Trump: “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, Tập: “Giấc mộng Trung Hoa”

19 Tháng Mười Một 20175:34 CH(Xem: 13741)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  HAI 20  NOV  2017


image021


Tổng thống Trump và chiến lược 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương'


Dân Trí


17/11/2017


image022

Ảnh: US Navy


Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ


Ngày 18/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington.


Kể từ đó trở đi, chính quyền Mỹ bắt đầu sử dụng cách nói “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để thay thế cho chiến lược “châu Á-Thái Bình Dương” của cựu tổng thống Barack Obama.


Chiến lược này trở thành điểm nhấn khi Tổng thống Trump có bài phát biểu tại APEC CEO Summit 2017 vào ngày 10/11 ở Đà Nẵng. Trong đó, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã trở thành một trong những từ khóa quan trọng nhất trong bài phát biểu của Trump tại Đà Nẵng.


Người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Hôm nay tôi có mặt ở đây để đề nghị làm mới mối quan hệ đối tác với Mỹ, cùng nhau hành động nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và thương mại giữa tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng nhau thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta… Ở trung tâm của mối quan hệ đối tác này, chúng tôi đang tìm kiếm mối quan hệ thương mại vững chắc dựa trên cơ sở công bằng và có đi có lại”.


Tổng thống Trump còn cho biết sẵn sàng ký kết hiệp định thương mại song phương với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mong muốn trở thành đối tác của Mỹ, muốn tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và cùng có lợi.


Trước đó, trong bài phát biểu với tiêu đề “Định nghĩa lại quan hệ Mỹ-Ấn trong thế kỷ mới”, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm tất cả các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương sẽ là bộ phận quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ 21.


Ông Tillerson cũng cho biết Mỹ cần tăng cường hợp tác với Ấn Độ nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực ngày càng hòa bình, ổn định và phồn vinh, không trở thành một khu vực hỗn loạn, xung đột và cướp đoạt về kinh tế.


Không lâu sau khi Ngoại trưởng Tillerson trình bày khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, chính phủ Mỹ đã triển khai rất nhiều hoạt động ngoại giao tại khu vực này. Từ ngày 20 đến 26/10, ông Tillerson đã thực hiện các chuyến thăm đến các nước dọc phía Bắc Ấn Độ Dương từ Saudi Arabia, Qatar đến Afghanistan và Iraq, tiếp đó đến Pakistan và Ấn Độ.


Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thủ đô Manila của Philippines để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, sau đó lần lượt đi thăm Thái Lan và Hàn Quốc.


Hành trình của hai bộ trưởng Mỹ dường như đã bước tới toàn bộ khu vực phía Nam và rìa phía Đông của lục địa Á-Âu, trong đó đã đến rất nhiều quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Mỹ đang dần hình thành chính sách đối với châu Á


Trước chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, các chuyên gia phân tích đã đưa ra nhiều nhận định cho rằng, Tổng thống Trump có thể trình bày chính sách mới về châu Á tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng.


Đặc biệt, đêm trước chuyến công du châu Á của ông Trump, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert McMaster cũng cho biết một trong ba mục tiêu mà Tổng thống Trump hướng đến trong chuyến đi này là phải thúc đẩy xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.


Và việc ông Trump đề cập tới khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" trong bài phát biểu tại APEC CEO Summit 2017 ở Đà Nẵng được cho là chỉ dấu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á.


Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 15/11 đăng bài viết nhận định rằng chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới châu Á tuy chỉ đạt được một số ít thành công cụ thể, song đã tạo ra được sự thay đổi khái niệm quan trọng cho chiến lược của Mỹ tại khu vực đó là xác định khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".


Thuật ngữ "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và những ẩn ý chính sách kèm theo đó là chỉ dấu quan trọng cho thấy Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực như thế nào để định hình chính trị, hoặc chí ít là cho thấy quan điểm của những nước này.


Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat ngày 11/11, Patrick M. Cronin - Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ nhận định: chuyến thăm 5 nước châu Á của Trump chứng tỏ sự bắt đầu chiến lược “chuyển hướng sang châu Á” của Mỹ. Theo ông, qua một loạt bài phát biểu và tham dự các hội nghị cấp cao, Trump đã trình bày quan điểm của mình đối với một khu vực phồn vinh rộng lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ. Và bài phát biểu của Trump tại Đà Nẵng đã minh họa rõ cho chính sách mới của Mỹ đối với châu Á.


