VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ NĂM 27 JUNE 2024
Sách mới: Phạm Quốc Bảo; Đặng Thơ Thơ; Đỗ Tiến Đức
Từ trái: Nhà văn Phạm Quốc Bảo. Nhà văn Đặng Thơ Thơ. Nhà văn Đỗ Tiến Đức
*
Phạm Quốc Bảo: lan man chuyện vãn
Bìa màu (Uyên Nguyên | trình bày Bạch Xuân Phé. Trang trong giấy trắng. Khổ 6x9 inches. 228 trang. Lotus Media xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ và trên hệ thống phát hành toàn cầu Amazone 2024.
Lời ngỏ
Tôi tự thấy cần giải tỏa ngay thắc mắc là tại sao lại chọn cái tiêu đề "Chuyện vãn".
Xin thưa, chuyện đây không phải là truyện, không phải gồm những cốt truyện được xây dựng trên những nội dung hoàn toàn do tác giả chủ động sắp xếp trước. Chuyện ở đây chỉ là câu chuyện được trích từ những cuộc tiếp xúc bất kỳ với ai đấy mà tác giả thấy thú vị trong việc ghi chép lại, rồi sau đó còn thấy rằng nên chia xẻ rộng rãi thêm ra với bạn đọc bốn phương.
Từ ngữ 'vãn' ở đây bao hàm một nội dung khá đặc biệt, ít nhất là gồm mấy ý nghĩa như:
Thứ nhất phải nêu ra rằng nhờ có cơ hội thân thuộc, hay khi bằng hữu gặp nhau, những câu chuyện này được cho phép ghi lại mà đều không hề có sự xếp đặt gì trước cả. Chúng hiện diện một cách tự nhiên như vậy, là những gì xẩy ra trong đời thường, hằng ngày, của bất cứ một ai còn đang sống ở xã hội này đều có thể bắt gặp, hoặc có thể tự chúng ta đã trải nghiệm qua rồi.
Thứ hai, từ ngữ 'vãn' còn muốn diễn tả về thời gian là buổi xế chiều của ngày, nếu chiếu theo cuộc sống thì là giai đoạn về già của đời người. Nghĩa là những câu chuyện được ghi lại ở đây như một phần sống động còn lại của tác giả trong độ tuổi đã và đang chứng kiến quá nhiều người trong gia quyến và thân hữu cùng trang lứa bỏ ra đi mỗi lúc một đông, trong tâm trạng cô đơn càng lúc càng thiếu hẳn đi những chia xẻ gần gũi cần có cho đời sống của chính tác giả.
Thứ ba, những câu chuyện mà độc giả đọc được ở đây như những trao gởi mà nếu có thể tích cực hơn nữa là tự chúng có sức bật lên thành những tác động, khêu gợi ra được những chuỗi liên tưởng nào đó vốn còn tiềm tàng trong ký ức hay vẽ ra được viễn ảnh mường tượng ở tương lai của người đọc. Được như thế thì tác giả đã cảm thấy vinh hạnh - an ủi rồi.
Ngoài ra, ở xã hội này, thời đại internet được áp dụng vào ngành thông tin liên lạc vượt không - thời gian đã từ nhiều thập niên nay, nhất là nhờ vào hiện tượng Covid-19 thúc đẩy mà ba năm qua phương tiện này được dịp phát triển thêm nhanh. Hiện nay, mây điện toán (cloud computing, điện toán đám mây) bao gồm những trữ liệu thông tin, trong đấy các giai tầng (kênh) truyền thông mạng xã hội( social media) đang ngày một được xử dụng phổ biến đến toàn thể nhân loại. Như Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat, LinkedIn,TikTok,YouTube...Chỉ kể riêng về lãnh vực văn - sách thì trên nét, truyện đọc để nhìn và nghe không thôi cũng đủ 'nuốt' trọn ngày giờ của chúng ta!
