Thỏa thuận hạch tâm với Ba Tư

27 Tháng Chín 20159:16 CH(Xem: 20278)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 28 SEP 2015

THOẢ THUẬN HẠCH TÂM VỚI BA TƯ

Vì sao sự chống phá của đảng Cộng Hoà bị thất bại nặng?

 

Trước ngày Thoả Thuận Hạch Tâm với Ba Tư (Iran) do liên minh của Hoa Kỳ và 5 nước đồng minh ký kết với chính quyền tại Tehran hồi đầu tháng 7 vừa qua sau một thời gian dài điều đình trong nhiều năm trước đó, và có nhiều lúc tưởng chừng như tan vỡ, các nhà lập pháp phe Cộng Hoà đã bầy tỏ sự chống đối mạnh mẽ của mình bằng nhiều hình thức chẳng lấy gì làm khôn ngoan và thông minh cho lắm.

Điển hình là trường hợp của ông John Boehner, Chủ tịch Hạ Viện, đã cho mời Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái đến đọc một bài diễn văn tại Quốc Hội Mỹ để lên án về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ khi chính quyền Obama muốn điều đình với chính quyền của Ba Tư trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử của quốc gia này.

Ông Netanyahu là một chính khách theo khuynh hướng diều hâu cực hữu thuộc đảng Likud, lúc nào cũng chủ trương tiêu diệt kẻ thù Palestine và phe cầm quyền tại Iran bằng sức mạnh quân sự, cũng tương tự như tham vọng điên rồ của giới lãnh đạo thần quyền tại Ba Tư lúc nào cũng đòi có được vũ khí nguyên tử để tiêu diệt Do Thái. Điều đáng nói là ông Netanyahu lại muốn Hoa Kỳ đứng ra yểm trợ cho tham vọng diều hâu của mình, bất chấp hậu quả mà Hoa Kỳ sẽ phải lãnh đủ trong lâu dài nếu tiếp tục lao vào con đường hiếu chiến này, với thí dụ điển hình là cuộc sa lầy trong 2 cuộc chiến tại Iraq và A Phú Hãn dưới thời TT Bush Con.

Quyết định của ông John Boehner được coi như là bất chấp mọi tôn ti trật tự cũng như khôn ngoan tối thiểu để “đâm sau lưng chiến sĩ” khi ông Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lại lên tiếng mời ông thủ tướng Do Thái đến đọc một bài diễn văn tại Quốc Hội mà không cần thông báo cho Toà Bạch Ốc biết, dù rằng ai cũng biết việc điều hành chính sách ngoại giao là thẩm quyền của ngành hành pháp. Lý do đơn giản là vì ông Boehner và phe bảo thủ đã biết rõ là ông Netanyahu là một lãnh tụ hiếu chiến, không thân thiện với TT Obama, và họ muốn dùng cơ hội này để mượn lời trong bài diễn văn của ông thủ tướng Do Thái để chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền Obama theo kiểu “mượn gió bẻ măng”.

Hầu hết các bình luận gia trên thế giới đều ngao ngán cho hành động có phần “tiểu nhân đắc chí” của các vị dân cử Mỹ của phe Cộng Hoà đứng lên nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng bài diễn văn của ông Netanyahu mà không ý thức được thái độ rất ấu trĩ của mình khi “vạch áo cho người xem lưng” một cách quá lộ liễu và ngu muội. Bởi lẽ dù sao Do Thái cũng chỉ là một quốc gia đồng minh, một nước không thực sự đem lại quyền lợi cho Hoa Kỳ, nếu không muốn nói là còn gây khốn đốn và tốn kém cho nước Mỹ, với ngân khoản viện trợ mỗi năm hàng tỷ Mỹ-kim. Đó là chưa kể việc chính sách của Hoa Kỳ luôn bảo vệ Do Thái đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến cho phe Ả Rập và cộng đồng Hồi-giáo trên thế giới trở thành đối kháng hoặc kẻ thù, gây điêu đứng cho Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, và còn kéo dài đến ngày nay xuyên qua cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Tuy nhiều chính trị gia Mỹ đều chịu áp lực rất mạnh của giới tài phiệt cũng như cộng đồng gốc Do Thái, nhưng nhiều vị tổng thống Mỹ như Jimmy Carter, Bush Bố, Clinton và Bush Con không phải lúc nào cũng mù quáng ủng hộ các đòi hỏi của các chính quyền Do Thái, nhất là trong tranh chấp với Palestine mà Do Thái đã hành xử không kém phần ngang ngược của một kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu”. Và ông Obama cũng không ngu dại hay non nớt gì để khiến cho ông Netanyahu có thể chơi trò “xúi trẻ ăn cứt gà”, cho dù ông có phải cần làm mất mặt ông thủ tướng Do Thái này vài lần trong quá khứ.

Còn tại Thượng Viện, các vị nghị sĩ thuộc phe Cộng Hoà cũng chẳng khôn ngoan gì hơn ông Boehner trong nỗ lực chống phá kịch liệt chính quyền Obama khi vô tình làm một hành động “vạch áo cho người xem lưng” khi 47 vị nghị sĩ đã cùng ký tên trong một bức thư gửi cho giới lãnh đạo thần quyền của Ba Tư với lời nhắn khéo rằng chớ nên ký kết điều gì với TT Obama bởi vì tất cả những điều đó đều có thể bị đảo ngược bởi một vị tổng thống thuộc phe Cộng Hoà (vào đầu năm 2017?). Hành động này quả thực ấu trĩ và có phần nực cười (theo kiểu “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”) bởi vì chưa ai biết chắc là phe nào sẽ chiến thắng để giành được Toà Bạch Ốc trong cuộc bầu cử vào năm tới, cũng như chưa chắc là phe Cộng Hoà có còn tiếp tục nắm quyền ở Thượng Viện vào lúc đó hay không.

