Chủ tịch TQ kêu gọi 'cởi mở' giữa lúc căng thẳng thương mại dâng cao

16 Tháng Năm 20195:54 CH(Xem: 10390)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ SÁU 17 MAY 2019


Chủ tịch TQ kêu gọi 'cởi mở' giữa lúc căng thẳng thương mại dâng cao


15/5/2019

image001

Bản quyền hình ảnh EPA Image caption Ông Tập Cận Bình sẽ gặp ông Donald Trump tại kỳ họp G20 tại Nhật Bản vào tháng tới


Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia hãy cởi mở với nhau, và lên án chủ nghĩa thượng đẳng cực đoan là "ngu ngốc", giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang dâng cao.


Ông Tập có bài diễn văn công khai đầu tiên hôm thứ Tư, kể từ khi tranh cãi thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên leo thang.


Hiện cả hai bên đều tuyên bố áp mức thuế cao lên hàng hóa của nhau.


Ông Tập không nhắc trực tiếp tới Mỹ hay cuộc chiến thương mại, mà tập trung vào việc thể hiện Trung Quốc như một quốc gia "cởi mở".


"Tôn trọng vẻ đẹp của mọi nền văn minh"


Ông nói các nền văn minh khác nhau không buộc phải đụng độ nhau.


"Việc nghĩ rằng chủng tộc và văn hóa của mình là thượng đẳng, và muốn làm thay đổi hoặc thậm chí thay thế các nền văn minh khác, là ngu ngốc trong cách nghĩ và là thảm họa trong thực tế," ông phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Văn minh châu Á đang được tổ chức tại Bắc Kinh, sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung Quốc tổ chức.


"Không có sự đụng độ giữa các nền văn minh khác nhau, [chúng ta] chỉ cần để mắt tới việc tôn trọng vẻ đẹp của mọi nền văn minh," ông nói.


Ông Tập nói thêm rằng Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng cởi mở hơn với thế giới.


"Trung Quốc ngày nay không chỉ là Trung Quốc của Trung Quốc. Đó là Trung Quốc của châu Á, và là Trung Quốc của thế giới. Trung Quốc trong tương lai sẽ có quan điểm thậm chí còn cởi mở hơn nữa đối với thế giới," ông nói tại hội nghị.


Hội nghị diễn ra hôm thứ Tư có sự tham dự của tổng thống các nước Hy Lạp, Sri Lanka và Singapore.


Đây được coi như một phần nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm mềm mại bớt hình ảnh của mình.


Quốc gia cộng sản này đã bị chỉ trích ở nước ngoài về việc kiểm soát không gian mạng gắt gao, về dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường vốn nhằm mở rộng các mối liên kết thương mại toàn cầu, và các đối xử của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo tại khu vực Tân Cương, bên cạnh các vấn đề khác nữa.


Cuộc đối đầu Mỹ-Trung



Bản quyền hình ảnh Getty Images


Từ lâu nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có những căng thẳng thương mại, trong lúc cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều cùng muốn gây ảnh hưởng toàn cầu.


Kể từ năm ngoái, hai bên đã tung ra biểu thuế quan đánh vào lượng hàng hóa trị giá nhiều tỷ đô la của nhau.


Gần đây, người ta đã cảm thấy lạc quan về viễn cảnh đạt được một thỏa thuận song phương, thế nhưng tình trạng căng thẳng lại bùng lên trong những tuần gần đây.



Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Ông Donald Trump nói Mỹ sẽ ra thỏa thuận với Trung Quốc "khi đến thời điểm thích hợp"


Kiron Skinner, giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hồi tháng trước mô tả sự cạnh tranh Mỹ-Trung như "một cuộc đấu với một nền văn minh thực sự khác, và với một ý thức hệ khác".


Ông Skinner nói rằng Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh quyền lực vĩ đại không phải là một quốc gia da trắng" đầu tiên của Mỹ.


Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 10/04 đã áp biểu thuế cao đối với lượng hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ đô la, trong lúc giới chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh là đã nuốt lời đối với các cam kết mà họ đã đưa ra.


Trung Quốc trả đũa với việc tuyên bố sẽ áp mức thuế cao hơn đối với lượng hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 60 tỷ đô la, bắt đầu từ tháng Sáu.


Ông Tập dự kiến sẽ gặp ông Donald Trump tại kỳ họp G20 tại Nhật Bản tháng tới.


Ông Trump nói Mỹ sẽ ra thỏa thuận với Trung Quốc "khi đến thời điểm thích hợp". (theo BBC)