Thực tế là những phương tiện truyền thông tân tiến này đã và đang đẩy lùi ngành báo giấy - báo in dần vào giai đoạn đã qua của lịch sử truyền thông xã hội. Và từ mấy thập niên nay rồi, sách truyện in cũng đang ngắc ngoải èo uột dần, khiến thói quen cầm sách đọc của nhiều thế hệ trước đây nay đã thui chột dần đi. Tầng lớp tác giả như cá nhân tôi, vừa lớn tuổi - về hưu vừa không sao theo kịp đà tiến bộ chung của ngành truyền thông tân tiến toàn cầu, cung cấp nhiều tiện lợi mà cũng tạo ra những phức tạp khó lường và dễ sa đà vào mê muội: Thói quên mới thích ứng với những ứng dụng internet nở rộ đã và đang tạo một nếp sinh hoạt văn hóa sống mới của loài người, khác hẳn xưa, tạo nên những thách thức gay go mới...Nhưng khốn một nỗi, với những cá nhân như tôi đây dù nỗ lực bao nhiêu cũng không sao bắt kịp được nữa. Thậm chí cách đây mấy năm, khi vẫn còn làm việc tại nhật báo Người Việt, đã nhiều lần nhóm kỹ thuật của công ty đề nghị thiết lập riêng một website cho mà tôi chối từ vì thấy quá nhiều phiền toái cho sinh hoạt của cá nhân mình nên cứ nấn ná mãi...Và bây giờ, với tôi, vấn đề cụ thể và đơn giản là cầm cuốn sách để đọc vẫn là thói quen hoàn toàn đáp ứng với nhịp sống, không thể thiếu được trong sinh hoạt hằng ngày của tôi!
Từ ngữ "chuyện vãn" còn khiến tôi liên tưởng tới 'chợ vãn', 'chợ chiều': Chợ quê miền bắc Việt Nam mà tôi được biết từ thời thơ ấu thì bao giờ cũng nhóm vào tờ mờ sáng cho đến xế chiều là tan, để mọi người ( người bán lẫn người mua) thu xếp xong và tản bộ trở về đến nhà là vừa tối. Khung cảnh này tôi vốn mường tượng ra từ bài thơ có tên đại khái là Chợ Quê của Đoàn Văn Cừ trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà tôi đã được học thời tiểu học, cách đây cũng trên bẩy mươi năm. Cho nên, tiêu đề này còn chuyên chở những trải nghiệm dầy đặc mà tôi mong được chia xẻ cho vơi nhẹ bớt đi phần nào mối ưu tư nặng trĩu trên đôi vai mình...
Và đấy là nguyên nhân sâu xa khiến tôi chọn tiêu đề 'chuyện vãn' như một phương tiện gần gũi - rất thường thức và thuận tiện nhất để được lan man tâm sự với nhóm độc giả nào đang hấp thụ nếp tiến bộ mới của truyền thông hiện nay nhưng mỗi ngày vẫn còn chút thú vị với thói quen muốn cầm cuốn sách trên tay, nhẩn nha - nhâm nhi đọc ...
Nhân đây cũng xin trân trọng đa tạ cá nhân những vị:
- bậc bác-chú-cậu lẫn anh-chị-em trong giòng họ của tôi như Phạm Hữu Phủng, Phạm Hữu Chương, Bùi Sĩ Thi, Phạm Xuân Nùng, Phạm Hữu Vinh, Phạm Quang Đoàn, Phạm Khắc Hàm, Phạm Thị Ninh, Tuấn Bùi , Oanh Johnson, ...
- thân hữu như Hà Quốc Bảo, Nguyễn Thanh Sơn, Trần Minh Nhựt, Nguyễn Minh Thái Hùng, Mặc Lâm, Nguyễn Văn Khanh...
- và cả tác giả những bài viết mà tôi tình cờ đọc được mà đã tác động khiến có thể gợi ý - góp thêm nhiều chi tiết phong phú cho các câu chuyện tôi đã viết ra đây.
