Kim Minh Quốc: Họa sĩ cung đình nổi tiếng về tranh Thiền

10 Tháng Giêng 20238:02 SA(Xem: 1346)

VĂN HÓA ONLINE – NGHỆ THUẬT – THỨ BA JAN 10, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Kim Minh Quốc: Họa sĩ cung đình nổi tiếng về tranh Thiền

image025

Nguyên Giác


Họa sĩ Gim Myeong-guk, sinh năm 1600, từ trần khoảng sau năm 1662 (?), tên còn được ghi là Kim Myeong-guk, là một họa sĩ toàn thời gian trong vương triều Joseon Kingdom của Hàn Quốc.  Tên ông phiên âm theo Hán tự là Kim Minh Quốc (金明國). Các nhà phê bình nghệ thuật đời sau nói rằng Kim tuy là một họa sĩ cung đình nhưng cũng là một nghệ sĩ tiên phong vẽ ra những tác phẩm riêng đúng với tính cách và cảm xúc của ông. Hầu hết các bức tranh của Gim Myeong-guk liên quan đến con người đều có chủ đề Phật giáo và mang một phong cách nghệ thuật cụ thể.


Kim Minh Quốc còn dùng bút danh Yeondam – nghĩa là “Hồ sen” (“Lotus pond”) -- mang ý nghĩa hướng tới tâm giải thoát của Phật giáo. Khi mới vào công việc họa sĩ cung đình, Kim được xem như một kiểu nghệ sĩ mới, khác biệt rõ ràng với những người đi trước và cùng thời với ông, những người ít nhiều làm việc như những thợ thủ công sao chép một cách trung thực các phong cách chính thống. Một mô tả về ông mang tính ngoại giao là “Kim được biết đến là người có cá tính nghệ sĩ được đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân và sự cố chấp.” Có một bản văn khác mô tả về Kim là “những người cùng thời với Kim mô tả ông là một kẻ say rượu vô tư lự, một đặc điểm tương ứng với hình ảnh của Trung Quốc về nghệ sĩ lập dị.”


Họa sĩ Kim Minh Quốc đã phụ trách nhiều nhiệm vụ nghệ thuật chính thức cho cung đình. Ông là thành viên của hai phái đoàn ngoại giao và thiện chí được Quốc Vương Injo (1595-1649) gửi sang thăm Nhật Bản. Phái đoàn đi năm 1636 do Im Gwang (1579–1644) dẫn đầu, trong khi phái đoàn đi năm 1643 do Yun Sunji (1591–1666) dẫn đầu.


Lịch sử Hàn Quốc còn ghi rằng vào năm 1647, Kim Minh Quốc chỉ huy một nhóm gồm 6 họa sĩ Cao cấp và 66 người khác sửa chữa Cung điện Changgyeong. Về sau, Kim phụ trách nhiệm vụ vẽ chân dung những người có công với triều đình. Bức tranh được biết đến cuối cùng của ông là vẽ năm 1662. Hoàn cảnh và năm mất của ông vẫn chưa được biết chính xác; chi tiết này cũng lạ, vì Kim là người nổi tiếng trong cung đình.


Tiểu sử Kim ghi rằng kiểu sống nồng nhiệt với cuộc đời của ông đã cho ông một biệt danh: người ưa thích rượu. Có phải sáng tạo nghệ thuật cần tới rượu, hay biệt danh đó chỉ là huyền thoại giữa một cung đình đầy những tranh chấp và ghen tỵ? Đặc biệt, Kim Myeong-guk được biết đến với những bức tranh tuyệt tác về các nhà sư đáng kính của vùng núi Mt. Geumgangsan và tỉnh Gangwon-do. Họa sĩ Kim Minh Quốc được xem là vô song trong hội họa Phật giáo Thiền Tông (Seon viết theo tiếng Hàn, hay Zen).


Các nhà phê bình ghi rằng đối với những bức tranh tôn giáo này, Kim sử dụng hai loại kỹ thuật vẽ: sumukbeop, trong đó mực đen được sử dụng với những nét cọ đậm, mạnh mẽ và gampilbeop có phong cách tối giản, chỉ sử dụng ba hoặc bốn nét để mô tả hình ảnh. Với hai kỹ thuật này, các bức tranh Thiền của Kim phản ánh bản chất cá nhân trong phong cách nghệ thuật của ông.


Nam Tae-eung (1687-1740), nhà phê bình nghệ thuật nổi bật nhất trong thời kỳ giữa của vương triều Joseon, đã nhận định về phong cách vẽ của Kim, điều này đã mở ra một chương mới trong hội họa thời Joseon một cách hiệu quả: “Kim không chỉ đơn thuần đi theo bước chân của những người tiền nhiệm của mình. Ông là một họa sĩ khéo léo, người không bao giờ bị giới hạn bởi hình thức, mà thay vào đó, Kim đã vượt qua những phong cách hiện có bằng ý chí tự do của mình.”


Sự đánh giá cao đối với các bức tranh của Kim đã tăng lên nhờ nổi tiếng khi thăm Nhật Bản: những chuyến thăm của Kim đến Nhật với tư cách là thành viên của phái đoàn chính thức từ triều đình Joseon. Là một họa sĩ cung đình, Kim là thành viên của phái đoàn thứ tư (1636) và thứ năm (1643) đến thăm Edo, Tokyo ngày nay.  Lúc đó, Hàn Quốc cử phái đoàn sang Nhật Bản như một đề nghị ngoại giao nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị với chính quyền quân phiệt phong kiến Nhật Bản (1603-1867) do Tokugawa Ieyasu thành lập.


