Jazz, những Jazz và Jazz Vasa Diệu Nga

02 Tháng Mười Một 20219:45 SA(Xem: 4657)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ BA 02 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Jazz, những Jazz và Jazz Vasa Diệu Nga

image003

Lý Kiến Trúc

Văn Hóa Online

02/11/2021

image004

1.


Chắc chắn giới thưởng ngoạn âm nhạc biết nhiều về tiếng hát Vasa Diệu Nga hôm qua, một vì sao lạ trong vô số vì sao hải ngoại. Nhưng đối với Jazz, những Jazz và Jazz Vasa Diệu Nga hôm nay, cô sẽ xuất hiện lung linh, mới lạ, bắc cây cầu âm nhạc làn sóng âm nhạc phương tây và phương đông.


Ngạn ngữ có câu: Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Tôi không tin như vậy.


Tôi viết về tiếng hát này như một lời xa mà gần. Rồi đây, chữ nghĩa như tiếng chuông chiều vi vu và biến mất trong quên lãng. Bài viết lời thu không. Giả cố như có một phức hợp rối loạn những nốt đen trắng tròn óng ánh kim cương, cái thời mà Louis Amstrong ngón tay Jazz kèn đồng xoáy vào hồn, một lần nữa động vào trái tim non.


Trở lại lối đi hơi hám của Jazz vất vưởng, “Những bước chân âm thầm” (Kim Tuấn, Y Vân), “Những chiều không có em” (Trường Hải), “Chiều một mình qua phố” (Trịnh Công Sơn), “La Vie en Rose” (Tatiana Eva-Marie/Avalon Jazz) … xô tôi, đẩy tôi, nghe ngóng đâu đây hạt nụ âm thanh mới nở, rù quến.


2.


Vì chăng:


em hát như khóc

em khóc như hát

vỗ nhịp chiều không độ

buông lơi một nốt trầm

lăn xuống đời

vỡ tan thành điệp khúc. (1)


Vì chăng, Jazz là em, em là Jazz:


Em

chỉ là em

tiếng hát ra đi

chiều ở lại.

Em

chỉ là em

chiều ở lại

tiếng hát ra đi. (1)


Jazz, cánh cửa đam mê và thử thách ngọt ngào


 1.


Một người bạn mê nhạc có lần nói với tôi rằng, rốt cục, phiên sầu muộn – MelancholyJazz chỉ là giọt lệ Lágrima của Tárrega. Tôi vội cãi, không! Jazz là niềm đam mê và thách đố. Jazz là Jazz, Guitar là Lục huyền cầm. (Có lẽ bạn tôi nghe tôi khảy vài nốt lục huyền cầm dính tới Jazz những lúc phiền muộn, nên an ủi chăng).


Nhưng không riêng gì Jazz và ai đó mê mẩn Jazz, âm nhạc là đam mê của thiên thần và nhân loại.


Đam mê không chịu dừng lại một chỗ nhàm chán. Tự thân nó đi tìm thử thách. Khung trời âm nhạc khi đóng khi mở cho chúng ta vô vàn giai điệu mới. Tiếng hát ngọt lụi quyện lấy tiếng đàn đa cảm không rời, âu cũng là một thách đố của người nghệ sĩ.


Thách đố đó đến với Vasa Diệu Nga. Vâng. Người nữ ca sỹ này đi tìm sự thách đố trong khu rừng Jazz bạt ngàn thiên tài.


2.


Thật ra, không phải ngẫu nhiên mà Vasa Diệu Nga chuyện trò Jazz với tôi. Một cánh thư – “poster” thì đúng hơn. Bạn tôi - nữ nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng đã “show - xô” cho tôi biết, này, hãy nghe và viết về tiếng hát Vasa.


