Phan Rang - Kiều Maily: Tôi sợ những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình

13 Tháng Mười 20199:20 SA(Xem: 5576)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA - THỨ HAI 14 OCT 2019


- Viếng lăng Tháp Chàm Pô Klông Garai Phan Rang


Phan Rang - Nhà nghiên cứu Kiều Maily: Tôi sợ những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình


13/10/2019


TTO - "Tôi ước sau này lớn lên sẽ làm một công việc để giúp nhiều người biết hơn về cái hay, cái đẹp tôi đã được nghe. Tôi sợ sau này những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình" - Maily kể.


image020

Kiều Maily biểu diễn trống Baranưng - một loại nhạc cụ Champa...


Làng Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận  (PHAN RANG) - nơi Kiều Maily sinh ra - là mảnh đất thấm đẫm văn hóa Chăm.


Mảnh đất ấy đã cho Maily cảm hứng tìm tòi, nghiên cứu những gì mà ông cha để lại. Maily kể ngày nhỏ cô thường đi phụ giúp các đám trong làng. Thay vì chơi đùa, cô luôn để tâm nhiều vào việc phụ các chị, các mẹ làm những món ăn Chăm, nghe các bà kể chuyện.


Văn hóa dân gian Chăm như một hấp lực với cô từ thuở đó. "Tôi ước sau này lớn lên sẽ làm một công việc để giúp nhiều người biết hơn về cái hay, cái đẹp tôi đã được nghe. Tôi sợ sau này những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình" - Maily kể.


Riêng về trang phục và ẩm thực Chăm, Kiều Maily không dừng lại ở nghiên cứu phục hồi cái cổ mà còn đưa cái đẹp và cái tương đối chuẩn Chăm ra thế giới bên ngoài thông qua viết sách, báo và tổ chức quảng bá. Các hoạt động đó phần nào đã tác động vào bề mặt xã hội Chăm hôm nay, vừa gợi ý thức bảo tồn đồng thời gợi hứng sáng tạo. Tôi tin hoạt động của Kiều Maily sẽ ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng hơn nữa về lâu dài.


Nhà nghiên cứu Champa Inrasara


Viết sách Độc đáo ẩm thực Chăm


Maily cho biết văn hóa được thể hiện đầu tiên và rõ nhất qua trang phục, ẩm thực. Cô dành suốt ba năm đi điền dã tới tất cả các làng Chăm từ Ninh Thuận đến An Giang, Châu Đốc để nghiên cứu, tự thực hiện các món ăn, chụp ảnh và viết.


Cuốn sách Độc đáo ẩm thực Chăm của Maily được nhìn nhận là cuốn sách độc nhất về ẩm thực dân tộc thiểu số. Không dừng ở đó, cô kỳ công viết Palei Phước Nhơn của tôi - cuốn sách sử địa dư chí đầu tiên về làng Chăm. Maily còn viết thơ và sách về y phục Chăm từ vốn nền kiến thức văn hóa dân tộc.


Ngày ấy được bao nhiêu tiền viết báo cộng tác, Maily dành đổ xăng đi đến các vùng đất có người Chăm sinh sống. Có lúc không có nổi mấy triệu đồng để in sách, cô phải cậy nhờ khắp nơi. Tiền bán sách Maily lại mua quà tặng người già, học sinh Chăm vượt khó học giỏi.


Để giữ gìn trang phục Chăm, cô dành nhiều tâm huyết phát động chương trình "Chăm đẹp trên mọi nẻo đường", kêu gọi các cô gái Chăm mặc trang phục truyền thống ở TP.HCM.


Có gần 15 năm âm ỉ "cháy" những hoạt động quảng bá văn hóa Chăm ở TP.HCM nhưng nhận thấy thành phố lớn này chưa phải là không gian thích hợp, Maily quyết định chọn Hội An (Quảng Nam) xây lại những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ đời mình. Hội An tổng hòa nhiều nền văn hóa và tập trung đông du khách thế giới muốn tìm hiểu về văn hóa.


"Quảng Nam có di sản thế giới Mỹ Sơn nhưng cộng đồng người Chăm lại quá ít, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày văn hóa Chăm vẫn còn khá mờ nhạt. Việc quảng bá văn hóa Chăm là rất khó, cái khó ban đầu là tìm không gian biểu diễn văn hóa Chăm" - Maily nhớ lại.


image018

... và trong lần đi thực tế để tìm hiểu, viết sách về văn hóa Chăm - Ảnh: BẢO NGUYÊN


Tái hiện không gian Chăm giữa phố Hội


Maily bắt đầu tìm kiếm những chương trình phù hợp để lồng ghép quảng bá văn hóa Chăm ở Hội An. Cô tiếp tục kêu gọi các bạn trẻ Chăm mặc trang phục truyền thống. Giờ đây đã có nhiều bạn trẻ Chăm mặc áo dài truyền thống trong dịp đặc biệt. Họ hiểu và tự hào về nét đẹp trang phục của mình.


