Quỳnh Giao – Lòng Ta Ở Với Người

29 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 8369)

image013 

Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa gởi cho Văn Hóa Magazine.

Quỳnh Giao – Lòng Ta Ở Với Người

image011 

Nhà Văn Học Nghệ Thuật, Nghệ sĩ Giáo sư Quỳnh Giao

Quỳnh Giao sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào ngày tám Tháng 11 năm 1946 với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.

Nói theo lối cổ điển về thân thế, Quỳnh Giao thuộc "Hoàng phái" từ song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang.

Thân phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh - tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các Đại học thời độc lập. Học giả Ưng Quả từng là Thái tử Thiếu bảo khi dạy học Thái tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc học tại Huế, Giám đốc Nha học chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt qua Pháp ngữ... Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.

Cụ Ưng Quả mất vào năm 1951 tại Bộ Học sau một cơn trụy tim, thọ 46 tuổi, khi Quỳnh Giao mới lên năm.

Thân mẫu Quỳnh Giao, nghệ sĩ Minh Trang, có khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, là con gái của Thượng thư Nguyễn Hy. Bà là cháu ngoại của Công chúa Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, tức Mỹ Lương Công chúa. Công chúa Mỹ Lương được người đương thời tôn xưng là "Ngài Chúa Nhất" vì là chị cả của vua Thành Thái.

Bà Ngọc Trâm sinh năm 1921, tốt nghiệp Tú tài Pháp, làm biên tập viên và xướng ngôn viên song ngữ Pháp-Việt trong lãnh vực phát thanh từ thời Pháp. Bà lấy nghệ danh Minh Trang từ khi hát cho đài Pháp Á vào buổi bình minh của nền tân nhạc Việt Nam. Nghệ danh ấy là sự kết hợp tên của con trai và con gái của bà là hai nghệ sĩ Bửu Minh và Đoan Trang. Bửu Minh là danh thủ violon, ngồi ghế concert master của dàn nhạc hòa tấu Stuttgard Symphony ở Đức. Danh ca Minh Trang đã tạ thế vào Tháng Tám năm 2010 tại California Hoa Kỳ.

Ở tại Huế đến khi lên bảy Quỳnh Giao mới vào Sàigon sống với thân mẫu và kế phụ là Dương Thiệu Tước, một nghệ sĩ đã góp phần khai phá nền tân nhạc cải cách, nhạc sư đàn Tây Ban Cầm và là cháu nội của một danh sĩ Bắc Hà, Thượng thư Dương Khuê.

Do huyết thống và lại sống trong môi trường âm nhạc, Quỳnh Giao có năng khiếu về nhạc từ bé.

Khi danh ca Minh Trang lập ban hát thiếu nhi đầu tiên là Thiếu Sinh Nhi Đồng thì Đoan Trang đã cùng anh trai tham dự, với tiếng hát thiếu nhi của Mai Hương, Bích Chiêu, Bạch Tuyết, Kim Chi, Quốc Thắng và Tuấn Ngọc.... Sau năm 1953, khi hai kịch sĩ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sĩ (song thân của Mai Hương) vào Nam thì Minh Trang nhường cặp nghệ sĩ này điều hành ban hát Nhi Đồng và đổi tên ra Ban Tuổi Xanh cho thích hợp với lứa tuổỉ của ca sĩ thiếu nhi. Đấy là lúc xuất hiện những tiếng hát như Hoàng Oanh, Mai Hân, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu....

Vừa cắp sách vào lớp trung tiểu học, Quỳnh Giao vừa học nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc (trường có thêm ban Kịch nghệ sau này) và được sự dìu dắt về dương cầm của danh sư Đỗ Thế Phiệt (dì Ngọc Thuyền trong gia đình) và về nhạc lý từ nhạc sĩ Hùng Lân. Với Hùng Lân, Quỳnh Giao là một trong những học trò giỏi nhất của ông. Sau bảy năm học nhạc, năm 1963, Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa về dương cầm lẫn nhạc pháp, và sau này còn được sự dìu dắt về thanh nhạc của một giáo sư Pháp, cứ được gọi là Madame Robin.

Là dương cầm thủ xuất sắc, Quỳnh Giao đã trình tấu cùng nhiều danh cầm Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc gia Âm nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Đỗ Thế Phiệt và nhiều lần xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Đông Nam Á.

