Đọc Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ

14 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 12851)

Nguyễn Kỳ Phong
Điểm sách

image029 

 

 

 

Đọc Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ

 

Tác giả Song Vũ, trong bút ký Sau Cơn Binh Lửa, xin độc giả tha thứ nếu ông không phải là nhà văn — trong ý nghĩa một người viết văn. “Thành ra câu chuyện kể có thể nhạc nhẽo vô duyên,” tác giả lưu ý! Bút ký Sau Cơn Binh Lửa, theo tác giả, là một tập hợp những cảm nghĩ của một người đã cầm súng tham dự một cuộc chiến lớn; bút ký là những chuyện viết về “nhân vật có thực, câu chuyện có thực.”

Nhưng sau khi đọc Sau Cơn Binh Lửa, dù tác giả có khiêm nhường đến đâu, người đọc thấy tác giả đã viết nhiều hơn có thể viết được.

Phần lớn 516 trang của Sau Cơn Binh Lửa tuy viết về sự kiện có thật; về người có thật, nhưng loáng thoáng đâu đó trong những trang sách, là một vài phản tỉnh của tác giả về chiến tranh: về cái bản thể trừu tượng, về cái siêu hình của cuộc chiến. Năm trăm mười sáu trang sách là một cảm tưởng dài — mặc dù từng mãnh nhỏ, khó ghi lại sau một thời gian 50 năm, nhất là khi tác giả — tự nhận — đã bị hủy diệt sau cuộc chiến. Ở điểm nầy người đọc đồng ý với tác giả: Chiến binh nào tâm thần không bị hủy diệt sau khi thoát khỏi lằn tên mũi đạn trở về; hay là sau một thời gian dài làm tù binh của kẻ chiến thắng; hay đã chứng kiến được những tàn phá và hủy diệt của chiến tranh?

 Tác giả Song Vũ — đến đây chúng ta phải nói tên thật và vị trí của Song Vũ trong cuộc chiến để câu chuyện có đầu đuôi. Vắn tắt: Tên khai sanh: Ngô Văn Xuân, sanh 1940, Hải Phòng, Bắc Việt Nam; tốt nghiệp sĩ quan hiện dịch khóa 17 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt; mang lon thiếu úy từ tháng 3, 1963; chức vụ khi thất thủ: trung đoàn trưởng Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Quân Đoàn II. Tác giả là sĩ quan tác chiến hơn 12 năm trong 20 năm của cuộc chiến.

 Sau Cơn Binh Lửa (SCBL) có 21 bài viết; 15 trong số đó là những bài viết về bắt đầu và kết thúc binh nghiệp của tác giả (Con Đường Binh Nghiệp, tr. 7; Sau Cơn Binh Lửa, tr. 275). Ra trường năm 1963, chọn Sư Đoàn 7 BB, sư đoàn cơ hữu của Quân Đoàn IV, và phục vụ từ năm 1963 đến năm cuối 1968, khi được thuyên chuyển – vì nhu cầu chiến trường – lên Vùng 2, phục vụ cho Sư Đoàn 23 BB, Quân Đoàn II. Với hai thời gian tương đối dài phục vụ ở hai vùng khác nhau của chiến trường, một số bài viết trong SCBL ghi lại nhiều địa danh của những chiến địa tác giả đã đi qua ở Vùng 4 và Vùng 2.

Trong SCBL, người đọc ghi nhận nhiều sự thích thú, về văn cũng như về sự kiện.

 

