Hoàng Hải Thủy: "Chìm dưới biển dâu"

17 Tháng Hai 20198:28 CH(Xem: 6986)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ HAI 18 FEB 2019


Chìm dưới biển dâu


Posted on August 14, 2017 by hoanghaithuy


image039image040


THANH NAM. Ảnh ghi tại Sài Gòn năm 1970.


Mặc Thu. Thơ làm trong ngày tiễn Trần Dạ Từ sang Hoa Kỳ.


Ngươi đi bốn biển vui hò hẹn.
Ta ở đây chìm dưới biển dâu.
Thôi.. Ngươi đi nhé, đừng quay lại
Ta khóc đây, ngươi có biết đâu!


Khi làm bài thơ Tiễn Trần Dạ Từ sang Mỹ, Mặc Thu sống ở Sài Gòn. Khi Trần Dạ Từ và Nhã Ca đi chưa có chuyện HO, chưa có chuyện những sĩ quan, những công chức Việt Nam Cộng Hòa bị bọn Bắc Cộng bắt đi tù được chính phù Hoa Kỳ đưa sang sống ở Hoa Kỳ.  Vài năm sau ông Mặc Thu, có thời là sĩ quan, và gia đình ông đi HO sang Hoa Kỳ. Sống ở Cali, ông đưa tiễn Mai Thảo đến nghĩa trang, rồi vài năm sau nữa ông về sống ở Sài Gòn. Ông qua đời ở Sài Gòn.


Có ba ông văn nghệ sĩ sống ở Hoa Kỳ nhiều năm rồi bỏ Hoa Kỳ trở vế sống và chết ở Sài Gòn. Đó là các ông Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh, Tạ Tỵ.


Ông Lê Văn Vũ Bắc Tiến làm báo từ những năm 1950 ở Hà Nội. Ông là chồng bà Thu Nhi, nữ diễn viên đoàn Kim Chung. Năm 1954 bà Thu Nhi giải nghệ. Ông Lê Văn đi chui, sang sống ở San Diego, Cali. Khoảng năm 1980 ông bỏ Hoa Kỳ vế sống nghèo với vợ con ông trong căn nhà nhỏ dưới chân cầu Trương Minh Giảng. Ông qua đời ở dó.


Mặc Thu. Thơ làm ở Cali, Hoa Kỳ trong buổi tiễn biệt Mai Thảo.

image041

Sân ga một đám đứng chờ tầu,
Toàn bạn già xưa biết mặt nhau.
Tầu chật, có người lên được trước.
Chậm chân, kẻ đợi chuyến tầu sau. 


Một đi là chẳng quay đầu lại.
Áo trắng trên người đủ kín thân.
Ra đi giống thưở ai vừa đến,
Tầu suốt trăm năm chỉ một lần.


Sân ga thấp thoáng bóng người già
Họ sẵn sàng về cõi thật xa.
Hình như trong đám trông chờ ấy,
Có bạn thân tình, có cả ta.


Mời bạn đọc Thơ Nhã Ca làm ở Hoa Kỳ trong Tháng Tư 1999


Thơ giỗ đầu Nguyên Sa


Một mình, một ngựa ra vào
Trường văn, trận bút, trận nào cũng vui.
Nhớ anh, giấy mực bồi hồi,
Lại nghe chữ nghĩa một đời râm ran.
Nén nhang chung cháy đã gần
Câu thơ lục bát, đôi vần tử sinh


*


image042


Nguyên Sa


Nhớ anh xưa mũ đội đầu
Mũ Tây, mũ Mỹ, mũ Tầu, mũ Ta.
Mũ Tây Độc, mũ Đông Tà
Mũ Ông Thầy, mũ Chú Ba… cười cười.


Một mình một ngựa.. Ôi thôi..
Bao nhiêu là mũ rụng rời. Anh đi.
Mũ nan, mũ dạ, mũ ni..
Hôm nay Anh đội mũ gì quá quan?



