Khánh Ly không 'phản chiến' ở Hà Nội?

14 Tháng Bảy 20229:29 SA(Xem: 3151)

VĂN HÓA ONLINE – NGHỆ THUẬT - THỨ NĂM 14 JULY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Khánh Ly không 'phản chiến' ở Hà Nội?


  • Nguyễn Mạnh Hà
  • Gửi tới BBC từ Hà Nội


14/7/2022


image017Nguồn hình ảnh, Đông Đô. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Khánh Ly đêm 8/7. Theo ca sĩ Quang Thành, bà Ngân thường xuyên dự các đêm nhạc của Khánh Ly tại Việt Nam kể từ tháng 5/2014


Với bất cứ ca sĩ nào thì đêm diễn thứ hai sát liền đêm thứ nhất cũng sẽ là một thử thách về kỹ thuật. Nhất là lại với một giọng ca U80 chưa từng qua trường lớp thanh nhạc nào ngoài người thầy chính thức duy nhất đã từ lâu không còn hiện diện bên mình bằng xương bằng thịt: Trịnh Công Sơn.


Đêm diễn của Khánh Ly tại Nhà hát Lớn Hà Nội 9/7 chỉ muộn hơn giờ ghi trên vé chừng năm phút. Lời giới thiệu mở màn của nam MC trích một đoạn viết của Khánh Ly trong tập tản văn- hồi ký Đằng sau những nụ cười:


"Kể ra thì bây giờ hay bất cứ khi nào, tôi cũng có thể yên tâm được rồi, thanh thản bước vào cái cõi đi về của mỗi con người. Chưa, thì đợi vậy và trong khi chờ đợi, lòng tôi vẫn rộn ràng khi nghe tiếng đàn trỗi lên, ánh đèn rực rỡ bừng sáng. Tôi lại như một con thiêu thân lao vào ánh sáng, không phải để hủy diệt mà để van xin… 'Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…'"


Kế đó Khánh Ly bước ra hát liền một mạch hai liên khúc nhạc Trịnh gồm Tình xa, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Hạ trắng, Mưa hồng, Như cánh vạc bay…


Những bài hát khi đã quá quen thuộc, lại được trình diễn không có nhấn nhá không tạo ấn tượng gì đặc biệt, ngoài việc cho thấy giọng bà vẫn vang và khỏe. Chỉ có một nốt trong Mưa hồng, bà hơi vấp một tẹo.


Đó cũng là lỗi duy nhất về phía Khánh Ly trong toàn bộ đêm nhạc.


Mà lỗi này tôi cho rằng cũng không hoàn toàn tại ca sĩ. Khi phải xâu một lô các bài vào với nhau, người hát sẽ dễ bị rối hơn. Chưa kịp đặt cảm xúc vào bài này đã phải quay qua bài khác. Chưa kể việc đưa nhân vật chính ra mở màn cũng chưa chắc đã là ý hay.


Đêm diễn của danh ca gạo cội mời ca sĩ trẻ hát lót là chuyện rất bình thường. Nhưng BTC không chọn cách làm đó.


Sau khi hát một lèo hai liên khúc, Khánh Ly có bài phát biểu dài gần năm phút. Đại ý bà nói lý do tổ chức tour diễn Như một lời chia tay. Bà chia sẻ nỗi lo trong hai năm đại dịch không biết có còn được gặp lại khán giả, gặp lại bạn bè, những gánh hoa hay bà bán xôi trên vỉa hè Hà Nội…


image018Nguồn hình ảnh, NMH


"Tôi nghĩ nếu một ngày nào đó tôi vắng mặt, tôi không có cơ hội để gặp lại các anh chị để chào các anh chị một lần, các anh chị có trách tôi không, có buồn không. Hay cũng như tôi buồn khi bạn bè ra đi mà không nói với mình một lời… Và tôi xin gặp các anh chị, gặp Hà Nội một lần này để gửi đến các anh chị, gửi đến Hà Nội, gửi đến Đà Lạt, gửi đến Sài Gòn, gửi đến tất cả mọi người một lời chào…


"Gần như tất cả mọi người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới đã yêu thương tôi. Các anh chị chia sẻ cho tôi rất nhiều vui buồn sướng khổ. Các anh chị chia tôi những đồng tiền mà các anh chị kiếm được mua vé đi nghe nhạc. Làm sao tôi có thể quên điều đó, làm sao tôi chối bỏ sự thật là như vậy… Vì ai tôi hát, vì ai tôi sống? Vì tấm lòng của tất cả những người Việt Nam đã yêu thương tôi", Khánh Ly nói.


Bà còn mô tả: "Sài Gòn yêu (tôi) một cách vội vã. Đà Lạt yêu một cách âm thầm". Còn Hà Nội sau một h


Chuyễn xuyên Việt này do các công ty tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM phối hợp tổ chức. Do đó, kịch bản chương trình và nhạc mục còn thay đổi tùy thuộc đáng kể vào "gu" của mỗi nhà tổ chức.


Sau bài nói này, Khánh Ly đơn ca Dấu chân địa đàng, khép lại nửa tiếng đứng một mạch trên sân khấu. Có lẽ chính vì thế mà trông bà có vẻ khá căng thẳng. Bình thường Khánh Ly đi lại còn hơi khập khiễng cơ mà. Từ đây về sau bà nhàn nhã hơn, thỉnh thoảng mới phải ra hát giữa các phần trình diễn của khách mời.


