H34 trên đồi xay thịt 31; Thanh Thương Hoàng; Lê Xuân Trường; Phạm Quốc Bảo; Trùm trốn quân dịch chơi Blues

07 Tháng Mười Hai 20215:01 SA(Xem: 6218)

VĂN HÓA ONLINE – TÁC GIẢ-TÁC PHẨM-YOUTUBE - THỨ HAI 06 DEC 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


H34 trên đồi xay thịt 31; Thanh Thương Hoàng; Lê Xuân Trường; Phạm Quốc Bảo; Trùm trốn quân dịch chơi Blues


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


H34 trên đồi 31


Thiên Anh Hùng ca của Nhẩy dù và Không quân ở chiến địa “Đồi xay thịt”


Tác giả: Vĩnh Chánh; Phan Hội Yên


https://youtube.com/watch?v=NsX0FrUUeFI&feature=share


image003Bản đồ và phóng đồ Hành Quân Lam Sơn 719-Ngày 25 tháng 2 năm 1971, một số khu vực đường 9 Nam Lào và khu vực Đồi xay thịt 31.

image005Lời chào kính gởi đến Người Lính Lớn - Chiến Binh Nhảy Dù Cố Gắng, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù về với cõi vĩnh hằng ở Sydney – Úc vào ngày 12 Tháng 5, 2015, hưởng thọ 87 tuổi.


Đại Tá Nguyễn Văn Thọ là sĩ quan cấp bậc cao nhất của Quân Lực VNCH bị bắt tại chiến địa “Đồi thịt băm 31” mặt trận Hạ Lào trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719- Tháng 2, 1971. Ông trở thành tù binh trong các trại tù Cs ở miền Bắc VN. Điểm bi phẫn là các chiến sĩ bị bắt ở mặt trận Hạ Lào đã bị bỏ rơi, không được trao đổi tù binh sau khi Hiệp định Paris 1973 ký kết.


Chúng ta, những người Lính nhìn lại một đại chiến dịch quân sự đã bị tình báo bày hàng ngay từ trong Dinh Độc Lập (hay từ bộ Tổng Tham Mưu?) - bí mật quốc phòng tối cao lộ diện từ trong trứng nước. Trước ngày mở màn cuộc hành quân Lam Sơn 719, báo chí Mỹ và phương Tây đã tung tin không thiếu một chi tiết, gần như đồng hành với bộ tham mưu Cộng sản đã bố trí dày đặc pháo binh bắn chính xác vào các tọa độ phơi thây trên bản đồ hành quân tác chiến, hàng ngàn lưới cao xạ tối tân phòng không dày đặc, giăng bẫy phục kích khổng lồ trên các địa hình chiến địa, sẵn sàng chào đón các đại đơn vị Sàigon vượt biên giới lấy danh nghĩa là hành quân phá hủy căn cứ hậu cần Tchepone đầu mối của đường mòn hồ chí minh.


Chúng ta, những người Lính nhìn lại một đại chiến dịch quân sự tan nát để thấy những biển lận hiểm độc chính trị đối với vận mệnh miền Nam Việt Nam; để thấy hàng ngàn sinh mệnh người Lính thuộc các binh chủng thiện chiến - anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị “nướng” vô tội vạ vào mặt trận Hạ Lào 1971, chỉ là để phục vụ cho âm mưu Việt Nam hóa Chiến tranh, chẳng khác gì âm mưu gian ác đưa các đoàn chủ lực Giải phóng quân “nướng” vào 36 đô thị miền Nam trước đó vào năm 1968-69.


Chiến lược tiêu diệt hai lực lượng quân sự trọng yếu ở miền Nam VN nằm trong âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh, trước hết là để rút quân Mỹ danh dự thoát ra khỏi chiến địa không thể thắng (hay đại bại), để từ từ kết thúc Vietnam War, cuối cùng, chỉ còn lại Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn bàn thảo với nhau; và hậu quả Hiệp định Paris 1973 như thế nào thì những người Lính chúng ta đã thấy.  


Tư lệnh Quân Đoàn I kiêm Tư lệnh chiến dịch Lam Sơn 719/1971 lúc bấy giờ là Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, một ông “tướng” bất tài không được nể phục bởi các tư lệnh dưới quyền; rồi đây lịch sử sẽ phê phán vì sao, nguyên nhân sâu xa nào, tướng Lãm không thi hành đứng đắn chỉ thị của đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, dù sau chiến dịch Lam Sơn 719 ông đã bị cách chức, cũng không cứu vãn được tình thế chính trị và quân sự miền nam lâm vào thế hạ phong.


Rất tiếc, cố Đại tướng Đỗ Cao Trí, nguyên tư lệnh chiến dịch “cầy nát cục R” năm 1970 đã sớm hy sinh, nếu không ông đã được điều về Vùng I làm Tư lệnh chiến dịch Lam Sơn 719, lúc ấy thì khúc quanh lịch sử đã đổi khác. Thay thế Hoàng Xuân Lãm là Trung tướng Ngô Quang Trưởng.


Mời quý chiến hữu nghe bài tường thuật của tác giả Vĩnh Chánh và các mẩu chuyện của tác giả Phan Hội Yên qua giọng đọc Chú Tám. (VHO).


https://youtube.com/watch?v=NsX0FrUUeFI&feature=share

image007

Câu chuyện về đồi 31 của mũ đỏ Phan Hội Yên


(1, 2, 3, 4 phần)

image009

https://youtube.com/watch?v=Di0Df4py07s&feature=share


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


Thanh Thương Hoàng: Đêm sa điạ ngục


Văn nghệ sĩ là tinh hoa nhân loại,

là những người làm đẹp cho đời,

không một ai có quyền - dù nhân

danh này nọ - hãm hại họ".

(Khuyết danh)

image011

Đã mấy chục năm qua dù tôi muốn quên đi nhưng không thể nào quên được. Hễ cứ tới ngày này tiềm thức tôi tự động trỗi dậy bắt tôi phải nhớ tới "nó". "Nó" đây là khúc ngoặt định mệnh của đời tôi: ngày 5 tháng 4 năm 1976 tôi bị công an Thành phố Hồ Chí Minh đến nhà bắt. Người ta bảo oán hờn nên cởi, nên quên, nên bỏ lại phía sau nhưng sao tôi thấy khó quá, có lẽ vì tôi chỉ là một con người bình thường chưa vượt nổi mình nên chưa thể quẳng gánh nặng đau thương dĩ vãng đi được? Hôm nay kể lại chuyện này may ra "sả" được phần nào? Thấm thoát thế mà đã gần 40 năm trôi qua! Đây là chuyện cá nhân thiết tưởng chẳng nên nói tới làm gì nhưng vì sự việc lại ở một phạm vi lớn, vượt ra ngoài bình diện cả nhân. Đó là cả một chiến dịch quy mô thuộc chủ trương chính sách của chính quyền cộng sản lúc bấy giờ nên tôi nghĩ mình cần viết ra để mai này nếu có ai muốn tìm hiểu giới Văn nghệ sĩ báo chí Miền Nam sau ngày "bị giải phóng" rồi "được" cộng sản "chiếu cố" ra sao, may ra góp thêm chút gì trong tập hồ sơ đen dầy cộm của nhân loại về tội ác cộng sản chăng.


Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 quân nhân các cấp từ úy tới tá, tướng và nhân viên công chức Nhà Nước đều bị bắt đi "học tập cải tạo". Đó là chiến dịch X1 khắp nước ai cũng biết, gần như nhà nào cũng có người đi tù. Tiếp tới chiến dịch X2 "đánh tư sản mại bản" cả nước cũng đều biết. Đa số tư sản mại bản là người Tầu Chợ Lớn, chỉ có một vài người Việt như các ông Phạm Quang Khai, Phạm Quang Hoa, Hoàng Kim Quy. Nhưng năm sau, có lẽ nhận thấy "bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng" rồi cộng sản mở tiếp chiến dịch X3 "đánh" văn nghệ sĩ báo chí Miền Nam mà cộng sản gọi là "văn nghệ sĩ báo chí phản động". Chiến dịch mở màn cuối tháng 3 tới tháng 4 năm 1976.


Phải nói khi trận cuồng phong đỏ ập xuống Miền Nam, không phải riêng tôi mà cả người dân Miền Nam đều như những kẻ mất hồn, ngất ngư, ngơ ngác, sống dở chết dở. Hoang mang chán nản sợ hãi đến tột cùng. Cả bầu trời, cả cõi nhân gian như trùm phủ bởi mây đen mờ mịt với những hình tượng ác thú rợn người. Những ngày tháng trước mắt hiện ra toàn cảnh tăm tối, vô vọng, đói khát. Nhất là với giới cầm bút chúng tôi, biết bao tin tức từ miền Bắc (qua thân nhân nhắn vào) đầy đe dọa bi thảm: nếu không bị thủ tiêu thì cũng bị bắt đi tù đầy nơi rừng sâu nước độc tới chết rục xương như đã diễn ra với giới văn nghệ sĩ miền Bắc sau năm 1954.


Để trốn lánh, tôi (thật ngây thơ đến ngớ ngẩn) cùng bà vợ lên vùng ven Thị xã Biên Hòa sống ẩn mình trong trang trại của ông Bố tôi. Trang trại này biệt lập, sát mé rừng thưa do người Mỹ khai quang từ trước nhưng vắng vẻ. Để làm kế sinh nhai tôi lập chuồng trại mua gà công nghiệp mới nở 3 ngày về nuôi. Còn các con tôi đều ở lại Saigon hy vọng được tiếp tục học. Nửa tháng tôi đem tiền và gạo về cho bọn nó. Nuôi gà bị lỗ - vì gà nuôi lớn nhưng không quen buôn bán, không biết chỗ tiêu thụ, lại ngượng ngùng khi rao bán mặc cả nên bị bọn lái buôn ép giá. Lỗ vốn hết tiền, gia đình tôi phải sống nhờ vào trợ cấp của ông Bố già. Một hôm, sau khi ăn cháo buổi sáng, bà vợ tôi mở một gói giấy nhỏ ra hỏi tôi: "Anh biết cái gì đây không?". Làm sao tôi biết được những hạt bột nhỏ mầu xám đen. Vợ tôi thản nhiên nói: "Thuốc độc đấy! Em mua ngoài tiệm thuốc Tầu về". Tôi sửng sốt: "Có phải em định...". "Đúng, tối qua em định trộn vào thức ăn để chúng mình cùng chết". Tôi kêu lên: "Trời ơi! sao em không bàn với anh trước khi quyết định?". Không trả lời câu tôi hỏi, bà nói: "Chúng mình bây giờ làm gì còn lẽ sống, làm gì còn hy vọng sống thì phải giải thoát cái thể sác này. Em nghĩ điều hay nhất và em tin anh cũng nghĩ như vậy nên mới âm thầm lẳng lặng làm. Cái chết bất ngờ, cái chết tự gây, cái chết chủ động, bao giờ cũng là cái chết ...sung sướng và hoàn hảo nhất. Nhưng rất tiếc khi ra tay em lại không có đủ can đảm". Sau khi nói lời an ủi bà vợ và bầy đặt vài lý do lạc quan (tưởng tượng) tôi vứt gói thuốc độc xuống hố rác. Thực ra tôi có ý định tự tử ngay từ khi cộng sản vào Saigon tôi bị kẹt lại, nhưng nghĩ tới sáu con nhỏ tôi bỏ ý định này và chấp nhận sống khổ, kể cả sống nhục để nuôi con. Nhưng thật oái oăm, chính các con tôi lại vất vả khốn khổ lo lắng việc nuôi tù cho tôi sau đó.


Những ngày tháng sống trong hoang mang lo âu sợ hãi và u ám vô vọng cứ thế tiếp tục đè nặng lên cuộc sống chúng tôi.


Hôm có việc về Saigon tôi tình cờ gặp Nhà văn Mai Thảo trên đường Nguyễn Huệ, anh đi cùng Nhiếp ảnh gia Cao Lĩnh. Trong cơn hỗn mang này còn gặp được nhau chúng tôi mừng lắm. Mai Thảo hỏi tôi cuộc sống mới đổi đời ra sao. Tôi trả lời: "Bây giờ tao sống theo triết lý con gà". Mai Thảo ngạc nhiên kêu lên: "Triết lý con gà?". Còn Cao Lĩnh nói: "Tao phục thằng Hoàng thật. Trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng sống dở chết dở thế này mà vẫn còn có thể nói chuyện tếu được". Tôi làm bộ mặt nghiêm nói: "Tao nói thật đấy. Từ lúc lên trại ở Biên Hòa tạm lánh nạn, tao nuôi gà công nghiệp làm kế mưu sinh, vì thế tao mới có nhiều thời giờ gần gà, quan sát gà". (Tôi xin lỗi bạn đọc về lối xưng hô, vì chúng tôi thân nhau từ lúc còn trẻ nên trong chuyện trò đều mày tao quen miệng). Tôi nói tiếp: "Thế này nhé. Con gà trống bị cột một chân vào gốc cây chờ người ta đem đi cắt tiết làm thịt. Thế mà thấy con gà mái đi qua nó vẫn lên tiếng tán tỉnh gạ gẫm làm tình, cẳng đạp vào cánh phành phạch, vẫn cất tiếng gáy ầm ĩ. Và rồi nó hùng hổ leo lên lưng con gà mái, chẳng cần biết trong giây lát nữa đây sẽ lên đoạn đầu đài. Cuộc đời của tao bây giờ cũng vậy. Mặc kệ sự đời, muốn tới đâu thì tới. Cứ biết ngày hôm nay còn sống ta cứ sống, cứ làm những gì thường ngày ta làm. Chưa hết, cho đến khi bị giết gà vẫn còn được đưa lên bàn thờ cúng bái, còn muốn gì hơn nữa! Bây giờ bọn mình như cá nằm trên thớt, gà chờ cắt tiết, thì việc gì phải suy nghĩ lo âu than thở sợ hãi cho khổ cái thân". Thực ra tôi nói vậy để tự "trấn an" mình và bạn bè, chứ từ ngày Saigon thay áo đổi mầu tôi lúc nào cũng như ngồi trên lửa. Hai anh bạn xem ra có vẻ thích thú cái triết lý (vụn) gà này lắm. Họ bắt tay tôi và chúc cứ sống "vô tư" như con gà. Từ đó tới giờ tôi không gặp lại hai người bạn này nữa. Họ đã may mắn thoát khỏi gông cùm ngục tù cộng sản chạy sang Mỹ và đã "về vùng vĩnh cửu" lâu rồi.