Chủ đề xuất hiện trên tấm bích chương quảng cáo “Một chương trình Jazz đặc biệt năm 2021”, “Show” lấy tên từ một ca khúc “Fly me to The Moon”. Nội dung chương trình được dàn dựng theo thể loại Jazz do NNX Media thực hiện, và sẽ ra mắt công chúng vào Chủ Nhật 21 tháng 11, 2021 tại The Yost Theater, 307 N. Spurgeon St., Santa Ana 92701.


Chương trình có sự đóng góp của ca sỹ Tuấn Ngọc, một danh ca gạo cội trong làng nhạc Việt từ Saigon cho đến hải ngoại, cho đến các sân khấu “hoành tráng” trong nước. Bề dày âm nhạc của Tuấn Ngọc được ví như một Frank Sinatra Việt Nam.

image005 

Jazz những Jazz và Jazz Vasa Diệu Nga


1.


Tôi sẽ bắt đầu với người nữ ca sĩ này như thế nào?


Có lẽ vài phút trao đổi tốt hơn là một cuộc phỏng vấn. Tôi không muốn mang đến sự khô khan với người nữ ca sĩ mang tên Diệu, Diệu Nga, diệu hiền. Một nghệ sĩ chân tình.


Chào cô Vasa Diệu Nga, tôi hân hạnh được xem và nghe các mục biển diễn của cô trên màn ảnh nhỏ; hôm nay chúng ta có dịp nói chuyện với nhau trên “mail”. Cô có thể giới thiệu đôi dòng về chương trình “Fly me to The Moon” đến với bạn đọc báo Văn Hóa Online được không?


Dạ vâng, “Fly me to The Moon” là một chương trình ca nhạc khá mới lạ trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Việt chúng ta ở hải ngoại. Thường thường, bấy lâu nay chúng ta được thưởng thức các “show” biểu diễn âm nhạc Việt Nam, gần như thuần túy trình diễn các ca khúc Việt nổi tiếng trước đây qua sự tổ chức của các bầu sô; nhưng tổ chức “show” có tính chất riêng biệt cho một nghệ sĩ nào đó, hay cho một thể loại âm nhạc nào đó thỉ tương đối hiếm có. Ví dụ như trước đây chúng ta được thưởng thức các “show” của nữ nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng, của nữ ca sỹ Nhật Hạ, của Thùy Linh, Phạm Gia Cổn với “Jazz is You!  Jazz là Em! vv…


Điểm đặc biệt của chương trình “Fly me to The Moon” Diệu Nga muốn giới thiệu đến quý khách, quý thân hữu, đó là một chương trình âm nhạc được cải biên từ giai điệu chính thống sang thể loại Jazz. Các nhạc khúc mà Diệu Nga trình diễn bao gồm các ca khúc cổ điển, bán cổ điển phương Tây lẫn các khúc Việt.


image006Một Diệu Nga dịu hiền e ấp.


Diệu Nga vừa nói với tôi một câu khá bất ngờ. Ý tưởng của cô muốn cải biên từ giai điệu chính thống sang thể loại Jazz.


Từ một ý tưởng lóe ra sẽ hóa thành hiện thực. Không phải là chuyện dễ.


Tất nhiên không có hàng rào nào ngăn cản người nghệ sĩ đến với âm nhạc với tất cả tâm hồn trong sáng vươn lên. Ca sĩ Vasa mạnh dạn đưa ra một ý tưởng táo bạo về âm nhạc. (Diệu hiền mà làm những việc thật dữ).


Nhưng trước hết, tưởng cũng nên phác họa lại vài nét các ca nhạc khúc cổ điển, bán cổ điển trước đây mà Vasa Diệu Nga đã từng gieo tiếng hát đậm dấu lòng khán thính giả. Phải chăng những ca khúcVasa trình diễn chỉ là cái cớ cho cô vay mượn để gởi gấm tâm tư? Thảng, hay cô muốn bày tỏ “nỗi lòng” về một mối tình xa xưa?


