Ngô Kỷ: Mother's Day, nỗi lòng của đứa con mồ côi mẹ lẫn cha

23 Tháng Năm 201711:11 CH(Xem: 6814)

VĂN HÓA ONLINE - TUYỆN THƠ TÙY BÚT  THỨ TƯ 24  MAY 2017


Mother's Day, nỗi lòng của đứa con mồ côi mẹ lẫn cha 


image029

Ngô Kỷ


Bổn phận làm con thì không phải chờ đến ngày Lễ Vu Lan, hay Mother’s Day, Father’s Day mới nhớ đến công đức trời bể của cha mẹ. Một năm 365 ngày, mà ngay cả một đời người cũng không đủ để mà báo hiếu cha mẹ. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ luôn tràn ngập trong tâm hồn mỗi người con hiếu hạnh, mà những dịp lễ này là để chúng ta biểu lộ một cách cụ thể tấm lòng biết ơn đối với bậc thân phụ mẫu, để rồi trong mỗi thời khắc của cuộc sống, chúng ta không bao giờ quên công ơn sanh thành dưỡng dục nặng tợ cù lao của cha mẹ dù còn sống hay đã khuất.


Tôi vốn không phải là văn nhân, cũng không phải là thiền sư hay nhà đạo đức học, tôi rất ngại trải lòng mình trước đám đông, tuy nhiên hôm nay tôi muốn viết những tâm tình này để riêng tặng những người yêu mến của tôi.


Trong kho tàng văn chương nhân loại, các văn nhân, thi, nhạc sĩ đã và đang sáng tác những áng văn thơ tuyệt tác, những nhạc phẩm trữ tình, những bức tranh tuyệt mỹ để vinh danh tấm lòng bao la của cha mẹ. Họ thi vị hóa, nhân cách hóa hình ảnh cha mẹ qua các biểu tượng hùng vĩ “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,” hay thân thương, gần gũi như dòng sửa ngọt ngào, bài hát thần tiên, vầng thái dương, đồng lúa chiều, giòng suốt mát, ánh trăng thanh, chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau v.v.., nhưng đối với tôi thì tấm lòng và công lao của cha mẹ không có một vật thể nào có thể so sánh cho tương xứng được. Khi đứng trước tình cha thì núi Thái Sơn cũng mọn hèn và biển Thái Bình Dương có bao la cuồn cuộn cũng không đong đầy bằng tình mẹ.


“Biển Đông có lúc đầy vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.”


Tình thương của cha mẹ dành cho con cái quan trọng và cần thiết như dưỡng khí oxygen mà chỉ cần thiếu vài phút thôi là ta chết mất. Không bút mực, sách vở nào, và ngay cả các vệ tinh của Google, Yahoo cũng không đủ sức chứa hết các dữ kiện diễn tả trọn vẹn về ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Chính vì vậy mà con cái “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con.” Tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái tự có trong bản chất con người chứ không có ngôi trường nào dạy được, cũng giống như không có ai dạy con người làm sao biết hít thở không khí để sống.


Sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Chính cha mẹ đã tạo nên cái thân mạng hình hài, lo từng miếng cơm tấm áo, chắt chiu từng đồng để tạo cơ hội cho con tiếp thu được mớ kiến thức với đời. Cha mẹ giúp ta vượt qua những khó khăn cạm bẫy, và che chở ủi an trước những phong ba bảo tố của cuộc đời. Lòng mẹ tha thiết như dòng suối hiền rì rào, song tình cha thì sừng sửng cao vời vợi, mà người con phải ngước mắt lên thì mới nhìn thấy được.


Cha mẹ là cái nôi để chúng con lưu lạc tìm về. Trước những đổ vỡ, chán chường, trước những thất vọng trong cuộc đời, trước những khổ đau ngoài xã hội, chỉ còn cha mẹ là thần tượng duy nhất, cao quý, thiêng liêng và không bao giờ sụp đổ để con cái trông cậy tôn thờ. Cha mẹ đã biến con từ không thành có, từ có thành lớn khôn, rồi chia sẻ và bước cùng con trong những bước dài của thành công và thất bại.


Suối tình thương của mẹ thì dịu dàng, thiết tha, đầm ấm, ngọt ngào, nuôi dưỡng con thơ lớn lên trong bầu trời hạnh phúc, trái lại tình thương của cha thì tiềm ẩn dấu kín trong lòng như cam thảo ngậm lâu mới thấm ngọt. Tình thương của cha có một sức lực phi thường để mà che chở cho con, như cây thông sừng sửng trước phong ba mưa nắng để định hướng cho con bước vào cuộc đời.