Con trai tôi từ Làng Báo Chí lên đưa tôi một mảnh giấy to bằng bàn tay đánh máy và dưới có chữ ký bên cái "triện" hình chữ nhật nhỏ bằng mực tím. Người ký tên Phạm Ngọc Lễ - một anh phát báo Saigon Post trước 75 - giờ được chính quyền xã phong cho chức "trưởng ban đại diện Làng Báo Chí". Văn thư "yêu cầu tôi về Làng Báo Chí làm việc. Khẩn". Tôi biết việc này lành ít dữ nhiều, bàn bạc cùng vợ. Vợ tôi bảo phải về thôi "kiến trong miệng chén bò đâu cho thoát". Trong lúc tôi còn đang dùng dằng lưỡng lự, vợ tôi đi chợ về báo một tin không lành: "Em thấy ngoài chợ họ kháo nhau là có vợ chồng một tay ngụy gộc Saigon trốn lên đây vờ làm dân vô sản chăn nuôi gà để che thân lánh nạn, tránh trình diện cách mạng". Thế là tôi phải quyết định trở về Làng Báo Chí ngay vì nơi chốn nào cũng chỉ toàn bất ổn.


Hôm về, tôi được người bạn cho mượn chiếc xe đạp cũ chở hai con nhỏ từ xa lộ rẽ vào Làng Báo Chí. Một cái rào cản mới lập chắn ngang đường có mấy cậu du kích mang súng AK, tuổi 15, 16 chặn tôi lại hỏi giấy tờ. Tôi làm gì có giấy tờ cách mạng cấp. Họ hỏi với giọng rất sấc, hách dịch: anh vào nhà ai? Tôi nói vào nhà tôi. Sao lâu nay tôi không thấy mặt anh, lạ thật. Nhà anh ở đâu? Cuối làng, sát bờ sông. A, một tên nói to, chắc anh biết thằng ngụy ác ôn phản động chủ tịch báo chí? Nhà nó cũng ở sát bờ sông đấy. Thằng này hiện trốn tránh nhưng chạy đâu cho thoát. Tôi sững người. Mặc dầu cố làm bộ mặt tỉnh nhưng tim tôi nhói thắt. Nhà tôi, Làng tôi do tôi lập ra. Mọi người trong Làng ai cũng biết mặt biết tên mấy năm trời nay, bây giờ tôi bỗng trở thành người lạ, trở thành "thằng" và chưa chi đã bị lên án "thằng ngụy ác ôn phản động". May mà mấy cậu cách mạng con này không biết mặt tôi, nếu biết, chắc tôi bị họ dí súng vào lưng dẫn đi nhà giam hay cho một phát đạn rồi. Thì ra sở dĩ có cái thư "khẩn" đòi tôi về Làng ngay là do mấy anh "ba mươi" cộng tác với mấy anh ký giả nằm vùng muốn lập công đầu với cách mạng, tổ chức tòa án nhân dân để xét xử "tội trạng" tôi. Về phía "đại diện nhân dân" đứng ra yêu cầu là anh chàng "ba mươi" làm nghề phát báo Saigon Post Phạm Ngọc Lễ. (Anh này trước đây phải năn nỉ ông chủ nhiệm báo Saigon Post ký giấy chứng nhận ký giả và cũng cậy cục xin xỏ tôi mãi mới được cấp nhà trong Làng Báo Chí, vì theo điều lệ quy định phải là ký giả). Còn người lãnh đạo phát động đấu tố là ký giả nằm vùng Nguyễn Vạn Hồng làm phóng viên cơ quan Việt Nam Thông Tấn Xã của Nhà Nước, luôn được cử đi theo tổng thống, thủ tướng trong các chuyến công du. Ngoài ra anh ta còn làm phóng viên cho một tờ nhật báo chứa chấp đầy bọn nhà báo nhà văn họa sĩ nằm vùng. (Tờ Điện Tín của Nghị sĩ VNCH Hồng Sơn Đông). Nguyễn Vạn Hồng có người cha tập kết ra Bắc nghe đồn làm chức to lắm (sau này mới biết không phải vậy, ông ta chỉ là một cán bộ tép riu).


Buổi tối hôm đó, khoảng 8 giờ, trời tối tăm mù mịt khác thường, rất tiếc tôi không còn nhớ ngày, "ban hội tề" (tức ban đại diện Làng Báo Chí) lập tòa án nhân dân tại trụ sở tạm đầu Làng. Ban hội tề 4, 5 tên, ngồi chồm hổm trên băng ghế dài kê sau cái bàn. Còn dân Làng già trẻ lớn bé đều ngồi bệt dưới sàn nhà. Tôi không chịu ngồi, đứng dựa tường góc phòng và thản nhiên lấy thuốc lá nhồi píp hút. Sau khi nghe ban hội tề lớn tiếng gay gắt hằn học kết đủ thứ tội cho tôi như CIA, làm tay sai Thiệu Kỳ Khiêm, lập Làng Báo Chí theo chính sách của đế quốc Mỹ tập trung giới báo chí văn nghệ sĩ vào một chỗ (như ấp chiến lược) để kìm kẹp kiểm soát thao túng đàn áp (?) và vô số tội nữa với anh em văn nghệ báo chí. Họ nói dài nói dai đến hai tiếng đồng hồ với toàn những chuyện dựng đứng bịa đặt. Rồi họ yêu cầu "nhân dân trong Làng" lên tiếng tố cáo tội ác của tôi. Cả Làng nhìn nhau không ai lên tiếng. Họ đành quay sang tôi bắt tôi thành khẩn nhìn nhận tội lỗi, bầy tỏ lòng ăn năn hối hận và "xin" cách mạng khoan hồng, nhờ cách mạng cải tạo sớm trở thành công dân tốt xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ mình đã đến bước đường cùng chẳng còn gì hy vọng, cuộc sống thì bị vây hãm đe dọa, tương lai thì mù mịt tăm tối, không việc làm, cái đói cái khổ đang rình rập trước cửa nhà, chỉ còn cái chết may ra mới thoát. Nghĩ vậy tôi bỗng sinh liều hết sợ. (Tôi cũng không hiểu sao lúc đó lại "anh hùng" đến thế). Tôi dõng dạc nói to: "tôi nhìn nhận đã chống cộng từ mấy chục năm nay, sách báo còn ghi rành rành. Nếu chống cộng là có "tội" với cách mạng thì tôi nhận. Nhưng còn với Làng Báo Chí này tôi quả quyết chỉ có công không có tội. Tôi lập nó vì muốn anh em ký giả văn nghệ sĩ có cái nhà. Đó là hoàn toàn do thiện tâm thiện chí của tôi, không ai xúi dục hay bắt buộc tôi làm. Nhờ tôi hơn 300 gia đình ký giả, văn nghệ sĩ có nhà để ở, tuy chưa được hoàn hảo như mong muốn nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho một cuộc sống trung lưu. Tôi nhắc lại, tôi sẵn sàng chấp nhận búa rìu cách mạng đánh xuống đầu vì "tội" chống cộng. Nhưng với Làng Báo Chí này, nếu không nói là người có công lập ra nó thì tôi cũng không hề có tội. Với anh em văn nghệ sĩ, ký giả cũng vậy". Tôi vừa dứt lời, thật bất ngờ, dân làng bỗng vỗ tay ào ào. Lại còn có nhiều tiếng nói lớn: ông Hoàng vô tội. Ông là người ơn của chúng tôi. Không có ông không có Làng này. Một vài người già tự đứng lên phát biểu cũng với nội dung tương tự. Biết khó xách động được quần chúng, Nguyễn Vạn Hồng vội đứng lên nói vài lời kết thúc. Tuy nhiên gã không quên phát lời dọa dẫm: dù sao ông Thanh Thương Hoàng cũng như những người chế độ cũ cần phải được cách mạng giáo hóa cải tạo. Tôi biết bản án dành cho tôi đã được báo trước.


