Tôi nhìn thấy nơi Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh: “Không có nền Văn Hóa nào cao cả nào bằng Văn Hóa Thương Người”

22 Tháng Hai 20258:08 SA(Xem: 535)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA NGHỆ THUẬT - THỨ BẨY 22 FEB 2025


Tôi nhìn thấy nơi Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh: “Không có nền Văn Hóa nào cao cả bằng Văn Hóa Thương Người”

image008

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

22/2/2025


image009Chân dung Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh. Ảnh trích từ Hồi ký của Sơ.


Bài viết ngắn này gởi đến Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh ở Tp. Atlanta, Georgia.


Thưa Sơ,


Có thể cho rằng đó là một ngẫu duyên tôi gặp được Sơ, – ở một quán cà phê Pháp trên đại lộ Bolsa thành phố Westminster, Little Saigon, miền nam California hôm Chủ Nhật 16/2/2025, – thay vì ở Atlanta tiểu bang Georgia; và cũng thay vì là thuyền nhân, tôi và gia đình tôi thuộc diện H.O (trọc đầu) được Hội tù nhân chính trị bảo lãnh và Linh mục Vũ Đình Trác giúp đỡ – làm lễ Noel năm 1991 tại nhà thờ Westminster, tp. Westminster, Quận Cam.


Nhưng trước hết, tôi phải cám ơn anh Nguyễn Văn Lực (ở San Diego), người bạn mà tôi quen biết trong các sinh hoạt cộng đồng ở nam Cali khá lâu và người bạn mới Phan Thanh Gương. Gặp Lực ở quán cà phê, Lực mừng và nói đang có một cuộc gặp gỡ với Sơ Mỹ Hạnh từ thành phố Atlanta mới qua, hiện Sơ bạn đang ngồi bên trong quán cùng với một số cựu thuyền nhân.


Nghe nói đến ‘chữ Sơ’, tôi chạy vào ngay.


Thật bất ngờ và xúc động, tôi muốn gặp lại hình bóng một Bà Sơ mà cách đây gần 30 năm tôi chưa hề gặp lại. Thú thật, hình bóng của các Bà Sơ hiền dịu nằm sâu trong tâm khảm tôi. Tôi cho rằng, hình như Thượng Đế sinh ra con người thì cùng một lúc sinh ra Bà Sơ.


Nhưng tiếc rằng đó không phải là Bà Sơ cách đây gần 30 năm mà là Bà Sơ nổi tiếng khác: Sơ Mỹ Hạnh – Sr Christine Trương Mỹ Hạnh.


Tôi chào Sơ và trước mắt tôi là một nụ cười – nở rộng, toát ra vẻ hiền dịu, thân thiết, như từ lâu lắm bây giờ mới gặp lại.


Tôi kính chào Sơ và nói – tôi đã nghe được tên của Sơ lâu lắm, thoáng qua ở trại tỵ nạn thuyền nhân trên đảo Palawan. Sơ mở to đôi mắt ra nhìn tôi.


Sau đó, anh Lực giới thiệu một số người mà anh gọi là các cựu thuyền nhân ở trại “Chi Ma Wan”, trại độc thân “nam Heiling Chau”, “trại cấm”, … Đặc biệt có một phụ nữ ngồi bên cạnh Sơ cũng có nụ cươi tươi, cô Christine Thế Thủy, Giám đốc sở học chánh Tp Westminster.


Một cựu thuyền nhân trao cho tôi một cuốn sách và nói – đây là cuốn hồi ký của Sơ Mỹ Hạnh. Tôi hơi ngạc nhiên và ngắm nghía cuốn hồi ký bìa màu xanh với hàng chữ: “Cho Cây Đời Thêm Xanh”, giữa trang bìa là chân dung tác giả đang nở nụ cười “bao la”.


Tôi cám ơn và lấy ngay cây bút ra đưa cho Sơ, không một chút ngần ngại, Sơ ký tên vào trang sách tặng tôi. Bỗng có người khách khác đến hơi ồn ào, tôi cảm thấy, nên rút lui nhường không gian cho người ấy và đi ra ngoài bàn cà phê của tôi, chậm rãi hút điếu thuốc.


Nhưng một ý nghĩ thoáng qua, rất mau …    


Moi trong ký ức những hình ảnh hiện ra cách đây khoảng gần 30 năm, tôi có dịp đi làm phóng sự về Thuyền nhân ở một trại tỵ nạn thuyền nhân trên đảo Palawan; tiền thân của trại này là một căn cứ cũ của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, sau khi họ rút, bàn giao lại cho chính phủ Philippines. Toàn trại lợp bằng cây nứa, lá tranh, hiện đang dung chứa khoảng 2000 thuyền nhân vượt biển khắp nơi, họ đang được chính phủ Phi và Liên Hiệp Quốc nuôi dưỡng.


