Tấm gương hai vị phu nhân Hoa Kỳ

17 Tháng Mười Hai 20207:47 SA(Xem: 7688)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ NĂM 17 DEC 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Tấm gương hai vị phu nhân Hoa Kỳ


Kamala Harris - nữ Phó tổng thống phá vỡ mọi rào cản


17/12/2020


image008Bà Kamala Harris truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ. Ảnh: Zoe Ghertner, VOGUE


(PLO)- “Mọi bé gái đang theo dõi tôi phát biểu tối nay sẽ thấy rằng Mỹ là một đất nước của những cơ hội. Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này nhưng sẽ không phải là người cuối cùng” - bà Kamala Harris.


Ngày 15-12, kết quả thăm dò phiếu bầu đại cử tri Mỹ cho thấy ông Joe Biden thắng cử, trở thành đắc cử viên tổng thống của Mỹ. Ngoài ra, bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ đầu tiên, người da màu và người gốc Á đầu tiên trở thành đắc cử viên phó tổng thống Mỹ trong 231 năm qua.


Bà Harris tên đầy đủ là Kamala Devi Harris. Bà sinh ở TP Oakland, bang California vào ngày 20-10-1964. Cha của bà là người gốc Jamaica và mẹ là người gốc Ấn Độ. Họ đều là người nhập cư và thường xuyên tham gia các hoạt động đấu tranh vì nhân quyền nên điều này đã ảnh hưởng đến bà Harris từ nhỏ.


Mở ra nhiều tiền lệ của lịch sử


Bà Harris lớn lên tại bang California nhưng thường xuyên trở về Ấn Độ thăm gia đình mẹ. Cha và mẹ của bà Harris ly hôn năm 1972, khi bà mới tám tuổi và bà theo sống cùng mẹ. Năm 12 tuổi, bà và em gái Maya cùng mẹ chuyển tới sống ở TP Montréal (Canada).


Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Harris đã cùng em gái Maya “lãnh đạo” thành công một cuộc biểu tình trước tòa nhà chung cư, nơi họ đang sống, để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.


Trong thời gian theo học tại Trường ĐH Howard, bà gia nhập hội nữ sinh người Mỹ gốc Phi Alpha Kappa Alpha Sorority Inc., nơi định hình sâu sắc quan điểm chính trị của bà về sau. 


Sau khi tốt nghiệp cử nhân ĐH Howard năm 1986 và ĐH Luật Hastings vào năm 1989, bà Harris làm việc tại văn phòng công tố quận Alameda với vị trí trợ lý luật sư. Từ đây, bà bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.


Năm 2003, bà Harris trở thành trưởng công tố TP San Francisco, sau đó nhanh chóng được bổ nhiệm làm trưởng công tố viên bang California. Bà tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp khi giành được chức vụ tổng chưởng lý bang California vào tháng 11-2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này.


Đến năm 2014, bà Harris kết hôn với luật sư Douglas Emhoff của bang Los Angeles.


Vào năm 2016, bà Harris giành được một ghế tại Thượng viện và gây chú ý khi đến năm 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị thượng nghị sĩ (đảng Dân chủ), đại diện cho bang California. Tại Thượng viện, bà có chân trong nhiều tiểu ban quan trọng, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ ngân sách.


image009Bà Kamala Harris lúc còn nhỏ (bên trái) cùng mẹvàem gái.Ảnh: INSTAGRAM


Ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ


Khi trở thành một người phụ nữ truyền cảm hứng cho hàng triệu người thì bà Harris tiết lộ rằng chính mẹ bà là người truyền cảm hứng vô tận cho bà.


Theo báo Politico, mẹ bà Harris đã chọn cái tên Kamala cho con gái đầu lòng như một niềm tự hào riêng với nguồn cội Ấn Độ. Bởi Kamala có nghĩa là “sen” và cũng là một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo.


