Danh họa Mai Thứ và duyên nợ với Mâcon

21 Tháng Tám 20219:57 SA(Xem: 4298)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ BẨY 21 AUGUST 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Danh họa Mai Thứ và duyên nợ với Mâcon


RFI 20/08/2021


image006Âm nhạc cũng là một trong những đề tài thường được họa sĩ kiêm nhạc sĩ Mai Thứ thể hiện trong các bức tranh của ông. Ảnh chụp tại triển lãm tranh Mai Thứ ở Mâcon. © RFI


Thanh Phương


Trong mùa hè này, nền hội họa Việt Nam đang được vinh danh tại Pháp với cuộc triển lãm đặc biệt các tác phẩm của cố họa sĩ Mai Trung Thứ tại Viện bảo tàng Ursulines của thành phố Mâcon, miền trung nước Pháp, một thành phố mà nhà danh họa đã có nhiều duyên nợ.


Là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930 ), Mai Thứ là một họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, đặc biệt là những tác phẩm tranh lụa. Ông là một trong bốn họa sĩ được mệnh danh là nhóm « tứ kiệt trời Âu » của nền hội họa Việt Nam (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm). Ngay khi bước vào phòng triển lãm tranh Mai Thứ, ta có thể nhìn thấy bức hình thật lớn chụp họa sĩ Mai Thứ và một số bạn đồng khóa (Lê Phổ, Georges Khánh, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung , Lê Văn Đệ, chụp với họa sĩ Pháp Victor Tardieu, đồng sáng lập viên và là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.


Tốt nghiệp ở Việt Nam, nhưng phần lớn cuộc đời của ông, Mai Thứ sống và làm việc ở Pháp, trong đó có hai năm sống tại thành phố nhỏ Mâcon. Ông đã để lại đây nhiều dấu ấn, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thành phố này đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên « Mai-Thu (1906-1980) écho d'un Vietnam rêvé » (“Mai Thứ (1906-1980) tiếng vọng từ một Việt Nam trong  mơ”).


Tổng cộng 140 tác phẩm của nhà danh họa được trưng bày tại cuộc triển lãm kéo dài từ ngày 16/6 đến ngày 24/10 tại Bảo tàng Ursulines ở Mâcon với sự hợp tác của Bảo tàng Cernuschi (Bảo tàng Nghệ thuật châu Á của Paris), cùng sự hỗ trợ và tham gia của bà Mai Lan Phương, con gái của danh họa Mai Trung Thứ. 


Đây là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm nhiều tác phẩm của Mai Thứ như thế, Cho nên sự kiện này thu hút rất nhiều khách đến xem, đặc biệt là người dân thành phố Mâcon, vốn xem danh họa Việt Nam như là một người của họ.


Publicité


Điều đáng nói là trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc Viện bảo tàng Ursulines, nơi trước đây là một tu viện thế kỷ 17, bà Michèle Moyne Charlet không hề biết đến tranh của Mai Thứ, nhưng ngay từ khi khám phá các tác phẩm của danh họa Việt Nam, bà đã nghĩ ngay đến chuyện tổ chức cuộc triển lãm này. Trả lời RFI Việt ngữ, bà cho biết:


“Tôi đã có ý định tổ chức cuộc triển lãm này ngay từ khi tôi đến làm việc ở Mâcon vào cuối năm 2017. Tình cờ tôi phát hiện trong nhà thờ Thánh Phêrô một bức tranh tường rất lạ, vì đó là bức vẽ để tuyên dương những người lính thời Thế chiến thứ nhất. Hiếm có một tác phẩm như vậy trong một nhà thờ. Hơn nữa, cùng với những người lính là hình ảnh Đức Mẹ với những nét châu Á. 


