Tác giả ‘To Kill a Mockingbird’ qua đời

23 Tháng Hai 201611:53 CH(Xem: 9380)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 24 FEB  2016

image091

Tác giả ‘To Kill a Mockingbird’ qua đời

image094

Bà Harper Lee, tác giả cuốn sách đoạt giải Pulitzer To Kill a Mockingbird.

Harper Lee, tác giả cuốn sách đoạt giải Pulitzer To Kill a Mockingbird, qua đời hôm thứ Sáu, thọ 89 tuổi, tại thành phố Monroeville bang Alabama.

Một thông cáo từ Tonja Carter, luật sư của bà Lee, cho biết bà "qua đời sáng sớm hôm nay trong giấc ngủ" và rằng việc bà qua đời không bất ngờ.

Nhà xuất bản của bà, HarperCollins, cũng xác nhận bà qua đời hôm thứ Sáu nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác cho biết bà qua đời như thế nào.

"Thế giới biết Harper Lee là một nhà văn xuất sắc nhưng điều mà nhiều người không biết là bà ấy là một người phụ nữ phi thường tràn ngập niềm vui, sự khiêm cung và nhân hậu," Michael Morrison, tổng phụ trách mảng sách thường thức ở Mỹ của nhà xuất bản HarperCollins, nói trong thông cáo. "Bà ấy đã sống cuộc đời theo cách mà bà ấy muốn - trong sự riêng tư - được vây quanh bởi những cuốn sách và những người yêu quý bà ấy.''

Bị đột quỵ

Bà Lee sinh ra ở Monroeville và sống nhiều năm ở Thành phố New York. Nhưng sau khi bị đột quỵ vào năm 2007, bà dọn về thành phố quê nhà, theo website này. Trước khi qua đời bà sống trong một cơ sở hỗ trợ sinh hoạt dành cho người cao tuổi.

Bà Lee là một người rất kín đáo và hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Tuy nhiên, bà đến Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 năm 2007 để nhận Huân chương Tự do của Tổng thống George W. Bush, người gọi cuốn sách của bà là "món quà tặng cho cả thế giới."

Bà cũng thường xuyên tham dự bữa tiệc trưa hàng năm tại Đại học Alabama để gặp gỡ những người chiến thắng trong cuộc thi viết tiểu luận cấp trung học về chủ đề cuốn sách của bà.

Tang lễ

Tang lễ có tính cách riêng tư sẽ được tổ chức trong vài ngày, thông cáo từ gia đình của bà cho biết.

To Kill a Mockingbird, cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1960 của bà về nạn kì thị chủng tộc và bất công ở miền nam nước Mỹ, được chuyển thể thành bộ phim đoạt giải Oscar năm 1962. Diễn viên Gregory Peck đóng vai luật sư Atticus Finch giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Giải kịch bản chuyển thể được trao cho nhà biên kịch Horton Foote.

Mockingbird sẽ được dựng thành kịch trên sân khấu Broadway lần đầu tiên cho mùa 2017-18, nhà sản xuất Scott Rudin nói với hãng tin Reuters hồi gần đây.

Dù đã được dựng thành kịch tại nhiều thành phố ở Mỹ và ở London, đây sẽ là lần đầu tiên Mockingbird xuất hiện trên sân khấu Broadway.

Năm ngoái, cuốn tiểu thuyết mới bất ngờ của bà, Go Set a Watchman, trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử của nhà xuất bản HarperCollins. Phát hành cuốn sách vào ngày 14 tháng 7, nhà xuất bản báo cáo hơn 1,1 triệu bản đã được bán ra ở Bắc Mỹ trong tuần đầu tiên.

Watchman, được viết vào năm 1950, là bản thảo đầu tiên của Mockingbird và có nhiều nhân vật cùng trong tác phẩm này.

HarperCollins cho biết, tính đến năm 2015, To Kill a Mockingbird đã bán được hơn 40 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những cuốn sách được nhiều người đọc nhất của thế kỷ 20.

