"Chế độ độc tài thì không biết cảm nhận sự hài hước"

25 Tháng Hai 20195:35 CH(Xem: 12272)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ HAI 25 FEB 2019


"Chế độ độc tài thì không biết cảm nhận sự hài hước"


Thế giới kỳ quặc của những Kim Jong-un giả

image003

Bản quyền hình ảnh David Cox Image caption Howard và Minyong


Kim Jong-un chiếm vị trí đáng kể trên các dòng tin chính trong 2018, từ chuyện đe dọa hạt nhân, cãi cọ khẩu chiến với Donald Trump, cho tới ký kết các thỏa thuận hòa bình.


Nhưng mỗi khi Kim xuất hiện trong các dòng tin chính thì có hai người sẽ luôn chuẩn bị sẵn sàng đón nhận các cuộc điện thoại, theo David Cox.


Howard X, một người chuyên diễn trào phúng chính trị sống tại Hong Kong, và Minyong Kim sống tại Seoul, người có nghệ danh là Dragon Kim, là hai thành viên trong cái mà họ gọi là Liên hiệp những người đóng giả Kim Jong-un.


Trong sáu năm qua, hai người này đã kiếm được tiền từ việc đóng giả nhà lãnh đạo Bắc Hàn, với mức thu nhập tới 10.000 bảng một ngày, họ cho biết, với các công việc từ đóng vai trong các video game, khai trương khu mua sắm, cho tới việc biểu diễn giải trí cho các bữa tiệc sinh nhật của giới tỷ phú.


"Bất kỳ khi nào Kim Jong-un làm việc gì đó, như là cho thử tên lửa, hay gọi Trump là một "gã lẩm cẩm", thì điện thoại tôi sẽ đổ chuông, có việc," Howard nói. "Luôn luôn là phút chót, đôi khi chỉ gọi báo trước 24 giờ. Mà có thể là làm bất kỳ điều gì."


image005

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Howard X đóng giả Kim Jong-un


Minyong đang đàm phán với hãng Kentucky Fried Chicken về việc quay một quảng cáo thương mại mới, trong lúc Howard thì vừa được thuê xuất hiện tại một sự kiện ở Macau cùng với nhũng người đóng giả Trump và Putin. "Họ có một chiếc bánh làm thành hình nụ cười rất lớn, ba chúng tôi sẽ cắt nó ra," anh nói.


Khi Kim Jong-un lần đầu tiên lên nắm quyền vào 2/2011, Minyong vẫn đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Nam Hàn.


"Thực sự là rất stress," anh nhớ lại. "Mỗi khi Kim Jong-un làm gì, nói gì, là mọi người, cả cấp trên lẫn cấp dưới, đều đến tôi mà nói, 'Tất cả là bởi vì anh, anh trông giống ông ta.'"


Kết thúc thời gian làm nghĩa vụ quân sự, anh quyết định thử đóng giả nhà lãnh đạo Bắc Hàn.


Trong dịp lễ Halloween, anh đã thuyết phục được một thợ cắt tóc địa phương xén cho anh kiểu tóc trứ danh Kim Jong-un, mua một bộ vét màu đen rẻ tiền và đi tới khu quận Hongdae bóng bảy của Seoul.


Rất nhanh chóng, anh phát hiện ra mình trở thành tâm điểm.


"Có hàng ngàn người tới chụp ảnh cùng tôi, và sang ngày hôm sau thì tôi xuất hiện tràn ngập trên truyền hình," anh nói. "Chỉ trong một tháng, tôi đã có các công ty mời đóng phim quảng cáo."


image006

Bản quyền hình ảnh Minyong Kim


Howard cũng có vụt nổi tiếng sau một đêm, tương tự vậy. Đó là khi anh đăng hình anh đóng giả làm ông Kim lên mạng Facebook vào ngày nói dối 1/4. Các bức ảnh lan truyền chóng mặt, mở đầu cho sự nghiệp. Thế nhưng anh gặp khó khăn trong việc cắt tóc cho đúng kiểu.