Ngày tháng lặng lẽ trôi trong ảm đạm thê lương, trong tối tăm vô vọng. Chúng tôi phải bán tất cả vật dụng cần thiết trong nhà từ cái giường ngủ tới bàn ghế, tủ lạnh, tivi, quần áo... để lấy tiền sống. Rồi người ta mở chiến dịch "quét sạch văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy". Tôi đau lòng biết bao khi nhìn các con tôi bắt buộc tuân theo lệnh "các đồng chí cán bộ văn hóa" ôm từng chồng sách báo của tôi và các bạn bè tặng tích lũy từ bao năm, đem nộp cho cách mạng để cách mạng chất đống đốt. Tôi liên tưởng tới việc ngày xưa bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn thư sinh. Tấn trò man rợ, ngu muội thời trung cổ bây giờ giữa thế kỷ 20 lại tái diễn.


Qua một cái tết chẳng có gì "hồ hởi phấn khởi" đất nước độc lập thống nhất như người cộng sản la lối rùm beng, bọn "dân ngụy" chúng tôi ngày đêm chỉ mải mê tính đường chạy trốn khỏi cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này. Bao biến cố rung trời chuyển đất đang xẩy ra cho Miền Nam khốn khổ (vốn hiền hòa chân chất nhân hậu). Giữa năm thì cả triệu Quân Cán Chính VNCH đi tù. Cuối năm đánh tư sản mại bản (để cướp của) bắt hết các nhà tư sản. Cuối tháng 3 đầu tháng 4.1976 mở chiến dịch X3 "đánh" Văn nghệ sĩ báo chí.


Chập tối ngày 5 tháng 4, anh Trần Việt Hoài, nhà thơ, phó chủ tịch Làng Báo Chí, trưởng nam cụ Á Nam Trần Tuấn Khải hốt hoảng chạy sang nhà tôi báo tin dữ: công an cộng sản đang mở chiến dịch bắt các Văn nghệ sĩ Miền Nam. Nhiều người đã bị vồ. Trước khi về Trần Việt Hoài còn cố nhắc lại câu nói lúc đầu: "Còn ông, ông coi chừng đó. Tôi sợ đến lượt ông đấy". Tôi tuy không bất ngờ cũng bàng hoàng hoang mang lo sợ, mặc dầu biết việc này sớm muộn cũng sẽ xẩy ra.


Buổi tối cơm nước xong không thấy động tĩnh gì, tôi khoác chiếc áo ngủ sang nhà anh bạn hàng xóm chơi mà chược giết thời giờ và cũng để lãng quên sự đời. Vừa xếp bài xong thì con tôi bước vào nói có mấy chú công an bên xã đến nhà cần gặp Bố. Tôi xin lỗi các bạn vui lòng chờ ít phút.


Tôi về nhà thấy hai công an mặc quần áo đen chở nhau xe gắn máy, một gã vai đeo khẩu AK. Gã được chở tự xưng trưởng ban công an xã mời tôi ra trụ sở "làm việc". Trụ sở tạm ngoài đầu làng. Đó là căn nhà của anh Nguyễn Đức Lưu, một ký giả làm cho hãng thông tấn ngoại quốc đã bỏ đi nước ngoài. Tôi đi xe đạp cho nhanh. Gã trưởng ban công an hỏi tôi về tình trạng nhà cửa trong Làng với nhiều câu vớ vẩn đầu cua tai nheo chẳng đâu vào đâu. Vừa chuyện trò gã vừa đưa mắt nhìn ra trước cửa như có ý chờ đợi ai đó. Hơn một tiếng đồng hồ hỏi đáp những câu chuyện vu vơ, gã trưởng công an cho tôi về hẹn hôm sau làm việc tiếp. Tôi thật vô tâm, lú lẫn quên hẳn việc Trần Viêt Hoài báo động khi nãy (chúng nó bỗng dưng tìm gặp mình là phải "có chuyện"). Về tới nhà cất xe đạp xong tôi lại "vô tư" sang nhà anh bạn chơi tiếp mạt chược (vì mấy người vẫn "vô tư" đợi tôi). Giữa lúc mọi người đang xoa bài thì con tôi lại sang báo nhà có khách. Tôi bực mình đứng dậy ra về. Lúc bấy giờ đã hơn 9 giờ tối. Thấy trước cổng nhà mình có một "ô tô con" mầu trắng đậu và năm sáu người đứng lố nhố. Trong số này có gã trưởng công an xã và tên du kích cầm súng AK khi nãy. Họ "dàn quân bố phòng" ngay: hai người cầm súng AK canh trước cổng, hai người cầm súng lục trấn hai bên cửa nhà. Mặt người nào cũng hầm hè sát khí như sắp xẩy ra bắn giết. Không đợi tôi mời, họ lôi tôi vào trong nhà, tự giới thiệu công an trên Thành và đổi ngay giọng nạt nộ yêu cầu tôi quay mặt vào tường giơ hai tay lên cao nghe đọc lệnh bắt và khám nhà. Vợ con tôi sợ hãi cuống quýt, họ đuổi ra hết trừ đứa con gái thứ ba ngồi học sát phòng bên, họ quên không đuổi nên cháu chứng kiến từ đầu việc tôi bị bắt. Khám người, khám nhà xong (mất hơn giờ) họ bảo tôi mang theo mấy bộ quần áo và ra xe. Vợ con tôi ùa ra bị chặn lại. Họ nói: gia đình yên tâm, anh ấy đi làm việc mấy ngày xong là về ấy mà. Cô con gái út tôi 12 tuổi lúc bấy giờ mới biết tôi bị bắt và òa lên khóc, kêu to Bố ơi. Tôi hôn các con và bước vào cửa sau xe hơi mở sẵn. Trước khi bước vào, tôi nói: "Cửa địa ngục đã mở, cuộc đời tôi bắt đầu đóng lại theo cái cửa xe này". Gã công an không hiểu, hỏi: "Anh nói gì?". Tôi nhắc lại câu nói. Gã nhún vai: "Chẳng có gì quan trọng. Hỏi vài việc xong cách mạng cho anh về ngay thôi". Vừa ngồi xuống nệm xe, hai gã công an ngồi hai bên, tôi ngồi giữa, lẹ làng móc còng số 8 ra còng tay tôi vào tay họ. Trong lúc này đầu óc tôi lơ mơ bất định, như người mộng du lơ lửng trên không. Xe ra tới xa lộ, thay vì rẽ phải chạy về Thành phố họ rẽ trái phóng về hướng Thủ Đức. Tôi rùng mình. Một ý tưởng khủng khiếp chợt xuất hiện: chúng nó đem mình đi thủ tiêu? Mồ hôi lạnh nơi trán tôi toát ra. Chân tay tôi rã rời, tim đập thình thịch. Bây giờ tôi mới thấy sợ. Cái chết hiện ra trước mặt ai cũng đều sợ hết. Đến "con Đức Chúa Trờì vĩ đại như Chúa Jê Su khi lên đoạn đầu đài cũng còn sợ chẩy cả máu mắt, huống gì thứ người trần tầm thường như tôi. Rất may gã công an ngồi cạnh tên lái xe lên tiếng hỏi: "Mày chạy đi đâu đây?". Tên kia trả lời: "Thì về Sở chứ còn đi đâu nữa!". "Vậy là mày chạy ẩu rồi. Quay lại, về Sở rẽ phải mới đúng chớ". "Ờ nhỉ". Thế là đến một quãng trống xe quay lại chạy vào hướng Thành phố. Hú vía! Tôi đưa tay lên ngực nhưng bị vướng cái còng và bàn tay gã công an. Thú thật bây giờ tôi mới bớt sợ mặc dù tim vẫn đập thình thịch. Tôi thở dài như trút hết nỗi lo sợ ra ngoài. Xe còn chạy lòng vòng qua nhiều đường phố hồi lâu (có lẽ nhằm đánh lạc hướng phòng ngừa có kẻ theo dõi?) rồi mới chạy vào Sở An ninh nội chính (tức Nha công an Thành phố Saigon cũ) đường Trần Hưng Đạo. Khi tôi bước vào phòng giam anh em tù trong phòng xúm lại hỏi bị bắt vì tội gì? Tôi đáp: Tội văn nghệ sĩ! Mọi người ồ lên ngạc nhiên. Một người cất tiếng chửi thề và nói to: văn nghệ sĩ có tội gì mà bị bắt?! Tôi lắc đầu im lặng. Đêm sa địa ngục của tôi là như thế. Năm đó tôi 43 tuổi, con đường sự nghiệp đang mở rộng phía trước và để lại ngoài đời sáu con nhỏ còn vị thành niên đói khổ.


