Trump và Putin nói dối như cuội

04 Tháng Sáu 201812:18 SA(Xem: 11541)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ HAI 04 JUNE 2018


Trump và Putin, hai chuyên gia nói dối hàng đầu thế giới


Thụy My 01-06-2018


image029Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump có vẻ "tâm đầu ý hợp". Ảnh chụp ngày 11/11/2017.REUTERS/Jorge Silva


Tác giả Alain Frachon trong bài viết « Hai chuyên gia nói dối hàng đầu thế giới » đăng trên Le Monde đã chỉ ra trong số những điểm chung, tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin có cùng « sự nghi hoặc trước thực tế » - một cách diễn đạt lịch sự, thay vì nói họ « nói dối một cách trắng trợn ».


Dối trá là chuyện thường tình trong chính trị, tuy nhiên đây lại là nguyên thủ của hai cường quốc nguyên tử, đã nhào nặn lại thực tế ở mức bậc thầy. Theo tác giả, cả hai ông Putin và Trump đã làm cho biên giới giữa sự thật và giả trá trở nên nhập nhằng một cách đáng ngại.


Vladimir Putin dối trá để đóng vai nạn nhân


Tổng thống Nga thì nói dối theo kiểu chối bay chối biến. « Tất nhiên là không ! ». Hỏa tiễn đã bắn vào chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/07/2014 làm cho 298 người thiệt mạng « không phải là của Nga ». Vào thời đó, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Nga đã phản đối việc lập tòa án quốc tế để điều tra nghi án này. Hà Lan bèn đứng ra mở điều tra quốc tế, và kết luận đã được công bố vào tuần trước.


Các nhà điều tra khẳng định « không còn nghi ngờ gì nữa », thủ phạm là một hỏa tiễn Buk bắn đi từ vùng đất do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát. Hỏa tiễn này được đưa từ căn cứ quân sự của lữ đoàn phòng không 53 đặt tại thành phố Koursk của Nga sang Đông Ukraina, rồi lại được đưa trở về Nga sau thảm kịch. Tại La Haye, ngoại trưởng Hà Lan tuyên bố có thể vẽ lại chính xác đường đi của hệ thống hỏa tiễn này, với các bằng chứng có sẵn trong tay.


Steve Rosenberg, thông tín viên BBC tại Matxcơva giải thích, chối cãi sự thật là một phần của « hệ thống Putin ».« Cho dù đó là vụ bắn rơi MH17, ám sát cựu điệp viên nga Alexandre Litvinenko sống lưu vong ở Luân Đôn, mưu toan đầu độc điệp viên hai mang Skripal và con gái mới đây, hay doping cấp nhà nước nơi các vận động viên Nga, can thiệp vào bầu cử của các nước khác, Putin đều có cùng một tuyên bố : ‘Chúng tôi không làm điều đó’ ». Có nghĩa, Nga là « nạn nhân bị phương Tây vu khống ».


Donald Trump nói dối như cơm ăn nước uống


Còn nơi ông Trump thì sự dối trá ít tinh tế hơn. Tổng thống Mỹ nói dối, lăng mạ, sáng tác…rồi lại chối rằng chưa bao giờ phát ngôn như thế. Ông mô tả « những người Ả Rập » gào lên sung sướng trước các vụ tấn công ngày 11/9, khẳng định Barack Obama không sinh ra trên đất Mỹ, tố cáo cha của địch thủ Ted Cruz có liên quan đến vụ ám sát tổng thống Kennedy…Tờ Washington Post thống kê từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump đã nói dối gần 2.000 lần.


Vladimir Putin không ưa bị đối diện với sự thật mà mình muốn che giấu : ông cau có, mắng mỏ người đặt câu hỏi hay đơn giản là làm ngơ. Nhưng đối với Donald Trump thì chẳng có vấn đề gì khi sự thật được chứng minh rõ ràng là ngược lại.


« Ông Trump đã biến dối trá thành việc hoàn toàn bình thường » - Michael V. Hayden, cựu giám đốc CIA nói. Trên 80% cử tri của Donald Trump vẫn trung thành với ông, chẳng hề quan tâm đến. New York Times viết, Trump « nói dối một cách thoải mái như lang băm ».


Matxcơva dối trá nhằm viết lại sự kiện theo kiểu của mình, quy cho « phương Tây » tất cả mọi cái xấu của đất nước. Nếu ở Putin, nói dối là tính toán chính trị, thì nơi Trump lại mang màu sắc bệnh lý, và theo tác giả Alain Frachon, thì cả hai đều nguy hiểm.


