Trần Thùy Mai: Tiểu thuyết lịch sử ‘Công Chúa Đồng Xuân’- Chương 60 tới hết

06 Tháng Ba 20257:33 SA(Xem: 325)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC-VĂN CHƯƠNG - THỨ NĂM 06 MAR 2025

Trần Thùy Mai: Tiểu thuyết lịch sử ‘Công Chúa Đồng Xuân’- Chương 60 tới hết

image003

Nhà văn Trần Thùy Mai

 

Lời tác giả

Thời kỳ tự chủ của triều Nguyễn mở ra và đóng lại với hai vụ án rúng động:  vụ đầu triều với cái án của Hoàng tôn Mỹ Đường và mẹ ruột là Vương phi họ Tống; vụ thứ hai xảy ra vào buổi kết thúc, chính là vụ án của Công chúa Đồng Xuân.

Cả hai án đều là tội  tình dục, và đều dính líu với những mưu đồ chính trị. Cả hai đều được xét xử rất vội dưới lưỡi kiếm quyền lực, không qua quy trình pháp lý đương thời. Tháng năm qua, hình hài xương cốt đã thành tro bụi, nhưng sự thật ở đâu sẽ mãi mãi là ẩn số.

Đáng lưu ý ở chỗ: Vụ án Đồng Xuân, trong mối liên hệ với ba vị phụ chính đầu triều lúc bấy giờ - Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết - là gút thắt cuối cùng của cuộc tương tranh giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa, đã tác động sâu sắc đến chính trường triều Nguyễn trong suốt hai mươi bảy năm, từ 1858 đến 1885. Không phải chỉ tương tranh, phải nói rằng đấy là cả một cuộc tương tàn, phá hủy trầm trọng sức đề kháng của dân tộc trước cuộc tấn công xâm lăng của thực dân Pháp.

Vụ án Đồng Xuân cũng chính là đêm trước của biến cố Thất thủ kinh đô, một trong những chấn thương lớn để lại ám ảnh sâu sắc trong đời sống văn hóa Việt. Hằng năm ở Cố đô Huế, cứ vào ngày hai mươi ba tháng năm âm lịch, dân chúng vẫn còn bày những mâm cỗ cúng dọc hai bên đường, tưởng nhớ những người đã chết trong cái ngày lịch sử ấy.

Cùng với hồi niệm quá khứ, ta không thể lảng tránh một câu hỏi: Tại sao trong suốt một phần tư thế kỷ, khi đối mặt với ngoại xâm, sĩ phu và dân chúng Việt không thể đoàn kết, mà lại thù hằn nhau, giết chóc nhau, tự làm suy yếu chính mình? Ai là người làm mất nước: vua Tự Đức, triều đình Nguyễn, hay chính là những điều bất cập tiềm tàng trong dân tộc tính Việt? Những bất cập ấy, đến nay có còn không?

Xin  quay lại với cuộc đời công chúa Đồng Xuân. Trong xã hội phương Đông, không có gì hủy hoại sự nghiệp của một người nhanh chóng hơn một vụ tai tiếng về tình dục. Bởi vậy cũng như với vụ Mỹ Đường (đã được nói tới trong tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu), những tội nhân trong án Đồng Xuân rất có thể chỉ là nạn nhân, là những “con dê tế thần” trong một cơn bão quá tàn khốc của lịch sử.

Họ oan hay không oan? Họ đáng tội phải chịu nhục, chịu chết, hay họ chỉ là những người thất thế oan khiên? Thực sự nếu cho họ một phiên tòa “phúc thẩm” vào đời nay, tất phải thừa nhận đã có những yếu tố cưỡng ép và khuất tất trong việc xét xử. Trong hoàn cảnh ấy, nàng công chúa tội nghiệp cũng rất xứng đáng được hưởng một quy chế chính đáng của nền tư pháp: quyền được suy đoán vô tội.

Cựu Kim Sơn, ngày 8 tháng 3 năm 2022


*

Chương 61

Đừng theo ta

 

“Trung tướng hãy tin tôi đi. Không ai có thể ổn định cái mớ bòng bong hiện nay giỏi hơn là ông ấy.”

  Khâm sứ Champeaux cùng Giám mục De Gaspar đưa Nguyễn Văn Tường đến gặp De Courcy, lúc bấy giờ là chỉ huy cao nhất của Pháp ở miền Trung và miền Bắc.

Đúng là một mớ bòng bong, De Courcy nghĩ. Mấy hôm nay ông không biết làm sao xoay xở với cái kinh đô vừa chiếm được. Nói cho đúng là ông chẳng xoay xở gì cả, ông vốn là nhà binh, không quen việc cai trị. Lại thêm, ông còn phải bận rộn tiếp quản các kho tàng, phải lo gọi tàu thủy để chuyên chở những bảo vật trong hoàng cung về Pháp. 

Lúc này De Courcy đang đứng tại Duyệt Thị đường. Ngay trong nhà hát cung đình đó, một kho bí mật vừa được cạy khóa, lính Tây đang sắp những hòm bạc nén mới khui lên xe. Nguyễn Văn Tường nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt với cái nhìn bất lực.

Bên ngoài, trời đang nắng to, các xác chết bốc mùi hôi thối; ruồi nhặng vo ve, quạ diều kêu chao chác khắp nơi. Cuộc sống của toàn kinh thành xem như thả nổi. Các ty sở đều bỏ trống. Champeaux than phiền, chỉ trích rằng trung tướng đã để mặc cho lính lê dương tha hồ cướp bóc. Chúng sục sạo các tòa nhà đẹp trong kinh thành, sẵn sàng đập nát những bức tranh chạm khảm tuyệt đẹp để lấy chút ít vỏ xà cừ lấp lánh ngũ sắc. “Một sự man rợ khó chấp nhận, hoàn toàn trái ngược với tinh thần văn minh Pháp.”

Đáp lại lời Champeaux, De Courrcy lạnh lùng:

- Viện dẫn đạo đức và văn minh của châu Âu Ki Tô giáo ở đây, thực hoàn toàn không đúng chỗ. - Nói rồi ông ta nhún vai, nói một câu trắng trợn: - Thực chất mọi cuộc chiến tranh, nói cho cùng là gì? Là cướp đoạt, chỉ có thế mà thôi.

Dù sao, cũng không thể duy trì tình trạng hỗn loạn hiện tại. Dân kinh thành, sau mấy ngày chạy trốn về các làng lân cận, đã lục tục kéo về. Họ về để tìm xác người thân, nhặt nhạnh chút của nả còn sót, hoặc xoay xở làm ăn kiếm miếng cơm. Mọi việc cứ rối ren lên, vì hệ thống hành chính đã đứt gãy. Champeaux không biết làm sao để có lại hệ thống cũ ấy. Thấy Nguyễn Văn Tường xuất hiện, ông ta mừng như vớ được chiếc phao.

“Được, nhưng hạn trong hai tháng, ông ta phải dẹp yên các cuộc nổi loạn trong cả nước.” De Courcy nói với Champeaux, trước khi quay sang Giám mục Gaspar: “Thưa Đức cha, xin Đức cha yên tâm. Ý Đức cha, cũng như ý Chúa, sẽ luôn được tuân theo.”

Nhóm lại được Hội đồng Cơ mật, việc đầu tiên Tường nghĩ đến là đưa vua về lại hoàng cung.

Trong lúc đó, Tôn Thất Thuyết đã đưa đạo Ngự đến hành cung Quảng Trị. Gần một ngàn người, sau hai ngày dãi dầu sương gió, ai nấy đều phờ phạc, nhưng thấp thỏm không dám nghỉ ngơi. Bỗng có Thị lang Phạm Hữu Dụng phi ngựa đến, đưa thư hỏa tốc của Nguyễn Văn Tường xin đón vua về Huế.

Nghe tin Nguyễn Văn Tường đã ra cộng tác với người Pháp, Tôn Thất Thuyết nổi xung:

- Về Huế để làm gì? Để tiếp tục bị thằng Tây khốn kiếp ấy làm nhục sao? - Thuyết quay sang gọi một gia nhân thân tín: - Đô Thiên! Mi mau về Huế, đốt cháy nhà riêng của lão Tường trong cửa Chính Đông. Làm sao cháy càng to càng tốt. Để dân kinh thành trông vào, biết là ta đang trừng trị cái tội trở mặt quay đầu của y!

Nói rồi Thuyết đứng chặn đường không cho Phạm Hữu Dụng đến chỗ vua, không cho Dụng yết kiến tam cung.

Hữu Dụng thấy mắt Thuyết trợn dọc, tay lăm lăm cầm gươm, liền để thư lại mà cáo lui. Thuyết lập tức cầm thư xé toạc.

Dụng đi rồi, Trần Xuân Soạn khuyên:

- Nghe Dụng nói, quân Pháp thả cho lính lê dương cướp bóc thả sức trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Vậy là hai hôm liền chúng bận cướp của nên không truy đuổi ta. Nay đã hết thời hạn ấy, thấy Dụng không đón được vua về ắt chúng sẽ ruồng bắt. Nếu chúng điều tàu vào Cửa Việt đánh thốc lên, thì khó cho ta lắm đó!

Thuyết gật đầu cho là phải, liền thúc hối quan quân sửa soạn lên đường.

Lúc này Từ Dụ Thái hoàng thái hậu đang ở trong hành cung. Tôn Thất Thuyết bước vào, chắp tay:

- Tâu Đức bà, đã đến lúc phải lên đường, xin Đức bà lên xe đi Tân Sở!

Thái hoàng thái hậu ngước lên nhìn. Cái tên Tân Sở làm bà nhớ đến địa danh Thành Hóa, là nơi ngày xưa Trương Đăng Quế đã gây dựng. Từ đây đến đấy chỉ còn hơn hai trăm dặm.

Nhưng bây giờ không phải lúc để ôn kỷ niệm quá khứ. Hiện tại khắc nghiệt đang ở trước mặt.

Từ đây nhìn lên Tân Sở, không chỉ có nghĩa là một đoạn đường, mà là sự chọn lựa một lối đi.

- Ông phụ chính, chúng ta sẽ đi đâu? Và sẽ làm gì?

- Thần đã chuẩn bị trường kỳ kháng chiến. Tân Sở sẽ là kinh đô của triều Nguyễn. Hôm qua ở Văn Xá thần đã thay vua thảo dụ Cần Vương, kêu gọi sĩ dân toàn quốc nổi lên đánh Tây, giết Đạo. Đức bà đừng lo ngại đường xa vất vả, ở Tân Sở tiền bạc và lương thảo đều có đủ. Thần đã lo liệu chu đáo để tam cung về đó được an toàn!

- Ta không sợ vất vả. Ta đã già, những người thân yêu nhất của ta đã mất. Ta không còn ham sống nữa. Chỉ có điều ta không an lòng với kế hoạch phiêu lưu của ông! Lúc này, ta chỉ có một điều thỉnh cầu: Tình hình đã tạm yên, ông hãy để Hoàng đế cùng ta quay lại Huế.

Thái hoàng thái hậu vươn thẳng mái đầu hoa râm, đôi mắt buồn mở lớn nhìn chăm chăm, như sẵn sàng đón nhận cơn thịnh nộ của người đối diện.

Đúng vậy, theo thói quen, mắt Thuyết quắc lên:

-  Quay về Huế ư? Không bao giờ. Xin Đức bà hãy thận trọng. Dù đã lìa kinh đô, quyền lực của thần không hề giảm đi. Tính mạng của Đức bà càng quý hơn bao giờ hết.

- Vâng, ta biết. Hiện giờ, trong lúc hỗn quân hỗn quan, tính mạng của ta cũng nằm trong tay ông. Đưa một bà già như ta lên chỗ rừng xanh nước độc, sẽ mất rất nhiều công lao, sinh mạng để tùy tùng, bảo vệ. Vậy hãy nói phân minh cho ta biết, ông cần gì ở ta?

Tôn Thất Thuyết nói thẳng:

- Đức bà chẳng còn làm gì được cả. Nhưng Đức bà đã là một ngẫu tượng trong lòng dân. Để Đức bà rơi vào vòng khống chế của quân giặc, sẽ rất bất lợi cho công cuộc cứu nước. Vì vậy, nếu Đức bà còn thương dân thương nước, còn mong có ngày khôi phục cơ nghiệp nhà Nguyễn, thì hãy mau lên đường theo thần.

Thái hoàng thái hậu nhìn thẳng vào mắt Thuyết:

- Ông phụ chính, ta đã nghĩ kỹ rồi. Đến đây, ta không cùng đi với ông được nữa.

- Tại sao?

- Ta không thể đi cùng đường với một kẻ bạo tàn, không muốn ông tiếp tục dùng ấn ngọc của ta để tiếp tục ban ra những ý chỉ sát nhân. Ông đã giết, đày, giam các cháu ta, các con ta. Miên Dần, Hồng Dật, Hồng Hưu, Ưng Chân, Ưng Đăng, Hồng Sâm, Hồng Tu, Hồng Phì - Đó là em, là con, là cháu của Tiên đế Hiến Tổ Thiệu Trị, về tinh thần cũng chính là em, là con, là cháu của ta. Có người mẹ, người bà nào có thể đi cùng đường với kẻ đã giết con cháu của mình không?

- Đó là những người đã mang tội trước lịch sử, xin Đức bà hãy nhớ điều đó! - Tôn Thất Thuyết gằn giọng.

Thái hoàng thái hậu cười chua xót:

- Hình như với ông, thì ngoài ông ra, tất cả mọi người đều có tội!