Đây là một hành động có phần khá điên rồ và đáng bị lên án, vì thế nên một thỉnh nguyện thư đòi truy tố các vị nghị sĩ này về tội phản quốc đã thu thập được hơn 200,000 chữ ký của người dân Mỹ chỉ trong vòng có vài ngày đầu tiên sau khi bức thư này được công bố. Còn theo nhận định của ông Paul Eaton, một thiếu tướng hồi hưu của quân lực Hoa Kỳ, thì hành động của nghị sĩ Tom Cotton của tiểu bang Arkansas, được xem là nhân vật chủ động của bức thư nổi danh này, có thể được xem như là một hành động “phản loạn” (mutinous) của một kẻ không biết tôn trọng luật lệ cũng như hệ thống quân giai.

Lý do là vì nghị sĩ Cotton, mới đắc cử hồi cuối tháng 11 năm ngoái, đã từng phục vụ trong quân đội Mỹ và đáng lý ra phải biết rằng cung cách làm việc của ông đã đi ngược lại với những gì mà ông đã được huấn luyện và tuyên hứa thi hành. Ông ta, và 46 vị nghị sĩ đồng viện khác, có toàn quyền bầy tỏ ý kiến chống đối của mình trong chính sách thương thảo để ngăn chặn tham vọng hạch tâm của Ba Tư. Nhưng khi họ viết lá thư như vậy thì đó là một hành động liên lạc trực tiếp với kẻ thù ngoài thẩm quyền của họ, cũng như là đã mặc nhiên phá huỷ chiến lược và kế hoạch của các nhà ngoại giao và tổng tư lệnh quốc gia là TT Obama.

Trong suốt hơn 200 năm kể từ khi Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ được thành lập, việc các nhà lập pháp (thuộc một đảng) chống đối mạnh mẽ vị tổng thống (thuộc đảng đối lập) là một điều vẫn luôn thường xảy ra. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nhiều vị dân biểu và nghị sĩ cùng đảng cũng vẫn chỉ trích và kết án mạnh mẽ một vị tổng thống cùng đảng với mình vì họ không đồng ý với những hành động sai trái của ông ta. Đó là điều xảy ra với TT Richard Nixon trong vụ xì-căng-đan Watergate khiến cho ông phải thảm bại và nhục nhã rút lui để tránh tình trạng có thể bị Quốc Hội chính thức giải nhiệm vào năm 1974.

Nhưng điều đáng nói là sự chống đối cần phải khôn ngoan và đứng đắn, được đặt trên nền tảng khác biệt về lập trường và khuynh hướng nhưng vẫn giữ được mức hợp lý và tôn trọng quyền lợi chung của quốc gia trên hết, thay vì những chống đối nhỏ nhen vì tị hiềm cá nhân, hoặc khó chịu vì kỳ thị sắc tộc. Lần này thái độ chống đối của các vị nghị sĩ bảo thủ phe Cộng Hoà không những chỉ là một hành động gây thiệt hại hay xem thường cho riêng cá nhân ông Obama. Bởi vì khi các nhà dân cử Cộng Hoà chứng minh cho mọi người thấy là họ bất chấp quyền lợi quốc gia khi hăm he đòi cúp ngân sách và đóng cửa chính phủ (trong các tranh chấp nội bộ về thuế khoá với chính quyền Obama) hoặc làm thiệt hại uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế (khi làm bẽ mặt một vị đương kim tổng thống như ông Obama dù rằng ông còn tại chức đến hơn một năm nữa) thì rõ ràng là họ đã tạo nên một tiền lệ rất xấu. Giờ đây nó trở thành quy luật cho những trò chơi mới, để rồi từ đó các vị dân cử khác, dù là theo phe Cộng Hoà hay Dân Chủ, có thể sẵn sàng đem ra áp dụng trong tương lai để có thể tha hồ công kích người đứng đầu trong Toà Bạch Ốc.

Dù bị chê bai như vậy, nhưng các nhà dân cử phe Cộng Hoà vẫn tiếp tục tìm cách chống đối mạnh mẽ, bằng cách thông qua quyết định đòi hỏi chính quyền Obama phải đưa cho Quốc Hội duyệt xét về văn bản của Thoả Thuận Hạch Tâm này trong thời hạn 60 ngày để biểu quyết. Ngụ ý của họ muốn cho mọi người biết là Thoả Thuận này sẽ không được thông qua, bởi vì phe Cộng Hoà đang nắm quyền đa số tại cả 2 viện của ngành lập pháp, và chắc chắn là họ sẽ không để cho ông Obama có thể dễ dàng đạt được một thắng lợi nào cả.

Nhưng điều trái khoáy là các vị dân cử này đều không nhìn thấy một sự khác biệt có vẻ như tiểu tiết nhưng rất quan trọng. Đó là vì bản thoả thuận này (được gọi là Agreement) là một văn bản cam kết giữa vị tổng thống Mỹ với các đối tác thuộc các nước khác, chứ không phải là một Hiệp ước hay Hoà ước (Treaty), nên không đòi hỏi cần phải có sự chuẩn thuận của Thượng Viện thì mới có hiệu lực theo như quy định của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Do đó, bản Thoả Thuận Hạch Tâm với Ba Tư không cần phải có sự chuẩn thuận của đa số các vị nghị sĩ ở Thượng Viện để có hiệu lực. Nó là một văn bản cam kết giữa chính quyền Obama với các nước khác, tuy rằng Quốc Hội Mỹ vẫn có quyền xen vào theo đúng chức năng và thẩm quyền của họ. Thật ra, trong nỗ lực tìm cách xen vào chống đối thoả thuận này, các nhà dân cử Cộng Hoà sau đó đã thông qua quyết định đòi hỏi chính quyền Obama phải tường thuật thoả thuận này cho Quốc Hội để cho các dân biểu và nghị sĩ được xem xét trong vòng 60 ngày trước khi biểu quyết thông qua hay chống đối.

Và điều đó đã xảy ra đúng với ý muốn của phe Cộng Hoà với đa số các vị dân cử chống đối. Nhưng họ lại quên một chi tiết nhỏ theo luật chơi trên chính trường. Đó là nếu như đa số ở Quốc Hội chống đối, ông Obama vẫn có quyền phủ quyết (veto) với thẩm quyền của một vị tổng thống. Trong trường hợp đó, các nhà dân cử lại phải bỏ phiếu thêm một lần thứ hai, nhưng lần này thì họ phải đạt được 2/3 số phiếu tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện thì biểu quyết này mới có thẩm quyền để vượt qua (override) sự phủ quyết của TT Obama.

