VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ TƯ 30 JUNE 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Tranh Việt giá triệu đô tại sàn Christie’s Hong Kong
'Bộ sưu tập' giá 230 tỉ đồng của mỹ thuật Việt
26/05/2021
TTO - Chỉ trong vòng 1 tháng, nền mỹ thuật Việt Nam đã có thêm 3 bức tranh nằm trong 'bộ sưu tập' triệu USD qua các phiên đấu giá quốc tế.
Tác phẩm Thiếu nữ choàng khăn của họa sĩ Lê Phổ - Ảnh: CHRISTIE'S
Tác phẩm Thiếu nữ choàng khăn của danh họa Lê Phổ được gõ búa 1,1 triệu USD (tương đương 25 tỉ đồng) vào tối 24-5-2021 tại sàn Christie’s Hong Kong nằm trong dự đoán của các nhà quan sát.
"Cú hích" từ tranh của hoạ sĩ Lê Phổ
Có thể nói không ngoa, giá tranh hiện nay của các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tăng như… dân số, mất vài chục năm để đạt 1 triệu USD nhưng một khi đã chạm ngõ được thì thời gian để tranh vượt mốc này sẽ rút ngắn lại, thậm chí tính bằng năm, bằng tháng.
Họa sĩ Lê Phổ cũng chính là người bắn phát pháo mở màn cho sự thăng hoa của thị trường tranh Việt. Bức Đời sống gia đình của ông được bán vào năm 2017 với mức 1,1 triệu USD đã khiến người yêu nghệ thuật nức lòng.
Bức tranh từng đi lòng vòng qua tay vài nhà sưu tập trong nhiều năm liền để rồi tạo nên cú hích khi tham gia phiên đấu giá của nhà Sotheby’s.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi từ Paris đã thốt lên: "Đây là một dấu mốc quan trọng, có tính giải tỏa tâm lý, vì ở "một góc châu Á", một họa sĩ Việt Nam đã vươn ra thế giới. Đây cũng là dấu mốc hi vọng của tranh Việt, tranh càng có giá cao, lần bán sau giá sẽ vượt cao hơn nữa, đó là quy luật chung trên thị trường".
Tác phẩm Đời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ - Ảnh: SOTHEBY'S
Không lâu sau, những lời tiên đoán ấy được chứng thực. Tháng 3-2019, tác phẩm sơn mài Chín con cá chép trong hồ nước được vẽ trong thời kỳ sáng tác đỉnh cao của Phạm Hậu đạt 1 triệu USD.
Chừng hai tháng tiếp theo, trong cùng một phiên đấu giá, bức Vỡ Mộng của họa sĩ Tô Ngọc Vân và Khỏa Thân của Lê Phổ lần lượt mang về 1,1 triệu USD và 1,4 triệu USD.
Trong khi tác phẩm Vỡ Mộng đặt người phụ nữ trong chiếc bóng văn hóa Nho giáo, bức Khỏa thân lại thể hiện tài năng trác tuyệt của Lê Phổ trong mảng tranh khỏa thân với sự dứt bỏ hoàn toàn văn hóa Á Đông truyền thống.
Tác phẩm Chín con cá chép trong hồ nước của họa sĩ Phạm Hậu - Ảnh: SOTHEBY'S
Tác phẩm Vỡ mộng của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh: CHRISTIE'S
Tác phẩm Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ - Ảnh: CHRISTIE'S
Cuộc chơi khó đoán định
Mới đây nhất, chỉ vỏn vẹn từ giữa tháng 4 đến nay, 3 tác phẩm Chân dung cô Phương (Mai Trung Thứ), Phong cảnh chùa Thầy (Phạm Hậu) và Thiếu nữ choàng khăn (Lê Phổ) đã phá mốc triệu đô.
Đáng nói, Chân dung cô Phương có giá lên đến 3,1 triệu USD đã trở thành "quả bom" trên thị trường. Như lời nhà nghiên cứu Phạm Long chia sẻ, cuộc chơi nghệ thuật từ giờ sẽ rất khó đoán định trước sự tham gia của những nhà sưu tập sừng sỏ, có đủ khả năng tài chính để nắn dòng chảy mua - bán tranh.
