Bồ câu hay chó: TQ giữ hòa bình nhưng vẫn nhe nanh; Pháp mộng "siêu cường thứ ba"; Sau Pháp, Đức vội đến Bắc Kinh

14 Tháng Tư 20238:11 SA(Xem: 2529)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY – THỨ SÁU APRIL 14, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Bồ câu hay chó: TQ giữ hòa bình nhưng vẫn nhe nanh; Pháp mộng "siêu cường thứ ba"; Sau Pháp, Đức vội đến Bắc Kinh


Ông Macron nói rằng “trở thành đồng minh của Mỹ không có nghĩa là trở thành "chư hầu" của nước này”;


"Nếu căng thẳng giữa hai siêu cường nóng lên... chúng ta sẽ không có thời gian hay nguồn lực để tài trợ cho quyền tự chủ chiến lược của mình và sẽ trở thành các chư hầu;"


Macron cũng nhấn mạnh đến lý thuyết quan trọng về "quyền tự chủ chiến lược" của châu Âu, giả định do Pháp dẫn đầu, để trở thành "siêu cường thứ ba" của thế giới.


image003Tổng thống Pháp và người đứng đầu Ủy ban châu Âu đã bay đến Bắc Kinh vào thứ Tư 05/04/2023, Chủ tịch Trung Quốc đón tiếp vào ngày 06/04/2023.


Trà đàm lịch sử tại khu vườn trong dinh tỉnh trưởng Quảng Châu ngày 08/4/2023: Bộ bàn ghế thủ công làm bằng mây và phong cách thưởng trà của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; – ông Tập với dáng vẻ ung dung của chủ nhân tiếp khách với đôi mắt của một ‘con cáo quan sát đối thủ’, trong lúc ông Macron ngồi hơi cứng người nhìn thẳng vào ông Tập tay định cầm tách trà lên, tập tài liệu của ông Macron để dưới bàn, có lẽ đây là lần đầu tiên ông Macron uống trà Trung Quốc. Nhẽ ra ông Tâp phải mời khách nâng tách trà trước, hoặc là do ống kính của phóng viên không chụp được cảnh ông Macron nâng ly trước. Chỉ vài giờ sau khi Tập Cận Bình thưởng trà cùng Emmanuel Macron, các chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay qua eo biển Đài Loan để ‘phong tỏa’ mô hình giả định tấn công Đài Loan. Ảnh Getty Images. Chú thích của VHO.


  • Tác giả, Tessa Wong
  • Vai trò, Phóng viên Kỹ thuật số châu Á, BBC News
  • BBC 14/4/2023


Hôm 8/4/2023, chỉ vài giờ sau khi Tập Cận Bình thưởng trà cùng Emmanuel Macron và kêu gọi hòa bình ở Ukraine thì các chiến đấu cơ đã bay qua eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc.


Nhằm dọa nạt Đài Loan, các cuộc tập trận của Trung Quốc bắt đầu một ngày sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp, đánh dấu điểm nhấn trong ngoại giao Trung Quốc.


Sự tương phản gay gắt ấy là ví dụ mới nhất về hai khuôn mặt mà Trung Quốc đang thể hiện với thế giới – một nhà kiến tạo hòa bình quốc tế theo đường lối bồ câu và một con chó tấn công đang nhe nanh để bảo vệ cái mà họ coi là lãnh thổ của mình.


Nhưng liệu Bắc Kinh có thể duy trì chiến lược này?


Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã không phí thì giờ kể từ khi thoát khỏi sự đóng cửa vì Covid-19. Trong vài tháng gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin; tiếp đón một số nhà lãnh đạo thế giới bao gồm tổng thống Brazil đã đến vào tuần này; cử sứ giả hàng đầu đến châu Âu; và trình bày giải pháp 12 điểm cho cuộc chiến Ukraine.


Bắc Kinh cũng làm trung gian giúp giảm thiểu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran trong một trong sự xoay trục chính sách ngoại giao lớn nhất của chính quyền Tập Cận Bình; Trung Quốc đã thực hiện được điều này ở Trung Đông, nơi mà sự can thiệp của Mỹ đã bị sa lầy trong những khó khăn và thất bại, là điều đặc biệt quan trọng.