Trong một cuộc khảo sát năm 1991 của Thư viện Quốc hội tìm hiểu những cuốn sách có ảnh hưởng đến đời sống con người, To Kill a Mockingbird đứng thứ hai chỉ sau Kinh Thánh./

Harper Lee và bài ca của con chim nhại

Lan Phương BBC Tiếng Việt từ Bangkok

  • BBC 22/2/16 1 giờ trước
image096Image copyright Getty Image caption Tác giả Harper Lee qua đời

Harper Lee mất ngày 19/2 năm nay, như thể “con chim nhại” đã một lần ngưng tiếng, báo hiệu thế giới mất đi một nhà văn lớn.

Nhưng với những độc giả trẻ ở Việt Nam như tôi, khi lớn lên, trong tay cầm quyển quyển sách với hình một chú chim nhỏ, đã hiểu rằng con chim nhại ấy sẽ không bao giờ ngừng hót trong tâm trí mình.

Harper Lee chỉ xuất bản một quyển cho cả đời viết, tên “Giết con chim nhại”, và mãi đến tháng 7/2015 bà mới xuất bản một quyển thứ hai “Go set a watchmen” – đã viết từ năm 1950.

Câu chuyện của “con chim nhại” kể về cô bé Scout và anh trai Jem với bố Atticus ở thị trấn Maycomb, Alabama, Hoa Kỳ vào những năm 1930.

Cả quyển truyện là những mùa hè và đi học của cô bé Scout, anh trai Jem của em, thằng bạn Dill mỗi mùa hè đến một lần. Thế giới của ba đứa trẻ tương phản và chạm vào người lớn xung quanh chúng, với bố, chú, cô Maudie, hàng xóm bí ẩn Boo Radley, với cô giáo ở trường tên Caroline.

Trong đối thoại mỗi ngày, bé Scout hỏi bố Atticus về những điều mới mẻ quanh cô bé. Tại sao hàng xóm Boo Radley không bao giờ ra mặt, tại sao cô giáo lại bắt Scout không được học đọc trước ở nhà, tại sao Scout phải “thỏa hiệp”, không đánh bạn nữa.

image097

Image copyright Getty Image caption Tác phẩm thứ hai của bà "Go set a watchman" ra đời hơn 50 năm sau quyển đầu tiên

Trong suốt quyển truyện, người đọc sống trong thế giới luôn lưỡng lự của một đứa trẻ, giữa chọn lựa điều gì là xấu, hay tốt, người xung quanh làm gì, và các con phải đối xử ra sao với họ.

Bố Atticus, một nhân vật được cho là tác giả Harper Lee đã lấy nguyên gốc từ hình ảnh người cha luật sư của bà, không cố gắng làm màu cuộc sống bằng vẻ tươi đẹp, trong sáng giả tạo mà các bố mẹ vẫn hay cố giữ gìn cho con cái mình.

Thay vì vậy, ông thảo luận với bọn trẻ, ông đưa ra các cam kết, nhắc lại việc chúng hứa, và chính ông cũng làm gương với lời hứa của mình.

Cuộc sống của nhà Atticus không giàu có, mẹ lại mất sớm, nhưng bố Atticus đã từng bước dạy bọn trẻ trưởng thành hơn bởi những giải thích và trách nhiệm ông dành cho bé Scout và anh trai Jem.

Khi bé Scout muốn trốn học vì liên tục bị cô giáo Caroline phạt và nói bố dạy sai, bố Atticus đã giải thích: “Nếu con học được một cách thức đơn giản, Scout, con sẽ sinh hoạt thoải mái hơn nhiều với đủ loại người. Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó…”

Vấn đề mà bố Atticus phải đối mặt mỗi ngày cũng phức tạp y hệt những ông bố bình thường khác. Con trai lớn cứng đầu, gây hấn với hàng xóm, bé Scout muốn trốn học, đánh nhau với bạn, có những câu hỏi không bao giờ dứt. Nhưng dần dần, đi theo cuộc phiêu lưu, người ta nhận ra Scout đã dùng chính cái lăng kính trong veo của nó, lắp thêm những lời nói của bố Atticus, tạo hình thành thế giới vừa thẳng thắn lại thật nhiều rắc rối, không thua gì người lớn.