Chủ trương chính sách của Chính quyền Trump là trên cơ sở duy trì và củng cố mối quan hệ với các đồng minh tốt nhất, mạnh mẽ nhất với Chính phủ Mỹ trước đây như Hàn Quốc và Nhật Bản, mở rộng chúng tới các đối tác mới, nhất là Ấn Độ, vì vậy gọi là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tìm cách thông qua sự cạnh tranh và cân bằng trong thời gian dài để đối phó với sự khuếch tán quyền lực xuất hiện ở châu Á.


Trước đó, minh chứng cho việc Mỹ không rời khỏi châu Á-Thái Bình Dương chính là việc để Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc để James Mattis lần đầu tiên tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, là Trump có ý đồ lợi dụng phương thức với quy cách cao đó để nhấn mạnh sự coi trọng của ông đối với khu vực này. Tín hiệu mà ông muốn truyền đi là: Mỹ sẽ không rời khỏi châu Á-Thái Bình Dương”.


Mặc dù Chính quyền Trump cố gắng tránh sử dụng khái niệm “châu Á-Thái Bình Dương” trong quá khứ, nhưng một số chuyên gia cho rằng “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” không phải là khái niệm mới, cũng không vượt qua khuôn khổ truyền thống tiếp xúc với châu Á của Mỹ.


“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Chính quyền Trump ở góc độ nào đó cũng giống với đường lối “tái cân bằng châu Á- Thái Bình Dương” của cựu tổng thống Brack Obama.


Trước thềm chuyến thăm, nhiều người vẫn lo ngại về sự thiếu vắng một chiến lược cố kết cho sự cam kết trong khu vực, vốn đã định hình các lợi ích chiến lược, kinh tế, ngoại giao và chính trị của Mỹ ở châu Á.


Tuy nhiên, chuyến công du lần này, và cách hành xử của ông Trump và đặc biệt là việc nhấn mạnh tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy các dấu hiệu đầy hứa hẹn rằng ít nhất khi vực Đông Á vẫn nhận được sự quan tâm của Mỹ.


Và việc ông Trump liên tục đề cập đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương dưới cái tên "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" chứng tỏ ý tưởng này đóng vai trò trung tâm như thế nào trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Trump. Theo Đức Thức Tiền phong


Vì sao Tổng thống Trump liên tục nhắc cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương?


Dân trí Một thuật ngữ được Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắc đến trong chuyến công du châu Á tuần qua là “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Giới quan sát cho rằng, đây là tín hiệu cho một chiến lược chính sách mới của Mỹ ở khu vực.


image007

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)


Theo tạp chí Diplomat, qua các hội nghị và các bài diễn văn trong chuyến công du tới 5 quốc gia châu Á tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dần định hình chiến lược của Mỹ hậu “xoay trục sang châu Á”. Đó là quan điểm về duy trì thịnh vượng, hòa bình ở một khu vực rộng lớn hơn có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ.


Trong bài phát biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng hôm 10/11, nhà lãnh đạo Mỹ đã phác thảo ra chính sách của Mỹ ở châu Á trong những năm tới. Thay vì dùng thuật ngữ châu Á-Thái Bình Dương, ông Trump dùng cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” khi nói về chính sách ở khu vực. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, Mỹ không tìm cách thống trị, mà chỉ muốn hợp tác với các quốc gia mạnh, độc lập và sẵn sàng “chơi theo luật”.


Giới quan sát cho rằng, chính sách đó rõ ràng nhằm tạo ra đối trọng với “Giấc mơ Trung Hoa” và Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh.


Đặt trọng tâm vào Ấn Độ


image012

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm hồi tháng 10/2017. (Ảnh: Reuters)


Cụm từ “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” bắt nguồn từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cách đây hơn 1 thập niên, Tổng thống Trump đã “mượn” cụm từ đó để kêu gọi các quốc gia có chung lý tưởng hợp tác với nhau trên nguyên tắc “có đi có lại” cũng như hợp tác về an ninh kinh tế, quân sự.