Riêng 7 bức tranh trên đã đem lại 10 triệu USD (tương đương 230 tỉ đồng) cho nền mỹ thuật Việt Nam. Không chỉ vậy, mức giá chót vót đã nâng khối lượng giao dịch (volume) tranh Việt trên thị trường lên rõ rệt, tác phẩm vượt 500.000 USD hiện rất nhiều và khả năng thanh khoản cũng tăng theo.
Tác phẩm Phong cảnh chùa Thầy của họa sĩ Phạm Hậu - Ảnh: SOTHEBY'S
Tác phẩm Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ - Ảnh: SOTHEBY'S
Thú vị hơn, những tác phẩm nằm trong "bộ sưu tập" triệu đô này đều được bán trong những phiên đấu giá mùa xuân quan trọng của các sàn quốc tế. Điều đó cho thấy sự chú ý đặc biệt của thị trường dành cho các danh họa Đông Dương.
Tuy nhiên, hầu hết danh tính của nhà sưu tập đều không được công khai khiến các nhà quan sát dấy lên nỗi lo đây chỉ là cuộc chơi đầu cơ, thổi "bong bóng" của vài cá nhân. Nếu quả thật như vậy, về lâu dài, thương hiệu tranh Việt có thể bị tổn hại một khi "bong bóng" vỡ tung hoặc không còn đủ hấp dẫn nữa. MAI THỤY
Mona Lisa của danh họa Mai Trung Thứ sẽ làm nên chuyện?
22/05/2021
TTO - Xuất hiện trong phiên đấu giá do nhà Christie’s Hong Kong tổ chức tối 24-5, bức họa La Joconde (Mona Lisa) của Mai Trung Thứ được kỳ vọng sẽ 'làm nên chuyện'.
Tác phẩm Mona Lisa của họa sĩ Leonardo Da Vinci (trái) và của họa sĩ Mai Trung Thứ - Ảnh: GETTY IMAGES
Phỏng theo tuyệt tác cùng tên của Leonardo da Vinci, bức tranh Mona Lisa do họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác sẽ mở bán trong khuôn khổ phiên đấu giá 20th and 21st Century Art Evening Sale với mức giá dự kiến 300.000 - 400.000 USD.
Trong quá trình sinh sống ở Pháp, Mai Trung Thứ (1906 - 1980) đã thụ nhận âm hưởng hội họa đặc sắc từ các bậc thầy Phục hưng.
Ông không ngần ngại thể hiện lại những kiệt tác phương Tây. Thế nhưng, nỗi niềm nhung nhớ quê hương đã thổi cảm hứng Việt Nam vào tranh Mai Trung Thứ. Bức Mona Lisa (1974) nằm trong số này.
Họa sĩ Mai Trung Thứ có nhiều bức vẽ phái sinh từ tranh danh họa phương Tây, trong đó có tác phẩm Grande Odalisque của Jean Auguste Dominique Ingres (trái) - Ảnh: GETTY IMAGES
Nàng Mona Lisa của ông mang đậm nét phụ nữ Việt Nam với chiếc khăn voan trùm đầu. Sự phóng khoáng của Leonardo da Vinci khi tạo nên hiệu ứng gò ngực căng tràn trong tác phẩm gốc được Mai Trung Thứ tinh tế khoác lên chiếc áo dài truyền thống.
Họa sĩ cũng biến chuyển một cách khéo léo khung cảnh đằng sau chân dung người phụ nữ, từ một không gian đậm chất kỳ ảo Tây phương trở nên gần gũi tựa những ngọn núi len giữa con nước vịnh Hạ Long.
Năm 2010, một bức tranh khác của ông vẽ nàng Mona Lisa (1961) chỉ đạt giá 17.000 USD (tương đương 391 triệu đồng) trên sàn Sotheby’s. Tuy nhiên, tác phẩm được vẽ năm 1974 đem ra đấu giá lần này được tiên lượng có thể nằm trong danh sách "tranh triệu đô" của Việt Nam.