Tại Nhật Bản, những bức tranh của Kim đã tạo ra một cơn sốt nồng nhiệt đến nỗi những người ngưỡng mộ Nhật Bản từ xa gần kéo đến để xem và mua các tác phẩm của ông. “Theo một lời kể lại, họa sĩ Kim có lúc trở nên quẫn trí vì kiệt sức khi nhiều người Nhật say mê tìm mua các tranh vẽ của Kim, không cho Kim một giây phút bình yên.” Chính trong chuyến đi Nhật Bản lần thứ nhì, Kim vẽ bức chân dung Bồ Đề Đạt Ma. Năm 1643, khi Hàn Quốc chuẩn bị cử một phái đoàn triều đình khác đến Nhật Bản, chính quyền Nhật Bản đã gửi một thông điệp ngoại giao nói rằng: “Hy vọng rằng một họa sĩ như Kim Myeong-guk sẽ đến thăm Nhật Bản.”


Kim đã vẽ kiệt tác Bồ Đề Đạt Ma của ông, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, trong chuyến thăm Nhật Bản năm 1643, với tư cách là thành viên của phái đoàn triều đình lần thứ năm của Hàn Quốc. Tác phẩm vẫn ở Nhật Bản cho đến khi được Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mua lại. Bức tranh Bồ Đề Đạt Ma đặc biệt này được cho là bức tranh đẹp nhất không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở cả Đông Á. Ngày sinh của Bồ Đề Đạt Ma không được biết nhưng ông mất năm 526. Ông đến từ khu vực phía nam của Ấn Độ và thuộc tầng lớp Bà la môn. Ông đã đến Trung Quốc thời nhà Lương để truyền bá Thiền Tông Phật giáo. Chân dung của Bồ Đề Đạt Ma ban đầu được tạo ra để làm hình ảnh cầu nguyện. Những bức tranh, với những nét vẽ tối giản, đậm nét, được vẽ ra để hiển lộ một nội tâm giác ngộ. Chính ngay ở thành phố Edo của Nhật Bản, Bồ Đề Đạt Ma được yêu mến như một trong bảy vị thần dân gian của Nhật Bản, được gọi là Shichifukujin. Ở Nhật Bản, hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma là đề tài phổ biến để vẽ và nắn tượng.


So với những hình ảnh phổ biến về Bồ Đề Đạt Ma ở Nhật Bản, có thể dễ dàng phân biệt Bồ Đề Đạt Ma của Kim Minh Quốc bằng những nét cọ dày, đậm được sử dụng để truyền đạt đường viền của chiếc áo choàng. Sự táo bạo trong tranh Kim đã gây tò mò và để lại ấn tượng lâu dài cho người xem Nhật Bản. Khuôn mặt được khắc họa nhẹ nhàng nhưng sống động với những gì dường như chỉ là một nét cọ và sự tương phản ấn tượng giữa sáng và tối. Hình ảnh mạnh mẽ phát ra cảm giác rõ ràng về năng lượng sống động và chuyển động.


Kim đã khéo léo thể hiện bản chất siêu việt của tranh thủy mặc với một hình thức đẹp tàng ẩn, cô đọng truyền đạt yếu tính của hội họa châu Á. Những nếp áo để lộ hình dáng là kết quả của sự hòa hợp giữa bàn tay và tâm hồn của người sáng tạo. Những nét cọ uyển chuyển, nhịp nhàng dường như vượt quá khả năng của một người bình thường. Các đường nét sống động uốn lượn và biến đổi đột ngột, trong khi các nét thô, đậm tương phản rõ rệt với các đường nét uyển chuyển, tinh tế. Đáng chú ý, phong cách tối giản và sự pha trộn hài hòa giữa các nét cọ tương phản càng củng cố niềm tin rằng Kim đã tạo ra bức tranh chỉ trong một hơi thở, thậm chí không dành thời gian để suy nghĩ về bất kỳ sự giả tạo nào. Tuy nhiên, hình thức và hình ảnh tạo nên một thể thống nhất, như thể xác và tâm hồn người nghệ sĩ, để lại cho người xem một cảm giác kinh ngạc ngưỡng mộ.


Các nhà phê bình Hàn Quốc ghi rằng nét vẽ của Kim hiển lộ khái niệm về sự đồng nhất, một nguyên tắc cơ bản của triết học châu Á, áp dụng cho vũ trụ và cá nhân, khách quan và chủ quan, thế giới vật chất và tinh thần, cơ thể và tâm trí. Với sự sáng tạo độc đáo và sự tự do nghệ thuật của mình, Kim đã tạo ra những tác phẩm đặc biệt mà không bị hạn chế bởi hình thức hay kỹ thuật, trong khi chỉ sử dụng những nét cọ đậm nét của mình. Cách tiếp cận như vậy đại diện cho hình ảnh thu nhỏ của tranh thủy mặc. Kim Minh Quốc đã thăng hoa tính cách năng động của mình thành một loại hình nghệ thuật tinh tế, thể hiện rõ nét qua vẻ đẹp của bức tranh Bồ Đề Đạt Ma của ông.


Sau đây là tranh của Kim Minh Quốc.


image028Nhà sư và chim hạc.


image030Bồ Đề Đạt Ma. Kích thước: 83 x 58.2 cm, lưu giữ ở National Museum of Korea (NMK)


image032Bồ Đề Đạt Ma đứng trên cành lau qua sông. Kích thước: 97.6 x 48.2 cm, giữ ở NMK.


image034Cỡi ngựa.


image035Quét lá.

23 Tháng Tám 2016(Xem: 14397)