Cuối cùng, cũng xin trần tình rằng nội dung những chuyện kể trong cuốn sách này đều do tôi chủ động viết ra, từ khung sườn đến tình tiết và những tư tưởng muốn gửi gấm vào; nhưng đa phần đã đề cập tới các sự kiện mà trong những dịp thân mật hy hữu nào đó, rải rác từ trên sáu chục năm qua, các vị mà danh tánh nêu ở trên họ đã ưu ái thổ lộ tâm sự với tôi về những gì họ từng trải trong đời, bằng nhiều hình thức khác nhau; mặc dù tôi đã cẩn trọng không hề nêu đến danh tính của họ. Nhưng ở đây, tôi thấy vẫn phải ngỏ lời xin họ thứ lỗi cho, nếu họ phật lòng vì đọc thấy có những điều gì đấy không hoàn toàn đồng ý.
Phạm Quốc Bảo
California tháng 6/2024
**
Đặng Thơ Thơ: Ai
tiểu thuyết
Cover designed by Khánh Christopher Trần. Book interrior designed by trần c. trí, Photo and paintings by Paulina Đàm Thúy Ngọc. Printed in the United States of America.
Đọc Ai – Tiểu thuyết của Đặng Thơ Thơ
29/02/2024
Nina Hòa Bình Lê
https://vietbao.com/a318379/doc-ai-tieu-thuyet-cua-dang-tho-tho
Bìa sách Ai – Tiểu Thuyết Đặng Thơ Thơ.
Sách dày 286 trang, hiện có bán trên mạng giá $16.86.
Độc giả có thể tìm mua sách tại:
https://www.lulu.com/shop/th%C6%A1-th%C6%A1-%C4%91%E1%BA%B7ng/ai/paperback/product-nvvyrr5.html?q=ai+dang+tho+tho&page=1&pageSize=4
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Không ngoại lệ, Ai của Đặng Thơ Thơ cũng ra đời như thế. Tuy vậy mấu chốt ở đây không phải là chủ đề, vì như chính chủ đề của nó, Ai không xuất hiện để tồn tại, mà như thời gian, Ai ra đời, là hiện thân của sự tồn tại ngắn ngủi, như cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, mất mát, tất cả là một chuẩn bị cho một “công cuộc” mất tích lâu đời.
Câu chuyện bắt đầu với những ý tưởng bất an trong đầu người mẹ, từ một mùa thu không có ngày tháng chính xác ngoài sự ập đến bất chợt của khung cảnh tàn úa. “Tôi không muốn nghĩ là mình đang mất nó dần dần. Vì nghĩ như vậy thì cũng giống như tôi đang sở hữu nó. Nhưng mỗi năm trôi qua thì cảm giác bất an càng tăng lên.”
Từ đây tác giả dẫn chúng ta đi vào nỗi lòng của người mẹ, cùng theo bà leo lên bước xuống những đoạn đường gập ghềnh trong suốt quy trình nuôi dưỡng tình yêu thương và cố gắng gìn giữ sự gắn bó với “thằng bé” một cách tuyệt vọng.
Như mẹ, thằng bé cũng mơ hồ nhận thấy mối nguy hiểm của sự mất mát.
“Những buổi tối trước khi đi ngủ nó vẫn hay đòi tôi đọc một cuốn truyện mỏng viết bằng tiếng Anh cho trẻ con, rồi sau đó nó bắt tôi kể lại bằng tiếng Việt.
Tại sao con thích nghe tiếng Việt?
Vì nghe tiếng Việt thì con là con.
Nghĩa là gì?
Nói tiếng Anh thì con bị mất đi. Con thành ra I. Giống như mẹ hay hỏi Ai đó?
Rồi nó nói thêm:
Nói tiếng Anh thì mẹ cũng là I. Tất cả đều là Ai. Nhiều Ai quá.”
Và chỉ trong vài trang, chính xác là một chương sách, Ai đã cho ra đời một quan hệ tình cảm vừa ngọt ngào, vững chãi, vừa đau đớn, dễ tuột. Từ đây, từ chương hai “mẹ phải clone con đi”, ý thức về sự mất mát ngày càng hiển lộ, trở thành cuộc tranh đấu không ngưng nghỉ – nơi con người sinh ra được thả vào sân khấu cuộc đời, thủ diễn vai trò “sống” để đi đến nghi thức chết.
