Duterte trả thù vụ PCA?

15 Tháng Chín 20167:00 CH(Xem: 17409)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU 16 SEP 2016


Hậu chấn PCA:


Duterte trả thù vụ PCA?


* Theo phán quyết PCA, Scarborough là tài sản chung dù nó nằm lọt trong vùng EEZ của Phi; "Hợp thức hóa" đảo đá Vành Khăn (EEZ Philippines) thành đảo nhân tạo là tai họa của Phi; theo "quy chế" của PCA, các "đảo" của Phi ở vùng biển Quốc tế biến thành "đá". (Câu hỏi: Philippines "thắng" chỗ nào?)


*Kịch bản chính trị "khó hiểu" của Duterte khi trở giọng thỏa hiệp với Trung Quốc.


* Duterte không phải là Aquino.


* Diterte phản Mỹ thì có thể phản Trung Quốc.


* Ai "thắng" - Ai "thua" sau trận PCA? (VH)


1. Ông Duterte ngả về Trung Quốc gây rủi ro chiến lược đối với Hoa Kỳ, Biển Đông


Hồng Thủy


15/09/16


 (GDVN) - Chính sách đối ngoại của Duterte có thể thay đổi đáng kể bức tranh địa chiến lược khu vực. Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi hơn so với Hoa Kỳ.


Xung quanh những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Kỵ Nam, Hồng Kông ngày 14/9 được Bloomberg dẫn lời bình luận:


"Đây có thể là một sự thay đổi cục diện tình hình Biển Đông trong bối cảnh cạnh tranh đặc biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ ở khu vực này.


Chính sách đối ngoại của Duterte có thể thay đổi đáng kể bức tranh địa chiến lược khu vực. Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi hơn so với Hoa Kỳ."


Lauro Baja, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao Philippines thời Tổng thống Gloria Arroyo bình luận với Bloomberg:


"Chúng ta không thể ngây thơ về điều này, không có quốc gia nào ngoài Trung Quốc được hưởng lợi từ sự bất hòa giữa chúng tôi với Mỹ và các đồng minh khác.


Cho dù chúng ta có thích hay không, chúng ta đang gửi thông điệp sai lầm đến Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh khác, với những tuyên bố và hành động (của ông Duterte)."


image011

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Đại sứ Trung Quốc tại nước này, Triệu Giám Hoa. Ảnh: vidalatinasd.com.


Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao từ Viện Chính sách - chiến lược Australia tại Canberra thì cho rằng:


"Người Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ, với sự kiểm soát cả không gian biển lẫn vùng trời phía trên.


Đó là một trận đấu trường kỳ, và việc Duterte ngả về phía Bắc Kinh là một phần của vở kịch."


Hideki Makihara, một nghị sĩ thuộc đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản cầm quyền nhận xét: "Đó là kịch bản rất xấu", khi đề cập đến mối liên kết tiềm năng giữa Philippines và Trung Quốc. Ông nói:


"Trong trường hợp đó, ít nhất chúng ta cần Việt Nam, Malaysia và các nước khác xung quanh Biển Đông ở trong nhóm của chúng ta".


Tuy nhiên nhà nghiên cứu Philippines Richard Javad Heydarian thì cho rằng:


Ông Duterte khó có thể duy trì một sự thay đổi với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có bất kỳ nhượng bộ nào ở Biển Đông, đặc biệt là việc đánh bắt tại Scarborough.


Tuy nhiên nói gì thì nói, dưới thời Rodrigo Duterte, Mỹ sẽ không còn giữ vị thế độc tôn trong chính sách đối ngoại của Philippines. [1]


Mỹ đối diện với nguy cơ chiến lược ở Đông Nam Á


Nhà nghiên cứu Daljit Singh từ Viện Iseas - Yusof Ishak, Singapore ngày 15/9 bình luận trên The Straits Times:


Trung Quốc có thể tìm kiếm một số hoạt động cách ly Philippines khỏi mối quan hệ quốc phòng với Mỹ, dù hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ chấm dứt Hiệp định hợp tác quốc phòng mở rộng Mỹ - Philippines, ký năm 2014 và có thời hạn 10 năm.


Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận định, chỉ có Mỹ mới có thể cân bằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.


Tuy nhiên ngày nay vấn đề Mỹ đang gặp phải lại nằm ở mặt đối nội: tâm lý bất mãn của công chúng Mỹ vì tăng trường chậm, ngân sách hạn chế, các cuộc chiến tranh hao người tốn của đầy mệt mỏi ở Trung Đông...


(Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách và nguồn lực Mỹ dành cho lĩnh vực đối ngoại, chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương).


Trong khi Singapore lại không phải đồng minh của Mỹ, cho nên việc truy cập và sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines là rất quan trọng với Hoa Kỳ trong duy trì ảnh hưởng, vị thế chiến lược ở Biển Đông.


image013

Google


Lực lượng Mỹ đóng tại Guam hay Hàn Quốc, Nhật Bản lại quá xa Biển Đông, ứng phó không kịp một khi hữu sự.


Các nước Đông Nam Á khác thì dè chừng, lo ngại Trung Quốc nên không thể cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.


Sức mạnh quân sự và kinh tế của Philippines là rất nhỏ khi so với Trung Quốc. Nếu không có sự hiện diện chiến lược của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ trở thành thế lực thống trị khu vực. 


Liệu khi đó Philippines có còn giữ được chính sách đối ngoại độc lập như nước này đang nói? [2]


Cục diện Biển Đông sẽ khó lường hơn một khi ông Duterte ngả hẳn về Trung Quốc


Cá nhân người viết cho rằng, khả năng này đang rất hiện hữu và hoàn toàn có thể xảy ra, bởi mấy lẽ.


Một là ông Rodrigo Duterte nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội, bởi đảng ông chiếm đa số. [3]


Hai là ông nắm được lực lượng vũ trang bằng cách tăng lương cho đội ngũ sĩ quan chỉ huy, nên sự phản đối nếu có, cũng có thể nằm trong tầm kiểm soát. [3]


Ba là, dù có duy trì Hiệp định Hợp tác quốc phòng mở rộng với Hoa Kỳ, cho phép quân đội Mỹ luân phiên truy cập và sử dụng một số căn cứ, nhưng với tính khí và thái độ bài Mỹ của Duterte, Washington cũng khó làm được gì khả dĩ.


Bốn là Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội để kéo ông Rodrigo Duterte về phía mình, đặc biệt là thông qua con bài kinh tế, và có thể có những "nhượng bộ" nhất định ở Biển Đông, mà duy trì hiện trạng là một trong những khả năng.


Với việc ông Rodirog Duterte tuyên bố, quân đội Philippines sẽ chỉ tuần tra trong phạm vi lãnh hải (không quá 12 hải lý tính từ đường Cơ sở, theo UNCLOS 1982) mà bỏ qua việc tuần tra chung với Mỹ trong "các vùng biển tranh chấp" có thể tạo nguy cơ vô hiệu hóa Phán quyết Trọng tài.


Bởi lẽ, ngoài khu vực chồng lấn giữa vùng lãnh hải 12 hải lý của các đảo ở Trường Sa với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phần còn lại rất lớn của vùng đặc quyền kinh tế Philippines theo Phán quyết Trọng tài 12/7 là không có tranh chấp, dù nằm trong đường lưỡi bò.


Nay nếu như Philippines chỉ tuần tra quanh quẩn trong 12 hải lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn không tranh chấp kia sẽ để cho ai tuần tra?


