VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ HAI 16 AUGUST 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Kabul hấp hối-chưa đánh đã hàng; Taliban “giải phóng” thủ đô; Dân lũ lượt di tản
Kabul hấp hối. Ảnh trên: Tổng thống Afghanistan-Ashraf Ghani bị gán cho là "kẻ hèn nhát" vì chạy trốn đoàn quân “giải phóng Taliban” tiến vào thủ đô Kabul từ nhiều hướng. Với người dân Afgha, đó là "Sự phản bội của Hoa Kỳ", như nhận định của cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ Roya Rahmani với phóng viên truyền hình MSNBC hôm 15/8/2021. AP: Rahmat Gul. Ảnh dưới: Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh cúi đầu đi giữa đoàn quân giải phóng “MTDTGP & Bộ đội CS Bắc Việt” ở thủ đô Saigon ngày 30/4/1975; bên cạnh là Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu. Ảnh tài liệu
Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul tràn ngập người dân “di tản”.
Kabul hấp hối: Dân chúng ở sân bay Kabul đuổi theo một vận tải cơ Mỹ đang chạy trên đường băng hôm 16/8/2021, chẳng khác gì hình ảnh những ngày “di tản khốc liệt” ở sân bay các thành phố lớn miền Nam Việt Nam tháng Tư. 1975.
Đà Nẵng hấp hối: Hàng ngàn người dân tràn ngập ở sân bay Đà Nẵng trong lúc quân giải phóng và bộ đội Bắc Việt đang từ Huế tràn xuống vào cuối tháng 3, 1975
Tổng thống Afghanistan-Ashraf Ghani bị gán cho là "kẻ hèn nhát" vì chạy trốn khỏi Afghanistan. AP: Rahmat Gul
Trực thăng Chinook Mỹ bay gần Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Afghanistan vào ngày 15/8/2021. Ảnh: AP.
Đại sứ Mỹ Ross Wilson đã rời khỏi đại sứ quán ở Kabul ngày 16/8 trong khi Mỹ đã đưa khoảng 500 nhân viên sứ quán rời khỏi Afghanistan, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng đưa tin.
Theo tuyên bố mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đã sơ tán toàn bộ nhân sự ở Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, và tất cả được đưa tới khu vực sân bay ở thủ đô Afghanistan.
Mỹ còn khoảng 4.000 nhân viên sứ quán cần được di tản khỏi Afghanistan, bao gồm công dân Mỹ và người bản địa làm việc cho sứ quán, hai quan chức quốc phòng cho biết, theo CNN.
“Mọi nhân viên sứ quán đang ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, nơi đã được quân đội Mỹ bảo vệ vòng vây”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một tuyên bố, theo Guardian.
Kabul chưa đánh đã hàng, có giống Chiến tranh Việt Nam?
BBC 16/8/2021
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Người Afghanistan xếp hàng dài chờ hàng giờ tại văn phòng hộ chiếu ngày 14 tháng 8 năm 2021 tại Kabul
Quân đội Mỹ đang kiểm soát sân bay quốc tế của Kabul, trong khi những người dân tuyệt vọng đang cố gắng chạy khỏi thành phố sau khi Taliban trở lại Kabul.
Quân đội Mỹ đã đảm bảo an ninh cho khu vực này và đang kiểm soát không lưu để sơ tán nhân viên Mỹ và đồng minh.
Nhưng các chuyến bay thương mại hầu hết đã bị hoãn, khiến hàng trăm người Afghanistan và các công dân nước ngoài khác bị mắc kẹt.
Đến tối ngày Chủ nhật 15/8, lực lượng nổi dậy của Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul và Tổng thống Ashraf Ghani đã chạy khỏi Afghanistan.
Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan sụp đổ chóng vánh, các nhà quan sát một lần nữa nhắc lại những ngày cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975.
Quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận từ ngày 1/5. Đáng kinh ngạc khi biết rằng cho tới ngày đó, chính phủ Afghanistan còn đang kiểm soát…toàn bộ 34 thủ phủ cấp tỉnh, và Taliban chưa chiếm được thủ phủ nào.
Từ ngày 3/5, Taliban bắt đầu mở cuộc tấn công, ban đầu đánh tỉnh Helmand.
Đến ngày 6/8, Zaranj là thủ phủ tỉnh đầu tiên lọt vào tay Taliban.
Sự sụp đổ nhanh chóng bắt đầu từ đó, với Taliban chiếm được năm thủ phủ trong vòng 48 tiếng.
Thủ phủ các tỉnh bắt đầu rơi liên tục như quân cờ domino chỉ trong vài ngày.
Hai thành phố lớn thứ ba và thứ hai, Herat và Kandahar, rơi vào tay Taliban ngày 12/8. Qalat, thủ phủ tỉnh Zabul, là thành phố thứ 18 đầu hàng ngày 13/8.
Jalalabad, thành phố lớn cuối cùng sau thủ đô, bị chiếm ngày 15/8.
Cùng ngày, Taliban bao vây rồi tiến vào thủ đô Kabul. Các hãng tin quốc tế lúc này nói Tổng thống Ashraf Ghani đã bỏ chạy.