Thơ Phùng Quán: Đêm Nghi Tàm đọc Thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe


Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích…
Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…
Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan…
Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng Già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!…
Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết…
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!…
Giật mình trên tay vợ
Bỗng nẩy một hạt sương
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.
Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi!…
Vụng về… tôi dỗ vợ:
”Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương…”
Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
Em ơi, nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ Lão biệt…
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn.
Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm… ngàn năm



đợi bạn


Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen


Thơ Mai Thảo. Tôi không phải là người bạn Mai Thảo mở cửa sẵn, để đèn sáng ở cầu thang, chờ đến vào lúc nửa đêm, song cũng có một lần tôi đến với Mai Thảo ở căn phòng ấy. Tôi đã lên cầu thang ấy, đi vào khung cửa ấy trong một ngày Tháng Chạp năm 1994 — những ngày như lá, tháng như mây. Thơ Thanh Nam — thời gian thấm thoắt đã 20 năm. Ngày ấy vợ chồng tôi đến Hoa Kỳ được một tháng, một số bạn tôi giúp phương tiện cho chúng tôi sang thăm Quận Cam, Cali, thủ đô của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ.


Tôi đến gập Mai Thảo trong căn phòng anh ngụ sau tiệm ăn Song Long. Cầu thang gỗ, phòng nhỏ, một bàn, một ghế, một giường. Cái giường — như giường nhà thương — chỉ nằm được một người. Tôi ăn bữa trưa hôm đó với Mai Thảo ở Song Long. Và đó là lần cuối cùng tôi gập mặt Mai Thảo.


Sáng mùa hạ nắng vàng ở Rừng Phong, tôi muốn viết về những bài thơ tứ tuyệt của Mai Thảo. Như bài “Đợi bạn” trên đây. Tôi vẫn kính mộ Thơ Đường Tứ Tuyệt, tôi vẫn nghĩ chẳng có người nước nào làm Thơ Tứ Tuyệt có thể so sánh với Thơ Đường Tứ Tuyệt, nhưng hôm nay tôi so sánh bài Tứ Tuyệt “Đợi bạn” của Mai Thảo với bài “Ước khách” của Triệu Sở Tú đời Đường.


Ước khách


Hoàng mai thời tiết gia gia vũ
Thanh thảo trì đường xứ xứ oa
Hữu ước bất lai qua dạ bán
Nhàn sao kỳ tử lạc đăng hoa


Thơ dịch của Nguyễn Bính


Khách hẹn


Ao hồ tiếng ếch gần xa
Mai vàng tiết lạnh nhà nhà hoa rơi
Nửa đêm cái hẹn qua rồi
Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn.


Cùng cảnh nửa đêm đợi bạn, Triệu Sở Tú đợi bạn ở đời Đường, Trung Hoa, cách nay hơn ngàn năm, Mai Thảo đợi bạn nửa đêm ở California, Hoa Kỳ, một đêm cuối Thế kỷ 20.


Đợi bạn làm tôi xúc động hơnƯớc khách.” Mỗi bài hay một cách riêng. Không thể nói bài nào hay hơn, nhưng tôi nghĩ tôi có thể nói bài thơ “Đợi bạncủa Mai Thảo hay ngang với bài thơ Ước khách” của Triệu Sở Tú.


Rất nhiều người viết tiểu thuyết tôi được quen biết trong thời trẻ tuổi của họ, thời họ mới viết, có làm thơ. Khi trở thành người viết tiểu thuyết chuyên nghiệp gần như tất cả những người này bỏ không làm thơ nữa. Tôi chắc Mai Thảo ở trong số người này. Anh chỉ làm thơ sau năm 1975.


Đây là trường hợp Vật bất đắc kỳ bình tắc minh.” Ngắn gọn là “Bất bình tắc minh — lời Hàn Dũ trong Bài tựa Tiễn Mạnh Đông Dã”


Trích Cổ Văn Trung Quốc, bài của Âu Dương Tu, Nguyễn Hiến Lê dịch.


Mọi vật hễ không được cái thế quân bình thì kêu lên. Cây cỏ không có tiếng, gió xáo động thì nó phát ra tiếng. Nước không có tiếng, gió trấn động thì nó phát ra tiếng; đập nó thì nó bắn vọt lên; ngăn nó thì nó chảy dồn lại; nấu nó thì nó sôi sùng sục. Kim, thạch không có tiếng, gõ nó thì nó phát ra tiếng. Người, xét về lời nói thì cũng vậy; có điều bất đắc dĩ rồi sau mới nói: ca đó là có điều nhớ nhung, khóc đó là có điều buồn thảm…


Ngưng trích.