- Đúng vậy, tâu Đức bà, ai không theo ta, đều là kẻ thù của ta.

- Giá như ông có thể nghĩ khác đi: ai không chống lại ta đều có thể là bạn! Nhưng thôi, ta đã hy vọng vô ích. Sự độc đoán, tàn nhẫn đã thành một thứ bản năng mà ông không thể thay đổi. Sở dĩ bao lâu ta âm thầm chịu đựng, chính là vì nể nang trong tay ông còn nắm một ngọn cờ yêu nước. Nhưng giờ thì ta đã hiểu ra, có lẽ nào dân tộc này lại có thể được cứu bởi một kẻ hiếu sát như ông?

Thuyết bất ngờ trước vẻ cương quyết của con người mà lâu nay ông cho rằng đã hết thời - Người đàn bà mà ông xem như một cốc rượu đã bay hết hơi men, chỉ có cái ấn ngọc trong tay là còn giá trị.

- Thôi được, - Tôn Thất Thuyết nuốt giận - Đức bà cứ làm theo ý của mình. Đi hay ở, tùy ý người. Nhưng còn Hoàng đế, ngài là linh hồn của cuộc chiến đấu, thần đi đến đâu, ngài sẽ phải ở đó. Thần cũng xin nhắc: cuộc chiến hôm nay chỉ mở ra hai con đường, một là đi theo thần, hai là đi theo Tây. Lệnh bà quay về tức là theo Tây! Không có con đường thứ ba đâu!

Thái hoàng thái hậu đứng dậy:

- Ông nên biết, thời cuộc tôn xưng người này là anh hùng, gán ép người kia là tội đồ. Nhưng bản chất họ ra sao, vẫn có trời xanh ở trên kia chứng giám. Ta cũng cầu cho ông thành công, chỉ nhắc ông đừng nhân danh yêu nước để giết người. Dẫu có giành lại đất nước mà xem con người như rơm rạ, thì có tốt cho ai không?

Thuyết quắc mắt:

- Xin bà thận trọng lời nói. Đây là Quảng Trị, không phải hoàng cung. Nơi đây không có sự uy nghi nào cao hơn lưỡi kiếm của ta!

- Ta biết. Ông muốn dùng lưỡi kiếm trong tay để lập nên chân lý. Nhưng ta không theo ông, vì ta không tin ông. Không có quyền lực nào khống chế được sự thật.

Giờ lên đường đã đến. Vua Hàm Nghi làm lễ bái biệt tam cung. Cậu bé mười hai tuổi vừa lạy vừa khóc nức nở. Cậu vẫn chưa ý thức được rõ ràng việc gì đang xảy ra, chỉ cảm thấy như bị cuốn vào một cơn lốc xoáy.

Tam cung còn đang bịn rịn, Thuyết liền nắm chặt tay vua, đẩy lên võng:

- Hoàng thượng! Nên nhớ ngài là vua. Hãy xứng đáng là ông vua anh hùng của một dân tộc anh hùng!

Đoàn quân trẩy đi vội vã. Đoàn người tòng vong cũng chia đôi, một phần theo vua đi, hai phần theo tam cung quay lại. Thái hoàng thái hậu ngồi trong kiệu, bà đau xót cúi mặt, chợt thấy hình ảnh con trai hiện ra trước mắt. “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc. Con thương mẹ lắm, con đi rồi, để lại mẹ một mình. Mẹ phải sống giữa một thời tối tăm buồn thảm quá…”

Về đến An Hòa, Thái hoàng thái hậu không vào hoàng cung. Bà sai phu kiệu đưa thẳng đến Dương Xuân, vào ở trong ngôi nhà Ôn Khiêm bên cạnh nấm mộ của vua Tự Đức.

∞∞∞∞∞

 

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, lâu nay “tuy hai mà một”, giờ đây đã ở trên hai đường lối đối nghịch nhau: Tường cố dẹp cho yên, Thuyết muốn dấy lên cho thật vang dội. Một bên “vì dân”, một bên “vì nước” nhưng thực sự chẳng chung đường.

Hoàng Tá Viêm lúc bấy giờ đang chịu tội, bị giam lỏng ở quê nhà Văn La, chờ xét án. Nghe tin kinh đô thất thủ, Thuyết đã phò vua chạy, Viêm không còn bị câu thúc nữa, lập tức lên ngựa vào kinh thành.

Từ sau chuyến vượt thượng đạo đầy gian khổ, Tá Viêm đã nhận Hữu Ngạo làm con nuôi. Thấy cha vào Kinh, Hữu Ngạo hết lời can ngăn:

- Nghĩa phụ đánh Tây bao nhiêu năm, ai cũng biết. Nay vào kinh thành, nếu bị Tây bắt ắt là mất mạng. Nếu Tây không bắt, thì lại mang tiếng hàng Tây, bị dân chửi như ông quận Tường. Chi bằng ta theo dụ Cần Vương, chạy theo vua lên Tân Sở. Nếu thắng giặc thì giành lại đất nước, nhược bằng không may thất bại cũng được cái tiếng thơm muôn đời, có hơn không?

 - Tiếng thơm đó đổi bằng gì? Chừng ấy núi xương sông máu, ngươi thấy chưa đủ sao? Ta muốn đánh Tây, nhưng sẽ không bao giờ đi cùng đường với kẻ giết người. Nếu Thuyết đánh được Tây, dựng được nước, thì cái nước do hắn dựng lên cũng sẽ được cai trị bằng bạc ác và tàn bạo, có khá gì hơn?

- Trình nghĩa phụ, mấy hôm nay trong dân gian lan truyền rất nhiều câu ca vè ngợi ca Tôn Thất Thuyết. Uy thế của quan Tướng đã rất lớn! Đó là sự thực mình không thể nhắm mắt bỏ qua!

- Dân gian đang nói gì? Hãy kể cho ta nghe!

Hữu Ngạo lấy giọng:

- Dạ, đây là một đoạn vè về Tôn Thất Thuyết:

 “Nước ta Quan Tướng anh hùng

Bách quan văn võ cũng không ai tày

Người có ngọc việt cầm tay,

Đạn vàng Tây bắn ba ngày không nao!

Tài hay văn vũ lược thao,

Khí số, nhâm độn ra vào rất thông.

Bốn bề cự chiến giao công,

Tây phiên nói: Thực anh hùng nước Nam!”

Hoàng Tá Viêm nghe xong, ngửa mặt cười ngất:

- Ngươi thấy sao? Có đúng chút nào không?

- Bẩm nghĩa phụ, con đã gặp Tôn Thất Thuyết bao giờ đâu? Con cũng chỉ biết qua lời đồn thôi ạ!

- Ta hỏi ngươi: nếu hắn có phép khiến đạn Tây bắn ba ngày không thủng, sao mới cầm cự từ nửa đêm đến sáng đã làm cho cả kinh đô phải chạy? Nếu hắn “nhâm độn, lý số” thông thạo, sao không đoán được thành bại? Ai không biết thì còn mê muội cái hào quang yêu nước của hắn, chứ ta đã thấy, đã biết, thì không thể tự che mắt mình!

Hữu Ngạo im lặng. Hoàng Tá Viêm thúc ngựa đi. Hữu Ngạo lặng lẽ thả cho ngựa túc tắc đi theo.

 Tá Viêm quay lại:

- Muốn theo ta hay không, tùy ý ngươi. Khi ta còn làm đại tướng, ai cũng phải răm rắp phục tùng theo lệnh. Muốn hay không cũng phải theo! Nhưng nay ta không còn là tướng nữa. Ta không bắt ngươi phải nghe ta. Ta biết, ngươi cũng như những người đã đặt bài vè kia, chỉ tin những gì họ muốn tin thôi. Nếu lòng ngươi muốn theo cái gã Thuyết có phép màu đạn bắn ba ngày không chết ấy, hãy đi đi.

Hữu Ngạo dừng lại một phút, rồi tiếp tục giục ngựa lẽo đẽo theo sau Tá Viêm, mặt buồn thiu không nói một lời.

Mải khi đến cửa ngõ An Hòa, sắp tiến vào kinh đô, Hữu Ngạo mới hỏi:

- Nghĩa phụ! Xin tha lỗi cho con. Con chỉ lo cho danh tiếng của nghĩa phụ mà thôi. Cả một đời nghĩa phụ đánh Tây giữ nước, nghĩa liệt trung trinh. Nay cớ sao không tiếp tục phò vua, đánh giặc?

Tá Viêm dừng ngựa, thở dài:

- Phò vua ư? Vua chỉ là đứa bé mười hai tuổi, bị Tôn Thất Thuyết sử dụng để điều khiển thiên hạ. Từ khi mất miền Bắc, ta đã hiểu. Cái ta thua giặc không phải là dũng khí, hay chính nghĩa. Cái ta thua, là sự hiểu biết về chính trị, sự tài giỏi về kỹ thuật. Nếu không nâng mình lên, thì cái danh tiết trung nghĩa, cái hào hùng bất khuất của ta cũng chỉ làm xương thịt đổ ra hoài cho đến lúc cả dân tộc khô máu!

- Vậy, làm sao để nâng mình lên?

- Trước hết là phải dưỡng sức, dưỡng trí cho dân. Trước hết là phải làm cho xã tắc được yên, không rối beng rối bét, giết hại lẫn nhau như hiện giờ!

- Được yên… trong tay giặc?

- Nếu không yên, có thoát khỏi tay giặc không? Đó là điều Tôn Thất Thuyết đang cố chứng tỏ. Nhưng ta biết, con đường của hắn là con đường cụt, sớm muộn sẽ dẫn đến diệt vong. Con đường của ta là chấp nhận tạm yên trong tay giặc để dưỡng sức dân, để sẵn sàng khi thời cơ đến!

Hữu Ngạo ngửng phắt lên:

- Nghĩa phụ! Cái ý đó, ngày trước có người đã nói rồi. Theo con biết, người đó chính là “Phan Lâm mãi quốc”…

Hoàng Tá Viêm cười đau đớn:

 - Đúng. Năm Nhâm Tuất 1862, ta cũng là một trong những người cực lực chống lại chủ trương hòa nghị của Phan Thanh Giản. Gần hai mươi năm lăn lộn ở miền Bắc, ta đã ngập trong máu xương đủ để hiểu tấm lòng của ông ấy. Thôi, ta đã nói rồi, ngươi đi đi, đừng theo ta, nếu ngươi không tin ta.

Hữu Ngạo dừng ngựa, nhìn theo Tá Viêm, nước mắt ứa ra ròng ròng trên má.

 Đến khi bóng Tá Viêm đã xa tít cuối đường, bỗng chàng trai vung roi quất ngựa, chạy rút lên đuổi theo.

Tá Viêm quay lại, quát:

- Ngươi làm cái trò gì vậy? Làm nam tử, một là một, hai là hai, chớ có dùng dằng vô ích!

Hữu Ngạo khóc:

- Nghĩa phụ! Con đã nói từ trước, sớm tối sẽ theo bên người, dù sướng khổ vinh nhục. Người đi đến chỗ nào, chỗ ấy phải có con.

Tá Viêm nghẹn ngào. Ông bặm môi cố nén xúc động, lấy roi ngựa quất nhẹ vào vai chàng trai trẻ:

- Đuổi không đi, sau này có gì không mãn nguyện, chớ có trách oán ta.

 

Chương 62

Lễ rửa tội của bé Joachim

Gia Phúc mở mắt, nằm yên, nhìn lên khoảng không trước mặt. Lúc vừa tỉnh dậy nàng không nhớ mình đang ở đâu, việc gì đã xảy ra. Những tai ương sầu khổ cũng dường như chưa hề có.

Có tiếng ậm ọe sát bên, Gia Phúc quay sang, thấy đứa con nhỏ đang ngọ nguậy trên tấm chăn cũ kỹ. Nàng sực nhớ lại thực tế đau buồn: đang nằm trong một góc nhà cũ của dinh Nguyễn Tri. Cả hai mẹ con đều mang phận nô tỳ, vì theo phép từ xưa, con do nô tỳ đẻ ra cũng là nô lệ của nhà chủ.

Gia Phúc ôm con vào lòng, cho nó bú vội vã. Bước vào bếp, một tay nàng ôm con, một tay vụng về nhóm lửa nấu nước. Chị dâu Thanh Lam đang súc ấm trà, thấy vậy vội đến giúp một tay, miệng bảo:

- Thôi cứ để đó, khéo không lại phỏng lửa như hôm qua.

Thanh Lam ngượng ngùng lúng túng, không biết xưng hô thế nào cho phải, nên đành nói trống không như thế.

- Không, xin mợ Cả cứ để tôi…

Gia Phúc nói, cố nén hai hàng nước mắt. Nàng lấy cái khăn vải buộc con vào người, cố gắng đun sôi ấm nước, pha trà bưng lên cho phu nhân. Thanh Lam nhìn, biết là trà pha quá đậm, nhưng ngại không dám nói.

Gia Phúc địu con sau lưng, cúi đầu bưng khay bước qua chỗ Thanh Lam đứng. Nàng biết chị dâu hiền lành đang khổ sở vì một cảm giác khó tả. Đàn bà trong gia tộc Nguyễn Tri, trải mấy đời đức hạnh vẹn toàn, ai cũng theo đúng đạo Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử - Ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Nay Gia Phúc đã thất tiết hoang thai, nghe đâu lại lẹo tẹo với chính anh ruột, thật còn tệ hơn súc vật. Nghĩ tới tội lỗi ấy, Thanh Lam cảm thấy ghê tởm; nhưng thấy bà chúa sa cơ, từ trên chót cao rớt xuống tận đáy vực, nàng cũng không khỏi thương hại trong lòng.