Nhiều nhà bình luận đang so sánh Afghanistan với sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi Hà Nội mở Chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Nguồn hình ảnh, AFP. Một chiến binh Taliban ngồi bên trong xe dọc theo vệ đường ở tỉnh Laghman vào ngày 15 tháng 8 năm 2021
Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ so sánh
Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm Chủ nhật khẳng định rằng tình hình xấu đi ở Afghanistan "không phải là Sài Gòn".
Người dẫn của CNN, Jake Tapper, hỏi Blinken rằng liệu chính quyền Biden có ở trong "khoảnh khắc Sài Gòn" hay không, ám chỉ việc di tản vội vàng khỏi Việt Nam khi thành phố Sài Gòn thất thủ.
"Không," Blinken nói. "Hãy nhớ rằng, đây không phải là Sài Gòn. Chúng ta đến Afghanistan cách đây 20 năm với một nhiệm vụ, và nhiệm vụ đó là đối phó với những kẻ đã tấn công ta vào ngày 11/9 và chúng ta đã thành công trong nhiệm vụ đó."
"Mục tiêu mà chúng ta đặt ra: đưa những kẻ đã tấn công ra trước công lý, đảm bảo rằng họ không thể tấn công một lần nữa từ Afghanistan - chúng ta đã thành công trong nhiệm vụ đó. Đồng thời, ở lại Afghanistan thêm một, năm, 10 năm nữa không phải là lợi ích quốc gia."
"Người Anh đã ở đó rất lâu trong thế kỷ 19, người Nga ở đó rất lâu trong thế kỷ 20. Giờ đây, chúng ta đã ở đó lâu gấp đôi so với người Nga, và lợi ích quốc gia như thế nào, tôi không rõ."
"Tôi nghĩ rằng hầu hết các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng ta trên toàn thế giới sẽ mong ta ở lại Afghanistan thêm một năm, năm năm, 10 năm nữa, dành hết nguồn lực cho nội chiến tại đó."
Chụp lại hình ảnh, Bản đồ Afghanistan - ngày 15 tháng 8 năm 2021
Mỹ 'ở lại quá lâu'
Chuck Hagel, từng là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại bang Nebraska từ năm 1997 đến năm 2009 và là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 2013 đến năm 2015 trong chính quyền Obama.
Hagel từng tham chiến tại Việt Nam từ 1967 tới 1968.
Nói với trang USA Today ngày 15/8, ông so sánh Afghanistan với Việt Nam.
"Tôi đã tham gia một trong những cuộc chiến đó ở Việt Nam. Chúng tôi đã ở lại đó quá lâu. Và chúng tôi đã ở lại Afghanistan quá lâu. Chúng ta chỉ làm hộ mọi thứ, tiếp quản cơ cấu kinh tế của họ, an ninh và quân sự của họ."
Hagel ủng hộ quyết định rút khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden nhưng thừa nhận thảm họa nhân đạo có thể xảy ra dưới sự cai trị của Taliban.
"Có rất nhiều hậu quả, hậu quả không công bằng, và rất nhiều người sẽ mất mạng và bị đau vì điều này. Nhưng tôi không thấy cách nào khác. Mọi chuyện sẽ không khá hơn trong một năm, hai năm hay ba năm. Đó là một trong những tình huống khó khăn, khủng khiếp, không công bằng."
'Quá dễ'
Viết trên The Diplomat ngày 16/8, Luke Hunt cho rằng có những điều khác so với Việt Nam.
"Đáng chú ý là Bắc Việt sợ Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và viễn cảnh ném bom trở lại nếu họ vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam Việt Nam vi phạm hiệp định hòa bình đạt được năm 1973.
"Watergate đã thay đổi điều đó. Khi Nixon phải từ chức, Bắc Việt Nam đã được khuyến khích và đánh cược rằng một chính quyền nhu nhược, và sau đó là một tổng thống mới Gerald Ford, sẽ bỏ rơi đồng minh của họ ở miền Nam Việt Nam một khi xe tăng cộng sản vượt qua biên giới.
"Hà Nội đã có hai năm để chuẩn bị và phía nam đã sụp đổ."
"Giống như những người cộng sản Bắc Việt Nam, Taliban không bao giờ có ý định tôn trọng thỏa thuận hòa bình được ký kết vào năm ngoái với người tiền nhiệm của Biden là Donald Trump.
"Nhưng không giống như những người cộng sản, Taliban không hề sợ hãi người Mỹ, những người chỉ muốn bỏ đi. Họ đã phát động một cuộc tấn công được lên kế hoạch tốt, được trang bị đầy đủ và đến Chủ nhật, mục tiêu của họ đã được chứng minh là quá dễ dàng."
Mỹ 'quên bài học Việt Nam'
Đăng trên Washington Post ngày 16/8, chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, Andrew Wiest, chỉ ra Hoa Kỳ đã lãng quên bài học từ Việt Nam.
Andrew Wiest là tác giả sách "Vietnam's Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN."
"Đến năm 1960, Hoa Kỳ quan tâm thành lập một quân đội Nam Việt Nam là một bản sao nhỏ hơn của chính họ - một quân đội dựa trên việc sử dụng hỏa lực lớn và nguồn cung cấp vô tận. Nói tóm lại, đó sẽ là quân đội của một quốc gia giàu có.
