Trưởng đặc khu Hồng Kông "khai tử” luật dẫn độ, đối lập chưa hài lòng

09 Tháng Bảy 201911:05 CH(Xem: 11996)
VĂN HÓA ONLINE - CHÂU Á - THỨ TƯ 11 JULY 2019

Trưởng đặc khu Hồng Kông "khai tử” luật dẫn độ, đối lập chưa hài lòng

Mai Vân 09-07-2019

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu về dự luật dẫn độ, Hồng Kông, 9/7/2019.REUTERS/Tyrone Siu
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu về dự luật dẫn độ, Hồng Kông, 9/7/2019.REUTERS/Tyrone Siu

Trong một cuộc họp báo vào hôm nay, 09/07/2019, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố luật dẫn độ « đã chết ». Trước thái độ vẫn còn nghi ngờ của dư luận đối với chính phủ về khả năng đưa ra bỏ phiếu lại, bà tái khẳng định: « không còn một dự luật nào như thế cả ».

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tỏ thái độ sẵn sàng tiếp xúc vô điều kiện với đại diện sinh viên chống dự luật. Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận là bà không hề nói là luật bị rút lại hẳn, điều mà những người biểu tình đòi hỏi. Họ tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh. Thông tín viên RFI tại Hồng Kông Florence de Changy ghi nhận :

Đúng là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố là « luật dẫn độ đã chết ». Bà cũng công nhận là cách giải quyết khủng hoảng của chính quyền của bà đã hoàn toàn thất bại, chính quyền đã không làm tốt công việc của mình. Đây là một cách để quy thất bại cho ê kíp của bà thay vì tự nhận lấy trách nhiệm.

Lãnh đạo Hồng Kông khẳng định rằng tuyên bố của bà « rất dứt khoát » và còn giải thích rằng bà nghĩ là người xuống đường sẽ không tin bà nếu bà sử dụng từ « rút lại ».

Và đúng như dự đoán, sự nhượng bộ về từ ngữ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và cuộc họp báo để hòa giải này đã không đủ để làm hài lòng những người chống luật dẫn độ. Ngoài việc dứt khoát đòi bãi bỏ hoàn toàn dự luật, giờ đây họ đã có thêm những yêu sách khác.

Hai tiếng đồng hồ sau phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Mặt Trận Dân Sự Nhân Quyền đã nêu lên là từ « chết » không nằm trong ngôn ngữ luật pháp, và yêu cầu chính quyền đi theo đúng thủ tục quy định.

Những người phản đối đưa ra một loạt đòi hỏi : Lãnh đạo Hồng Kông phải từ chức, mở điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, trả tự do vô điều kiện cho những người bị bắt giữ. Họ tuyên bố đang suy nghĩ về những hành động phản kháng tiếp theo. Rõ ràng là trước mắt phong trào đấu tranh không hề có dấu hiệu hụt hơi.