Có thể ý nghĩ không đúng, nhưng hình như nhiều nhà văn quân đội thường nhắc đến Khóa 16 VBĐL nhiều hơn các khóa khác. Có thể vì Khóa 16 là khóa đầu tiên khi trường đổi tên thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, khi người Pháp trao quyền hành chánh quân sự lại cho Việt Nam; và khóa bắt khai giảng – trên lý thuyết –chương trình học bốn năm. Nhưng sau khi đọc bài viết Con Đường Võ Nghiệp, chúng ta thấy Khóa 17 VBĐL – ra trường bốn tháng sau Khóa 16 – cũng có nhiều “danh nhân và dị sử” không kém Khóa 16. Thống kê của Khóa 17 cho biết, 210 nhập học; 189 người ra trường. Trong số đó, 30 chọn Quân Chủng Không Quân; 33 Biệt Kích; 30 Biệt Động Quân; 15 TQLC, số còn lại về các đơn vị Bộ Binh. (Á Khoa Trần Văn Ký chọn binh chủng Nhẩy Dù; thủ khoa Vĩnh Nhi chọn Sư Đoàn 7 BB, tử trận năm 1968. Được biết thêm, hai trong số 33 tân sĩ quan chọn ngành Lực Lượng Đặc Biệt, sau này có Trung Tá Nguyễn Văn Lân, liên đoàn phó LĐ81BCND; và, Trung Tá Vũ Xuân Thông Ban 3, LĐ81BCND). Chỉ hai năm sau khi ra trường, 20 sĩ quan đền nợ nước; và đến ngày tàn của cuộc chiến, con số 189 sĩ quan của Khóa 17 bị trừ đi 80 (tr. 26). Tác Giả Song Vũ ghi lại những cái “nhất” của Khóa 17: (a) Người hy sinh sớm nhất: Thiếu Úy Phạm Tất Trí, tử trận ở Quảng Ngãi, chừng hai tuần sau khi ra trường; (b) được thăng cấp nhanh nhất: Đại Tá Võ Toàn, trung đoàn trưởng TrĐ1/SĐ1BB, đuợc thăng cấp Ngày Quân Lực ngày 19/6/1972, 29 tuổi, mang chức đại tá tám năm sau khi ra trường; (c) hy sinh trên đất Bắc: Trung Úy Đặng Ngọc Khiết, Lực Lượng Đặc Biệt, bị bắt và xử tử trong khi công tác điệp vụ ở miền Bắc; (d) người hy sinh trong tù vì phản kháng, năm 1977, Trung Tá Võ Vàng; (e) hy sinh trước giờ mất nước, Thiếu Tá Biệt Động Quân Đoàn Đình Thiệu, 10g30, 30 tháng 4-1975, trong vòng đay phòng thủ Sài Gòn; và, (f) hy sinh cho tổ chức phục quốc, Trung Tá Phan Ngọc Lương Tá, án tử hình tại Huế, năm 1979.

Với độc giả thích về chiến thuật chiến lược, những bài viết về thời gian tác giả phục vụ ở SĐ7BB, và những cuộc hành quân ở “khu chiến Tiền Giang,” độc giả có thể nhìn ra được địa hình mênh mông của đồng lầy miền Nam: và cũng từ đó thấy được cái khó khăn của chiến tranh quy ước trong tương quan với chiến tranh du kích. Đọc Song Vũ, rồi coi lại bản đồ, người đọc sẽ thấy một địa hình quá lớn cho một số quân quá ít; một chiến lược quá bị động – trong ý nghĩa phải hành quân theo địa hình và ý muốn của đối phương. Vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 7 Bộ Binh là các tỉnh Mỹ Tho, Long An, Gò Công, Kiến Phong, Kiến Tường, Vĩnh Bình, và Kiến Hòa! Ba Trung Đoàn 10, 11 và 12 của SĐ7BB phải canh chừng một “bất động sản” rộng như vậy, với cấp số quân dưới trung bình: một trung đội chừng 20 người; đại đội không hơn 70 (“Trung đội tôi gồm 19 người, kể cả tôi. Bây giờ còn lại lành lặn 15.” (tr.200); “mang tiếng là đại đội tác chiến nhưng quân số chưa bao giờ lên tới trên 70 khi đi hành quân (tr. 40).) Với cấp số quân dưới tiêu chuẩn như vậy, đại đội của tác giả phải hành quân liên miên, từ tỉnh nầy qua tỉnh nọ. Trong bài viết Vào Nơi Gió Cát (tr. 33) tác giả nói về địa hình của Đồng Tháp Mười, về miệt Tân Châu-Hồng Ngự (thuộc Châu Đốc ngày xưa), về con Kinh Đồng Tiến, nối dài từ Sông Tiền Giang, gần Tân Châu, băng qua tỉnh Kiến Phong (bây giờ Đồng Tháp), nối vào Kinh Dương Văn Dương ở Long An, rồi từ đó vào sông Vàm Cỏ Tây. … tác giả nói một tiểu đoàn đóng bảo vệ an ninh cho xáng múc sình đào Kinh Đồng Tiến. Hành quân từ Tràm Chim về Vĩnh Long; từ Hồng Ngự về Cần Guộc; hành quân sáng chiều ở hai tỉnh khác nhau … qua một ngày lội bộ trong đất sình truy kích địch ở Cần Đước, ngủ lại qua đêm để sáng hôm sau di chuyển về Thủ Thừa, Long An. Nhìn một sư đoàn bộ binh như Sư Đoàn 7, và nếu phải đánh theo kiểu qui ước, thì sư đoàn rất gian nan để “bình định” những tỉnh ở Tiền Giang. Phần lớn những tỉnh ở Tiền Giang như Kiến Phong, Long An, Hậu Nghĩa có biên giới chung với Cam Bốt. Và bên kia biên giới là những cơ sở hậu cần và tiếp liệu quan trọng của B-2. Lực lượng bảo vệ Trung Ương Cục Miền Nam chắc chắn phải đông quân và có lợi thế hơn về địa hình (rút về biên giới Cam Bốt nếu không muốn đánh.) so với quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đọc những kinh nghiệm của tác giả về cuộc chiến, người đọc cảm nhận được sự khó khăn của chiến trường sình lầy, nhất là sình lầy mênh mông, ngập nước, của Đồng Tháp Mười.