'Lương tâm con người'

Khi bố Atticus nhận lời làm luật sư cho một người da đen tên Tom Robinson, trong vụ án anh bị cáo buộc cưỡng hiếp con gái nhà Ewell, Scout và Jem đã phải hứng biết bao những lời ác ‎ về việc bố là một luật sư “yêu bọn mọi đen”.

Cuộc sống của bố con họ trở nên ngột ngạt, và cũng ở đây, bố Atticus đã chia sẻ với Scout chọn lựa của ông khi chống lại xung quanh để bảo vệ một người da đen bị phân biệt trong cộng đồng. Ông nói: “Nhưng trước khi bố sống được với người khác bố phải sống với

chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.”

“Giết con chim nhại” là một cuộc phiêu lưu của tâm hồn trong sáng, nơi người đọc đi qua những tổn thương bé mọn trong đời sống. Ở đó, người lớn làm tổn thương trẻ con vì lời nói dối, cười nhạo nhau gây buồn rầu, hoặc chỉ muốn dùng lời ác khiến nhau bẽ mặt. Những xung động nhỏ nhặt ấy tích tụ để trở thành một vết thương lớn, khi cả cộng đồng sẵn sàng đẩy một người da đen vào chỗ chết – chỉ vì anh ta da đen.

Nhưng giữa bao điều trái ngang xảy ra ở thị trấn nhỏ có thể khiến tâm hồn đứa trẻ bị đau, Harper Lee đã không ngừng nhắc nhở: “Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên nhữngbẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”

image091

Image copyright Getty Image caption Bà được trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ

Harper Lee đã tạo hình những con người với đầy đủ sắc màu sáng tối. Một người phụ nữ đã xúc phạm bố Atticus hóa ra đã là một phụ nữ khốn khổ sắp qua đời và đáng tôn trọng. Một ông Cunningham thô lỗ nghèo rớt mồng tơi hóa ra lại là một người tự trọng luôn trả nợ bằng tất cả khả năng mình có. Một “bóng ma” Boo Radley đáng sợ hóa ra lại là người dịu dàng đã lén lút cho bọn trẻ từng món quà tuổi thơ. Tất cả người lớn có thể ngập tràn sự đáng ghét khiến bọn trẻ gầm gừ, nhưng đàng sau đó, chúng sẽ luôn được bố chỉ cho thấy họ đã đàng hoàng, dũng cảm và lương thiện ra sao.

Harper Lee viết trong một câu thoại của bố Atticus: “Khi trẻ con hỏi chú điều gì thì hãy trả lời nói, vì thiện ý. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn, và sự lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối.”

Câu chuyện “giết con chim nhại” dựng lên một thế giới thực thô ráp không giấu diếm trước mắt trẻ con. Ở đó có đầy đủ người lớn tàn bạo, các giấc mơ bị đánh mất, cả tổn thương đến mức Scout bật khóc hay anh trai Jem bị đánh gãy tay.

Nhưng ở đó, người ta sẽ không bao giờ ngừng tin vào lòng lương thiện ẩn trong từng góc con người. Sự dũng cảm chỉ là một điều ta phải làm vì điều lương tâm ta tin là đúng, hay chỉ là một sự bình tĩnh để nhìn nhận mọi góc độ tỏa ra từ hành động của người đối diện.

Với Harper Lee, con người có mọi lý do để hét vào mặt nhau, để hù dọa, để khác biệt, để làm tổn thương nhau, đúng như cái cách bé Scout nhìn thấy người xung quanh đối xử với bố mình và với ông người da đen bị kết án.

Nhưng cũng ở đó, bà đau đáu khôn nguôi về lời nhắc nhở “giết một con chim nhại là tội lỗi”.

Bà đã thả một con chim nhại vào tim của người đọc, để nó trong veo hót mãi trong cuộc đời bất trắc và bí ẩn này.

Tạm biệt bà, dù sao thì con chim nhại vẫn hót.

21 Tháng Mười 2024(Xem: 453)