Phạm Gia Đại: “Hồi ký - Những người tù cuối cùng và Người muôn năm cũ”

22 Tháng Bảy 20247:10 SA(Xem: 576)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ HAI 22 JULY 2024


Phạm Gia Đại: “Hồi ký - Những người tù cuối cùng và Người muôn năm cũ”

image013

Nhà văn Phạm Gia Đại


image014Bìa trước (trái) sách Hồi ký Những Người Tù Cuối Cùng và Người Muôn Năm Cũ


image016Bìa sau (trái) Hồi ký Người Muôn Năm Cũ  và Những Người Tù Cuối Cùng.


Liên lạc tác giả:

Email: nguoitucuoicung17@gmail.com

Cell: (714) 797-3392


*


Ký giả Kiều Mỹ Duyên viết Lời tựa


Nhà văn viết truyện bằng trái tim của mình bao giờ cũng làm độc giả xúc động. Viết về con người sẽ gần gũi với thực tế vì sự sống ngắn ngủi, đời sống bận rộn làm độc giả không thích chuyện trên mây mà thích đọc hay nghe chuyện ở trần gian trong cuộc sống bình thường.


Kính mời quý độc giả đọc quyển hồi ký thứ hai với tựa đề “Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại, một quyển sách rất lãng mạn, trữ tình. Mỗi chương đưa độc giả đến một mảnh đời khác nhau, nhưng là đời sống thật, hiện hữu trên trần gian này, nơi nào cũng có thể xảy ra.


Hồi Ký Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại gồm 17 chương, chia thành 2 phần: Phần I có 11 chương, gồm những bài viết về gia đình, về người thân, bằng hữu, về những hồi ức trong tù, về những ký ức tuổi trẻ. Phần II gồm 6 bài về sinh hoạt ở hải ngoại. Chương nào cũng có sự hấp dẫn, thu hút riêng của nó.


Chương 1- Phần I: “Đỉnh Núi Sương Mù” xem xong độc giả muốn hỏi tại sao cuộc đời này con người vẫn còn bị khổ ải đến cùng cực, mà sự sống vẫn vươn lên được? Tôi đã đọc một lúc từ chương 1 đến chương 17, mà không thể cầm được nước mắt.


Tác giả, nhà văn Phạm Gia Đại với khuôn mặt có vẻ lạnh lùng nơi đám đông nhưng là người con với trái tim nồng ấm, đại hiếu thảo với cha mẹ, có niềm tin mãnh liệt ở tôn giáo, kính trọng các vị lãnh đạo Phật Giáo. Ông may mắn gặp Thượng Tọa Thích Thanh Long, Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo, và Thầy Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Thiện Chánh, những vị lãnh đạo tinh thần với tấm lòng quảng đại đã giúp những người tù có niềm tin để sống, để vượt qua những sự đọa đày đến chín tầng địa ngục trong các trại giam của Cộng Sản.


Hãy đọc hồi ký “Người Muôn Năm Cũ” để thấy mình hạnh phúc, may mắn hơn nhiều người trên thế gian này. Những câu chuyện tiếp theo trong phần I như


“Đông Y Tây Y”, “Phép Mầu Nhiệm”, “Cô Út Biên”, “Khoa học Tâm Linh Huyền Bí”, “Ngôi Chùa Bỏ Hoang”, “Gia Đình Tôi”, “Bõ Già Làng Đông Ngạc”, “Người Muôn Năm Cũ”, “Chủ Nghĩa Diệt Chủng”, “Đất Lành Chim Đậu” rất gần gũi, bình dị, là những truyện xảy ra trong gia đình, làng quê nơi tác giả sinh ra và lớn lên.


Phần 2 là những bài viết về sinh hoạt ở hải ngoại, ở vùng trời mới miền Nam California như “Tháng Tư Lại Về”, “Tiếng Mưa Đêm”, “Ấm Trà Bát Nhã”, “Hoài Niệm Những Mùa Xuân”, “Bông Hồng Thắm Cho Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm Chiến Thắng An Lộc”, và “Lễ Viếng Mộ 81 Chiến Sĩ Nhẩy Dù”-


Tôi tin vào định mệnh, vào sự an bài của một Đấng Sáng Tạo thật quyền uy ở trên trời, và tin rằng ngay cả nơi ở của mình cũng định sẵn, đã dành sẵn cho mình (Tiếng Mưa Đêm”.