Nguyễn Tri phu nhân đợi Gia Phúc đặt khay xuống sập, từ tốn bảo nàng:

- Bà chúa ngồi xuống đây, mụ nói câu chuyện!

Gia Phúc chắp tay:

- Con nay là phận nô tỳ, xin phu nhân đừng gọi vậy, con mắc tội.

Phu nhân thở dài:

- Ừ thì Gia… - Phu nhân định gọi tên mới của nàng là Gia Đốc, nhưng ngượng ngùng không thốt được ra miệng, vì Đốc là một từ để chỉ bộ phận sinh dục - Ừ, con cứ ngồi đây! Chẳng qua án phạt của Tôn Nhân phủ thì phải theo, chớ mụ thật lòng không đành để cho con phục dịch như vậy!

Phu nhân nhấp một ngụm trà, thấy đắng chát cả họng, bà nhăn mặt nhưng cứ ngậm trong miệng, không nỡ phì ra. Một lúc, phu nhân mới vớ cái ống nhổ nhỏ xíu bằng đồng, kín đáo nhổ vào. “Thôi, chỉ cần làm vài việc túc tắc lấy lệ là được. Chờ ít lâu, anh Ngọc về, mụ sẽ nói anh dâng biểu lên Đức bà, xin đưa bà chúa về lại hoàng cung!”

Phu nhân nói đến Nguyễn Ngọc, mà không nhắc tới Tri Kiểm, dù đang nhớ đứa cháu đích tôn muốn thắt ruột. Bà không dám tưởng tượng đến lúc Tri Kiểm trở về, biết chuyện, rồi sẽ ra sao…

“Trở lại hoàng cung…” Gia Phúc lẩm bẩm. Giờ mình đã được gả đi, lại không còn họ Nguyễn Phúc. Lấy danh nghĩa gì mà trở về? Nàng lắc đầu, nghẹn ngào: “Phu nhân cứ mặc con, đừng tâu với Đức bà, đừng bắt Đức bà phải đau lòng thêm nữa.”

Mấy hôm nay dù chỉ ở trong dinh, nàng cũng nghe đồn Đức Từ Dụ đã về lại kinh thành nhưng không chịu vào cung, chỉ một mực đòi ở lại bên nấm mộ của tiên đế. Đức bà còn không muốn về cung, mình về đó để làm gì?

Nhưng ở đây dường như cũng không ổn. Có vẻ mọi người đã khổ vì mình lắm rồi… Sự hiện diện của hai mẹ con nàng, cứ như nhắc nhở một nỗi nhục của gia môn, mãi mãi không thể quên…

Bưng khay xuống bếp, nàng không còn thấy Thanh Lam. Đứa bé bắt đầu khóc quấy. Gia Phúc ráng dỗ con, rồi nàng ngồi xệp xuống, một tay ôm bé, một tay lượm thóc ra khỏi gạo. Nong gạo sạch dần thóc thì trời cũng đã gần trưa. Cái trò nhặt thóc này là Thanh Lam bày ra để cho Gia Phúc có việc mà làm, chứ thật ra nàng chẳng làm được việc gì ra hồn.

∞∞∞∞∞∞

 

Ở Nước Nhỉ, cái tin Nguyễn Chí trở về làm vui cả xóm.

Xứ Bình Định, cho đến những ngày cuối năm 1884, tuy không phải một vùng giàu có, nhưng được cái rất yên lành. Trong lúc Hà Nội, Huế, và cả miền Bắc loạn lạc tang thương, thì cả vùng Nam Trung Bộ không ai động đến, dân tình cứ vậy thong thả làm ăn.

Nguyễn Chí về, cũng đúng lúc Anna Thắm sinh được con trai đầu lòng, đang chuẩn bị làm lễ rửa tội.

- Cố Macé sẽ làm chủ lễ xức dầu cho thằng nhỏ. - Anna Thắm khoe với cha nuôi, vẻ mặt rạng rỡ hạnh phúc. Cha cố Auguste Macé, người Pháp, đã đến truyền đạo ở Nước Nhỉ từ sau khi cha Tuấn mất. - Con đã xin với cố Macé, đặt tên thánh cho cháu là Joachim, để tưởng nhớ cha Joachim Đặng Đức Tuấn.

- Chồng con ở với con tốt chứ? Con mập ra nhiều rồi, coi chừng chồng con nó buồn lắm đó!

Anna Thắm cười bẽn lẽn:

- Dạ, sanh xong con béo ú ù, nhưng chồng con vẫn cứ thương. Anh Joshua là con nhà đạo dòng, một vợ một chồng chứ không có hầu thiếp bậy bạ đâu, con chẳng sợ!

- Cha chỉ đùa cho vui thôi. Có một chuyện, cha định nói với con… nhưng chưa có dịp.

- Chuyện gì vậy cha, khi nào cha nói cũng được, không sao đâu mà.

Anna Thắm đã thực sự trưởng thành rồi, cuộc đời đã bù đắp cho cô bé mồ côi đầy đủ hạnh phúc. Vậy có lẽ cũng nên kể cho con nghe gốc tích của nó? Câu chuyện đau buồn năm xưa, giờ này có nên lật lại hay không? Dù sao con người cũng cần biết về nguồn gốc của mình.

Nhưng vết thương cuộc đời nay đã liền sẹo rồi. Sự hàn gắn hoàn hảo đến nỗi Anna cũng chẳng thắc mắc tò mò gì về gốc tích của mình. Bây giờ cô nàng đang bận rộn, mê mải với chồng con. Cuối cùng Chí tặc lưỡi: “Thôi được, một ngày nào đó ta sẽ nói.”

Tiếng hát vang lên thanh thanh trong thánh đường Nước Nhỉ. Hai vợ chồng Anna Thắm và Joshua Cang trịnh trọng trong tấm áo dài, bồng con trai đưa cho cha và mẹ đỡ đầu của đứa trẻ - hai người đạo đức được chọn trong họ Đạo.

Linh mục Auguste Macé đứng trước bệ nước thánh, chuẩn bị làm phép xức dầu. Nguyễn Chí đứng ở hàng ghế đầu, chăm chú theo dõi, lòng tràn ngập niềm vui.

Chợt chàng cảm thấy khang khác, bất giác quay đầu nhìn: một ánh mắt quen quen đang chăm chú nhìn vào gáy chàng. Ai mà mình trông quen quá vậy? Nghĩ vẫn chưa ra, nhưng Chí nhận rõ đây không phải người trong xóm Đạo.

Người này là ai? Và tại sao hắn lại ở đây, giữa hàng giáo dân đang dự thánh lễ? Chí thấy ngại, chàng bấm vào tay chồng Anna Thắm đang đứng cạnh.

Joshua Cang gật khẽ, giả bộ vô tình đi vòng ra phía sau quan sát. Chốc lát Cang quay lại, thì thầm:

- Có nhiều người lạ trong nhà thờ, con không rõ họ từ đâu đến?

Chí chưa kịp phản ứng gì, bỗng một tiếng pháo nổ rất to. Những người lạ đang trà trộn liền đồng thanh la hét, rồi xúm nhau giữ chặt lấy cửa. Không một ai ra lọt! Cùng lúc, một đoàn quân hàng trăm người từ đâu kéo đến, gươm giáo sáng loáng, vây chặt nhà thờ.

- Giết! Giết! Tiên sát Tả, hậu bình Tây! Trước hãy giết sạch dân Đạo, rồi mới đến trừ giặc Pháp!

- Hưởng ứng dụ Cần Vương, giết Tây, giết Đạo!

“Cha ơi, chúng nó giết mình!” Anna Thắm lao lên giằng lấy con trai ôm chặt vào lòng, núp vào sau lưng Chí. Chí một tay cầm gươm, một tay dang ra che đỡ cho hai mẹ con Thắm, cùng mọi người lùi dần ra phía cửa sau nhà thờ.

Chồng Thắm cùng mấy thanh niên trong giáo xứ lao vào trong, lấy ra mấy khẩu súng, bao quanh cố Macé:

- Trình Cha, bọn tự xưng Nghĩa hội đã tới, xin cha cho phép nổ súng tự vệ.

Cha Macé bình tĩnh:

- Khoan dùng đến vũ khí, hãy chờ xem họ muốn gì.

- Cha không nghe sao? Chúng đang hô vang “Giết, giết!” đó!

Bên ngoài, một tiếng hô sang sảng vang lên:

- Ai muốn sống thì bước ra, tuyên thệ bỏ Đạo, quay về với tổ quốc! Ai một mực đi theo cố đạo Tây đến cùng thì Nghĩa hội chúng ta sẽ thẳng tay trừng trị, đừng có oán trách!

Hàng trăm tiếng hô vang lên chung quanh:

- Giết sạch! Giết sạch! Quét sạch chúng nó đi!

Giọng viên chỉ huy lại sang sảng vang lên:

- Nghĩa quân hãy siết vòng vây, chờ trong ba khắc. Sau ba khắc, tên nào còn ở lại trong nhà thờ sẽ bị tiêu diệt!

Nghe giọng, Nguyễn Chí giật mình, mừng rỡ. Chàng hạ thấp thanh gươm, cầm ngược lại tỏ ý không định giao chiến, bước ra cửa nhà thờ:

- Tri Kiểm! Có nhận ra thầy không?

Tri Kiểm đang ngồi trên mình ngựa, sững sờ:

- Thầy! Sao thầy lại ở đây? Thì ra thầy là… dân Đạo?

Chí nhìn thẳng vào Tri Kiểm:

- Nếu là dân Đạo thì sao? Thì có còn là thầy của con không?

Tri Kiểm cắn chặt môi, nín lặng. Từ hai bên, từ sau lưng, những cái nhìn thúc giục chú mục vào Kiểm, khiến người chàng trai nóng ran. Văn Thân trong Nghĩa hội đã kéo đi từ sáng tinh mơ, họ đang nóng lòng chờ thấy máu chảy.

Nhưng trước mặt là thầy. Là một Văn Thân, không thể phản thầy, đó là danh dự của kẻ sĩ. Tri Kiểm lui tới đều khó. Cuối cùng, Kiểm thốt lên:

- Thầy! Khi con bái thầy làm sư phụ, thì đâu ngờ thầy là dân Đạo. Nay gặp nhau giữa nơi này, xin thầy giúp con làm tròn nghĩa lớn. Con khẩn xin thầy hãy bước qua một bên, lìa bỏ Đạo xấu, quay về với chính nghĩa. Như vậy là con báo đáp được nghĩa thầy, mà vẫn trọn đạo làm người dân yêu nước.

- Tri Kiểm! Con yêu nước, phò vua là phải. Nhưng con đã lầm rồi. Yêu nước đánh Tây, con hãy tìm giặc Tây mà đánh, đừng nhúng tay vào máu dân Đạo vô tội. Người Việt giết người Việt, sẽ chỉ làm dân mình nước mình tàn mạt mà thôi!

- Không được! Đạo là Tây, Tây là Đạo! Những kẻ này không còn là người Việt, chúng đã lấy tên Tây, đẻ con ra lại làm lễ đặt tên Tây, thầy không thấy sao?

- Con lầm rồi! Joshua, Joachim là tên thánh đặt theo tiếng La Tinh, không phải là tiếng Pháp!

- Thì cũng như nhau cả! Tiên sát Tả, hậu bình Tây, đó là tôn chỉ của Nghĩa hội Văn Thân Cần Vương! Thầy ơi, tình hình gấp lắm rồi, một lần nữa con xin thầy rời khỏi nơi đây ngay!

Nguyễn Chí thấy Tri Kiểm khăng khăng sắt đá, biết không thể thuyết phục được. Căng thẳng đến tột độ, hai mắt Chí đỏ lên, đầy tia máu:

- Sau lưng thầy là con cháu, bạn bè của thầy. Thầy không thể bỏ đi để mà sống trong khi họ chết. Vậy con hãy tiến vào mà giết thầy trước đi.

Tri Kiểm nghiến chặt răng, vung gươm lên hăm dọa. Bên trong nhà thờ, sau bệ Thánh, Joshua Cang đặt tay lên cò súng. Cố Macé đưa tay giữ cổ tay Cang lại, kéo nòng súng hạ xuống thấp:

- Khoan vội bạo động! Hãy bình tĩnh nghe ta.

- Phải hạ thủ ngay, nếu để chậm khi hai người giao chiến lẫn vào nhau rất khó nhắm bắn! - Joshua Cang thì thào.

- Chúng ta chỉ có hai khẩu súng, mà Văn Thân đến hàng trăm. - Cố Macé bảo - Nếu đã đụng độ, chúng ta chỉ còn biết phó mình trong tay Chúa.

- Đàng nào cũng chết, vậy con bắn đây!

Cang nói xong, định bóp cò súng.

Đúng lúc đó, trước cửa nhà thờ, Tri Kiểm đang vung gươm lao tới, chợt dừng lại. Quay về phía đội ngũ, chàng trai nói to:

- Anh em Nghĩa hội hãy án binh bất động, chờ ta một chút!

Chàng trai thúc ngựa chạy vòng đến chỗ một cái võng lớn buông màn kín, có quân hộ vệ vây quanh. Hình như trong đó là một vị Văn Thân có địa vị quan trọng nhất.