Có thể Trung Quốc sẽ giữ nguyên hiện trạng ở Scarborough hoặc mở cửa cho ngư dân Philippines quay trở lại đánh cá, nhưng việc xây đảo nhân tạo tại đây sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và cơ hội thích hợp.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.bloomberg.com/news/articles/2016-09-14/duterte-s-tilt-toward-china-risks-upending-u-s-strategy-in-asia


[2]http://www.straitstimes.com/opinion/duterte-and-the-us-china-balance-of-power-in-s-e-asia


[3]http://www.wsj.com/articles/duterte-signals-shift-in-u-s-philippine-military-alliance-1473774873


Hồng Thủy


2. Philippines đang "xoay trục" khỏi Hoa Kỳ?


Hồng Thủy


14/09/16


 (GDVN) - "Chỉ có Trung Quốc là sẽ giúp chúng tôi. Hoa Kỳ chỉ cho bạn những nguyên tắc của pháp luật, ngoài ra không có gì khác".


Financial Times ngày 14/9 bình luận, những phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte làm tăng mối lo ngại về quan hệ đồng minh hiệp ước giữa nước này với Hoa Kỳ sau 65 năm.


Dường như Philippines đang xoay trục khỏi vòng ảnh hưởng của Washington.


Những diễn biến gần đây xảy ra trong bối cảnh xuất hiện "khe nứt địa chính trị" ngày một rộng hơn ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh ảnh hưởng.


image015

Tổng thống Obama thăm tàu hải quân BRP Gregorio del Pilar trong chuyến công du Philippines năm 2015. Ảnh: The Diplomat.


Trước đó, quan hệ Mỹ và Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á từng được Washington xem như "đồng minh lớn ngoài NATO" đã quyết định ngả theo Trung Quốc, sau khi các tướng lĩnh quân sự lên cầm quyền kể từ cuộc đảo chính tháng 5/2014.


Thái Lan cho biết trong tháng Bảy vừa qua, nước này sẽ bắt đầu mua 3 tàu ngầm Trung Quốc với giá khoảng 1 tỉ USD. Bên cạnh đó là Campuchia và Myanmar.


Ông Rodrigo Duterte nói rằng, ông không muốn cắt đứt quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, nhưng Manila sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. [1]


Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã bay sang Mỹ từ đêm qua để tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. 


Ông nói với báo giới, nếu người đồng cấp John Kerry có hỏi về những phát biểu của ông Duterte, ông sẽ giải thích.


Ngoại trưởng Philippines sẽ có buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược - quốc tế (CSIS) tại Washington, Hoa Kỳ.


The Wall Street Journal hôm nay bình luận, các phát biểu chỉ trích Hoa Kỳ từ ông Rodrigo Duterte vẫn có "đất" ở một số khu vực, bởi những oán giận về khoảng thời gian Mỹ cai trị gần một nửa thế kỷ.


Tuy nhiên xã hội Philippines nói chung là khá thân Mỹ. Một cuộc khảo sát dư luận xã hội tại Philippines cho thấy tỉ lệ tin tưởng Hoa Kỳ là 72%, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 24%. [3]


Quan hệ Philippines - Trung Quốc sắp có bước ngoặt mới?


Hôm nay tiếp một phái đoàn ngoại giao Philippines sang thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Lưu Chấn Dân nói rằng:


"Hiện nay quan hệ Trung Quốc - Philippines đáng đứng trước một bước ngoặt mới."


Ông Dân nói rằng, những trục trặc trong quan hệ song phương trước đây do nguyên nhân nào "thì ai cũng biết". 


Còn ông Rodrigo Duterte nhận xét về Trung Quốc: "Trung Quốc họ đang rất mạnh, họ có ưu thế quân sự trong khu vực." [1]


Với Mỹ, ông Rodrigo Duterte nói thẳng: "Tôi không thích người Mỹ. Nó chỉ đơn giản là vấn đề nguyên tắc đối với tôi." [3]


Trong chuyến thăm Indonesia tuần trước, ông Duterte cảm ơn Trung Quốc vì: "đã quá hào phóng giúp chúng tôi bằng cách viện trợ xây dựng các trung tâm phục hồi chức năng, cai nghiện".


"Chỉ có Trung Quốc là sẽ giúp chúng tôi. Hoa Kỳ chỉ cho bạn những nguyên tắc của pháp luật, ngoài ra không có gì khác", The Wall Street Journal dẫn lời ông Duterte nói.