Phần 1 của Ai từ chương 1 đến chương 12 chuyển từ góc nhìn của người mẹ sang góc nhìn của thằng bé và trở đi trở lại. Trong chương 9 “trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ - bài tập gửi chuyên viên tâm lý”, thằng bé viết:
“Với một đứa bé, không có gì kinh hoàng bằng cái chết của mẹ nó. Cả thế giới sụp đổ, chôn sống nó trong đó, trong cái chết của mẹ nó, và cả thế giới cũng chết theo…
…Một người mẹ bắt con chứng kiến cái chết của mình là một người bất thường. Một người tàn nhẫn. Một người bệnh hoạn.
Rất nhiều người mẹ bệnh hoạn như thế. Mà họ không hề ý thức được là bệnh hoạn...”
Suốt cuốn Ai, Đặng Thơ Thơ đã sử dụng tình yêu của người mẹ dành cho con mình hay tình yêu tuyệt đối của thằng bé dành cho mẹ nó để tạo nên một nền tảng tình yêu thiêng liêng, cái khung chính cho mọi ý tưởng, suy diễn, hành động. Từ người mẹ, thằng bé được cắt rốn sinh ra, từ tình yêu người mẹ, thế giới của nó được hình thành kiên cố… rồi sụp đổ.
“Mẹ nó chết rồi, nó không cần nói tiếng Việt nữa. Và nó cũng không còn là một đứa con nữa. Nó đã thành (a)I.
Trở thành (a)I là một biến thể đáng sợ.
Một sự hủy hoại. Đứa bé (con) đã chết.”
Giữa hai mấu chính của hành trình tồn tại ngắn ngủi là khái niệm thời gian qua nhiều biến tấu, mà tấu pháp ở đây là những biến thiên đối lập phóng chiếu không ngừng, cho đến khi chúng ta nhận thức được mọi thứ dù thiêng liêng đến đâu, theo thời gian, đều trôi qua kẽ tay, và sự hữu hạn rốt cuộc cũng biến mất.
Phần hai của Ai bắt đầu từ chương 13 “xưởng chế tạo thời gian” với bối cảnh ở Nhật là đoạn mở đầu của cuốn phim, cảnh nhân vật Ai đang ngồi khâu tay và nghĩ luẩn quẩn về các nhân vật của cuốn phim truyền hình. Công việc của cô là làm những con búp bê được khách hàng đặt riêng theo từng nhân vật cho những khách sưu tập búp bê sành điệu. Từ đây mở ra, cuốn tiểu thuyết không chỉ còn là suy diễn của người mẹ hay thằng bé, mà là góc nhìn từ ống kính quay phim và đoàn làm phim, với vô số hình ảnh cụ thể được tác giả dựng lên xung quanh chủ đề trừu tượng: thời gian.
“’Đây là xưởng chế tạo thời gian.” Nàng Ai nói như thế. “Người sưu tập không chỉ mua một con búp bê mà họ còn muốn sở hữu một thứ gì khác, một cuộc đời, hoặc những khả thể của một cuộc đời… Búp-bê có nhiều thời gian hơn con người, mà chúng lại không biết làm gì với thời gian chúng có. Chúng như những nhà tỉ phú không biết cách tiêu tiền. Thời gian của chúng thênh thang vô hạn. Còn chúng ta thì lúc nào cũng túng thiếu…”
Từ cuốn phim Ai, chủ đề về mất tích lan tỏa ra nhiều nhánh, qua nhiều nhân vật, từ nhiều góc nhìn. Chương 14 đến 16, câu chuyện của nhiều mảnh đời AI, những người Việt ở Nhật hay đến Nhật được ống kính Ai rọi vào. Tác giả chuyển từ lối viết tự sự, suy diễn của nhân vật ngôi thứ nhất sang lối viết miêu tả, giải thích sự việc từ lăng kính bên ngoài chiếu vào, những nơi đoàn phim đi qua. Thời gian hay nhân vật hay sự việc được miêu tả là những câu chuyện hiện thực của thời đại, xảy ra ngay tại chỗ, trong một xã hội ở một xứ sở giàu có, văn minh, tự do, hiện đại bậc nhất thế giới, nơi cưu mang và nhận chìm những con người yếu thế đến đây mang theo ước mơ cải thiện đời sống từ một xứ sở nghèo đói, lạc hậu, chịu nhiều áp bức.