Sự đột phá trên là khả dĩ trong bối cảnh bức Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ vừa thiết lập kỷ lục tranh Đông Dương với mức giá 3,1 triệu USD, đẩy thương hiệu của danh họa lên một tầm mới.
Mona Lisa (1974) của Mai Trung Thứ được gõ búa lần đầu vào năm 1998, không rõ chủ sở hữu. Sàn Christie’s Hong Kong chỉ cho biết tác phẩm nằm trong "một bộ sưu tập quan trọng ở châu Á".
Trong phiên đấu giá tối 24-5, các sáng tác của họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng sẽ được mở bán với mức giá dự kiến rất cao, tiêu biểu như bức Young Lady Tying Her Scarf (lên đến 1,1 triệu USD) của Lê Phổ.
Dự đoán xu hướng giá bức Mona Lisa của họa sĩ Mai Trung Thứ, nhà nghiên cứu Phạm Long cho rằng đây sẽ là một phiên bỏ giá phức tạp. Thông thường, giá tranh của Mai Trung Thứ không quá cao do ông trung thành với một phong cách nhất định và để lại khá nhiều bức vẽ.
Tuy nhiên, có khả năng nhà sưu tập sẽ lợi dụng đà tăng giá tranh của Mai Trung Thứ, tự bỏ tiền túi mua lại tranh của mình và chờ một thời gian sau mặt bằng giá nâng cao hơn sẽ bán ra thị trường. Đây cũng là một thủ thuật thường thấy ở những nhà sưu tập "sừng sỏ".
Hai bức vẽ khác của họa sĩ Mai Trung Thứ về chủ đề Mona Lisa - Ảnh: GETTY IMAGES
Tác phẩm của Mai Trung Thứ là phái sinh hay đạo nhái?
Mỗi lần xuất hiện, các phiên bản Mona Lisa của Mai Trung Thứ đều vướng vào cuộc tranh cãi về lằn ranh sáng tạo và đạo nhái trong tác phẩm.
Trong khi một số ý kiến cho rằng tranh ông là sự sao chép trắng trợn kiệt tác của Leonardo da Vinci, nhiều người chỉ ra đây đích xác là tranh phái sinh.
Tác phẩm phái sinh gồm một số đặc điểm như sau: Thứ nhất: hình thành trên cơ sở thay đổi tác phẩm gốc, có dấu ấn của tác phẩm gốc; khi tiếp xúc với tác phẩm phái sinh, công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc. Thứ hai: mang dấu ấn cá nhân của tác giả tác phẩm phái sinh. Và thứ ba: hình thức thể hiện phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.
Bức Mona Lisa của Mai Trung Thứ đều thể hiện trọn vẹn những nét đặc trưng trên.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long phân tích: "Trong mỹ thuật hiện đại, chữ "nhái" bị hiểu sai rất nhiều.
Ngày xưa, giới hội họa vẫn luôn có truyền thống chép lại tranh các tiền bối đi trước, vừa để học hỏi, thể hiện lòng ngưỡng mộ, vừa để được truyền cảm hứng sáng tác.
Còn ngày nay, "nhái" bị hiểu theo kiểu sao chép tác phẩm của người khác để hòng tư lợi. Nghĩ theo hướng này rất tiêu cực và không đúng với bối cảnh mỹ thuật thời trước.
Bức Mona Lisa đã tạo cảm hứng sáng tác cho hàng loạt họa sĩ danh tiếng chứ không riêng gì họa sĩ Mai Trung Thứ. Nhìn vào tác phẩm, người xem vẫn nhận biết ngay được đó là bức được phỏng theo tranh của Leonardo da Vinci.
Trên nền tảng ấy, họa sĩ Mai Trung Thứ đã thể hiện bút pháp riêng biệt của mình. Như vậy thì không gọi là đạo tranh được". MAI THỤY