Tổ chức ngay Hội nghị Diên Hồng người Việt yêu nước trong ngoài trả lời giàn khoan HD-981

08 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 6881)

“Tổ chức ngay Hội nghị Diên Hồng người Việt yêu nước trong ngoài trả lời giàn khoan HD-981”
image002 

Giàn khoan và Diên Hồng

Dương Danh Huy

Nhà nghiên cứu về biển Đông

BBC - thứ năm, 8 tháng 5, 2014

image003

Liệu Việt Nam có thể lùi bước thêm nữa hay không?

Mặc dù Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa 40 năm, nước này mới chỉ bắt đầu nỗ lực củng cố sự kiểm soát trên biển và khai thác tài nguyên trong vùng biển kế cận quần đảo này trong thời gian tương đối gần đây.

Và họ sẽ không ngừng ở đó mà sẽ dùng Hoàng Sa làm bàn đạp để đẩy vùng họ kiểm soát lấn vào các vùng biển khác của Việt Nam như vết dầu loang. Do đó, có thể cho rằng cuộc chiến Hoàng Sa vẫn đang tiếp diễn trên biển, dù điều đó có nổi bật trong nhận thức của người Việt hay không.

Cho đến năm 2009 ngư dân Việt Nam vẫn còn đánh bắt tự do trong vùng biển Hoàng Sa. Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu củng cố sự kiểm soát trên biển bằng chính sách đàn áp ngư dân Việt Nam, nhằm đẩy lùi những người Việt Nam cuối cùng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa.

Kế đến là việc Trung Quốc triển khai các hoạt động dầu khí.

Vết dầu đang loang

Thí dụ, năm 2012 nước này mời thầu tại Lô 65/12, gần đảo Cây thuộc và ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Với Việt Nam chỉ phản đối một cách phi đối sách, diễn biến tất nhiên là Trung Quốc sẽ mở rộng hoạt động dầu khí về các phía đông, tây và nam của quần đảo này. Việc triển khai giàn khoan HD-981 gần đảo Tri Tôn thuộc và về phía tây nam quần đảo sẽ chỉ là một trong nhiều bước loang của vết dầu - nếu Việt Nam tiếp tục chỉ phản đối một cách phi đối sách.

"Những gì Đế quốc Trung Hoa ngày xưa đã không thực hiện được trên bộ, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay đang cố gắng thực hiện trên biển."

Song song với các động thái trong hai lãnh vực nghề cá và dầu khí, Trung Quốc sẽ tăng cường những sự kiểm soát dân sự và quân sự khác trên biển, nhằm đi từ sự đã rồi trên đảo đến sự đã rồi trên biển, trong một vùng biển rộng lớn tối đa.

Tuy nhiên đó còn chưa phải là mục đích tối hậu của Trung Quốc.

Ngoài việc biến vùng biển Hoàng Sa thành “biển thiên triều”, nước này sẽ tiến hành những khía cạnh khác của cuộc nam tiến, thí dụ như đưa tàu thuyền bán quân sự và giàn khoan vào kiểm soát, khảo sát và khai thác vùng Tư Chính, ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, với hải quân khổng lồ của họ luôn đứng sau.

Những gì Đế quốc Trung Hoa ngày xưa đã không thực hiện được trên bộ, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay đang cố gắng thực hiện trên biển. Có thể nói rằng Việt Nam ngày nay đang đứng trước một quá trình xâm lấn từ phương Bắc quy mô không kém, và còn có thể nói là tinh tế hơn, những gì Việt Nam ngày xưa đã từng đối diện, và phải ứng phó một cách tích cực không kém người Việt xưa đã từng giữ nước.