Sau Vùng 4, đời binh nghiệp đưa tác giả về phục vụ SĐ23BB, ở Vùng 2/ Quân Khu II (Người đọc thấy một trùng hợp ngẫu nhiên trong đời binh nghiệp của Song Vũ: Hai Sư Đoàn 7 và 23 mà tác giả phục vụ, hai vị tư lệnh Bùi Đình Đạm và Lê Trung Tường đều là bạn cùng khóa với Tổng Thống Thiệu ở trường Võ Bị Đập Đá, Huế). Trong những bài viết liên hệ, Song Vũ nói về kinh nghiệm của một tiểu đoàn trưởng, rồi trung đoàn trưởng, TrĐ44/SĐ23BB. Tác giả nói về Đường 14; nói về địa hình núi rừng trùng trùng điệp điệp của Cao Nguyên Trung Phần; Bến Giằng, Khâm Đức, Dakto; nói về những cuộc hành quân chung với Lữ Đoàn 173, và SĐ101 Nhẩy Dù Mỹ; về mục tiêu hành quân với những địa danh nghe không phải là tiếng Việt. … Đường 14, qua Tân Cảnh, lấy tay trái đi về Ben Het, Dak Pek … (qua khỏi Ben Het, bên kia biên giới Lào, là những căn cứ hậu cần 609/611 của B-3). Bài viết Trung Đoàn 44 Trong “Mùa Hè Đỏ Lửa”ở Kontum (tr. 53) nói đến những trận đánh mà tác giả tham dự trong cuộc tổng công kích xuân-hè 1972 của CSBV.

Như một nhân chứng, tác giả viết về sự thất thủ của Ban Mê Thuộc năm 1975. Đây là một chi tiết đáng đọc của SCBL. Với cương vị một trung đoàn trưởng, Trung Tá Ngô Văn Xuân thuyết trình tình hình quân sự Vùng 2 cho phái đoàn Tổng Thống Thiệu khi ông đi thăm Pkeiku vào dịp Tết Ất Mão năm 1975. Trang 80-82 viết: sau khi nghe thuyết trình xong, TT Thiệu quay sang Thiếu Tướng Phú, ra lệnh cho vị tư lệnh Quân Đoàn II đem nguyên Sư Đoàn 23BB và thêm một chi đoàn xe tăng M-48 về phòng thủ Ban Mê Thuột (BMT). Ông Thiệu đồng thời ra lệnh cho Thiếu Tướng Lê Trung Tường củng cố hệ thống phòng thủ BMT. Trong bài viết, tác giả cho thấy Tướng Phú đã định kiến cộng sản sẽ tấn công Pleiku hơn là BMT, vì Pleiku là đầu nảo của Quân Đoàn II. Khi nghe ý kiến của Tướng Phú, TT Thiệu đưa ra lý luận: (theo bài viết của Song Vũ), với địa hình tương đối trống trãi của Pleiku, hỏa lực phi pháo của Quân Đoàn II đủ để chận đứng ý định nếu họ tấn công vào Pleiku. Nhưng sau cùng, Tướng Phủ hủy bỏ quyết định đưa SĐ23BB về phòng thủ BMT như TT Thiệu đã ra lệnh. Đây là một trong những chi tiết quan trọng nhất về sự thất thủ BMT – và sự thất thủ của VNCH từ hậu quả đó. (Như một phụ chú trong bài điểm sách, người viết đã thấy tờ tường trình của Tướng Phú báo cáo về sự thất thủ BMT – Tướng Phú viết báo cáo cho TT Thiệu khi bị giải nhiệm và quản thủ ở Bộ Tổng Tham Mưu. Trong tờ tường trình đó, TT Thiệu viết ngoài lề hàng chữ, đại khái nói, “Tôi đã lưu ý anh về chuyện phòng thủ BMT.”)