Việc lựa chọn cụm từ này của Nhà Trắng cho thấy Mỹ tiếp tục chính sách xoay trục của chính quyền tiền nhiệm nhưng mở rộng hơn.


Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhận định: “Thuật ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương là khái niệm mở rộng của khu vực, vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nhấn trọng tâm vào Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Điều này mở đường cho liên minh 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.


Liu Zongyi, chuyên gia cấp cao tại Viên nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Thượng Hải, nhận định, điều này nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách khu vực của Mỹ, coi Ấn Độ là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.


Takashi Terada, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Doshisha thì cho rằng, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương làm sáng tỏ lập trường đa phương hóa của Mỹ ở châu Á. Cụ thể, Mỹ muốn lập ra một liên minh trong đó cả Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để tạo ra trật tự kinh tế khu vực dựa trên nguyên tắc. Ngoài ra, đó có thể là cách Mỹ duy trì niềm tin ở các quốc gia khác trong khu vực, các nước sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng vẫn khá thận trọng.


Tạp chí Diplomat cho biết, ngoài Ấn Độ, Tổng thống Trump cũng mong muốn mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia. “Quan hệ với Singapore và đồng minh then chốt Australia vẫn có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực”, tờ báo nhận định.


Trung Quốc nói gì?


image023

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: Reuters)


Một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” cho thấy mong muốn của Washington trong việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trong khu vực. “Chúng tôi có mối quan hệ ngày càng bền chặt với Ấn Độ. Chúng tôi nói đến một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là bởi cụm từ này cho thấy tầm quan trọng về sự trỗi dậy của Ấn Độ”.


Mặt khác, quan chức này khẳng định, chính sách này không nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.


Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng không đặt nặng mối lưu tâm tới thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" của chính quyền Tổng thống Trump vì cho rằng cụm từ này đã sử dụng quá nhiều lần.


Zhang Jun, Vụ trưởng Vụ quan hệ kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng cho rằng: "Tổng thống Trump nói nó không nhằm vào Trung Quốc, nên không có lý do gì nghĩ rằng nó nhằm vào Trung Quốc".


Bất chấp những khẳng định này, Rory Medcalf chuyên gia về an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương rõ ràng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong một khu vực rộng lớn hơn”.


Jia Wenshan, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế hóa, cho rằng: “Trung Quốc không nên coi nhẹ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Trump bởi Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã ở một liên minh khác với chiến lược phát triển của Trung Quốc ở khu vực”.Minh Phương Tổng hợp


Thứ hai, 06/11/2017 - 19:19


Hé lộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump


Dân trí Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã không dùng tên gọi “Châu Á - Thái Bình Dương” cho vùng lãnh thổ và lãnh hải từ Australia tới Ấn Độ, thay vào đó họ sử dụng thuật ngữ mới có tên “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Đây được cho là động thái mang tính chính trị của Washington.


image013

Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)


Theo AP, chính quyền ông Trump dường như đã đặt lại tên cho khu vực “châu Á- Thái Bình Dương”, khu vực mà Mỹ luôn hiện diện một cách ôn hòa và ổn định. Bằng chứng là, trong giai đoạn ông Trump chuẩn bị thực hiện chuyến công du lần đầu đến châu Á trong nhiệm kỳ Tổng thống, các quan chức Nhà Trắng và ngay cả Tổng thống đều sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”.


Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster đã sử dụng thuật ngữ này khi ông tóm tắt chuyến viếng thăm chính thức với báo chí ngày 2/11. Ông Trump cũng dùng tên gọi mới này trong bài phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm 1/11.


Một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là nỗ lực từ ông Trump nhằm tạo nên sự khác biệt với người tiền nhiệm Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã chủ trương với chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương khi ông còn tại vị. Ông Obama từng khẳng định rằng Châu Á- Thái Bình Dương của thế kỷ 21 sẽ có sự hiện diện của Mỹ tại đây.


Và ông Trump dường như cũng muốn khẳng định điều này nhưng với một cách thể hiện rộng hơn và khác hơn. Bằng cách dùng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Mỹ muốn khẳng định đây là khu vực đã vượt ra ngoài sân sau của Trung Quốc và những nền kinh tế phát triển ở khu vực Đông Á.