Trong tinh thần nhìn xa trông rộng của những vị “khai quốc công thần” (founding fathers) của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ khi soạn thảo bản hiến pháp, họ đã phải đòi hỏi tỉ lệ 2/3 này để xác định đây là quyết định của một đại đa số áp đảo nói lên ý nguyện của người dân (xuyên qua các vị dân biểu và nghị sĩ), chứ không phải chỉ đơn thuần là một đa số quá bán). Điều này được đề ra để nhằm tránh bớt tình trạng tê liệt cù cưa có thể thường xảy ra sau này khi mà một phe (Cộng Hoà hay Dân Chủ) giành được đa số tại Quốc Hội (dù là rất mong manh hay yếu ớt chỉ hơn nhau vài ghế) sau các cuộc bầu cử mỗi 2 năm 1 lần, có thể biểu quyết phủ nhận của quyết định của vị tổng thống thuộc đảng đối lập. Nhưng nếu như có đến 2/3 các vị dân cử chống lại quyết định của tổng thống, người ta có thể dễ dàng chấp nhận rằng đây là một quyết định phản ảnh gần đúng với đại đa số người dân trong nước.

Vì thế nên trong trận chiến lần này giữa hai ngành lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ, hai bên cũng như khán giả phải nhìn thấy trước là kết quả thắng thua sẽ tuỳ vào tỉ lệ 2/3 mà phe chống đối của các vị dân biểu và nghị sĩ đảng Cộng Hoà có đạt được hay không. Trước ngày ra quân, mọi người đều đã rõ là phe Cộng Hoà sẽ bỏ phiếu chống đối thoả thuận này tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Và chắc chắn là TT Obama sẽ ký quyết định phủ quyết. Do đó, vấn đề và cũng như là nhu cầu của đảng Cộng Hoà là họ có khả năng để thuyết phục thành công hay không các vị dân biểu và nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ chịu ‘xé rào” để chống lại vị tổng thống cùng đảng với họ.

Kết quả sau cùng là các nhà lập pháp đảng Cộng Hoà đã thất bại, một điều thật ra đã được nhìn thấy từ vài tuần trước, khi người ta không nhìn thấy nhiều vị dân cử phe Dân Chủ lên tiếng tỏ ý chống đối thoả thuận này. Dấu hiệu rõ nét nhất là khi ông Charles Schumer, nghị sĩ phe Dân Chủ đại diện cho tiểu bang New York, tuyên bố là ông sẽ không ủng hộ bản thoả thuận này. Ông Schumer là nhân vật đứng hàng thứ 3 trong nội bộ của đảng và được dự đoán là sẽ lên kế nhiệm chức vụ thủ lãnh khối Dân Chủ sau khi người đương nhiệm là Harry Reid sẽ không ra tái tranh cử vào năm sau. Tuy vậy, sau khi ông Schumer lên tiếng cho biết quyết định của mình, đã không có một vị nghị sĩ Dân Chủ nào khác nhanh chóng lên tiếng ủng hộ theo.

Trong chốn riêng tư, thủ lãnh Harry Reid đã cho biết sự ủng hộ của mình với thoả thuận này, tuy rằng chưa loan báo công khai ngay từ lúc đầu. Và nghị sĩ Richard Durbin, lãnh tụ đứng hàng thứ hai tại Thượng Viện, đã âm thầm vận động rất hữu hiệu để thuyết phục các vị đồng viện hãy ủng hộ cho thoả thuận này, không những chỉ là một sự ủng hộ cho vị tổng thống cùng đảng của mình, mà còn là một sự ủng hộ cho một thoả thuận mà họ xét ra đó là thành quả tốt đẹp nhất mà Hoa Kỳ có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay trong chiến lược đối phó với tham vọng hạch tâm của Ba Tư.

Lần này, không những phe Cộng Hoà tại Quốc Hội đã thua ông Obama, mà họ còn thua đậm khá đau. Tuy biết là họ không giành được đa số 2/3 để có thể vượt qua quyền phủ quyết của TT Obama, nhưng các vị dân cử phe Cộng Hoà vẫn muốn thông qua biểu quyết chống đối của mình để có thể buộc các vị dân biểu hay nghị sĩ phải bỏ phiếu để cho mọi người biết quyết định của họ. Ngoài ra, họ cũng sẽ buộc ông Obama phải ký quyết định phủ quyết để từ đó họ có thể dùng nó như là cơ hội để chỉ trích sau này đối với những cử tri bảo thủ cùng phe.

Tuy nhiên, phe Cộng Hoà đã không thuyết phục được nhiều vị dân cử phe Dân Chủ xé rào, và do đó tại Thượng Viện họ đã không thực hiện được việc đưa bản thoả thuận này ra để biểu quyết. Nếu như không được biểu quyết ở Thượng Viện thì dẫu cho Hạ Viện có thông qua biểu quyết chống đối thì bản thoả thuận này sẽ không bị hề hấn gì (vì không được cứu xét ở Thượng Viện) và ông Obama cũng không cần phải nhọc lòng để đặt bút ký phủ quyết.

Đó là điều đã xảy ra vào ngày thứ Năm tuần qua khi giới lãnh đạo Cộng Hoà muốn đưa bản thoả thuận này ra để biểu quyết, nhưng phải gặp thất bại vì chỉ đạt được tỉ lệ 58/42. Tuy nhiên, họ đã không đạt được tỉ lệ đa số 60 người để có thể thành công. Đó là vì theo truyền thống và quy định đặc biệt của Thượng Viện, bất cứ vị nghị sĩ nào cũng có quyền ngăn chặn những cuộc bỏ phiếu cho một dự luật hay thoả thuận nào đó qua một hình thức gọi là filibuster (tức là họ cứ tìm cách câu giờ, bày vẽ đủ điều khi đăng đàn thuyết giảng). Nếu muốn vượt qua thủ tục câu giờ kiểu này, giới lãnh đạo tại Thượng Viện cần phải đạt được 60 phiếu đồng thuận trở lên để có thể vượt qua trò filibuster này. Đến lúc đó, thì các nghị sĩ chỉ cần bỏ phiếu trên đa số quá bán (51 phiếu trên 100) thì coi như sẽ thông qua những điều mong muốn.