 Sau Cơn Binh Lửa không chỉ là những hoài niệm và cảm tưởng về cuộc chiến đã qua. Đôi khi tác giả của SCBL có những phản tỉnh rất triết lý về thân phận của cuộc chiến; thân phận của người lính; và thân phận của cả một quê hương và dân tộc. Xin đừng cười, nhưng đây là ý nghĩ thành thật của người viết nầy. Chúng ta không đang nói đến loại triết học cao siêu như “Luận về Lý Trí Thuần Túy” – à la Emmanuel Kant. Nhưng khi đọc một vài phản tỉnh của Song Vũ về cuộc chiến, chúng ta không khỏi nghĩ về vấn đề của bản thể học – nó là cái gì?; về cái siêu hình của chết chóc, tàn phá, sự hủy diệt của chiến tranh – tại sao? Cũng như những chán chường, buồn nôn, của một cuộc chiến dài đăng đẳng – chừng nào mới hết? Tác giả nói đến những tháng ngày buồn nôn đóng đồn ở Tràm Chim, bảo vệ công trình đào Kinh Đồng Tiến … ngày ngày lang thang ngoài đồng, tối về nằm nghĩ bao giờ mới hết cuộc chiến nầy? Tác giả nói về cái cái vòng tròn nhầy nhụa của chiến tranh du kích, khi nghe người trưởng ấp (một ấp vừa bị chiếm, và được tác giả “dẫn quân” tới lấy lại) nói, “Mấy anh về thì tụi nó chạy đi; mấy anh đi thì tụi nó trở lại.” Năm nầy qua năm nọ, phải chứng kiến những cặp mắt sợ hãi của ông già, con nít trên đường hành quân; chứng kiến những xác chết mà mình không có hận thù gì khi họ còn sống. Buổi sáng hành quân tới chiều, nhưng không đụng trận (“không đụng trận nào cho sướng,” tác giả nói trong sự chán nản, tẻ nhạt, của lính tác chiến); tối uống rượu và chuyền tin cho nhau về những người bạn vừa chết; đêm nằm võng nghĩ về nỗi thống khổ quê hương đang chịu đựng, và không biết phải chịu đựng đến bao giờ. Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu! Đó là an ủi duy nhất một người, như tác giả, có thể cho quê hương đang oằn ọai. Tác giả đã trích Remarque, là, chiến tranh sẽ hủy diệt tất cả; hủy diệt luôn trong nghĩa tâm lý cho những người chưa bị hủy diệt một cách vật lý. Trong những phản tỉnh về nỗi đau khổ của chiến tranh, tác giả Song Vũ cho thấy, đôi khi khóc hay xỉu trước những thống khổ của chiến tranh Việt Nam, thì cũng chưa đủ để một chủ thể có thể chấp nhận cái thực tế đang xảy ra trước mắt: Đôi khi cần phải thay đổi luôn cái chủ thể – mình không còn là mình nữa – thì mới chấp nhận được cái thực thể của chiến tranh. Tác giả trích một bài thơ của Nguyễn Thị Ý … “Ngày mai đi nhận xác chồng/ Say đi để thấy mình không là mình.” Mình không là mình nữa, thì mới chấp nhận được những phủ phàng của cuộc chiến.

 Xin giới thiệu Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ.

 

nguyenkyphong@yahoo.com

21 Tháng Tư 2013(Xem: 9572)
Sân làng là bãi đất trống khô khốc khá rộng, đỏ quánh, bao bọc bởi những mái tranh nứa nghèo nàn mái thấp mái cao; khi phá cánh rừng đồi này người ta chừa một gốc sao thật to mọc trên gò đất cao nhất. Cây sao trở thành nhân chứng cho các buổi hội làng lễ lạc. Đống củi rừng được đốt lên dưới tàn cây, dân ở ven sân làng lũ lượt tụm năm tụm ba kéo đến ngồi tụ quanh đống lửa, ánh sáng từ lửa soi rực lên những khuôn mặt lạ, họ độ bốn năm người, mặc toàn bà ba đen, họ mang theo mấy cây đàn lớn nhỏ, một cái trống cũng nhỏ. Chỉ có thế thôi.
19 Tháng Tư 2013(Xem: 6882)
Một ngày sau khi được tin ông mất, một số người thuộc thế hệ con cháu đã gọi nhau, text nhau trên máy: "sao không cùng hát với nhau cho nhau những ca khúc Phạm Duy?" Có cái gì đó thôi thúc mọi người cùng bắt tay vào việc. Kết quả là một buổi họp mặt nghệ sĩ và thân hữu với tiếng ca hát chen tiếng cười mà chan hòa nước mắt.