Vào tù tôi mới biết những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, kịch sĩ, đạo diễn điện ảnh - đa số có tên tuổi của miền nam - bị bắt như Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Chóe (họa sĩ), Đằng Giao (họa sĩ, con rể nhà văn Chu Tử), Duyên Anh, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Anh Tuấn, Mặc Thu, Thái Thủy, Doãn Quốc Sỹ, Hồ Thế Viên, Như Phong Lê Văn Tiến, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Hồ Văn Đồng, Trần Việt Sơn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Huỳnh Thành Vị, Sao Biển, Cao Sơn, Trịnh Viết Thành, Thái Dương, Tô Ngọc, Hồng Dương, Lê Xuyên, Lý Thụy Ý, Anh Quân, Trần Quân, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Dương Nghiễm Mậu, Võ Xuân Đình, Đậu Phi Lục, Mộc Linh Nguyễn Hiệp Duyên, Lê Hiền (anh này nằm vùng). Các đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng Khánh và mấy đạo diễn tuồng cải lương. Tất cả khoảng hơn trăm người, rất tiếc tôi không nhớ hết tên. Riêng trường hợp Uyên Thao, Lý Đại Nguyên bị bắt từ mấy tháng trước, tôi được nữ ký giả Triều Giang (báo Sóng Thần) đến nhà báo cho biết. Còn Nhà báo Nguyễn Tú bị bắt ngay những ngày đầu tháng 5.75. Riêng Mai Thảo (có tên trong danh sách bắt) nhờ may mắn thoát nạn. Nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, Nhà báo Đường Thiên Lý bị bắt sau. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Nhà văn Nhà báo Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nhà báo Trần Việt Sơn, Nhà thơ Vũ Hoàng Chương bi chết trong thời gian tù. Trong bài này tôi chỉ đề cập tới các văn nghệ sĩ ký giả bị bắt không thuộc giới quân nhân, không làm việc cho cơ quan Nhà nước hay đoàn thể đảng phái nào, chỉ làm các báo, tạp chí tư nhân. Lẽ ra tôi kết thúc bài viết ở đây lại muốn thêm vài giòng nữa.


Mấy ngày sau họ lại chuyển chúng tôi về T20 và tôi là người trong giới văn nghệ bị gọi lên "làm việc" (hỏi cung) đầu tiên. Sau khi kê khai lý lịch xong, gã chấp pháp (người hỏi cung) tra vấn tôi về "tội" làm tay sai Mỹ Ngụy và "tội" lập Làng Báo Chí để tập trung các văn nghệ sĩ ký giả lại như ấp chiến lược. Tôi nói tôi không có tội gì cả, tôi chỉ là một người viết văn viết báo độc lập. Yêu nước, yêu tự do dân chủ đó là quyền tối thượng của con người. Không ai có quyền nhân danh này nọ kết tội. Tôi viết văn viết báo như một lẽ sống. Còn lập Làng Báo Chí là do thiện tâm thiện chí của tôi muốn anh em hành nghề viết lách sống quay quần bên nhau trong tinh thần tương thân tương ái nghề nghiệp. Nghe tôi nói vậy gã chấp pháp bỗng đùng đùng nổi giận, đứng lên đập bàn sô ghế, đưa nắm tay dứ dứ như muốn đấm vào mặt tôi nói như quát: "Vào đây rồi mà vẫn còn ngoan cố. Tôi cho anh đi biệt giam để anh có thì giờ suy nghĩ về tội trạng của mình". Thế là tôi bị tống vào biệt giam (cacho) phòng số 11 khu C trại tù T20 (bên hông chợ Bà Chiểu Gia Định) gần một năm. Tôi cũng là văn nghệ sĩ đầu tiên bị nhốt biệt giam. Căn biệt giam mới làm còn hăng mùi xi măng, ngang 1m 20, dài 2 m, tường kín mít, trần thấp, có cầu tiêu tại chỗ nhưng không có nước. Ít ngày sau tôi có thêm mấy ông "hàng xóm" (nhốt cùng dẫy) tên tuổi: Thượng Tọa Huyền Quang, Thượng Tọa Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Tôi bị nhốt biệt giam hơn 11 tháng được chuyển về Sở An ninh nội chính (đường Trần Hưng Đạo). Có lẽ biệt giam hết chỗ nên tôi được ở khu tập thể gần năm lại chuyển về T20 (trại Phan Đăng Lưu). Sau đó khoảng 7, 8 tháng, vào nửa đêm, một số chúng tôi bị gọi ra khỏi phòng, còng tay - hai người còng chung một còng số 8- đưa lên xe vận tải (dùng chở heo) ngồi chật như nêm, nhịn ăn uống chạy suốt đêm ngày hơn ngàn cây số tới trại tù Gia Trung nằm sâu trong dẫy núi rừng vùng Cao nguyên, tỉnh Pleiku. Cuộc đời tù đầy nơi chốn địa ngục trần gian của tôi kéo dài thiếu 4 tháng 5 ngày nữa trọn 10 năm. Trong số các Văn nghệ sĩ bị đưa đi lưu đầy trên vùng rừng núi Pleiku chỉ có mươi người, số còn lại nhốt ở T20 khoảng một năm được tha về hết. Số Văn nghệ sĩ bị "phát vãng" lên trại lao động cải tạo Gia Trung Pleiku gồm có: Hồ Văn Đồng, Doãn Quốc Sỹ, Trần Dạ Từ, Lý Đại Nguyên, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Mặc Thu, Thái Thủy, Trịnh Viết Thành, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Tô Ngọc, Cao Sơn, Mộc Linh, họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí) và tôi. Sau 3 năm (năm 1980) Nhà văn Doãn Quốc Sỹ được gọi tha về đầu tiên trong giới anh em văn nghệ sĩ đưa lên đây.


