Vì sao TQ ráo riết giục Bangkok xây kênh đào xuyên Thái Lan?

06 Tháng Hai 20185:49 CH(Xem: 13916)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  SÁU 07 FEB  2018


Vì sao Trung Quốc ráo riết giục Bangkok xây kênh đào xuyên Thái Lan?


05/02/2018


-Ý tưởng xây dựng kênh đào Kra nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông, cắt ngang bán đảo phía nam của Thái Lan dù xuất hiện từ hàng trăm năm trước nhưng gặp phải nhiều rào cản khiến Bangkok chưa thể bắt tay xây dựng. Trung Quốc hiện được cho là đang tăng cường vận động dự án này vì nhiều lý do chiến lược.


Dự án thai nghén suốt 400 năm


Theo báo Strait Times, dự án kênh đào Kra, dài khoảng 102 km, dự kiến mất khoản 8-10 năm xây dựng, sẽ cắt qua Kra Isthmus, cổ chai hẹp nhất ở miền Nam Thái Lan, nối liền Vịnh Thái Lan với biển Andaman.


Lợi ích của kênh đào Kra là các tàu thuyền đi từ Ấn Độ Dương tới Biển Đông có thể cắt ngắn được lộ trình lên tới 1.200km vì không cần phải đi qua Singapore và bán đảo Malaysia, tiết kiệm được tới 72 giờ đi lại.


Ngoài ra, các tàu buôn từ Ấn Độ Dương muốn đi qua khu vực Đông Bắc Á cũng không cần phải đi qua eo biển Malacca, vốn đã quá tải và hoạt động cướp biển đang ngày càng gia tăng những năm gần đây.


image003

Tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông qua kênh đào Kra ngắn hơn qua eo biển Malacca rất nhiều.


Chuyên gia hàng hải Jinsong Zhao, thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, nhận định kênh đào Kra sẽ đặt Thái Lan ở vị trí trung tâm trong “cuộc cách mạng lần 3″ của vận tải thương mại toàn cầu, khi thương mại điện tử đòi hỏi sự nhanh chóng trong khâu vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tuyến đường biển qua Malacca hiện nay bị đánh giá là mất quá nhiều thời gian.


Tuy nhiên, chi phí ước tính để xây dựng kênh đào này rơi vào khoảng 28 tỷ USD. Ngoài khó khăn về tài chính, một lý do khiến kênh đào Kra gây tranh cãi suốt nhiều thế kỷ ở Thái Lan vì sẽ chia cắt vương quốc nụ cười ra làm đôi theo đúng nghĩa đen.


Giới bảo hoàng kỳ cựu nhấn mạnh con kênh này, nếu được đào, sẽ rộng hơn cả Chao Phraya – con sông chảy ngang qua thủ đô Bangkok được nhiều người Thái xem là trái tim tâm linh của đất nước.


Ý tưởng đào kênh Kra trên thực tế lần đầu tiên được đưa ra bởi Quốc vương Thái Lan Narai năm 1677 nhưng gặp nhiều tranh cãi và rào cản khiến nó chìm xuống.


Những năm 1870, sau khi kênh đào Suez ra đời, chứng minh sức mạnh con người có thể tạo ra kỳ tích, ý tưởng đào kênh Kra lại nổi lên ở Thái Lan.


Tuy nhiên, hiệp ước Anh-Thái năm 1946 cấm chính phủ Bangkok xây dựng một kênh đào như vậy mà không có sự đồng ý trước của chính phủ Anh. Lý do là người Anh quan ngại kênh đào Kra sẽ đe dọa sự thống trị của Singapore – khi đó đang là thuộc địa của Anh – trong vai trò là trung tâm vận chuyển của khu vực.


Nhưng giấc mơ về kênh đào Kra chưa bao giờ tắt trong trái tim nhiều người Thái. Giấc mơ kênh đào Kra liên tục hồi sinh trong những năm 1950, những năm 1970, thường khi một chính quyền mới lên nắm quyền ở Thái Lan và hiện nay, dự án này được cho là đang nhận được sự quan tâm và thúc đẩy rất lớn từ phía Trung Quốc.