Ngàn năm trước Âu Dương Tu viết: “Không phải thơ làm cho người ta khốn cùng, chính vì có khốn cùng rồi thơ mới hay.” Không hẳn là một định luật đúng trăm phần trăm nhưng thường là như vậy. Mai Thảo có danh văn sĩ ngay từ những năm 1955, 1956 với Đêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non, rồi chủ trương Tạp chí Sáng Tạo, viết và có sách xuất bản đều cho đến ngày 30 Tháng Tư 75. Rất có thể nếu không có Ngày 30 Tháng Tư 1975 và những đau thương do ngày đó gây ra, cuộc đời này đã không có bài thơ tứ tuyệt “Đợi bạn” của Mai Thảo.


Những tháng đầu sau khi Bắc Việt Cộng vào Sài Gòn, Mai Thảo gập Nhị Ca, một người bạn văn nghệ của anh năm xưa, nay là cán bộ văn nghệ quân đội Bắc Việt Cộng. Trong một cuộc gập ở nhà Duyên Anh, Nhị Ca nói với Mai Thảo:


— Trong những buổi nói chuyện về văn hóa, văn nghệ Sài Gòn tôi đều nghe họ kể tên ông đứng đầu nhóm văn nghệ sĩ phản động. Tôi sợ cho ông đấy.


Ba người tôi vừa nhắc đến tên: Mai Thảo, Duyên Anh, Nhị Ca nay đều không còn ở cõi đời này.


Sống lêu bêu suốt một năm trời trong thành phố cũ nay đầy cờ đỏ có lần Mai Thảo nói với tôi:


— Tao mà đến Mỹ được tao sẽ lên đài VOA tao nói tung hết. Đâu có thể để chúng nó quên nhân dân Việt Nam Cộng Hòa như thế này được.


Tháng Ba năm 1976 Cộng sản Hà Nội tung ra chiến dịch bắt tù những văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa; chiến dịch này nằm trong Tổng Chiến Dịch Dẹp Bỏ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Chính phủ Giải Phóng Miền Nam. Mai Thảo không có số ở tù nên bọn Công An Thành Hồ rất muốn bắt anh mà không bắt được anh. Anh trốn lánh từ Tháng Ba 1976 đến khoảng Tháng Tư, Tháng Năm 1978 — hơn kém hai năm sống lẩn trốn và bị Công An Việt Cộng lùng bắt gắt gao ở giữa lòng Sài Gòn — anh mới vượt biên đi thoát.


Trong tập “Ta thấy hình ta những miếu đền” không thấy có bài thơ nào Mai Thảo làm ở Sài Gòn trong suốt ba năm trời thần kinh căng thẳng ấy, toàn là thơ làm trên đất Mỹ.


Bờ cõi khởi đầu


Sau những phố xá chập chùng tới những ngã ba nghìn phương. Sau những ngã ba viễn phương tới những tàng cây lục lục…


Tả cảnh trời đất Mỹ :


Trên loài người cách biệt:


Phi cơ bay qua Hồ Lớn Michigan. Tám ngàn trên mặt biển. Phi cơ bay qua mõm biển Long Island..” Thơ Mai Thảo chỉ nói đến hiện tại, không vương vấn nhiều quá khứ. Cũng có nhưng chỉ thấp thoáng quê hương và mơ hồ thương nhớ như trong bài:


năm thứ mười


Nhánh hương thắp nửa này trái đất
Bay đêm ngày về nửa bên kia
Nửa đường hương gẫy trên nghìn biển
Rụng xuống mười xuân đã đứt lìa


cành


Cành đứt lìa mong ngày ghép lại
Vào thân hồng thủy ở rừng xa
Mười lăm năm chỉ niềm mong ấy
Cháy bỏng trên từng đốt ngón ta.


Tôi thấy mấy bài thơ tứ tuyệt của Mai Thảo đúng là tuyệt:


không tiếng


Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy


trừ tịch


Bước một mình qua ngưỡng cửa năm
Nhân gian tịch tịch tiếng mưa thầm
Chợt đâu vẳng tiếng gà lai kiếp
Báo vẫn đêm dầy ở cõi âm


*


Thiên nhai phương thán dị hương thân
Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân
Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt
Túy tinh hà xứ các chiêm cân.