Sau khi ly hôn chồng, bà Shyamala Gopalan Harris, mẹ của bà Kamala Harris, phải làm song song hai việc để nuôi dạy hai cô con gái. Bà vừa giảng dạy tại ĐH McGill, vừa nghiên cứu bệnh ung thư vú tại một bệnh viện của người Do Thái.


“Mẹ đã nuôi nấng chị em tôi. Bà ấy rất cứng rắn dù chỉ cao 1,5 m. Nếu bạn có gặp bà ấy, bạn chắc chắn sẽ nghĩ bà ấy cao tới 3 m” - bà Harris nói về người mẹ quá cố đã qua đời vào năm 2009.


Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử, bà Harris không giấu những tình cảm dành cho mẹ, người đã từng dặn dò bà tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người khác.


“Kamala, con có thể trở thành người đầu tiên trong nhiều việc nhưng hãy luôn chắc chắn rằng con không phải là người cuối cùng” - bà Harris kể lại những lời mà mẹ đã dặn dò bà khi còn sống.


Bà Harris còn kể rằng mẹ của bà đã dạy các con gái hãy “ý thức và từ bi trước các cuộc đấu tranh của mọi người”, cũng như tin rằng “cuộc đấu tranh vì công lý là một trách nhiệm chung”.


“Không còn gì tiếc nuối sau khi được thấy cô ấy”


Trong bài phát biểu đầu tiên với cương vị phó tổng thống đắc cử, bà Harris đã thể hiện mình là một người phụ nữ truyền cảm hứng cho triệu triệu người khác.


“Mọi bé gái đang theo dõi tôi phát biểu tối nay sẽ thấy rằng Mỹ là một đất nước của những cơ hội. Những đứa trẻ của đất nước này, bất kể giới tính, đều có quyền ước mơ và khát vọng. Tôi có thể là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này nhưng sẽ không phải là người cuối cùng. Hãy biết rằng chúng tôi luôn hoan nghênh các bạn trên mọi con đường” - bà Harris phát biểu. 


Bà Harris cho biết bà và ông Joe Biden chia sẻ “tầm nhìn về quốc gia như một cộng đồng được yêu mến, nơi mọi người được chào đón, không quan trọng họ là người ra sao, đến từ đâu và yêu quý ai”. Bà cũng kêu gọi người dân Mỹ đồng hành cùng bà để đấu tranh cho nạn phân biệt chủng tộc và sự bài ngoại.


Là một phụ nữ nhập cư gốc Á-Phi, bà Harris sẽ là một biểu tượng quan trọng đối với những tầng lớp này trong xã hội Mỹ.


“Cháu có cảm giác bây giờ những cô gái da màu như cháu có thể tranh cử chức lớp trưởng. Những cô gái da màu đều có thể tham gia những điều lớn lao trong đời như cô Harris” - Paris Bond, một nữ sinh da màu 14 tuổi, nói với đài CNN hồi tháng 8.


“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ thấy một phụ nữ da màu như mình vượt lên và đứng vào hàng ngũ lãnh đạo như Harris. Thật tuyệt vời vì cô ấy vẫn còn trẻ. Coi như cả đời này tôi không còn gì để tiếc nuối nữa sau khi được thấy cô ấy” - bà Elinor Earl, 77 tuổi, không giấu được sự xúc động khi thấy bà Harris bước lên sân khấu tại một cuộc vận động tranh cử ở TP Asheville, North Carolina. TÚ QUYÊN


Jill Biden - đệ nhất phu nhân tiếp tục đứng trên giảng đường


16/12/2020


image010Bà Jill Biden nói chuyện với người ủng hộ ở TP Westland, bang Michigan. Ảnh: Apple


(PLO)- Người phụ nữ này đã luôn theo sát chồng trên suốt con đường chính trị, cùng ông vượt qua những biến cố đau khổ nhất của cuộc đời.


