Cuộc đua ngoài không gian: Trung Quốc là đối thủ mới của Mỹ

28 Tháng Mười Hai 20177:14 CH(Xem: 12637)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  SÁU  29  DEC  2017


Cuộc đua ngoài không gian: Trung Quốc là đối thủ mới của Mỹ


- Tổng thống Trump muốn đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng


29/12/2017


Chính phủ Mỹ đã ký quyết định tái khởi động chương trình đưa người trở lại Mặt Trăng. Kế hoạch này có thể tạo ra cuộc đua không gian mới nhưng đối thủ lần này sẽ là Trung Quốc.


Ngày 11/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh “Chỉ thị Chính sách Không gian 1”, yêu cầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) tập trung vào kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng. Lần cuối cùng Mỹ đưa phi hành gia tới Mặt Trăng là vào tháng 12/1972 trong sứ mệnh Apollo 17.


Phát biểu tại lễ ký chính sách không gian mới, Tổng thống Trump nói rằng chính sách mới là bước đầu tiên để “khôi phục sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực không gian vũ trụ”. Ông cảm ơn khách mời Harrison “Jack” Schmitt, một trong những người Mỹ cuối cùng trở lại Mặt Trăng 45 năm trước. Tổng thống Mỹ cam kết rằng ông Schmitt sẽ không phải là người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng.


Chính sách không gian mới tập trung vào thăm dò và khám phá khả năng của con người trong vũ trụ: “Lần này, chúng ta không chỉ cắm lá cờ và để lại dấu chân, chúng ta sẽ thiết lập một nền tảng cho sứ mệnh cuối cùng trên sao Hỏa”, Tổng thống Trump nói trong lễ ký.


Vì sao Mỹ muốn trở lại Mặt Trăng?


Một số nhà phân tích đặt câu hỏi vì sao Mỹ muốn trở lại Mặt Trăng sau sứ mệnh Apollo 17 cách đây 45 năm.


Mỹ luôn là quốc gia tiên phong trong nhiều lĩnh vực, trong đó có không gian vũ trụ. Cuộc đua không gian giữa Mỹ và Liên Xô những năm Chiến tranh Lạnh là một trong những chương thú vị nhất của lịch sử hiện đại.


image005

Tàu vũ trụ Apollo 17 hạ cánh trên Mặt Trăng vào tháng 12/1972. Ảnh: NASA.


Theo National Interest, cuộc đua không chỉ là sự cạnh tranh giữa 2 siêu cường. Nỗ lực vượt qua nhau đã tạo ra những đột phá về công nghệ mà trước đó từng được xem là không thể. Nó thúc đẩy sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế.


Các chuyên gia kinh tế nhận định chính sách không gian mới của Tổng thống Trump sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Robert Lightfoot, một quản trị viên của NASA nói: “NASA mong muốn hỗ trợ chính sách của tổng thống về chiến lược, sắp xếp công việc để đưa người trở lại Mặt Trăng và sao Hỏa, cũng như các sứ mệnh không gian xa hơn”.


NASA sẽ thu hút những nhân tài xuất chúng trong lĩnh vực công nghiệp tư nhân cũng như chính phủ và các đối tác trên khắp thế giới, nhằm tạo ra cột mốc mới trong thành tựu của con người. Chỉ thị không gian mới được xem là bước quan trọng để đạt được các mục tiêu chiến lược vạch ra bởi Hội đồng Không gian Quốc gia.


Chinh phục không gian vũ trụ không đơn giản chỉ là một lĩnh vực về khoa học công nghệ. Nó là một bằng chứng cho sức mạnh của quốc gia. Giới phân tích nhận định chỉ thị không gian mới của Tổng thống Trump là một phần trong cam kết đưa nước Mỹ trở nên vĩ đại. Điều mà ông Trump từng tuyên bố trong quá trình tranh cử.


Trung Quốc có thể là đối thủ


Không gian luôn được xem là “khu vực chiến lược” tác động trực tiếp đến an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia. Làm chủ không gian, đồng nghĩa với việc nắm ưu thế chiến lược. Cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô là động lực chính thúc đẩy cuộc chạy đua làm chủ không gian.


image006

Tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc được phóng lên và mang theo vệ tinh nhân tạo. Ảnh: Spaceflight.


Thập niên 50-60 của thế kỷ trước, thế giới ghi nhận nhiều lần “đầu tiên” khi nói về cuộc chạy đua không gian giữa Washington và Moscow. Năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik 1. Cũng trong năm đó, Moscow đưa động vật đầu tiên lên quỹ đạo.


Năm 1958, Liên Xô phóng vệ tinh sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên. Tháng 4/1961, Liên Xô thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên trên quỹ đạo. Một tháng sau Mỹ thực hiện điều tương tự. Năm 1962, Mỹ phóng vệ tinh truyền thông đầu tiên.