"Đầu tiên thì khá là khó bởi cực ký khó tìm ra một bức hình chụp phía sau đầu ông ấy. Nhưng tôi đã tìm hiểu, in ra rất ảnh, đưa đến cho một người thợ cắt tóc địa phương và sau khi làm thử, anh ấy đã hoàn thiện kiểu tóc. Bây giờ anh ấy là người cắt tóc thường xuyên cho tôi," anh nói.


"Nhưng anh ấy cũng phải điều chỉnh cách thường cắt để sao cho trông tôi có vẻ lố bịch - rõ ràng là điều đó đi ngược lại quy tắc cắt tóc phải đẹp."


Nhìn ra thì hai người đóng giả này có những cách tiếp cận rất khác nhau.


Minyong, vốn mơ được trở thành diễn viên kể từ khi còn tuổi teen nhưng sau theo học đại học ngành kinh tế, có biệt tài bắt chước giọng. Anh nói giả một cách hoàn hảo ngữ điệu và cách nói của Kim Jong-un.


Howard, lớn lên ở Australian và không biết nói tiếng Triều, thì không ngại ngần gì trong việc khiêu khích thiên hạ. Những màn chọc cười của anh có thể là đặt những câu hỏi gây sốc cho người Singapore như "Nhà độc tài nào trông bảnh hơn, tôi hay thủ tướng của quý vị?" khi anh dự buổi khai trương một nhà hàng, cho tới vào vai trong bộ phim âm nhạc do ban nhạc Nga Little Big, trong đó anh đem lòng yêu thương và ngủ với một trái bom hạt nhân.


"Là người đóng giả một kẻ xấu thì bạn có thể làm những thứ mà chẳng hạn như người đóng giả Obama sẽ không bao giờ làm," Howard nói. "Cho nên tôi chả có giới hạn gì hết. Tôi có thể nói bất kỳ điều gì sai trái về mặt chính trị, gây công phẫn cho mọi người, nhưng mà phải buồn cười, bởi vì nó đến từ nhân vật Kim Jong-un."


image008

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Howard X tại Olympics Mùa đông 2018


Trong Thế vận hội Mùa đông năm nay, anh khiến đoàn Bắc Hàn tức điên khi xuất hiện ở các địa điểm khác nhau ngay trước nhóm hoạt náo viên của họ, vẫy cờ Bắc Hàn. Anh cuối cùng đã bị áp tải ra khỏi nhà thi đấu khúc côn cầu trên băng.


"Tôi không hiểu lúc đó họ nói gì, nhưng người phiên dịch sau đó nói với tôi rằng họ hét lên, 'Sao anh dám làm thế,'" Howard nhớ lại. "Chế độ độc tài thì không biết cảm nhận sự hài hước."


Không phải chỉ người Bắc Hàn mới không cảm nhận được khía cạnh hài hước. Minyong đã bị các nhân viên thiện nguyện Nam Hàn, những người giúp người tị nạn Bắc Hàn, chỉ trích.


"Họ lo rằng với việc chúng tôi làm, mọi người sẽ nhìn nhận Kim Jong-un với thái độ thiện cảm hơn," anh nói. "Họ nói đó sẽ là sự sỉ nhục cho những người đã đào thoát khỏi Bắc Hàn và phải chịu đựng dưới chính quyền ông ta."


Việc đóng giả nhà độc tài cũng đi kèm với những rủi ro.


image010

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Kim Jong-un thật hồi 9/2017


Trong một chuyến đi tới New York, Minyong đã suýt bị một người dân tấn công bởi tưởng anh là nhà lãnh đạo Bắc Hàn thật. May mà có các bạn anh, những người đóng giả là vệ sỹ của Kim Jong-un, giải cứu.


Thêm nữa, Minyong nói việc anh ngày càng trở nên nổi tiếng ở châu Á khiến anh trở thành tâm điểm chú ý của lực lượng tình báo Bắc Hàn.


"Một hôm, tôi thấy tài khoản email cá nhân của mình bị hack," anh nhớ lại. "Password của tôi thì khác phức tạp, tôi không bao giờ đổi cả. Tôi kiểm tra địa chỉ IP lần cuối đăng nhập vào tài khoản của mình, và thấy nó nằm đâu đó ở Trung Quốc. Tôi đã báo việc này cho cơ quan tình báo quốc gia, và họ nói rằng đó là do các điệp viên Bắc Hàn."


