Mỹ rút quân khỏi một căn cứ ở Syria. Malaysia cần nâng cấp Hải quân

20 Tháng Mười 20198:04 SA(Xem: 9342)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ HAI 21 OCT 2019


Mỹ rút quân khỏi một căn cứ lớn nhất ở phía bắc Syria


Minh Anh


20-10-2019

image003

Lính Thổ Nhĩ Kỳ trên xe tăng gần Ceylanpinar, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ngày 18/10/2019.REUTERS/Stoyan Nenov


Quân đội Mỹ ngày 20/10/2019 rút quân ra khỏi căn cứ lớn nhất ở phía bắc Syria, trong khuôn khổ chiến dịch triệt thoái 1.000 binh sĩ của Washington.


Phóng viên của AFP tại chỗ ghi nhận hơn 70 xe bọc thép cắm cờ Mỹ vận chuyển khí tài và được trực thăng hộ tống, đã băng qua con lộ quốc tế khi đi qua thành phố Tal Tamr.


Còn theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), đoàn xe quân sự Mỹ rút ra khỏi căn cứ Sarrine, gần thành phố Kobané, và di chuyển về hướng tỉnh Hassaké, chếch về phía đông.


Như vậy đây là đợt rút quân thứ ba, sau hai đợt rút đầu tiên là ngày 07/10, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị mở màn đợt tấn công và ngày 14/10, năm ngày sau đợt khai hỏa đầu tiên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.


Vẫn theo AFP, lệnh hưu chiến có nguy cơ bị phá vỡ. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một binh sĩ bị thiệt mạng trong một cuộc tấn công do Kurdistan tiến hành. Trên nguyên tắc lệnh hưu chiến kéo dài đến ngày thứ Ba 22/10, nhưng hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Tổng thống Erdogan hôm qua còn đe dọa « nghiền nát đầu » các chiến binh Kurdistan.


Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết rõ về tình hình tại chỗ :


« Không phải là những trận đánh dữ dội của Thổ Nhĩ Kỳ trong chín ngày giao chiến gần đây. Cũng không phải là một cuộc hưu chiến như đã thông báo. Từ hơn 48 giờ qua, ở hai phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, mỗi bên đều chỉ trích bên kia là đã phá hoại thỏa thuận và phe nào cũng khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt lệnh hưu chiến.


Phía Kurdistan tố cáo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị bổ sung người Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích, dội bom và tấn công trên bộ chống lại các chiến binh Kurdistan. Điểm căng thẳng chính là vùng Ras Al-Ain, nơi diễn ra nhiều cuộc giao chiến dữ dội. Ankara dường như cản trở việc mở một hành lang cho dân thường và người bị thương ra đi, cũng như cho việc rút quân của lực lượng Kurdistan.


Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, bộ Quốc Phòng cũng lên án có sự vi phạm. Mười bốn vụ tấn công trong vòng 36 giờ bằng các vụ phóng rốc-kết, đạn súng cối và nhiều loại vũ khí hạng nặng khác, theo như thống kê của Ankara. Đối mặt với công luận, ông Recep Tayyip Erdogan muốn chứng tỏ không lay chuyển. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại rằng ông sẽ mở lại các cuộc tấn công ngay từ tối 22/10 nếu như các chiến binh Kurdistan vẫn luôn có mặt tại khu vực ». (RFI)


+++++++++++++++++++++++++++++


Malaysia cần nâng cấp Hải quân


Mai Vân 17-10-2019

image001

Một nhân viên của Cơ quan tuần duyên Malaysia đang quan sát lưu thông hàng hải tại Johor, ngoài khơi Malaysia. Ảnh chụp ngày 24/08/2017.MOHD RASFAN / AFP


Ngoại trưởng Malaysia vào hôm nay, 17/10/2019, đánh giá là Malaysia cần phải nâng cấp Hải Quân, chuẩn bị cho khả năng xung đột nổ ra ở Biển Đông, cho dù Kuala Lumpur vẫn chủ trương không quân sự hóa vùng biển tranh chấp.


Phát biểu trước Nghị Viện Malaysia, ngoại trưởng Saifuddin Abdullah cho rằng nếu lãnh thổ bị một cường quốc xâm phạm, Malaysia có thể ra thông cáo phản đối nhưng việc thiếu phương tiện quân sự và chấp pháp trên biển sẽ gây bất lợi trong trường hợp có xung đột.


Theo ông Saifuddin ít ra thì Malaysia phải nâng cấp lực lượng Hải Quân của mình để đối phó với với lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc hiện diện gần 24/24 tiếng đồng hồ chung quanh bãi South Luconia Shoals, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Trong khi đó thì ngay cả tàu của Hải Quân Malaysia cũng nhỏ hơn tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.


Ngoại trưởng Saifuddin khẳng định : “Chúng ta không muốn chiến tranh xẩy ra, nhưng thiết bị cần được nâng cấp để có thể quản lý tốt hơn vùng biển của chúng ta trong trường hợp xung đột xẩy ra giữa các cường quốc ở Biển Đông”.


Dù bị Trung Quốc chèn ép trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, và có quan điểm phê phán đối với thái độ của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng lúc sau này Malaysia ít có phát biểu công khai, nhất là sau khi Trung Quốc bơm hàng tỷ đô la vào những đề án hạ tầng cơ sở tại Malaysia trong khuôn Con Đường Tơ Lụa mới.


Thủ tướng Malaysia Mahathir cũng cho rằng Malaysia quá nhỏ bé để có thể đối đầu lại với Trung Quốc, cho dù tàu Trung Quốc vào khảo sát ở vùng biển Malaysia tìm dầu khí mà không có phép của Malaysia.


Ngoại trưởng Saifuddin nhắc lại quan điểm của Malaysia là sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phi quân sự hóa Biển Đông, và thúc đẩy ASEAN đi đến một cách tiếp cận thống nhất trong cách đối xử với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. (RFI)