Đồng thời, Bắc Kinh đã công bố nhiều đề xuất khác nhau về an ninh và phát triển toàn cầu - một dấu hiệu rõ ràng rằng họ đang thu hút "phía nam bán cầu" như họ đã làm với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trước đó, khi rót hàng tỷ USD cho các quốc gia khác.


Trung Quốc thậm chí dường như đã bớt đi giọng điệu đối đầu "Chiến lang" của mình bằng cách thuyên chuyển nhà ngoại giao gây tranh cãi Triệu Lập Kiên, và đề bạt những nhân vật ôn hòa hơn như Vương Nghị và Tần Cương - dù ông Tập vẫn tiếp tục khuyến khích các sứ giả của mình thể hiện "tinh thần quyết chiến".


Nỗ lực ngoại giao đặt Trung Quốc vào vị trí là một nhà trung gian quyền lực toàn cầu có thể có cội nguồn từ chủ trương “Trung Hoa dân tộc phục hưng”, một khái niệm dân tộc chủ nghĩa lâu đời nhằm đưa Trung Quốc giành lại vị trí trung tâm của mình trên thế giới.


Zhang Xin, phó giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại East China Normal University, cho biết gần đây ông Tập nhắc lại "Giấc mơ Trung Hoa" khi ông mới nắm quyền, phản ánh "sự tự tin vào con đường và cách tiếp cận hiện đại hóa của chính họ".


Nhưng đó không chỉ là truyền bá chân lý theo cách của Trung Quốc - phần lớn nó còn nhằm mục đích đảm bảo các mối quan hệ kinh tế toàn cầu.


Neil Thomas, một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: “Ông Tập biết rằng bạn không thể phục hưng một quốc gia Trung Quốc nếu không có một nền kinh tế tốt.


"Trung Quốc cần tiếp tục phát triển trong khi đạt được ảnh hưởng ngoại giao. Bạn không thể làm điều đó nếu bạn xa lánh phương Tây, bạn vẫn cần duy trì các mối quan hệ kinh tế tốt đẹp. Điều đó đòi hỏi ngoại giao và bớt cách tiếp cận kiểu "Chiến lang".


Nhưng lý do chính cho sự xáo động ngoại giao gần đây là Bắc Kinh cảm thấy ngày càng bị vây hãm.


Sự hoài nghi ở phương Tây đã dẫn đến các liên minh quốc phòng mạnh mẽ hơn như Aukus và Quad, đồng thời có những động thái hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.


Vào tháng 3, ông Tập đã cáo buộc "các nước phương Tây do Mỹ cầm đầu" "ngăn chặn, bao vây và kìm kẹp Trung Quốc, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta".


Ian Chong, nghiên cứu viên khách mời tại Carnegie Trung Quốc, lưu ý rằng đó là một cảm giác đã được nhấn mạnh trong năm qua với cuộc chiến Ukraine và các mối quan hệ được củng cố trong Nato.


Ông nói: “Bắc Kinh đã nhận ra rằng Mỹ có rất nhiều bạn bè hùng mạnh. Người Trung Quốc cảm thấy sự ngăn chặn này nhiều hơn, vì vậy tạo cho họ động lực lớn hơn để thoát ra”.


Đây là lý do tại sao một ván bài quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là "thế giới đa cực", một thế giới có nhiều trung tâm quyền lực. Bắc Kinh quảng bá đây là một giải pháp thay thế cho cái mà họ gọi là “quyền bá chủ của Mỹ”, điều mà họ cho rằng đã thúc đẩy các quốc gia thành lập các khối liên minh và làm trầm trọng thêm căng thẳng.


image005Nguồn hình ảnh, Getty Images.Ông Tập giới thiệu "Giấc mơ Trung Hoa" ngay từ đầu nhiệm kỳ.


Điều này được thể hiện rõ ràng trong chuyến thăm của ông Macron, khi ông Tập khuyến khích châu Âu tự coi mình là một "cực độc lập" trong khi lặp lại lời của ông Macron về "quyền tự chủ chiến lược".