"Đó là giải pháp đơn giản và tức thời cho mối đe dọa mà hầu hết người Mỹ đánh giá thấp. Kết quả là Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã chiến thắng trong các trận chiến nhờ sức mạnh của hỏa lực khổng lồ do Hoa Kỳ cung cấp. Nhưng họ không bao giờ liên kết đủ chặt chẽ với dân tộc hay quốc gia của mình, và không bền vững.
"Đó là kết quả của việc Hoa Kỳ không tập trung vào việc tạo ra sự bền vững ở miền Nam Việt Nam. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tập trung hạn chế vào thành công ngay lập tức trên chiến trường.
"Một sai sót chiến lược chết người là cho rằng chiến thắng trong các trận đánh, từ Thung lũng Ia Drang năm 1965 đến Tết Mậu Thân năm 1968, đến cuộc Tổng tấn công năm 1972, đồng nghĩa sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến."
Andrew Wiest kết luận:
"Bài học của Việt Nam - và Afghanistan - là Hoa Kỳ không thể giành chiến thắng giùm các quốc gia có chính phủ yếu kém, phải chống chọi với bất ổn bên trong và các mối đe dọa từ bên ngoài.
"Nếu không có chiến tranh tổng lực - bất cần thương vong dân sự - thì chiến thắng đòi hỏi phải xây dựng các quân đội bản địa có thể tồn tại mà không cần Hoa Kỳ để phục vụ các chính phủ xứng đáng với sự hy sinh của người dân.
"Liệu Hoa Kỳ có thể nhảy dù vào và xây dựng các quân đội và chính phủ như vậy hay không là một câu hỏi mở, nhưng có một điều chắc chắn: Ít nhất, làm như vậy sẽ yêu cầu các chính trị gia Hoa Kỳ hiểu rõ hơn và sau đó giải thích sự cần thiết và lý do cho một nỗ lực quân sự kéo dài. Rốt cuộc, có bao nhiêu người Mỹ có thể đưa ra lời giải thích cho lý do tại sao Hoa Kỳ lẽ ra phải ở lại Afghanistan?"
Việt Nam - Afghanistan: Giống và khác
Lionel Barber từng là tổng biên tập báo Financial Times từ 2005 tới 2020.
Viết trên Nikkei Asia ngày 16/8, ông vạch ra những điểm giống và khác của diễn tiến chiến tranh Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021.
Giống như tại Việt Nam, ông nói, can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã "kết thúc bằng một thất bại nhục nhã do các mục tiêu chiến tranh xung khắc nhau, niềm tin đặt sai chỗ vào việc xây dựng quốc gia và một niềm tin ngây thơ vào những lời hứa được đưa ra trên bàn đàm phán của một đối thủ quân sự đang thắng thế".
Cũng giống như 1975, lần này, "việc từ bỏ các đồng minh một thời có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế toàn cầu của Mỹ, làm suy yếu các liên minh và làm Trung Quốc và Nga thêm tự tin".
Nhưng Lionel Barber nói có những điểm khác biệt quan trọng giữa việc Hoa Kỳ chiếm đóng Việt Nam và cuộc phiêu lưu sai lầm của Hoa Kỳ ở Afghanistan.
"Thứ nhất, bối cảnh trong nước. Vào cao điểm của cuộc chiến, Mỹ đã triển khai 500.000 quân tại Việt Nam, gấp 5 lần so với thời kỳ cao điểm có mặt ở Afghanistan. Khoảng 58.000 lính Mỹ đã chết, so với khoảng 2.300 người ở Afghanistan và hơn 20.000 người bị thương."
Hiện nay, tại Mỹ không có phong trào phản chiến vì Afghanistan, trái ngược trước đây.
Nguồn hình ảnh, AFP. Hình ảnh một máy bay trực thăng quân sự của Mỹ đang bay gần đại sứ quán Mỹ ở Kabul vào ngày 15/8/2021.
Lionel Barber nói chia rẽ tại Hoa Kỳ ngày nay có những lý do khác thập niên 1970.
"Nước Mỹ thời đó đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng lan tỏa về quyền lực được thể hiện qua vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Ngày nay, người Mỹ đang phải chịu đựng nhiều hơn sự mệt mỏi từ 'các cuộc chiến tranh mãi mãi'."
Tác giả cho rằng tuy chi phí cho cuộc can thiệp của Afghanistan là cao - 2 nghìn tỷ đôla trong 20 năm - nhưng gánh nặng được chia sẻ bởi các đồng minh NATO, dẫn đầu là Anh (một nước vắng mặt trong cuộc xung đột Việt Nam).
Can thiệp tại Afghanistan, theo tác giả, dù sao cũng đã giúp giáo dục thế hệ phụ nữ Afghanistan và xây dựng tầng lớp trung lưu non trẻ ở một đất nước xa xôi, đa dạng về sắc tộc và có lịch sử bài ngoại. Tất cả những lợi ích này có nguy cơ bị Taliban nghiền nát.
Nhìn về trước, tác giả ngụ ý chiến tranh Việt Nam kết thúc mà không đem lại thiệt hại lớn cho khu vực, nhưng chiến thắng của Taliban liệu có đem lại thảm họa quốc tế hay không.
Ông viết: "Sau khi cộng sản tiếp quản Việt Nam, "lý thuyết domino" được ca tụng rất nhiều đã không bao giờ xảy ra. Ngoài Campuchia và Lào, Đông Nam Á không chìm trong thủy triều đỏ. Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia một cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979 và sau đó đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ."