Những trang sau đó là những biến tấu âm thanh, hình ảnh xuyên thời gian/không gian. Dùng kỹ thuật làm phim – Đặng Thơ Thơ có khi rọi đèn sáng chiếu cận cảnh tạo cho người đọc một cảm xúc mạnh: “Người đàn ông trần truồng thè lưỡi liếm hai bàn tay. Đầu tiên ông ăn hai cánh tay là thứ dễ đưa lên miệng nhất. Xong ông ngồi bệt xuống đất, vục đầu giữa hai đùi ngoạm phần thịt mềm chỗ bắp vế non…” Có khi tác giả chỉ quét ống kính ngang qua đủ để lại một suy nghĩ, hay lùi ống kính lui ra toàn cảnh: “Màn hình nhòa dần, màu đỏ loang ra, chảy như một giòng sông cuồn cuộn phù sa…” Có những đoạn tác giả dùng kỹ thuật âm thanh thu âm hay lời tường thuật miêu tả giải thích sự việc: “Đoạn phim này không có ý chỉ trích dân tộc nào. Dân tộc nào cũng có thể đem áp dụng vào đoạn phim này, bất kể dân tộc nào đã chảy máu, dính máu, đầy máu, kể cả những dân tộc thuần chủng và đã mất tích…”
Bố cục Ai khá chặt, mọi hoạt cảnh đều hướng về chủ đề chính, làm sáng tỏ sự biến dạng sắp mất của những gì đang hiện hữu ở bất kỳ một hình thể nào. Và có lẽ kỹ thuật sắp xếp và chủ ý giải thích một khái niệm trừu tượng cũng làm cho phần 2 của Ai có một vài lấn cấn. Tùy theo độc giả, sẽ có người thích kỹ thuật tạo bối cảnh dẫn dắt người đọc, có người thích những hình ảnh mạnh mẽ, cường điệu, có người như tôi, trước những cảnh tượng dồn dập sẽ tạm bỏ sách xuống “nhắm mắt” lại, như người uống rượu đỏ sau một vài ly rượu dù ngon tuyệt, nhấp một ngụm nước lã, trả vị giác về nguyên thủy trước khi tiếp tục uống.
Phần kết của Ai trả lại không khí của phần đầu, trở lại với người mẹ, hay những người mẹ, với đứa bé, hay những đứa bé, những chữ i i i hun hút trong bức tranh trên tường. Những thước phim động hay những tấm hình triển lãm trở thành những câu hỏi liên tục hiện hình nhưng không có giải đáp. Cuộc sống vẫn đầy ắp những sự tồn tại, những gìn giữ, níu kéo. Những người mẹ vẫn tiếp tục nhìn con mình đùa giỡn, lớn khôn, và biến mất. Cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn, và lại bắt đầu lại… cũng vào một ngày… mùa thu.
Và đây có lẽ là thành công của tác giả, vì đọc hết trang cuối, thay vì gấp quyển sách lại, tôi thấy mình lật ngược trở về trang nhất, và bắt đầu… đọc lại từ đầu.
Nhà văn Đặng Thơ Thơ. Photo: LKT
Nina Hòa Bình Lê
- Ai là tiểu thuyết đầu tay của đặng thơ thơ, tác giả hai tập truyện ngắn Phòng Triển Lãm Mùa Đông (2002) & Khả Thể (2014)
***
Đỗ Tiến Đức: Yêu
Bìa màu. Trang trong giấy trắng. Khổ 5.5x8.5 inches. 228 trang. NXB Thời Luận. Box 954 Westminster, CA 92683 Tel: 213 - 251- 0888
****
Trần Thùy Mai: Từ Dụ Thái Hậu
https://www.nhatbaovanhoa.com/p153a12223/tran-thuy-mai-tu-du-thai-hau