Trong khi Bắc Kinh lập luận rằng sự phân bổ quyền lực cân bằng hơn sẽ giúp thế giới an toàn hơn, thì những người khác coi đó là nỗ lực lôi kéo các quốc gia rời khỏi quỹ đạo của Mỹ và làm mạnh hơn sức ảnh hưởng của Trung Quốc.


Trung Quốc thường nêu bật những thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Iraq và Afghanistan trong khi tự cho mình là một quốc gia tay không dính máu, ngụ ý rằng họ là ứng cử viên sáng giá hơn để lãnh đạo thế giới.


Một quan điểm chung trong luận điệu của Trung Quốc là Trung Quốc Cộng sản chưa bao giờ xâm lược một quốc gia khác cũng như không nhúng tay vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm.


Nhưng họ đã thôn tính Tây Tạng và gây ra cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam. Trung Quốc đã bị cáo buộc chiếm đoạt lãnh thổ trong các cuộc đụng độ biên giới gần đây với Ấn Độ và trong các tranh chấp hàng hải với một số quốc gia ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng coi Đài Loan - hòn đảo tự trị là một tỉnh ly khai và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để thực hiện yêu sách chủ quyền nếu cần thiết.


Vậy, việc lôi kéo có đang hiệu quả?


Ở "bán cầu nam" và các quốc gia khác không liên kết chặt chẽ với Trung Quốc hoặc Mỹ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể sẽ được hoan nghênh. Tiến sĩ Zhang cho biết Trung Quốc đang đưa ra một chiến lược hòa giải không cưỡng chế, chiến lược này sẽ có "sự hấp dẫn rộng rãi".


Ý tưởng không can thiệp này sẽ đặc biệt gây tiếng vang ở các quốc gia có chính phủ độc tài. “Nhiều quốc gia không tập trung vào dân chủ và nhân quyền và Trung Quốc sẽ là nhà vô địch của họ trong quản trị toàn cầu”, Tiến sĩ Thomas nói.


Nhưng "liệu họ có đủ đồng ý để dấn thân vì Trung Quốc hay không vẫn chưa biết được", Tiến sĩ Chong chỉ ra. Có những lằn ranh đỏ mà họ sẽ không vượt qua, như đã thấy trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến Ukraine, nơi hầu hết các nước chọn lên án cuộc xâm lược, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.


Trong khi đó, các đồng minh truyền thống của Mỹ như châu Âu tiếp tục tranh luận về cách xử lý các đề nghị của Trung Quốc.


Một số người có vẻ không dễ bị lay chuyển, như chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đã có giọng điệu nghiêm khắc hơn với ông Tập khi tháp tùng ông Macron tới Bắc Kinh.


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images. Bà von der Leyen và ông Macron đã gặp nhau vào đầu tuần này tại Paris để chuẩn bị cho chuyến công du đến Trung Quốc


Nhưng những người khác quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ kinh tế của đất nước họ với Trung Quốc đã cởi mở hơn. Trong chuyến đi của mình, ông Macron đã được người Trung Quốc đối xử rất hậu hĩnh, họ đã chào đón ông bằng một cuộc duyệt binh hoành tráng. Trong một bước đi bất thường, đích thân ông Tập tháp tùng Tổng thống Pháp đến thành phố Quảng Châu ở phía nam, nơi ông ra hiệu rằng họ là "bạn tri kỷ".


Ông Macron sau đó nói với các phóng viên rằng sẽ không có lợi cho châu Âu nếu tham gia vào vấn đề Đài Loan và "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta". Kể từ đó, ông đã bảo vệ bình luận của mình, nói rằng trở thành đồng minh của Mỹ không có nghĩa là trở thành "chư hầu" của nước này. Đối với một số người, đây là bằng chứng cho thấy sự lôi kéo của ông Tập đã phát huy tác dụng.


Theo Tiến sĩ Thomas, châu Âu đang trở thành "chiến trường trung tâm" trong quan hệ Mỹ-Trung và bất kỳ ai được châu Âu ủng hộ sẽ giành được ưu thế.