Sau thất bại này, nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh khối đa số với thực quyền như Chủ tịch Thượng Viện, đã tuyên bố là ông ta có thể tìm cách đưa bản thoả thuận này ra biểu quyết lần nữa vào tuần sau (với hy vọng là có thể thu phục được thêm 2 vị nghị sĩ phe Dân Chủ chịu xé rào để nhảy về phía họ). Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói cầu âu hay đúng hơn là để vớt vát thể diện để che đây sự thất bại của họ, xuyên qua lời phát biểu bộc trực của nghị sĩ Dick Durbin, nhân vật số 2 của phe Dân Chủ: “Cho dù ông ta (McConnell) có muốn quyết định bỏ phiếu thêm 10 lần nữa thì ông ta cũng sẽ có kết quả (thất bại) tương tự như vậy.

Nhà báo Meredith Shiner của cơ quan truyền thông Yahoo News, trong một bài phân tích vào tuần trước về cái gọi là trò múa may của ông Trump (Trump circus), đã gọi những hành động của các vị dân cử phe Cộng Hoà hiện nay cũng không khác gì trò “múa may quay cuồng” của ông Trump. Lý do là vì khi mọi người đã biết trước kết quả sẽ đi về đâu (với bản thoả thuận sẽ không thể bị chống đối vì không đủ số phiếu) thì một số các vị dân biểu bảo thủ cực hữu tại Hạ Viện còn cố tìm cách kéo dài thời gian trước khi biểu quyết (để tránh gặp tình trạng thất bại).

Những vị dân cử bảo thủ nguỵ biện rằng thời điểm 60 ngày duyệt xét trước khi phải bỏ phiếu chưa phải là ngày 17/9 này vì chính quyền Obama đã không đưa cho Quốc Hội xem toàn bộ chi tiết của văn bản thoả thuận mà chỉ trình bày những nội dung chính. Do đó, coi như chính quyền Obama vẫn chưa chính thức nộp văn bản và thời gian 60 ngày duyệt xét sẽ còn kéo dài tiếp. Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo phe Cộng Hoà tại Quốc Hội cũng khó chấp nhận luận điệu khiên cưỡng này và đang tìm cách dẹp bỏ nỗ lực của những vị dân biểu vẫn còn ngoan cố.

 

Tuy vậy, bên ngoài điện Capitol, một tên tuổi bảo thủ cực hữu là ông Ted Cruz, nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Texas và cũng đang là ứng viên tổng thống trong vòng sơ bộ đảng Cộng Hoà, đang nỗ lực nhập cuộc cùng với ông Donald Trump để khuấy động sự bực tức của một số phần tử cử tri bảo thủ cực đoan đang hò hét ủng hộ ông Trump chỉ vì ông ta đưa ra những lời hứa hẹn tào lao đi kèm với những lời chỉ trích mạnh bạo TT Obama cũng như các vị lãnh đạo của đảng Cộng Hoà.

Trong cuộc mít-tinh quy tụ hàng trăm người đến dự tại tiền đình Quốc Hội, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích những người ủng hộ bản thoả thuận này, nhưng lại không đưa ra được những chính sách nào khác để thay thế chính sách điều đình của ông Obama mà ông cho là quá dở để có thể ngăn chặn tham vọng hạch tâm của Ba Tư. Trước đám đông gồm những người bảo thủ đang hăng say ủng hộ đến tham dự, ông Trump đã phát biểu: “Chúng ta đang được điều động bởi những kẻ rất, rất, rất ngu dốt. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài.

Chúng ta là một quốc gia đang thiếu nợ 19 ngàn tỷ Mỹ-kim. Chúng ta đang mất mát khắp nơi. Chúng ta thua về quân sự. Chúng ta không thể thắng nổi bọn ISIS. Trời ơi, tại sao tệ như vậy. Chúng ta không thắng nổi một kẻ nào khác?


Để rồi liền sau đó khi tiếng vỗ tay chấm dứt, ông Trump lại “phun châu nhả ngọc” tiếp với những lời hứa hẹn sặc mùi mị dân: “Nhưng rồi mọi chuyện sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi nếu như tôi được đắc cử khiến cho quí vị sẽ không chán nản với những thắng lợi đạt được. Hãy tin lời tôi đi. Tôi đồng ý là quý vị sẽ không chán ngấy cái chuyện mình giành được thắng lợi.

Cùng xuất hiện trong buổi nói chuyện này có ông Cruz cũng đưa ra những lời chỉ trích lên ăn nặng nề không kém: “Chúng ta cần nên nhớ là nếu như bản thoả thuận này được thông qua, thì chắc chắn là nhiều người sẽ chết. Dân Mỹ sẽ chết, dân Do Thái sẽ chết, dân Âu Châu cũng sẽ chết.” Ông Cruz nói tiếp là những vị dân cử phe Dân Chủ đang ủng hộ cho bản thoả thuận này sẽ phải trả giá cho quyết định này bởi vì “họ không thể phủi tay để khỏi dính máu của nhiều người dân Mỹ sẽ phải thiệt mạng tại vùng Trung Đông do hậu quả của bản thoả thuận này.

Nếu như lời cảnh cáo này chưa đủ sức thuyết phục, ông Cruz còn đưa thêm những dự phóng về hậu quả kinh khủng thêm: “Nếu như Ba Tư có được vũ khí nguyên tử, điều nguy hiểm nhất là bọn họ sẽ đặt nó trên một chiến hạm nào đó ở vùng Đại Tây Dương và phóng nó lao về hướng bờ biển miền Đông Hoa Kỳ, giết chết hàng chục triệu người dân Mỹ. Nhưng chúng ta có thể ngăn chặn điều này.