Ông Joe Biden đã có 50 năm làm chính trị, trong đó có tám năm giữ chức vụ phó tổng thống Mỹ dưới thời tổng thống Obama nên hẳn nhiên bà Jill Biden, vợ của ông, không còn xa lạ với nhiều người.


Giờ đây, khi ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ, bà Jill Biden trở thành đệ nhất phu nhân tiếp theo của Mỹ. 


Bà Jill Biden tên khai sinh là Jill Tracy Jacobs, sinh ngày 3-6-1951 ở thị trấn Hammonton, bang New Jersey và sau đó chuyển đến sống ở khu Willow Grove, bang Pennsylvania. Bà là chị cả trong số năm chị em gái. Cha của bà làm việc tại ngân hàng và mẹ bà là nội trợ.


Bà tốt nghiệp Trường Trung học Upper Moreland vào năm 1969 và sau đó theo học ngành kinh doanh thời trang tại một trường cao đẳng ở Pennsylvania. Tuy nhiên, bà không gắn bó với con đường thời trang mà chuyển sang nghề giáo.


Bà được đánh giá là mẫu phụ nữ độc lập, bản lĩnh và luôn biết cách thu hút người đối diện.


Trọn vẹn trong cuộc hôn nhân với ông Biden


Vào tháng 2-1970, bà Jill kết hôn với người chồng đầu là Bill Stevenson. Cả hai quyết định cùng nhau đăng ký vào ĐH Delaware. Cặp đôi đã xa nhau trong suốt thời đại học và nhanh chóng ly hôn. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông Joe Biden đang đau khổ vì mất vợ là Neilia và con gái một tuổi Naomi trong một vụ tai nạn xe hơi chỉ một tuần sau khi ông đắc cử thượng nghị sĩ. Hai đứa con khác của ông Biden là Beau và Hunter may mắn thoát chết dù đi chung xe.


Đến năm 1975, bà Jill và ông Joe Biden gặp nhau trong một buổi hẹn hò do em trai của ông Biden mai mối. Lúc này bà Jill vẫn đang học đại học và ông Biden đã là một thượng nghị sĩ có hai con (ông Biden hơn bà Jill chín tuổi) nhưng họ lại rất hợp nhau.


image011Vợ chồng ông Biden hạnh phúc bên nhau. Ảnh: VOGUE


“Chúng tôi đã đi xem A Man and a Woman tại rạp chiếu phim ở TP Philadelphia và chúng tôi thực sự ăn ý. Khi chúng tôi về nhà, anh ấy nắm tay tôi chúc ngủ ngon. Tôi lên lầu và gọi cho mẹ lúc 1 giờ sáng và nói rằng “mẹ ơi, cuối cùng con cũng gặp được một quý ông”” - bà Jill kể với tạp chí Vogue về buổi hẹn hò đầu tiên của họ.


Ông Biden sau đó đã cầu hôn bà Jill năm lần trước khi được bà chấp nhận.


“Tôi rất yêu thương các con trai của Biden và tôi muốn cuộc hôn nhân này phải có kết quả. Bởi vì chúng đã mất mẹ và tôi không thể để chúng mất thêm một người mẹ khác. Vì vậy, tôi phải chắc chắn 100% thì mới đồng ý” - bà Jill kể lại về quyết định quan trọng của mình.


Họ kết hôn vào ngày 17-6-1977 tại nhà nguyện của Liên Hợp Quốc ở TP New York. Đám cưới nhỏ diễn ra thân mật với chỉ 40 khách mời. Hai con trai ông Biden là Beau và Hunter cùng đứng ở bục bàn thờ với cha mẹ.


Năm 1981, hai vợ chồng chào đón con gái Ashley. Họ sống ở Wilmington, Delaware nhưng ông Biden hằng ngày vẫn di chuyển đoạn đường từ nhà đến Washington để được gặp các con mỗi ngày. Giờ đây, họ đã có thêm năm người cháu gồm Naomi, Finnegan, Maisy, Natalie và Hunter.


