Vũ Đức Sao Biển: Cao Văn Lầu và Dạ cổ Hoài lang

11 Tháng Giêng 201912:13 SA(Xem: 6811)

VĂN HÓA ONLINE - TRUYỆN THƠ TÙY BÚT - THỨ SÁU 11 JAN 2019


Vũ Đức Sao Biển: Cao Văn Lầu và Dạ cổ Hoài lang


image072

Một ghệ sĩ chơi đàn nguyệt. Ảnh minh họa


 Vũ Đức Sao Biển

Vũ Đức Sao Biển: "Tôi sinh ra tại Quảng Nam, là con của một gia đình nghèo. Mười tám tuổi, tôi xách chiếc vali nhỏ đựng vài bộ áo quần, tấm bằng tú tài, cây đàn violon, hành phương Nam.
Tôi không đi tìm công danh qua con đường đại học. Tôi đi là bởi tôi lỡ say mê hồn tính lãng mạn phương Nam trong "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu. Tôi học Hán văn và thuộc khá nhiều thi ca Đường, Tống nên trong tâm thức của tôi, ông Viễn Châu viết Tình anh bán chiếu cũng có cái lãng mạn say đắm như Thôi Hộ đời Đường viết bài thơ Đề tích sở kiến xứ (Viết tại nơi đã trông thấy ngày xưa).


Tốt nghiệp sau 4 năm học (Đại học Sư Phạm, Sài Gòn), tôi được bổ về Bạc Liêu dạy học. Ngày ấy, tôi mới 22 tuổi. Ba mươi chín năm qua, tôi nghĩ lại mới thấy mình thật may mắn khi được đến vùng đất Bạc Liêu. Bởi Bạc Liêu là cái nôi của Dạ cổ hoài lang - bài ca tóm thâu gần như trọn vẹn chất oán trong hồn tính lãng mạn tươi đẹp của âm nhạc phương Nam. Bởi Bạc Liêu là quê hương mà người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu viết Dạ cổ hoài lang tràn đầy những suy tưởng triết học về tình yêu và sự xa biệt. Và bởi Dạ cổ hoài lang là bản gốc, được phát triển qua thời gian thành bài ca vọng cổ.


Về đến xứ Bạc Liêu, tôi may mắn tiếp cận với một nguồn nhạc mới của hò, xự, xang, xê, cống, líu, u; với những loại nhạc cụ dân tộc bán định âm. Người nghệ sĩ phương Nam thật lãng mạn với những nốt nhấn chơi vơi trên phím đàn, với tiếng ca đổ hột ngân dài lãng đãng sương khói cho âm thanh phát ra lơ lửng 1/4, 1/8 và thậm chí là 1/16 của toàn âm (ton) so với thanh nhạc Tây phương. Đây là điều mà tôi chưa được học trong giáo trình âm nhạc.
Tôi thường đến với những ban đàn ca tài tử, những đêm biểu diễn bỏ túi, nghe các anh chị đàn ca. Và không hiểu tự bao giờ, giai điệu Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu thẩm thấu vào tâm hồn tôi. Tôi hình dung ra giai điệu ấy, những quãng âm đặc trưng ấy trên khuôn nhạc của thanh nhạc Tây phương.
Giai điệu (mélodie) và các quãng âm (intervaux) của Dạ cổ hoài lang đẹp đến não nùng. Nếu ký âm lại bài ca với thanh nhạc Tây phương theo cung mi mineur đúng cao độ quốc tế (tương đương với giọng đào ca bài vọng cổ), ta mới thấy được cái tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.


Năm 1999, tôi trở lại Bạc Liêu, được nghe ông Vưu Long Vỹ và các nghệ nhân Bạc Liêu ca lại bài Dạ cổ hoài lang. Tôi ký âm lại bài Dạ cổ hoài lang trên nền tảng được nghe các nghệ nhân hát. Mỗi người hát một cách khác nhau, giữa họ có sự khác biệt về cao độ một số nốt nhạc và một số chữ dùng trong câu. Tôi đối chiếu, lựa chọn và cuối cùng, tôi chọn ca từ trong tiếng hát của ông Vưu Long Vỹ. Tôi đưa bài Dạ cổ hoài lang (ký âm lại) cho Hương Lan và Hạnh Nguyên đi hát ở Hà Nội như một ca khúc độc lập (không liên hệ đến sân khấu cải lương). Hương Lan vốn quen với cải lương nên hát có sửa đổi vài chi tiết về thanh nhạc nhưng Hạnh Nguyên thì hát đúng bài. Đó chính là bài Dạ cổ hoài lang được phổ biến rộng rãi trong công chúng hôm nay.


 Tôi (VĐSB) năm nay đã 61 tuổi, vừa qua một cơn đột quy. Tôi có được gần 200 ca khúc, công bố 64 ca khúc, trong đó có 25 ca khúc phát triển từ dân ca, nhạc cổ phương Nam. Giai điệu Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là niềm cảm hứng để tôi cầm bút viết những bài tình ca về phương Nam sau này..."./ (VB 30/3/2014)


Hoặc có thể vào link sau đây để thưởng thức hơn 600 YouTube đặc sắc khác:
http://www.youtube.com/user/phthoihoa

06 Tháng Giêng 2019(Xem: 6422)
23 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7162)
27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7147)
21 Tháng Mười 2018(Xem: 7755)
02 Tháng Tám 2018(Xem: 7275)
15 Tháng Bảy 2018(Xem: 7306)