Do Minh Trang bị hen suyễn phải giải nghệ, ở tuổi 15, Quỳnh Giao chính thức hát thay mẹ và một cách thường xuyên trong nhiều ban nhạc lớn tại các đài phát thanh. Từ đó, với nghệ danh do nhạc sĩ Hoàng Trọng đặt cho, Quỳnh Giao vừa đi học vừa đi hát tại các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tiếng Nói Tự Do và đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam sau này, trong các ban nhạc của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Lang, Phạm Duy, Anh Ngọc, v.v....

Trong hoàn cảnh thân mẫu về hưu, kế phụ làm công chức, là một nhạc sĩ tài hoa có nhiều đam mê, Quỳnh Giao thực tế hỗ trợ gia đình và được năm em bên dòng họ Dương vô cùng yêu quý. Từ năm 1968, Quỳnh Giao còn dạy dương cầm tại gia về nhạc cổ điển Tây phương và lập gia đình, được một con gái là Dzương Ngọc Bảo Cơ sau này tốt nghiệp Cử nhân về Giáo dục tại Hoa Kỳ.

Trong lãnh vực phát thanh có đào tạo chuyên nghiệp thời trước, các ca sĩ không được chọn ca khúc mà phải trình bày những bản nhạc có hòa âm sẵn theo yêu cầu tại chỗ của nhạc trưởng. Ngoài giọng ca, họ phải biết ký âm pháp, giỏi nhạc, một ngày ứng khẩu hát nhiều bài khác nhau trước máy vi âm được phát thanh trực tiếp. Quỳnh Giao là một trường hợp tiêu biểu cho các ca sĩ đài phát thanh.

Khi biến cố 1975 bùng nổ, Quỳnh Giao cùng gia đình di tản vào Tháng Tư và được anh ruột đón về miền Đông Hoa Kỳ. Bào huynh của Quỳnh Giao là Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Dương khi ấy dạy văn chương Pháp và Trung Hoa trong Đại học Hoa Kỳ. Ông là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Harvard và nay sống tại miền Nam California với gia đình Quỳnh Giao.

Tại miền Đông, Quỳnh Giao mở lại lớp dương cầm tại gia và yểm trợ rồi đón nhận thân mẫu cũng các em vượt biên qua Mỹ.

Trong thời gian này, Quỳnh Giao thực hiện lấy hai băng cassette có chủ đề "Hát Cho Kỷ Niệm" vào các năm 1983 và 1988. Tự đệm lấy dương cầm với phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ, Quỳnh Giao trình bày lại những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc với lời giới thiệu của các nghệ sĩ Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh, v.v... Qua năm 1986, Quỳnh Giao cũng được nhà văn Duyên Anh mời trình bày đĩa nhạc "Còn Thoáng Chiêm Bao".

Cùng giai đoạn ấy, Quỳnh Giao cộng tác và lưu diễn một số nơi với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhưng cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ chưa phát triển rực rỡ như sau này. Đáng chú ý thì năm 1988 và 1989 đã cùng Kim Tước và Mai Hương trình bày nhạc Cung Tiến với dàn nhạc thính phòng của nhạc công người Mỹ tại miền Bắc, miền Nam California, Chicago và Minnesota.

Đấy là lúc khán giả biết đến những ca khúc mới và thuộc loại khó diễn tả nhất của Cung Tiến, như 10 bài Vang Vang Trời Vào Xuân phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Và nhất là tác phẩm Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ Thôi Hiệu qua phần cảm dịch của Vũ Hoàng Chương.

Sau khi tái giá với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa - sau này là nhà bình luận hợp tác với các đài phát thanh quốc tế và các tờ báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ - Quỳnh Giao qua California sinh sống kể từ 1991. Trong môi trường sinh động và đông đảo người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, Quỳnh Giao có cơ hội mở rộng hoạt động tân nhạc.

Quỳnh Giao lần lượt thực hiện nhiều đĩa nhạc có giá trị nghệ thuật, đa số với hòa âm của Duy Cường, như Khúc Nguyệt Quỳnh (1992), Tiếng Chuông Chiều Thu (1996), Chiều Về Trên Sông (1997), Ngàn Thu Áo Tím (1998), Hành Trình Phạm Duy (1999), Hình Ảnh Một Buổi Chiều (2000), Tình Khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng (2001), Thơ Tình Phổ Nhạc (2002), Hoa Xuân (2003), Trở Về Thôn Cũ (2005) và Tình Khúc Phạm Duy (2006).