Nhưng hiện tại, ông Macron là một ngoại lệ trong số các nhà lãnh đạo châu Âu. Phát biểu của ông đã bị chỉ trích và Đức đã cử ngoại trưởng của mình tới Bắc Kinh để củng cố lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Đài Loan.


Trong khi châu Âu đang phòng ngừa các vụ đánh cược giữa Mỹ và Trung Quốc, Tiến sĩ Thomas nói, "họ biết rằng vụ cá cược tốt hơn vẫn là với Mỹ".


image007Nguồn hình ảnh, Reuters. Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khiến Trung Quốc tức giận.


Tuy nhiên, chủ đề Đài Loan là điều mà sự lôi kéo của Trung Quốc bắt đầu bộc lộ.


Các cuộc tập trận quân sự mới nhất của Bắc Kinh - được phát động để đáp trả việc Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen gặp quan chức hàng đầu của Mỹ Kevin McCarthy vào tuần trước - chứng kiến Bắc Kinh triển khai một loạt chiến thuật thông thường, gửi máy bay chiến đấu và tàu và mô phỏng các cuộc tấn công vào hòn đảo.


Đài Bắc cho biết Bắc Kinh đã tăng cường xâm nhập vào không phận của họ trong những năm gần đây, qua việc máy bay quân sự Trung Quốc thực hiện hàng trăm vụ mỗi tháng.


Các nhà phân tích cho rằng những động thái như vậy đã làm suy yếu những tuyên bố của Trung Quốc về việc trở thành một người kiến tạo hòa bình. Trong khi những người khác coi đó là hành vi xâm lược quân sự, Bắc Kinh luôn khẳng định đây là những động thái phòng thủ, và do đó, là vấn đề trong nước.


Nhưng một cuộc chiến tranh Đài Loan sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu, tiến sĩ Chong phân tích. Hòn đảo này sản xuất 60% chất bán dẫn của thế giới và nằm ở giao lộ của một số tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất, cũng như cáp viễn thông ngầm nối châu Âu với châu Á.


Trung Quốc cũng không thể bỏ qua thực tế rằng nếu một cuộc xung đột nổ ra thì nước này sẽ bị đổ lỗi, ít nhất là một phần, vì đã gây bất ổn cho châu Á.


Hầu hết các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc không có ý định sớm xâm chiếm Đài Loan. Nhưng điều đáng lo ngại là hành động quân sự leo thang có thể dẫn đến một tính toán sai lầm nguy hiểm và chiến tranh với Mỹ, do Washington cam kết hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công.


"Tập Cận Bình đang cố gắng khôi phục sự hiện diện ngoại giao [của Trung Quốc] trong khi thể hiện sức mạnh đối với vấn đề Đài Loan. Sẽ ngày càng khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa các mục tiêu đó, khi nhiều quốc gia trở nên lo ngại hơn về khả năng tấn công Đài Loan của Trung Quốc", Tiến sĩ Thomas nhận định.


Khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch chinh phục thế giới, họ cũng sẽ thấy các hành động của mình bị giám sát ngày càng chặt chẽ. Chẳng mấy chốc họ có thể phải đưa ra lựa chọn - trở thành chim bồ câu hay chó.


Grace Tsoi đưa tin bổ sung.


+++++++++++++++++++++++++++++


TT Macron nói châu Âu không nên theo chính sách của Mỹ hoặc TQ về vấn đề Đài Loan


image008Getty Images. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có chuyến công du ba ngày đến Trung Quốc và nhận được sự đón tiếp nồng ấm của Chủ tịch Tập Cận Bình


10/4/2023


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày Chủ nhật 10/04/2024 cho biết châu Âu nên theo đuổi một chiến lược độc lập với cả Washington và Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Đài Loan, theo trang Politico.


Ông Macron vừa có chuyến công du ba ngày đến Trung Quốc và nhận được sự đón tiếp nồng ấm của Chủ tịch Tập Cận Bình.


Chỉ vài giờ sau khi ông Macron bay từ Quảng Châu trở về Paris, Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận xung quanh hòn đảo Đài Loan vào thứ Bảy 08/04/2023.


Màn phô diễn sức mạnh quân sự của Bắc Kinh nhằm thể hiện sự giận dữ liên quan đến cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vào ngày 05/04/2023.