“Con đúng sai cha chẳng hề để dạ
Vui hay buồn cha giữ lại trong tim
Như núi cao trong giông bão im lìm
Như đáy biển từ muôn đời yên lặng
Tình của cha thẳm sâu và bí ẩn
Bên cạnh con từ thuở mới lọt lòng
Ngoài giá băng nhưng trong rất ấm nồng
Từng bước nhỏ vào đời cha, sẽ thấy ….”


Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ mềm lòng, cha phải giữ kỷ cương, mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Mẹ dễ dãi để con vui, nhưng cha thì không chấp nhận sự đầu hàng trước nghịch cảnh mà muốn con phải đứng thẳng vững bước về tương lai phía trước.


Mẹ ru con vào giấc ngũ êm đềm trong tình thương nồng nàn, đằm thắm, dịu dàng, trong khi đó thì cha lại giấu kín tình thương trong lòng và đôi khi tiềm ẩn trong những lần nghiêm nghị dạy dỗ con. Mẹ là giòng suối mát mà mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của mẹ đều chan chứa tình thương bao dung. Không có mẹ thì không có tình thương, mà không có tình thương thì không có sự sống. Còn cha thì không thể hiện bằng tình thương ngọt ngào như “chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau” của mẹ, nhưng cha lại uy nghi hùng dũng như núi Thái Sơn, sẵn sàng hy sinh mạng sống để che chắn cho con được bình yên trong cơn giông bão của cuộc đời. Cha là tấm bản đồ định hướng cho bước con đi, là kim chỉ nam giúp con phân biệt thiện ác, xấu tốt của thế thái nhân tình. Không có cha con mất cả tương lai, thiếu tình thương cha thì con không thể lớn khôn được.


“Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi”.


“Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ”.
“Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm”.
“Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết gót con đen sì”.


Một văn hào đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó! Mời đọc “Lời Khuyên của Cha” của tác giả vô danh:


“Có ai khen con đẹp, con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy.


Có ai bảo con ngoan, hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.


Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy .


Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, con hãy đến bên và kề vai gánh giúp .


Người chìa tay và xin con một đồng.


Lần thứ nhất con hãy tặng họ hai đồng. Lần thứ hai con hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.


Con hãy biết khen, nhưng đừng vung vãi lời khen như những cậu ấm cô chiêu vung tiền ra cửa sổ.


Lời chê bai con hãy giữ riêng mình.


Nụ cười cho người, con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa nắng ấm.


Nỗi đau, con hãy nén vào trong. Nỗi buồn, hãy biết chia cho người đồng cảm.


Đừng khóc than – quỵ lụy – van nài.


Khi con biết ngày mai rồi sẽ đến – có bầu trời, gió lộng thênh thang .


Con hãy đưa tay khi thấy người vấp ngã.


Cần lánh xa kẻ thích quan quyền.


Bạn là người biết đau hơn nỗi đau mà con đang có.


Thù là người quặn đau với niềm vui đang có ở trong con.


Chọn bạn sai, cả đời trả giá. Bạn hóa thù, tai họa một đời. 


Con hãy cho và quên ngay.


Đừng bao giờ mượn dù chỉ một que tăm, sợi chỉ.


Chớ thấy vui khi mình thanh thản trước điều cần nghĩ. Sự thanh thản chỉ có ở người vô tâm.


Đừng sợ bóng đêm. Đêm cũng là ngày của những người thiếu đi đôi mắt.


Đừng vui quá,sẽ đến lúc buồn. Đừng quá buồn,sẽ có lúc vui .


Tiến bước mà đánh mất mình,con ơi dừng lại! Lùi bước để hiểu mình, con cứ lùi thêm nhiều bước nữa. Chẳng sao!


Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp. Nhìn xuống thấp, để biết mình chưa cao.


Con hãy nghĩ về tương lai, nhưng đừng quên quá khứ. Hy vọng vào ngày mai, nhưng đừng buông xuôi hôm nay .


May rủi là chuyện cuộc đời, nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may .


Hãy nói thật ít để làm được nhiều những điều có nghĩa của trái tim. Nếu cần, con hãy đi thật xa,để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời, dù chẳng được trả công.


Những điều cha viết cho con – được lấy từ trái tim chân thật. Từ những tháng năm lao khổ cuộc đời. Từ bao đêm chơi vơi giữa sóng cồn. Từ bao ngày vất vả long đong.