Cuộc chạy đua không gian đã tạo ra cuộc cách mạng truyền thông vệ tinh giúp kết nối mọi nơi trên thế giới. Ngày nay, nhân loại đang hưởng lợi rất nhiều từ những thành tựu công nghệ trong cuộc chạy đua đó. Cuộc chạy đua không gian giữa hai nước bắt đầu giảm nhiệt từ năm 1975, khi Mỹ kết thúc chương trình Apollo.


Giới phân tích nhận định, chính sách không gian mới của Mỹ sẽ khởi động cuộc chạy đua không gian 2.0 nhưng đối thủ lần này có thể là Trung Quốc. Bắc Kinh đã cho thấy tham vọng rất lớn trong việc chinh phục không gian và đạt được rất nhiều thành tựu.


Tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc ngày càng được tin cậy. Từ năm 2003, Trung Quốc đã phóng 5 vệ tinh có người lái, thực hiện 3 chuyến đi bộ ngoài không gian. Trong khi Mỹ phải thuê tàu con thoi Soyuz của Nga để tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Trung Quốc có tàu con thoi riêng.


Tàu Thần Châu được thiết kế dựa trên Soyuz của Nga nhưng nó cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng một trạm không gian riêng mang tên Thiên Cung vào năm 2020. Trung Quốc dự định đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2025.


Richard A. Bitzinger, nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore nhận xét năng lực không gian hiện nay của Trung Quốc tương đương với Mỹ. Từ năm 2012 đến nay, Bắc Kinh đã thực hiện thành công 58 vụ phóng vệ tinh, so với 72 của Mỹ.


Trước khi Tổng thống Trump ký chỉ thị không gian mới, Mỹ và Nga không có chương trình không gian riêng nào ngoài hoạt động chung ở ISS. Trung Quốc “một mình một ngựa” trên đường đưa người đến Mặt Trăng.


Giới phân tích kỳ vọng sự trở lại của Mỹ sẽ tạo ra cuộc đua không gian 2.0, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ hơn nữa của nhân loại trong việc chinh phục không gian vũ trụ.


Tổng thống Trump muốn đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng


11/12/2017


Ông chủ Nhà Trắng ký chỉ thị về việc đưa các phi hành gia Mỹ quay lại Mặt Trăng và thậm chí là Sao Hỏa trong tương lai.


Reuters dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký "Chỉ thị Chính sách Không gian 1" nhằm yêu cầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) triển khai chương trình thăm dò không gian đưa các phi hành gia Mỹ quay lại Mặt Trăng và cả Sao Hỏa.


"Tổng thống sẽ thay đổi chính sách đưa con người vào vũ trụ để nước Mỹ trở thành động lực chính trong ngành công nghiệp này", Phó phát ngôn viên Nhà Trắng, Hogan Gidley, thông báo. 


Ông Hogan cho biết quyết định này của tổng thống Mỹ dựa trên khuyến nghị từ Hội đồng Không gian Quốc gia.


image004

Phi hành gia Mỹ từng đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1968. Ảnh: Getty


Ông Trumpđặc biệt quan tâm đến các chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ. Hồi tháng 2, ông bày tỏ mong muốn nghiên cứu việc đưa phi hành gia lên tàu phóng tên lửa hạng nặng Orion của NASA. Từ đó, nghiên cứu khả năng đưa con người quay trở lại Mặt Trăng. 


Trước đó, việc phóng tàu vũ trụ Orion được dự kiến là sứ mệnh không người lái và sẽ được khởi động vào năm 2018.


Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, NASA đã tiến hành nghiên cứu phóng tên lửa hạng nặng dựa trên Hệ thống Phóng Vũ trụ (SLS) và việc đưa tàu vũ trụ Orion vào không gian với mục đích mang các nhà du hành vũ trụ đến một tiểu hành tinh vào giữa năm 2020, sau đó là đưa đoàn thám hiểm lên Sao Hỏa trong năm 2030.


Nếu kế hoạch ghé thăm Mặt Trăng được thông qua, các phi hành gia sẽ bay trên tàu vũ trụ Orion do hãng Lockheed Martin phát triển, di chuyển xung quanh Mặt Trăng trong chuyến bay từ 8 đến 9 ngày, tương tự như những gì mà thành viên phi hành đoàn tàu Apollo 8 thực hiện trong năm 1968.


Neil Armstrong và Buzz Aldrin cắm cờ trên mặt trăng Ngày 20/7/1969, hai nhà du hành Neil Armstrong và Buzz Aldrin làm nên lịch sử khi cắm lá quốc kỳ Mỹ trên bề mặt mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 11.


Trung Hiếu (tổng hợp)
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1297)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1457)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?