Sau mấy khắc hội ý, Tri Kiểm quay lại, đối diện Nguyễn Chí:

- Theo đạo lý của nhà Nho, một ngày cũng là thầy. Để giữ trọn đạo nghĩa cho con, lần này Văn Thân sẽ rút lui, tha mạng cho hết cả xứ Đạo. Con xin nói rõ, chỉ tha một lần thôi. Nếu lần sau còn gặp lại thầy trong chốn Đạo xấu xa này, thì xem như ân đoạn nghĩa tuyệt, không còn thầy trò gì nữa.

- Cảm ơn con đã nhớ có ta là thầy, một lần. - Chí cười chua chát, - Lần này ta là Thầy Chí, còn qua lần sau chỉ còn là Thằng Chí, phải không?

- Đúng như vậy. - Tri Kiểm lạnh lùng nói, rồi quay ngựa đi. Hàng ngũ Văn Thân nới lỏng ra, tuần tự theo nhau rút.

Trong những người đi sau cùng, một ánh mắt quen quen vẫn quay lại nhìn Chí, một vẻ nhìn rất lạ khiến chàng hơi rờn rợn.

Thôi, dù sao, xóm Đạo đã thoát nạn. Từ sau chỗ nấp, Joshua Cang thở phào, buông súng. Cố Macé đưa tay làm dấu thánh, rồi dang hai tay về phía giáo dân.

Tiếng nhạc vang lên, lễ rửa tội cho bé Joachim lại tiếp tục.

-  Thế nào chúng nó cũng trở lại. - Sau lễ, Joshua Cang nói với Chí - Lần này, chúng nó giải vây chẳng qua là nể mặt cha thôi. Các xứ Gia Hựu, Hà Ra, Phước Lộc đều bị bao vây giết sạch trơn. Không đời nào chúng lại buông tha giáo xứ này. Con đã nghĩ kỹ rồi, phải đi cầu cứu đồn Tây ở Quy Nhơn. Chỉ có Tây mới đủ đạn dược, súng ống để trị lũ Văn Thân khát máu này.

Chí giật mình:

- Cầu cứu Tây để diệt người Nam sao? Con làm vậy là mang tiếng về sau không bao giờ hết tiếng! Một lần tay nhúng chàm, đời đời không rửa sạch!

- Vậy lẽ nào phải mở mắt chờ chết? Cố Macé cũng nói, hãy phó mình trong tay Chúa, coi sự chết này là tuẫn đạo. Các cố đạo và giáo dân ở các giáo xứ Bồng Sơn, Bàu Gốc, cũng đều ở yên cầu nguyện và chờ chết chứ không kháng cự. Nhưng con không muốn chết lãng nhách như vậy! Con cũng muốn lên thiên đường, nhưng không phải là ngay bây giờ. Làm thằng đàn ông, phải bảo vệ cho được vợ con mình bằng mọi giá!

Nói rồi Joshua Cang vùng dậy, bước ra cửa.

 

Chương 63

Vụ án cái rương gỗ

 

Anna Thắm chạy theo, níu áo chồng:

- Anh, trong kinh Chúa có dạy, ai dùng gậy, sẽ bị đánh bằng gậy. Em lo lắm…

- Nhưng chính chúng là kẻ đã dùng gươm, chúng phải bị giết bằng gươm!

Joshua Cang nói rồi, cùng một nhóm trai xóm bươn bả ra đi.

Trong nhà, đứa bé mở mắt trong nôi, u oa khóc. Chí buồn rầu nhớ lại khi ẵm Anna Thắm về Nước Nhỉ, hơn hai mươi năm về trước. Giữ gìn một mạng sống, vất vả biết bao nhiêu, mà tiêu diệt thì chỉ cần một nháy mắt.

Anna Thắm quay vào với đôi mắt đỏ hoe, bồng con lên dỗ dành. Cô nhìn cha nuôi, buồn rầu:

- Người ta nói ngoài Văn Bân, cả giáo xứ bị giết hết, có vè kể rồi đây nè cha:

“Mở đầu giết đạo Văn Bân

Trẻ già trai gái một lần sát thiêu.

Đào hào chôn sống cũng nhiều,

Trói vò trấn nước dập dìu thây trôi…”

Chiến tranh cứu nước đã biến thành chiến tranh tôn giáo. Nhân danh yêu nước, người ta đã làm những điều dã man như vậy sao?

- Bên Thác Đá, Phường Chuối, Gia Hựu cũng đều bị cả rồi. Dân Đạo và các cố, các xơ đều bị thiêu sống trong nhà thờ hết, cha ạ. - Anna Thắm nghẹn ngào: - Hay là cha đi đi? Cha là thầy của thủ lĩnh Văn Thân, họ không giết cha đâu. Ở đây chỉ có chết chùm với chúng con mà thôi.

Chí lắc đầu:

- Mình sẽ cùng đi hết. Cả giáo xứ phải cùng nhau đi tị nạn. Chậm trễ là không kịp!

Ba hôm sau, một nửa dân Nước Nhỉ kéo hàng dài trên đường mòn tỉnh lộ, khăn gói bồng bế nhau ra đi. Cảnh tượng chẳng khác gì trong Thánh Kinh, khi dân Israel kéo nhau qua Hồng Hải.

“Con phải chờ chồng con trở về.” Anna Thắm nói với Chí. “Cha cứ đưa dân xứ về Nước Mặn, cố Macé đã báo cho tàu trong Nam ra đón. Ở đây vẫn còn hơn một nửa dân Đạo, cha đừng lo. Chờ ngày mai anh Joshua về, tất cả sẽ đi ngay.”

Chí dẫn đoàn người tỵ nạn ra đi. Khi đi qua nỗng cát để tìm đường ra biển, chợt một mùi hôi nồng nặc xông lên làm ai nấy chùn lại. Chí tiến lên trước, nhìn: một dãy xác không đầu nằm phơi dưới nắng, ruồi nhặng bu đen kịt.

“Quân Văn Thân bị sa bẫy của giáo dân xóm bên đó! Họ rào làng, lập điếm canh, không chịu ngồi yên tuẫn đạo nữa.” Một người trong đoàn nói với Chí.

Chí sởn tóc, lo sợ cố nhìn, có thể nào Tri Kiểm đã nằm trong đám xác người này không? Nhưng tất cả đều không đầu, áo xống tả tơi, thật khó mà nhận diện.

Đúng lúc đó đoàn người nhao nhác trông lui: khói đen đang bốc cao trên nền trời phía sau, ngay trên địa phận Nước Nhỉ.

Nguy rồi! Nguyễn Chí kéo dây dắt ngựa ra khỏi bãi cát thật nhanh, một mình phi nước đại trở lại.

 “Cậu Hai! Cậu Hai!”

Bõ già lú ra từ trong nghĩa trang hoang vắng. “Cậu Hai, cậu theo bõ, nhanh lên!”

Bõ vừa nói, vừa hổn hển trèo lên ngồi sau lưng ngựa. “Cứ chạy đi, rồi bõ sẽ kể. Văn Thân phá cổng làng rồi. Joshua Cang đã vào nhà thờ để bảo vệ cha Macé. Hắn sai bõ bắn pháo hiệu cầu cứu đồn Tây. Bắn pháo rồi, bõ ra đây chực từ giờ Tỵ mà không thấy đồn Tây rục rịch gì cả! Chúng bỏ mặc cho người Việt giết nhau! Cậu mau về cứu, nguy lắm rồi!”

Chí dừng ngựa, đẩy ngược bõ già trở lại: “Bõ già rồi, tránh đi. Cứ vào mộ cha, cầu nguyện cho tôi và dân xóm.” Nói rồi Chí chạy bộ vào truông vắng sau làng, luồn theo cây cối chằng chịt, đó là lối duy nhất không bị vây.

Vào được trong xóm, Chí thót lên một cây dừa cao, vừa quan sát vừa nghĩ cách.

Một cảnh tượng kinh hãi hiện ra dưới mắt chàng.

Nhà thờ bị chất rơm củi chung quanh, ngọn lửa đang cháy, khói um đen kịt. Ngay trước giáo đường, một cây tre cao được dựng lên, trên đó là cái đầu bê bết máu của cha cố Macé. 

Cạnh đó, một rừng người của Nghĩa Hội, tay cầm gươm giáo sáng quắc đứng thành vòng. Giữa vòng là dân xóm đã bị lùa thành một cụm. Joshua Cang bị trói hai tay nằm sấp dưới đất. Hai chân Cang bị buộc vào hai sợi dây thừng to, có hai kỵ sĩ ngồi trên ngựa nắm giữ.

Người thủ lĩnh bước ra trước đám đông. Chí giật mình, chàng nhướng mắt từ sau lá cây, cố nhìn cho rõ.

- Tên Cang này là đầu đảng theo Tây, chống lại Nghĩa hội đến cùng. Hắn phải đền tội. Xem đây!

Giọng nói lanh lảnh làm Chí bàng hoàng nhận ra: Cúc Tần. Ả ta có phép tái sinh, lộn kiếp hay sao? Đúng rồi, cái người quen quen trà trộn vào giáo xứ trong ngày lễ rửa tội bé Joachim, chính là ả!

Chàng đánh liều buông mình xuống khỏi cây dừa. “Cúc Tần!”

Nhưng muộn rồi. Cúc Tần đã cắm phập thanh gươm sắc ngót xuống mặt đất giữa hai chân Joshua Cang. Ả ta giữ chặt đốc gươm, trong khi hai kỵ sĩ quất ngựa chạy tới. Nháy mắt, Joshua Cang bị róc làm hai từ dưới lên, gan ruột đổ tung tóe trên mặt đất.

- Một mảnh còn đầu, một mảnh còn đít. Hãy treo hết lên, để làm gương cho bọn phản quốc, bọn người Nam mà lòng dạ theo Tây! - Cúc Tần quát lớn.

 - Cúc Tần, ngươi quá độc ác! - Chí gầm lên, chàng lao tới, chỉ vào mặt ả.

Cúc Tần thối lui, nhận ra Chí. Mặt ả ta lạnh như băng:

- Ngươi gọi Cúc Tần nào? Cúc Tần đã chết rồi. Ta đây là Sầm Hiệu, thủ lĩnh Nghĩa hội Quy Nhơn.

- Ngươi không phải Sầm Hiệu. Ngươi chỉ là đồ giả hiệu, bất cứ nơi nào có sự phản kháng là ngươi tìm đến, nhưng thực ra ngươi chỉ núp bóng chính nghĩa để thỏa mãn sự tham lam, lòng hận thù, thói tàn ác của ngươi thôi! 

- Thì cứ cho là như vậy đi. - Cúc Tần cười ngất trong khi mắt long lên trừng trừng nhìn thẳng vào mặt Chí - Ngươi vẫn hâm mộ Gia Phúc lắm sao? Chắc lâu rồi ngươi không biết tin hắn? Bây giờ ta giàu hơn hắn, vẻ vang hơn hắn rồi đó!

- ???

- Hắn đã dâm loạn hoang thai, đẻ ra một đứa con gái, nên bị phế làm nô tỳ cho nhà chồng hắn rồi! Nay hắn chỉ còn là một đứa ở mà thôi!

Chí choáng váng. Cúc Tần thấy vậy khoái trá, thình lình tạt ngang thanh kiếm. Chí đỡ không kịp, lưỡi gươm lia ngang, ống chân trái đứt lìa.

Chí không ngờ Cúc Tần ra tay tàn độc cả với mình. Máu phụt ra, chàng loạng choạng quỵ xuống.

Tiếng cười của Cúc Tần vẫn lanh lảnh:

- Còn nhớ không? Năm xưa ngươi đã thề, nếu không theo ta thì trời sẽ trừng trị, thân thể tàn phế, võ công hủy bỏ. Nay lời thề đã ứng nghiệm rồi đó!

Chí đau quá, bậm môi vận công muốn rách cả khóe môi. Lấy hết sức bình sinh, chàng lao mạnh, thanh kiếm vụt đến cắm vào giữa ngực Cúc Tần.

Cúc Tần đang đắc chí bất ngờ trúng đòn độc, ngã bật ra.

Dân xứ Đạo đang bị bao vây, nhân dịp ào lên, liều mạng hỗn chiến.

         Máu chảy. Mắt Chí dần mờ đi. Một ý nghĩ cuối cùng lóe lên trước khi tất cả chìm nghỉm:

“Cha ơi, lần đầu tiên con tiêu diệt một người mà không hối tiếc.”

∞∞∞∞∞

 

Nguyễn Văn Tường cố hết sức trị an, nhưng cũng chỉ tạm yên ở kinh thành và vùng Thừa Thiên lân cận. Cả dải đất miền Trung vẫn sôi sục. Văn Thân nổi lên khắp các tỉnh, từ Nghệ An, Thanh Hóa cho chí Quảng Ngãi, Bình Định. Nhiều quan chức cũng theo phong trào sát tả, triều đình không kiềm chế nổi.

Một buổi sáng, De Courcy cho gọi Champeaux.

- Ông Champeaux, ông và ngài De Gaspar cứ hết lời bảo lãnh cho Tường. Ông xem đây!

Nói rồi De Courcy dằn mạnh xuống bàn một xấp giấy. Đó là nội dung tờ dụ của vua Hàm Nghi gửi Nguyễn Văn Tường, cùng với bản dịch tiếng Pháp của tòa Sứ.

- Ông thấy chưa? Trong dụ, vua An Nam viết rõ ràng: “Nay Tôn Thất Thuyết cùng ta lập căn cứ ở đây, còn ngươi thì ở lại mà xoay xở; kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước, lo dân làm căn bản.” Vậy là Tường cũng một duộc với tên Thuyết, chính vì vậy tình hình miền Trung cứ rối beng rối bét không yên!