Cộng sản bảo "những tên" bị đưa đi đầy thuộc thành phần ác ôn nợ máu nhân dân, chống cộng ở thượng từng kiến trúc (?) cần phải trừng trị đích đáng. Tới nay câu nói của người bạn tù vẫn còn vang vang trong đầu tôi: Văn nghệ sĩ có tội gì mà bị bắt?! Và cũng từ lâu lắm rồi, khi còn cắp sách tới trường, tôi đã đọc nhiều lần trong một cuốn sách nào đó câu: "Văn nghệ sĩ là tinh hoa nhân loại, là những người làm đẹp cho đời, không một ai có quyền - dù nhân danh này nọ - hãm hại họ". Rất tiếc qua hơn nửa thế kỷ tôi đã quên mất tên tác giả.


+++++++++++++++++++++++++++++++++


Lời Emails01
Phạm Quốc Bảo: Lời những emails kể
Lời dẫn
: Những emails trích đăng trong bài này đã được điều chỉnh cho hợp với thể loại truyện ký, nên các danh tính đề cập đến ở đây đã không được xin phép trước. Mong được thứ lỗi.( PQBao)

Phạm Quốc Bảo.

image013
On Sat, Nov 27, 2021 at 3:23 PM HBTran wrote
:


Thưa các thân hữu,
Hôm nay tôi không chụp nhiều, vì biết rằng đã có nhiều người khác chụp với máy ảnh tốt hơn.
(Và vì) Gs.DNS. có việc tới một nơi khác, nên chúng tôi không ở lại tang lễ được lâu. Do đó tôi chỉ chụp 3 tấm hình:
1) Cảnh bàn thờ,
2) Nhà giáo BMD. phân ưu với anh Nguyễn Thức, nghĩa tử của nhà giáo Nguyễn Hữu Bào,
3) Một số giáo chức chụp hình chung với anh Nguyễn Thức ...*
thb.

On Saturday, November 27, 2021, 03:35:34 PM PST, Bao Pham  wrote:


Xin cảm ơn anh THB,
đã sốt sắng chụp và gửi cho 3 tấm hình kỷ niệm ngày viếng anh Nguyễn Hữu Bào.
PQB.

On Sat, Nov 27, 2021 at 11:44 PM lanphuong Pham wrote:


Kính cảm ơn thầy B. đã cho các cô thầy vắng mặt, trong số đó có LP., xem những tấm hình quý báu của tang lễ thầy Nguyễn Hữu Bào…
 Nguyện hương linh người thầy một đời tận tụy với nhiệm vụ một nhà giáo sớm về cõi Phật.
Kính mến,
LP.


Cuong Nguyen; 8:42 AM (3 hours ago);to VN, HBTran, Sum, Chuong, Hieu, GC-, Tường, Tai, Phu, ThuyPhuong, Viet-Lan, Phuong, GC-, Thiệu, Quân, AlanKhoa, George, Kim-Ngân, me..


Sáng hôm thứ bẩy em là người đến nhà quàn đúng 9 giờ. Có gặp và nói chuyện với 2 hoc sinh cũ của anh Bào là Thức và Trai (du học rồi có về phục vụ cho VHV Võ bị Dalat một thời gian). Trai tiếp tay lo đám cưới cho anh Bào với chị Hoàng ngày xưa. Còn Thức lo vụ đám tang này. Thật là tình thầy trò rất cảm động.
Anh Bào thật may mắn có những người học trò có nghĩa tình sâu nặng như vậy.
Thân mến,
NĐC.

On Sat, Nov 27, 2021 at 8:04 PM Thuc X. Nguyen wrote:


Kính thưa quý thầy cô, quý anh chị em,
Chân thành cám-ơn quý vị đã đến chia buồn, an ủi, phúng điếu, và tiễn đưa linh hồn thầy Nguyễn Hữu Bào đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Sự hiện diện cũng như thời giờ quý báu của quý vị là một niềm an ủi lớn lao cho em và cho lính hồn của thầy Bào.
Một lần nữa em không biết nói gì hơn bằng sự tri ân chân tình từ trái tim của em đến với quý vị. Trong lúc cử hành tang lễ nếu có điều gì sơ xót kính xin quý vị niệm tình thứ lỗi cho.
Quý mến,
NXT.

On Nov 27, 2021, at 10:04 PM, HBTran wrote:


Tôi xin thành thật chúc mừng anh Thức đã hoàn tất một nghĩa cử tinh thần cao quý: tổ chức thành công và chu đáo tang lễ Thầy Nguyễn Hữu Bào trong ngày hôm nay.
Sáng nay khi tới viếng, tôi rất cảm động thấy anh Thức đội khăn tang. Ấm lòng hơn khi thấy một số khăn tang nữa, và được anh Thức cho biết đó là mấy người cháu gọi thầy Bào bằng cậu ruột, con bà chị ruột của Thầy. 
Thầy Bào trọn đời tận tụy với nhiệm vụ một nhà giáo nên ra đi không cô đơn. Sự hiện diện của các thầy cô thuộc Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam và Trường Việt Ngữ, của các anh chị trong Hội đồng Quản trị và Ban Tổ chức Giải Khuyến Học - Viet Olympiad về Lịch sử, Văn hóa Việt Nam( các cô Kim Ngân, Minh Châu) đã nói lên rằng những đóng góp của Thầy được cộng đồng và những người tiếp nối chân thành ghi nhận. Cô Bùi Mỹ Dương, các thầy Dương Ngọc Sum, Nguyễn Trung Quân và tôi thay mặt lớp đồng nghiệp kỳ cựu, long trọng ghi nhận những đóng góp của Thầy từ bao nhiêu năm qua. Thầy Mai Thái Bằng là một nhà giáo tích cực và tận tâm, có liên hệ với Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California.  Nhà báo, cũng là nhà giáo Phạm Quốc Bảo là một thân hữu sống cùng cư xá, cùng bao nhiêu cựu đồng nghiệp và bằng hữu thân thiết khác. Quan trọng hơn, chúng tôi được chứng kiến sự tận tâm, tận lực đầy tình nghĩa của anh.
Một lần nữa, cám ơn anh đã báo cho tôi biết về chuyện quá vãng cùng tang lễ của Thầy khiến tôi kịp thời báo tin tới các bằng hữu khác, và việc hoàn tất một cách chu đáo tang lễ hôm nay. Chúng ta cùng chân thành cầu nguyện, mong thầy Bào vãng sinh vào Lạc cảnh.
Thân quý,
THB.