Ngoài ra, Quỳnh Giao hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn thành đĩa Đêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước (1995) với tiếng hát Kim Tước, đĩa Tình Khúc Văn Cao (1995) cùng tiếng hát Mai Hương và có những ca khúc ghi âm riêng lẻ trong nhiều đĩa phát hành từ 1993 đến 2006.

Trong giai đoạn này, Quỳnh Giao còn có hai cống hiến khác cho tân nhạc.

Nhờ Quỳnh Giao sống tại miền Nam California gần Kim Tước và Mai Hương, ba chị em trình diễn với nhau nhiều hơn và khi hợp ca thì tự động chia bè rất ăn khớp với sự điêu luyện độc đáo. Từ đó, Ban tam ca Tiếng Tơ Đồng Hải Ngoại ra đời để nhắc về ban nhạc Tiếng Tơ Đồng nổi tiếng trước 75 của nhạc sĩ Hoàng Trọng khi ấy còn ở trong nước.

Đáng kể hơn, là năm 1997 Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. Được phát thanh hàng tuần qua 20 buổi, chương trình thuộc loại "nhạc sử" vì nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời phôi thai năm 1938 đến sau này.

Quỳnh Giao phân đoạn theo thời gian, theo thể tài và đọc lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca sĩ và phần phát biểu của nhiều nhạc sĩ. Nhờ nội dung phong phú và nhạc hiệu là bản Bến Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn Tân Nhạc được thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được BBC cho phát lại lần thứ hai.

Nguyên nhân sâu xa nữa sẽ được hiểu ra sau này là Quỳnh Giao có ký ức rất sâu, đã sống với tân nhạc từ bé, gần gũi với các nhạc sĩ và ca sĩ như trong một đại gia đình nên nắm vững hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc.

Người ta thấy được điều này khi đọc Quỳnh Giao.

Các môn sinh của thầy Ưng Quả trong trường Quốc học thì không ngạc nhiên khi thấy Quỳnh Giao cầm bút. Sinh thời, nhà giáo ngày xưa là người lịch lãm tài hoa với ngón đàn nguyệt mà cũng là một cây bút sắc xảo. Quỳnh Giao tiếp nhận được huyết thống ấy, mà có lẽ khi còn thiếu thời đã không tự biết.

Năm 1986, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 65 của nhạc sĩ Phạm Duy, từ miền Đông, Quỳnh Giao đã có bài viết được đăng trên tờ Văn Học xuất bản tại California. Sau đó là một bài về nhạc sĩ Vũ Thành vừa tạ thế vào năm 1987. Được sự khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi ấy phụ trách tờ Văn Học, Quỳnh Giao đã viết nhiều hơn từ tùy bút đến truyện ngắn cho Văn Học và các tờ báo định kỳ khác, kể cả Thế Kỷ 21. Khởi đầu là đề tài âm nhạc, gần như một loại tự truyện về thế giới tân nhạc Việt Nam, sau này, Quỳnh Giao mở tầm viết và gây thích thú cho người đọc....

Quỳnh Giao viết về nhạc thì cũng như kể chuyện về các nghệ sĩ bằng hữu của thân mẫu. Nhưng kiến thức sâu sắc về nhạc và về kỹ thuật trình bày còn giúp người đọc nhớ lại và có sự thưởng ngoạn cao hơn với từng tác phẩm, từng tác giả hay người trình diễn. Nhờ vậy, độc giả cảm nhận được giá trị đích thực của các ca khúc.

Khi mở ra loại đề tài như điện ảnh, văn chương hay mỹ thuật, Quỳnh Giao còn cho thấy sự am hiểu rộng lớn và thấu đáo. Với văn phong nhẹ nhàng, cái nhìn tinh tế và cách nói khiêm nhưòng dí dỏm về mình, Quỳnh Giao lôi cuốn bạn đọc và dần dần có một thành phần bạn đọc riêng.

Những điều ấy trở thành rõ rệt khi Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của Việt Báo và nhật báo Người Việt trong mục "Tạp Ghi" với những bài định kỳ mỗi tuần. Tạp Ghi Quỳnh Giao là mục ăn khách trên Người Việt kể từ năm 2005. Cho đến nay thì đã có gần 500 bài.