Từ 2002 đến 2013, Mỹ cung cấp 441 triệu USD viện trợ an ninh cho Philippines. Trong năm nay, chính quyền Obama đã dành 120 triệu USD viện trợ quân sự cho quốc gia này.


Mỹ cũng là nước viện trợ chủ lực cho Philippines sau khi bị siêu bão Haiyan tàn phá năm 2013. Tuy nhiên với ông Duterte, dường như những điều này không mấy ý nghĩa. [3]


Tài liệu tham khảo:


[1]https://www.ft.com/content/8c4e00bc-7a29-11e6-b837-eb4b4333ee43


[2]http://www.gmanetwork.com/news/story/581301/news/nation/yasay-prepared-to-explain-duterte-s-statement-on-us-troops-to-kerry


[3]http://www.wsj.com/articles/duterte-signals-shift-in-u-s-philippine-military-alliance-1473774873


Hồng Thủy


 


3. Ông Duterte muốn mua vũ khí Nga, Trung Quốc và dừng tuần tra chung với Mỹ


Hồng Thủy


14/09/16


 (GDVN) - "Tôi không cần máy bay phản lực, F-16 chẳng ích gì cho chúng tôi. Chúng tôi không có ý định chống lại bất cứ nước nào", ông Duterte nói.


South China Morning Post ngày 13/9 dẫn nguồn tin Bloomberg cho hay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẽ xem xét mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, đồng thời kết thúc hoạt động tuần tra chung với các lực lượng của Mỹ tại Biển Đông.


Ông Duterte phát biểu trên truyền hình trước các sĩ quan quân đội tại Manila hôm thứ Ba 13/9, hai nước mà ông không nêu rõ, đã đồng ý cung cấp cho Philippines một khoản vay "mềm" trong 25 năm để mua trang thiết bị quân sự.


Sau đó ông cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và các quan chức kỹ thuật trong các lực lượng vũ trang sẽ thăm Trung Quốc và Nga để "xem những gì là tốt nhất."


Trong khi Duterte nói rằng, ông không muốn cắt đứt quan hệ với các đồng minh của mình, song những phát biểu gần đây của ông báo hiệu một sự thay đổi Hiệp ước Quốc phòng Mỹ - Philippines ký năm 1951.


image017

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong một lần thăm quân đội. Ảnh: SCMP


Duterte đã lên án các vụ giết người của quân đội Mỹ trong những ngày đầu của chế độ thực dân, và kêu gọi quân đội Mỹ rời khỏi hòn đảo phía Nam, Mindanao.


Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Duterte nói Philippines cần máy bay trực thăng có thể sử dụng để chống lại quân nổi dậy và chống khủng bố ở Mindanao, với giá rẻ hơn và không có sự ràng buộc nào, đồng thời phải minh bạch.


"Tôi không cần máy bay phản lực, F-16 chẳng ích gì cho chúng tôi. Chúng tôi không có ý định chống lại bất cứ nước nào", ông Duterte nói.


Kể từ năm 1950, Mỹ đã chiếm khoảng 75% nguồn vũ khí nhập khẩu của Philippines. Nga và Trung Quốc không cung cấp được bất kỳ loại vũ khí nào cho Philippines thời gian đó.


Ông Duterte cũng cho biết, Philippines sẽ không tham gia cuộc tuần tra chung trên Biển Đông để tránh bị cho là tham gia vào một "hành động thù địch":


 "Tôi chỉ muốn tuần tra vùng lãnh hải (không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở, theo UNCLOS 1982) của chúng tôi."


Mỹ bắt đầu tuần tra chung với Philippines hồi đầu năm nay trước khi ông Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm vừa qua.


Cũng trong ngày hôm qua, các lực lượng vũ trang Philippines cho biết, mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ là chắc chắn, và các hoạt động đã có kế hoạch dự kiến trong năm nay sẽ vẫn tiếp tục. [1]


Còn theo Military Times, ông Duterte dường như muốn gạt bỏ một thỏa thuận của người tiền nhiệm Benigno Aquino III đạt được với quân đội Mỹ hồi đầu năm nay.


