“Ấn Độ-Thái Bình Dương”: Trọng tâm Chiến Lược An Ninh mới của Mỹ

21 Tháng Mười Hai 201710:15 CH(Xem: 12519)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  SÁU  22  DEC  2017


“Ấn Độ-Thái Bình Dương”: Trọng tâm Chiến Lược An Ninh mới của Mỹ


image005Đội hình chiến hạm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore nhân cuộc tập trận Malabar năm 2007. Ảnh tư liệu chụp ngày 05/09/2007.Ảnh : US Navy


Ngày 18/12/2017, chính phủ Mỹ công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) mới, chiến lược đầu tiên thời tổng thống Trump. Bên cạnh vấn đề được chú ý hàng đầu là việc Washington coi Nga và Trung Quốc như hai đối thủ chính (1), đe dọa trực tiếp « các giá trị và lợi ích » của Hoa Kỳ, có một điểm ít được chú ý hơn nhưng không kém phần ý nghĩa. Đó là « lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương » được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, như nhận xét của một chuyên gia về Nam Á và quan hệ Mỹ-Ấn Độ. Cùng với sự thay đổi này, Ấn Độ trở thành một đối tác chiến lược hàng đầu của nước Mỹ.


Bà Alyssa Ayres, chuyên gia viện tư vấn CFR (Council on Foreign Relations), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại New York, nhận định : « đây là lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được dẫn ra trong một Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (của Mỹ), cho dù văn bản năm 2002 của tổng thống George W. Bush từng nói đến các hành lang biển Ấn Độ Dương » (2). Trong chiến lược mới lần này, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được xếp số một, đứng trên châu Âu và Trung Đông, đây là điều mà nhà nghiên cứu đáng giá là « thay đổi lớn nhất » so với thời tổng thống tiền nhiệm Obama.


Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khái niệm địa lý chiến lược mới được Mỹ và các đồng minh cổ vũ trong ít năm gần đây. Khu vực này bao gồm vùng biển bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ tây Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Trump, khu vực « dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế » này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho « tự do », bên kia chủ trương dùng « vũ lực ».


Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc « thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông », thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ. Nhiều nước trong khu vực đang kêu gọi Mỹ can dự mạnh mẽ hơn, để bảo vệ ổn định khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Mỹ hoan nghênh việc Ấn Độ đang trỗi dậy như « một cường quốc hàng đầu thế giới », « một đối tác về quốc phòng và chiến lược có trọng lượng hơn », đồng thời kêu gọi gia tăng hợp tác giữa Mỹ-Ấn Độ-Nhật-Úc, tức nhóm đồng minh Bộ Tứ, tại khu vực chiến lược này (cùng với các đồng minh hay đối tác Đông Nam Á, như Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore).


Về thay đổi lớn nói trên, chuyên gia Felix K. Chang, viên tư vấn Foreign Policy Research Institute (có trụ sở tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ), nhận xét : trong Sách Trắng về đối ngoại của chính quyền Úc – một thành viên của Bộ Tứ -, công bố hồi tháng 11, cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương được nhắc đến tổng cộng 74 lần, trong khi đó, cái tên châu Á – Thái Bình Dương chỉ được dẫn bốn lần. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng nhiều lần cố tình sử dụng cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương để thay thế cho châu Á – Thái Bình Dương, vốn được coi là trọng tâm của chủ trương tái bố trí chiến lược nổi tiếng thời tổng thống Obama, với tên gọi « xoay trục ».


Phản ứng của Ấn Độ


Chiến lược mới của tổng thống Trump có thể nói là sự nối tiếp chiến lược xoay trục sang châu Á của tổng thống tiền nhiệm - cho dù thay đổi tên gọi, nhưng khác biệt lớn nhất ở đây là Ấn Độ trở thành một trung tâm trong chiến lược hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh, nhằm đối phó hiệu quả hơn với trọng lượng ngày càng gia tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại châu Á. Ấn Độ phản ứng ra sao trước thay đổi nói trên trong chiến lược an ninh mới của Mỹ ?


Theo báo chí Ấn Độ, ngày hôm qua 19/12, ngay sau khi chiến lược mới được Washington công bố, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã đánh giá cao việc Mỹ khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn có một ý nghĩa chiến lược « quan trọng », đồng thời nhấn mạnh « hai quốc gia dân chủ có trách nhiệm (tức Ấn Độ và Hoa Kỳ) chia sẻ các mục tiêu chung, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, cổ vũ cho hòa bình và an ninh trên toàn cầu », trong đó có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.