"Taliban sẽ không đem lại kết quả hiền lành như vậy. Họ đã từng chứa chấp những kẻ khủng bố Al-Qaeda chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công đẫm máu nhất vào lãnh thổ Hoa Kỳ."
Chính phủ Afghanistan 'tệ hơn Nam Việt Nam'
Tạp chí The Economist, ngày 15/8/2021, đăng bài bình luận, có đoạn so sánh rằng chiến thắng của Taliban là quá chóng vánh khi nhớ lại Nam Việt Nam năm 1975.
"Làm thế nào mà một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị bởi những đội quân tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy?"
"Năm 1975, quân đội miền Bắc Việt Nam, được sự hậu thuẫn của một siêu cường, vẫn phải mất nhiều tháng để tiến qua miền Nam Việt Nam, nơi chiến đấu kiên cường để giành giật lãnh thổ."
"Taliban, được cho là với số lượng không quá 200.000 binh sĩ, được trang bị phần lớn bằng thiết bị mà họ thu giữ được từ kẻ thù, đã chiếm tất cả các trung tâm đô thị của Afghanistan trong vòng chưa đầy một tuần, nhìn chung không có nhiều sự kháng cự."
"Câu trả lời dường như là họ thiếu sức mạnh, họ được bù đắp ở khối óc, sự quyết tâm và sự khôn ngoan trong chính trị."
Thỏa thuận 'hòa bình' gợi nhắc Hiệp định Paris 1973
Quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan là một phần của thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được với Taliban vào tháng 2 năm 2020.
Theo thỏa thuận đó, Mỹ đồng ý rút toàn bộ lực lượng của mình. Đổi lại, Taliban hứa sẽ cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda và chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ.
Chính quyền Donald Trump đã bắt đầu giảm bớt lực lượng Hoa Kỳ và khoảng 2.500 binh sĩ Hoa Kỳ còn ở lại vào thời điểm ông ra đi đầu năm 2021.
Khi Joe Biden nhậm chức, ông lên kế hoạch chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến nhưng trì hoãn việc rút quân.
Ban đầu, Biden cho biết ông sẽ rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ trước ngày 11 tháng 9, kỷ niệm 20 năm ngày 11/9. Sau đó, ông đổi ngày rút quân thành ngày 31 tháng 8.
Trong một phỏng vấn ngày 9/8, Tiến sĩ Rani D. Mullen, chuyên về vùng Nam Á, chỉ ra điểm tương đồng của thỏa thuận 2020 và hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam năm 1973.
"Không có gì lạ khi nhiều nhà phân tích Afghanistan đã so sánh thỏa thuận năm 2020 với Taliban với thỏa thuận hòa bình năm 1973 mà Hoa Kỳ đã thực hiện với lực lượng Cộng sản Bắc Việt Nam. Thỏa thuận hòa bình năm 1973 giống như thỏa thuận năm 2020 với Taliban, dẫn đến việc Tổng thống Nixon tuyên bố rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam.
"Và cũng giống như các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Taliban, các cuộc đàm phán năm 1973 đã bỏ qua các đối tác của Mỹ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Afghanistan và quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến ở Afghanistan cảm thấy bị phản bội và đau lòng. Đây không phải là một thỏa thuận danh dự. Và như bất kỳ người có lý trí nào cũng đoán ra, Taliban đã không tôn trọng thỏa thuận."
Số phận người di tản
Amanda C. Demmer là tác giả sách "After Saigon's Fall: Refugees and US-Vietnamese Relations, 1975-2000."
Viết trên Washington Post ngày 16/8, bà đặt câu hỏi những người cộng tác với Mỹ tại Afghanistan sẽ ra sao.
Bà nhắc lại: "Khoảng 130.000 người Nam Việt Nam di tản cùng với nhân viên Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1975, và 20 năm sau, hơn 1 triệu người đã tái định cư tại Hoa Kỳ, chưa kể hàng trăm ngàn người Lào và Campuchia."
Bà cho biết thời điểm 1975 nhiều người Mỹ không thích đón nhận người di tản.
"Sự phản đối gay gắt đối với việc thu nhận người Nam Việt Nam đã có từ nhiều nơi. Mệt mỏi về chiến tranh, kinh tế khủng hoảng, phân biệt chủng tộc và xu hướng coi người Việt Nam là kẻ thù hơn là đồng minh, tất cả đều tạo thêm kêu gọi chỉ sơ tán những người Mỹ cuối cùng."
"Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại này, 130.000 người Việt Nam đã di tản cùng với nhân viên Mỹ vào tháng 4 năm 1975."
"Tính tới năm 1995, tổng số người di cư do các cuộc xung đột và sau đó đã vượt quá 1,4 triệu người. Chỉ hơn 63% trong số những người di cư này, tương đương 822.977 người, đã đến Hoa Kỳ."
"Ngoài 130.000 người đã di tản cùng với Hoa Kỳ vào năm 1975 và hơn 822.000 người di cư bổ sung, Hoa Kỳ cũng tiếp nhận một nửa triệu người khác trực tiếp từ Việt Nam thông qua Chương trình ODP."
Ý kiến hai tờ báo Trung Quốc và Mỹ
Báo Trung Quốc Global Times hôm 15/8 ngay lập tức có xã luận mang tính chế nhạo Hoa Kỳ bại trận ở Afghanistan.