Nghe Vasa hát (bằng tiếng Tây ban Nha, Anh, Pháp), chẳng hạn như: Histoire d'un Amour (Carlos Almaran-Panama), Adagio (Tomaso Albinoni), Moon River (Henry Mancini), Besame Mucho (Consuelo Velazquez), Autumn Leaves (Johnny Mercer - lời thơ nguyên gốc tiếng Pháp Les feuilles mortes - năm 1949, Johnny Mercer viết lời tiếng Anh cho bài hát và đặt nhan đề là “Autumn Leaves”. Ca khúc có phần nhạc của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Hungary Joseph Kosma và phần lời của nhà thơ Jacques Prévert, viết về một tình yêu đã mất.


Dạ! Có lẽ trời sanh bản tính Vasa thích những ca khúc dào dồi tình cảm, sang trọng và lãng mạn nên những ca khúc này có khả năng chạm vào tâm hồn của Vasa hơn. Là người sống với tình cảm và nội tâm nhiều nên Vasa cảm nhận những nhạc phẩm ngoại quốc này  có một vẻ đẹp, chiều sâu về hoà âm, lời hát lẫn giai điệu thật phong phú. Vì thế những ca khúc này đã đi vào lòng hàng triệu người nghe khắp thế giới.


2.


Phải nói thật rằng những ca khúc bất hủ được hát lên với dàn nhạc hòa âm thể điệu cũ, không còn hấp dẫn đối với khán thính giả của ngày hôm nay. Riêng đối với Vasa, cô muốn tạo ra một đổi mới, cô lắng đọng, ngắm nghía từng nốt âm thanh đưa vào thể loại Jazz.


Cái gốc của sự đào xới không phải là việc truy lùng những mảng đen u tối mà tìm tòi đường nét mới trong âm nhạc. Jazz đã bám vào trái đất này làm giầu cho kho tàng hơi thở âm thanh da màu, dan trắng, da vàng. Vẻ đẹp “bán cổ điển” phảng phất trong ánh mắt Vasa bộc lộ mảng tối u buồn của một thời trầm mình trong thú đau thương. Dường như nó đang nhường chỗ cho ánh sáng bí mật của Jazz.  


Người ta hay nói, sóng sau xô sóng trước. Lớp sóng của biển để lại vết hằn âm thanh luôn mới trên bãi cát còn nguyên vẻ hoang sơ. Lớp sóng của nhạc Jazz đã kích thích Vasa đóng lại giai điệu chính thống.


Cô muốn thay màu sự nhàm chán của người nghệ sĩ phải nhai đi nhai lại vết xe tiết tấu cũ mèm, ví như màu áo chói lòa của nàng ca sĩ thay hình đổi dạng dưới ánh đèn sân khấu - chưa chắc đã dội vào tâm hồn người nghe niềm cảm xúc tân kỳ.


Âm nhạc chẳng khác gì bức tường âm thanh băng đá nếu không có hồn người tô thắm. Ca khúc thường tạo ra cái mốc dấu chấm hết của giai điệu. Vasa không muốn chấm hết bình thường. Cô muốn tạo một cơn bão âm thanh, dữ dội, âm ỉ và thường trực nỉ non. Cơn bão Jazz.


image007Bức tường âm thanh băng đá, Vasa và ánh sáng bí mật của Jazz.


3.


Jazz bắt nguồn từ Blues, khởi đi từ ngẫu hứng của các ca nhạc sỹ da màu gốc Phi châu. Mỹ đen. Hai chữ phũ phàng những không thể thiếu trong hơi thở hùng cường và lãng mạn của nước Mỹ: thể thao và âm nhạc.


