Nhà thơ Inra Sara và tâm sự, ưu tư của người Cham ở Việt Nam

18 Tháng Mười Một 202211:24 CH(Xem: 1517)

VĂN HÓA ONLINE –NGHỆ THUẬT – THỨ SÁU 18 NOV 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Nhà thơ Inra Sara và tâm sự, ưu tư của người Cham ở Việt Nam


Đạo diễn Song Chi


Gửi bài cho BBC từ Leeds, Anh Quốc


18/11/2022


image001Nhà thơ Inra Sara Phú Trạm.


Inra Sara Phú Trạm là nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhà văn hóa luôn quan tâm gìn giữ văn học Cham hơn 40 năm nay.


Công việc của ông gồm phần nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, truyền bá văn học và ngôn ngữ Cham, cũng như luôn đồng hành với những vấn đề của cộng đồng Cham trong lòng xã hội Việt Nam.


Trong bài phỏng vấn này, chúng tôi chấp nhận cách gọi tên dân tộc mà ông Inra Sara đề xuất, là Cham.


Theo ông, trước đây dân tộc này được gọi là Chiêm, Chàm, Hời. Mãi đến 1979, do ngộ nhận rằng “Chàm, Hời” có tính miệt thị, nên được đổi thành Chăm.


Thế nhưng, ông cho biết gọi ‘Cham’ là chuẩn nhất, vì, thứ nhất Champa lược bớt âm tiết tên cuối thành Cham, và thứ nhì, viết bằng chữ Cham Akhar thrah cũng được thể hiện là Cham’.


 Câu hỏi đầu tiên là về việc xác định tên gọi, một thách thức đầu tiên để nhận diện, dẫn tới việc duy trì, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc Cham ở Việt Nam là như thế nào?


Nhà thơ Inra Sara: Nói đến Cham, ta cần xác định, đó là Cham nào?


Qua quá trình Nam tiến của Đại Việt, Cham bị tứ tán khắp nơi. Và có thể kể 11 bộ phận:


Cham Hoa, khi Lý Kỳ Tông làm vua Champa cuối thế kỉ X, Cham qua Hải Nam.


Cham Kinh: tù nhân Cham bị đưa ra Bắc và ở lại qua các triều Lý, Trần, Lê…


Cham Hroi - Chàm Cổ: ở Phú Yên, Khánh Hòa, khi Lê Thánh Tông chiếm Đồ Bàn.


Cham Malaysia ở Kelantan thời Po Rome, và đi từ Cambodia sau năm 1975.


Cham Thái ở Baan Krua, Bangkok – Thái Lan.


Cham Kur (Khmer Islam): đi nhiều đợt khác nhau, 1692: 5.000 gia đình di cư sang Cambodia, sau đó nhiều cuộc di cư nhỏ lẻ khác.


Cham Biruw (Chàm Mới) là Cham theo Islam, ở An Giang, Tây Ninh.


Cham Churu ở Nam Lâm Đồng sau các cuộc khởi nghĩa thời Minh Mạng thất bại. Cham Ywơn đang sinh sống tại hai làng Canh Cụ ở Phan Rí - Bình Thuận.


Cham Pangduragga: gồm ba bộ phận Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận.


Cham Việt: là bộ phận Cham lai Việt có mặt suốt miền Trung.


Nhìn chung thì Cham là dân tộc gồm nhiều cộng đồng: sự đa dạng về văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng tại sao tôi muốn nhấn về Cham Pangdurangga? Bởi đó là vùng đất cổ của Champa, cư dân Cham hiện nay sinh sống đông nhất, cộng đồng này còn giữ truyền thống văn hóa dân tộc từ thời xa xưa đồng thời là cộng đồng phát triển mạnh nhất cả về văn hóa lẫn kinh tế.


Còn các cộng đồng Cham khác như “Cham Mới” (Cham Birau) ở An Giang, Tây Ninh, Sài Gòn hay Cham Hroi ở Phú Yên, Khánh Hòa mỗi bộ phận có nền văn hóa khác nhau.


Nếu Cham Hroi tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ Bana vào cộng đồng mình, thì Cham Nam bộ tiếp nhận văn hóa Islam. Họ vẫn duy trì, bảo tồn được ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc của mình. Ở đây không có ý phân biệt đối xử, tôi muốn nhấn vào 4 yếu tố: Trụ lại mảnh đất cũ, giữ truyền thống văn hóa dân tộc từ thời xa xưa đồng thời là cộng đồng phát triển mạnh nhất cả về văn hóa lẫn kinh tế, nhất là có nhiều công trình về văn hóa dân tộc mình.