"Một quốc gia hùng mạnh như Mỹ không thể đánh bại Taliban, lực lượng hầu như không nhận được viện trợ từ bên ngoài, kể cả trong 20 năm. Trận thua này của Mỹ là một minh chứng rõ ràng hơn về sự bất lực của Mỹ so với chiến tranh Việt Nam - Mỹ đúng là "hổ giấy". Ở một góc độ khác, thất bại của Mỹ thậm chí còn nhục nhã hơn cả Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980."
Xã luận của báo này nói:
"Trung Quốc sẽ không bao giờ nhảy vào cái bẫy mà dư luận phương Tây dựng lên, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã thất bại. Chính Mỹ và phương Tây phải chịu thách thức lớn nhất về tình hình đang thay đổi ở Afghanistan.
"Trung Quốc đang ở một vị trí tương đối thuận lợi. Trung Quốc không muốn lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã bỏ lại ở Afghanistan. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác luôn là định hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ đóng một vai trò xây dựng trong việc giúp Afghanistan đạt được hòa bình và tham gia vào công cuộc tái thiết. Thiện chí chiến lược và sự ổn định chính sách của Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng Trung Quốc luôn giữ thế chủ động trong tình hình Afghanistan."
Trong khi đó, báo Mỹ New York Times ngày 15/8 cũng đăng xã luận thể hiện quan điểm của báo.
"Chính quyền Biden đã đúng khi kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên, không cần thiết phải kết thúc trong sự hỗn loạn như vậy, với quá ít suy nghĩ cho tất cả những người đã hy sinh rất nhiều với hy vọng về một Afghanistan tốt đẹp hơn."
"Lầu Năm Góc và Quốc hội Hoa Kỳ phải chia sẻ trách nhiệm về sự thất bại này, cho các báo cáo tiến bộ màu hồng thường công bố."
"Trách nhiệm thuộc về cả hai đảng. Tổng thống George W. Bush phát động chiến tranh chỉ để chuyển trọng tâm sang Iraq trước khi đạt được bất kỳ sự ổn định nào. Tổng thống Barack Obama tìm cách rút quân Mỹ nhưng thay vào đó, tăng quân. Tổng thống Donald Trump đã ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban vào năm 2020 để rút quân hoàn toàn."
"Chiến tranh cần kết thúc. Nhưng chính quyền Biden có thể và lẽ ra phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ những người liều lĩnh mọi thứ để theo đuổi một tương lai khác, cho dù những giấc mơ đó được chứng minh là viển vông."
Chiến binh Taliban “giải phóng” thủ đô Afghanistan, Đại sứ quán Mỹ di tản
15/08/2021 Reuters
Chiến binh Taliban tiến vào thủ đô Kabul, trong lúc trực thăng CH-47 Chinook Mỹ đang vờn trên không gian tòa đại sứ Mỹ ở Kabul.
Chính binh Taliban trên đường phố Jalalabad ngày 15.8.2021. AFP
Chiến binh Taliban được trang bị vũ khí cá nhân AK-47 của Nga. Ảnh: Reuters
Chiến binh Taliban cầm súng trường tự động AK-47 của Nga tụ tập trên đường phố ở Herat, một trong số 22 thủ phủ ở Afghanistan bị lực lượng này chiếm đóng. Ảnh: Reuters
Taliban chiếm thủ đô, Afghanistan sắp có chính phủ chuyển tiếp
15/08/2021 7
Các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Afghanistan sẽ có chính phủ chuyển tiếp trong vài giờ tới sau khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul và tổng thống đã rời khỏi đất nước.
Theo kênh truyền hình Ảrập Al Arabiya, một phái đoàn của phong trào vũ trang Hồi giáo cực đoạn Taliban, do thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu ngày 15/8 đã đến dinh tổng thống Afghanistan ở Kabul để đàm phán chuyển giao quyền lực.
Khói bốc lên gần khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Kabuk khi Taliban tràn vào thủ đô Afghanistan. Ảnh: AP
Lãnh đạo Hội đồng hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah đảm trách vai trò trung gian trong các cuộc thương lượng.
Truyền thông địa phương trích dẫn các nguồn tin ngoại giao hé lộ, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chấp nhận từ chức và rời khỏi nước này, mở đường cho Taliban lên nắm quyền. Một chính phủ chuyển tiếp do cựu Bộ trưởng Nội vụ Ali Ahmad Jalali đứng đầu sẽ được thành lập.
Đường phố thủ đô Kabul tràn ngập xe cộ của những người “giầu có và địa vị” bỏ lại để chen chân vào sân bay quốc tế Hamid Karzai di tản ra khỏi nước. Ảnh: Sputnik
Tuy nhiên, các đường phố Kabul xảy ra tình trạng kẹt cứng khi nhiều người hoảng loạn cố tìm cách rời khỏi thành phố sau khi có thông tin Tliban đang tràn vào từ mọi hướng. Một số người đã bỏ lại phương tiện giao thông giữa tắc đường và đi bộ đến sân bay Kabul.
Theo AP, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa ra tuyên bố cho biết, họ "đang giúp duy trì các hoạt động ở sân bay Kabul để giữ kết nối Afghanistan với thế giới". NATO cũng khẳng định sẽ duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Kabul và "liên tục đánh giá các diễn biến" ở quốc gia Nam Á.
"Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của người Afghanistan nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho xung đột, điều hiện khẩn cấp hơn bao giờ hết", trích tuyên bố của NATO.
Một trực thăng Chinook tham gia di tản các nhà ngoại giao Mỹ khỏi đại sứ quán ở Kabul. Ảnh: AP
Taliban tiến vào quận 1 của Kabul ngày 15/8/2021 mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào từ các lực lượng “quốc gia” Afghanistan.
Trước đó, Taliban tuyên bố đang bao vây Kabul nhưng không có ý định chiếm thủ đô bằng vũ lực. Nhóm quả quyết “sẽ không có ai bị đe dọa mạng sống, tài sản và phẩm giá, cuộc sống của người dân Kabul sẽ không gặp nguy hiểm". Mọi hoạt động của sân bay, các bệnh viện và những dịch vụ khẩn cấp khác sẽ không bị gián đoạn.
Theo Sputnik, Taliban cũng cam kết đảm bảo an ninh cho các quan chức chính phủ cho đến khi hoàn tất việc chuyển giao quyền lực. Các thành viên trong lực lượng an ninh Afghanistan được phép trở về nhà.
Một quan chức Taliban nói thêm, các công dân ngoại quốc có thể Kabul nếu muốn hoặc có thể đăng ký lưu trú với chính quyền mới trong vài ngày tới.
Phóng viên BBC tại hiện trường ghi nhận, Taliban đang nắm quyền kiểm soát mọi cửa ngõ ra vào thủ đô, nhưng ra lệnh cho các tay súng tránh bạo lực và không cản trở người dân đi lại.
Các chiến binh Taliban hôm 15/8/2021 đã tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan và cho biết dự kiến sẽ nắm quyền trong vòng vài ngày tới, đồng thời hứa hẹn sẽ kiềm chế sự cai trị Hồi giáo hà khắc, trong khi các nhà ngoại giao nước ngoài và nhiều người dân địa phương tìm cách rời đi.
Các nhà ngoại giao Mỹ đã được sơ tán khỏi đại sứ quán bằng trực thăng sau cuộc tiến công chớp nhoáng của các chiến binh, những người đã sẵn sàng điều hành Afghanistan một lần nữa 20 năm sau khi bị lật đổ bởi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 vào Hoa Kỳ.
Các chiến binh Taliban đã tiếp cận thủ đô "từ mọi phía", một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Afghanistan nói với Reuters. Tuy nhiên, không có báo cáo về giao tranh.
Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết nhóm này đang đàm phán với chính phủ được phương Tây hậu thuẫn về việc đầu hàng trong hòa bình.
Ông này cho biết trong một tuyên bố: "Các chiến binh Taliban sẽ túc trực ở tất cả các lối vào của Kabul cho đến khi đạt được một thỏa thuận về một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và thỏa đáng".
Ali Ahmad Jalali, một học giả tại Hoa Kỳ và là cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, có thể được chỉ định là người đứng đầu chính quyền lâm thời ở Kabul, ba nguồn tin ngoại giao cho biết, mặc dù không rõ liệu Taliban có đồng ý hay không.
Việc Taliban dễ dàng tiến công, cho dù Hoa Kỳ và các nước khác đã chi hàng tỷ đôla để xây dựng lực lượng chính phủ Afghanistan tại địa phương, đã khiến cả thế giới sửng sốt.
Mới tuần trước, ước tính của tình báo Mỹ cho biết Kabul có thể cầm cự trong ít nhất ba tháng.
Không có thông báo ngay lập tức về hiện trạng của Tổng thống Ashraf Ghani.
Một quan chức phủ tổng thống cho biết ông đang đàm phán khẩn cấp với đặc phái viên hòa bình Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad và các quan chức liên minh NATO.
Afghanistan: Taliban tiến vào Kabul, Jalalabad thất thủ
RFI 15/08/2021
(Ảnh minh họa) - Trực thăng của quân đội Mỹ bay phía trên đại sứ quán Mỹ ở Kabul, ngày 15/08/2021 trong khi Washington đang đưa người di tản khỏi Afghanistan. AP - Rahmat Gul
Thu Hằng
Ngày 15/08/2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul sau khi đã dễ dàng chiếm được thành phố Jalalabad. Trước đó vài giờ, ngày 14/08, Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ tư của Afghanistan có chung số phận.
Theo bộ Nội Vụ Afghanistan, được Reuters trích dẫn, quân Taliban tiến vào Kabul từ mọi phía. Nhiều người dân cũng khẳng định thông tin này với hãng tin Pháp AFP. Tuy nhiên, một quan chức Taliban ở Doha khẳng định lính Taliban được lệnh đóng ở các cửa ô, tránh mọi bạo lực, không cản trở những người muốn rời đi, còn phụ nữ được yêu cầu trú ở nơi an toàn.
Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, quân Taliban đã kiểm soát được phần lớn đất nước, kiểm soát hết miền bắc Afghanistan. Chính quyền Kabul vẫn nắm một số thành phố nhỏ nhưng tản mát, cách xa thủ đô và không còn giá trị chiến lược quan trọng. Nhiều quân nhân Afghanistan đào ngũ, tìm cách vượt biên sang nước láng giềng Uzbekistan, trong đó có 85 người bị bắt ngày 15/08. Bộ Ngoại Giao Uzbekistan ra thông cáo cho biết đang đàm phán với chính quyền Kabul để hồi hương những người này.