Làm sao mà một người con gái Việt Nam da vàng có thể chuyển từ không gian đen sang xanh thẫm, sang vàng, rồi lại sang xanh, để rồi hạ cánh thơ mộng xuống vùng đất âm nhạc cố cựu phương tây và phương đông để “khiêu vũ, để bày tỏ niềm tin của họ qua bài hát, để tụ tập biểu tình chống bất công, và để bảo vệ sự cam kết chắc chắn của quốc gia này đối với sự tự do và cơ hội cho tất cả mọi người.” (2)


Vasa Diệu Nga nói: Xin anh đừng lôi kéo phạm trù chính trị vào Jazz của Vasa khiến em hoảng sợ. Ở đây Vasa chỉ muốn nói đến những âm thanh của Thượng Đế đã phú cho nhân loại, đã mang đến cho Vasa nguồn cảm hứng nghệ thuật, với Vasa đời sống âm nhạc là nơi xoa dịu những muộn phiền thác gềnh trong cuộc sống và đồng thời tạo riêng cho Vasa một khung gian riêng biệt mở cửa cho một tâm hồn đam mê âm nhạc được chấp cánh bay.


Hóa ra, Vasa muốn tạo cho người nghe sự giao thoa hài hòa của các nhạc khúc phương tây và đặc biệt tình ca Việt cùng nhau bước vào khung trời Jazz niềm đam mê âm nhạc được chấp cánh bay. Sự chuyển thể này có khó khăn lắm không?  


Chẳng hạn như các ca nhạc khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, Y Vân, Trúc Phương, vv … “sặc” mùi tình “vàng khè”. Có thể nghe bằng Jazz không? Hay là nghe để so sánh giữa Jazz và làn điệu chính thống, sóng nhạc nào hay hơn, mượt mà hơn?


Vasa nhận xét: Âm nhạc là một khung trời vô giới hạn sáng tạo. Nét đẹp âm nhạc từ Tây Phương đến Á Đông đều có một vẻ đẹp một chỗ đứng riêng không thể so sánh được. Cho dù Vasa lớn lên với văn hoá Mỹ, khi nhìn vào gương mỗi sáng mình vẫn thấy một người con gái Việt Nam da vàng. Vasa luôn yêu thích  học hỏi về âm nhạc Việt và muốn làm thế nào thể hiện những gì mình đã học hỏi về âm nhạc để mang  sự mới lạ trong những bài hát Vasa trình bày.


Phần nhiều những ca khúc mà cô trình diễn trước đây mang âm hưởng “thứ”. Làn điệu “thứ” hình như nó thể hiện một tâm hồn mềm yếu trong một cá tính sôi nổi - trời phú cho cô có giọng nữ cao (soprano), bắt gặp những giai điệu tuyệt đẹp để cất lên tiếng hát của mình bay vút lên không gian?


Có lẽ là một sự tình cờ khi những ca khúc Vasa thích trình bày đều mang nhiều âm điệu Thứ, vì những bài hát này mang lại cho Vasa nhiều cảm xúc nhất. Có thể trong lời hát hoặc giai điệu đã để lại một sự ấn tượng, sự đồng cảm cùng với tác giả mà Vasa muốn tỏ ra qua giọng hát của mình.


Không phải là sự tình cờ khi những ca khúc cổ điển, bán cổ điển Tây phương và tình ca Việt chuyển sắc màu sang thể loại Jazz. Đó phải là sự chuyển hướng từ tâm não, từ trái tim. Đó là một tham vọng. Một tham vọng kết hợp các ca nhạc khúc phương Tây và phương Đông qua tiết tấu Jazz.  


Vasa đang nghĩ tới những thay đổi về giai điệu chính thống qua Jazz. Vasa thường hay nghe Natalie Cole, Diana Krall, Michael Buble vv... những loại nhạc trình bày theo cách jazz ballad hoặc là loại nhạc standards nhiều hơn là blues, hay Soul jazz thuần túy. Vườn âm nhạc có nhiều loại hoa với những màu sắc hương vị thật thu hút. Một trong những thể loại nhạc thu hút tâm hồn Vasa là  nhạc jazz êm dịu (Smooth jazz) hoặc jazz ballad.


