2021 - Kịch bản nào cho Biển Đông?

29 Tháng Mười Hai 20202:32 CH(Xem: 8015)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ BA 29 DEC 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image001Ông Yoshihide Suga  (giữa) cùng ngoại trưởng các nước Bộ Tứ Quad (từ trái: Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ) tại Tokyo hôm 6/10/2020. Ảnh: AFP.


2021 - Kịch bản nào cho Biển Đông?


28/12/2020


Thùy Dương


Năm 2021 là năm chính quyền Mỹ có thay đổi lớn, rất nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại đã đưa ra các đề xuất và dự đoán chính sách của chính quyền Biden tới đây, trong đó có một chủ đề nổi bật là chính sách Mỹ-Trung, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng.


Nhà phân tích chính sách hàng hải, Mark J Valencia, một nhà bình luận và tư vấn chính trị, trên trang mạng châu Á, Asia Times, ngày 23/12/2020 đưa ra “Một vài kịch bản ở Biển Đông vào năm 2021” từ tệ hại nhất đến tích cực nhất, từ ít khả năng xảy ra nhất đến dễ thành hiện thực nhất.


Liệu có khả năng xảy ra chiến tranh do xung đột ở Biển Đông?


Theo nhà nghiên cứu Mark J Valencia, kịch bản tệ hại nhất nhưng cũng ít có khả năng xảy ra nhất là chiến tranh. Washington và Bắc Kinh đang mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh dài hơi để giành quyền thống trị ở châu Á và Biển Đông. Quân đội Trung Quốc và Mỹ đang tham gia vào các cuộc phô trương lực lượng gần như liên tục và đôi khi mang tính cạnh tranh ở khu vực này. Một số người cho rằng những mâu thuẫn đôi bên sẽ sớm dẫn đến chiến tranh.


Xung đột diện rộng chắc chắn có thể xảy ra. Bắc Kinh đã đặt ra một thách thức lớn gần hải phận Trung Quốc ở Biển Đông và đã nhanh chóng đạt tiến bộ trong việc áp dụng công nghệ quân sự ở vùng biển đó. Bill Hayton, cộng tác viên của Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Chatham House, tác giả của “Biển Đông : Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á”, cho biết : “Mỹ vẫn có lợi thế về công nghệ, nhưng Trung Quốc càng nghĩ rằng họ có thể sánh với Mỹ thì càng tiến gần đến đối đầu”.


Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thúc đẩy giới hạn chịu đựng của Trung Quốc với các chiến dịch tự do lưu thông hàng hải (FONOP) nhằm công khai thách thức các yêu sách hàng hải “bất hợp pháp” của Bắc Kinh. Không những vậy, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) trong vùng biển và dưới biển khu vực gần bờ của Trung Quốc.


Publicité


Những hoạt động kiểu này và phản ứng tất yếu của Trung Quốc đã dẫn đến một loạt sự cố quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Mark J Valencia, nếu hai bên tiếp tục như vậy thì sẽ dẫn đến những tính toán sai lầm và nhiều tai nạn. Nhưng theo chiến lược mới của Hải Quân Hoa Kỳ, các tàu của họ sẽ “chấp nhận những rủi ro chiến thuật có tính toán và quyết đoán hơn trong các hoạt động thường ngày”.


Nhưng đối đầu và xung đột diện rộng hơn khó có thể xảy ra trong ngắn hạn nếu cả hai bên đều giữ được "cái đầu lạnh". Hiện tại, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn với Mỹ và các đồng minh của Washington, còn Mỹ thì đang phân tâm vì những khó khăn trong nước và các điểm nóng khác ở nước ngoài. Cả hai dường như cũng đã phát triển một mô hình hoạt động để tránh những kịch bản xấu nhất.


Đâu là kịch bản dễ xảy ra nhất ?


Kịch bản sáng sủa hơn một chút là hai bên tránh đối đầu và xung đột ở Biển Đông, nhưng tiếp tục các chính sách và chiến thuật như hiện tại. Trong ngắn hạn, đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất : Mỹ - Trung tiếp tục có những bất đồng, luận điệu hiếu chiến và các hoạt động có tính chiến lược về chính trị và quân sự.


Một phiên bản khác của kịch bản này là môi trường chính trị chung trong khu vực tiếp tục xấu đi, kèm theo đó là những thất bại : Chẳng hạn Việt Nam đệ đơn khiếu nại Trung Quốc dựa theo các điều khoản giải quyết tranh chấp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày càng xấu đi, kèm theo đó các cuộc đụng độ giữa lực lượng dân quân tự vệ biển của đôi bên; các cuộc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trung Quốc-ASEAN đổ vỡ do sự can thiệp của Hoa Kỳ và thái độ ngoan cố của Trung Quốc …


Nhưng cũng có những kịch bản khác tốt hơn. Cách tiếp cận cởi mở của chính quyền Biden trong tương lai với Bắc Kinh, như Anthony Blinken và Jake Sullivan, hai nhân vật được tổng thống đắc cử Biden đề cử làm ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia từng phát biểu, có thể tạo ra một kịch bản mà ở đó hòa bình và sự ổn định được củng cố. Hai bên tái lập và cải thiện thông tin liên lạc giữa quân đội hai nước để không bên nào bị bất ngờ hoặc bị đe dọa đến mức nổ ra xung đột.