Đêm 9/7 tại Hà Nội, khách mời của Khánh Ly gồm Bằng Kiều, Paolo Tuấn và cái tên không có trên bandroll Trần Tiến. Bằng Kiều hay Trần Tiến còn song ca và giao tiếp với Khánh Ly. Riêng ba bài tiếng Pháp của Paolo khép lại chương hai Xin cho tôi một cách rất không liên quan.


Đêm 8/7, mấy lời Trần Tiến nói được BTC ghi lại: "Tôi từng thần tượng anh Trịnh Công Sơn, chị Khánh Ly từ những năm rất trẻ trung. Tôi rất mong gặp chị Khánh Ly, một ngày tôi thấy chị tới nhà anh Trịnh Công Sơn chơi, tôi được nhìn chị đúng năm phút. Đợt du ca vừa rồi gặp lại và đây là lần tôi được nhìn thấy chị lâu nhất. Hôm nay được nghe chị hát bằng giọng hát thật, con người thật, tôi vô cùng hạnh phúc. Có lẽ tôi là người vỗ tay nhiều nhất ở đây". Ông cũng khẳng định, cả đời chưa từng đệm đàn cho ai, cũng chưa từng hát bài của người khác. Nhưng dịp này ông phá lệ song ca và đệm guitar cho Khánh Ly hát Bên đời hiu quạnh.


Ở đêm thứ hai, phần phát biểu của Trần Tiến không còn nữa. Chỉ còn ngôn ngữ cử chỉ.


image019Nguồn hình ảnh, NMH. Khánh Ly và Trần Tiến hát cho… Trịnh Công Sơn nghe-


Trần Tiến ngồi đánh đàn trên chiếc ghế tựa trắng, một chiếc y hệt để cạnh, nhưng Khánh Ly không ngồi vào. Ca sĩ Quang Thành bước ra đưa cho bà một bông hồng bằng lụa màu cam.


Khánh Ly đặt hoa lên chiếc ghế trống. Ta hiểu đây là chiếc ghế dành cho Trịnh Công Sơn. Bài song ca kết thúc, Trần Tiến nhặt bông hoa tươi cười tặng cho Khánh Ly, bước vào cánh gà.


Bông hoa sau đó được Khánh Ly tặng cho một nữ khán giả ngồi hàng đầu.


Tiết mục song ca cho thấy Trần Tiến có lối biểu cảm hoàn toàn ngược với Khánh Ly. Nhạc sĩ hát kiểu như nói, nhiều chỗ nức nở như khóc. Khán giả vỗ tay rầm rộ ngay từ khi ông bước ra sân khấu. Với nhiều người đây là lần đầu tiên gặp lại Trần Tiến bằng xương bằng thịt kể từ hồi nghe tin ông bị ung thư.


Đêm nhạc chia ba chương: Tình nhớ, Xin cho tôi và Hạnh nguyện Tri Âm. Ngoài chương đầu đậm đặc nhạc Trịnh, chương hai chỉ có hai bài là Ta đã thấy gì trong đêm nay và Rơi lệ ru người (bài hát viết năm 1976 khi nhạc sĩ tưởng Khánh Ly đã qua đời).


image020Nguồn hình ảnh, NMH


Phần ba chỉ gồm Bên đời hiu quạnh và hai bài mà Khánh Ly rất thường dùng để kết các đêm nhạc của mình: Nếu có yêu tôi (Trần Duy Đức phổ thơ Ngô Tịnh Yêu) và Và con tim đã vui trở lại (Đức Huy). Như vậy toàn bộ đêm nhạc chỉ có một bài phản chiến.


Mặc dù đêm nhạc diễn ra suôn sẻ, Khánh Ly cũng như các khách mời làm tốt phần của mình, nhưng vẫn như thiếu thiếu một cái gì đó, chẳng hạn để gắn kết các phần lại với nhau. Mà cũng không có gì nhiều để kết nối vì nó quá ngắn so với những đêm nhạc bình thường khác.


Khánh Ly sau bài phát biểu đầu chương trình thì cũng không tâm tình ngoài lề gì nhiều. Chương trình cũng không tập trung vào một chủ đề gì, kể cả tôn vinh sự nghiệp Khánh Ly, trừ phần cuối- cho những hình bìa đĩa và chân dung đen trắng qua các thời kỳ của bà được lướt qua phông nền sân khấu.


Sau 21:45, khán giả đã có thể ùa lên bắt tay và chụp ảnh cùng Khánh Ly trong tiếng MC đọc lời cảm ơn của BTC. Đứng đầu danh sách cảm ơn là "sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội". Kế đó BTC cho phát lại phần tiếng của đêm diễn 8/7.


Trong đó có đoạn nhạc Trần Tiến do Tùng Dương hát: "Hà Nội lòng tôi/ Giấc mơ xa vời của người xa quê/ Ai ơi sống gửi thác về…" Tôi bỗng thấy khá hợp tình hợp cảnh. Nửa tiếng sau khi đêm diễn kết thúc, tôi ra về, vẫn thấy Khánh Ly lọt thỏm trong vòng vây của những khán giả có nhu cầu chụp ảnh lưu niệm cùng bà.


Những điểm dừng chân tiếp theo của Khánh Ly tại Việt Nam: TP.HCM (16/7), Đà Nẵng (13/8), Hải Phòng (1/9), Đà Lạt (3/9)…


* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội

28 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5060)
02 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5585)
26 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6095)
21 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6365)
27 Tháng Mười 2020(Xem: 6512)