Trong bình luận trên báo Les Chos và Politico trên chuyến bay trở về Pháp ngày 07/04, ông Macron nói châu Âu không nên đẩy nhanh cuộc xung đột Đài Loan mà nên tận dụng thời gian để thiết lập vị thế là trụ cột thứ ba giữa Trung Quốc và Mỹ.


"Câu hỏi mà người dân châu Âu nên trả lời... có phải là lợi ích của chúng ta khi đẩy nhanh [một cuộc khủng hoảng] ở Đài Loan. Câu trả lời là không. Điều tồi tệ hơn là nghĩ rằng người châu Âu phải trở thành những người theo dõi chủ đề này và lắng nghe tín hiệu từ chương trình nghị sự của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc," trang Politico trích dẫn lời ông Macron.


Cũng vào ngày 07/04, cố vấn tổng thống Pháp nói với các phóng viên ở Quảng Châu rằng ông Tập và ông Macron đã có cuộc thảo luận "dày dặn và thẳng thắn" về Loan trong các cuộc gặp của họ.


"Ngài tổng thống cảm thấy chúng ta nên cẩn trọng không để xảy ra sự cố hoặc leo thang căng thẳng (có thể dẫn đến) việc Trung Quốc tiến hành tấn công," cố vấn Điện Elysée nói.


Ông Macron cũng đưa ra những lời cảnh báo về 'chư hầu' đối với châu Âu.


"Nếu căng thẳng giữa hai siêu cường nóng lên... chúng ta sẽ không có thời gian hay nguồn lực để tài trợ cho quyền tự chủ chiến lược của mình và sẽ trở thành các chư hầu," ông nói với trang Politico.


Châu Âu nên đầu tư tốt hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng, phát triển năng lượng hạt nhân và tái tạo, và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để hạn chế sự dựa dẫm vào Mỹ, Les Chos và Politico dẫn lời ông Macron.


Trong cuộc phỏng vấn chung giữa hai cơ quan truyền thông này, ông Macron cũng nhấn mạnh đến lý thuyết quan trọng về "quyền tự chủ chiến lược" của châu Âu, giả định do Pháp dẫn đầu, để trở thành "siêu cường thứ ba" của thế giới.


++++++++++++++++++++++++++++++


‘Diều hâu’ Đức đến Bắc Kinh


Ngoại trưởng Đức sẽ thể hiện lập trường nào đối với Trung Quốc?


image009Nguồn hình ảnh, Reuters. Ngoại trưởng Đức dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc, Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, ông Vương Nghị trong chuyến đi kéo dài hai ngày, bắt đầu từ ngày 13/04


13/4/2023


Ngoại trưởng Đức sẽ bắt đầu chuyến công du Trung Quốc vào hôm nay thứ Năm 13/04, với mục tiêu tái khẳng định một chính sách chung của Liên minh châu Âu đối với Bắc Kinh.


Chuyến đi của bà Annalena Baerbock diễn ra chỉ vài ngày sau phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thể hiện sự không thống nhất trong cách tiếp cận của châu Âu đối với siêu cường châu Á đang trỗi dậy.


Ông Macron đã khiến Mỹ và châu Âu phải đáp trả khi kêu gọi Liên minh châu Âu phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và cảnh báo việc lục địa này bị lôi vào một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan.


"Câu hỏi mà người dân châu Âu nên trả lời... có phải là lợi ích của chúng ta khi đẩy nhanh [một cuộc khủng hoảng] ở Đài Loan. Câu trả lời là không. Điều tồi tệ hơn là nghĩ rằng người châu Âu phải trở thành những người theo dõi chủ đề này và lắng nghe tín hiệu từ chương trình nghị sự của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc," trang Politico trích dẫn lời ông Macron vào ngày 09/04.


Nhiều chính trị gia châu Âu, nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng những bình luận của ông Macron trong cuộc phỏng vấn với Politico và nhật báo Les Echos là một món quà dành cho mục tiêu của Bắc Kinh nhằm chia rẽ sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.