Không chỉ đọc Quỳnh Giao, người ta còn nghe thấy tiếng nói thanh quý rất ăn micro của người nghệ sĩ. Những ai còn nhớ tới Quỳnh Giao trong chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc năm xưa cùa BBC tìm lại được tiếng nói đó qua mục Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật với nhà báo Lê Đình Điểu của đài phát thanh VNCR. Sau này, khi Người Việt TV thành hình từ Người Việt On line, Quỳnh Giao xuất hiện trên màn ảnh trong chương trình "Câu Chuyện Văn Nghệ" cùng Nam Phương hay Lê Hồng Quang. Đấy là lúc khán giả thấy ra "cây bút Quỳnh Giao" bằng xương thịt, với lối ứng khẩu tự nhiên và nhu mì để nói về đủ loại đề tài hấp dẫn.

Trong khi đó, ở nhà, Quỳnh Giao tiếp tục việc dạy đàn và mở lớp luyện giọng.

Tháng 10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản Tạp Ghi Quỳnh Giao, một cuốn sách thuộc loại ăn khách với 67 bài trên hơn 400 trang. Qua năm 2012, Quỳnh Giao chuẩn bị hoàn thành cuốn thứ hai thì ngã trong vườn và bị thương nặng. Sau một cuộc giải phẫu công phu vào Tháng Năm, việc sử dụng tay trái đã bị trở ngại. Lớp dạy đàn mở ra từ mấy chục năm trước coi như chấm dứt.

 Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao tưởng mình ho vì bị cảm lạnh. Sau một tháng chữa trị bình thường mà bệnh vẫn không dứt. Vào một đêm của đầu Tháng Ba khi bị mất giọng, Quỳnh Giao mới được xe cấp cứu đưa nhà thương và hôm sau thì như bị sét đánh. Ung thư phổi. Điều này là bất ngờ vì trước đó không hề có triệu chứng gì, kể từ khi chiếu điện vì gãy cánh tay mặt.

Sau hơn bốn tháng giải quyết bằng hóa trị rồi xạ trị, Quỳnh Giao suy yếu dần về thể lực mà thần trí vẫn minh mẫn lạc quan. Cho đến khi phải thường xuyên dùng ống dưỡng khí và đối phó với nhiều biến chứng thì tình hình trở thành nguy kịch. Đêm Thứ Ba rạng ngày Thứ Tư 23 Tháng Bảy, Quỳnh Giao lặng lẽ gỡ ống dưỡng khí và ra đi thanh thản trong giấc ngủ trước sự bàng hoàng ngơ ngác của chồng con.

Quỳnh Giao làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và những bài viết về nghệ thuật về mỹ thuật. Người ta thấy yêu đời và yêu người hơn khi nghe hay đọc Quỳnh Giao.

"Lòng Ta Ở Với Người" là tên một ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đấy cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi.... /