Champeaux điềm tĩnh:

- Vua Hàm Nghi chỉ mới mười hai tuổi, không bao giờ viết được bài dụ già dặn như vậy. Đây là tác phẩm của Thuyết lấy danh nghĩa vua mà thôi. Trung tướng chớ nên mắc mưu y. Tờ dụ này tuy gửi Văn Tường, nhưng tại sao không gửi riêng mà quảng bá khắp trong dân gian. Theo tôi, nếu Tường về đây để làm tay trong cho Thuyết, sẽ chẳng đời nào Thuyết lại nói lộ liễu ra như vậy.

De Courcy xẵng giọng:

- Tôi không cần biết những điều đó! Tóm lại là tôi đã hạn cho ông Tường, trong hai tháng phải dẹp yên các cuộc nội loạn, phải đưa được vua Hàm Nghi về. Nay đã quá hạn ấy, cả hai điều đều chẳng đạt được. Tôi không còn kiên nhẫn được nữa.

- Trung tướng nghĩ kỹ chưa? Không có Tường, tình hình sẽ càng nát bét hơn thôi!

- Tôi không tin ông ta được. Bắt đầu từ ngày mai, tất cả những ai có dính líu vào cuộc nổi loạn sẽ bị loại bỏ hết. Tôi thà sử dụng những kẻ vô lại, như Nguyễn Hữu Độ, như Trần Bá Lộc, như Hoàng Cao Khải. Những kẻ không chữ nghĩa, không quá trình, không uy tín, chỉ nhờ theo ta mà nổi lên. Dù chúng có tồi đền đâu, chắc chắn chúng không phản ta, một khi ta còn đủ mạnh!

Champeaux đã từ lâu phải nín nhịn rất nhiều trước thái độ độc đoán và hách dịch của De Courcy. Ông tức giận:

- Trung tướng có quyền quyết định. Nhưng tôi biết chắc chắn, với những đồ tồi, trung tướng chỉ có thể xây dựng nên một nền cai trị rất tồi! Tôi xin nói thẳng: mặc dù đối đầu với Tôn Thất Thuyết, thực chất trung tướng cũng giống hệt như y.

Nói rồi Champeaux đứng phắt dậy, về phòng riêng, lập tức thảo đơn từ chức gửi lên bộ Thuộc địa Pháp.

Lúc ấy vừa giờ Tỵ, Nguyễn Văn Tường đang làm việc với Viện Cơ mật. Lính Tây thình lình ập vào, còng tay áp giải xuống tàu. Cái tin ấy loan ra, chẳng mấy chốc đến tận Khiêm lăng.

Ai nấy rụng rời. Hoàng thái phi Nguyễn Thị Hương ngậm ngùi cúi đầu, xót thương. Cảm xúc ấy chỉ sau một giây đã được kìm nén lại, chôn chặt dưới vẻ mặt im lìm như đá. Dù vậy, làm sao mà thoát khỏi đôi mắt sắc sảo của Thiện phi.

“Hắn buồn lắm đây, cho đáng kiếp! Hắn là cái thớ chi, mà được đường đường xưng Hoàng thái phi, được dự vô hàng tam cung với Đức bà và Khiêm thái hậu. Chẳng qua là có lão Tường chống lưng! Không biết mấy dạo ra vào cung cấm, lão ta có được xơ múi gì chưa?” Thiện phi nghĩ, trong lòng thầm khoái trá.

Lúc này Thiện phi đang lâng lâng hy vọng, vì phong phanh nghe nói Viện Cơ mật vừa cho người lên Khiêm Lăng dò ý Tam cung. Ý rằng, vua Hàm Nghi càng lúc càng mất dấu trong rừng sâu núi thẳm, việc rước về xem ra còn khó hơn hái sao trên trời. Nước không thể một ngày không vua, nay xin lập Hoàng tử Chánh Mông - tức là Ưng Thị - lên ngôi, xin tam cung cân nhắc có thuận ý hay không.

“Còn cân nhắc gì nữa, không ưng thì cũng phải ưng thôi! Trong ba hoàng tử, Ưng Chân chết rồi, Ưng Đăng vô phước cũng nghoẻo, còn ai ngoài con ta nữa? Ngày trước, từ tiên đế cho đến nội cung phi tần ai cũng chê ỏng chê eo con ta, nào là khinh người, nào là hợm mình, nào là nhỏ nhen này nọ. Bây giờ y sắp làm vua rồi đó, các người còn dám chê nữa thôi?” Thiện phi không nén được nụ cười thỏa mãn, cả đêm nàng khấp khởi không ngủ được.

Rồi cái ngày huy hoàng cũng tới, Hoàng tử Chánh Mông được rước lên ngôi.

Nghi thức đăng quang lần này đến lạ! Vua mới tự mình đi bộ từ điện Càn Thành ra cổng Ngọ Môn, dẫn đoàn tùy tùng qua sông Hương đến lầu Khâm sứ. Tại đây các quan Tây mặc lễ phục đã chờ sẵn, trao cho vua tờ giấy chứng nhận Hoàng tử Ưng Thị làm vua nước An Nam. Sau đó, các quan Pháp hộ tống vua về lại hoàng cung, theo sau là đội kèn danh dự. Khúc nhạc thiều trỗi lên suốt dọc đường, dân trong kinh thành nhìn nhau, không biết là bài nhạc gì? Đấy chính là bài Marseillaise, quốc ca nước Pháp.

Kể từ hôm ấy, Ưng Thị trở thành vua Đồng Khánh.

Sự thay đổi đầu tiên trong nội cung: Nguyễn Thị Hương bị hủy bỏ tước Hoàng thái phi. Tiết Diên Xuân cũng bị xóa khỏi lịch. “Tước này, tiết này, là do quyền thần đặt ra, chứ triều Nguyễn ta làm gì có tước thái phi!” Nhà vua phán. “Quyền thần” ở đây, ai cũng hiểu là Nguyễn Văn Tường. Nhà vua ghét Nguyễn Văn Tường đến nỗi khi Tường mắc bệnh ung thư qua đời ở chỗ lưu đày Tahiti, di hài được tàu thủy chở về Huế, vua đã ra lệnh lấy xích sắt quật vào quan tài ông ba lần trước khi cho phép đem chôn.

Sau Nguyễn Văn Tường, nhà vua tiếp tục nhắm tới quan Thượng thư Phan Đình Bình, cha vợ của Dục Đức, tức Hoàng trưởng tử Ưng Chân ngày trước. Phan Đình Bình nay lại là một trong hai người đứng đầu Viện Cơ mật, nắm gần hết việc triều đình, thật là ngứa mắt.

Dịp thuận tiện đã đến, có người tố giác vợ chồng Phan Đình Bình… lấy trộm! Một vị quan lớn đầu triều, cho dù không giàu đi nữa, đến nỗi gì phải đi lấy trộm? À, thì ra lúc con rể là Dục Đức Ưng Chân bị Tôn Thất Thuyết bắt giam, vợ cả, hầu thiếp, con trai con gái đều bị đưa về giam tạm trong nhà Trấn Võ. Khăn gói vội vàng lúc ra đi, nên đồ dùng quăng bỏ lại rất nhiều. Vợ Phan Đình Bình đến dọn đồ giúp con gái, thấy một cái rương gỗ lim chạm trổ đẹp đẽ bị bỏ lại. Bà tiếc của trời nên mới sai lính hầu chở về nhà mình. Cứ nghĩ là của đổ mà hốt, ai ngờ mấy năm sau lại có người bới lông tìm vết, bị khép vào tội “Lấy đồ của hoàng cung”.

Theo luật, ai lấy trộm đồ của hoàng cung đều bị tội tử hình! Vụ việc này, ghép vào tội ấy quả thật cũng là khiên cưỡng hết sức. Nhưng khi đã muốn gán ép, thì khiên cưỡng bao nhiêu cũng gán ép bằng được. Nhất là, đằng sau việc này còn có Nguyễn Hữu Độ đốc thúc. Hữu Độ đang cùng chia quyền lực với Phan Đình Bình, nay loại được Bình, để một mình nắm Viện Cơ mật thì tốt biết bao.

Hai vợ chồng Phan Đình Bình bị xích tay, phơi dưới nắng hè gay gắt, luôn ba ngày chỉ được húp chút cháo cầm hơi. Qua ngày thứ tư, không thấy lính dẫn ra phơi nữa. Bẵng đi mấy hôm, đến ngày thứ sáu thì có tin: hai vợ chồng tuổi già sức yếu, không chịu nổi hành hạ, đã chết cùng một ngày trong nhà ngục!

Nguyễn Hữu Độ trở thành người đứng đầu trong triều. Con gái Độ, Nguyễn Hữu Thị Nga được tiến vào cung, chưa đầy một tháng sau đã được tấn phong ngay làm Hoàng quý phi, được vua ban cho kim bài khắc chữ “Kiêm nhiếp lục viện”.

- Kiêm nhiếp lục viện cái kiểu gì, Hoàng quý phi mới có mười lăm tuổi mà quản nổi lục viện sao? - Thiện phi bài bác - Phong cho người này người kia, tước này tước nọ đủ cả, mà chưa thấy Hoàng thượng đả động đến việc phong cho mẹ?

Hoàng đế tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Trẫm vừa lên ngôi đã phong ngay cho thân mẫu rồi mà!

Ý vua muốn nói đến việc phong cho mẹ đẻ là Phủ thiếp Bùi Thị Thanh lên tước Kiên Thái vương phi. Thiện phi sa sầm mặt:

- Hoàng thượng từ khi lên hai tuổi đã làm con nuôi tiên đế, Kiên Thái vương phi về danh nghĩa chỉ là hoàng thúc mẫu, thím của Hoàng thượng mà thôi. Còn mẫu phi đây mới chính là mẹ của Hoàng thượng!

- Vậy là mẫu phi muốn được gia phong?

- Tử quý thì mẫu vinh! Lẽ nào ta lại thua kém Nguyễn Thị Hương khi trước? Cứ xem như bên Tàu, vua Đồng Trị lên ngôi, mẹ đích được phong Thái hậu Từ An, thì mẹ ruột cũng được phong là Thái hậu Từ Hi, hai mẹ ngang nhau đó!

Nhà vua gật gù:

- Được rồi, để Trẫm hạ chỉ cho Tôn Nhân phủ.

Mấy hôm sau, có tờ tâu của phủ Tôn Nhân:

“Ngày không thể có hai mặt trời, đêm không thể có hai mặt trăng. Vua chỉ có một, mà quốc mẫu mỗi đời cũng chỉ có một. Nay theo di chiếu, sau Đức bà Từ Dụ là tổ mẫu, đã có Khiêm Thái hậu là mẹ đích của Hoàng thượng. Vậy ngôi quốc mẫu đã định theo thánh dụ rõ ràng. Về phần lệnh bà Thiện phi, tước hiệu “Thiện phi” là tiên đế phong cho, rất là cao quý. Kính tưởng ở trên hai chữ đó, không dám thêm chữ nào nữa.”

Vua đọc xong, mặt tươi roi rói, cầm bút lông chấm son phê ngay: “Lời tâu rất đúng, trẫm không thể không nghe.”

Tuần trăng tiếp theo, Thiện phi được lệnh lên xe trở lại Khiêm lăng, cùng với Học phi sống tiếp phần đời còn lại bên nấm mộ của Tiên đế Tự Đức.

Ngồi trên xe, Thiện phi ngoái nhìn lại hoàng cung, căm hờn:

- Đồ ăn cháo đá bát, để coi nữ thần phò hộ ngươi đến bao lâu?

 

Chương 64

Hữu Ngạo tập bắn súng

 

Nguyễn Chí mở mắt, không rõ mình đã ngủ một giấc sâu tự lúc nào? Định thần một lúc, chàng nhìn xuống phía cuối giường: bàn chân trái của mình không còn nữa.

Thì ra không phải mình ngủ, mà vừa qua một cơn hôn mê dài. Không biết nơi này là nơi nào đây?

Bõ già từ phía sau bước vào, tay bưng một bình nước sôi đang bốc khói, cúi xuống:

- Cậu Hai! Cậu thấy trong người ra sao? Còn đau nhiều không?

- Nhức tận tủy. - Chí bắt đầu có lại cảm giác.

- Lạy ơn Chúa. Chính bõ cũng không dám tin cậu qua khỏi. Cứ hết tỉnh lại mê, hết mê lại tỉnh mấy tháng nay rồi.

Nói rồi bõ già nhúng dải vải vào nước sôi, bắt đầu thay chỗ băng bó ở vết thương. Đau đến rát ruột, Chí nghiến răng. Chàng nhìn quanh: bốn bức phên tre gió lùa. Bên ngoài, tiếng mưa âm thầm trên cây lá. Thì ra bõ già đã cõng chàng về căn lều xa khuất trong khu nghĩa trang. Bõ kiên trì chữa vết thương cho Chí, chỉ bằng lá thuốc hái từ trong nghĩa địa.

- Vẫn chưa đi đâu được! Đánh nhau loạn xạ, đường sá tắc hết, muốn ra Quy Nhơn mua thuốc Tây cũng chịu. Nói thật, cậu Hai không chết là may lắm. - Bõ già nói.

- Joshua Cang chết rồi, Anna Thắm và thằng nhỏ giờ ra sao?