Duterte nói rằng ông chỉ muốn lãnh hải 12 hải lý của Philippines được tuần tra bởi các lực lượng nước này, chứ không phải khu vực ngoài khơi đang tranh chấp:


"Chúng tôi không đi vào một cuộc tuần tra có sự tham gia của bất kỳ quân đội nước nào kể từ bây giờ, vì tôi không muốn có rắc rối. Tôi chỉ muốn tuần tra vùng lãnh hải của chúng tôi."


Hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông giữa quân đội Mỹ và Philippines được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tiết lộ lần đầu tiên trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin.


Gazmin cho biết, ông hy vọng các lực lượng của Mỹ hiện diện ở đây sẽ ngăn chặn các hành động xâm phạm của phía Trung Quốc. [2]


Nguồn:


[1]http://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/2019084/philippines-duterte-eyes-arms-china-ends-joint-patrols


[2]http://www.militarytimes.com/articles/duterte-no-more-us-philippines-joint-patrols-near-south-china-sea


Hồng Thủy


4. WSJ: Ông Rodrigo Duterte phản Mỹ thì cũng có thể phản Trung Quốc


Hồng Thủy


15/09/16


 (GDVN) - Với tính khí của Rodrigo Duterte có thể chửi bất kỳ ai, sẽ không dễ dàng cho bất kỳ bên thứ 3 nào lợi dụng ông ta. Về lâu dài, không dễ để Trung Quốc có thể...


The Wall Street Journal ngày 14/9 cho biết, chính phủ các nước đồng minh của Hoa Kỳ, từ Nhật Bản đến Australia đang cố gắng tìm hiểu xem, các phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây chỉ là vấn đề tính khí của cá nhân ông, hay Duterte thực sự muốn cắt đứt quan hệ với đồng minh hiệp ước.


Ác cảm rõ ràng của ông Rodrigo Duterte đối với Hoa Kỳ được xem như một điều may mắn với nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh, nhằm thiết lập vị trí quyền lực trong khu vực, làm suy yếu quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Philippines, làm suy yếu Phán quyết Trọng tài hôm 12/7.


Mặc dù vậy, chính quyền Trung Quốc tính toán rằng, Rodrigo Duterte có thể đổi hướng bất kỳ lúc nào và sẽ đánh mất sự ủng hộ phổ biến từ cử tri Philippines nếu ông được nhìn thấy nghiêng về Bắc Kinh quá nhiều trong vấn đề Biển Đông.


The Wall Street Journal dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu bình luận: "Với tính khí của Rodrigo Duterte có thể chửi bất kỳ ai, sẽ không dễ dàng cho bất kỳ bên thứ 3 nào lợi dụng ông ta. Về lâu dài, không dễ để Trung Quốc có thể đối phó với ông ta." [1]


image019

Tổng thống Rodrigo Duterte, ảnh: WSJ


Còn xã luận Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/9 cho biết, (một bộ phận) cộng đồng mạng Trung Quốc đã rất ca ngợi ông Rodrigo Duterte vì dám "chửi" Barack Obama. Họ hoan nghênh điều này.


Tuy nhiên Thời báo Hoàn Cầu khuyến cáo bạn đọc của mình rằng:


"Liên minh Mỹ - Philippines sẽ vẫn vững chắc. Trung Quốc đừng quá ảo tưởng. Xét về lâu dài, Trung Quốc cũng không dễ gì đối phó với Philippines dưới thời Rodrigo Duterte."


Tờ báo này lý giải, "hiện tượng" Rodrigo Duterte chửi đổng chẳng chừa ai là do "xung đột văn hóa đông - tây". Thời báo Hoàn Cầu viết:


"Nhiều người tin rằng, đây là lúc Manila cần tìm sự hỗ trợ của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Philippines.


Nhưng tại sao Duterte lại tát vào mặt Obama? Lý do là vì Philippines không cảm thấy bất an, thậm chí khi phải đối mặt với "mối đe dọa" Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila không có tranh chấp lãnh thổ.