Bức tranh đặc biệt đó đã gợi lên sự tò mò của tôi. Sau đó, tôi đã liên lạc với con gái của họa sĩ Mai Thứ. Bà ấy đã giúp tôi rất nhiều, vì lúc ấy bà cũng đang thực hiện một bộ toàn tập các tác phẩm của cha, cho nên quan hệ rất nhiều với các nhà sưu tập khác . Bà ấy đã cho chúng tôi mượn một phần trong bộ sưu tập và giúp tôi liên lạc với các nhà sưu tập khác. Nhờ vậy mà chúng tôi đã có thể quy tụ được 140 tác phẩm cho cuộc triển lãm này.”


image007Giám đốc Bảo tàng Ursulines Michèle Moyne Charlet trước một tác phẩm của danh họa Mai Thứ được trưng bày ở Mâcon, Pháp. © RFI


Các tác phẩm được trưng bày tại Mâcon tiêu biểu cho sự nghiệp của danh họa từ đầu thập niên 1930 cho đến thập niên 1970, phản ánh những chuyển biến về phong cách của nhà doanh họa Việt Nam.


Trong những năm học ở trường Mỹ Thuật, lúc đầu Mai Thứ vẽ tranh sơn dầu mô tả cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này mà trong đó thời gian ở Mâcon là một dấu mốc quan trọng. Bà Michèle Moyne Charlet, giám đốc Viện bảo tàng Ursulines, nêu bật mối liên hệ giữa Mai Thứ với Mâcon:


“Mối liên hệ giữa Mai Thứ với Mâcon rất quan trọng, vì nghệ sĩ đã đến thành phố này vào năm 1940, lúc ấy ông là quân nhân phục vụ trong quân đội Pháp. Tại sao ông lại đến Mâcon? Là bởi vì thành phố này là trung tâm giải ngũ rất lớn, và cũng nơi trú đóng của một trung đoàn bộ binh. Thật ra thì chúng tôi không có nhiều tư liệu để giải thích về việc Mai Thứ được giải ngũ ở đây. Nhưng rõ ràng là ông đã được các gia đình ở Mâcon chú ý ngay khi vừa đến thành phố. 


Tại Mâcon thời đó có một phụ nữ hoạt động rất tích cực, bà đã lập ra một tòa nhà dành cho các binh lính giải ngũ để họ có nơi thư giãn, đọc sách, hội họp với nhau. Tòa nhà này nằm ở số 31 đường Dufour, trung tâm Mâcon, được khánh thành tháng 02/1940. Bà cũng đã lập ra một ủy ban để quản lý trung tâm, quy tụ những nhân vật có ảnh hưởng trong thành phố. Chính tại tòa nhà này mà bà đã gặp họa sĩ Mai Thứ, đến đây để vẽ tranh, rồi giới thiệu cho những người bạn. Từ đó mà họa sĩ lập các mối quan hệ với Mâcon, nhất là với một nhân vật quan trọng là ông Louis Combeau, lúc ấy vừa là dược sĩ, vừa là nghị viên hội đồng thành phố và là thành viên của phòng thương mại thành phố.


Ông Combeau đã đặt Mai Thứ vẽ nhiều tranh, độc đáo nhất là các bức chân dung. Cậu bé mà ông thấy trong bức tranh này chính là Pierre Combeau, con trai của ông Louis Combeau. Đó là những bức chân dung vẽ theo phong cách phương Tây, như bức tranh trên lụa này, chân dung một phụ nữ trẻ với đứa con, được vẽ vào năm 1941. Phụ nữ này là vợ của một bác sĩ, là con dâu của người sáng lập bệnh viên tư ở Mâcon, Jean-Baptiste Denis, một gia đình cũng rất quan trọng ở thành phố này.”.


image008Bức chân dung một phụ nữ ở Mâcon do Mai Thứ vẽ vào năm 1941. © RFI


Tại triển lãm, chúng ta thể thấy một số bức chân dung mà Mai Thứ đã vẽ cho một số người dân thành phố Mâcon, với những đường nét rất sắc sảo, và với chất liệu màu khá đặc biệt, tuy là chân dung người phương Tây, nhưng cũng phản phất một nét Á đông nào đó. Cũng chính là qua họa sĩ Mai Thứ mà người dân ở thành phố Mâcon nói riêng và công chúng ở Pháp nói chung khám phá kỹ thuật vẽ tranh lụa, theo lời giám đốc Viện bảo tàng Ursulines:


“Ngay từ khi ở Mâcon, ông đã thật sự phát triển kỹ thuật vẽ tranh trên lụa, tuy rằng ông đã bắt đầu vẽ tranh trên vật liệu này khi còn ở Việt Nam. Để vẽ các bức tranh trên lụa đó, Mai Thứ đã vẽ nhiều bức họa nháp. Người ta thấy ngay ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Việt Nam trong các bức tranh của ông.