Thế nhưng Jazz phải lệ thuộc vào dàn nhạc rất nhiều. Những nhạc công nhạc sĩ chơi Jazz là những con ve mùa hạ trên ngọn đỉnh sầu. Công việc của dàn nhạc thường dành cho nhạc trưởng, cho nhà soạn nhạc viết cho một buổi hòa nhạc (Concierto - composición musical), nhưng đối với dàn nhạc Jazz là một sắc thái độc đáo. Nó có thể chỉ là một guitar với một tiếng hát, một trumpet solo, một saxophone, một contrabass, hoặc là một tổng hợp những ngẫu hứng.


Cô tâm tình: Trong những đêm lắng đọng yên tĩnh ngồi nghe các điệu tình ca với âm hưởng Jazz luôn tạo cho Vasa một cảm giác thoải mái và nhẹ nhàng tâm hồn.


Vasa muốn mang cảm giác thoải mái và nhẹ nhàng tâm hồn của Jazz đến với khán thính giả. Hoài bão tạo vùng ảnh hưởng thẩm mỹ thưởng ngoạn mới mẻ cho người nghe là một ước vọng của Vasa. Cô muốn âm thanh Jazz, hơi thở Jazz, vẻ đẹp Jazz, thực ra, nó đang ẩn dấu trong tâm hồn chúng ta mà Vasa nhìn thấy, cô có “nhiệm vụ” quật khởi nó lên, truyền cảm hứng Jazz bùng nổ.

image008

4.


Tôi vừa nói đến hai chữ “tham vọng”. Nó có quá tải lắm không khi cường điệu cho rằng đó là một “biến cố” trong đời sống âm nhạc của Vasa? Cô muốn “biến cố” này trở thành hiện thực. Cô muốn sáng tạo sự thay đổi mới về hợp âm, về hòa âm, về nhịp điệu, về những ngón tay tài hoa và niềm rung động của các nhạc công trổ bông hưng phấn. Cô muốn phong cách diễn đạt của người nghệ sĩ trên sân khấu cũng phải thay đổi.


Khán thính giả chờ đợi những thay đổi đó trong chương trình sắp tới.


Với chương trình “Fly Me To the Moon” Vasa muốn chia sẻ với khán giả những ca khúc vui tươi hơn và đẹp lòng nhất của vườn âm nhạc Việt - Mỹ để vơi đi những nỗi buồn  đại dịch  Covid đã gây nên cho chúng ta trong thời gian vừa qua. Vasa tin rằng âm nhạc là thức ăn của tâm hồn”… như lời người Mỹ thường nói “Music is food for the soul”.


Thể loại ca khúc Jazz sắp tới của cô thuộc khuynh hướng Chamber Jazz, Cool Jazz, Free Fazz, Latin Jazz, Soul Jazz, Afro-Cuba Jazz, Sweet Jazz, hay Việt Jazz như thế nào? Cô có dự kiến thành lập một “Đông Tây Jazz Club” không?


Chương trình sắp đến một trong những dự án sẽ bao gồm những bản tình ca được hoà âm và phối mới theo phong cách Jazz Standards hoặc Smooth Jazz. Cám ơn anh đã gợi ra ý tưởng một “Đông Tây Jazz Club”. Nguồn cảm hứng để lập một “Câu Lạc Bộ Đông Tây Jazz - East West Jazz Club” là một trong những ước vọng của ban tổ chức, có lẽ phần lớn sẽ phù thuộc vào sự yêu thương của quý khán giả dành cho thể loại nhạc này nói chung và các ca nghệ sỹ cống hiến nghệ thuật Jazz nói riêng. Bản thân Vasa cũng rất mong được đóng góp và thực hiện thêm những chương trình tương tự như vầy trong tương lai.


Mong rằng những chương trình như vầy sẽ đưa Vasa hóa thân thành vì sao Jazz tỏa sáng trong vòm trời nghệ thuật âm nhạc.


