Biển Đông trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung

15 Tháng Mười 20209:11 SA(Xem: 8869)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ NĂM 15 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Biển Đông trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung


Phan Tìm - Anh Hoàng


15/10/2020


Trước những tác động của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trên Biển Đông, đại sứ Nguyễn Trường Giang cho rằng các nước cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó những bất ngờ trong tương lai.


image005Đại sứ Nguyễn Trường Giang chia sẻ tại buổi tọa đàm. Anh Hoàng


Sáng 15.10, khoa Quan hệ Quốc tế (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) tổ chức buổi tọa đàm với chuyên đề “Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở Biển Đông”. Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trường Giang (cựu Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao) đánh giá tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng lan rộng ra nhiều lĩnh vực, đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.


Ông Giang cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ rất quyết liệt trong tương lai và đóng vai trò định hình thế giới. Tuy vậy, theo cựu đại sứ, một điểm sáng cho tình hình thế giới là nguy cơ về một cuộc chiến tranh nóng khó có khả năng xảy ra.


Bàn sâu về tình hình Biển Đông, ông Giang cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung tại Biển Đông tác động đến các nước trong khu vực,


Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý, không có căn cứ ở Biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh tiếp tục hung hăng với nhiều cuộc tập trận quân sự và xây dựng, bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ở mặt trận ngoại giao, Trung Quốc cũng lớn tiếng với chính sách “ngoại giao chiến lang” nổi bật.


Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường hiện diện trên Biển Đông với tần suất dày hơn, cùng các nước đồng minh, mà nổi bật là “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Mục đích của Mỹ là tạo ra đối trọng trên thực địa với Trung Quốc.


Ngoài ra, ông Giang cũng cho rằng sự hiện diện của Mỹ và đồng minh ở khu vực cũng mở ra hướng tiếp cận về cuộc chiến pháp lý mà điển hình là hoạt động diễn ra gần đây khi hàng loạt quốc gia (trong đó có Mỹ) gửi công hàm bác bỏ các yêu sách phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh mặc dù tham vọng của Trung Quốc sẽ không giảm đi, nhưng về cơ bản, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ tạm thời gây khó cho những bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông.


Ông Giang nhận định thêm cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có thể làm tình hình khó lường, buộc một số nước trong khu vực đối diện vấn đề chọn bên. Trước những tác động của cạnh tranh Mỹ-Trung trên Biển Đông, cựu đại sứ cho rằng các nước cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những bất ngờ trong tương lai.


Trong tình hình đó, theo ông Giang, Việt Nam cần phát huy sức mạnh tự cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Điều này mở ra cơ hội cho cộng đồng quốc tế thấy Việt Nam luôn tôn trọng các cam kết của luật pháp quốc tế, và có các cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội để thể hiện tiếng nói và vai trò tại các diễn đàn, các cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng nhằm gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực. (theo Thanh Niên)

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1229)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1383)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?