Từ khi cưới đến nay, tình yêu của vợ chồng ông Biden luôn khiến nhiều người ghen tị. Trong chiến dịch tranh cử vào năm 2008, ông Biden đã công khai gọi vợ mình là “người đẹp chết người”. Trong cuốn hồi ký xuất bản vào năm 2007, ông Biden cũng nhấn mạnh rằng “cô ấy đã cho tôi cuộc sống”.


Vào năm 2013, Beau Biden được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não và qua đời hai năm sau đó ở tuổi 46. Lúc này, bà Jill đã luôn ở bên cạnh chồng để giúp ông vượt qua cú sốc tinh thần.


Không chỉ chu toàn nghĩa vụ của người mẹ, người vợ, bà Jill còn hỗ trợ ông Biden nhiều trên con đường chính trị. Trong đợt ông Biden cùng ông Obama vận động tranh cử vào năm 2008, khi thấy chồng quá căng thẳng, bà Jill đã bỏ một con chuột giả lên bục phát biểu và dưới gối của ông Biden để khiến ông cảm thấy thoải mái hơn.


“Mọi thứ nghiêm trọng đến mức tôi muốn thêm một chút hài hước” - bà Jill chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2008. 


Trong suốt cuộc bầu cử năm nay, bà luôn sát cánh kề vai để hỗ trợ chồng. Bà đã thực hiện ba chiến dịch tranh cử trực tuyến và trực tiếp gặp gỡ cử tri để trò chuyện về các khó khăn trong giai đoạn cách ly xã hội. Vào những đêm chờ đợi kết quả bầu cử, bà luôn bên cạnh ông Biden, động viên chồng và chia sẻ nhiều thông tin bầu cử quan trọng với những người theo dõi bà.


Ngày 7-11, ngay sau khi ông Joe Biden được các hãng thông tấn Mỹ “xướng tên” là tổng thống thứ 46 của nước này, bà Jill đã đăng ảnh chụp cùng chồng kèm lời nhắn: “Anh ấy sẽ là tổng thống của cả gia đình chúng tôi”.


“Không tưởng tượng được cuộc sống mà không đi dạy” 


Sau khi tốt nghiệp ĐH Delaware năm 1975, bà Jill bắt đầu làm giáo viên tiếng Anh tại các trường công lập địa phương và tại một bệnh viện tâm thần. Bà tiếp tục học lên thạc sĩ tại ĐH West Chester vào năm 1981 và ĐH Villanova vào năm 1987. Đến năm 2007, bà lấy bằng tiến sĩ giáo dục tại ĐH Delaware.


Khi ông Biden làm phó tổng thống Mỹ, bà vẫn tiếp tục con đường dạy học. Giờ đây, khi chuẩn bị trở thành đệ nhất phu nhân, bà vẫn quyết định tiếp tục công việc hiện nay của mình tại Trường CĐ Cộng đồng Bắc Virginia.


“Nếu chúng tôi đến Nhà Trắng, tôi sẽ tiếp tục giảng dạy. Điều đó rất quan trọng và tôi muốn mọi người đánh giá cao nghề giáo cũng như hiểu rõ những cống hiến của họ” - bà Jill trả lời phỏng vấn trên đài CBS Sunday Morning. 


Bà nói rằng muốn cân bằng giữa công việc giáo viên mà bà yêu thích và nhiệm vụ của đệ nhất phu nhân Mỹ. Bà cũng hài hước kể lại một lần bà phải chui vội vào váy dạ hội, đi giày cao gót trong nhà vệ sinh trường để đến dự một buổi tiệc ở Nhà Trắng.


“Giáo viên không phải nghề nghiệp mà là chính con người tôi, đã ăn sâu vào máu thịt tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra một cuộc sống mà không được đi dạy” - bà Jill viết trong hồi ký.