Bất chấp Mỹ hỗ trợ và Phán quyết Trọng tài có lợi cho Philippines, nhưng Manila không có lợi ích thực sự. Liên minh với Hoa Kỳ không phải chỉ mang đến lợi ích cho Manila.


Philippines đã chuyển sự tập trung trở lại vào vấn đề đối nội. Mỹ cần Philippines hơn vì họ xem quốc gia Đông Nam Á này là một con tốt để chống Trung Quốc." [2]


Rodrigo Duterte đang tìm cách lấy lòng Trung Quốc và mặc cả với Hoa Kỳ?


Nhà nghiên cứu Oh Ei-sun, một thành viên cao cấp Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore nói với South China Morning Post hôm 14/9:


"Những gì Rodrigo Duterte đang làm là kích Mỹ chống Trung Quốc và ngược lại, với hy vọng tìm kiếm lợi ích lớn hơn cho Philippines.


Trong vấn đề này, Duterte đủ khả năng sẽ tiếp tục có những phát biểu chống Mỹ "nghiêm trọng" và "nhiều màu sắc" hơn.


Bởi ông ta biết, Mỹ xem Philippines là một trụ cột quan trọng trong chính sách tái cân bằng của mình, nên Washington hạn chế hơn trong phản ứng.


Còn với Trung Quốc thường sẽ không dễ gì chấp nhận những tấn công ngoại giao kiểu như phát biểu của ông Rodrigo Duterte.


Tôi nghĩ rằng, những gì Duterte đang thực sự tìm kiếm là một đơn hàng bán vũ khí tốt hơn từ Mỹ."


Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông đặt tại Hải Nam, Trung Quốc nhận định với South China Morning Post:


"Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines là một điều ước pháp lý ràng buộc của Tòa án Hiến pháp Philippines.


Một vài lời từ Duterte không thể dừng lại quan hệ hợp tác sâu sắc với Mỹ, quốc gia rõ ràng muốn duy trì, thậm chí tăng cường ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.


Trung Quốc cũng có thể không bán vũ khí cho Philippines như Duterte nói, vì thiếu tin tưởng lẫn nhau. Và sẽ là điều xấu hổ nếu Philippines sử dụng tàu chiến Trung Quốc chống lại Trung Quốc."


Nhà bình luận quân sự Zhou Chenming nói, Philippines không đủ dũng khí và cũng không đủ mạnh để tách khỏi liên minh với Hoa Kỳ.


Do đó theo ông, tuyên bố của Duterte muốn mua vũ khí Trung Quốc chỉ là thủ đoạn làm hài lòng Bắc Kinh vốn đang bực tức vì Phán quyết Trọng tài, chứ không phải chuyện thực tế.


Người viết nhận thấy, Rodrigo Duterte là một chính khách có thể văng tục, chửi bất kỳ ai, từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Giáo hoàng, Tổng thống Mỹ cho tới các Đại sứ nước ngoài hay Thượng nghị sĩ đối lập mà ông không ưa, nhưng chưa bao giờ ông nói điều tương tự với Trung Quốc.


Rất có thể những lời nhục mạ Barack Obama phát ra từ miệng ông Rodrigo Duterte được Tổng thống Philippines xem như một món quà dành cho các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải.


Nhưng có lẽ cái mẹo cỏn con, cái trò tiểu xảo ấy không qua mắt được họ. Bởi ngay cả Thời báo Hoàn Cầu còn nhận ra được thì nói gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc.


Có điều người viết tin rằng, Trung Quốc sẽ mở rộng vòng tay đối với ông Rodrigo Duterte, nhưng mọi thứ (CÓ THỂ) sẽ không diễn ra theo tính toán của ông chủ Điện Malacañang.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.wsj.com/articles/rodrigo-dutertes-policy-shifts-confound-u-s-allies-1473869601


[2]http://www.globaltimes.cn/content/1005059.shtml


[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2019322/philippines-duterte-playing-china-against-us-arms


Hồng Thủy