Theo đó, các chuyên gia nhận định chuyến đi của Ngoại trưởng Đức đến Trung Quốc làm gia tăng rủi ro và nhiều thành viên trong EU hy vọng Berlin sẽ tận dụng cơ hội này để đưa ra một đường lối rõ ràng và đoàn kết của EU đối với Trung Quốc.


image010Nguồn hình ảnh, Getty Images. Nhiều chính trị gia châu Âu, nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng những bình luận của ông Macron trong cuộc phỏng vấn với Politico và nhật báo Les Echos là một món quà dành cho mục tiêu của Bắc Kinh nhằm chia rẽ sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương


Ông Macron được xem đã có lập trường yếu ớt liên quan đến Đài Loan bằng cách cảnh báo châu Âu không nên "bị mắc kẹt trong các cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta" - mặc dù Điện Elysée khẳng định đây không phải là dụng ý của ông ấy và lập trường của ông Macron liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc vẫn không thay đổi.


"Hiện nay vấn đề là về kiểm soát tổn thất lên đến cấp độ cao... Thế nhưng chuyến đi của ông Macron đã phủ bóng rất lớn và vẫn không rõ là sự cân bằng này cuối cùng sẽ như thế nào," Alicja Bachulska, một nhà nghiên cứu quan hệ EU-Trung Quốc từ European Council on Foreign Relations ở Warsaw trả lời Reuters.


Thậm chí nếu không có những bình luận trước đó của ông Macron thì chuyến đi Trung Quốc lần này cũng đòi hỏi sự cẩn trọng đối với bà Baerbock, người vốn có lập trường mang tính diều hâu về Trung Quốc hơn Thủ tướng Olaf Scholz và cũng đang soạn thảo một chính sách Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Đức đối với Bắc Kinh.


"Bà ấy đại khái được xem như một người gây rắc rối. Tôi ngạc nhiên nếu vấn đề này đóng vai trò trong chuyến công du của bà ấy," Tim Ruehlig, chuyên gia Trung Quốc từ German Council on Foreign Relations trả lời Reuters.


Bà Baerbock hiện nay phải cho thấy lập trường rõ ràng của Đức về Đài Loan trong suốt chuyến đi, nghị sĩ quốc hội về chính sách ngoại giao của Đức Nils Schmid trả lời Reuters, và cho biết thêm những bình luận của ông Macron đã làm tổn hại đến một động lực được kỳ vọng về chính sách chung của châu Âu đối với Trung Quốc.


image011Getty Images. Bà Baerbock được xem có lập trường mang tính diều hâu về Trung Quốc hơn Thủ tướng Olaf Scholz


Ngoại trưởng Đức dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc, Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, ông Vương Nghị trong chuyến đi kéo dài hai ngày.


Phát biểu trước chuyến đi, bà Baerbock cho biết đứng đầu chương trình nghị sự của bà sẽ là gợi nhắc Trung Quốc về nghĩa vụ phải gây sự ảnh hưởng lên Nga nhằm chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine và nhấn mạnh đến một lập trường chung của châu Âu rằng sự thay đổi đơn phương đối với nguyên trạng ở eo biển Đài Loan sẽ không thể chấp nhận được.


Quan điểm của châu Âu về Trung Quốc là một đối tác, đối thủ và đối địch mang tính hệ thống là kim chỉ nam trong chính sách của minh, bà Baerbock cho biết thêm.


"Một điều rõ ràng với tôi là chúng tôi không quan tâm đến chuyện tách biệt [Trung Quốc] về mặt kinh tế... nhưng chúng tôi sẽ có một cái nhìn mang tính hệ thống hơn về những rủi ro đối với các phụ thuộc một bên và giảm thiểu chúng," bà Baerbock nói.


Một số quốc gia thuộc EU - đặc biệt ở Trung và Đông Âu, vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, kỳ vọng lập trường của bà Baerbock gần hơn với quan điểm đưa ra bởi bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đã cùng ông Macron đến Bắc Kinh.


Nhiều nhà phân tích cũng cho thấy sự tương phản giữa những bình luận của ông Macron với bà Ursula von der Leyen, vốn được coi là chỉ trích Bắc Kinh nhiều hơn. Chỉ vài ngày trước chuyến đi, bà Ursula von der Leyen cho rằng châu Âu phải "giảm nguy cơ" về mặt ngoại giao và kinh tế với một Trung Quốc đang ngày càng muốn xác lập vị thế.