Thơ tứ tuyệt “Đông Dương tửu gia tặng biệt” của Vy Trang.


Tặng Thơ giã biệt ở Quán rượu Đông Dương.


Đang than thân sống nơi chân trời, đất lạ
Lại hướng về chân trời từ biệt bạn cũ
Sáng mai canh năm vừng trăng cô đơn chiếu trên quán trọ
Tỉnh say ai cũng khóc nước mắt ướt khăn.


…..


Chân trời xứ lạ ngậm ngùi thân
Lại ở chân trời biệt cố nhân
Sớm mai quán lẻ trăng soi lạnh
Tỉnh say ai cũng lệ đầm khăn


Cao Thích “Biệt Đổng Đại“:


Thập lý hoàng vân bạch nhật huân
Bắc phong suy nhạn, tuyết phân phân
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ hà nhân bất thức quân ?


…..


Mây vàng trải xa mười dặm, ngày sáng đẹp
Gió bắc thổi nhạn bay, tuyết rơi tơi tả
Đừng sầu nơi đi tới không có người tri kỷ
Thiên hạ ai là người chẳng biết anh.


…..


Mười dặm mây vàng, trời đã xanh
Nhạn bay gió bắc, tuyết rơi nhanh
Thôi sầu đường tới không tri kỷ
Thiên hạ ai người chẳng biết anh.


Thi sĩ đời Đường tiễn biệt nhau nơi chân trời, nơi xứ lạ, nhưng dù là chân trời, dù là xứ lạ thì cái chân trời, cái xứ lạ ấy vẫn ở trong đất nước Trung Hoa của họ. Một ngàn năm sau thời Đường, những thi sĩ Việt Nam tiễn nhau ở những chân trời, những quê người ở một đất nước xa sôi mãi bên kia biển, bên kia trái đất.


Thanh Nam Trần Đại Việt, sinh ở Hà Nội, sống ở Sài Gòn, Việt Nam, chết ở Seattle, Hoa Kỳ, trong cuộc lưu lạc tha hương làm thơ tiễn bạn một đêm ở Seattle:


Uống say mai sớm bạn lên đường
Thân lại nương nhờ chốn viễn phương
Trăm hận nghìn đau nào sánh nổi
Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương !


…..


Hãy uống cho say trời sắp sáng
Mai này hai đứa đã hai phương
Rồi đây hiu hắt thân bèo dạt
Trôi nổi quê người ai nhớ thương


Bài thơ dài 42 câu, trên đây tôi trích tám câu: bốn câu đầu, bốn câu cuối. Và đây là nguyên bài thơ:


Khúc ngâm trên đất tạm dung


Uống say mai sớm bạn lên đường
Thân lại nương nhờ chốn viễn phương
Trăm hận nghìn đau nào sánh nổi
Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương
Ta như giông bão tan rồi hợp
Trôi dạt còn hơn sóng đại dương


“..Lận đận bên trời chung một lứa..”
Say càng chua xót, tỉnh càng thương
Tháng năm xa mãi thời hoa mộng
Râu tóc thêm gần với tuyết sương
Trên đất tạm dung, đời tạm trú


Còn gì ngoài mối hận mênh mang…
Tuổi già ví tựa thân tơ mỏng
Cuộc sống trăm cơn gió bạo cuồng !
Ôi bạn, ôi ta, chiều đã xế
Phù sinh thương mình ly rượu xuông.
Uống đi, uống cạn cơn cuồng nộ
Rót hết cho nhau những bẽ bàng…


…..


Rót hết cho nhau những bẽ bàng
Những buồn cơm áo, nhục tha hương
Bốn năm đã thấm trò dâu biển
Một cõi lưu đầy rộn nhiễu nhương
Ác mộng không rời người biệt xứ
Quê xa còn ngút lửa hung tàn
Đi đâu hoặc có về đâu nữa
Cũng gái phong trần, trai gió sương


Thân ái nghìn trùng ..Ôi bạn hữu..
Uống cùng ta nhé rượu bi thương !
Ngục tù bỗng hiện qua màn lệ
Đêm tối nào như thưở hỗn mang
Dằn chén, lòng đau, thương tích rợn
Gào trên da thịt xích siềng vang
Bàn tay bất lực che ngang mặt
Người ơi, người ôi, sao đoạn trường…


…..


