nhận về hàng chục e-mail khác, con người lại tiếp tục vội vã. Vội vã ngay cả lúc chẳng có gì để làm. Vội vã cho qua buổi tối, để chuẩn bị ngày mai vội vã y hệt hôm qua. Henry Miller sống nhanh hơn chúng ta, nhưng không vội vã như chúng ta của thời đại này. Ông sống nhanh, vì sống trong từng khoảnh khắc hiện tại; nhưng không vội vã, cũng vì ông “sống” đích thực trong từng khoảnh khắc hiện tại.

Henry Miller đã sống một cuộc đời sung sướng, vì đã sống trọn vẹn cuộc sống mình.

quay_sach_va_thu_but_henry_miller

Trên một quầy sách nhỏ tại Henry Miller Memorial Library.

Henry Miller sinh ra và trưởng thành tại New York; rồi lang thang khắp Âu Châu. Người ta nói rằng ông là người của đường phố. Ông ngủ bất cứ nơi đâu có thể ngủ được, cũng trên đường phố. Chính tại Châu Âu, văn tài của Miller được thừa nhận. Đến năm 1944, ông chọn định cư tại bờ biển Big Sur, California. Big Sur trở nên nổi tiếng vì sự hiện diện 18 năm của Miller. Và Henry Miller Memorial Library có thể được xem là nơi “tưởng niệm,” một hành động ông luôn chối bỏ, duy nhất về ông, nhưng không bao giờ là của ông.

Henry Miller từng phát biểu: “Cuộc sống này, thật ra chẳng có nguyên tắc để áp dụng. Cuộc sống cần phải được chấp nhận, một cách thành kính, không thành kiến, không thắc mắc, không hỏi tại sao. Tất cả những gì chúng ta né tránh, chối bỏ, không nhìn đến, bỏ chạy thật xa, rồi đây, cuối cùng, sẽ giết chết chúng ta. Tất cả những gì trông dơ bẩn, đau đớn, độc ác, phiền lụy, thật ra, đều là nguồn gốc của cái đẹp, niềm vui, và sức mạnh, nếu chúng ta thừa nhận chúng với tinh thần cởi mở, không định kiến. Mọi khoảnh khắc cuộc sống đều quý báu và vô giá nếu chúng ta nhận chân được khoảnh khắc ấy, ngay bây giờ, ngay tại đây, không giới hạn, không phân biệt, không định nghĩa.” Khoảnh khắc, với Miller, không là một định nghĩa, cũng không là đơn vị đo lường thời gian; cuộc sống là một chuỗi dài của điều đang xảy ra. Cuộc sống, với Miller, không phải là một tổng số của bao nhiêu giây, bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ, hay bao nhiêu ngày. Trong tác phẩm “The Books of My Life,” chính Miller đã từng viết (trong một nhận định về Krishnamurti), về kinh nghiệm của cái “Đang Là.” (*) Có người còn nhận định, thật ra, cái “đang là” cũng trở nên quá thô thiển với kinh nghiệm của Miller. Ông đi xa hơn, bỏ hẳn chữ “đang,” để chỉ nói về cái “Là.” Với Henry Miller, thời gian không tồn tại!

Cả cuộc đời Henry Miller là một chuyến viễn du lớn; sống hết mình và chơi hết mình trong từng giây phút luôn luôn đẹp. Sống đẹp, nhưng không chấp nhận sự “tưởng niệm,” Miller không tin rằng người nghệ sĩ có thể sáng tạo điều gì. Không sáng tạo, do đó, chẳng thể tưởng niệm! Với ông: “Người nghệ sĩ là phương tiện ghi nhận tất cả những điều đã xảy ra và đã thuộc về thế giới này; những điều mà, nếu bạn là một nghệ sĩ, bạn sẽ bị thúc đẩy để ghi nhận lại toàn bộ, rồi trả chúng về cho thế giới.”

Trên cùng một con đường, nước Mỹ có đến hai vua. Một vua cho hậu thế đầy thành quách, kỷ vật, tưởng niệm và sự tôn sùng. Ông vua kia, ngược lại, phá bỏ mọi thành vách, chối bỏ mọi sự tưởng niệm và tôn vinh duy nhất một đời sống trọn vẹn.

Một đời sống trọn vẹn sẽ vĩnh viễn lưu lại trong ký ức. Thành quách, tôn sùng và sự tưởng niệm, sống lâu lắm, cũng chỉ trăm năm.

(*) “The Being,” chữ do Phạm Công Thiện chuyển dịch.

 

 

 

 

23 Tháng Chín 2013(Xem: 9492)
Trả lời trên đài phát thanh RTL vào sáng nay 10/09/2013, Johnny Hallyday thông báo đang chuẩn bị nhiều buổi biểu diễn tại Hà Nội và Hồng Kông để gây quỹ giúp trẻ em bị nhiễm HIV.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 9213)
Nữ ca sĩ hải ngoại đã có cơ hội gặp gỡ người hâm mộ và yêu thích tiếng hát của cô trong đêm nhạc diễn ra vừa qua tại phòng trà Tiếng Xưa, TP.HCM.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 10266)
Ảnh Ca sĩ Nhật Hạ
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3699)
Vùng trung Âu đang chống chọi với trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, tính đến giờ đã làm thiệt mạng ít nhất 16 người. Thành phố Dresden, thủ phủ bang Sachsen ở miền đông nước Đức, là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng bởi trận lũ này khi mực nước sông Elbe dâng cao.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 4108)
Bài phát biểu “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 vào ngày 31/5 gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trên các diễn đàn mạng. Một số người khen, cho là với bài phát biểu ấy, Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ có một tầm nhìn khá có tính chiến lược.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3405)
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh trong không khí thân mật, nhằm giải quyết nhiều vấn đề như an ninh mạng, Bắc Triều Tiên và khí hậu biến đổi.
05 Tháng Sáu 2013(Xem: 11725)
Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon. Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá. (Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO).
23 Tháng Năm 2013(Xem: 9120)
Ngày 16 tháng 5 vừa qua, CSVN đã đưa hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra xử tại tòa án tỉnh Long An về tội tuyên truyền chống phá nhà nước chỉ vì đã phát truyền đơn chống bá quyền Trung Quốc. Bản án khá bất ngờ đối với dư luận Việt Nam và Quốc Tế: 6 năm tù giam cho Phương Uyên và 8 năm tù giam cho Nguyên Kha.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 4806)
Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường 20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn mầu cà phê đen đặc, sóng sánh sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay sao!
05 Tháng Năm 2013(Xem: 4857)
Tôi có tật ít nhớ ngày và nhớ tháng. Tôi chỉ nhớ thứ: Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, v.v.. Có lẽ lý do chính là vì tôi dạy học. Điều quan trọng nhất đối với người đi dạy là nhớ thứ mấy mình dạy từ mấy giờ đến mấy giờ. Thời khóa biểu in và dán trên bức tường ngay trước mặt cũng chỉ ghi giờ và ghi thứ.
21 Tháng Tư 2013(Xem: 15691)