Có một giai thoại có ý nghĩa về các bức tranh này của Mai Thứ, đó là bảng vẽ mà ông thấy ở đây đã được tìm thấy trong gác xép của một cửa hàng vào năm 2014 khi cửa hàng này được bán. Cùng với bảng vẽ là một bức tranh vẽ nháp nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon. Đó là những thứ mà Mai Thứ đã để lại trong cửa hàng của một người thợ làm khung và cũng là một nhà sưu tầm nghệ thuật, luôn hỗ trợ các nghệ sĩ và chắc là có mối quan hệ đặc biệt với Mai Thứ. Cửa hàng này được bán vào năm 1960, khi chủ cửa hàng về hưu, nhưng những người chủ mới vẫn giữ các bức tranh trên gác xép và chỉ đến tận năm 2014 mới được tìm thấy trở lại. Triển lãm tranh Mai Thứ được tổ chức tại Mâcon chính là vì những mối quan hệ đặc biệt đó.”


Không có gì đáng ngạc nhiên khi rất đông đảo công chúng tại Mâcon đã đến thưởng lãm các bức tranh của nhà danh họa, mà đối với họ giống như một người thân quen, đặc biệt là  những người đã từng được Mai Thứ vẽ chân dung lúc còn nhỏ, hoặc  con cháu của những người này. Bà Michèle Moyne Charlet cho biết: 


“ Ai cũng rất hào hứng, triển lãm đạt rất nhiều thành công ở địa phương. Đối với người dân thành phố, nhất là vị khách đã nhận ra mình trên bức tranh này, có rất nhiều cảm xúc. Nhiều người trong số họ đã rất muốn triển lãm tranh Mai Thứ được tổ chức ở Mâcon. Đây là một dự án đã có từ lâu và nay đã được thực hiện tốt đẹp. Ví dụ như người phụ nữ trong bức tranh lụa này chính là một nhân viên trong hiệu thuốc của ông Louis Combeau. Có một mối liên hệ giữa những người đã từng được Mai Thứ vẽ chân dung.


Tôi cũng muốn nói thêm một điều là khi trong thời gian ở Mâcon, Mai Thứ cũng đã đem tranh đến Lyon để triển lãm tại Galerie Bellecourt. Và khi đã nổi tiếng ở Pháp rồi, ông có trở lại Mâcon vào năm 1954 để triển lãm các bức tranh lụa của ông. Như ông thấy, ở đây chúng tôi có trưng bày tấm áp phích quảng cáo cuộc triển lãm ấy tại trụ sở hiện nay của Phòng thương mại Mâcon. Cuộc triển lãm được tổ chức theo sáng kiến của ông Louis Combeau. Chính ông Combeau đã mời Mai Thứ trở về Mâcon. Tại triển lãm, họa sĩ có cho chiếu một bộ phim về kỹ thuật vẽ tranh trên lụa mà ông thực hiện vào năm 1948. Phim này đã gây ấn tượng mạnh cho người dân thành phố Mâcon vào thời ấy. Báo chí đã đưa tin nhiều về cuộc triển lãm này.”


Có thể nói thời gian sống tại thành phố Mâcon tuy chỉ có khoảng hai năm, nhưng thành phố này như là một bệ phóng đưa Mai Thứ đến một chân trời xa hơn là Paris, nơi mà ông đã thật sự tạo danh tiếng, đến mức trở một trong những họa sĩ Việt Nam đắt giá nhất, với bức tranh "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt mức giá kỷ lục 3,1 triệu đôla, trở thành bức tranh cao nhất có giá công khai của mỹ thuật Việt Nam tại Sotheby's Hong Kong ngày 18/04 năm nay, gây xôn xao trong giới mỹ thuật.


image009“Thiếu nữ khỏa thân soi gương”. Một “phó bản” tranh của Mai Thứ in trên gỗ trong bộ sưu tập tranh của nhà báo Lý Kiến Trúc.
25 Tháng Giêng 2023(Xem: 1666)
06 Tháng Giêng 2023(Xem: 1582)
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 1482)