Dàn dựng vụ nhà báo Babtchenko bị ám sát, Ukraina làm lợi cho Nga


Cũng liên quan đến dối trá, nhưng lần này lại ở phía Ukraina. Bài xã luận của Le Monde bực tức lên án « Ukraina, một thủ đoạn tai hại ». Đó là vụ nhà báo đối lập Nga Arkadi Babtchenko đang tị nạn ở Ukraina được loan tin là bị Nga ám sát chết, rồi lại xuất hiện bình an vô sự.


Theo như tình báo Ukraina và công tố viên trưởng Iouri Loutsenko hôm thứ Tư 30/05/2018, thì có âm mưu thực sự ám sát nhà báo Babtchenko, nhưng một người Ukraina được Matxcơva giao cho công việc này đã cho biết thông tin. Thế là Kiev quyết định giăng bẫy, ngụy tạo ra vụ ông Babtchenko bị giết chết, nhờ đó đã bắt được kẻ trung gian người Ukraina làm việc cho Nga.


Le Monde đặt câu hỏi, có nên tin hay không ?


Từ mùa hè 2016, đã xảy ra nhiều vụ nổ súng hoặc tấn công bằng xe gài chất nổ, nhằm sát hại các nhân viên an ninh Ukraina và cựu chiến binh Donbass, nhất là người Tchetchenya. Tháng 3/2017, Denis Voronenkov, cựu dân biểu Nga tị nạn tại Kiev bị bắn chết ngay tại trung tâm thủ đô Ukraina. Tháng 7/2016, đến lượt giám đốc trang tin tức Oukrainska Pravda là Pavel Cheremet, quốc tịch Nga, bị chết khi chiếc xe ông cầm lái nổ tung. Như vậy việc sát hại nhà báo Arkadi Babtchenko không có gì đáng ngạc nhiên.


Nhưng hậu quả của vụ dàn dựng trên là sự khả tín của cơ quan cảnh sát và tư pháp Ukraina đã bị tổn hại nghiêm trọng. Người ta có thể hiểu được việc giăng bẫy kẻ sát nhân, nhưng việc dàn cảnh mà nhà báo trên cùng với gia đình và báo chí là đồng lõa, thì khó thể chấp nhận.


Trước hết, « fake news » này tạo cơ hội cho những người theo thuyết âm mưu và không ưa giới truyền thông đắc thắng tố cáo báo chí. Kế đến, nó tăng cường sức mạnh cho chiến lược dối trá của điện Kremlin. Tình báo Ukraina được đào tạo cùng một sách vở với tình báo Nga : từ KGB. Trong cuộc chiến giữa các nhà dân chủ cải cách và bảo thủ tại Kiev, vào lúc còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, Le Monde cho rằng thật đáng tiếc khi vụ nhào nặn thông tin về Babtchenko lại phục vụ cho Vladimir Putin.


Thép : Donald Trump gây thù chuốc oán


Sự kiện tổng thống Mỹ áp đặt thuế về thép lên châu Âu, Canada và Mêhicô được tất cả các báo Pháp chú ý. « Trump gây thù chuốc oán về thép », « Trump kích hoạt cuộc chiến thương mại », theo Le Figaro. « Thép : Trump tạo thù địch », theo Les Echos.Libération chơi chữ « Hoa Kỳ - EU, thép đã tôi », nhưng thay chữ « trempé » (cứng rắn) bằng tên tổng thống Mỹ « trumpé ».La Croix tố cáo « Chủ nghĩa đơn phương thô bạo của Donald Trump ».


Libération ghi nhận, vì Donald Trump vẫn hay nói rồi làm ngược lại, nên nhiều người vẫn hy vọng tổng thống Mỹ chỉ đe dọa mà thôi. Nhưng rốt cuộc quyết định này đã được đưa ra, bất kể nguy cơ làm tăng trưởng thế giới sụt giảm và gây hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán.


Cho dù hiện nay việc nhập khẩu xe hơi lắp ráp tại châu Âu vẫn chưa bị ảnh hưởng, nhưng Washington cho rằng 65 tỉ đô la thặng dư thương mại giữa Đức và Mỹ là không thể chấp nhận được, nên hồ sơ xe hơi sắp tới sẽ nằm trong tầm ngắm. Chính quyền Đức hôm qua cảnh báo, lời đáp trả cho « Nước Mỹ trước hết » sẽ là « Châu Âu đoàn kết ».


Các đồng minh của Hoa Kỳ đang sẵn sàng trả đũa. La Croix dẫn lời ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Viễn cảnh và Thông tin Quốc tế (CEPII) nhận định : « Sự leo thang này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại tai hại cho tất cả các bên, nhưng hiện giờ chưa đến mức đó. Nguy cơ thực sự là cách thức Hoa Kỳ hoàn toàn dựa vào sức mạnh đơn phương, có thể phá vỡ các khung luật pháp mà cho đến nay vẫn giúp giải quyết những tranh chấp thương mại »./