Minyong nói anh đã có lúc nghĩ chuyện bỏ việc này, theo đề nghị của gia đình và bạn bè.


Vào 2014, truyền hình Nam Hàn tường thuật rằng Bắc Hàn cảnh báo bất kỳ ai đóng giả Kim Jong-un đều sẽ bị trừng phạt. Nhưng Minyong thấy anh không thể quay lưng lại với tiền bạc và sự quan tâm của truyền thông được.


Cho nên thay vào việc từ bỏ, anh cố gắng tránh gây chú ý bằng cách tránh nói những gì quá đà về mặt chính trị.


image012

Bản quyền hình ảnh Minyong Kim


Tôi thấy rằng nếu tôi làm việc này và phản đối các chính sách của ông Kim Jong-un, nói xấu về ông ấy, thì có lẽ tôi sẽ bị giết chết hoặc bị bắt cóc," anh nói.


Howard thì lại tỏ ra chẳng quan ngại gì về những nguy cơ như vậy. Bắc Hàn sẽ chẳng thể làm được gì anh, anh nói.


"Cú đánh trả sẽ là quá sức cho họ. Tôi thực sự thất vọng bởi email của Minyong bị hack chứ không phải tôi, bởi tôi còn làm nhiều hơn anh ấy nhiều trong việc sỷ nhục nhà lãnh đạo Bắc Hàn."


Howard quan ngại hơn về việc Minyong thường sẵn lòng diễn với mức giá rẻ hơn nhiều, khiến anh cũng phải giảm theo, thiệt cả thu nhập. Minyong đôi khi ăn mặc giống như Kim Jong-un rồi ra phố vào buổi tối ở Seoul, ngay cả khi không được trả tiền.


"Khi đi vào trung tâm, tôi thường ăn mặc như Kim Jong-un. Vì tôi quá nổi tiếng nên tôi thậm chí còn không cần mang ví theo," Minyong nói. "Các chủ quán bar luôn mời tôi ăn uống miễn phí, mọi người mua đồ ăn, đồ uống mời tôi, và tôi được vào cửa miễn phí, không phải xếp hàng ở tất cả các quán nổi tiếng."


Tuy nhiên, Howard không thích vậy. "Tôi từ chối những thứ như thế việc làm miễn phí như thế sẽ làm rẻ rúng đi công việc đóng giả của mình," anh nói. "Tôi muốn đô la."


Howard và một người đóng giả Donald Trump đi với nhau trên đường phố Singapore


Howard có một đồng minh là bạn gái lâu năm của Minyong. Cô ghét cay ghét đắng việc bạn trai đóng giả làm Kim Jong-un, và bắt đầu hạn chế việc anh xuất hiện trước đám đông.


"Tôi ưa mặc đồ như Kim Jong-un mỗi ngày, nhưng bạn gái tôi rất ghét kiểu tóc đó," Minyong thừa nhận.


"Cô ấy phàn nàn suốt mỗi khi tôi cắt tóc. Cô ây cũng ghét cảnh mỗi khi tôi tới quán bar hay vào hộp đêm là các cô gái lại xúm đến chụp ảnh với tôi, có lúc còn tìm cách ôm hôn tôi. Chúng tôi quen nhau từ trước khi có những chuyện này, và cô ấy bảo tôi rằng nếu biết tôi định đi theo con đường này thì cô ấy đã không bao giờ làm quen với nhau. Cho nên tôi tìm cách giảm thiểu các thứ, chỉ chấpp nhận chuyện được trả tiền rất khá, để cho cô ấy được vui."


Nhưng việc được trả tiền rất tốt có vẻ như chưa có dấu hiệu chững lại.


"Tôi nói với người đóng giả Trump rằng thà là nên tập trung kiếm tiền tốt vào lúc này, bởi anh chỉ cho bốn, hoặc tám năm nếu may mắn," Howard nói. "Nhưng với các nhà độc tài này thì đó sẽ là công việc cả đời. Cho tới khi ông ta chết do bị cholesterol cao quá, hay bị tiểu đường. Tôi cho rằng tôi còn có tới 30 năm nữa."/( theo BBC 20/10/2018)