12 Tháng Hai 2015(Xem: 7616)
TTO - Ngày 12-2, phóng viên chiến trường huyền thoại Bob Simon đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông tại thành phố New York (Mỹ).
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 67186)
Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích.
02 Tháng Mười 2014(Xem: 15135)
Bác sĩ Nguyễn Vũ Thanh Sơn, chạy vội lên cầu thang, nhảy từng ba bậc một để lên lầu 4. Không dùng thang máy vì phải đợi quá lâu, bác sĩ Sơn vừa chạy vừa nói vào điện thoại cầm tay, ra lệnh cho y tá chích thuốc giải cơn động kinh ngay cho người bệnh nhân nằm trong phòng 412.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12133)
Ở Nam Cali tôi được gặp mấy nhóm thân hữu, toàn những người có tấm lòng son sắt với quê hương và dân tộc. Tôi còn nhớ một chị thổ lộ rằng nghe Trung Cộng kéo giàn khoan vào Biển Đông mà lòng đau quặn, có đi chơi cũng không thấy vui, có đi ăn cũng chẳng thấy ngon.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 15045)
* Vừa qua có ý kiến so sánh sự phát triển của ta với Hàn Quốc. Cụ thể là “cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm thuê”. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
21 Tháng Tám 2014(Xem: 17079)
Văn Hóa Magazine Online nhận được E-mail từ bạn đọc và từ Viet Art Center vietartcenter@aol.com, một thư ngỏ của Ô. Phan Kỳ Nhơn, Chủ tịch Liên Ủy Ban Chống CS & Tay Sai, một của Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange và một của Giáo sư John Tsuchida. Để rộng đường dư luận, tòa soạn Văn Hóa đăng nguyên văn ba Thư ngỏ dưới đây:
13 Tháng Tám 2014(Xem: 16223)
“It’s so sad, it’s so sad”(Thật là buồn, thật là buồn), tôi nghe thấy Pat lẩm bẩm nói bâng quơ... Không ai nói năng gì nữa. Cũng chẳng còn hạt nước mắt nào để mà khóc. Tôi ngả đầu vào lưng ghế và nhắm mắt lại,” Tổng thống (TT) Richard Nixon viết để kết thúc cuốn Hồi Ký đài 1,120 trang.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 8443)
VnExpress hỏi: Để phát triển hợp tác Việt Nam và Mỹ, theo Ngài Đại sứ hai nước cần đạt được những đồng thuận và nhượng bộ gì để giải quyết một số vấn đề hạn chế còn tồn tại giữa hai quốc gia? Trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ và Quý báo! (Nguyen Truong An, 37 tuổi, Dai Ang, Thanh Tri, Ha Noi)
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 12083)
Ông Phạm Quang Vinh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với thâm niên hoạt động trên 30 năm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa bổ nhiệm ông Phạm Quang Vinh làm đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thay ông Nguyễn Quốc Cường sắp hết nhiệm kỳ.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 19403)
Tôi là Huỳnh Tấn Mẫm, không mang một danh phận nào trong guồng máy công quyền hay một địa vị xã hội, tôi chỉ là một thanh niên – nếu các bạn cho tội dùng từ này – một thanh niên nhiều tuổi, và hơn thế, là một công dân có ý thức trách nhiệm về tình hình đất nước hiện nay. Tôi tiếc là không còn nhiều thời gian và sinh lực như các bạn, để có thể cống hiến một cách xứng đáng và trọn vẹn cho một vận hội mới đang đến với dân tộc.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 12722)
Lần đầu tiên trong lịch sử 236 năm của hải quân Hoa Kỳ, một phụ nữ được đề cử vào vị trí cao thứ 2 trong lực lượng này. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng bà Michelle Howard được thăng chức hôm thứ ba lên làm đô đốc 4-sao và nhận trọng trách mới là phó trưởng lực lượng hải quân. Bà Howard đã làm nên lịch sử qua sự nghiệp quân đội của mình.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 11716)
Hơn 50 năm sưu tầm, ông Huệ đang sở hữu nhiều tem quý, trong đó có bộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 7694)
Phụ trang kinh tế của nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề « Chúc Hoàng, nhà triệu phú của tháp Eiffel » với giòng giới thiệu : « Ở tuổi 70, người kỹ sư Pháp gốc Việt kín tiếng ra khỏi bóng tối khi đưa ra đề nghị OPA đầu tiên » : Ông muốn mua lại cổ phiếu của Công ty quản lý tháp Eiffel.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 7707)
Thủ hiến tiểu bang Nam Úc, ông Jay Weatherill, loan báo bổ nhiệm ông Lê Văn Hiếu (trái) làm toàn quyền tiểu bang. Một chính khách gốc Việt từng là dân tỵ nạn sẽ trở thành toàn quyền kế tiếp của bang Nam Úc của nước Úc.
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 13211)
Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta chính là những kẻ phản động Trung Quốc.
14 Tháng Năm 2014(Xem: 12849)
Tác giả Song Vũ, trong bút ký Sau Cơn Binh Lửa, xin độc giả tha thứ nếu ông không phải là nhà văn — trong ý nghĩa một người viết văn.
27 Tháng Ba 2014(Xem: 8267)
Ông Vũ Ánh gắn bó cả đời với báo chí, khi còn ở trong nước lẫn khi ra hải ngoại. Một cây đại thụ đáng kính của ngành báo chí, phát thanh Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại, nhà báo Vũ Ánh (1941-2014), qua đời đột ngột tại Quận Cam ngày 14/3.
17 Tháng Ba 2014(Xem: 13938)
Cháu gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu vừa gửi đơn tới chủ tịch nước CSVN xin đi tù thay cho ông nội hiện bị tù đã 39 năm với nhiều thứ bệnh nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Cầu, tù nhân lương tâm bị kết tù chung thân từ năm 1982 chỉ vì tố cáo quan chức Kiên Giang làm bậy.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 7653)
Ông Trương Duy Nhất từng được Ban Tuyên giáo tuyên dương Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng vừa tuyên án nhà báo Trương Duy Nhất 2 năm tù giam trong phiên xử ngắn ngủi vào sáng thứ Ba ngày 4/3.
20 Tháng Hai 2014(Xem: 7195)
Phóng viên không biên giới phản đối bản án phúc thẩm đối với luật sư Lê Quốc Quân