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nêu ra quan điểm này 2 tuần trước khi ông phát biểu về việc mở rộng mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ trong bối cảnh cả New Delhi và Washington đều lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Ông Tillerson đã chia sẻ về hợp tác với các đồng minh Australia và Nhật Bản nhằm tạo dựng “quyền lực mềm” đối chọi lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong bài phát biểu, ông đã 15 lần nhắc tới cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Theo AP, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có phản hồi khi được hỏi cách gọi mới liệu có ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ ở khu vực hay không.


Thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” vốn không phải là quá mới trong giới ngoại giao thế giới khi Indonesia, Australia và Ấn Độ đã sử dụng cụm từ này trong nhiều năm qua. Tại Hawaii, điểm dừng chân đầu tiên của ông Trump trong chuyến công du 12 ngày, ông đã sử dụng một thuật ngữ khác có tên “Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương”. Đức Hoàng Theo SCMP


Tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump


Tầm nhìn mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của ông Trump được cho là đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Vậy là ông Donald Trump đã hoàn thành chuyến công du 5 nước châu Á, chuyến đi dài nhất của một Tổng thống Mỹ đến khu vực này trong vòng 25 năm qua. Chuyến công du được cho là bước ngoặt chính thức “khép lại” chính sách xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama để mở ra một chương mới, hay cũng có thể nói là “khoác một chiếc áo mới” cho chiến lược của Mỹ đối với khu vực này dưới cái tên “Ấn Độ-Thái Bình Dương”.


image024

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam. (Ảnh: Reuters)


Qua các cuộc tiếp xúc và những bài phát biểu hùng hồn, ông Trump đã phần nào đưa ra tầm nhìn khái quát về việc bảo vệ hòa bình và thịnh vượng cho một khu vực “rộng lớn, năng động và vô cùng quan trọng” đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.


Chính tại Đà Nẵng, Việt Nam, điểm dừng chân thứ tư trong chuyến công du này, ông Trump đã vạch ra chính sách chung của chính quyền mới ở Washington với châu Á trước đầy đủ các nhà lãnh đạo trong khu vực, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tập hợp quần hùng…


Cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” có thể không mới, thậm chí khá phổ biển ở Nhật Bản khi đã được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra hơn một thập kỷ trước. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “mượn” những lời này để quy tụ những nước có chung cách nghĩ và tầm nhìn để đặt ra và duy trì các nguyên tắc về tương hỗ cũng như về kinh tế và an ninh quân sự.


Bằng cách khoanh vùng khu vực dưới góc nhìn mới và bỏ qua việc lựa chọn một khẩu hiệu hành động nào đó, Nhà Trắng đã cho thấy ý định rõ ràng của Mỹ là nhấn mạnh vào sự tiếp nối chính sách hơn là sự đột ngột “xoay trục” mà ở đó, Mỹ có thể tái cân bằng hôm nay nhưng cũng sẵn sàng rút lui vào ngày mai.


Dưới nhiều góc độ, chính sách của Mỹ thực chất bắt rễ rất sâu trong lịch sử. Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị cấp cao APEC bằng việc quan sát những gì Washington đã làm được trong lĩnh vực thương mại, tự do hàng hải và an ninh ở khu vực này kể từ khi nước Mỹ giành được độc lập đến nay.


Vị Tổng thống xuất thân là doanh nhân tỷ phú này đã bày tỏ kính nể đối với sự vươn lên của châu Á bằng việc liệt kê ra hàng loạt thành tựu gần đây của những nước cụ thể.


Ông Trump ca ngợi Việt Nam ngay trong phần mở đầu của bài phát biểu và nhắc tới Indonesia như là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Ông nêu bật thành tựu của Thái Lan khi vươn lên tốp trên của nhóm các nước có thu nhập trung bình trong vòng chưa đầy một thế hệ. Còn Malaysia được ca ngợi là “một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để làm ăn kinh doanh”.


Tổng thống Mỹ cũng không quên nhắc tới sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Singapore nhờ “cung cách quản lý trung thực” trong khi bày tỏ ấn tượng với việc Philippines đi đầu ở châu Á trong việc thu hẹp khoảng cách giới tích.


Tất nhiên, ông Trump cũng ghi nhận những cải cách thị trường của Trung Quốc với việc giúp 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo. Và cuối cùng, Tổng thống Trump dùng những mỹ từ đặc biệt nhất cho 3 nền dân chủ giàu có nhất châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.