Song, chưa thể biết được ánh sáng của nó vươn tới cường độ nào. Tuy nhiên, một cuộc chuyển mình tuyệt mỹ trong đời sống âm nhạc rất riêng của Vasa, có thể đánh dấu như một vụ nổ big bang. Vụ nổ giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn ám ảnh về phong cách thưởng ngoạn nghệ thuật bấy lâu nay, như một quán tính cố hữu của nghệ sĩ và khán thính giả không thể tách rời.


Visa xin đưa ra một ví dụ như theo như lời anh nói. Bài Không Tên Số 8 Vasa đã trình diễn trong chương trình đêm nhạc Vũ Thành An “Thiên Đàng Tình Yêu” trước đây, đó là một ca khúc thường được hát theo điệu Boston chậm và nhẹ nhàng. Nhưng vụ nổ “big bang” như anh nói đã khiến Vasa thay đổi hẳn. Với thể điệu slow swing hoà âm theo Jazz “Big Band”, loại nhạc Jazz danh ca Frank Sinatra đã làm nổi tiếng thập niên 40 50”, Vasa nghĩ rằng mình đã và đang cố gắng có những bước đi vững chắc vào Jazz.


Từ mấy chục năm qua, khách thưởng ngoạn bất kể các lứa tuổi già nua, trung niên thường bị đóng băng ở những “melody” slow, slowrock, boston, cha cha cha, bossa nova, rumba bolero, tango, valse, swing … Giờ đây, chúng ta có thể đến với Vasa Diệu Nga những Jazz và Jazz. Đặc biệt đối với lớp trẻ có khuynh hướng thích nhạc Mỹ, nhạc Rap, cách nào có thể lôi kéo tâm hồn giới trẻ về với nhạc Việt và bây giờ là “Việt Music in Jazz”. Xin nhường câu trả lời này cho Vasa.  


Vasa rất sung sướng được đón các bạn, đặc biệt bạn trẻ đến với Jazz trong “show” sắp tới.


Tôi có một thắc mắc rất “vớ vẩn” ngoài lề, mong cô vui lòng giải đáp: Cô là một Bác sĩ nhãn khoa, tức là vị lương y chữ bệnh mắt trầm kha của nhân loại, cô nhìn thấu bệnh lý vật thể mắt. Có một chút phân vân, một chút vội vã, hay muộn màng hơi sỗ sàng phi vật thể, đôi mắt nào soi thấu tâm hồn cô?


…………………………………………………………………………… (không trả lời).


Cô có trả thù lao cho các nhạc sĩ sáng tác được diễn trong chương trình sắp tới, và có thể (không bắt buộc) cho biết tổng chi phí để thực hiện chương trình âm nhạc “Fly me to The Moon” công phu nói trên không?


Vì Vasa không đảm trách về phần tài chánh cho chương trình, Vasa Diệu Nga không làm nghệ thuật với tư cách thương mại. Vasa xin được nhường câu hỏi cho ban tổ chức NNX Media. Theo Vasa được biết trong quá trình thực hiện những dự án  do NNX Media sản xuất đều luôn có sự đầu tư kỹ lưỡng để gửi đến khán thính giả những sản phẩm đẹp, nghệ thuật và giá trị.

image009

Jazz hạ cánh xuống miền đất khô cằn


1.


Nếu không đến nỗi quá lời, tôi nghĩ rằng đời sống âm nhạc Việt đang trải qua miền đất khô cằn hạn hán. Ca khúc Việt trong nước bị đưa lên võ đài chính trị. Tình ca là tiếng lòng thổn thức của con người, tiếc thay, một thời gian dài nó bị nhuộm hết vàng lại đỏ, hết đỏ lại vàng. Xanh không nổi. Những nghệ sĩ âm nhạc, những tiếng hát của một thời rụng như lá mùa thu.


Miền đất âm nhạc khô héo mãi tất nó phải chết. 