Chim bỏ trời xanh đau cánh gẫy
Ngựa lìa chiến địa nhớ yên cương
Mượn men tủi hận làm phong vũ
Mơ thửơ đầu xanh dựng tuổi vàng.


…..


Hãy uống cho say, trời sắp sáng
Mai này hai đứa đã hai phương
Rồi đây hiu hắt thân bèo dạt
Trôi nổi quê người ai nhớ thương ?


Thấm quá Thanh Nam ơi. Vì mày đã chết nên khi viết những dòng này tao định gọi mày là “bạn,” xưng “tôi,” nhưng tao nghĩ: lúc mình sống mình thân mật mày tao, tại sao khi mình chết mình lại gọi nhau là “anh toi”? Bây giờ tao gọi mày là “bạn” cũng được thôi nhưng tại sao mình lại phải đổi cách xưng hô sang “bạn bạn, tôi tôi” chỉ vì một thằng đã chết, một thằng còn sống ? Ngày gập lại nhau mình sẽ mày tao mà !


Mày làm những lời thơ này năm 1979 — Năm 1979 tao đang nằm trong Nhà Giam số 4 Phan đăng Lưu. Chiều nay mày đã về trong đất mười sáu năm, tao đọc thơ mày mà cảm khái, tưởng nhớ mày, thấy hiển hiện hình ảnh mày, tay cầm ly rượu, đứng cũng rung đùi; nhớ những lần chúng mình cùng Trịnh Viết Thành lên Quang Minh Đỉnh, những đêm mưa mình ngồi uống bia 33 ở cái quán bên Chợ Đũi… Sài Gòn… Ngày xưa..


Trịnh Viết Thành đi tù hơn mười năm, từ trại Lao Cải Xuyên Mộc mang thân tàn trở về nhà in Nam Sơn đường Nguyễn An Ninh, đã chết năm 1991.


Thanh Nam ơi.. Thơ mày thât hay, thật thơ, làm tao cảm động. Ôi… Những buồn cơm áo, nhục tha hương. Mày đi trước 30 Tháng Tư 1975, mày còn may mắn, ít nhất cũng may mắn hơn tao. Đi thoát hay kẹt lại chúng mình cùng chung cái nhục bại trận, nhục bỏ chạy, nhục đầu hàng. Tao kẹt lại tao chịu cái nhục cúi mặt trước kẻ thù, và sau mày đến hai mươi mùa lá rụng tao theo mày chịu cái nhục tha hương. Ở xứ người bốn năm mày thấm trò dâu biển, hôm nay tao đã ở xứ người bẩy năm!


Mời bạn cùng tôi đọc Thơ Tứ Tuyệt của Thanh Nam:


Mộng cũ


Nửa khuya nghe động tiếng mưa buồn
Mái lạnh hiên người giọt giọt tuôn
Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng
Dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn.


Thanh Nam thường làm những bài thơ dài. Hai bài thơ nổi tiếng nhất của anh là hai bài Hành: Bài Hành đón tuổi Bốn Mười — làm năm 1970 ở Sài Gòn — và bài Thơ Xuân Đất Khách — làm năm 1977 ở Seattle, Hoa kỳ. Thời gian sống ở Sài Gòn tôi có được đọc Thơ Xuân Đất Khách nhưng không trọn bài. Hai muơi năm sau bánh xe tị nạn đến Mỹ Quốc tôi mới có tâp Thơ Xuân Đất Khách của Thanh Nam. Trong tập chỉ có ba bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Tôi vừa kể một bài, tôi sắp kểø bài thứ hai. Tôi không biết bạn có cảm nghĩ gì, tôi thấy Thơ Tứ Tuyệt của Thanh Nam, như Thơ Tứ Tuyệt của Mai Thảo, thật tuyệt:


Thư nhà


Tuyết đổ dầy thêm, đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà giọt lệ tuôn.

19 Tháng Hai 2024(Xem: 181)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 417)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 358)