Mùa Xuân đầu tiên

06 Tháng Giêng 201910:28 CH(Xem: 6422)

VĂN HÓA ONLINE - TRUYỆN THƠ TÙY BÚT  - THỨ HAI 07 JAN 2019


Mùa Xuân đầu tiên


Đào Như


image059


Vào một sáng mai thức sớm, ông già vừa ngâm nga câu hát “…Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường/Mùa vui nay đã về…”. Nhìn qua khung cửa, mặt hồ Michigan mênh mông băng giá, gió và tuyết, ông nói một mình, mới đó mà đã 40 năm, mùa xuân trong suốt 40 năm ấy lặng lẽ qua khung cửa này.


Tại thành phố Chicago này, hơn 40 cái Tết đã đi qua cõi lòng ông. Dù ở xa quê hương ngàn vạn dậm hơn nửa vòng Trái đất, mỗi khi Tết về ông lại tha thiết nhớ bài hát: “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao. Ông nhớ Tết Bính Thìn 1976, chính ông chọn bài hát này cho tốp ca Khoa Ngoại của bịnh viện Đa Khoa Hậu Giang hát để chào mừng năm mới…


 Rồi ông lại ngâm nga một mình:”…Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu/Với khói bay trên sông, gà gáy trưa bên sông/Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mong..”. Nghe dường như có gì cô đơn quạnh quẽ. Giữa không khí của “Mùa Xuân Đại Thắng”, Văn Cao đang cúi xuống lòng mình. Và Buồn. Buồn nổi buồn thế sự. Nổi buồn dân tộc. Nổi buồn về “một Mùa Xuân không ai mong đợi đã đến”. Nổi buồn vận nước còn nhiều nổi trôi, còn nhiều đấu tranh: “ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/…Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh../Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người/…Mùa Xuân mơ ước ấy xưa nay có về đâu/…Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mong…”


Không ngờ qua mấy thập niên vừa mới được quyền cầm bút trở lại sáng tác,Văn Cao vẫn là nguyên ngọc sáng ngời. Văn và Nhạc của Văn Cao vẫn giữ nguyên chất thép như thuở nào.


Tháng 7-1995 khi được biết Văn Cao bỏ Hà Nội, bỏ Hoàng Cầm, Trần Dần…theo cụ Phan Khôi về Trời, ông ngậm ngùi suốt cả tháng. Chính từ nơi bệ cửa này ông nhìn ra hồ Michigan bao la, ông réo gọi Văn Cao. Lúc ấy ông là một tên điên khùng, lạc lỏng giữa chợ đời xa lạ. Ông xúc động, Tết năm đó ông viết bài thơ:


NGẬM NGÙI VĂN CAO


Ngày xuân lưu lạc lại nhớ anh


Nhìn xuống trang thơ


Lửa cháy


Nhìn ra hồ


Tiếng hát Trương Chi vời vợi


Ngàn trùng…


Tiếng ai réo gọi


Bản tinh ca bất diệt


Cho Tinh yêu


Cho Độc lập


Cho Tự do


Cho mọi trái tim


Cho mỗi con người


Văn Cao


Anh vội ra đi


Chưa hề gặp anh


Sao tôi vẫn nhớ


Chưa ai hề găp Trương Chi


Sao vẫn có Trương Chi trong cõi đời mình…


    Có tiếng điên thoại reo, ông biết ngay là bà gọi ông. Bà thường gọi ông vào giờ này để biết ông thức dậy chưa và ông có khỏe không? Sau câu hỏi thường lệ “ông đang làm gì đó? Cà phê tôi làm sẵn ông uống có thấy thich không?”, đoạn bà nói với ông:


-  Mới đó mà đã 20 năm rồi mau quá anh!


-  Bà muốn nói gì mà 20 năm?


-  Mình về thăm nhà mới đó mà đã 20 năm…


-  À, mau thật, hình như lần cuối minh về thăm nhà hồi tháng Chạp năm 1998. Lúc ấy Phanrang đang ngập lụt


- Thấy người ta về thăm nhà ăn Tết nhiều quá làm mình cũng muốn về, tự dưng cũng nhớ nhà, nhớ làng, nhớ xóm…Tết năm nay vợ chồng minh về quê ăn Tết nghe ông!


-  Anh cũng muốn về. Lâu quá mình chưa về thăm Từ Đường. Anh cũng nhớ nhà, nhớ Phanrang, nhớ Xóm Động, nhớ núi Cà Đú, nhớ quê ngoại Bà Láp, nhớ Saigòn, nhớ Cần Thơ, nhớ Huế, nhớ Hà Nội, nhớ nhiều lắm, nhớ cả những nơi minh chưa từng đến, những người mình chưa từng gặp, ngay cả những người không còn trên cõi đời này…


      Sự thật lý do mà ông về thăm nhà, về ăn Tết quê hương, đối với ông rất là trừu tượng, mơ hồ, nhưng lại là một thôi thúc vô cùng mãnh liệt. Quê hương với ông là bến đợi, và đời người là những chuyến đò đến, những chuyến đò đi. Những con đò luôn thao thức ngày trở về bến đợi. Dù sao đi nữa sống ở quê hương ông vẫn cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc hơn bất cứ nơi nào của hơn nửa vòng Trái đất mà ông đã từng đi qua…/.


Đào Như


Thetrongdao2000@yahoo.com


Cập nhật-Upgraded lần cuối


Chicago- Jan/2019


Cuối năm Mậu Tuất
23 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7164)
27 Tháng Mười Một 2018(Xem: 7152)
21 Tháng Mười 2018(Xem: 7756)
02 Tháng Tám 2018(Xem: 7275)
15 Tháng Bảy 2018(Xem: 7307)