Kể từ ngày ông Obama đắc cử và nắm quyền lãnh đạo đất nước, nhiều người bảo thủ cực hữu vẫn còn có thành kiến cho rằng ông ta chẳng có tài cán gì, chỉ là một chính trị gia đầy may mắn và chỉ có tài “lẻo mép”, giỏi mở giọng hùng biện để đưa ra những lời hứa hẹn đổi mới nhằm thu phục nhiều thành phần cử tri nhẹ dạ. Ít ai chịu nhìn thấy là ông ta cũng là một chính trị gia có tài lãnh đạo và thông minh, biết tiên đoán tình hình và từ đó vạch ra những chiến lược và chiến thuật để đạt được mục đích hoặc chiến thắng đối thủ hoặc kẻ thù.

Thí dụ điển hình nhất là thành quả chiến thắng của ông trong kỳ vận động bầu cử sơ bộ vào năm 2008 trước đối thủ lợi hại hơn nhiều là bà Hillary Clinton, khi biết khai thác luật lệ khá phức tạp và lỏng lẻo trong đảng Dân Chủ để có thể cầm cự ngang ngửa trong thời gian đầu, và rồi dần dần vượt qua mặt và cuối cùng giành được thắng lợi.

 

Thành quả chính quyền Obama thông qua được đạo luật Affordable Care Act (ACA, thường được quen gọi là Obamacare) có thể coi như là thành quả chung của các vị dân biểu và nghị sĩ của đảng Dân Chủ đã giành được thắng lợi vào năm 2008 (sau 8 năm bết bát của chính quyền Bush Con) chứ không phải riêng gì công lao của ông Obama như nhiều người lầm tưởng.

Trong mùa hè năm nay, chính quyền Obama cũng bất ngờ đạt được 2 thắng lợi lớn, đó là quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ thông qua hai phán quyết ủng hộ hôn nhân đồng tính cũng như duy trì tính hợp hiến của đạo luật bảo hiểm y tế ACA. Trong cả 2 vụ này, chính quyền Obama coi như cũng chỉ thụ động đứng ngoài để lắng nghe phán quyết của các vị thẩm phán tối cao. Tuy rằng đa số (5/9) các thẩm phán hiện tại theo khuynh hướng bảo thủ vì được bổ nhiệm bởi các vị tổng thống phe Cộng Hoà, nhưng việc họ đã biểu quyết vừa rồi theo khuynh hướng cấp tiến chẳng qua chỉ là phản ảnh của trào lưu tư tưởng của đa số dân chúng Mỹ hiện nay đang ủng hộ hai đề tài này.

Nhưng trong vụ thoả thuận hạch tâm với Ba Tư lần này, coi như ông Obama đã đạt được một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao, giữa lúc nhiều người đã phê phán ông chỉ còn là một “tổng thống vịt què” (lame duck president) trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ. Đó là vì giữa lúc nhiều người tiên đoán rằng phe Cộng Hoà vừa mới nắm được quyền đa số tại Thượng Viện, cộng với quyền đa số đã có tại Hạ Viện từ hơn 4 năm qua, chắc chắn sẽ gây điêu đứng hoặc khổ sở khiến cho chính quyền Obama sẽ không làm nên trò trống gì, thì không ai ngờ là bản thoả thuận này được phía Ba Tư chịu ký kết, để rồi sau đó nó trở thành hiệu lực khi phe Cộng Hoà không thể nào phá nổi.

Trong bài viết mới nhất được đăng trên tờ Wall Street Journal vào cuối tuần qua khi phân tích về nỗ lực của chính quyền Obama để thông qua bản thoả thuận này, hai nhà báo Carol Lee và Shobian Hughes đã phân tích khá kỹ lưỡng những bước đi và sửa soạn của chính quyền Obama. Chỉ vài ngày sau khi bản thoả thuận này được ký kết giữa liên minh của Hoa Kỳ và 5 nước khác (gồm có Nga, Trung Cộng, Anh, Pháp và Đức) và Ba Tư, các viên chức cao cấp ở Bạch Cung đã thiết lập một “phòng hành quân” như là trung tâm đầu não của toàn bộ những chiến lược và chiến thuật được phối hợp để chống lại những nỗ lực chống đối của phe Cộng Hoà.

Khi biết trước là lần này sẽ không có một vị dân cử Cộng Hoà nào muốn ủng hộ về thoả thuận này, chính quyền Obama đã dứt khoát lựa chọn chiến lược không thèm mời gọi hay chiêu dụ như đã xảy ra trong vụ thông qua đạo luật bảo hiểm y tế. Thay vì phí phạm thì giờ và công sức vào vụ này, họ đã dồn hết nỗ lực vào việc thuyết phục những nhà dân cử Dân Chủ có thể còn nghi ngại về tham vọng của giới lãnh đạo ở Ba Tư để mong họ đừng lên tiếng chống đối. Hai nhân vật được nhờ vả mạnh nhất là dân biểu Nancy Pelosi, thủ lãnh khối thiểu số tại Hạ Viện và nghị sĩ Dick Durbin, lãnh tụ số 2 của phe Dân Chủ tại Thượng Viện.

Thông điệp họ đưa ra lần này cũng quyết liệt: Những ai ủng hộ cho bản thoả thuận này (như chính quyền Obama đang theo đuổi) được xem như là những người chịu theo đuổi con đường ngoại giao; còn những ai chống đối bản thoả thuận (như phe Cộng Hoà) là những người thích mưu cầu chiến tranh với Ba Tư.

Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu hiện nay, và nhất là sau hậu quả bết bát của chính quyền Bush Con sau hai cuộc chiến sa lầy tại Iraq và A Phú Hãn, hình ảnh những chính trị gia vỗ ngực yêu nước lúc nào cũng chủ chiến và đòi tiêu diệt kẻ thù hết còn là điều ăn khách đối với phần đông dân chúng Mỹ.