Nhờ những kỹ thuật ẩm thực học được qua nhiều năm lặn lội đến các vùng miền, Maily biến các món ăn truyền thống Chăm vốn khó ăn trở nên dễ ăn hơn, giới thiệu rộng rãi ẩm thực Chăm đến du khách. Những tối đặc biệt khi khách du lịch đến Hội An đông đúc, Maily tự tin bê mẻ bánh sakaya - loại bánh quý nhất của người Chăm - giới thiệu giữa phố cổ.


Nhiều tháng nay, Kiều Maily bắt đầu mở một không gian trải nghiệm văn hóa Chăm ở phố Hội. Không gian chỉ mươi mét vuông mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm với tượng vũ nữ Apsara, trống Baranưng, những chiếc ấm trà, bình gốm cổ…


Khách đến chơi được thực hiện nghi thức rửa chân tay, súc miệng ba lần theo phong tục của người Chăm. Giữa không gian đậm văn hóa Chăm, khách được thưởng thức ẩm thực Chăm, nghe kể về những bài thuốc nam trong từng món ăn, câu chuyện cái chén, đôi đũa trong phong tục Chăm, xem cô gái Chăm Maily biểu diễn múa, hát dân ca Chăm.


Bà Nguyễn Thị Bích Ngà - giám đốc Công ty TNHH du lịch Trầu Cau - cho biết du khách được công ty bà kết nối đến không gian này rất thích thú khi trực tiếp trải nghiệm cái đẹp của văn hóa bản địa.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa Champa Inrasara, hoạt động văn hóa cần đến tình yêu, tài năng và sự sáng tạo, Maily hội tụ đủ ba yếu tố đó. Kiều Maily là người nữ mẫu hệ Chăm dấn thân vào xã hội rộng lớn, cùng lúc vừa làm thơ vừa nghiên cứu văn hóa và hoạt động xã hội.


Với sự nỗ lực bằng những hành động thiết thực, Maily ít nhiều đang tạo nên một làn gió mới cho các hoạt động bảo tồn văn hóa Chăm.


Maily chia sẻ: "Đam mê của tôi đang lớn dần, tôi tin chắc sẽ đi xa hơn nữa. Tôi chỉ mong giới trẻ hiểu giá trị, cái hay cái đẹp với nhiều bí ẩn trong nền văn hóa của dân tộc mình. Tất nhiên việc giữ gìn nét đẹp Chăm không phải chỉ là trách nhiệm, nhận thức của người Chăm mà còn cần sự chung sức của cả cộng đồng".


Những nỗ lực và trái ngọt đầu tiên


Hiện Maily đang dành nhiều tâm huyết xây dựng làng nghề thuốc nam gia truyền cho cộng đồng người Chăm - làng thuốc Palei Phước Nhơn - với mong muốn bảo tồn những giống thuốc nam quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt.


Ông Đạo Văn Tý (61 tuổi, vị chức sắc của làng Phước Nhơn) cho biết: "Mỗi lần về quê dịp lễ tết, Maily lại làm những bữa tiệc món ăn Chăm tự chọn. Cô biến tấu khiến món ăn Chăm trở nên ngon hơn, nói về ý nghĩa của món ăn, của năm mới… những giá trị mà nhiều người Chăm không biết khiến bà con thấy vô cùng ý nghĩa".


Ông Tý cho hay hiện phong trào tìm hiểu về năm mới từ những bữa tiệc buffet Chăm của Maily đã lan tỏa khắp cộng đồng. Người Chăm ở làng Chăm cũng tự tin nói tiếng Chăm, nấu món ăn truyền thống đãi khách phương xa.


Ngày hội văn hóa Chăm - Ninh Thuận vào dịp tết katê


01/09/2012


TT - Ban tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 vừa cho biết sẽ tổ chức ngày hội trong ba ngày, hai đêm (từ ngày 14 đến 16-10-2012) vào dịp tết Katê của đồng bào người Chăm.


image023

Làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc - Ảnh: T.TD


Ngày hội sẽ được tổ chức tại bốn địa điểm của tỉnh Ninh Thuận gồm: khu du lịch tháp Poklong Garai, sân vận động thôn Hữu Đức, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc. Ngày hội năm nay có sự tham gia của khá nhiều tỉnh thành có người Chăm sinh sống như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Đồng Nai... Ban tổ chức cho biết dự kiến ngày hội sẽ tổ chức ba năm một lần luân phiên giữa các tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. LINH ĐOAN


Phát hiện di tích Chăm có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 hoặc 5


11/07/2019


TTO - Theo chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, gạch và chất liệu gạch ở di tích tháp Chăm vừa khai quật tại tỉnh Phú Yên có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ 4 hoặc 5.


image025

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (đeo kính) thông tin với Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng (bìa phải) về kết quả bước đầu của đợt khai quật - Ảnh: AN NGUYÊN


Ngày 11-7, tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - trưởng phòng Khảo cổ học đô thị thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết những thông tin về kết quả khai quật di tích khảo cổ học Đồng Miễu thuộc khu phố Định Thọ 1 (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên).