Song Chi: Còn về vấn đề ngôn ngữ, chữ viết của người Cham, có những khó khăn nào thưa anh?


Trước 1975, chữ Cham truyền thống ‘Akhar thrah’ cũng được dạy trong các trường Tiểu học, nhưng cứ năm đực năm cái. Thế hệ chúng tôi nhận được lối học đầy bất cập đó. Dẫu không bị cấm đoán, nhưng sự dạy và học không bài bản ấy thua xa chế độ mới.


Năm 1978, Ban Biên soạn sách chữ Cham được thành lập tại Ninh Thuận, về hành chính trực thuộc Sở Giáo dục còn chuyên môn do Bộ quản lí và chỉ đạo. Bộ sách Tiểu học Ngữ văn Cham được soạn thảo và chỉnh sửa nhiều lần dạy cho con em người Cham ở vùng cộng đồng Cham sinh sống, cả Ninh Thuận và Bình Thuận - rất hiệu quả.


Nhưng rồi không hiểu nguyên cớ nào, tháng 7/2010 khi Phòng Giáo dục Dân tộc thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được thành lập, Ban được chuyển về nơi đó, biên chế từ 13 giảm mạnh còn 5 để đến hôm nay chỉ còn một duy nhất! Bà con kêu Ban biên soạn sách chữ Cham bị giải thể không phải không lí do.


Cộng đồng Cham có nét đặc thù riêng, bởi khác với nhiều dân tộc khác, Cham sở hữu chữ viết sớm và phát triển, Ban Biên soạn sách chữ Cham tồn tại là cần thiết cho nhiều việc liên quan đến ngôn ngữ và chữ viết, chứ không riêng việc dạy và học tiếng, chữ.


Song Chi: Theo anh, chính sách của nhà nước Việt Nam hiện nay đối với các sắc dân bản địa, cộng đồng thiểu số nói chung và người Cham nói riêng thế nào?


Nhà thơ Inra Sara: Hồi còn làm việc tại Đại học KHXH và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, trong buổi gặp mặt với giám đốc Viện Đông Nam Á Thái Lan, bà nhận xét rằng chính sách về dân tộc thiểu số của Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với Thái Lan. Thực tế đúng như vậy, giáo sư Thawi, Việt kiều Thái cho biết, thập niên 1990 trở về trước, cộng đồng Việt còn bị cấm nói tiếng mẹ đẻ tại Thái Lan, mãi khi Việt Nam gia nhập khối ASEAN năm 1995, tình trạng này mới giảm bớt rồi dứt hẳn. 


Ở buổi nói chuyện tại Đại học Okinawa, Nhật Bản vào tháng 6-2019, có nhà báo hỏi “chính quyền người Việt đối xử phân biệt hay xem thường dân tộc Cham không?” tôi trả lời nguyên văn - (các bạn có thể xem thêm trong Bút kí “Đối thoại Fukushima, 2019”):


“Phân biệt đối xử” là các bạn dùng, chứ tôi thì không. Tôi chỉ kế bốn sự thật.


Thuở chế độ Việt Nam Cộng hòa, Cham có hai quận riêng tự điều hành hiệu quả (có đòi nước non chi đâu mà sợ); có Trường Trung học Pô-Klong ‘dành riêng’ cho Cham phần nào đó tiếp nối được truyền thống giáo dục ông bà.


Cả hai thứ, hôm nay biến mất. Rồi Trung tâm Văn hóa Chàm (trước 1975) dù do Cha xứ người Pháp dựng lên, đã thu hút cộng đồng Cham thường xuyên đến với nó. Chứ Trung tâm hiện nay to đùng, xài biết bao nhiêu tiền thuế của dân, bà con Cham đầu có ghé, bởi nó như thể một cơ sở hành chính, dân xa lánh như chùa Bà Đanh thì không có gì lạ.


Còn Đại biểu Quốc hội của Cham ba nhiệm kì dằng dặc hôm nay là ai? Có ai bắt gặp người đại biểu Cham ấy xuất hiện ở các điểm nóng của cộng đồng Cham, và lên tiếng cho cộng đồng chưa? Riêng sự vụ to như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, bà còn trả lời báo chí chẳng biết gì về nó nữa là. Vậy mà được đôn lên đại diện cho Cham. Ai bầu cơ chứ?