Trong nước, khó có thể định hình được đời sống âm nhạc ở trạng thái nào. Gia tài tình ca miền Nam trước đây được thiên hạ mại dô vô tội vạ, nhạc vàng làm giầu vô kể cho các giọng hát thời thượng bình dân.


Sáng tác mới chưa bộc lộ được hồn của tình ca nhân văn chân thiện mỹ. Nó còn nằm ngủ trong cái khoảng tư duy vật lộn với chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa lãng mạn không tưởng. Người nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa thực dụng (Con đường tình ta đổi lại là Con đường tiền ta đi!), ca tụng cái thứ tình yêu gì đó nghèo nàn, chắp vá, gắng gượng về ca từ lẫn nền nhạc. Tất nhiên không thể phủ nhận Thượng đế sinh ra loài người là để hôn nhau, yêu nhau.


Tôi nghe nói đâu đó có một vài nhạc sĩ cấm một vài ca sĩ thời thượng hát nhạc của tác giả. Chán. Tôi nghe nói đâu đó có cuộc tranh cãi kịch liệt vì có người đòi xóa bỏ ca từ hoặc tìm cách đổi mới ca từ nguyên gốc của tác giả. Lý do: lằn ranh quốc cộng!!! Nản. Tôi nghe nói đâu đó có đại chiến trên sân khấu giữa tình ca đỏ và tình ca vàng. Khổ!!!


Hải ngoại cũng chẳng hơn gì. Họa hoằn lắm mới có một vài sáng tác có tầm vóc giá trị nghệ thuật.


2.


Chương trình “Fly me to The Moon” nhìn qua cũng chỉ là một “show” ca nhạc, nếu không có sự đột phá cải cách nội dung, ban nhạc hòa âm và phong cách biểu diễn.


Khán thính giả hy vọng danh ca Tuấn Ngọc và ca sĩ Vasa sẽ làm nên vụ nổ lớn khi đầu tư vào “Fly me to The Moon”.


Ca sĩ Vasa Diệu Nga nói: “một chương trình ca nhạc khá mới lạ trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Việt chúng ta ở hải ngoại. Đó là một chương trình âm nhạc được cải biên từ giai điệu chính thống sang thể loại Jazz”.


Tuấn Ngọc, một ca sĩ có tâm hồn hướng thượng đối với nề âm nhạc Việt, ông đã hợp tác tận tình với Ca sĩ Vasa Diệu Nga và nhóm NNX Media.


Tuấn Ngọc vốn xuất thân là một ca sĩ nhạc trẻ thời Saigon thập niên 1965-1975, sân khấu là các club. Với giọng hát khỏe, rõ từng lời từng nốt, ấm áp trong luyến láy sang trọng, nam ca sĩ này luôn chứng tỏ có một bề dày trình diễn các thể loại ca khúc, không hổ danh là một ca sĩ dạn dày kinh nghiệm. Sau này, những tình ca của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên và một số nhạc sĩ tình ca vàng miền nam VN khác đã đưa tiếng hát Tuấn Ngọc lên đài danh vọng.


Hợp tác với Vasa Diệu Nga mỹ lệ trong các ca khúc cổ điển nguyên tác Âu, Mỹ, chương trình “Fly me to The Moon” - Jazz như một tia chớp trong làng nhạc Việt trên đất Mỹ. Jazz như một lối thoát cho dòng khe nhỏ róc rách cạn nguồn phù sa. Vasa cố gắng mở đường cho dòng khe cổ điển và ca khúc vàng tuôn vào dòng sông lớn Jazz để sánh vai với kho tàng nghệ thuật âm nhạc thế giới.


Trong ý nghĩa nào đó, sự khiêm tốn, sự đóng góp của người nghệ sĩ rất đáng kể. Trong trào lưu khai phá âm nhạc. Jazz Vasa Diệu Nga sẽ hạ cánh xuống miền đất khô cằn, ngự trị trong tâm hồn và miền đất của những người say mê âm nhạc.

image010

3.