Theo ông tiến sĩ Đông, sau 8 ngày khai quật, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Phú Yên đã phát hiện một kiến trúc đền thờ Chămpa.


image027

Một viên gạch Chăm được cho là có niên đại rất sớm khoảng thế kỷ thứ 4, thế kỷ thứ 5 - Ảnh: AN NGUYÊN


Các nhà khảo cổ đã phát hiện hiện vật thể hiện đây là đền thờ thần Shiva, một trong ba vị thần của đạo Bà La Môn mà người Chăm tôn thờ. Các kiến trúc xuất lộ với hình ảnh trang trí giật cấp, giật ra vào, giật chéo, giật vuông, xây úp chậu… trên đế tháp.


"Đặc biệt là xuất lộ loại gạch, chất liệu gạch mà ban đầu chúng tôi nhận định có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ 4, thứ 5. Ở miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận có rất nhiều di tích Chăm đã được phát hiện, nhưng chưa có kiến trúc nào còn gạch Chăm có niên đại từ thế kỷ 4, thế kỷ 5 còn tồn tại đến nay. Do đó, những phát hiện từ khai quật kiến trúc Chăm ở Đồng Miễu là vô cùng quý giá" ông Đông nói.


image029

Hiện vật phát hiện tại khai quật khảo cổ học Đồng Miễu - Ảnh: AN NGUYỄN


Ông Phan Đình Phùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cũng vừa đến hiện trường khai quật và ghi nhận các kết quả khảo cổ học được phát hiện tại đây.


Ông Phùng đề nghị đoàn khảo cổ ghi chép cụ thể về tư liệu, hiện vật và sớm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nhằm phục vụ nghiên cứu và bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích trong thời gian tới.


Phú Yên là nơi đã phát hiện nhiều di tích Chăm như tháp Nhạn, cảng Đà Diễn, thành Hồ…


image031

Khai quật di tích kiến trúc Chăm tại Đồng Miễu - Ảnh: AN NGUYỄN


Khảo sát kiến trúc cổ vừa phát hiện dưới tháp Chăm


16/10/2012


1 0 Lưu


TT - Sáng 15-10, Viện Khảo cổ Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tiến hành khảo sát hiện trường mặt bằng di tích tháp Pô Đam (còn gọi là Pô Tằm, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nhằm nghiên cứu về giá trị lịch sử của hai bức tường cổ chôn sâu dưới lòng đất vừa được phát hiện.


image033

Hai bức tường vừa được phát lộ dưới chân nhóm tháp Pô Đam - Ảnh: Khải Nguyên


Đầu tháng 10, trong quá trình thi công công trình bảo vệ tháp Pô Đam, các công nhân đã phát hiện hai bức tường dưới chân đế của tháp. Hai bức tường cổ nằm ở hướng đông, đoạn giữa nhóm tháp bắc và nhóm tháp nam, ở độ cao 37m so với mực nước biển. Mỗi tường cao 190cm, dày 65cm, khoảng cách trong lòng giữa hai tường là 246cm.


Trong lòng có nhiều lớp gạch được đặt bằng phẳng được cho là lối dẫn lên tháp. Ngay sau đó, Bảo tàng Bình Thuận đã cho đình chỉ thi công để tiến hành khảo sát kiến trúc khảo cổ học, phục vụ công tác nghiên cứu.


Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý - giám đốc Bảo tàng Bình Thuận - cho biết: "Hai bức tường này có niên đại nửa cuối thế kỷ thứ 8 cùng thời gian với nhóm tháp Pô Đam, có kiểu xây, chất kết dính và cách xây hoàn toàn giống như các nhóm tháp ở đây".


Theo tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ), việc phát hiện hệ thống tường gạch dẫn lên khu đền tháp Pô Đam giúp các nhà khoa học có một nhận thức mới về hệ thống tháp này trong tổng thể của những kiến trúc di tích Chăm. Trước hết, kiến trúc hiện còn một phần và tường dẫn lên cho thấy tháp đã đổ chính là tháp chính của nhóm đền tháp Pô Đam.


Trong hệ thống tháp Champa hiện còn ở miền Trung Việt Nam, Pô Đam này là nhóm tháp có niên đại sớm nhất. Do đó việc khai quật, khảo cổ toàn diện di tích này có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu kiến trúc Champa cổ.


KHẢI NGUYÊN


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


- Viếng lăng Tháp Chàm Pô Klông Garai Phan Rang


image035


Bổn báo Lý Kiến Trúc bên cạnh bức tranh mô tả "Cảnh sinh hoạt tế lễ của người Chăm" treo trong phòng bảo tàng khu tháp Chàm Pô Klông Phan Rang. Sep, 2016.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 622)
03 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1221)
13 Tháng Chín 2023(Xem: 861)