Cha viết cho con từ chính cuộc đời cha. Những bài học một đời cay đắng.


Cha gửi cho con chút nắng, hãy giữ giữa lòng con. Để khi con bước vào cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy con sẽ thấy bớt đau và đỡ phải tủi hờn.


Đừng hơn thua làm gì với cuộc đời, con ạ!


Hãy để chị, để anh giành lấy phần họ muốn. Con hãy chậm bước dù là người đến muộn.


Dù phần con chẳng ai nhớ để dành .


Hãy vui lên trước điều nhân nghĩa. Hãy buồn với chuyện bất nhân. Và hãy tin vào điều có thật: Con người – sống để yêu thương.”


Đáp lại công đức cao sâu thăm thẳm của cha mẹ, con cái phải biết tỏ ra hiếu thảo. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, dù thời đại này khoa học có tiến bộ, con người có văn minh đến đâu, con cái có làm nên chức vị cao tột đỉnh nào của xã hội, thì giá trị đạo đức con người cũng đều được thẩm định qua đức hiếu hạnh mà con cái đối xử với cha mẹ, ông bà. Chữ hiếu là thước đo nhân phẩm trong xã hội và là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên,” trong trăm hạnh của con người, hạnh hiếu đứng đầu, và “Hiếu vi công đức mẫu”, hiếu là mẹ của các công đức.


Đức Phật từng dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, hạnh hiếu là cội rễ của điều thiện.” Cha Mẹ là những người đã tạo ra hình hài, nuôi dưỡng, dạy dỗ và dẫn dắt cho ta đi vào cuộc đời. Vì thế trong Kinh Hiếu Tử, Đức Phật đã dạy: “Nếu chúng sanh nào gặp thời không thấy Phật, thì hãy xem cha mẹ như Phật, gần gũi cha mẹ như gần gũi Phật, tôn thờ cha mẹ như tôn thờ Phật, vâng lời cha mẹ như vâng lời Phật, như vậy mới gọi là hiếu.” “Tột cùng thiện, không gì hơn hiếu. Tột cùng ác, không gì hơn bất hiếu.”


Trong giới răn thứ Năm, Chúa phán: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Đức Chúa Trời ngươi ban cho,” mà hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính và yêu quí cha mẹ. Có người yêu cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính, một số người khác thì ngược lại, tôn kính cha mẹ nhưng thiếu lòng yêu thương. Chúa muốn chúng ta vừa yêu thương vừa tôn kính cha mẹ. “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tình thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ.” (Êph 6, 13)


Người con hiếu kính cha mẹ là người làm trọn những bổn phận sau đây: yêu thương cha mẹ, biết ơn cha mẹ, tôn kính cha mẹ, vâng phục cha mẹ. Truyền thống Việt Nam từ ngàn xưa vốn coi Đạo Hiếu là trọng. Từ ấu thơ ai ai cũng đều đã thấm nhuần “Một lòng thờ Mẹ kính Cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con,” và nó đã trở thành một bài Kinh nhật tụng trong lòng mỗi người con hiếu đạo.


Chữ hiếu quan trọng vô cùng vì đó là nền tảng của gia đình mà gia đình lại là nền tảng của xã hội. Nếu không thương yêu, kính trọng vô điều kiện đối với cha mẹ thì không thể yêu thương tha nhân hay cộng đồng, đất nước được. Khổng tử có nói: “Hiếu là nguồn gốc của nhân, nhân là toàn thể đức tính của tâm. Nhân cốt là yêu thương, mà yêu thương trước hết là yêu thương cha mẹ mình.”


Theo quan niệm nhà Phật, hiếu kính với Cha Mẹ là nền tảng của đạo làm người: “Đã bất hiếu là vong ân bội nghĩa, quên cội nguồn thì không điều ác nào không dám làm. Một người thương đủ hạng người và muôn loài nhưng nếu không yêu kính Cha Mẹ thì chưa xứng đáng là con người, và mọi tình thương kia đều giả dối, không có gốc rễ.”