Hình ảnh chính gợi lên trong tôi là Bà Sơ giám đốc trại: Sơ Pascal Lê Thị Tríu. Sơ có dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo và khá đẹp với đôi mắt kiếng trắng trí thức.


Nhưng khi gặp Sơ Mỹ Hạnh, tôi bỗng có ý nghĩ “so sánh” vụt qua, hai Bà Sơ này khá khác biệt: Sơ Pascal có vẻ nghiêm nghị, ít cười, Sơ Christine thì mới gặp là nở ngay nụ cười – nụ cười hiền.


Thật ra Sơ Pascal Lê Thị Tríu rất tận tụy trong các chương trình giúp đỡ đời sống cho thuyền nhân, đặc biệt Sơ Pascal đã sáng lập ra Làng Việt Nam ở trên đảo Palawan, Sơ chuẩn bị cho trường hợp nếu một khi Liên hiệp Quốc và quốc gia đệ tam không còn có chính sách tiếp nhận thuyền nhân nữa thì sẽ tái định cư thuyền nhân ở Palawan.


Ở trại Palawan, trong thời gian tôi đi công tác làm phóng sự đã xảy ra chuyện cưỡng bức thuyền nhân trở về Việt Nam, họ đã phải đào hầm trốn ở trong trại. Tối có quay phim và rất tiếc ….


Các cựu thuyền nhân từng ở trại Hong Kong và khi tôi ở trại Palawan, tôi đã nghe đồng bào nói không sai về Sơ Mỹ Hạnh: Nhân cách của Sơ lúc nào cũng toát ra tình thương yêu đằm thắm, dày lòng chăm sóc, gúp đỡ tận tình cho thuyền nhân. Sơ xem họ như con.


Hóa ra, khi đất nước Việt Nam đảo lộn, quay cuồng, khổ ải, sinh ra thế kỷ thuyền nhân và trại tỵ nạn mọc lên, Bà Sơ chính là hình bóng độ lượng giang rộng vòng tay nhân ái, hy sinh cả cuộc đời, cặm cụi từng ngày, từng tháng, từng năm dài, đến với hàng ngàn, hàng vạn, hàng trăm ngàn con người đau khổ đi tìm tự do, đi tìm đất sống.


Bà Sơ chính là con người mà Thượng Đế đã chỉ định nhân cách và nhiệm vụ. Đối với người Việt Nam, Bà Sơ thật hơn, gần gũi hơn, là nhân cách của một bà Mẹ, Bà Mẹ Việt Nam. Nhiều thuyền nhân đã gọi Sơ là Mẹ.


Chắc chắn, hình bóng các Bà Sơ không thể nào phai mờ trong trí óc và tâm hồn thuyền nhân.


Riêng tôi, Bà Sơ - Bà Mẹ Việt Nam, Bà là biểu tượng muôn đời của một nền “Văn Hóa Thương Người Cao Cả” mà không có nền văn hóa nào sánh được.


*


Dưới đây là một số hình ảnh do anh Nguyễn Văn Lực cung cấp cho báo Văn Hóa Online trong buổi gặp gỡ Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh hôm Chủ Nhật 16/2/2025.


image013Bà Thế Thủy trao bằng Tưởng Lục vinh danh sự phụng sự nhân quần xã hội suốt đời của Sơ Christine Trương Mỹ Hạnh.


image015Sơ Trương Mỹ Hạnh trao tặng bà Thế Thủy cuốn Hồi Ký - Sơ là tác giả.


image017Sơ Trương Mỹ Hạnh đứng giữa chụp hình kỷ niệm với các thân hữu và cựu thuyền nhân.


image019Sơ Trương Mỹ Hạnh (thứ hai bên trái) chụp hình kỷ niệm với các cựu thuyền nhân.


**


Nhân đây, tôi xin phép gởi đến Sơ vài bức hình ở trại tỵ nạn thuyền nhân Palawan, Philippines.


image021Cổng trại tỵ nạn thuyền nhân trên đảo Palawan, Philippines. Ảnh LKT.


image023Sơ Pascal Lê Thị Tríu đang làm việc với các thuyền nhân. Ảnh LKT.


image025Bổn báo Lý Kiến Trúc (góc trái đang chụp hình) đang thực hiện cuộc phóng sự Làng Thuyền nhân trên đảo Palawan. Tác giả đưa máy ảnh cho một thuyền nhân chụp giùm.
21 Tháng Mười 2024(Xem: 1283)
11 Tháng Mười 2024(Xem: 1305)