Francoise Sagan và "Bonjour Tristesse”

14 Tháng Tám 20177:02 CH(Xem: 7925)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ  BA 15  AUGUST  2017


Francoise Sagan và "Bonjour Tristesse”


image009


Buồn ơi ! Vĩnh biệt !


Buồn ơi ! Xin chào !


Tên mi viết ở trần cao,


Viết trong đôi mắt dạt dào ta yêu.


Mi đâu hẳn nỗi khốn nghèo,


Khi môi cằn ấy cố trêu nụ cười….


Adieu tristesse !


Bonjour tristesse !


Tu es inscrite dans les lignes du plafond,


Tu es inscrite dans les yeux que j’aime.


Tu n’es pas tout à fait la misère


Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent


Par un sourire…


Paul Eluard


(La vie immédiate).



Một buổi sáng tháng giêng năm 1954, một cô gái e lệ bước vào căn nhà mang số 30 đường Đại học – trụ sở của Nhà xuất bản Julliard – leo lên lầu một, men sát bờ tường, tới trao tập bản thảo vào tay cô Musy, người thư ký có nhiệm vụ nhận các bản thảo.


Cô thiếu nữ rất ít nói, gần như bỏ đi ngay sau khi hỏi xem trong bao lâu nữa thì nhận được hồi âm.


– Chừng một tháng. Cô Musy trả lời.


Tập bản thảo đánh máy, có nhan đề “Bonjour Tristesse” (Buồn ơi, chào nhé!).


Ngay chiều hôm đó, cùng với mấy tập bản thảo khác, bản thảo của cô gái được đặt trên bàn của viên giám đốc văn học. Ông này nhìn phớt qua các tập bản thảo, tới tập bản thảo của Françoise Sagan, với ghi chú số tuổi 19 khiến ông tò mò. Ông đọc qua mấy dòng, cảm thấy bàng hoàng vì giọng văn mới lạ nên giao tập bản thảo cho nhân viên cao niên nhất và được tôn trọng nhất trong ban Tuyển đọc là ông François Le Grix năm ấy đã 80 tuổi.

Bảy ngày sau – ngày 12-1-1954 – cụ Le Grix chuyển tới ban Tuyển đọc một bản tường trình rất nhiệt thành. Chiều hôm đó, ông chủ Nhà xuất bản, Renée Julliard, đang dự tiệc tại nhà ông Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, được tin, vội cáo lỗi với chủ nhân là phải về sớm và giải thích :

– Dường như người ta đã khám phá ra loài chim hiếm. Tôi phải về đọc bản thảo ngay đêm nay.

Bảy giờ sáng hôm sau, ông đã đọc xong, chú dẫn, chấp thuận và cho gửi một bức điện khẩn mời Sagan tới. Ba ngày sau, hợp đồng xuất bản được ký kết, không phải với tác giả vì cô còn là gái vị thành niên, mà ký với người cha, đại diện cho cô.

Nhà xuất bản Plon – nơi mà F. Sagan cũng có gửi một bản thảo cuốn sách ấy – tiếc hùi hụi vì chậm hơn Nhà xuất bản Julliard một bước, dù ban Tuyển chọn đã làm một bản tường trình nhiệt liệt tán thành việc in tác phẩm ấy.

Françoise Sagan sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935 ở Cajarc (Pháp) với tên Françoise Quoirez, nhưng lấy bút hiệu Sagan, một nhân vật của Marcel Proust trong tác phẩm “À la recherche du temps perdu” (Đi tìm thời gian đã mất), một tác phẩm nổi tiếng và được xếp vào lọai những tác phẩm hay nhất thế giới. Sagan rất ái mộ tác giả này.

Françoise Sagan bất ngờ bước vào lĩnh vực văn học làm sững sờ thế giới. Đã từ lâu, ở Pháp không có cuốn tiểu thuyết nào được mọi tầng lớp – nhất là giới trẻ – hâm mộ và yêu chuộng đến thế.

Sagan viết xong cuốn “Bonjour tristesse” trong vòng bảy tuần lễ, đánh máy bản thảo bằng hai ngón trong quán cà phê. Tháng 3 năm 1954, cuốn “Bonjour Tristesse” chào đời, buộc dải băng mang dòng chữ “Quỷ trong tim” (Diable au Cœur) (2), tức khắc trở thành một trong những best-seller sau chiến tranh: tháng 5-1954 bán được 8000 cuốn, 45.000 cuốn tháng 9, 100.000 cuốn tháng 10, 200.000 cuốn tháng 12 (1954). Năm năm sau, “Bonjour tristesse” đã bán được 4 triệu cuốn trên khắp thế giới (tại Mỹ 1 triệu cuốn).