 

Cũng trong chiến dịch chiêu dụ những nhà dân cử phe Dân Chủ còn ngần ngại, TT Obama đã đích thân gọi điện thoại đến từng vị dân biểu và nghị sĩ mà 2 lãnh tụ Pelosi và Durbin đưa lên danh sách những người chưa quyết định và cần phải có tổng thống gọi đến để giải thích và yêu cầu ủng hộ. Nhiều cuộc họp được tổ chức từ nhỏ cho đến lớn để cho nhiều viên chức ngoại giao của các nước đồng minh khác đến trình bày lý do vì sao họ lại ủng hộ bản thoả thuận này. Và quan trọng hơn nữa, là nếu như Hoa Kỳ đơn phương rút lại cam kết thoả thuận này, coi như các quốc gia này, cùng với Trung Cộng và Nga Sô, sẽ không thể tiếp tục đứng chung trong liên minh để duy trì các biện pháp cấm vận đối với Ba Tư. Điều này cho thấy là tuy bản thoả thuận này không hoàn hảo theo đúng ý muốn của nhiều chính trị gia cánh hữu, nhưng nó vẫn là bản thoả thuận tốt đẹp nhất mà Hoa Kỳ có thể đạt được, mà nếu không thông qua lần này, thì Hoa Kỳ sẽ còn khốn đốn hơn nhiều sau này.

Toà Bạch Ốc cũng lôi kéo sự ủng hộ của nhiều viên chức ngoại giao kỳ cựu (như cựu ngoại trưởng Colin Powell) và nhiều tổ chức nghiên cứu (như cơ quan Ploughsares Fund đã chi ra hơn 7 triệu Mỹ kim cho những nghiên cứu đề cao chiến lược ngoại giao với Ba Tư trong 4 năm qua; hoặc là tổ chức J Street của khối dân Do Thái nhưng có lập trường cấp tiến).

 

Trong những ngày tháng tới, giới lãnh đạo phe Cộng Hoà tại Quốc Hội sẽ không phí thời giờ để tranh luận về bản thoả thuận hạch tâm này. Tuy rằng trong thời gian vận động tranh cử từ đây cho đến năm sau, nhiều ứng viên đảng Cộng Hoà sẽ đưa ra những lời chỉ trích, hoặc hứa hẹn rằng nếu đắc cử thì họ sẽ xé toạc bản thoả thuận này ngay từ ngày đầu (như lời của ông Trump) v.v. Và họ sẽ tiếp tục chỉ trích phe Dân Chủ là những người thiếu kiên quyết, thiếu mạnh dạn trên những hồ sơ về an ninh quốc phòng v.v. Nhưng điều đáng nói là những lời chỉ trích hoặc tố cáo kiểu này đã hết còn ăn khách với giới cử tri, và phần lớn những chính trị gia phe Dân Chủ đã không còn ngần ngại hay lo sợ nữa trước những lời chỉ trích này như họ vẫn thường bị trong quá khứ, xuyên qua việc họ đã mạnh dạn quyết định ủng hộ bản thoả thuận mà chính quyền Obama mới vừa ký kết.

Lập trường của hai đảng chính trị lớn tại Hoa Kỳ có những khác biệt rõ nét theo hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến. Trong tinh thần đó, người ta dễ có cái nhìn tổng quát để tóm lược về đường hướng của hai lập trường này, tuy rằng trong thực tế nó cũng không hoàn toàn chính xác, bởi vì các chính trị gia có thể có những quan điểm bảo thủ hay cấp tiến theo từng vấn đề riêng rẽ chứ không nhất thiết lúc nào cũng khư khư ôm mãi lập trường cứng rắn hay phóng túng. Chẳng hạn như một người có lập trường bảo thủ trên các hồ sơ tài chính và thuế khoá (tức là ủng hộ việc chi tiêu kỹ lưỡng để không bị thất thu ngân sách) nhưng vẫn có thể có lập trường cấp tiến trên các đề tài xã hội và gia đình (tức là không khắt khe, lên án hay kỳ thị đối với giới thiểu số, giới đồng tính luyến ái hay giới phụ nữ phá thai v.v.)

Đặc biệt kể từ sau thời của TT Ronald Reagan khi đưa ra hình ảnh của một lãnh tụ kiên cường, dứt khoát và không ngần ngại đối đầu với quỷ dữ Cộng sản, phe Cộng Hoà đã thành công trong chính sách tuyên truyền rằng những người theo đảng Dân Chủ là những kẻ “nhút nhát”, nhút nhát trên các hồ sơ quốc phòng, nhút nhát khi phải đối phó với kẻ thù cộng sản, nhút nhát trên bất cứ chuyện gì liên quan đến những mối nguy đến từ nước ngoài. Sau biến cố 9/11, chính sách chỉ trích này còn tăng cao cường độ khiến cho các chính trị gia phe Dân Chủ đều lo sợ rằng mỗi khi họ đưa ra những giải pháp ôn hoà thì có thể bị phe Cộng Hoà tấn công và chỉ trích rằng “Tại sao các anh lại đứng về phe bọn khủng bố?” hoặc là “Tại sao các anh lại không ủng hộ các quân nhân chúng ta đang chiến đấu tại mặt trận?” v.v.

Chính vì thế mà trong thời điểm cuối năm 2002, gần như bất cứ chính trị gia nào của phe Dân Chủ đang nuôi mộng ra ứng cử tổng thống đều không dám bỏ phiếu chống lại Quyết Nghị Ủng Hộ Cuộc Chiến đối với Iraq giữa lúc cao trào đòi tấn công chế độ Saddam Hussein đang được bộ máy tuyên truyền của Toà Bạch Ốc thời TT Bush Con đánh trống khua chiêng ầm ĩ. Thậm chí, ngay cả nghị sĩ Max Cleland tại tiểu bang Georgia, một cựu chiến binh anh dũng đã từng bị thương tại chiến trường ở Khe Sanh khiến ông phải bị cưa cụt 2 chân và sau này tham chính và trở thành nghị sĩ liên bang, nhưng cũng đã bị phe Cộng Hoà tại Georgia chụp mũ là nhút nhát, “bồ tèo” với các tay Osama bin Laden và Saddam Hussein trong cuộc vận động bầu cử vào năm 2002 khiến ông bị thất cử trước đối thủ Saxby Chambliss.