On Sun, Nov 28, 2021 at 7:08 PM Bao Pham wrote:


Thưa quí anh chị:
Sáng thứ bẩy vừa qua (27/11/21) tôi theo quí anh chị trong hội Ái Hữu cựu giáo chức VN tại hải ngoại đến viếng anh Nguyễn Hữu Bào lần chót; trong lòng tôi còn đang lấn bấn về sự kiện là một chuyên viên giáo dục trong nước mới đề nghị hãy dẹp đi tiêu chí "Tiên học lễ-Hậu học văn" vì nhiều căn cứ; một lý do ông ấy nêu mà tôi nhớ là tiêu chí này cản trở sức sáng tạo của trẻ học sinh - sinh viên.
Nay nhận được email của anh THBích tiết lộ chi tiết: anh Thức và một số cựu học sinh của anh Bào đã đứng ra tổ chức tang lễ cho Thầy NHBào, tôi rất xúc động; và thấy cần phải lên tiếng chân thành cảm tạ anh Thức và quí anh chị ấy: Quí anh chị ấy đã cho tôi một bài học ý nghĩa thật sự vô giá về nghĩa cử này.
Trân trọng,
PQBao.

PST, HBTran wrote:


Anh Bảo thân,
Chắc anh cũng nhớ rằng người bạn đời của anh Bào là chị Hoàng đã mất từ lâu (2005 - 16 năm trước).  Anh chị chưa được người con nào. Những năm gần đây anh Bào vẫn sống một mình.
Trước đại dịch, những năm 2018, 2019, tôi có ghé thăm anh Bào một vài lần, nhưng xin thú thật là từ đầu năm 2020, phần do ảnh hưởng của đại dịch, phần vì vướng trong những mối bận riêng, tôi không có dịp đến thăm anh. Người lui tới chăm nom anh Bào trong 2 năm gần đây là anh Thức. Trong năm 2021, anh Thức đã đưa anh Bào đi cấp cứu 4 lần.
Anh Thức là người - theo lời anh Bào dặn lại - gọi điện thoại báo cho tôi biết sau khi anh Bào đã ra đi. Sau đó, trao đổi với nhau qua texting, anh Thức cho tôi biết về chương trình tang lễ. Chính nhờ anh Thức, tôi mới có hoàn cảnh báo tin lại tới mọi người.
Tôi có hỏi anh Thức, qua text, "Trong việc tang lễ, anh có thấy cần được giúp sức, tiếp tay không?"Anh ấy trả lời (ngày 10 Nov.), "Dạ thưa Thức sẽ làm hết ạ!"
Theo chỗ tôi biết, anh Thức cũng là người báo tin cho một số thân quyến của anh Bào ở VN, và các con của bà chị anh Bào ở Hoa Kỳ.
Là một học sinh cũ của anh Bào và là người lo tang lễ, chắc anh Bảo cũng nhận thấy anh Thức đội khăn trắng theo cương vị một nghĩa tử trong tang lễ hôm qua.
Trong khi ở trong nước có người đề nghị dẹp tiêu chí "Tiên học lễ - Hậu học văn," thì trong một lần trao đổi text với tôi, sau khi tôi viết, "Cũng may có anh Thức ở đây!", anh ấy đã trả lời, "Tình nghĩa và nghĩa tình."
Dân VN là dân tộc trọng tình nghĩa, nhưng quan niệm của anh Thức đối với chuyện tình nghĩa đã khiến tôi xúc động và cảm phục.
Tôi tin mọi chuyện trên đời đều có "nhân," có "quả," có "duyên," có "nghiệp." Phong cách sống của anh Bào và thái độ đối với "tình" và "nghĩa" của anh Thức càng khiến tôi thấy chúng ta cần phải làm những điều tốt lành.
Thân,
thb


Thuc X. Nguyen. Nov 28, 2021, 10:23 PM (13 hours ago); to V, VN, Hoàng, me, HBTran, lanphuong, Sum, Chuong, Hieu, GC-, Tường, Tai, Phu, ThuyPhuong, Phuong, GC-, Thiệu, Quân, Cuong, AlanKhoa, George, Kim-Ngân...


Kính thưa quý thầy cô và quý anh chị em,
Em thành thật cảm ơn quý vì đã quá ngợi khen em. Em chẳng làm một điều gì phi thường cả.
Thầy Bào  là thầy giáo của em khi em bước chân đến trường ngày đầu tiên. Năm đó thầy Bào tốt nghiệp và dạy năm thứ hai. Thầy Bào  dạy em lớp 1, lúc đó em mới 5 tuổi.
Đó là những kỷ niệm mà em không bao giờ quên: Năm 2012 gặp lại Thầy lần thứ hai ở Quận Cam (lần đầu tiên năm 1980; và sau đó vì dọn đến Long Beach để bắt đầu sự nghiệp nên mất liên lạc với Thầy một thời gian khá lâu)...
Thầy tâm sự và nhờ em lo vấn đề hậu sự cho Thầy.Em nhận lời Thầy, kể từ đó Thầy từng bước làm những thủ tục cần thiết và giao quyền cho em...
Thật sự Thầy cũng rất là từ lập cho đến năm 2017, Thầy bị suy tìm em phải đưa vào cấp cứu. Thầy nằm trong bệnh viện 3 ngày và em đã thăm viếng, an ủi, giúp Thầy đưa Thầy về. Thầy bình phục. Năm 2019, Thầy cũng bị như tình trạng năm 2017. Năm 2020, Thầy cũng bị như tình trạng năm 2017. Em cũng giúp Thầy. 
Năm nay thì rất tệ. Thầy phải vào cấp cứu 4 lần. Và lần cuối cùng Thầy cũng đã từ biệt cõi trần.
Theo lời mong mỏi cũng như yêu cầu của Thầy, em đã có gắng hết sức để lo đám tang cho Thầy như ý nguyện.
Em xin cảm ơn tất cả quý vị đã hỗ trợ tinh thần, động lực cho em đạt được ý nguyện của Thầy.
Một lần nữa, em chân thành biết ơn quý vị từ trái tim của em.
Quý mến,
Em,
NXT.

image015* Từ phải sang, người thứ ba là ông Nguyễn Xuân Thức.
(Hình: Trần Huy Bích)


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


Gặp tác giả 'Lặng thầm một tình yêu' ở Mỹ

image017

Dạ Ly


Chúng tôi gặp nhau tại  khu người Việt ở Quận Cam (California, Mỹ) giữa những ngày hè tháng 6. Thời tiết mùa này đẹp và dịu dàng như chính câu chuyện của Lê Xuân Trường -  nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ cùng các dự án sắp tới dành cho người Việt.


image018Nhạc sĩ Lê Xuân Trường
Ảnh: Lê Xuân Trường cung cấp

Đưa nhạc Việt ra thế giới


image021Tôi khá buồn khi âm nhạc Việt trong và ngoài nước bây giờ chỉ có giá trị thu hút giới trẻ với sự hào nhoáng về hình thức. Nếu muốn mang nhạc Việt ra thế giới thì cần phải dùng chất liệu âm nhạc thuần túy của VN để chinh phục
Nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia


Lê Xuân Trườngimage021


Ở khu người Việt bên Mỹ anh khá nổi tiếng nhưng tại VN, mãi đến khi ca khúc Lặng thầm một tình yêu nổi lên bởi Thanh Bùi và Hồ Ngọc Hà thì cái tên Lê Xuân Trường mới trở nên quen thuộc. Anh kể về cơ duyên lẫn động lực để cùng Thanh Bùi viết nên Lặng thầm một tình yêu: “Tôi gặp Thanh Bùi và quyết định thực hiện một album gồm những ca khúc do Thanh Bùi sáng tác với phần lời của tôi. Ca khúc Lặng thầm một tình yêu dựa theo tựa đề tiếng Anh là Forbidden love. Sở dĩ tôi muốn cùng Thanh Bùi phát triển âm nhạc là vì Thanh Bùi sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng trái tim của anh luôn là người VN. Nếu biết hướng những người trẻ như anh về nguồn thì sự bảo tồn văn hóa của VN chúng ta mới còn, chứ không rất dễ bị mai một”.