Nhiều kỷ niệm, cho dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng vẫn như còn đâu đây trong tâm trí, và làm chúng ta cảm xúc mỗi khi hồi tưởng (Hoài Niệm Những Mùa Xuân).


Những niềm vui khi tác giả tìm thấy được mục đích sống qua việc tham dự các đại hội, gặp lại các anh em chiến hữu đồng chí hướng, được tường thuật rất chi tiết và sống động.


Cố gắng để sinh tồn, để vươn lên dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Trong khốn cùng mới thấy nghị lực phi thường, sự can cường và sĩ khí của người tù. Hãy đọc Hồi Ký “Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại để thấy đời vẫn đẹp sao, để thấy rằng mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc. Hãy tu nhân tích đức để mai này ra đi nếu được trở lại trần gian sẽ không phải trầm luân và có cuộc đời an vui hạnh phúc.


Ký Giả Kiều Mỹ Duyên


**


Tùy bút


Ấm Trà Bát Nhã


Tác giả: Phạm Gia Đại

image018

Nhiều kỷ niệm, cho dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng vẫn như còn đâu đây trong tâm trí, và làm chúng ta cảm xúc mỗi khi hồi tưởng. Hôm nay là ngày cuối năm 2022, tờ lịch cuối cùng vừa rơi xuống. Năm 2022 sẽ đi vào dĩ vãng, một năm qua đi như những năm khác đã qua đi trong đời, không để lại dấu ấn gì sâu đậm. Thế nhưng trong cái ngày cuối năm ấy, tôi lại nhận được một món quà bất ngờ và thật quý giá của Tình Bạn, gửi đến cho tôi từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Đó là một ấm trà và những gói trà đặc biệt của một người bạn học từ thời niên thiếu, với biệt danh Nê Ru, khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường của ngôi trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Trần Lục ở vùng Tân Định, Sài Gòn, miền Nam nước Việt. Những gói trà đã đặc biệt nhưng chính cái ấm trà Bát Nhã mới làm cho tôi xúc động khi đọc những hàng chữ bạn mình viết và bỏ trong cái thùng xốp cứng được sơn ngụy trang rất khéo léo mầu cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, gửi qua Mỹ từ thành phố Phan Rang, mà tôi vẫn còn cất trong kho.


Kỷ niệm thời học trò sống lại trong tôi với khung cảnh những năm cuối thập niên năm mươi qua sáu mươi tại trường Trần Lục. Tôi bắt đầu thân với các bạn trong đó có Nê Ru từ lớp Đệ Lục. Tình bạn nói chung thời đó sao thật đơn sơ và mộc mạc nhưng sao thắm thiết khó quên. Đa số đều thuộc gia đình công chức đủ ăn đủ mặc, nên chấp nhận một đời học sinh giản dị và những trò chơi cũng bình dân và đầu óc sao thật trong sáng. Nhớ lại thời đó, mỗi khi đến giờ ra chơi, chúng tôi lại tụm năm tụm ba với nhau để đánh đáo, bắn bi, đánh khăng là những trò chơi rẻ tiền nhưng đem lại thật nhiều thích thú, chẳng sao quên được. Trò chơi đánh khăng có lẽ giờ đây đã phai nhạt trong trí nhớ nhiều người, nhưng đó là thú vui mà chúng tôi thích nhất. Trò chơi đánh khăng chỉ có vậy mà mỗi khi đến giờ ra chơi là thằng nào cũng nhăm nhăm chạy ra trước để giành sân chơi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của những người bạn thời niên thiếu, trong đó có Nê Ru bên cạnh những trò chơi ấy. Những tháng ngày đi học đó sao giản dị mà lại thật êm đềm mãi còn trong ký ức.
Dạo ấy chúng tôi gọi nó là Nê Ru là Mũi Đỏ vì nó có cái mũi có những đường gân đỏ -Nez Rouge, sau gọi quen riết đến quên cả tên thật của nó, và nhiều tên khác lớp cứ tưởng nó là lai Ấn Độ giống ông Thủ Tướng Nê Ru nên gọi như vậy.


