Phỏng vấn bà Nguyễn Nguyệt Rạng
Lời giới thiệu:
Hôm nay là ngày 21-04-2014 chúng tôi đang đi thăm đảo Sơn Ca. Ngay trên đảo Sơn Ca chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Nguyệt Rạng, bà là một thành viên trong phái đoàn đi thăm quần đảo Trường Sa. Tuy là một phụ nữ khá lớn tuổi ở hải ngoại, bà Rạng vẫn thường tham gia sinh hoạt đấu tranh với nhiều tổ chức chính trị, hơn nữa, bà có cảm tình đặc biệt với đảng Việt Tân nhất là giới trẻ. Trong chuyến về thăm Trường Sa bà Rạng đã bị công an bắt giữ ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất khi vừa bước xuống máy bay. Bà bị tạm giữ 8 tiếng để điều tra. Điều tra xong, công an tống xuất bà lên máy bay trả về Mỹ, nhưng một bất ngờ diễn ra: Ông Nguyễn Thanh Sơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã sử dụng quyền trưởng phái đoàn “Hải trình 3” yêu cầu công an thả tức khắc bà Rạng.
Mời quý bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi :
- LKT: Thưa bà, xin phép được hỏi
bà, cảm nghĩ của bà trong chuyến đi thăm Trường Sa lần này?
- NGUYỄN NGUYỆT RẠNG: Chào ông Lý Kiến Trúc, tôi là Nguyễn Nguyệt Rạng,
có mặt trong đoàn đi thăm Trường Sa lần này, vô tình may mắn được gặp
nhà báo Lý Kiến Trúc, ông có một buổi chuyện trò muốn tôi chia sẻ
những cảm nghĩ trong chuyến đi này.
Phải nói là tôi rất may mắn khi được đặt chân tới
những hải đảo này. Sự may mắn mà tôi nghĩ có lẽ hồn thiên sông núi
đã phù hộ cho tôi, cũng như sự nhiệm màu nào của Thượng Đế đã giúp
tôi có cơ hội được đặt chân lên những hòn đảo mà tôi ước mơ, những
hòn đảo đang tranh chấp, thế giới đang nhìn vào. Tôi rất sung sướng
hít thở không khí ở ngoài biển đảo, nơi từng đặt chân của tổ tiên
của mình, từ bao nhiêu ngàn năm trước, họ đi ra đây bằng thuyền buồm
rất khổ sở để đến và giữ những hòn đảo giang sơn gấm vóc của đất
nước. Chúng tôi đi trên 1 chiến hạm khá lớn, được an toàn bình yên,
đó là một sự bình yên do sự réo gọi của hồn thiêng sông núi xui
khiến cho chúng tôi có cơ hội được đặt chân đến mảnh đất của ông cha
ta từ xưa.
- LKT: Bà gặp những ai trên hòn đảo
này?
- NNR: Trên hòn đảo tôi đã gặp rất nhiều báo chí và nhiều người ở
trên nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Đức, Anh, Na Uy, nhiều lắm.
Mỗi người có một ý kiến riêng. Riêng tôi thì cũng có những xúc
động, bức xúc khi nhìn những người lính trẻ trên đảo Song Tử Tây, họ
quá trẻ, non trẻ. Tôi nhìn họ, lòng tôi xúc động, tôi rơi nước mắt.
Tôi nhìn thật sâu vào họ, tôi nhìn ánh mắt, làn da sạm, sự vô tư của
họ, tôi nghĩ đến việc tôi nhìn họ hôm nay, nhưng sự sống chết của họ
không biết đến giờ phút nào, tôi đau lòng. Nước mắt tôi rơi. Họ đã
thật sự là những người giữ biển đảo. Họ thật sự là những người hy
sinh, cùng với những chiến sĩ của cả 2 miền Nam Bắc đã bỏ mình để
gìn giữ những hòn đảo xa xăm. Cuộc sống của họ rất là khó khăn.
Thời tiết khắc nghiệt, nhưng trên hết là mạng sống của họ.
- LKT; Cám ơn bà! Dường như là bà
có được vài lần tiếp xúc với ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, bà có
ý nghĩ nào, hay có một sự so sánh nào về nhân vật này với một số
nhân vật ở hải ngoại? chẳng hạn như một số lãnh đạo những tổ chức
chính trị ở hải ngoại mà bà đã từng được gặp mặt?
- NNR: Thưa nhà báo Lý Kiến Trúc, tôi có dịp gặp ông Sơn qua mạng
lưới Internet, tôi ngưỡng mộ, lần đầu tiên có cảm tình đặc biệt với
ông này là vì trong phòng làm việc của ông Sơn có một cái bàn thờ.
Một người Cộng Sản mà trong phòng làm việc có một cái bàn thờ
Phật. Điều đó nó đến gần với tôi. Tôi cũng có ước mơ được tiếp xúc
với ông Nguyễn Thanh Sơn bằng xương bằng thịt. Và tôi đã có cơ hội
đó. Sau đó một vài lần, qua những câu chuyện, tôi có ngưỡng mộ một
người trẻ có một sự đột phá. Còn trẻ, đang có quyền hạn, mà dám
đột phá để đưa các ý thức hệ đến gần với nhau, để cùng xây dựng
đất nước. Còn nếu mà về so sánh, trong đầu tôi có một suy nghĩ, tôi
nhìn ông Nguyễn Thanh Sơn đang có thực quyền và tôi nhìn một người
trẻ ở hải ngoại, tôi có một suy nghĩ tôi cùng ngưỡng mộ hai người.
Họ có những tài năng, đức độ riêng. Họ cùng nhìn về đất nước nhưng
nhìn với 2 cái nhìn khác nhau. Họ có một trái tim chung về đất nước
nhưng tư tưởng họ có những cái khác nhau vì họ lớn lên trong 2 hoàn
cảnh, 2 xã hội khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, họ cùng là người Việt, họ
cùng một đất nước Việt Nam. Họ cùng có một lòng yêu nước.
- LKT: Bà có thể tiết lộ tên của
người hải ngoại mà bà ngưỡng mộ đó là ai không?
- NNR: Thưa nhà báo Lý Kiến Trúc, câu hỏi của ông nó khá tế nhị.
Nhưng nếu nói thật, phải nói thật, thì hình ảnh Đỗ Hoàng Điềm ở
hải ngoại và hình ảnh của ông Nguyễn Thanh Sơn là những hình ảnh
của 2 người trẻ mà tôi ngưỡng mộ.
- LKT: Xin cám ơn bà Đỗ Thị Rạng đã trả lời cuộc phỏng vấn ngắn
của chúng tôi, nhưng có rất nhiều ý nghĩa, xin cảm ơn bà rất nhiều!/