Lý do Trung Quốc theo đuổi dự án kênh đào Kra


image004

Thái Lan và Trung Quốc được cho là đã ký biên bản ghi nhớ về kênh đào Kra dù chính quyền hai nước không chính thức xác nhận việc này.


Báo Asia Times dẫn các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Thái Lan cho biết, tân đại sứ Trung Quốc tại Bangkok Lyu Jian gần đây đã liên tục nhắc lại trong các cuộc gặp cấp cao giữa 2 bên rằng “Trung Quốc hình dung kênh đào Thái Lan là một phần của sáng kiến hạ tầng toàn cầu Vành đai – con đường trị giá 1.000 tỉ USD”.


Theo giới quan sát, đây dường như là lần đầu tiên Bắc Kinh tích cực vận động công trình kênh đào Kra như một phần của “Vành đai – con đường”, dù hiện tại Trung Quốc đã liên kết sáng kiến hạ tầng này với hành lang kinh tế phía đông của Thái Lan, bao gồm một đường sắt cao tốc nối hai nước chạy xuyên qua Lào vừa động thổ vào tháng 12.2017.


Ông Pakdee Tanapura – giám đốc quốc tế của Hiệp hội Kênh đào Thái Lan (TCA), nếu Trung Quốc tham gia dự án kênh đào Kra, các thách thức về tài chính và kỹ thuật  được cho sẽ không còn là rào cản nữa. Ông Pakdee cũng tiết lộ Bắc Kinh đã cử đại diện là các doanh nghiệp Hong Kong và Macau với nhiều kinh nghiệm toàn cầu tiếp xúc với các nhân vật thuộc Hoàng gia Thái.


Trước đó, trong một hội nghị được tổ chức ở Bangkok vào tháng 9.2017, chuyên gia hàng hải Trung Quốc Jinsong Zhao cũng nhấn mạnh: “Gửi đến các bạn Thái của tôi: Đừng lãng phí thời gian, đừng hoãn dự án này. Chúng tôi có công nghệ, chúng tôi có năng lực, chúng tôi có tiền, chúng tôi rất vui lòng được giúp đỡ. Nó tốt cho Thái Lan, châu Á và cả thế giới”.


Theo giới phân tích, việc Bắc Kinh sốt sắng thúc đẩy việc xây dựng kênh đào Kra ngoài lợi ích kinh tế còn xuất phát từ những lý do chiến lược.


Đầu tiên là, một tuyến đường biển ngắn hơn sẽ giúp Trung Quốc tiết kiệm thời gian và chi phí khi nhập khẩu dầu từ châu Phi và Trung Đông. Lưu thông hàng hải tại các cảng của Trung Quốc ở Thượng Hải, Hong Kong và Thâm Quyến cũng được dự đoán sẽ tấp nập, bận rộn hơn nhờ dự án này.


Ngoài ra, một lý do chiến lược khiến Bắc Kinh dành sự quan tâm cực lớn đến kênh đào Kra là do bởi các căng thẳng mạnh mẽ giữa quốc gia này với nhiều nước Đông Nam Á liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực.


Theo đó, trong trường hợp eo biển Malacca phải bị đóng do căng thẳng gia tăng, kênh đào Kra sẽ là mạch giao thông sống còn cho việc vận chuyển dầu khí nhập khẩu về Trung Quốc.


Tuy nhiên, theo Asia Times, hiện các nhà vận động kênh đào của Thái nghiêng về phương án xây dựng một liên minh các nhà đầu tư – tài trợ quốc tế hơn nhằm tránh tình trạng quốc gia duy nhất (Trung Quốc) hưởng lợi từ kênh đào và các hạ tầng cảng liên quan.


“Đó phải là một công ty Thái dẫn dắt và không được quá giống Trung Quốc” – cựu tư lệnh Saiyud thẳng thắn nêu quan điểm.


Trong một nỗ lực “lobby”, TCA – tổ chức gồm nhiều cựu chiến binh cao cấp thuộc quân đội Thái gần đây đã đổi tên dự án kênh đào từ “Kra” thành “Thái” – mang ý nghĩa đây là công trình dành cho tất cả người Thái, theo đúng di huấn của cố quốc vương Bhumibol rằng việc xây kênh đào phải do người dân quyết định.


(Theo Dân Việt)