Sagan chưa kịp ước mơ, vinh quang đã ào đến. Tháng 5 được giải Critique, và quyển tiểu thuyết chưa tới 200 trang này được dịch ra 22 thứ tiếng. Ở Việt Nam, Nguyễn Vỹ là người đầu tiên dịch cuốn này năm 1959.

Sagan kể trong Bonjour Tristesse:


 Năm đó tôi, Cécile, mười bảy tuổi, hoàn toàn sung sướng vì sống trong một gia đình khá giả. Bố tôi, Raymond, 40 tuổi, góa vợ từ 15 năm trước, có người tình là Elsa, bên cạnh là Anne – bạn người mẹ quá cố của tôi – rất đoan trang, đứng đắn. Tôi tình cờ gặp Cyril, một thanh niên đẹp trai khỏe mạnh trong một lần đi tắm biển, tôi rất yêu chàng và chàng cũng yêu tôi. Tôi sống rất phóng khoáng, tự do, không chịu được Anne muốn hướng dẫn mình vào con đường nghiêm chỉnh. Tôi biết bố muốn tính chuyện trăm năm với Anne nên tìm cách phá đám. Tôi xếp đặt để cho Anne thấy bố đang âu yếm Elsa. Anne thất vọng, phóng xe như điên và rơi xuống vực sâu 50 mét. Từ đó, tôi bắt đầu biết buồn….” và Sagan bắt đầu nổi lọan (3).

Năm 12 tuổi (1947), Sagan vào học trường dòng Couvent des Oiseaux, nhưng sau đó bị đuổi học vì nàng sống rất phóng túng, không chịu ép mình theo kỷ luật nhà trường, còn nhà trường thì cho rằng nàng thiếu tâm linh, không thể theo học lâu dài được.


Năm 1950, nàng bỏ ra cả năm trời để thưởng thức nhạc Jazz ờ Saint Germain des Prés, có lẽ vì thế mà năm 1951 nàng thi hỏng tú tài. Sau đó nàng ghi tên học văn chương ở Sorbonne nhưng rồi cũng bỏ dở dang.

Sagan yêu văn chương từ nhỏ, khi còn ở lứa tuổi vị thành niên nàng đã say mê đọc André Gide, Marcel Proust, Rimbaud rồi Camus, Sartre, Stendhal, Faulkner… và biết rằng con đường mình phải theo là con đường văn nghiệp.

Năm 1954, cuốn Bonjour Tristesse ra đời là một quả bom nổ giữa bầu trời văn học Pháp, gây chấn động cả làng văn nước Pháp, mà tác giả của nó lại là một cô gái nổi loạn ở tuổi 19 nên rất được độc giả hâm mộ và yêu chuộng. Năm 1954 cũng là năm nước Pháp mỏi mệt vì hai cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Algérie, nhất là sau cuộc thảm bại ở Điện Biên Phủ nên thanh niên Pháp có tâm trạng chán chường, sống buông thả, luôn cảm thấy cô đơn và thất bại cay đắng trong tình trường. Trong khi đó, các nhân vật của Sagan lại bất chấp luân lý, lao vào những cuộc tình ngẫu nhiên để tìm một chỗ dựa – dù là tạm thời – cho tâm hồn đã quá ê chề mỏi mệt. Cuốn sách ra đời đúng lúc nên nhanh chóng trở thành best-seller cũng không phải là chuyện lạ.

Văn Sagan giản dị, dễ hiểu, thẳng thắn, bóng bẩy, không trau chuốt, chuyển tải mạnh mẽ rung cảm của tác giả sang độc giả. Cốt truyện chặt chẽ, các lớp lang nối tiếp nhau rất tự nhiên như sự thật vốn có. Tác giả không cố công tìm tòi cái mới mẻ, chỉ viết theo dòng cảm xúc tuôn trào nên hấp dẫn được người đọc.

Ông Serge Gavronsky, giáo sư dạy môn văn học Pháp tại đại học Barnard cho rằng “Buồn ơi, xin chào!” đã chuyển tải được sự nổi loạn và tính hoài nghi, yếm thế của rất nhiều người trong tầng lớp tư sản Pháp thời ấy.

Nhà văn François Mauriac (1885-1970), Viện Sĩ Viện Hàn lâm Pháp (1933), giải Nobel văn chương 1952 gọi Sagan là “tiểu quỉ duyên dáng” và Emile Henriot (1889-1961), Viện Sĩ Viện Hàn lâm Pháp (1945) gọi quyển “Buồn ơi, xin chào!” là “kiệt tác nhỏ vô sỉ, tàn ác”.