Con người là thiên tính tối linh của muôn loài trên thế gian mà ý niệm về cha mẹ là ý niệm thiêng liêng cao quý nhất trong mỗi trái tim. Nếu không có ý thức về cha mẹ tức là vô nghì bất hiếu. Còn Cha tức là còn ánh sáng mặt trời, còn Mẹ là còn mặt trăng trong đêm rằm, hai vầng nhật nguyệt soi đường dẫn lối cho những bước con đi. Không có sự mất mát nào lớn bằng khi con mất mẹ mất cha. Cha mẹ là nguồn hạnh phúc bao la bất tận, là kỳ quan vĩ đại tinh cầu trong cuộc đời này mà thượng đế đã ban tặng nên phải biết thương yêu và trân quý. Quả là hẹp hòi, ích kỷ và lỗi đạo khi “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi Cha Mẹ tính tháng tính ngày.” Công đức bao la của Mẹ được diễn tả qua các câu ca dao và bài thơ ngắn sau:


“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.
“Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn”
“Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao “.
“Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm bú mớm biết bao thân tình”.
“Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”.
“Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.
“Mẹ ngoảnh đi, con dại,
Mẹ ngoảnh lại, con khôn”.
“Mẹ giàu con có, mẹ khó con không”.
“Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau” .
“Bồng cho con bú một hồi,
Mẹ đã hết sữa, con vòi con la”.


“Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con”.


Với những ai còn mẹ, còn cha, không có gì lớn hơn mẹ cha nữa đâu, và hãy nói yêu mẹ yêu cha khi mẹ cha còn có thể nghe được điều ấy. Kinh nghiệm bản thân, lúc còn Mẹ, còn Cha tôi chẳng biết làm vui lòng Mẹ, Cha, để cho đến bây giờ nhìn ra mình lầm lỡ thì Mẹ, Cha đã miên viễn ra đi.


“Ngó lên nhang tắt đèn mờ.
Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu.”


Là một đứa con hư, mãi đến cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” tóc ngã hai màu, tôi mới hiểu ra chữ hiếu, sự thương yêu, săn sóc cho cha mẹ là bổn phận của người con. Trễ mất, Mẹ tôi không còn trên dương thế, muốn báo hiếu thì Mẹ tôi đã không còn, giống lời than của Thầy Tử Lộ:


“Mộc dục tịnh nhi phong bất đình. Tử dục dưỡng nhi thân bất tại”, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi cha mẹ thì cha mẹ không còn.


“Có cha có mẹ thì hơnKhông cha không mẹ như đờn đứt giây
Đờn đứt dây còn thay còn nối
Cha mẹ mất rồi ruột rối như tơ.”


Nhắc đến Mẹ lòng tôi xót xa. Vâng, bây giờ tôi mới cảm nhận được sự trống vắng cô đơn, mới hiểu rằng mỗi người trong chúng ta chỉ có một người Cha không thể thay thế được, và chúng ta cũng chỉ có một người Mẹ không ai sánh bằng.


“ Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao,
Đố ai đếm được những vì sao,
Đố ai đếm được, công lao mẫu từ.”


Giờ này Mẹ tôi đã đi xa và thật xa, muốn níu kéo lại thì cũng đã muộn màng. Nếu tôi được phép, thì tôi xin nhắc cùng những ai diễm phúc còn Mẹ, hãy nên biết trân quý giữ gìn. Hạnh phúc trong tầm tay hãy giữ chặt vì “Mẹ già như trái chín cây. Gió đưa trái rụng con rầy mồ côi.” Đến khi mất Mẹ rồi thì tiếc nuối khôn nguôi, mới thấm thía được sự cao cả Mẹ ra sao, và mới thấy cần Mẹ như thế nào.


Ngày Má mất, tôi có cảm giác như bầu trời sụp xuống và hụt hẫng thật lớn. Nếu tôi biết trước ngày giờ Má tôi ra đi thì tôi đã hy sinh tất cả và làm mọi thứ để Mẹ được vui và hạnh phúc. Nếu tôi biết Má mất sớm thì tôi đã chẳng làm Má buồn dù là vô tình chăng nữa. Thời gian không thể ngược dòng, Má mất cũng không sống lại được, chỉ còn lại trong tôi nỗi buồn khắc khoải ăn năn. Trước vong linh Má, tôi có khấn hứa là tôi sẽ không bao giờ làm cho Má buồn nữa, tôi sẽ cố gắng sống xứng đáng là con của Má để Má thỏa nguyện ngậm cười nơi chín suối. Những gì tôi làm chẳng phải để kiếm tiếng ca khen của đời, mà bằng tấm lòng tự nguyện của người con thảo kính mẹ cha, vì tôi muốn Ba hãnh diện, Má được vui dù người đã khuất núi.


“Chiều chiều chim vịt kêu chiều.
Bâng khuâng nhớ Mẹ chín chìu ruột đau.
Thương thay chín chữ cù lao.
Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.”