Sau ngày chúng tôi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp tại Trường Trung Học Trần Lục, tôi ít có dịp gặp lại nó, rồi lên Đệ Nhị Cấp vào Trường Chu Văn An, và từ đó bặt tin nhau. Thời gian của những năm 1958-1962, hệ thống giáo dục tại miền Nam đòi hỏi phải thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp - sau khi học xong lớp Đệ Tứ, mới được vào lớp Đệ Tam của Đệ Nhị Cấp. Trường Trần Lục thời ấy chỉ có đến Đệ Tứ, nên sau khi thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp với hạng “Bình”, tôi được nhận vào Đệ Tam trường Chu Văn An trên đường Minh Mạng, Chợ Lớn. Nê Ru hình như nó cũng chỉ vào Chu Văn An có một năm rồi biến mất.


Tháng Tư năm 1975 mất miền Nam vào tay Cộng Sản, chúng tôi những cựu học sinh Trần Lục và Chu Văn An tan hàng, mỗi đứa đi một ngả. Nê Ru rất may mắn di tản được trong những ngày Sài Gòn đang hấp hối, còn tôi chờ đợi ngày vào tù, và tưởng rằng chẳng bao giờ còn gặp lại được những thằng bạn cũ thời niên thiếu.


Sau mười bảy năm tù ra khỏi trại giam tập trung, về lại Sài Gòn hơn một năm, tôi được đi định cư tại Mỹ theo chương trình nhân đạo của chính phủ Mỹ H.O. 17 vào năm 1993 và từ đó ở miền Nam California. Vài năm sau, tình cờ đọc trên một tờ nhật báo tại địa phương thấy tin Tìm Bạn của nhóm Trần Lục. Tôi vội liên lạc thì may mắn nối lại được với thằng bạn cùng học chung lớp Bê Bối (B-4) ngày xưa là Phan Kim Tân, và từ đó có dịp tổ chức những hội ngộ nho nhỏ tại tư gia của các bạn bè và gặp lai bao nhiêu bạn cũ thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Chúng tôi đã lập ra nhóm Trần Lục-CVA tập hợp được trên bốn mươi tên để lâu lâu gặp nhau hàn huyên chuyện cũ, và xem thằng nào còn thằng nào mất.


Trong những lần hội ngộ, lúc nào cũng có Nê Ru, nhưng khoảng hơn mười năm sau, không hiểu sao nó chán đời và thất chí thế nào mà tuyên bố với bạn bè rằng nó sẽ về Việt Nam sinh sống và goodbye mọi người rồi bặt tin luôn từ đó chẳng biết nó sống chết ra sao. Khoảng chục năm sau, nó qua Mỹ chơi, tôi có gặp lại trong một bữa ăn trưa tại Nam Cali rồi thôi.


Bẵng đi hơn chục năm nữa, rồi một ngày đẹp trời bỗng tôi nhận được email của nó nói có rảnh không thì nó sẽ tâm sự vụn. Tôi nói OK thế là bầu tâm sự nó tràn lan như thủy triều dâng. Tính tôi vốn chiều bạn, nên cứ để nó nói chuyện trên trời dưới đất. Một ngày đẹp trời khác nó hỏi “tôi có biết uống trà không?” Từ đó tôi mới biết hơn mười năm trước nó bị stroke nặng, tê liệt hầu như toàn thân, tưởng đi thăm ông bà rồi, nhưng nhờ có ông thầy châm cứu tại Phan Rang tình cờ gặp nó trên Đà Lạt nên tạm chữa cho nó, và nói phải kiên nhẫn một hai năm châm cứu liên tục mới hy vọng khỏi được. Thế là nó quyết định bán nhà ở Đà Lạt dọn về gần nơi ông thầy này ở Phan Rang để nhờ tiếp tục công việc châm cứu dài hạn. Sau hai năm, quả là phép lạ, nó hoàn toàn bình phục, và một hôm nó chợt nhớ đến tôi và liên lạc qua email rồi gọi qua Viber nói chuyện tầm phào với tôi và nói cho tôi biết nó đã gửi hai loại trà quý và chiếc ấm rất quý cho tôi “nhậm xà”.
Trong mười hai năm sống lưu đầy biệt xứ tại miền Bắc, sau khi miền Nam sụp đổ, tôi đã biết thế nào là uống trà, là thưởng thức trà, nên rồi qua những email trao đổi về trà, không ngờ tôi và nó trở thành một thứ tri kỷ nửa mùa về trà. Nửa mùa bởi lẽ tôi đã biết uống đủ loại trà ngon nhưng so với nó thì tôi chưa sánh được vì nó là hàng cao thủ, vì nó vừa biết những loại trà ngon quý hiếm là loại nào, mua ở đâu, vừa biết những loại ấm trà cổ nào để pha những loại trà hiếm đó nữa thì mới đủ bộ.