Về việc Việt Nam chọn Ninh Thuận để xây Nhà máy Điện hạt nhân, tôi không cho đó là phân biệt đối xử mà chỉ muốn nhấn về ba điểm:


Đây là vùng đất Cham sống trên hai ngàn năm, nơi chúng tôi có cả trăm điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng, sẽ chịu tác hại nặng nề nếu có sự cố hạt nhân. Mảnh đất gần nửa dân số Cham sinh sống, chúng tôi muốn được sống yên lành trên quê hương thanh bình của ông bà mình. Chúng tôi không ham cái lợi nhỏ để nhận về cái hại lớn, cái hại dài lâu không biết bao giờ rửa sạch.


Như vậy chưa đủ sao?


image004Nguồn hình ảnh, Kieu Maily. Lễ hội người Cham


Song Chi: Anh có nghĩ rằng các sắc tộc bản địa, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị thiệt thòi về nhiều mặt so với người Kinh?


Nhà thơ Inra Sara: Ở đâu và thời nào cũng vậy, cộng đồng nhỏ, ít người luôn ở thế lép, yếu, thiệt thòi là điều khó tránh. Thậm chí nguy cơ diệt vong hay bị đồng hóa luôn nhãn tiền. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, đa phần văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên là văn hóa làng, thế nên khi không gian văn hóa này bị phá vỡ, tính cố kết của cộng đồng vỡ theo, bản sắc bị mất, để dần tiêu tán vào cộng đồng đông dân là người Việt.


Khía cạnh này, Cham may mắn hơn. Sinh viên dân tộc bản địa Okinawa về Việt Nam ghé palei Cham, năm sau cũng nhóm đó khi nghe tôi thuyết, đã ngạc nhiên rằng, sau hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người Việt, bao phen chịu áp lực đồng hóa mà một dúm Cham vẫn tồn tại. Đầy bản sắc nữa là đằng khác. Lạ! Trong khi họ (nhiều dân tộc bản địa ở Nhật) mới đấy mà đã nhạt nhòa. Tôi nói, đó là do “sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Cham” (xem Văn học Cham khái luận, 1994).


Cụ thể hơn, tinh thần Pangdurangga: ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh hun đúc nên. Cham Pangdurangga đi bất kì đâu chưa bao giờ để mất bản sắc: Lịch sử và Akhar thrah, Tôn giáo với Pô Yang, vân vân. Cả khi bà con “lưu lạc” đến nửa vòng trái đất: Hoa Kỳ, cũng hệt. Bảo tồn bản sắc đã quyết liệt, mà “cắn xé” nhau cũng dữ dội (và buồn cười) không kém. Tại sao? Có ba yếu tố mang tính quyết định sự tồn tại của cộng đồng Cham: Họ có cùng lịch sử dài lâu, có ngôn ngữ và chữ viết riêng, và nhất là có tôn giáo dân tộc là Tôn giáo Ahiêr Awal.


Câu hỏi trong bài do Song Chi đặt theo yêu cầu của BBC News Tiếng Việt. Phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn sẽ nhắc lại vấn đề gây tranh cãi về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nỗ lực bảo tồn tiếng Cham.


Về tác giả: Sinh năm 1957 ở làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thuộc tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam, một trong những làng Cham cổ nhất, Inra Sara (Phú Trạm) là nhà thơ, nhà phê bình văn chương nổi tiếng người Việt gốc Cham. Sáng tác của ông luôn là sự tìm tòi kết nối giữa hai dòng ngôn ngữ Việt-Cham, giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa cổ Cham và việc cổ suý những cái mới trong văn học nghệ thuật đương đại VN và thế giới, như Tân hình thức, Hậu hiện đại.


image006Nguồn hình ảnh, Inra Sara. Hình từ trang web mang tên tác giả Inra Sara


++++++++++++++++++++++++++++


Chủ quyền biển VN qua văn hóa Chăm


  • Nhà thơ Inrasara
  • Gửi cho BBC từ Sài Gòn


25 tháng 3 2014


Mấy năm qua, khi thời sự Biển Đông đang nóng dần lên, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang được đặt thành vấn đề mang tính khu vực, thì Việt Nam cần truy tìm nền hải sử hơn bao giờ hết.


Tìm ở đâu? – Không ở đâu cả.


Xưa, người Việt mở cõi xuống đất liền ở phương Nam, còn đóng tàu viễn dương, thì hầu như chưa. Suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng.


Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng.


Nền hải sử Việt hoàn toàn thiếu vắng.


Do đó – khi Champa đã làm một với Tổ quốc Việt Nam thống nhất, thì việc nhận diện văn hóa biển của vương quốc Champa cổ sẽ bổ khuyết cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.


Bởi không hướng biển, cho nên việc nhận biết thế giới của người Việt xưa cũng rất hạn chế.


Vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức địa lý thế giới ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn hết sức hạn chế và tạp nhạp, ngay tờ quan báo do tỉnh Quảng Đông phát hành từ năm 1819 đến năm 1822 còn giải thích Bồ Đào Nha ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một, hay nói một cách khác Pháp nằm kế cận eo biển Malacca!” (Vĩnh Sính, 2003, “Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát”, ERCT.com).


Trung Quốc đã thế, người Việt trước đó cứ nghĩ học Trung Quốc là đủ, chứ chưa chịu nhìn xa hơn, đi xa hơn, để học các nền văn minh khác. Mãi đến thế kỉ XIX, ta mới bắt đầu rục rịch “sang Tây dương”.


Mà Tây dương ấy, theo Vĩnh Sính, cũng chỉ đâu khoảng Malacca hôm nay. Sang Tây dương, ta mới vỡ lẽ:


Tân Gia từ vượt con tàu


Mới hay vũ trụ một bầu bao la...


(Cao Bá Quát).


Không đi biển, không có truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ. Champa ngược lại, người Chăm viễn dương từ rất sớm. Sớm và xa. Viễn dương đầy chủ động.


Người Chăm làm chủ Biển Đông


Ngay ở thế kỉ thứ V, sử sách ghi nhận, vua Champa là Gangaraja sau vài năm trị vì, đã nhường ngôi lại cho cháu, để sang Ấn Độ.


Đây là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt biển sang bờ sông Hằng.


Suốt 17 thế kỉ tồn tại, người Chăm đã làm chủ Biển Đông, vùng biển mà người Bồ Đào Nha ở thế kỉ XVI gọi là Biển Champa - Sea of Champa, sau đó người Trung Quốc mới gọi là biển Nam Hải, để sau rốt ta đổi thành Biển Đông.


image008Nguồn hình ảnh, Getty. Hiện vật từ văn hóa Chăm thuộc Việt Nam ở bảo tàng Guimet, Paris


Thế kỉ thứ X, bộ phận lớn người Chăm thiên di qua Đảo Hải Nam – Trung Quốc sinh sống, hiện họ vẫn còn nhớ mình từ đâu tới. Trước đó nữa, thời vương quốc còn mang tên Lâm Ấp, nghĩa là trước năm 749 khi Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương, người Chăm đã có những giao lưu với Nhật Bản. Vũ Ngọc Liễn khám phá thấy, vở kịch:


“Long vương” của Champa lúc ấy có tên Lâm Ấp lưu lạc đến Nhật Bản, được người Nhật trích dịch chọn một phần dựng thành điệu múa “Long vương vũ”. Các học giả Nhật Bản thẩm định rằng: Điệu La Lăng vương không phải từ Trung Hoa truyền đến mà là nhạc của nước Lâm Ấp” (2009, Tagalau 9, “Điệu múa Chăm lưu lạc trên đất Nhật”, tr. 116-118).


Riêng kiến trúc và điêu khắc, sau những chuyến lang bạt kì hồ, người Chăm đã biết thâu thái từ nền kiến trúc của các nước láng giềng: Thái Lan, Khmer, Java, Indonesia… để sáng tạo nên nền kiến trúc kì vĩ của mình với rất nhiều phong cách khác nhau. Không có những chuyến viễn dương, thì sẽ không thể làm được bao công trình bất hủ kia.


Thế nên, chuyện người Chăm [của Việt Nam] đã làm chủ Hoàng Sa – Trường Sa là chuyện nhỏ. Vậy đâu là cứ liệu?


Câu chuyện Po Rome (1627-1651) qua Kelantan để lại mấy thế hệ hậu duệ bên ấy, hay trường ca cổ Chăm kể về Po Tang Akauk sinh ra, sống và chết đi với biển, cũng là một mảnh huyền sử về văn hóa biển đáng giá.


Urang hu sang si đih


Ppo ngap anih dalam tathik


Urang hu sang si dauk


Ppo ngap danauk dalam tathik


Người có nhà để ngủ


Người cất chỗ trú giữa đại dương


Người có nhà để ở


Người lập nơi ngụ giữa đại dương.