Không những thế, cuộc nam tiến của Trung Quốc trên biển ngày nay có nhiều khía cạnh khác với những cuộc xâm lăng thời phong kiến. Thứ nhất, như Trần Hưng Đạo nói, nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu thì khó chế ngự, trong khi đó lại là chiến lược của Trung Quốc hiện nay. Thứ nhì, nếu Trung Quốc chiếm một số đảo nhỏ xa bờ hay giành sự kiểm soát và khai thác trong một vùng biển thì Việt Nam khó có thể theo đuổi một cuộc chiến tranh không giới hạn để giành lại. Thứ ba, chiến tranh hiện đại trên biển là khác với chiến tranh trên bộ ngày xưa.

image004

Giàn khoan được ví như pháo đài chủ quyền di động của Trung Quốc

Cần có đối sách

Trước chủ trương của Trung Quốc, một chủ trương bất di bất dịch bất kể lời lẽ ngoại giao phù phiếm, trước hết Việt Nam cần nhìn nhận rằng việc phản đối phi đối sách chỉ có thể dẫn tới bị chinh phục trên thực tế. Chỉ phản đối phi đối sách là tương đương với thầm chấp nhận bị chinh phục trên thực tế.

Trong lãnh vực pháp lý, Việt Nam phải tận dụng những phương tiện pháp lý mình có.

Việt Nam phải công khai thách Trung Quốc ra tòa về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Mặc dù khả năng là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam thách họ, và thế giới cũng như người Trung Quốc sẽ thấy nước nào là nước trốn tránh công lý.

Vì luật quốc tế không cho phép khoan dầu khí trong vùng biển trong tình trạng tranh chấp, Việt Nam cũng nên đơn phương nộp đơn kiện Trung Quốc về giàn khoan HD-981.

Mặc dù Trung Quốc đã vận dụng Điều 298 của UNCLOS để tránh việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số loại tranh chấp, và do đó trọng tài UNCLOS sẽ không có thẩm quyền để phán quyết vùng biển đó thuộc về bờ biển hay đảo nào, vì địa điểm của giàn khoan này nằm cách đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý, trọng tài UNCLOS sẽ công nhận rằng hiện hữu tranh chấp trong khu vực đó, bất kể các câu hỏi liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, và sẽ cấm Trung Quốc đơn phương khoan dầu khí.

Ngoài ra, trọng tài UNCLOS cũng sẽ công nhận rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam là sử dụng bạo lực trong vùng tranh chấp, tức là vi phạm luật quốc tế.

Nếu Việt Nam không sử dụng những phương tiện pháp lý mình có thì dễ có câu hỏi về Việt Nam có thật sự quyết liệt về biển đảo hay không. Dù từ Trung Quốc, hay từ thế giới, hay từ người dân, thì câu hỏi đó cũng bất lợi cho Việt Nam.

"Trong lãnh vực chính trị và ngoại giao, Việt Nam phải “thoát Trung”, phải thoát khỏi vòng kim cô ràng buộc mình vào một nước mà, bất kể lời lẽ hữu nghị xã hội chủ nghĩa, bản chất xương tủy, ngàn năm văn hiến của họ vẫn là Đế quốc Trung Hoa ngày xưa. "

Trong lãnh vực chính trị và ngoại giao, Việt Nam phải “thoát Trung”, phải thoát khỏi vòng kim cô ràng buộc mình vào một nước mà, bất kể lời lẽ hữu nghị xã hội chủ nghĩa, bản chất xương tủy, ngàn năm văn hiến của họ vẫn là Đế quốc Trung Hoa ngày xưa.

“Thoát Trung” tạo thêm điều kiện cho chúng ta tự do lựa chọn và ứng xử với đồng minh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình nhất. “Thoát Trung” cũng tạo thêm điều kiện để chúng ta hội nhập nhiều hơn với thế giới văn minh và phát triển đất nước. Vấn đề là Việt Nam có đủ tự lập trong chính trị, tư duy và khả năng để “thoát Trung” không.

Nhưng nếu không đủ tự lập thì cũng đáng hổ thẹn cho một quốc gia độc lập, và cho một dân tộc mà một trong những niềm tự hào lịch sử lớn nhất mình có là việc đấu tranh giành độc lập. Nhìn từ góc độ này, “thoát Trung” cũng có thể khích thích cho Việt Nam tự lập hơn, một điều mà dân tộc và đất nước nào cũng cần.