« Hội nhập toàn diện » hay « Chiến tranh Lạnh mới » : Hai viễn cảnh


Tuy nhiên, việc Mỹ đưa Ấn Độ trở thành trọng tâm trong chiến lược an ninh mới, với vùng địa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng nhận được một số phản ứng dè dặt từ giới chuyên gia.


Nhà chiến lược hàng hải người Ấn Độ Gurpreet S. Khurana, giám đốc điều hành của Quỹ National Maritim Foundation (có trụ sở tại New Delhi) dự đoán về hai triển vọng tương lai của chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương », nhằm đối trọng với Trung Quốc. Chiến lược gia Gurpreet S. Khurana, được coi là người đầu tiên đề xuất khái niệm địa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, tỏ ra hết sức dè dặt (3).


Theo ông, kịch bản tích cực của chiến lược này là coi « Ấn Độ - Thái Bình Dương » là một « vùng mở rộng cho hội nhập ». Với quan niệm như vậy « khuôn khổ lý thuyết » này sẽ cho phép hội nhập Trung Quốc vào các chuẩn mực ứng xử quốc tế tại một khu vực địa lý, vốn là nơi có nhiều tranh chấp giữa các cường quốc, và hòa bình và thịnh vương chung sẽ được bảo đảm, nếu làm được như vậy. Ngược lại, khu vực kinh tế trung tâm của hành tinh sẽ trở thành đấu trường giữa các thế lực, nhằm áp đặt sự thống trị của mình. Ấn Độ - Thái Bình Dương rất có thể sẽ trở thành trận địa chính của « cuộc Chiến tranh Lạnh mới », giữa Mỹ cùng các đồng minh, chống lại Trung Quốc.


Nhật : Vừa mở rộng cửa, vừa sẵn sàng ứng phó


Trước mắt, mở rộng cánh cửa để Trung Quốc hội nhập vào dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là quan điểm hiện nay của chính phủ Nhật, một thành viên trụ cột của Bộ Tứ, cùng với Hoa Kỳ.


Theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản hôm Chủ nhật 18/12 thông báo lập trường của Tokyo hiện nay là cổ vũ việc phối hợp dự án khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với dự án phát triển xuyên biên giới tại châu Á của Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi là « Một Vành Đai, Một Con Đường ». Mà thông tin tại chỗ ở nhiều nơi cho thấy đang gặp khó khăn (4).


Cũng trong đầu tháng 12 này, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định ông « tin tưởng » Nhật Bản có thể hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, trong dự án mà Trung Quốc chủ trì, cùng lúc với việc thúc đẩy một vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương « rộng mở và tự do ».


Theo Kyodo, thái độ nói trên của chính phủ Nhật có phần gây lo ngại cho nhiều giới chức trong bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng nước này, họ sợ rằng chính phủ Nhật - ưu tiên các lợi ích kinh tế - sẽ có những nhân nhượng với Trung Quốc.


Trên thực tế, Tokyo một mặt mở rộng cửa với Trung Quốc, mặt khác cũng chuẩn bị các biện pháp đề phòng tham vọng của Bắc Kinh. Vẫn Kyodo cho hay hôm 14/12 vừa qua, lãnh đạo Ngoại Giao và Quốc Phòng Nhật Bản đã có cuộc họp với các đồng nhiệm Anh Quốc tại Luân Đôn. Bên cạnh hồ sơ Bắc Triều Tiên, dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trọng tâm của cuộc hội đàm. Luân Đôn không loại trừ triển khai hải quân trong tương lai tại khu vực này, để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc. ?(theo Trọng Thành  20-12-2017)


----


(1) Bài : Donald Trump : « Nga và Trung Quốc phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ » (19/12/2017, RFI)


(2) Trong bài : "More Prominence for India and the Indo-Pacific in the U.S. National Security Strategy", đăng tải trên trang của viện tư vấn CFR (cfr.org), ngày 19/12/2017.


(3) "Trump’s new Cold War alliance in Asia is dangerous", Mục "quan điểm" báo washingtonpost.com, ngày 14/12/2017.


(4) Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc : Ngổn ngang bế tắc (13/11/2017, RFI)