Nghe Chí hỏi, bõ già ngần ngừ mãi. Nói ra cái tin này, sợ e Chí đau lòng thêm. Bõ lòng vòng:

- Văn Thân đánh giết, đốt phá quá dữ, quân triều đình không đánh dẹp nổi, mà các quan của triều đình cũng nhiều người theo Văn Thân luôn! Cuối cùng Tây nó điều lính trong Nam ra. Tổng đốc Trần Bá Lộc chỉ huy, tay này dữ lắm, ruồng bớ giết chóc không thiếu cách gì không dám làm. Hai bên không ai thua ai, cứ sáng sáng đi ra đường cái lại thấy xác người vất vưởng, nhiều khi không biết xác bên nào.

- Tôi hỏi bõ, Anna Thắm giờ ở đâu, ra sao?

- Con bé Thắm… Anna Thắm thấy chồng chết thảm ngay trước mắt, từ đó hắn như điên, ai nói hắn cũng không nghe nữa rồi. Đứa nhỏ cũng chết non sau cái ngày xô xát đó. Bây giờ con Thắm đã bỏ làng bỏ xóm, theo quân của Trần Bá Lộc đi giết Văn Thân!

- Trời! - Chí điếng người, cảm giác đau ở chân nhức buốt dội lên tới tim. - Bõ ơi, tôi phải đi tìm con Thắm!

- Cậu Hai một chân, vết thương vẫn còn hành, đi đâu được? Vả lại, hắn bây giờ như ma như quỷ, không ai biết chính xác là ở đâu! Chỉ nghe nói hắn đã khét tiếng sát thủ không biết ghê tay, còn không ai rõ hắn thoạt đi thoạt về những nơi nào! 

Trời ơi, lẽ nào Cúc Tần này chết đi, lại có Cúc Tần khác tiếp nối? Oán thù thâm hận đời này qua kiếp khác, đến bao giờ mới tan?

Chí đau nhói trong lòng nhưng chỉ đành cắn răng nằm im, rồi lại nghĩ đến những điều Cúc Tần nói về Gia Phúc. Lúc ấy chưa kịp hỏi cho rõ ngọn ngành thì ả đã tung chiêu độc, rồi thì buộc lòng mình phải xuống tay… Thực hư không biết ra sao?

Vết thương cầm giữ Chí trong nghĩa trang Nước Nhỉ một thời gian dài. Bên ngoài, chiến sự vẫn căng thẳng. Trần Bá Lộc thẳng tay đàn áp. Lực lượng Văn Thân dần dần tan rã. Phần lớn các thủ lĩnh phải chạy ra phía Bắc. Nam Trung Bộ tạm yên thì Nghệ Tĩnh, Quảng Bình lại dấy lên.

Trong dinh sở Quảng Bình, Hoàng Tá Viêm gọi Hữu Ngạo đến, giao cho khẩu súng ngắn. “Tình hình ngày càng phức tạp, nhà ngươi hãy giữ cái này để bảo vệ chính mình.”

Loạt súng này do người Pháp trang bị cho các quan chức của triều đình, để chống lại sự đe dọa của lực lượng Văn Thân.

- Bẩm nghĩa phụ, con xin nhận lĩnh.

- Tốt. Người Tây sẽ đến huấn luyện cho chúng ta cách dùng súng lục.

Hữu Ngạo hơi hạ thấp ánh mắt, như ẩn giấu một chút ngượng ngùng. Hoàng Tá Viêm nhận thấy, ông chăm chú nhìn chàng trai trẻ.

- Vũ khí vô tình, không biết phân biệt đúng sai. Chỉ quan trọng là con người dùng nó để làm gì, đứng về phía ai. - Ông nói sau một lúc lặng yên.

- Dạ, con biết. Bởi vậy con mới băn khoăn! Băn khoăn cho con, và trước hết là cho... nghĩa phụ.

- Ngươi vẫn còn muốn theo vào rừng núi, gia nhập quân Cần Vương ư?

- Dạ, thực tình con rất muốn. Nhưng con vẫn còn nhiều điều phân vân. Thêm nữa, con đã thề: không bao giờ xa lìa nghĩa phụ.

- Nếu ngươi muốn đi, hãy để khẩu súng xuống, và đi. Còn ta, ta đã nói rõ, không bao giờ theo Thuyết. Tất cả những rối loạn, chém giết, đau thương này, là do y gây ra. Ngươi vẫn than phiền với ta, ước gì lực lượng Văn Thân Cần Vương ở các nơi đừng có những hành vi tàn ác, đừng giết đàn bà, trẻ con, đừng sát hại giáo dân vô tội. Thì đây, lời giải thích của ta: một kẻ đã tàn độc, thì cái công cuộc y dấy lên cho dẫu có hay có tốt cũng không khỏi mang mầm tàn độc. Nho sĩ Văn Thân, sau sự cuồng tín ban đầu, đã dần dần nhận ra sự ác, chính họ sẽ dần xa lìa, rồi phong trào sẽ tan. Rồi đây Thuyết sẽ chết trong cô đơn ở một góc rừng, sẽ không ai còn tôn xưng y nữa, trừ những kẻ cũng tàn độc như y!

Hữu Ngạo lặng im không trả lời, tay vẫn nắm chặt khẩu súng. Lời nghĩa phụ mình nói không sai. Ông đã đánh đúng vào chỗ đang lưỡng lự của chàng: chàng rất muốn cái vẻ vang của cuộc chiến đấu cứu nước, nhưng không muốn cứu nước bằng cách giết chóc.

Như đọc được suy nghĩ của Hữu Ngạo, Hoàng Tá Viêm tiếp lời:

- Ta dám giao súng cho ngươi, vì ta tin ngươi. Một người như ngươi sẽ không tự thỏa mãn cái tâm lý cứu nước bằng cách tàn sát bừa bãi. Cái cách đó dễ dàng quá, hèn hạ quá, không đáp ứng được khát vọng của ngươi đâu!

Hữu Ngạo ngước lên. Hai ánh mắt gặp nhau. Trong khoảng cách giữa chủ soái và thuộc cấp, cả hai cảm nhận được một tình phụ tử ấm áp gần gũi vô cùng.

Hữu Ngạo đeo bao súng vào thắt lưng, tra súng vào vỏ. “Dạ, con sẽ tập sử dụng, và sẽ bảo vệ nghĩa phụ khi cần đến.”

∞∞∞∞∞

 

Tôn Thất Thuyết không chết ở một góc rừng như Hoàng Tá Viêm dự báo. Định mệnh của ông là sống và sống lâu, để chứng kiến những người thân của mình chết, và có thời gian chiêm nghiệm lại lịch sử.

Chỉ trong vòng mấy tháng từ khi đến Tân Sở, Thuyết đã nhận ra cái trống trải của căn cứ này. Lính Pháp ráo riết đưa quân tấn công, kế hoạch xem Tân Sở là kinh đô kháng chiến của triều đình Huế đã hoàn toàn tan vỡ. Buộc lòng, Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi băng rừng ra Quảng Bình, rồi ở Quảng Bình cũng không yên, lại đi tiếp ra vùng sơn cước Hà Tĩnh.

Một chiều cuối đông, bảy tháng sau khi thất thủ kinh đô, Tôn Thất Thuyết giao nhà vua trẻ lại cho hai con trai hộ vệ, còn bản thân mình cải trang theo đường rừng ra Bắc. Đến Thanh Hóa, ông gặp lại Trần Xuân Soạn, cả hai cùng vượt biên giới qua Trung Hoa xin viện binh.

Trong rừng Hà Tĩnh chỉ còn lại một đội quân mỏng manh cùng ba thanh niên cầm đầu. Vua Hàm Nghi bắt đầu qua tuổi mười ba, được hộ vệ bởi hai con của Thuyết là Tôn Thất Thiệp mười sáu tuổi, và Tôn Thất Đàm hai mươi hai tuổi. Ba chàng trai trẻ bị vây ráp gắt gao, từ Hà Tĩnh lại phải tìm đường về Quảng Bình, ẩn náu gần khe Tà Bảo trong vùng núi Tuyên Hóa.

Thêm hai năm trôi qua trong thiếu thốn, đói khát. Hiểm nguy luôn ẩn nấp trong từng mô đá, từng ngọn cỏ. Có những lúc Tôn Thất Thiệp cảm thấy kiệt sức, chàng càu nhàu:

- Cả thân phụ lẫn thúc thúc đều đi, bỏ mặc vua tôi mình trong rừng sâu núi thẳm. Trông ngóng vời vợi, chẳng thấy viện binh đâu cả, cũng chẳng có một tin tức gì?

Tôn Thất Đàm trừng mắt:

- Em không được nói càn trước mặt Hoàng thượng. Chúng ta đã quyết giết Tây giữ nước, trước sau phải một lòng. Ai hèn nhát than vãn, hãy xem lưỡi kiếm của ta đây! Dù là huynh đệ cũng không ngoại lệ!

Tôn Thất Thiệp thấy anh trai can trường như vậy, trong lòng hổ thẹn, quay về phía nhà vua:

- Thần ngu muội lỡ lời, nhờ huynh trưởng dạy bảo đã tự biết mình sai. Xin Hoàng thượng tha tội. Thần xin thề giữ vững hùng tâm tráng chí, thà chết không lui.

Tôn Thất Đàm chú tâm nhìn sắc mặt vua Hàm Nghi. Nhưng vị Hoàng đế lưu vong mười lăm tuổi còn đang chìm trong suy nghĩ. Đã mấy tuần nay, cơn sốt rét cách nhật hành hạ, khiến da mặt ngài xanh lướt như màu lá.

Ngẩng lên, ngài nói:

- Trẫm có một nguyện vọng, hôm nay dặn hai khanh, hãy nhớ đừng quên.

Ba năm trong rừng, nhìn thấy bao nhiêu tướng sĩ đã chết để bảo vệ mình, vị Hoàng đế thiếu niên không còn ngây thơ như ngày thất thủ kinh đô. Ngài đã hiểu: mình là linh hồn của cuộc kháng chiến, nhiệm vụ lớn nhất của mình là phải tồn tại.

- Tâu, xin Hoàng thượng cứ phán truyền. - Thiệp và Đàm cúi rạp mình - Dẫu ăn mặc tồi tàn và đang ẩn náu trong lều tranh ven suối, hai anh em vẫn giữ đúng nghi lễ quân thần.

- Trẫm biết, trẫm còn sống là phong trào Cần vương còn sống. Nên trẫm hết sức giữ mình! Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, biết đâu có ngày nào đó trẫm sẽ rơi vào tay quân giặc. Lỡ ra chúng xúc phạm trẫm, thì cả nước sẽ mang nhục! Vì vậy trẫm dặn trước: nếu bọn Tây vào đây bắt trẫm, thì hai khanh hãy vung gươm giết trẫm ngay, đừng để trẫm rơi vào tay chúng nó!

Lời nói tha thiết của vua trẻ khiến hai anh em Đàm, Thiệp bất giác rơi lệ. Đàm  quỳ xuống:

- Xin Hoàng thượng chớ nên cả nghĩ. Chúng thần nhất quyết hộ vệ Hoàng thượng cho đến ngày kháng chiến thành công!

Đàm nói cứng để cho vua và em trai yên lòng, chứ thật ra tình hình lúc này đã khó khăn lắm. Tất cả lương thực chỉ còn trông cậy vào sự cung cấp của các bản Mường trong thung lũng. Quân bảo vệ cũng phải huy động dân Mường. Hiện giờ vùng này đã có dấu hiệu bị động ổ, quân Pháp ở đồn Minh Cầm liên tục tuần tiễu quanh đây.

Suy đi tính lại, mấy hôm sau Tôn Thất Đàm giao việc hộ vệ vua cho em trai cùng với cận vệ người Mường là Trương Quang Ngọc. Phần Đàm cùng mấy người thân tín theo đường thượng đạo ra Hà Tĩnh, định liên lạc với Lê Trực và Phan Đình Phùng, - sau khi được thả khỏi tù ở kinh đô, Phan Đình Phùng đã về Vụ Quang lập căn cứ chống Tây theo lời kêu gọi của dụ Cần Vương kháng chiến.

Đàm đi rồi, luôn mấy ngày mưa rừng tầm tã. Vua Hàm Nghi vẫn lên cơn sốt rét, nằm vùi trong lán. Tiếng mưa lê thê cứ rơi ào ạt trên mái tranh. Vua hé mắt, chỉ thấy Tôn Thất Thiệp mang kiếm ngồi hầu bên cạnh.

Thiệp vừa canh chừng, vừa trông ra ngoài cửa liếp mở hé, trong lòng lo âu: “Quái lạ, Trương Quang Ngọc về bản lấy gạo, sao đi đến giờ này chưa về?”

Chợt đột ngột có tiếng hô to, rồi một tiểu đội quân Pháp tông cửa xông vào, bủa vây. Trương Quang Ngọc dẫn đầu, chỉ thẳng tay vào vua.

“Bị phản rồi!” - Tôn Thất Thiệp kêu lên.

Nhớ lời vua dặn, Thiệp cầm kiếm lao vào định chém. Nhưng viên sĩ quan Pháp đã chĩa súng lục vào ngực Thiệp, bắn một phát xuyên tim.

Vua Hàm Nghi bị bắt.

Mới rời Tuyên Hóa được mấy dặm, Tôn Thất Đàm nghe tin dữ. Tuyệt vọng, chàng treo cổ, tự sát.

∞∞∞∞∞∞∞

 

Quân Văn Thân từ Nam Trung Bộ chạy ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, lại tiếp tục bị lính Tây và lính triều đình vây ráp.