Đây là những bước tiến nhỏ nhưng quan trọng và về lâu dài sẽ tạo ra một cơ hội lớn hơn về chiến thuật : Trung Quốc hạn chế chiếm đóng, xây dựng và “quân sự hóa” các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền, cam kết không thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào như chiếm đóng và xây dựng trên bãi cạn Scarborough, không quấy rối các bên có tranh chấp với Bắc Kinh trong khu vực và tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa. Bắc Kinh cũng sẽ đồng ý về một Quy Tắc Ứng Xử cho các hoạt động ở Biển Đông - mặc dù quy tắc đó sẽ không mạnh mẽ hoặc có tính ràng buộc như nhiều người mong muốn. Còn Mỹ sẽ giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn các hoạt động tự do lưu thông hàng hải FONOP khiêu khích và các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).


Những điều nói trên sẽ tạo ra một không gian ngoại giao cần thiết để giải quyết các vấn đề chiến lược hơn. Mỹ và Trung Quốc dần dần sẽ đàm phán một thỏa thuận mặc nhiên chia sẻ quyền lực trong khu vực và dựa theo mô hình chia sẻ thành công giữa Philippines và Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh chia sẻ tài nguyên Biển Đông và quyền quản lý các nguồn tài nguyên này với các đối thủ có tranh chấp.


Mặc dù sẽ không có chuyện tất cả đều tốt đẹp mãi mãi nhưng các bước tiến nhỏ theo hướng trên có thể giúp ổn định tình hình. Chính quyền Biden sẽ đứng trước những cơ hội và cả thách thức liên quan đến Trung Quốc, Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và Biển Đông.


Chính quyền Mỹ thời Biden có thể mang lại thay đổi ?


Theo nhà tư vấn Mark J Valencia, các mục tiêu của Hoa Kỳ trong khu vực - làm bá chủ và duy trì “trật tự quốc tế” - sẽ không thay đổi, nhưng Washington có thể thay đổi cách tiếp cận, nhất là đối với các nước Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Hầu hết các quốc gia này đều ngưỡng mộ hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ, muốn trở thành bạn hữu của Washington. Thế nhưng, họ rất cảnh giác vì sợ bị Washington sử dụng như con tốt trong một ván bài lớn với Trung Quốc.


Các nước Đông Nam Á muốn Mỹ tôn trọng lợi ích của họ. Cho dù có thể hợp với hệ tư tưởng của Mỹ hơn, nhưng vì những lý do kinh tế và địa chính trị dài hạn, nếu các nước này có đối đầu với Trung Quốc thì cũng chỉ là miễn cưỡng, kể cả khi có sự hậu thuẫn của Mỹ. Thay vì lựa chọn Trung Quốc hoặc Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á muốn cân bằng và hưởng lợi từ cả hai. Họ cũng không muốn đánh mất “vai trò trung tâm” trong việc quản lý an ninh khu vực và sợ là cả chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự Do và Cởi Mở” của Mỹ và nhóm bộ Tứ chống Trung Quốc mới hình thành - Quad - sẽ làm suy yếu vai trò của họ.


Trong một kịch bản tốt hơn nữa, dưới thời tổng thống Biden, Mỹ sẽ ngừng lạm dụng và thôi ép buộc các quốc gia Đông Nam Á lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Biden sẽ sớm gặp các nhà lãnh đạo ASEAN, giữ thể diện cho họ, lắng nghe và có phản ứng tích cực, tập trung trở lại vào các chính sách hỗ trợ của Hoa Kỳ về phát triển và thương mại nhưng không đưa ra các ràng buộc. Điều này thể hiện sự tôn trọng vốn rất thiếu dưới thời Donald Trump.


Thêm vào đó, Mỹ có thể đạt đến một kiểu thỏa thuận với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng trong khu vực cũng như ở Biển Đông. Điều này cũng có nghĩa là Washington sẽ giảm tần suất các hoạt động tự do lưu thông hàng hải FONOP và các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) trong vùng biển và dưới biển gần bờ Trung Quốc, những hoạt động vốn dĩ được gia tăng dưới thời Donald Trump.


Còn Trung Quốc sẽ giảm bớt những phát ngôn và hành động chống lại các bên có tranh chấp với Bắc Kinh. Điều đó sẽ củng cố lại niềm tin của các nước ASEAN vào việc Mỹ làm “điều tốt” theo “cách đúng đắn”, nhờ đó Trung Quốc, Mỹ và khu vực Đông Nam Á sẽ cùng tiến lên. (theo RFI)

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1298)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1458)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?