Cầu cho Ba Má được “Rest In Peace.” Tôi hằng tin rằng nơi bên kia thế giới, Ba Má thương yêu và phù hộ cho tôi, một đứa con có lắm tội tình.


Ngô Kỷ
23 Tháng Hai 2014(Xem: 9769)
HÀ NỘI — Các nhà bảo tồn tại Việt Nam đã phát động một chiến dịch tuyên truyền trên đài truyền hình nhằm chặn đứng việc sử dụng cao hổ như là một món quà quí báu. Trong khi động thái này được hoan nghênh rộng rãi, một số người cho rằng đã quá trễ đối với những con cọp hoang dã cuối cùng của Việt Nam. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gởi về bài tường thuật sau đây.
06 Tháng Hai 2014(Xem: 8372)
heo di chúc của Nelson Mandela được mở hôm nay, số tài sản trị giá 4,1 triệu của người anh hùng dân tộc Nam Phi sẽ được chia cho gia đình, đảng ANC và 6 trường học mà ông có nhiều gắn bó.
16 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 8903)
Một câu hỏi cùng được nêu: Tại sao nhà nước VN không có động thái nào đáng kể trước sự kiện được cả thế giới long trọng tổ chức, đến cả cung điện Hoàng gia Anh (“phong kiến”) cũng treo cờ rủ, “đế quốc Mỹ (mà xấu)” thì ra lệnh treo cờ rủ tại Toà Bạch Ốc và các cơ quan công quyền vào ngày thứ hai 9/12/2013 (và hơn 100 nguyên thủ quốc gia, hoàng gia, và giới chức cao cấp của các chính phủ trên khắp thế giới sẽ có mặt trong lễ tưởng niệm ông Mandela hôm nay). Chẳng lẽ nhà nước “xã hội chủ nghĩa” ta bây giờ không còn coi trọng lý tưởng chống thực dân, bình đẳng và hòa giải dân tộc là thiêng liêng như thời trước?
24 Tháng Mười 2013(Xem: 8286)
Có khoảng 400.000 cây chi anh, chia làm 8 loại được trồng trên những sườn đồi ở Hitsujiyama, dưới chân ngọn núi huyền thoại Buko. Vô vàn bông hoa mãn khai tạo nên một thảm hoa tươi, kết hợp bởi sắc hồng, tím và trắng lãng mạn.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 9510)
Hôm nay, 21/06/2013, là ngày đầu tiên của mùa hạ. Theo truyền thống từ năm 1981, nước Pháp chọn ngày này làm Ngày hội Âm nhạc. Kể từ hôm nay và trong suốt mùa hè này, RFI phát thanh loạt bài với chủ đề Nhạc tình muôn thuở. Đây là dịp để cho chúng ta cùng khám phá lại những giai điệu rất quen thuộc, cho dù công chúng ít để ý tác giả là ai.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 9205)
May mắn cho những ai có cơ hội thưởng thức được cả hai nghệ sĩ tài ba này. Còn gì đẹp hơn là được cả hai tiếng hát này làm nát lồng ngực? Có đấy! Khi bạn được nát ngực cùng với ý trung nhân của mình, nắm tay nhau, cùng tan vào “passione.”
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 8345)
Quốc Anh trân trọng thông báo cùng các thân bằng hữu xa gần, khán thính giả thân mến, Quốc Anh chờ mong và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của tất cả. Quốc Anh chân thành cảm ơn.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 7928)
Giáo sư Trần Quang Hải trong studio đài RFI ngày 31/05/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 8440)
Công ty bán đấu giá nói đàn đã vượt quá giá trị ước tính cả trăm ngàn đô la Cây guitar mà John Lennon và George Harrison của ban nhạc Beatles từng sử dụng đã có giá 408.000 đô la Mỹ qua bán đấu giá. Cây đàn thửa này do công ty VOX sản xuất năm 1966 và nay đã thuộc về một người mua giấu tên ở New York.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 13627)
Long Beach Convention Center, một đại hí viện sang trọng vào bậc nhất tại miền Nam Cali với sức chứa hơn 6000 người, dường như không còn một chỗ trống trước số khán giả kỷ lục từ khắp nơi trên thế giới và Hoa Kỳ đã hội tụ về đây để tham dự Đêm Thơ Nhạc Những Vết Tiền Thân và Tình Ca Quê Hương do Hội Quốc Tế Thanh Hải Vô Thượng Sư, Trung Tâm Los Angeles tổ chức vào đêm Chủ Nhựt 29-12-96 vừa qua.