Ngoài giải Critique năm 1954, năm 1985 Sagan được giải Prince-Pierre-de-Monaco cho toàn bộ tác phẩm của mình.


Cuộc sống của Sagan rất phóng túng. Để trốn tránh nỗi buồn, bà lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, yêu cuồng sống vội, thức đêm cờ bạc, rượu và ma túy. Vì thế mà số nhuận bút khổng lồ chẳng bao lâu không còn một xu dính túi.

Sagan rất liều lĩnh, yêu xe thể thao, thường cùng một số bạn bè phóng xe như điên nên suýt chết nhiều lần, nhất là năm 1957. Mặc dù vậy, bà vẫn không chừa.

Vì lối sống phóng đãng, tiêu tiền như rác nên nhiều lúc Sagan đảo điên vì túng bấn. Bà có một ngôi nhà ở gần Biển Bắc, mua bằng tiền được bạc 80.000 quan nhưng rồi cuối cùng cũng phải bán vì túng thiếu. Bà thiếu thuế của nhà nước, bị phạt một năm tù treo. Bạn bè và kẻ ái mộ phản đối, cho rằng Sagan thiếu tiền nhà nước, nhưng nhà nước thiếu Sagan nhiều hơn thế nữa. Ngay cả diễn viên nổi tiếng Isabelle Adjani cũng đã kêu gọi chính phủ Pháp phải xem bà như một báu vật quốc gia và phải để tên tuổi ấy nằm ngoài sự dính líu với thuế vụ.

Về đời tư, Sagan có hai đời chồng. Lần thứ nhất, năm 23 tuổi (1958) bà kết duyên với Guy Schoeller lớn hơn bà 20 tuổi, hai năm sau ly dị. Lần thứ hai, năm 27 tuổi (1962) bà lấy Robert Westhoff, điêu khắc gia người Mỹ và có với ông này một đứa con trai tên Denis. Một năm sau ly dị, từ đó bà sống độc thân cho đến chết, tuy hãy còn rất trẻ và có hàng tá nhân tình.


Bạn bè của Sagan phần lớn là những người tên tuổi như nhà văn Jean Paul Sartre (tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: La nausée, Les chemins de la Liberté, minh tinh màn bạc Brigitte Bardot và nhất là người mê sách François Mitterrand sau này trở thành Tổng Thống Pháp. Theo Sagan thì F. Mitterrand là người bạn thông minh, lý tưởng và duyên dáng. Tình cảm giữa hai người rất thắm thiết vì có sự đồng cảm sâu sắc về cách cảm nhận cuộc sống.

Ngày 24 tháng 9 năm 2004, Françoise Sagan qua đời vì suy tim và nghẹt đường hô hấp, thọ 69 tuổi. Bà được an táng tại một nghĩa trang nhỏ gần nơi sinh trưởng. Rất đông bạn bè, người hâm mộ và nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền đưa tiễn, tỏ lời ca ngợi và tiếc thương. 


Nữ tài tử điện ảnh Brigitte Bardot mỉa mai: “Vậy mà khi Sagan sống trong khó khăn thì chẳng ai cục cựa ngón tay giúp đỡ”.


Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã nói về bà: “Nước Pháp vừa mất đi một trong những văn sĩ tài năng có sức ảnh hưởng nhất, một nhân vật xuất chúng của đời sống văn học”.

Françoise Sagan mất đi nhưng hình ảnh bà vẫn còn in sâu trong lòng những người ái mộ. Tác phẩm của bà đã đi sâu vào lòng người vì bao giờ cũng thể hiện sự khao khát tình yêu mãnh liệt cùng nhữn g hoài nghi về cuộc sống quanh mình.

Sách của Sagan vào Việt Nam được giới trẻ thời ấy đón chào nồng nhiệt vì họ yêu bầu không khí cực kỳ mới mẻ trong sách và tinh thần tự do của Cécile (nhân vật trong Bonjour Tristesse). Họ ước ao được sống tự do thoải mái như Cécile vì lúc ấy chiến tranh còn đang tiếp diễn.

Với gần 50 tác phẩm để lại cho đời, trong đó nhiều tác phẩm rất có giá trị, Françoise Sagan đáng có một chỗ đứng xứng đáng trong nền văn học Pháp cũng như thế giới./


HUYỀN VIÊM


(Fr. Mai Nguyen)

19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)