"Định hướng của bà ấy nên mang tính Ursula von der Leyen hơn là Macron," một nhà lập pháp về ngoại giao thuộc phe bảo thủ Johann Wadephul, người sẽ cùng đi với bà Baerbock đến Đức trả lời Reuters.


++++++++++++++++++++++++++++++


Ngoại trưởng Đức cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan


Vi Trân


14/04/2023 17:20 GMT+7


Trong chuyến công du Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng, bà Annalena Baerbock đã cảnh báo việc sử dụng vũ lực với Đài Loan và kêu gọi Bắc Kinh dùng sức ảnh hưởng để chấm dứt xung đột tại Ukraine.


Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 14.4 có cuộc đối thoại chiến lược với Ngoại trưởng Tần Cương tại Bắc Kinh.


Trong cuộc họp báo chung, bà Baerbock nói rằng các cuộc xung đột nên được giải quyết một cách hòa bình và một hành động bạo lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng về Đài Loan là điều mà châu Âu không thể chấp nhận, theo Bloomberg.


image012Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Tần Cương họp báo chung tại Bắc Kinh ngày 14/4/2023


REUTERS


"Chúng tôi vẫn cam kết với chính sách một Trung Quốc của mình, nhưng đồng thời, chúng tôi lo ngại về tình hình tại eo biển Đài Loan. Một cuộc leo thang quân sự tại eo biển Đài Loan sẽ là diễn biến gây lo sợ cho toàn thế giới", Ngoại trưởng Baerbock nói với các phóng viên.


Đứng cạnh bà Baerbock, Ngoại trưởng Tần Cương lập tức đáp trả rằng thế giới "cần tôn trọng việc Đài Loan là một phần của Trung Quốc". "Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần không thể tách rời của nó. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước", ông Tần nói.


Nhà ngoại giao nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Đức về các vấn đề kinh tế và thương mại, và hai nước là đối tác, không phải đối thủ. Về vấn đề Ukraine, ông Tần nói Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục làm việc vì hòa bình và hy vọng tất cả các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau. "Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì để châm dầu vào lửa", ông tuyên bố.


Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho các bên liên quan trong xung đột và sẽ quản lý, kiểm soát xuất khẩu các vật phẩm lưỡng dụng trong cả dân sự và quân sự một cách phù hợp với luật pháp, quy định.


Ngoại trưởng Baerbock hoan nghênh Trung Quốc ra tín hiệu cam kết tìm giải pháp, nhưng bày tỏ thắc mắc rằng tại sao Bắc Kinh đến nay không kêu gọi Nga chấm dứt cuộc chiến?


Theo bà, "không nước nào có nhiều sức ảnh hưởng với Nga hơn Trung Quốc" và châu Âu muốn Bắc Kinh sử dụng sức ảnh hưởng đó để kêu gọi Moscow chấm dứt xung đột tại Ukraine, như đã làm để hòa giải quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út.


image013Ngoại trưởng Đức kêu gọi Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng với Nga để chấm dứt xung đột tại Ukraine


REUTERS


Theo truyền thông Đức, chuyến thăm của bà Baerbock đến Trung Quốc là bước quan trọng trong việc duy trì và tăng cường quan hệ giữa hai nước. "Là hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự hợp tác giữa Đức và Trung Quốc là điều thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế và ổn định toàn cầu", đài DW viết.


Bất chấp những những lo ngại về vấn đề Đài Loan, Ukraine và nhân quyền, bà Baerbock cũng nhấn mạnh mục tiêu tìm kiếm các cơ hội cho việc hợp tác kinh tế giữa hai nước. "Đối tác, đối thủ cạnh tranh, đối thủ hệ thống: đó là kim chỉ nam của chính sách Trung Quốc của châu Âu. Việc mũi kim chỉ về hướng nào trong tương lai phụ thuộc một phần vào con đường Trung Quốc lựa chọn", bà Baerbock nói.
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1297)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1457)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?