Trong số tất cả các nghị sĩ phe Dân Chủ bỏ phiếu vào lúc đó và sau này ôm mộng ra tranh cử tổng thống, chỉ riêng có 1 mình ông Bob Graham của tiểu bang Florida là dám bỏ phiếu Không. Những người còn lại như bà Hillary Clinton hoặc các ông John Kerry và Joe Biden đều phải bỏ phiếu Có, vì nghĩ rằng đó là lá phiếu chắc ăn, an toàn nhất về mặt chính trị. Để rồi khi ông Kerry được trở thành ứng viên chính thức của phe Dân Chủ vào năm 2004, ông đã không ngần ngại đưa ra hình ảnh của ông đã từng là quân nhân chiến đấu tại mặt trận ở Việt Nam và còn được trao tặng nhiều chiến thương bội tinh. Ông ta nghĩ rằng những đối thủ thuộc loại trốn tránh cuộc chiến tại VN như Bush Con (đăng lính Vệ Binh Quốc Gia ở Alabama nhưng thực chất không khác gì lính kiểng) hoặc Dick Cheney (nộp đơn xin miễn dịch đến 5 lần vì lý do gia cảnh) sẽ không dám tấn công thành tích ái quốc của ông. Thế nhưng sau cùng ông Kerry cũng bị tấn công dữ dội bởi một chiến dịch gọi là Swift Boat Attack do các tài phiệt bảo thủ phe Cộng Hoà bảo trợ nhằm gieo ngờ vực về tinh thần chiến đấu của ông trong thời gian phục vụ trong quân đội.

Thế nhưng kết quả thê thảm cho Hoa Kỳ trong hai cuộc chiến sa lầy tại A Phú Hãn và Iraq dưới thời của TT Bush Con đã giúp cho các chính trị gia phe Dân Chủ thấy rằng họ không phải lúc nào cũng lo sợ bỏ phiếu ngược lại với suy nghĩ, nhận định và lương tâm của mình để mong chứng tỏ rằng mình cũng cứng rắn và mạnh mẽ trên các hồ sơ an ninh và quốc phòng. Nhất là khi chính tinh thần cứng rắn một cách ngoan cố như ông Bush Con và bộ tham mưu của ông lúc nào cũng húc đầu về phía trước để đối phó với mọi trở lực đã là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn còn kéo dài đến ngày nay. Tuy vậy, hồ sơ tranh luận về thoả thuận hạch tâm với Ba Tư được coi như là bài toán để thử nghiệm xem tính quyết đoán của phe Dân Chủ có thực sự thay đổi hay chưa. Bởi vì trong một chừng mực nào đó, các vị dân cử phe Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ thoả thuận này vẫn có thể gặp nhiều rủi ro hơn.

Nếu như thoả thuận đó sau này thất bại, chẳng hạn như khi giới lãnh đạo ở Ba Tư sau đó đã âm thầm lén lút qua mặt được các thanh tra LHQ để chế tạo được vũ khí nguyên tử, thì lúc bấy giờ các vị dân cử phe Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ thoả thuận hạch tâm này sẽ phải lãnh đủ hậu quả tai hại về mặt chính trị. Chính vì thế cho nên họ đã phải suy xét kỹ lưỡng và thận trọng về thoả thuận này và những lựa chọn hay giải pháp nào khác có thể khá hơn để thay thế, trước khi quyết định ủng hộ nó và chấp nhận những rủi ro có thể xảy đến trong đường dài.

Ngược lại, phe Cộng Hoà gần như chẳng có rủi ro hay thiệt hại gì nhiều khi lên tiếng chống đối. Giả sử như thoả thuận này đạt được mục đích chính của nó lúc ban đầu, tức là Ba Tư sẽ từ bỏ tham vọng hạch tâm của mình trong vòng 15 năm tới, thì coi như kết quả này cũng nằm trong một lô những lời tố cáo của phe Cộng Hoà đã được chứng minh là sai lầm, nhưng nó cũng không đủ mạnh để họ thay đổi nhận định bảo thủ cứng rắn của mình. Chẳng hạn như sự sai lầm của cuộc chiến Iraq vào năm 2003 cũng không khiến nhiều chính trị gia Cộng Hoà thay đổi lối nhìn để khôn ngoan hơn thay vì cứ luôn sẵn sàng đòi dùng vũ lực để tham chiến tại vùng Trung Đông. Chẳng hạn như họ đã sai lầm khi chỉ trích ngân sách do TT Bill Clinton đưa ra vào năm 2003 bao gồm việc tăng thuế và tiên đoán rằng nó sẽ giết chết nhiều công ăn việc làm và dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế. Về sau này, mọi người đều công nhận rằng nhờ sự cương quyết của ông Clinton mà ngân sách của Hoa Kỳ mới khá hơn hết trong mấy chục năm qua (với phần thặng dư thay vì thiếu hụt) so với mọi vị tổng thống khác. Và họ cũng đã sai lầm nặng khi hô hào ủng hộ cho 2 đợt cắt giảm thuế dưới thời TT Bush Con (khi cho rằng điều này sẽ khiến cho giới chủ nhân có nhiều tiền hơn để đầu tư và tạo thêm nhiều công ăn việc làm nhưng thực tế là khiến cho ngân sách bị thiếu hụt khiến cho món nợ của quốc gia càng tăng cao) cũng không khiến các chính trị gia phe Cộng Hoà thay đổi cái nhìn quá cứng ngắc và sai lầm khi luôn miệng cho rằng bất cứ chính sách tăng thuế nào cũng bất lợi cho nền kinh tế.  

 

Vì thế cho nên nếu như bản thoả thuận này thành công theo đúng tinh thần của nó, thì hậu quả chính trị đối với phe Cộng Hoà cũng không có gì thiệt hại. Sẽ chẳng có một biểu ngữ hay một lời hô hào to tiếng rằng “Ba Tư Bây Giờ Vẫn Không Có Vũ Khí Nguyên Tử – Các Vị Dân Cử Phe Dân Chủ Đã Bỏ Phiếu Đúng!” trong những cuộc vận động bầu cử trong tương lai. Trong 10 hay 15 năm sắp tới, những người phe Cộng Hoà vẫn luôn có lối vận động tuyên truyền chụp mũ rằng bản thoả thuận này không tốt chút nào, dù rằng tham vọng hạch tâm của Ba Tư có thể đã bị giới hạn theo đúng tinh thần của nó. Và nhiều người vẫn còn thích nghe những lời tố cáo quá lố như vậy, để tiếp tục bị mờ mắt hay tẩy não bởi những luận điệu sai trái nặng nề cứ kéo dài.