Nhưng cuối cùng thì điều không thể thiếu được của một quốc gia độc lập là đối sách trên thực địa. Tòa án quốc tế không có cảnh sát để bảo đảm phán quyết của họ sẽ được các bên thi hành. Khó có nước nào khác sẽ ủng hộ Việt Nam bằng vũ lực ở Hoàng Sa hay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ đất liền.

Mặc dù hải quân, không quân và các lực lượng bán quân sự trên biển của Trung Quốc mạnh hơn của Việt Nam, và mặc dù chiến lược tằm ăn dâu của họ làm cho Việt Nam khó quyết định về phản ứng trên thực địa, Việt Nam không thể không có đối sách trên thực địa, dù điều đó có thể bao hàm hy sinh xương máu và khí tài.

Bất kể Việt Nam có sử dụng biện pháp pháp lý, chính trị và ngoại giao nào hay không, và bất kể việc con tằm chỉ ăn lá dâu từng miếng nhỏ, Trung Quốc đang từng bước dồn Việt Nam đến câu hỏi Diên Hồng. Không rõ câu hỏi này khó trả lời cho Đại Việt ngày xưa thế nào, nhưng chắc chắn là ngày nay cần những trả lời tinh tế hơn xưa, vì trong bối cảnh ngày nay hòa cũng như chiến đều có nhiều hình thức và mức độ. Nhưng nếu tránh câu hỏi đó thì sẽ là vô trách nhiệm với chủ quyền lãnh thổ.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.

Quan ngại về căng thẳng Việt-Trung

BBC - thứ năm, 8 tháng 5, 2014

image005

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Hoa Kỳ và Nhật Bản bày tỏ quan ngại về "hành vi nguy hiểm" tại Biển Đông sau khi tàu Việt Nam và Trung Quốc va chạm nhau.

Các vụ va chạm xảy ra khi tàu Việt Nam tìm cách ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan ở gần quần đảo Hoàng Sa.

Đây là một trong những vụ căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng, mỗi nước đều có hàng chục tàu hiện diện trong lúc này ở vùng tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa lên tiếng gọi hành động của Bắc Kinh di chuyển giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là "khiêu khích".

Người phát ngôn Jen Psaki nói trong một Bấm thông cáo: "Hành động đơn phương này dường như là một phần trong chuỗi hành xử của Trung Quốc nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền tại các vùng tranh chấp một cách nguy hại cho hòa bình và ổn định của khu vực".

Bà Psaki nói thêm: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về hành vi nguy hiểm và sự sách nhiễu của các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này".

Người phát ngôn Hoa Kỳ kêu gọi các bên cùng hoạt động một cách "an toàn và chuyên nghiệp".

Theo bà, những sự kiện gần đây cho thấy các bên tuyên bố chủ quyền tại khu vực tranh chấp cần giải thích rõ ràng yêu sách của mình theo đúng luật pháp quốc tế.

Cùng lúc, Nhật Bản cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế và tránh làm tình hình leo thang.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói tại một cuộc họp báo: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình hình căng thẳng lên cao trong khu vực vì việc khai thác bất hợp pháp của Trung Quốc".

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc không có hành động đơn phương khiến tình hình leo thang và kiềm chế theo đúng luật pháp quốc tế."

Giàn khoan 981

Các vụ va chạm xảy ra gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát nhưng Việt Nam gọi là "lãnh thổ không thể tách rời" của mình.

"Chúng tôi vô cùng quan ngại về hành vi nguy hiểm và sự sách nhiễu của các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này."

Người phát ngôn Jen Psaki

Tuần trước Trung Quốc tuyên bố kéo giàn khoan nước sâu vào vị trí cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý để khoan thăm dò dầu khí.

Việt Nam đã gửi cảnh sát biển và kiểm ngư ra hiện trường để ngăn chặn. Giới chức Việt Nam công bố tại một cuộc họp báo hình ảnh và băng video cho thấy tàu Trung Quốc đang lao vào tàu Việt Nam. Sáu nhân viên kiểm ngư được nói đã bị thương.