Một buổi sáng tháng mười, lính dẫn một đoàn thủ lĩnh Nghĩa hội từ nhà ngục Sa Lung ra, chuẩn bị dẫn giải về thành Đồng Hới. Họ bị xích tay chung vào một khóa sắt, áo quần rách tả tơi. Trên những gương mặt hốc hác, vẻ căm thù chất chứa trong đôi mắt.

Đội trưởng áp giải vừa đến, nhảy xuống ngựa, kiểm tra lại tù nhân.

- Hãn Mã! - Một tù nhân ngẩng lên, gọi.

Hữu Ngạo giật mình. Ngay đầu hàng tù là Tri Kiểm.

Kiểm nhìn Hữu Ngạo, nhìn khẩu súng bên hông, rồi cười chua chát:

- Đệ vẫn nhớ cái tên Hãn Mã. Ngày ấy đệ thích cái tên ấy lắm. Hãn Mã là gọi tắt của Hãn huyết bảo mã, con ngựa quý đổ mồ hôi đỏ như máu, mỗi ngày đi được cả ngàn dặm. Tiếc thay con ngựa ấy bây giờ đã trở thành ngựa của giặc Tây!

- Đệ không nên nói vậy. Ta làm việc vì an toàn của dân Đại Nam. Nghĩa hội Văn Thân tiếng là phò vua, mà thực chất là làm loạn nước. Dân không đi lại làm ăn được, lương giáo tàn sát căm thù nhau. Có ích gì cho ai không?

- Cho là chúng ta có sai lầm đi nữa, lịch sử vẫn đứng về phía ta. Ít nhất ta cũng không đeo súng của Tây, không đem súng Tây đi bắt người Nam. Ngươi có tốt lành gì đi nữa, cũng mang tiếng theo giặc, sự nhơ nhuốc ấy một đời không rửa sạch! - Tri Kiểm cười khẩy.

Hữu Ngạo tức giận, rút súng, chĩa về phía Tri Kiểm.

“Đoành!”

Một tiếng nổ vang lên. Nếu không kể thời gian tập luyện, thì đây là phát súng đầu tiên của Ngạo.

Cả đoàn tù không khỏi bạc mặt. Khi trấn tĩnh lại, họ thấy cái khóa sắt buộc sợi xích đang xâu cả đoàn người vào cái trụ lớn đã bị bắn đứt lìa.

- Các người đi đi, hãy suy nghĩ, và đừng giết chóc nữa! - Hữu Ngạo nói.

Cái khóa chính đã bị phá, từng đoạn xiềng rơi xuống đất. Tri Kiểm và những bạn tù bàng hoàng...

Hữu Ngạo không nhìn ai cả, chàng quất ngựa phóng đi, khuất vào trong đám cây lá cuối đường. Đến một chỗ im vắng, chàng dừng ngựa, đưa súng lên mang tai mình, bóp cò.

Súng nổ. Hữu Ngạo đổ gục từ mình ngựa xuống đất.

Trong công đường tỉnh Quảng Bình, chiều hôm ấy Hoàng Tá Viêm được tin con nuôi đã tự sát. Ông nghẹn lời, chống hai tay xuống án thư, cúi mặt, hai vai rung rung. Ông hiểu, sự giằng xé đã vượt sức chịu đựng của chàng trai trẻ.

Và ông, dù không nói ra, ông cũng vậy.

Mấy hôm sau, Hoàng Tá Viêm viết đơn xin từ chức.

 

Chương 65

Bà lớn Mậu Tài

 

Năm 1888, ba năm sau ngày kinh đô thất thủ, rất nhiều đổi thay đã xảy ra.

Vua Hàm Nghi bị bắt. Triều đình Huế muốn đón vua về Kinh, nhưng người Pháp đã đưa thẳng vua lên tàu vào Lăng Cô rồi chở sang Algérie lưu đày.

Đức bà Từ Dụ đã về lại hoàng thành. Sau nhiều biến động dồn dập, bà bệnh nặng, nhiều ngày nằm liệt trong cung Gia Thọ.

Gia Hưng vương Hồng Hưu và con trai được cải táng, đưa về Huế chôn cất.

Ngày an táng, Gia Phúc cũng biết tin. Nàng muốn xin phép phu nhân đến thắp cho anh mình một nén nhang thơm. Nhưng phu nhân ngần ngừ:

- Hoàng gia đứng ra lo tang lễ Đức ông, chắc chắn nhiều người đến viếng. Con đến đó, không khỏi khiến người ta đàm tiếu. Chuyện cũ lại xáo xới lên, e là thêm tội cho linh hồn Đức ông đó con!

Gia Phúc ngậm ngùi nuốt tủi. Vậy là người anh thân thiết đã yên nghỉ, mà đứa em này không được lạy tiễn biệt một lần.

Phu nhân khẽ ho:

- Tri Kiểm cũng sắp về rồi! Loạn lạc đã yên, triều đình đã xuống lệnh đại xá thiên hạ. Lâu nay ta trông cháu mỏi mòn, cứ sợ hắn chết thì nòi Nguyễn Tri tiệt giống. Nay vậy là yên bụng rồi!

Gia Phúc đang ủ rũ chợt nghe tin vui, nàng mừng quá, vừa cười vừa rớt nước mắt. Nàng nhớ cái ngày đưa con vào Quảng Ngãi đồn trú, cứ ngỡ cùng lắm một năm thì về. Ai hay đã hơn ba năm ròng rã. 

Phu nhân đang vui vẻ, bảo Gia Phúc:

- Tri Kiểm nay lớn lắm rồi! Loạn lạc mãi nên chưa lo dựng vợ gả chồng được. Năm nay vào tuổi tốt, để rồi ta nói Nguyễn Ngọc đứng ra lo việc hôn nhân cho hắn! Lẽ ra thì hắn đã được tập tước Cẩm Y Hiệu Úy…

Phu nhân nói đến đó vội dừng. Là người phúc hậu, bà không nỡ làm ai đau xót. Nhưng Gia Phúc đã hiểu: Tri Kiểm đáng ra được hưởng tước Cẩm Y của cha, nhưng vì mẹ đang bị tội, thì con cũng bị truất phần.

Lủi thủi, nàng về lại nhà ngang. Đứa bé gái con nàng đã lên ba, nằm ngủ trên chiếc võng giăng cạnh guồng tơ. Nàng ngồi xuống bên. Mấy năm rồi, giờ nàng đã biết quay tơ, dệt cửi. Vừa đưa thoi, nàng vừa hoang mang nghĩ ngợi. Chiếc thoi vụt qua, đâm vào tay nàng, rỉ máu.

- Tri Kiểm về, biết được chuyện mẹ nó như vậy, rồi sẽ ra sao? Con lo lắm! Theo con, đứa nhỏ đã lên ba, nên tìm chỗ nào muốn nuôi thì ta đem bán đi, hoặc cho không cũng được! - Thanh Lam thì thầm.

Bây giờ phu nhân đã già, Thanh Lam là dâu trưởng, lo định đoạt hầu hết việc nhà.

Phu nhân gạt đi:

- Đem giấy gói được lửa sao? Trước sau Tri Kiểm cũng biết, che giấu làm sao được?

- Đành là không giấu được, nhưng cái đau khuất lấp còn có thể quên dần. Sự có mặt của đứa nhỏ trong dinh này, sẽ làm cho cái nhục không bao giờ nguôi được!

- Mạ cũng lo lắm! Nhưng mẫu tử tình thâm, chia rẽ cũng mang tội với Trời! Đành là phải chịu vậy thôi!

Gia Phúc đứng vịn sau tường, nghe hết câu chuyện. Nàng run run, lảo đảo dang xa ra, gắng gượng bưng khay trà bước đi...

Sáng hôm sau, dinh Nguyễn Tri lại có tin vui mới: Triều đình đã chuẩn y tha tội, khôi phục tước Công chúa cho Gia Phúc.

Một viên chức đưa lệnh tha tới, nói với phu nhân:

- Hoàng thượng chuẩn cho công chúa được phục tước, nhưng chỉ được hưởng một nửa lương bổng thôi. Sắc cũng do thừa biện chuyển tới chứ không có thái giám trong cung ra tuyên phong như quy lệ. Ấy là vì Hoàng thượng cho rằng việc tư thông với Đức ông Gia Hưng chắc là oan uổng, nhưng vẫn còn tội hòa gian thất tiết, vì vậy có tha cũng chỉ tha một nửa! Tước mới của công chúa là Phục Lễ, ý Hoàng thượng muốn răn bà chúa từ nay phải quay về với lễ giáo cương thường.

- Đa tạ ơn sâu của Hoàng thượng! Xin cho mụ hỏi, vậy còn thân phận đứa nhỏ thì sao?

- Đứa nhỏ thì vẫn là nô tỳ của nhà Nguyễn Tri, tùy quyền định đoạt của phu nhân.

Gia Phúc cuộn bức sắc phong vào tay áo, chầm chậm lê gót về lại chỗ cũ trong nhà ngang. Thanh Lam thấy vậy, bảo:

- Nay lại là bà chúa, vậy xin bà chớ đụng tay vào những việc này nữa. Chờ có lương mới, sẽ cho thu thêm mấy gia nhân để hầu bà.

- Cảm ơn… Cảm ơn mợ Cả đã tử tế với tôi trong bao lâu nay. - Gia Phúc ngập ngừng nói.

- Ấy chết, xin bà chúa đừng xưng hô như vậy, tôi lại mang tội. - Thanh Lam lúng túng.

Đêm ấy, khi mọi người đã say ngủ, Gia Phúc rón rén đến lạy bàn thờ phò mã, rồi trở ra gói ghém ít tiền của cho vào tay nải. Nàng nhẹ tay quấn con vào trước ngực. Bước tới một đoạn tường bao thấp nhất, nàng nhìn ra bên ngoài…

Trong vũng đêm, ánh trăng hạ tuần bắt đầu ló dạng, ánh sáng lờ mờ yếu ớt. Mình sẽ đi, sẽ đến một nơi khác, bắt đầu một cuộc đời khác, phần đời này đã hỏng mất rồi, có vá víu cũng chẳng ra gì. Gia Phúc nhớ đến lời Chí nói về một vùng đất hiền hòa, không có trộm cắp, không có nói dối, không ai thù hằn giết chóc ai. Mình sẽ tìm đến đó, sẽ dệt vải, sẽ nuôi ong, sẽ làm ra những thứ ấm áp và ngọt ngào.

Gia Phúc ngoái nhìn về phía hoàng cung. Mẫu hậu ơi, hãy tha thứ cho con, nhưng con không hợp với cái tên Phục Lễ này đâu, nó sẽ hiện lên như một cái nhãn hiệu đầy mỉa mai trên mặt con. Con không muốn làm nô tỳ, cũng không muốn nhận cái tước công chúa theo kiểu bố thí. Mãi mãi con là Đồng Xuân, dù là công chúa hay là dân thường. Con mãi giữ trong lòng hình ảnh mùa xuân rực rỡ mà ngày trước mẫu hậu đã vẽ ra trong tâm trí con…

Đứa bé hơi quậy mình, Gia Phúc vội vã vỗ về cho bé nằm im, rồi trèo lên chân tường, bíu tay lên đỉnh vách. “Mình thừa sức nhảy qua chỗ này”, nàng nhủ thầm.

 “Công chúa chỉ biết tung mình nhảy lên, thì sẽ không bao giờ nhảy được. Phải nhớ hơi thở là mẹ của đà nhảy. Hít mạnh, thót bụng, vận khí xuống đan điền, lúc ấy sẽ thấy mình nhẹ đi, rỗng đi. Khi luyện thành thục, sẽ thấy như đang cất mình bay lên!”. Sau khi Chí ra Bắc, nhiều lần nàng đã ôn lại lời dạy ấy, đã tập một mình trong nỗi nhớ, cho đến khi thành thục.

Gia Phúc hít mạnh một hơi, khí trời ban đêm thật ngọt lành. Nàng tâm niệm trong lòng: Mình sẽ bay lên… Sẽ bay lên!

 

∞∞∞∞∞∞∞

 

Mùa xuân năm Kỷ Sửu, Thanh Lam đang trông coi công việc trong nhà, bỗng nghe nói có người hỏi thăm.

Bước lên nhà trên, nàng trố mắt nhìn khi thấy người đàn ông râu ria, chống nạng đứng chờ trước hiên. Phải mất một lúc, Thanh Lam mới nhận ra đây là Hai Chí, vị gia tướng hùng dũng của dinh Nguyễn Tri ngày trước. Nàng bất giác đưa tay chạm vào khuôn mặt của chính mình, nhủ thầm: “Không lẽ thời gian qua nhanh vậy sao?”

Câu chuyện qua rất nhanh những thăm hỏi ban đầu, rồi đi vào chủ đề chính: Gia Phúc.

- Bà chúa đã nhận được sắc chỉ tha tội của Hoàng thượng, được phong là Phục Lễ công chúa! Không hiểu dại dột nghe ai xúi giục, đang đêm ôm con nhảy qua tường rào, không biết định đi đâu? - Thanh Lam kể.

Tội nghiệp Gia Phúc, nàng chưa bao giờ là một người học trò giỏi. Trước đây tập khinh công với Nguyễn Lâm, cả năm trời chưa nhảy lên được cái hố năm tấc. Sau này học với Chí, nàng biết vận khí đan điền, nhảy lên được đoạn thành thấp, cứ tự nghĩ mình đã thành công.

Nhưng lần này nàng đã quên tính trọng lượng của đứa con mà nàng quấn chặt trong lòng. Cũng may, đứa bé nằm trước ngực, chứ không địu sau lưng. Vì vậy khi Gia Phúc ngã ngửa đập đầu vào mô đá kiểng, thì bé gái vẫn an toàn, chỉ cựa quậy khóc mấy tiếng rồi lại ngủ yên trên ngực mẹ.