(Inrasara, 1996, Văn học Cham II – Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc)


Sự khác biệt “đất liền/biển” giữa Việt và Chăm – khác biệt để bổ khuyết cho nhau còn thể hiện ngay trong khẩu ngữ dân gian.


Như lối kêu than chẳng hạn, người Kinh kêu “trời đất ơi”, còn Chăm là “trời biển ơi” (lingik tathik lơy).


Người Chăm nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy biển – chứ không phải đất. Nghĩa là đời sống Cham đa phần gắn chặt với biển.


Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hoá với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.” (Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org).


image010Nguồn hình ảnh, duongdinhung. Quốc tế công nhận văn hóa Chăm là một phần di sản của Việt Nam


Do đó, nói như Phạm Huy Thông:


Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết.” (1988, “Lời giới thiệu”, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học Xã hội).


Đặc biệt trong lịch sử Champa, thương cảng Cù lao Chàm có vai trò cực kì quan trọng trong việc giao thương đường biển của cả Đông Nam Á. Đó là một cảng lớn khu vực được người Chăm sử dụng làm trạm trung chuyển hàng hóa từ Ả Rập, Ấn Độ sang Trung Quốc.


“Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu - Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng - Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hoá... trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam.


Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, “Cù Lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn).


Lịch sử và chủ quyền


Thế kỉ X, qua thương cảng Cù lao Chàm, Người Chăm buôn bán mọi thứ, từ nước ngọt cho đến trầm hương.


Các sự kiện lịch sử liên quan đến Cù lao Chàm đã được nhà sử học G. Maspéro ghi nhận cụ thể qua công trình lỗi lạc của ông "Le Royaume du Champa" (1928, Van Dest, Paris).


Ở đó, ông nói “... các tàu thuyền ngoại quốc phải mời nhân viên nhà vua lên tàu xem xét, khi hàng đến cảng (p. 29).


Bao nhiêu chứng cứ về hải sử Việt Nam ở quanh đó. Vậy mà, mấy năm qua nhiều dấu vết lịch sử nơi hòn đảo này đang bị bôi xóa.


Như thể một “phi tang lịch sử”. Đó là thái độ vô cùng nguy hiểm và tai hại.


Tại sao?


image012Nguồn hình ảnh, duongdinhhung. Các thư tịch cổ đều nói về thương cảng Cù Lao Chàm và khu vực Bình Thuận


Bởi khi văn hóa biển của Cù lao Chàm bị xóa sổ, chúng ta mất đi một phần cứ liệu lịch sử giá trị để chứng thực cho chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam hiện đại.


Việt Nam là một thể thống nhất từ ba vương quốc cổ: Đại Việt, Thủy Chân Lạp và Champa với nền văn hóa – văn minh riêng. Đó là điều quý hiếm.


Nhận diện và chấp nhận hiện thực lịch sử này để biết rằng, tất cả làm làm phong phú và đa dạng nền văn hóa Việt Nam, chứ không phải ngược lại. Ở đó, nói như Phạm Huy Thông:


Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay...và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết.” (1988, “Lời giới thiệu”, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học Xã hội).


Hơn nữa, khi người Chăm và văn hóa Champa với 'Ý thức về đại dương, biển lớn' (chữ dùng của Tạ Chí Đại Trường, 2009, Bài sử khác cho Việt Nam, NXB Văn Mới, Hoa Kì, tr. 23) sớm và mạnh, đã để lại dấu ấn đậm nét trên một vùng biển Đông Nam Á rộng lớn.


Những vết tích lịch sử ấy – nếu ta biết nâng niu và khai thác đứng mức - sẽ là cứ liệu khởi đầu và gợi mở để đặt nền móng cho hải sử Việt Nam trong những năm sắp tới. Chắc chắn thế!


Bài viết thê ̉hiện quan điểm riêng của nhà thơ, nhà nghiên cứu người Chăm, ông Inrasara Phú Trạm ở TPHCM.


++++++++++++++++++++++++++++++


Viếng lăng Tháp Chàm Pô Klông Garai Phan Rang


https://www.nhatbaovanhoa.com/a4564/vieng-lang-thap-cham-po-klong-garai-phan-rang


image014Bìa Văn Hóa Magazine tháng Giêng năm 2000; một trong các chủ đề của tờ báo xuất bản tại Quận Cam nam California.
19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)