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố hành động ngăn cản của Việt Nam là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".

Căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông trong những năm gần đây. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn, chiếm phần lớn Biển Đông.

Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc vì yêu sách đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò.

Hôm thứ Tư 7/5, cảnh sát Philippines đã giữ một tàu cá của Trung Quốc và bắt 11 thuyền viên ở gần Trường Sa, một vùng biển tranh chấp khác./

01 Tháng Năm 2014(Xem: 11543)
Lời giới thiệu của Văn Hóa Magazine-California: Hôm nay là ngày 27-04-2014, chúng tôi đã được hân hạnh được tiếp xúc với ông Nguyễn Thanh Sơn Thứ trưởng Ngoại giao của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông hiện đang là đương kim Chủ nhiệm Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
10 Tháng Hai 2014(Xem: 9005)
Gs Tiến sĩ Nguyễn Văn Canh cứ mỗi lần xuống Nam Cali ông thường đến thăm Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí. Trong những lần đó, nhà báo Lý Kiến Trúc có dịp trao đổi và phỏng vấn Gs Canh về chủ đề Hoàng Sa- Trường Sa. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa Linh Mục Phạm Sơn Hà với Gs Nguyễn Văn Canh trên Diễn Đàn ở San José.
05 Tháng Hai 2014(Xem: 7723)
Bộ DVD do Dân Sinh Media phát hành Tết Giáp Ngọ 2014 chấm dứt bằng hình ảnh lễ hạ kỳ Việt Nam Cộng hòa ngoài khơi Subic Bay thuộc hải phận Phi Luật Tân.
28 Tháng Mười 2013(Xem: 8411)
Kính chào Giáo sư, trước hết xin thay mặt cho đài Truyền hình Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại Freevn.net và Tạp chí Văn Hóa, chúng tôi hân hạnh đón tiếp Giáo sư và cám ơn Giáo sư đã nhận lời dự cuộc phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay, và xin chúc Giáo sư lúc nào cũng được mạnh khỏe để tiếp tục công việc cho các thế hệ mai sau.
21 Tháng Mười 2013(Xem: 7577)
CALIFORNIA, SAN JOSÉ (LÝ KIẾN TRÚC) - Vào lúc 2 giờ chiều ngày 09 tháng 11 năm 2005, một cuộc họp báo công khai do Bs Nguyễn Xuân Ngãi tổ chức cho ông Hoàng Minh Chính gặp gỡ giới truyền thông báo chí ở miền nam và bắc California tại khách sạn Embassy Suite Hotel, thành phố Milpitas, sát San Jose, trước khi ông Chính lên đường trở về Việt Nam theo trù tính vào ngày 20 tháng 11.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 9863)
“Bao nhiêu năm trước khi tôi rời khỏi quê hương … phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, năm nay tôi 75 tuổi rồi và đây là lần đầu tiên tôi về thăm lại quê hương. Mới đáp ngày hôm qua, tôi không có gì để nói cả, cũng không phải đọc diễn văn gì cả, nhưng tôi biết rằng sự trở về của tôi về quê hương này nó cũng gây nhiều tiếng tăm trong nước cũng như ngoài nước. Và cũng có rất nhiều nhất là giới báo chí thì cũng có nhiều điều thắc mắc muốn hỏi về cái quyết định chuyến đi trở về của tôi. Tôi xin để dành cho tất cả những quý vị, muốn hỏi gì, tôi có thể trả lời ngắn gọn.
15 Tháng Năm 2013(Xem: 14958)
Trả lời 1 trong gần 30 câu hỏi của nhà báo Lý Kiến Trúc, Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ: “Nếu được mời sẽ đi du lịch Trường Sa với áo giáp, súng và hạm đội”
26 Tháng Chín 2009(Xem: 6723)
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc họp báo tại Long Beach Convention & Entertainment Center, ngày 25-9-2009. Hàng ngàn Tăng, Ni, cư sĩ, cư dân tới nghe pháp. (Photo Việt Báo)