Rồi tôi bận việc quá cũng quên đi, cho tới một hôm vào ngày cuối năm nhận được giấy bưu điện báo có một package gửi đến tôi không có người nhận. Hai hôm sau tôi đến bưu điện ở thành phố Anaheim hỏi thì nhận lại được một cái thùng xốp trông rất khác lạ, bên ngoài lại sơn mầu giống như Lá Cờ VNCH. Lúc đó mới biết là món quà của nó gửi cho từ Việt Nam, tôi cứ tưởng nó nói chơi cho vui ai ngờ nó gửi thật. Trong thùng xốp cứng đó là một ấm trà và năm gói trà thượng hảo hạng. Trà búp loại móc câu từ Tân Cương, Thái Nguyên tôi đã có dịp thưởng thức, nhưng loại trà Cổ Thụ từ Rừng Shan Tuyết thì tôi chưa từng thấy bao giờ. Năm gói trà nó gửi cho tôi thuộc hai loại khác nhau thật độc đáo. Loại thứ nhất là Búp Trà non tại vùng Tân Cương, Thái Nguyên. Loại thứ hai mới độc đáo vì là Trà Cổ Thụ, với lá trà được chọn lựa từ trên những cây Shan Tuyết cổ thụ 200 năm tại vùng rừng Shan Tuyết Suối Giàng, Văn Chấn, thuộc tỉnh Yên Bái. Trà Búp non tại vùng Tân Cương, Thái Nguyên đã ngon nhưng không thể sánh với Trà Cổ Thụ Shan Tuyết.


image020Trà Cổ Thụ Shan Tuyết và Ấm Trà “Tử Sa Thạch Biều-Bát Nhã Tâm Kinh”


Nhưng cái ấm trà xinh xinh mới làm cho tôi ngạc nhiên thích thú. Ấm trà có tên “Tử Sa Thạch Biều-Bát Nhã Tâm Kinh”, nhỏ chỉ trong lòng bàn tay. Đặc điểm của ấm là khi nắp nó va nhẹ vào thành bình trà sẽ phát ra như âm thanh nhẹ như tiếng chuông. Tuy nhiên điểm quý giá của chiếc ấm Tử Sa Thạch Biều này là trên nắp ấm và chung quanh bình có khắc bài kinh thượng thừa Bát Nhã Tâm Kinh của nhà Phật bằng Hán Tự. Tôi thử pha loại Trà Cổ Thụ Shan Tuyết vào Ấm Trà Tử Sa Thạch Biều thì quả thật là ngon, cả mùi hương trà mộc cho đến vị vừa đậm đà, vừa ngọt hơi pha chút đắng của trà búp, thật độc đáo.


image022image024Ấm trà “Tử Sa Thạch Biều-Bát Nhã Tâm Kinh”


Tình Bạn đã cho tôi một kỷ vật thật quý vào ngày Giao Thừa Tây, và tôi nhận lại được món quà quý giá đó và những ngày đầu năm Dương Lịch, để bước qua năm mới 2023 với ngào ngạt hương thơm của những loại trà quý được sao chế thủ công từ vùng rừng thật xa xôi mà tôi chưa hề biết và đặt chân đến bao giờ là Shan Tuyết Suối Giàng.
Nê Ru, cám ơn tấm lòng quý mến của bạn dành cho tôi. Bao giờ có dịp và muốn qua Mỹ chơi một chuyến, nhóm Trần Lục ở đây sẽ lại họp mặt để thết đãi bạn một chầu. Nhớ quá những ngày còn thơ mình vui đùa bên nhau, giờ đây tóc đã bạc hai mầu, chỉ biết ngồi ôn kỷ niệm và tiếc nuối những ngày xưa sao đẹp quá- tìm đâu, biết tìm đâu bây giờ.

19 Tháng Hai 2024(Xem: 1136)