Tuy nhiên, điều nhạc sĩ tự hào hơn chính là một lần nữa ca khúc này được hợp tác cùng Dương Khắc Linh (lớn lên ở Hà Lan, từng nhận bằng thạc sĩ tại Anh với luận án về ngành công nghệ âm nhạc ở VN). Dương Khắc Linh từng làm MV Lặng thầm một tình yêu và ca khúc này được đưa vào phim Để Mai tính; sau đó được đạo diễn Phan Xine sử dụng cho phim Bếp hát do Lam Trường và diễn viên Lê Tú Vi thể hiện.


Kể về những sáng tác tại Mỹ, nhạc sĩ bộc bạch: “Tôi cộng tác với một số trung tâm âm nhạc lớn hải ngoại từ năm 1995 cho đến nay. Ngoài những sáng tác nhạc và lời riêng, tôi còn viết rất nhiều bài lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc. Đến nay tôi có khoảng 100 ca khúc đã phát hành. Tôi luôn nghĩ sau này, dù mình không còn hiện hữu thì tác phẩm của mình vẫn còn đó, giữa trần gian...”. Nhắc đến những album hay của Lê Xuân Trường, khán giả sẽ nhớ album Mưa trên vùng tóc rối với tiếng hát Tuấn Ngọc và Thanh Hà.


image022Hình ảnh Lê Xuân Trường trên báo Mỹ năm 1990


Chia sẻ thêm về hàng chục ca khúc nhạc ngoại do anh viết lời, nhạc sĩ bảo: “Tôi yêu những ngôn từ nên khi viết lời nhạc, tôi hay dùng những từ ngữ tự sáng chế cho riêng mình để tạo dấu ấn riêng. Có những bài khi hát tiếng ngoại quốc rất dễ, song khi viết lời Việt lại khó bởi tiếng Việt có dấu, có những âm sắc khác nhau, nếu viết không khéo, chữ sẽ bị vặn vẹo qua một nghĩa khác, và phát âm sẽ bị ngượng nghịu. Ví như một số bài tôi viết lời: The house of rising sun (Ngôi nhà trong ánh bình minh) do ca sĩ Ngọc Ánh trình bày của ban nhạc Animal, hay Je Suis Malade (Không cần nói) do Angéla Trâm Anh thể hiện....”.


Và cũng ít người biết rằng, Lê Xuân Trường (sống ở Mỹ từ năm 1979) luôn mong muốn đem âm nhạc VN ra thế giới để người ngoại quốc có thể thưởng thức. “Năm 1990, tôi đã thực hiện điều ấy và nhân buổi diễn cho trẻ em nghèo ở châu Phi, tôi được phóng viên của nhật báo Los Angeles Times phỏng vấn viết bài trên báo Mỹ với giấc mơ mà tôi ấp ủ tựa Bringing Vietnamese Music to America (kèm theo ảnh tờ báo Mỹ năm 1990 - NV). Tôi khá buồn khi âm nhạc Việt trong và ngoài nước bây giờ chỉ có giá trị thu hút giới trẻ với sự hào nhoáng về hình thức. Nếu muốn mang nhạc Việt ra thế giới thì cần phải dùng chất liệu âm nhạc thuần túy của VN để chinh phục”.


image024Ca sĩ Hồng Nhung qua góc máy Lê Xuân Trường


Nhiếp ảnh gia của giới nghệ sĩ


Ngoài âm nhạc, Lê Xuân Trường còn đam mê hội họa và nhiếp ảnh từ thuở bé. Kể từ năm 1985, anh trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về ảnh phong cảnh, chân dung với những chuyến du hành khắp nước Mỹ. “Nhưng quãng thời gian từ sau năm 1985, tôi dồn hết đam mê vào âm nhạc, mãi đến năm 2000, tôi bắt đầu nhận chụp và thực hiện những bộ ảnh cho nghệ sĩ VN và kiêm luôn thiết kế cho họ. Những nghệ sĩ tôi đã chụp qua như: ca sĩ Hồng Nhung, Ngọc Anh, Hương Thủy, Tóc Tiên, Nguyệt Anh, Nghi Văn, Hoài Phương, Quách An An...; diễn viên Tăng Thanh Hà, nghệ sĩ hài Thúy Nga…”, anh nói.


“Mỗi một bức ảnh của nghệ sĩ hay người thường đều cho tôi những trải nghiệm đáng nhớ, bởi đó là cả tâm huyết mình thực hiện. Tôi nhớ mãi bộ ảnh 21 kiểu bikini của nghệ sĩ Thúy Nga bởi không chỉ là nghệ thuật mà còn thể hiện sự lãng mạn, gợi cảm của một nghệ sĩ hài. Bên cạnh đó, ca sĩ Ngọc Anh, Tóc Tiên, Hồng Nhung... cũng cho tôi nhiều ấn tượng về cảm xúc màu sắc, cung bậc cuộc sống qua cách họ thể hiện dưới góc máy của mình”, anh bộc bạch. Điều Lê Xuân Trường mong muốn còn là trở về VN thực hiện thêm nhiều bộ ảnh phong cảnh đẹp nhất của quê hương để giới thiệu cùng bạn bè thế giới trong thời gian tới.


Lê Xuân Trường đang và sẽ thực hiện một số dự án âm nhạc dành cho người Việt và gốc Việt như: chương trình âm nhạc trên đài truyền hình Lạc Việt Network (ở Mỹ); chương trình Nhạc tuyển top 10 trên truyền hình (trước đây Lê Xuân Trường thực hiện trên làn sóng phát thanh - NV). Anh cho biết sẽ thực hiện những chương trình âm nhạc và livestream cho người VN trên toàn thế giới thưởng thức. Riêng tại VN, nhạc sĩ sẽ phát hành album mới gồm 15 ca khúc được trình bày bởi tiếng hát Trần Đức. Trần Đức là người từng trúng tuyển vào Nhạc viện Sofia (Bulgaria) và du học vào năm 1989.


23/06/2019 Thanh Niên


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


“Trùm trốn quân dịch” Bill Clinton chơi Blues cực hay


Jun 23, 2007


https://www.youtube.com/watch?v=Alv7N6Ynm1Y

image026

Inauguration Bill Clinton with many saxophone heroes


https://www.youtube.com/watch?v=3GLbViIr7Nk


image028Tổng thống Bill Clinton và Đệ nhất Phu nhân Hillary Rodham Clinton; phó Tổng thống Albert A. Gore Jr. và Phu nhân đang ngồi nghe dàn nhạc Jazz.
13 Tháng Mười 2021(Xem: 5383)
01 Tháng Mười 2021(Xem: 4993)
05 Tháng Bảy 2021(Xem: 5158)
26 Tháng Chín 2020(Xem: 6226)