Trong bối cảnh đó, người ta mới thấy là Hoa Kỳ cũng còn có may mắn là không phải lúc nào mọi người cũng ngu ngơ hoặc tiếp tục sai lầm vì nhút nhát, và hành động bỏ phiếu ủng hộ thoả thuận hạch tâm với Ba Tư của các nghị sĩ phe Dân Chủ tại Thượng Viện, dù chỉ là thiểu số, được xem như là một hành động can đảm, đứng đắn và nghiêm túc khi nghĩ đến quyền lợi lâu dài của nước Mỹ.  

Đó chính là điều đáng mừng cho chúng ta được sinh sống tại một đất nước tự do có những nhà dân cử còn sáng suốt để bỏ phiếu theo đúng với nhận định và lương tâm của mình.

 

Mai Loan

14 tháng 9, 2015

06 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15189)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: "Tôi tự tin về tương lai mối quan hệ song phương, mặc dù có một sự khác biệt ở đây, cách này hay cách khác.
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15290)
Đích thân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/11 đã tới chào từ biệt 17 ngư phủ Việt Nam, gần hai tháng sau khi họ bị bắt giữ. Ngư dân Việt vẫy chào tạm biệt Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức khác tại cảng Sual, tỉnh Pangasinan, miền bắc Philippines, 2/11/2016.
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15044)
Hơn 200 di dân đã chết đuối trong hai vụ đắm tàu riêng biệt ở ngoài khơi bờ biển Libya, nhiều người sống sót cho Liên Hiệp Quốc biết.
03 Tháng Mười Một 2016(Xem: 15528)
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang trở thành một trong những nhân vật có tiếng nói lớn nhất ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, khi ông chế giễu ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Năm, nói rằng ông Trump là “người đặc biệt thiếu năng lực để trở thành tổng thống nhất”.
01 Tháng Mười Một 2016(Xem: 14147)
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin bà Choi Soon Sil - bạn thân của tổng thống Park Geun Hye đã bị bắt vào cuối ngày 31-10 sau khi bà này đến văn phòng công tố Seoul theo lệnh triệu tập.
23 Tháng Mười 2016(Xem: 16487)
Pháo hạm cường quốc lũ lượt tiến vào Cam Ranh
20 Tháng Mười 2016(Xem: 15982)
Ông Donald Trump trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng hôm 20/10 đã đưa ra nhận xét về Việt Nam.
20 Tháng Mười 2016(Xem: 15430)
Không cho nước nào đặt căn cứ! Nhưng: VĂN HÓA tổng hợp 19/10/16 Cảng Cam Ranh nhìn từ đài chỉ huy. Ảnh VH DIỄN TIẾN: - 12/4/2016: Hai chiến hạm Nhật Bản có chuyến "thăm lịch sử” đến cảng Cam Ranh. - 02/5/2016: Tàu Thủy Văn Nga "thăm" Cam Ranh. - Đầu tháng 10/2016 , hai tàu khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tới "thăm" Cam Ranh. - 16/10/2016: Ba chiến hạm 529, 531 và 890 thuộc hạm đội Bắc Hải TQ "thăm" cảng Sihanoukville hôm Chủ Nhật 16/10/2016 và ở lại thêm bốn ngày. -22/10/2016: Ba chiến hạm Tầu dự trù sẽ "thăm" Cam Ranh.
18 Tháng Mười 2016(Xem: 15083)
Thủ tướng Singapore thăm Úc để nâng cấp một thỏa thuận tự do thương mại và chung quyết một thỏa thuận có thể nhân đôi khả năng của các cơ sở huấn luyện quân sự Singapore tại các vùng nhiệt đới của Úc.
18 Tháng Mười 2016(Xem: 15194)
Sự thay đổi chính sách đối ngoại của ông Duterte có thể là cơ hội vàng để Trung Quốc thay đổi tình thế ở Biển Đông khi Mỹ ngày càng bị đẩy xa khỏi Philippines.
13 Tháng Mười 2016(Xem: 14626)
Trong buổi tiếp tư lệnh không quân Úc Mark Binski tới Bắc Kinh dự cuộc đối thoại Quốc phòng thường niên giữa hai nước, tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Quốc nói : “Bắc Kinh mong muốn Úc phát biểu và hành động thật cẩn trọng trong vấn đề Biển Đông” (theo thông cáo bộ Quốc Phòng Trung Quốc).
13 Tháng Mười 2016(Xem: 14094)
- Diễn đàn quốc phòng khu vực Hương Sơn lần thứ bảy khai mạc tại Bắc Kinh qui tụ hơn 500 phái đoàn từ khoảng 60 quốc gia, gồm các phái đoàn của các cơ quan thực thi luật pháp cho đến các viện nghiên cứu về quốc phòng, an ninh. - Chủ đề chính của phiên họp ngày đầu tiên là "Xây dựng kiểu quan hệ quốc tế mới". - Kissinger và “Trật tự thế giới”
11 Tháng Mười 2016(Xem: 14146)
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường trình : « Chính thứ trưởng Quốc Phòng Nikolaï Pankov là người đưa ra thông tin trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện : « Chúng ta sẽ có một căn cứ quân sự thường trực ở Tartus ».
11 Tháng Mười 2016(Xem: 14379)
Theo chương trình, lẽ ra ông Putin sẽ tới thăm Paris vào ngày 19 tháng 10, và theo ấn định sẽ dự lễ khai trương một nhà thờ Chính thống giáo mới.
11 Tháng Mười 2016(Xem: 15359)
Dutetrte: "Chúng ta không nhấn mạnh vấn đề Scarborough vì chúng ta không có khả năng chiến thắng. Ngay cả khi chúng ta tức giận cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Chúng ta không thể lấy lại nó (bằng việc tức giận)."