Chính phủ Afghanistan hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp
Một ngày sau khi tổng thống Ghani tham vấn để tìm một thỏa thuận chính trị tái lập hòa bình, trong một video đăng ngày 15/08, bộ trưởng Nội Vụ trấn an người dân : “Kabul sẽ không bị tấn công và sẽ có chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho một chính phủ chuyển tiếp”. Tuy nhiên, chính quyền Afghanistan không còn được dân ủng hộ vì bản thân họ cũng quá mệt mỏi, sợ hãi, tìm mọi cách rời khỏi đất nước.
Publicité
Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tường trình từ sân bay Kabul sáng 15/08 :
“Chuyến bay đầu tiên của Turkish Airlines, kín người, đã khởi hành sáng nay, trong đó có rất nhiều gia đình mà chúng tôi gặp trong sảnh sân bay, như một cặp vợ chồng với cậu con trai 2 tuổi rưỡi.
Người đàn ông nói : “Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Nó đã kéo dài 20 năm mà tình hình vẫn như vậy. Tôi không còn chịu được những bạo lực mà chúng tôi phải hứng lấy”. Người vợ đứng cạnh, mắt đỏ ngầu, kể cho chúng tôi là cô đã đau lòng chia tay người thân để ra nước ngoài vào sáng nay.
Hành khách ra đi với những chiếc va li lớn nhỏ. Không khí rất nặng nề. Một người phụ nữ khóc nức nở vì phải ngừng nói chuyện điện thoại để lên máy bay. Tất cả những phụ nữ nhân viên ở sân bay khóc cầu xin chúng tôi giúp họ rời khỏi đất nước. Một trong số họ nói : “Quân Taliban sẽ giết chúng tôi”.
Một thanh niên có visa đi Anh cho biết : “Tôi cảm thấy đau lòng khi ra đi vì hàng nghìn người không có cơ hội này”. Ngoài ra, còn có một quân nhân Afghanistan mà chúng tôi gặp ở bãi đậu xe sân bay Kabul, nói tiếng Pháp rất tốt và thường xuyên nghe đài RFI để luyện tiếng Pháp, từng là học viên trường quân sự Saint-Cyr. Anh đi tiễn một người bạn may mắn được rời đất nước. Giọng đầy xúc động, anh nói : “Tôi xấu hổ khi mặc bộ quân phục này. Quân đội đã không biết bảo vệ đất nước chúng tôi”.
Tổng thống Afghanistan chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho Taliban
15/08/2021 Thanh Niên Online
Chính phủ Afghanistan được cho là sẽ chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho Taliban trong ít giờ tới.
Taliban trên đường phố Jalalabad ngày 15.8/2021 AFP
AFP dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Abdu Sattar Mirzakwal của Afghanistan ngày 15.8 cho hay sẽ có cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho một chính phủ chuyển tiếp, sau khi Taliban lệnh cho các tay súng của họ hoãn tiến vào thủ đô Kabul.
"Người dân Afghanistan đừng lo lắng. Sẽ không có cuộc tấn công nào vào thành phố (Kabul) và sẽ có cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình cho chính phủ chuyển tiếp", ông nói.
Taliban áp sát Kabul, sắp có chuyển giao quyền lực tại Afghanistan
Theo Israel News, Tổng thống Ashraf Ghani sẽ từ bỏ quyền lực trong ít giờ tới và một chính phủ lâm thời do Taliban lãnh đạo sẽ được thành lập.
Trong khi đó, theo AP, các đại diện của Taliban đã tới dinh tổng thống ở Kabul để chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực.
Trước đó cùng ngày, Reuters dẫn nguồn từ Bộ Nội vụ Afghanistan cho hay lực lượng Taliban bắt đầu tiến vào thủ đô Kabul từ mọi phía.
Sau khi tiến công vũ bão đến thủ đô, lực lượng Taliban ra lệnh cho các chiến binh kiềm chế bạo lực, cho phép đi lại an toàn đối với những người muốn rời khỏi đây và đề nghị phụ nữ hướng đến các khu vực được bảo vệ, theo một lãnh đạo Taliban tại Doha (Qatar).
Theo AFP, một phát ngôn viên của Taliban chỉ đạo các lực lượng chờ ở cổng Kabul mà chưa vào thành phố, dù một số người dân cho hay lực lượng này đã tiến vào một cách ôn hòa tại một số vùng ven.
Tổng thống Biden điều động 5.000 lính Mỹ đến Afghanistan
Mỹ và các nước đang cấp tập sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kabul hoặc di chuyển đến nơi an toàn hơn, trong khi Nga tuyên bố không có kế hoạch sơ tán đại sứ quán ở Kabul. Taliban đã cam kết bảo đảm an ninh cho các nhân viên, lực lượng Nga và một số nước khác (không được nêu tên) tại Afghanistan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov ngày 15.8 cũng thông báo Nga đang cùng các nước khác chuẩn bị có cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Afghanistan khi Taliban chuẩn bị kiểm soát Afghanistan.
Những nhân vật quyền lực đứng sau chiến dịch của Taliban
Vietnamnet 15/08/2021
Dưới đây là 6 nhân vật quyền lực nhất đứng sau các chiến dịch tấn công của lực lượng Taliban ở Afghanistan.