Cùng với việc nhìn lại lịch sử và tập trung vào sự năng động của châu Á, tầm nhìn của ông Trump xoáy sâu vào một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, khẳng định Mỹ không tìm cách lấn lướt mà mong muốn làm đối tác với những quốc gia mạnh mẽ, độc lập và sẵn sàng “chơi theo luật”.


“Một trong số những lợi ích của Mỹ là phải có những đối tác khắp nơi ở khu vực này và đó là những nước đang ngày càng phát đạt, thịnh vượng và không lệ thuộc vào bất cứ ai” – Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong một phát biểu được cho là nhằm giải tỏa quan ngại của khu vực về sự quyết đoán của một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh.


“Chơi theo luật”


Gần như ngay lập tức bỏ lại đằng sau những cụm từ ngoại giao hoa mỹ và giọng điệu thận trọng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhắc nhở cả thế giới rằng cung cách lãnh đạo của ông khác xa những người tiền nhiệm thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.


Ông cho rằng “mất cân bằng thương mại hiện nay là không thể chấp nhận được”, và rằng “từ ngày hôm nay trở đi chúng ta sẽ cạnh tranh trên một cơ sở công bằng và bình đẳng”. Ông khẳng định nước Mỹ sẽ không đứng yên khi các nước khác đưa ra các chính sách bán phá giá, trợ giá, thao túng tiền tệ và công nghiệp bóc lột, Washington “sẽ không thờ ơ trước hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ” hay “im lặng khi các công ty Mỹ trở thành mục tiêu tấn công tấn công kinh tế bởi các tác nhân có liên quan đến một số nhà nước”.


Nếu tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương này trở thành hiện thực thì cần phải bảo đảm tất cả các nước trong khu vực đều chơi theo luật, ông Trump nhấn mạnh.


Vốn coi thương mại và đầu tư là ưu tiên, ông Trump cho rằng “an ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia”. Nhưng với việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Mỹ tìm cách tập trung vào thương mại đầu tư tiêu chuẩn cao và các hoạt động tài chính không có những vướng mắc nguy hiểm.


Cùng với việc thúc đẩy các thể chế tài chính quốc tế hướng nỗ lực tới đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Tổng thống Trump có ý định “đưa ra những phương án thay thế cho các sáng kiến do nhà nước điều hướng, vốn mang nhiều sợi dây ràng buộc”.


Đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa”


Với việc đưa ra một bộ các nguyên tắc và lợi ích dự kiến được làm rõ hơn trong những năm tới, ông Trump đã phác thảo tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng mình – một điều rõ ràng là nhằm đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà ở đó Trung Quốc nằm ở trung tâm của vũ đài thế giới vào giữa thế kỷ này.


Tổng thống Trump hình dung ra một thế giới bao gồm các quốc gia mạnh mẽ và độc lập, tự chủ, tuân thủ các nguyên tắc chung và hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp.


“Chúng ta sẽ thật may mắn khi khi sống trong thế giới gồm những quốc gia mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, vươn lên trong hòa bình và thịnh vượng cùng các nước khác”, ông Trump nêu rõ.


Và thay vì một con đường, một cách nói gợi nhắc đến chiến lược “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ chỉ ra rằng “thế giới có rất nhiều nơi, nhiều giấc mơ và nhiều con đường”.


Ông Trump vẫn tìm cách thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Nhưng trọng tâm mới ở Washington là đảm bào rằng Mỹ vẫn duy trì được lợi thế khi đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ Trung Quốc.


Có thể nói, sứ mệnh mà ông Trump đặt ra khi vẽ nên bức tranh Ấn Độ-Thái Bình Dương là phải bảo toàn quyền lực của Mỹ trong lúc đầu tư tìm kiếm những khả năng mới cho phép nền kinh tế số một thế giới duy trì ảnh hưởng chiến lược trên toàn bộ khu vực rộng lớn và năng động này.


Tuy nhiên, chuyến công du châu Á vừa qua mới chỉ là bức phác thảo đầu tiên mà Tổng thống Trump sẽ phải đầu tư công sức trong nhiều năm nữa để hiện thực hóa nó.T(heo Diệu Hương VOV