Nga, Mỹ - Úc, Nhật tham dự vào Biển Đông có hạn chế được tham vọng bành trướng?

25 Tháng Mười Một 20187:01 CH(Xem: 11255)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ HAI 26 NOV 2018


Nga, Mỹ - Úc, Nhật tham dự vào Biển Đông có hạn chế được tham vọng bành trướng?


Hồng Thủy


24/11/18


(GDVN) - Chí ít, ý đồ của Trung Quốc ngăn cản hợp tác bình thường giữa các nước ven Biển Đông với các siêu cường khác thông qua COC sẽ không thể thành hiện thực.


Hãng thông tấn TASS ngày 23/11 đưa tin, một lực lượng đặc nhiệm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành cuộc tập trận chung với hải quân Brunei trên Biển Đông.


Về phía hải quân Nga có sự tham gia của tàu tuần dương mang tên lửa Varyag, tàu khu trục Admiral Panteleyev và tàu tiếp liệu Boris Butoma.


Các tàu quân sự Nga đã có chuyến thăm cập cảng Muara, Brunei, sau khi rời cảng hai bên tiến hành cuộc tập trận chung với các khoa mục tìm kiếm cứu nạn, diễn tập chiến thuật...ngoài Biển Đông.


Đội tàu quân sự Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã rời đại bản doanh Vladivostok ngày 1/10 để tham gia một số cuộc tập trận chung với Ấn Độ, Brunei. Trước đó các tàu Nga đã ghé thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. [1]


image001

Tuần dương hạm tên lửa dẫn đường Varyag, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, ảnh: TASS.


Sự hiện diện của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trên Biển Đông trở nên đáng chú ý khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bay sang Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt.


Đó có thể là một chỉ dấu của việc Moscow muốn tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, kể cả về kinh tế thương mại lẫn an ninh, địa chính trị, trong đó có Biển Đông.


Đây là lần đầu tiên ông Vladimir Putin tham gia diễn đàn này kể từ khi Nga gia nhập cơ chế hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2011.


image002

Phó tổng thống Mike Pency đang trao đổi với Cố vấn An ninh Hoa Kỳ John Bolton, Tổng thống Putin ngồi kế bên trong hội nghị ASEAN + ở Singapore hôm 12/11/2018. Reuters


Trong một động thái khác, Forbes ngày 22/11 cho biết, Mỹ và Úc đang nỗ lực chế ngự tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "từ bỏ".


Hai nước đồng minh này đang hợp tác để phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus. Căn cứ này sẽ là một phần trong các nỗ lực để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.


image003


Tuy nhiên theo nhà phân tích Jeffrey Borda từ Washington, nếu Mỹ muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, phòng thủ thôi chưa đủ.


Trung Quốc có chiến lược dài hạn và không kém tập trung vào việc sử dụng các công cụ sức mạnh khác, như đầu tư và thương mại.


image004

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Rappler.


Ngày 15/11 The Straits Times dẫn lời ông Rodrigo Duterte nói về Biển Đông:


"Trung Quốc đang ở đó. Đấy là một thực tế. Mỹ và các nước khác nên nhận ra rằng họ đang hiện diện ở đó."


Rõ ràng ông Rodrigo Duterte lo ngại rằng đất nước mình có thể bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.


Bắc Kinh đã cung cấp cho Manila một cái gì đó mà Washington không thể: lời hứa hòa bình và quan hệ đối tác thịnh vượng với các điều khoản riêng.


Tuy nhiên hứa là một chuyện, còn có thực hiện lời hứa hay không lại là chuyện khác. [2]


Còn với Thủ tướng Nhật Bản, chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Shinzo Abe trong suốt 7 năm qua diễn ra suôn sẻ hôm 25/10, hai bên đồng ý đóng vai trò xây dựng hơn cho hòa bình, thịnh vượng trong khu vực cũng như quốc tế.



 image005

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 15/11, ảnh: SCMP.


Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ông Shinzo Abe sẽ hạn chế các mối quan tâm của mình trong một số lĩnh vực chính.


Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 ngày 15/11, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra một thông điệp cảnh báo rõ ràng với Trung Quốc:


Những dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể ảnh hưởng đến sự thịnh vượng bền vững của khu vực.


Tokyo sẽ thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng để đảm bảo tính cởi mở, minh bạch, hiệu quả kinh tế cũng như tính thanh khoản bền vững của các khoản nợ với các quốc gia vay vốn.


Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tổ chức cùng ngày 15/11, Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện rõ ràng mối quan tâm nghiêm túc với BIển Đông. Ông khẳng định:


"Hành động đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng thông qua quân sự hóa các cấu trúc đại lý tranh chấp đe dọa lợi ích của các quốc gia sử dụng chung tài nguyên ở Biển Đông và toàn bộ khu vực."


Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh tầm nhìn của mình về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở không loại trừ bất kỳ quốc gia nào, mà mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.


Lãnh đạo Nhật Bản cũng chia sẻ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, chỉ trích sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, kêu gọi nhanh chóng hoàn tất đàm phán hiệp ước Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm Trung Quốc. [3]


Với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Nga vào khu vực Đông Nam Á nói chung,


Biển Đông nói riêng, mưu đồ thúc đẩy COC với điều kiện gạt các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông,


ngăn chặn các nước ven Biển Đông hợp tác kinh tế, quân sự an ninh với các nước khác ngoài khu vực của Bắc Kinh gần như không thể trở thành hiện thực.


Đồng thời, các cường quốc tham gia sâu hơn vào Biển Đông cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ xung đột, tính toán sai lầm và ngăn chặn nguy cơ các hành động phiêu lưu quân sự như Trung Quốc đã từng làm những năm trước đây.


Nguồn:


[1]http://tass.com/defense/1032117


[2]https://www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2018/11/22/us-and-australia-try-to-tame-chinas-south-china-sea-ambitions-as-duterte-gives-up/#144952f52683


[3]https://thediplomat.com/2018/11/japans-subtle-china-strategy-on-display/


Hồng Thủy


- Cố vấn an ninh Mỹ: "khai thác tài nguyên ở South China Sea với Trung Quốc hoặc không có sự hợp tác của TQ".


- Hạm đội Thái Bình Dương sẽ còn trở lại Cam Ranh.