Taliban đã giao tranh với Chính phủ Afghanistan kể từ khi lực lượng này bị lật đổ vào năm 2001. Trước đó, vào năm 1994, lực lượng Taliban xuất hiện như một phần trong các lực lượng giao tranh trong cuộc nội chiến ở Afghanistan và nắm quyền lực ở đất nước này từ năm 1996-2001, thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo.
Người sáng lập và là lãnh đạo ban đầu của Taliban là Mullah Mohammad Omar, người đã ẩn nấp sau khi Taliban bị các lực lượng địa phương với sự hậu thuẫn của Mỹ lật đổ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Nơi ẩn nấp lẫn cái chết của Omar bí mật tới nỗi phải tới năm 2013, tức là 2 năm sau đó, cái chết của lãnh đạo Taliban mới được con trai của nhân vật này xác nhận.
Hiện nay, Taliban lại một lần nữa mở rộng sức mạnh quân sự ở Afghanistan. Từ khi quân đội nước ngoài bắt đầu rút quân, Taliban đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ Afghanistan và hiện chiếm giữ các thủ phủ của 13/34 tỉnh ở nước này.
Dưới đây là một số nhân vật chủ chốt đứng sau những chiến dịch tấn công của Taliban ở Afghanistan.
Haibatullah Akhunzada là lãnh tụ tối cao của lực lượng Taliban. Ảnh: Reuters
Haibatullah Akhunza
Được biết tới là "lãnh tụ niềm tin", Haibatullah Akhunzada là lãnh tụ tối cao của Taliban, người ra quyết định cuối cùng về các vấn đề quân sự, tôn giáo và chính trị của lực lượng này.
Akhunzada lên nắm quyền khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết chết trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ gần biên giới Afghanistan - Pakistan năm 2016.
Trong suốt 15 năm cho tới khi đột nhiên biến mất vào tháng 5/2016, Akhunzada từng thuyết giáo tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kuchlak, một thị trấn ở tây nam Pakistan. Nhân vật này được cho là khoảng 60 tuổi và hiện không rõ đang ở đâu.
Mullah Mohammad Yaqoob
Con trai của người sáng lập Taliban - Mullah Omar chính là Mullah Mohammad Yaqoob, người chịu trách nhiệm giám sát các chiến dịch quân sự của lực lượng này và theo truyền thông địa phương thì người này đang ở Afghanistan.
Mullah Mohammad Yaqoob từng được đề cử trở thành lãnh đạo tối cao của Taliban trong những cuộc tranh giành kế vị.
Tuy nhiên, Yaqoob đã đề cử Akhunzada vào năm 2016 bởi người này cảm thấy bản thân vẫn còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm trên chiến trường, một chỉ huy của Taliban tham dự cuộc họp tìm người kế vị Mansour cho hay.
Yaqoob được cho là khoảng ngoài 30 tuổi.
Sirajuddin Haqqani
Là con trai của chỉ huy lực lượng thánh chiến Jalaluddin Haqqani, Sirajuddin Haqqani lãnh đạo mạng lưới Haqqani, một nhóm được tổ chức lỏng lẻo phụ trách việc giám sát các tài sản quân sự và tài chính của Taliban dọc biên giới Pakistan - Afghanistan.
Một số chuyên gia cho rằng, chính cha con nhà Haqqani đã đưa hình thức đánh bom tự sát vào Afghanistan và đứng sau những cuộc tấn công vào các nhân vật cấp cao của chính phủ Afghanistan, trong đó có cuộc đột kích vào một khách sạn hàng đầu của Kabul với nỗ lực ám sát người sau này trở thành Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, cùng với một cuộc tấn công liều chết vào Đại sứ quán Ấn Độ.
Haqqani được cho là khoảng 40-50 tuổi và hiện không rõ đang ở đâu.
Mullah Abdul Ghani Baradar
Là một trong những người đồng sáng lập lực lượng Taliban, Baradar hiện đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và là một phần trong nhóm đàm phán ở Doha, hiện đang tranh luận căng thẳng về một thỏa thuận chính trị có thể dọn đường cho lệnh ngừng bắn, cũng như tiến trình hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Dù vậy, tiến trình này đã không đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trong những tháng gần đây.
Baradar hiện đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban ở Doha, Qatar. Ảnh: Reuters
Baradar, người được cho là một trong những chỉ huy đáng tin nhất của Mullah Omar, từng bị lực lượng an ninh ở thành phố Karachi của Pakistan bắt giữ năm 2010 và được thả ra vào năm 2018.
Sher Mohammad Abbas Stanikzai
Stanikzai đã sống ở Doha trong gần 1 thập kỷ và từng là người đứng đầu văn phòng chính trị của lực lượng này tại đây vào năm 2015.
Ông Sher Mohammad Abbas Stanikzai. Ảnh: Al Jazeera
Nhân vật này phụ trách việc đàm phán với Chính phủ Afghanistan và đại diện cho lực lượng Taliban trong các chuyến ngoại giao tới một số nước.
Abdul Hakim Haqqani
Đây là người đứng đầu đoàn đàm phán của Taliban và được cho là người mà lãnh đạo Akhunzada tin tưởng nhất. Theo VOV