Đề nghị nhỏ: Trong cuộc trao đổi giữa tôi và Ca sĩ Vasa Diệu Nga, tôi có gợi ý về dự án (project) thành lập một Câu Lạc Bộ Đông Tây Jazz (East West Jazz Club). Có vẻ như Vasa thích ý tưởng này. Cô nói cô cũng có ước vọng như vậy.


Thực tế, trong không gian âm nhạc khô hạn ở hải ngoại, tuy đã có những năng lực sáng tạo đa dạng đóng góp vào kho tàng tân nhạc Việt Nam, các nghệ sĩ, các nhà sản xuất, các trung tâm biểu diễn “show”, phần lớn đều chăm chú vào “nghệ thuật kinh doanh”, hoặc đầu tư những chủ đề có tính hoài niệm thời sự.


Đối với Vasa thì lại là vấn đề khác. Cô cho biết, Vasa không làm văn nghệ thương mại. Âm nhạc là một thái độ phản kháng bộc lộ bản thể con người, bộc lộ cái đẹp tối thượng của âm nhạc là vị nhân sinh, vị nghệ thuật.


Nhưng thời gian tàn ác không buông tha nghệ sĩ, một thời để hát, một thời sáng tác hưng phấn tột độ. Không người nghệ sĩ nào không muốn để lại gia tài của mình với thời gian, nghệ sĩ âm nhạc cũng vậy, nó có thể mờ đi nhưng không bao giờ chết.


Tôi hy vọng Ca sĩ Vasa Diệu Nga với Câu Lạc Bộ Đông Tây Jazz (East West Jazz Club) sẽ là niềm “đam mê lâu dài” của Vasa và những nghệ sĩ yêu thích Jazz, cùng nhau mở ra một chân trời xanh ngắt trong bầu trời âm nhạc bao la.


4.


Bài viết này kết thúc khoảnh khắc chiều thu không ở xứ Cali, nơi có “Những chiều không không có em… sao nhớ quá, giấc mơ tình yêu chưa trọn”. Thảo nào Phạm Duy thảng thốt “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”, Frank Sinatra níu kéo But I miss you most of all, my darling, when autumn leaves start to fall”. Ôi! tiếng kèn trumpet rã rời não nuột của Louis Amstrong.

image011

Một chút “vu vơ” với chiếc lá đong đưa vào sự hào nhoáng của ánh đèn sân khấu, sự quyến rũ mê hồn của âm thanh điện tử sẽ đốn ngã “tiếng hát mộng mị bâng khuâng giữa âm nhạc, giữa cuộc đời, và giữa tình yêu”.


Cuối cùng, xin nhắc quý bạn yêu nhạc, nhớ đến vùng trời u mặc của không gian đen thăm thẳm xanh, nơi đó có Jazz, những Jazz và Jazz Vasa Diệu Nga - chiều Chủ Nhật 21/11/2021.


Lý Kiến Trúc

California 02 /11/2021


Trích từ tập thơ: “Dừng lại đâu đó một lúc rồi đi”.

Tháng 6 là tháng âm nhạc của người Mỹ gốc Phi Châu tại Hoa Kỳ. Ngày 7 tháng 6 năm 1979, Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã ban hành sắc lệnh ghi nhận Tháng 6 là Tháng âm nhạc của người da đen ở Mỹ. (www.en.wikipedia.org.) Trong tuyên bố năm 2016, Tổng Thống Barack Obama nói rằng âm nhạc và các nhạc sĩ người Mỹ gốc Phi Châu đã giúp đất nước này “để khiêu vũ, để bày tỏ niềm tin của họ qua bài hát, để tụ tập biểu tình chống bất công, và để bảo vệ sự cam kết chắc chắn của quốc gia này đối với sự tự do và cơ hội cho tất cả mọi người.”

19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)