Dưới áp lực, Trump lên án các vụ bạo động ở Charlottesville

15 Tháng Tám 20176:26 CH(Xem: 14961)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ  TƯ  16  AUGUST  2017


Dưới áp lực, Trump lên án các vụ bạo động ở Charlottesville


image007Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại quảng trường Times Square, để phản đối phe cực hữu gây bạo động tại Charlottesville. Ảnh chụp ngày 13/08/2017.REUTERS/Joe Penney


Bị chỉ trích nặng nề vì đã có thái độ mập mờ sau các vụ bạo động ở Charlottesville thứ bảy tuần trước, hôm qua, 14/08/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải thay đổi giọng điệu, lên án « các vụ bạo động kỳ thị sắc tộc ». Ông khẳng định là những kẻ gây ra bạo động sẽ trả lời trước pháp luật và chỉ đích danh những người tân phát xít, đảng KKK và những người tôn vinh chủng tộc da trắng thượng đẳng.


Chỉ cách đây hai ngày, ông Trump đã từ chối lên án các nhóm tân phát xít, mà một thành viên đã đâm xe vào đoàn biểu tình chống kỳ thị chủng tộc ở bang Virginia. Thái độ mập mờ này đã khiến nhiều người phẫn nộ, kể cả trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa. Nhưng lời lên án muộn màng hôm qua của tổng thống Mỹ vẫn không làm dịu những lời chỉ trích.


Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :


« Là chủ tịch của tập đoàn dược phẩm Merck, Kenneth Frazier cho tới hôm qua là người da đen duy nhất trong nhóm cố vấn công nghiệp của Nhà Trắng. Hôm qua, ông đã tuyên bố, xin trích, « phải bày tỏ lập trường chống thái độ thiếu khoan dung và chủ nghĩa cực đoan », cho nên ông quyết định từ chức cố vấn.


Đến tối, tổng giám đốc tập đoàn Under Armour cũng đã thông báo rút lui, mặc dù trước đó vài giờ tổng thống Trump đã cố gắng chặn đứng cuộc tranh cãi. Nếu như các vụ bạo động ở Charlottesville đã xác nhận tính chất bạo lực của phong trào cực đoan ở Hoa Kỳ, những vụ này cũng làm nổi rõ thái độ mập mờ của tổng thống Mỹ.


Những vụ bạo động ở Charlottesville đang gây nhiều tác động. Một trang web của phe cực hữu đã bị Google đóng lại. Các công ty công nghệ thông tin cũng đã thi hành nhiều biện pháp để ngăn chận các phong trào cực đoan sử dụng những dịch vụ của họ.


Thái độ chống cực đoan đang lan rộng. Một thị trưởng ở bang Kentucky cũng đã tỏ ý muốn phá bỏ bức tượng một anh hùng thời nội chiến ở thành phố của mình. Chính việc phá bỏ một bức tượng như vậy đã dẫn đến các vụ bạo động ở Charlottesville. »/(theoThanh Phương 15-08-2017)


+++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


image008

Robert E. Lee, Đại tướng Lục quân Liên minh miền Nam.
Ảnh do Julian Vannerson chụp năm 1863. Người chỉ huy Quân dội miền Nam trong cuo56c Nội chiến Hoa Kỳ (1861–1865), hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Giữa các Tiểu bang (War Between the States)


image006


Đôi nét về vị Tướng Robert E.Lee, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của ông


01/02/2007


Hôm 19 tháng giêng vừa qua, người dân Mỹ đã tường niệm sinh nhật thứ 200 của một vị tướng vẫn lưu lại sự kính mến và cảm phục trong lòng dân chúng, đó là vị tướng chỉ huy quân đội miền nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, Tướng Robert E.Lee. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí vị nghe một số chi tiết qua bài viết về một tướng lãnh của phe bại trận nhưng vẫn lưu lại trong lòng người dân những cảm tình tốt đẹp nhất. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết dưới đây.


Đối với tất cả mọi học sinh, sinh viên nào học lịch sử Hoa Kỳ, Robert E. Lee, người con trai lịch lãm của một nhà ái quốc trong thời chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ là một tên tuổi lẫy lừng. Cho đến tận ngày nay, ông vẫn được rất nhiều người Mỹ sống trong các tiểu bang miền nam xưa yêu mến. Chắc chắn những người mến mộ ông là những người da trắng, bởi lẽ tướng Lee từng là một người sở hữu nô lệ, chỉ huy các lực lượng miền nam trong cuộc nội chiến Mỹ thập niên 1860 và đã chiến đấu vô cùng dũng cảm.


Người ta vẫn thường nhớ đến những câu chuyện được thuật lại trong sử sách về quyết định khó khăn của tướng Robert E. Lee khi ông phải từ chối lời mời giữ quyền chỉ huy trong quân đội miền bắc để chọn phục vụ cho miền nam vì quê quán ông là bang miền nam Virginia, cùng những câu chuyện về đức khiêm tốn của ông trước những chiến tích lừng lẫy cũng như những thất bại. Sau khi quân đội miền nam thất trận, ông nói với các quân nhân dưới quyền ông rằng: “Hãy từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quí vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của nước Mỹ.“


Những gì mà vị tướng lãnh này đã đạt được nhưng lại được ít người Mỹ biết đến là những thành quả trong những năm sau khi cuộc chiến đã tàn. Ông đã nhận chức viện trưởng một đại học nghèo đang bên bờ vực khánh tận, đó là đại học Washington ở Lexington, bang Virginia. Ở chức vụ này, ông không nhấn mạnh đến những môn học từ chương, cổ điển nữa, mà chú trọng nhiều hơn đến việc giảng dậy cho sinh viên những xảo năng thực tiễn để có thể giúp tái thiết miền nam. Chương trình đầu tiên của quốc gia Hoa Kỳ giảng dậy về ngành báo chí đã được đem áp dụng ở đại học này là một thí dụ điển hình. Các lớp dậy về kinh doanh, khoa học và nông nghiệp là những thí dụ kế tiếp. Được đặt lại cho cái tên là “Washington and Lee University”, giờ đây trường đại học tư và nhỏ này phát triển thật tốt đẹp.


Vào cái thời bấy giờ tại một trường đại học chỉ toàn nam giới, ông Robert E.Lee đưa ra một tiêu chuẩn đầy ý nghĩa về hạnh kiểm cho sinh viên, một qui tắc mà cho đến giờ này vẫn giữ nguyên giá trị. Ông nói: “chúng ta chỉ có 1 luật lệ thôi, đó là mỗi sinh viên phải là một chính nhân quân tử”.

Tướng Lee đã được mai táng phía dưới căn nhà nguyện trong khuôn viên đại học, và con chiến mã trung thành với chủ tướng được chôn ở bên ngoài.


Và người ta cũng không lấy làm lạ khi hệ thống xe buýt giúp sinh viên đi lại trong khuôn viên đại học giờ đây được đặt tên là the Traveller, tên của con tuấn mã màu xám oai hùng của tướng Robert E. Lee khi xưa./