- Chuyện xảy ra đang đêm nên không ai biết. Đến khi trời sáng, phát hiện ra thì bà chúa đã cạn máu mà chết… - Thanh Lam chép miệng thở dài. Nàng hơi ngạc nhiên khi thấy vẻ đau đớn khác thường trên gương mặt phong trần của người gia tướng cũ. Tưởng như một nhát dao vừa đâm xuyên qua ngực chàng.

- Còn đứa nhỏ? Đứa con của... công chúa? - Chí hỏi, sau một khoảng câm lặng tê tái.

- Thật tình đứa nhỏ là nỗi khó xử của cả nhà Nguyễn Tri. Ai ra vào thấy nó đều hỏi han tò mò, khiến cái đau cái nhục không bao giờ quên được. Trước tôi đã định bán đi, nhưng phu nhân không đành lòng. Nay bà chúa đã mất, lại có một bà lớn không con đánh tiếng xin về làm con nuôi. Thấy vậy cũng ổn, tôi nói mãi phu nhân mới thuận theo.

- Bà lớn ấy là ai, ở đâu, mợ Cả có ghi lại không?

- Lúc ấy thì phu nhân đứng ra giao nhận, nên chỉ bà mới biết tung tích. Nay thì bà đã mắc bệnh quên, bao nhiêu chuyện cũ có hỏi cũng không nhớ gì nữa! Chỉ biết người đàn bà ấy sang trọng, giàu có lắm, hỏi tên tuổi thì chỉ xưng là bà lớn Mậu Tài. Còn thì tôi cũng không biết gì hơn. - Thanh Lam vừa nói, vừa tò mò tiếp tục quan sát vẻ mặt Chí.

Từ giã dinh Nguyễn Tri, Chí về làng Mậu Tài, hỏi thăm mãi nhưng không ai biết bà lớn ấy là ai.

- Làng Mậu Tài cũng nhiều người đỗ đạt làm quan, nhưng đã lên quan thì họ đều về ở kinh thành hết. Đây là đất quê, có ông lớn bà lớn mô đây mà tìm!

- Nghe nói mấy năm nay bình yên, nhiều người buôn bán làm ăn giàu lên, rồi họ cũng xưng bà lớn…

- Ở mô không biết, chứ làng Mậu Tài chỉ có làm ruộng với lại làm bông giấy Thanh Tiên, mỗi năm bán có một dịp Tết thôi, có mô mà giàu to cỡ đó!

Chí buồn rầu chống nạng quay đi. Cả trời chiều hoang lạnh mênh mông trên ngã ba sông.

Vậy là Gia Phúc đã lên trời. Một giọt hoắc hương sót lại trên đời nay cũng đã trôi dạt, biết tìm nơi đâu?

 

∞∞∞∞∞∞

 

Trong ngôi nhà tranh đơn sơ vừa dựng lại chưa lâu, Đoàn Châu đem bánh chưng ra mời Chí.

- Suýt nữa em không nhận ra anh! Kể từ lúc gặp anh trước ngày Sơn Tây thất thủ, đến bây giờ mới chưa đầy năm năm mà anh đã khác hẳn trước! - Châu vừa gắp dưa món, dưa cải ra dĩa, vừa rót rượu mời.

Chí vẫn còn chìm đắm trong nỗi buồn:

- Anh về Mậu Tài, nhân thẳng đường qua An Truyền, cũng chỉ nghĩ thăm lại cảnh cũ. Không ngờ lại gặp em ở đây! Em về quê lúc nào vậy?

- Hoàng Tá Viêm rút về Hưng Hóa rồi về Kinh, Lưu Vĩnh Phúc chạy lên Lạng Sơn rồi về Tàu. Mạng lưới của chùa Thanh Đình cũng tan. Lúc ấy em nghĩ tới nghĩ lui, quyết định không chạy theo quân Cờ Đen nữa. Em vào Thanh Hóa tìm đến chiến khu của Đinh Công Tráng. Được chưa đầy hai năm chiến khu cũng tan rã. Chưa biết lánh đi nơi nào, thì nghe có lệnh của triều đình ân xá các vụ đại án đã lâu quá hai mươi năm. Vậy là em về làng, dựng lại nếp nhà này…

Chí nhìn quanh. Nếp nhà cũng hao hao như mái nhà xưa, chỉ thiếu đi những hình bóng cũ: Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Nguyễn Lâm, Thể Cúc, và cả Đoàn Hữu Ngạo… Giờ họ chỉ còn là những linh hồn đang ngao du ở cõi bên kia.

Gió ngoài vườn vẫn thổi qua các hàng cau. Đoàn Châu trầm ngâm, nàng như đang nhìn ngược vào trong tâm tư mình:

- Em còn có một chuyện cần phải nói với anh. Nếu không nói, cả đời em vẫn trằn trọc không yên. Anh có biết tại sao khi về lại Sơn Tây, anh lại bị tướng Viêm tống giam không?

- Không. Chính đó là điều anh thắc mắc mãi.

- Chính là do em đó! Em… đã khóc cả ngày hôm ấy.

Châu kể lại hết ngọn ngành. Nàng nhìn Chí, chờ đợi một phản ứng giận dữ. Nhưng chàng chỉ nghe… và nhìn đăm đăm ra khoảng không trước mặt.

Đã trải qua quá nhiều gian nan, đau đớn, mất mát. Đã chứng kiến quá nhiều oan khiên, lầm lạc, tàn khốc. Giờ đây dường như Chí không còn biết oán ghét, căm hờn hay trách móc. Chỉ còn lại một nỗi xót xa vô bờ bến.

Trong lòng chàng vang lên lời kinh nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Bỗng có tiếng động khẽ từ trong bức phên ngăn sau lưng Châu. Nàng đứng dậy, vào trong, phút chốc bước ra, tay bồng một đứa bé đang còn ngái ngủ.

- Về Huế, nghe đồn đãi, em đã biết câu chuyện của công chúa Gia Phúc. Em đã quyết định, sẽ làm một việc để chuộc lỗi với anh.

- Trời ơi… - Khuôn mặt lầm lì của Chí bừng lên, kinh ngạc. - Thì ra… bà lớn Mậu Tài chính là em?

Đoàn Châu cười:

- Anh biết tài cải trang của em rồi chứ? Hóa trang thành sư ông, em còn làm được, thì nay hóa trang thành quý bà giàu có chỉ là chuyện nhỏ! Em cố ý xưng là bà lớn Mậu Tài, vì biết nếu có ngày anh về tìm, thì từ Mậu Tài thế nào anh cũng sẽ ghé qua đây.

Chí mừng đến rụng rời. Chàng nghẹn ngào:

- Đa tạ em Châu… Bây giờ trên đời anh chỉ còn có nó.

Đoàn Châu rưng rưng, ôm siết đứa bé vào lòng:

- Em cũng vậy. Hồi còn ở trong nhà tù, em bị bọn cai ngục dùng cực hình tra khảo. Bởi vậy em không lấy ai, có lấy ai cũng cả đời không sinh nở được. Bây giờ, trên đời em cũng chỉ còn có nó…

 

Vĩ thanh

Quán bên đường

          

Đồng Khánh làm vua chỉ được ba năm thì băng hà. Được sự ủng hộ của Thái hoàng thái hậu Từ Dụ, Hoàng tôn Bửu Lân được tôn lên ngôi, tức là vua Thành Thái.

          Trong cuốn lịch ban sóc đầu năm của triều đình Huế, đã có ghi thêm ngày tháng dương lịch. Nước Đại Nam đang dần nhập vào vận hành chung của thế giới…

Bên bờ Nam sông Hương, năm vừa qua xuất hiện một lữ quán khang trang. Nơi đây có chỗ nghỉ, chỗ ăn, và tàu ngựa cho thuê để đỡ chân cho khách lữ hành. Tuy trong thành nhiều nhà trọ, nhưng quán này vẫn đông khách nhất. Nghe đồn, nhà quán tính giá cả phải chăng, đồng thời chỗ trú cũng rất an toàn. Một lần nọ có hai ba kẻ gian rủ nhau xông vào cướp của. Chủ quán què chân, chỉ ngồi chận ngang cửa, hai tay dùng nạng gỗ chống trả, lũ gian lui chạy hết.

... Mùa thu năm trước, một đêm ở làng An Truyền, Đoàn Châu chờ bé Đồng Xuân ngủ say. Nàng bấm Chí xuống bếp, cùng đào dưới nền đất, lấy lên một gói vuông chừng bằng nửa viên gạch:

- Đây là số vàng mà Đại tướng Hoàng Tá Viêm thưởng cho anh ngày xưa. Em vẫn còn giữ đến bây giờ. Theo anh, ta dùng vàng này làm gì cho phải?

- Thì mấy hôm nay anh đã bàn với em đó. Đất nước tuy đã yên, nhưng cái yên này chỉ là cái yên tạm thời, đường vẫn còn dài. Có điều giờ mình đã lớn tuổi, không ngược Bắc xuôi Nam được nữa. Vậy mình dùng của này, mở một lữ quán, làm chỗ giao kết với khách giang hồ nghĩa khí!

Hơn mười năm sau…

Cầu gỗ Trường Tiền đã được xây lại bằng thép. Chợ Đông Ba đã dời từ cửa Chính Đông đến bên cầu Gia Hội. Trên đường phố, những chiếc xe kéo, xe xích lô xuất hiện, thay dần những chiếc xe ngựa ngày xưa.

Hôm nay kinh thành nhộn nhịp hẳn lên! Cổng Thượng Tứ, cổng Thể Nhơn người ra vào tấp nập. Bên bờ Nam sông Hương, cái quán của đôi vợ chồng “giang hồ gác kiếm” cũng mở cửa sớm: mới tinh mơ đã có mấy người khách khăn gói đến gọi cửa, chắc họ đến từ xa lắm.

Cô bé Đồng Xuân, nay đã mười lăm tuổi, ra mở cửa. Ba thầy khóa vai mang lều chõng đứng chờ trước hiên. Cô bé chắp tay chào, rồi vội lùi vào trong, thưa với cha.

Nguyễn Chí bước ra, rót nước mời khách.

- Năm nay Hoàng thượng mở ân khoa thi Hội, chắc các thầy khóa lai kinh ứng thí? Chẳng hay quê quán ở đâu, có xa lắm không?

Thấy chủ quán thân thiện, cả ba chàng trai cởi mở:

- Vâng, thưa bác, cháu là Ngô Đức Kế, người ở làng Nghèn, Hà Tĩnh.

- Còn tôi là Nguyễn Sinh Sắc, cũng quê Hà Tĩnh nhưng ở làng Kim Liên!

- Cháu là Phan Châu Trinh, quê Quảng Nam!

Hà Tĩnh, Quảng Nam… Nguyễn Chí nhớ lại những địa danh mà trước kia mình đã từng qua. Ký ức giang hồ hiện về. Ngày ấy, cách đây bốn mươi năm, mình và Nguyễn Lâm cùng anh em Đoàn Trưng khi lần đầu gặp nhau, cũng sôi nổi và trẻ trung như những chàng trai này…

Mùi thơm hấp dẫn tỏa lan khắp quán. Trong bếp, nồi bún bò của Đoàn Châu vừa sôi. Châu múc ra tô, lựa toàn những khúc giò ngon, cho thêm ớt tươi và nước mắm ruốc.

Chí bây giờ đã sáu mươi ba tuổi, thỉnh thoảng hay quên, chứ Châu chỉ nghe tiếng nói cũng nhận ra mấy nho sinh từng lui tới đây từ kỳ thi Hương năm ngoái. Sở dĩ bà nhớ rõ, là vì mấy thầy khóa này hay đàm luận thế sự, trong câu chuyện thường xuyên nhắc mấy chữ rất lạ tai: “Dân sinh” “Dân trí” “Dân quyền”…

Đồng Xuân bưng mâm lên, cô bé đặt xuống bàn rồi lễ phép thưa:

- Bẩm, mâm điểm tâm này xin mời các thầy, nhà quán không tính tiền!

- Ủa sao vậy? - Ba chàng trai ngẩng lên ngạc nhiên.

-  Dạ… - Lúc trao mâm Đoàn Châu đã dặn con nói rằng “Nhà quán chúc quý thầy vào trường thi may mắn, thành công thành danh, để giúp dân giúp nước sau này!” Vậy nhưng giờ đây đứng trước mặt khách, Đồng Xuân quên mất. Bẽn lẽn chẳng nói được gì, cô bé chỉ biết chúm chím cười rồi lẩn thật nhanh vào trong.

Ngoài cửa sổ, nắng đã lên, một ngày mới bắt đầu…

HẾT

 

* Lời tòa soạn:

Thay mặt bạn đọc, Văn Hóa Online trân trọng cảm tạ Nhà Văn Trần Thùy Mai đã hoan hỷ cống hiến cho độc giả toàn bộ hai bộ trường thiên Tiểu thuyết Lịch sử “Từ Dụ Thái Hậu” và “Công Chua Đồng Xuân”.

Số lượng bạn đọc truy cập hai bộ tiểu thuyết lịch sử lên tới hàng vạn người.

Tòa soạn VHO hy vọng sẽ nhận được tiếp các sáng tác mới của Nhà Văn Trần Thùy Mai. Trân trọng. (lkt)
21 Tháng Mười 2024(Xem: 1284)
11 Tháng Mười 2024(Xem: 1306)